…..
Victor Hugo
Những Người Khốn Khổ (2)
Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch
PHẦN THỨ NHẤT
PHĂNG TIN (Fantine)
QUYỂN II
SA NGÃ
Chương III
DŨNG CẢM NHẮM MẮT VÂNG LỜI
…..
Cửa mở ra.
Cửa mở toang thật mạnh như có người đẩy thốc vào một cách quả quyết.
Một người bước vào.
Người ấy, chúng ta biết là ai rồi. Chính là người khách bộ hành lang thang tìm chỗ trọ ban nãy.
Hắn bước vào một bước rồi dừng lại, cứ để cửa mở toang ở đàng sau. Hắn đeo ba lô trên vai, tay cầm gậy mắt đầy vẻ thô lỗ, táo tợn, mệt nhọc và phũ phàng. Ánh lửa trong lò sưởi rọi vào hắn. Trông hắn thật gớm chết. Chẳng khác gì ma quỉ hiện hình.
Bà Magơloa giật nẩy mình, sợ hết vía, bủn rủn cả người, chỉ đứng há hốc mồm không kêu nổi tiếng nào.
Cô Baptistin quay ra thấy người lạ mặt vào thì hoảng hốt nhổm người lên, nhưng dần dần ngoảnh mặt về phía lò sưởi, nhìn kỹ ông anh, nét mặt cô trở lại bình tĩnh và trong sáng.
Ông giám mục bình tĩnh nhìn khách.
Ông vừa định cất tiếng hỏi khách muốn gì thì người lạ mặt chống cả hai tay lên đầu gậy, đưa mắt nhìn hết ông già đến hai người đàn bà và không chờ ông hỏi, lớn tiếng nói:
– Thế này này, tôi tên là Giăng VanGiăng, tù khổ sai. Tôi đã ở mười chín năm trong nhà lao. Tôi được thả bốn hôm nay và bây giờ tôi đương đi về Pôngtácliê. Bốn ngày nay tôi đi bộ từ Tulông về đây. Ngày hôm nay đi những mười hai dặm. Lúc chập tối đến đây, tôi vào một hàng cơm, họ đã đuổi tôi vì tấm thông hành màu vàng tôi đưa trình ở thị xã. Không đưa trình sao được! Tôi lại đến một quán khác, chỗ nào họ cũng bảo: “Cút đi”. Chẳng ai muốn chứa tôi cả. Tôi đến đằng chỗ nhà giam người gác không chịu mở cửa. Tôi chui vào một cái ổ chó, chó cũng cắn tôi và đuổi tôi y như người vậy, ý chừng nó cũng biết tôi là người như thế nào. Tôi bỏ ra ngoài đồng định tìm chỗ ngủ dưới ánh sao trời. Trời lại tối đen, không có sao. Tôi sợ mưa. Có Đức Chúa nào tốt để ngăn khỏi mưa đâu, nên tôi lại trở vào tỉnh tìm một xó cửa. Đến quảng trường, tôi đã định ngủ trên ghế đá thì có một bà già phúc đức trỏ nhà ông và bảo: “Cứ gõ cửa mà vào”. Thế là tôi gõ cửa. Đây là đâu? Có phải là một quán trọ không? Tôi có tiền. Tiền lưu công đấy. Một trăm linh chín phơrăng mười lăm xu tiền công của tôi làm trong mười chín năm ở tù. Tôi sẽ trả tiền. Có hề gì đâu! Tôi có tiền mà. Cuốc bộ những mười hai dặm, bây giờ tôi mệt quá rồi và đói lắm. Ông có cho tôi ở lại đây không?
– Bà Magơloa, dọn thêm một người ăn nữa.
Người lạ mặt bước tới gần cây đèn để trên bàn. Hình như hắn chưa hiểu ra sao cả nên nói tiếp:
– Này, không phải thế. Ông đã nghe rõ chưa? Tôi là một thằng tù khổ sai, một thằng trọng phạm vừa đi đày về.
Hắn rút trong túi một tờ giấy vàng rộng khổ, mở ra:
– Đây, giấy thông hành của tôi đây, ông xem, màu vàng đấy. Cũng vì nó mà ở đâu người ta cũng xua đuổi tôi. Ông có muốn đọc không? Tôi cũng biết đọc đấy. Học ở trong tù mà. Họ có mở lớp cho ai muốn học thì học. Đây này, người ta ghi vào giấy thông hành như thế này: “Giăng VanGiăng, tù khổ sai được mãn hạn, sinh tại… – cái này ông chẳng cần biết làm gì… – đi đày mười chín năm. Năm năm vì tội ăn trộm có trèo tường bẻ khóa. Mười bốn năm vì tội toan vượt ngục bốn lần. Tên này rất nguy hiểm”. Đấy, ai cũng tống cổ tôi ra ngoài. Còn ông, ông có chịu chứa không? Đây có phải là quán trọ không? Ông có cho tôi ăn và ngủ lại không? Có cái chuồng ngựa nào không?
Ông giám mục lại gọi:
– Bà Magơloa, lấy tấm khăn trắng trải lên giường khách.
Bà Magơloa vâng lời bước ra. Cách hai bà già trong nhà này vâng lời ông giám mục như thế nào, chúng tôi đã trình bày rồi. Ông giám mục lại quay sang phía khách:
– Kìa ông, ngồi xuống đây mà sưởi cho ấm. Một lát nữa chúng ta sẽ ăn cơm. Trong khi ăn sẽ có người dọn giường để ông nghỉ.
Đến đây khách mới thật hiểu. Nét mặt hắn từ nãy đến giờ tối sầm và khắc khổ bỗng lộ vẻ kinh ngạc, vui sướng, nghi ngại và trở nên kỳ lạ. Hắn lắp bắp như một người điên:
– Thật thế ư? Ông chứa tôi à? À, ông không duổi tôi, một tên tù khổ sai! Mà ông lại gọi tôi bằng ông! Chứ không gọi thằng nọ thằng kía. Chả bù với thiên hạ, họ chỉ quát: “Đồ chó, xéo ngay!” Ban nãy tôi cũng tưởng rồi ông sẽ đuổi tôi nên tôi phải nói ngay tôi là ai cho ông biết. Chao ôi! May làm sao mà lại gặp cái bà quí hóa, bà chỉ cho tôi vào đây! Tôi có cơm ăn! Lại có giường nắm! Cả chăn đệm nữa! Như tất cả mọi người! Nhưng mười chín năm nay, tôi có hề được nàm giường bao giờ đâu! Hóa ra thật tình ông bằng lòng cho tôi ở lại đây. Các ông bà phúc đức quá. Vả lại, tôi có tiền cơ mà. Tôi xin trả sòng phẳng cả. Ông bỏ lỗi cho, tên ông là gì nhỉ, ông chủ quán? Ông tính bao nhiêu tôi cũng trả. Ông tử tế lắm mà. Ông là chủ quán có phải không?
Ông giám mục nói:
– Tôi là một nhà tu hành, nhà ở đây.
– Một nhà tu hành! Ồ, một nhà tu hành phúc đức! Thế thì ông không bắt tôi trả tiền à? Té ra ông là cha xứ phải không? Cha xứ ở cái nhà thờ to lớn này? Ừ mà thật, ngốc quá, tôi lại không trông thấy cái mũ ni của ông chứ!
Vừa nói hắn vừa xách ba lô và cây gậy để vào một góc nhà, cất giấy thông hành vào túi, rồi lại ghế ngồi. Cô Baptistin hiền từ nhìn hắn. Hắn nói tiếp:
– Cụ xứ ạ, cụ nhân đức thật. Cụ không khinh người. Một nhà tu hành nhân đức kể cũng quí thật. Thế thì cụ không cần tôi trả tiền à?
– Không, ông cứ giữ lấy. Ông có bao nhiêu nhỉ? Lúc này ông bảo có một trăm linh chín phơrăng phải không?
– Với mười lăm xu nữa.
– Một trăm linh chín phơrăng mười lăm xu. Thế ông làm lụng bao lâu mới kiếm được số tiền ấy?
– Mười chín năm.
– Mười chín năm?
Ông giám mục thở dài não nuột. Khách lại nói:
– Số bạc ấy tôi vẫn giữ nguyên chưa đụng tới. Bốn hôm nay tôi mới tiêu hết có hai mươi lăm xu, lại là tiền công tôi dỡ hộ mấy xe hàng ở Gơrat. Cụ là nhà tu hành thì tôi cũng xin nói là ở trong tù chúng tôi cũng có một cha tuyên úy. Một bận tôi còn được trông thấy một ông giám mục nữa. Ai nấy đều gọi là Đức Cha. Ông giám mục ấy ở nhà thờ Majo ở Macxây. Chừng ông ta là cụ xứ ở trên tất cả các cụ xứ thì phải. Cụ bỏ lỗi cho, tôi không biết nói thế nào cho rõ, nhưng đối với tôi, ông ấy xa xôi quá! Bận ấy ông ta đến làm lễ ở giữa trại giam… ông ta đội một cái gì hình nhọn bằng vàng. Ban trưa trời nắng, trông nó nhấp nha nhấp nhánh. Chúng tôi xếp thành hàng đứng ra ba bên. Một lô súng thần công, mồi đốt sẵn, chĩa vào trước mặt. Chúng tôi chẳng nhìn rõ. Ông ta có nói chuyện, nhưng lại đứng tít tận trong cùng, chẳng nghe thấy gì cả. Đấy, ông giám mục như thế đấy.
Trong khi khách nói, ông giám mục ra khép cửa từ nãy vẫn mở toang. Bà Magơloa vào, mang theo một bộ thìa nĩa bày ra bàn.
Ông giám mục dặn:
– Bà xếp cho ông khách ngồi gần lò sưởi nhé, càng gần càng tốt.
Ông quay sang phía khách:
– Ở vùng núi Anpơ này, ban đêm, gió buốt tợn. Ông hẳn là rét lắm nhỉ?
Một lần ông giám mục gọi đến tiếng ông, giọng nói ôn tồn, trang trọng và rõ là thân mật, gương mặt khách lại rạng rỡ hẳn lên. Một thằng tù mà được gọi bằng ông, khác nào người đắm tàu sắp chết khát trên cái bè lênh đênh giữa biển được người ta cho uống nước ngọt? Kẻ bị ô nhục thường khát khao được trân trọng là thế.
Ông giám mục nói:
– Cái đèn này không được sáng lắm.
Bà Magơloa hiểu ý. Bà sang buồng ngủ ông giám mục, lấy đôi cây đèn bằng bạc ở trên lò sưởi thắp lên và đem đặt lên bàn.
Khách nói:
– Thưa cụ xứ, cụ tốt quá. Cụ không khinh tôi. Cụ lại tiếp đón tôi như khách. Cụ lại sai đốt bạch lạp cho tôi được sáng. Mặc dầu tôi đã nói thật với cụ tôi ở đâu đến và tôi là một kẻ khốn cùng như thế nào.
Ông giám mục ngồi bên se sẽ chạm tay khách:
– Ban nãy, ông không cần xưng danh cho tôi biết ông là ai cũng được. Đây không phải nhà của tôi, mà là nhà của Chúa Giêsu. Cửa nhà này không hỏi khách vào nhà có tên không, mà chỉ hỏi có nỗi đau khổ gì không. Ông là người đang đau khổ; ông lại đang đói khát; thì mời ông cứ vào. Xin đừng nói đến ơn với huệ, đừng nói rằng tôi tiếp ông ở nhà tôi. Chẳng ai có quyền coi nơi này là nhà riêng của mình, trừ những người đang cần chỗ trú. Ông khách qua đương, tôi nói rõ như vậy, nhà này là của ông hơn là của tôi. Tất cả cái gì trong nhà này bây giờ là của ông cả. Như thế, có cần gì tôi phải biết họ tên ông? Vả lại, trước khi ông xưng danh, tôi đã biết tên ông sẵn rồi.
Khách giương mắt nhìn, ngạc nhiên:
– Thật à? Cụ biết tên tôi là gì trước rồi ư?
– Vâng, ông tên là người anh em của tôi.
Hắn kêu lên:
– Này, cụ xứ! Lạ quá, lúc mới vào thì tôi đói thế, mà thấy cụ tốt quá, bây giờ tôi không biết tôi ra làm sao nữa, hết cả đói, cụ ạ.
Ông giám mục nhìn khách, hỏi:
– Ông đã từng chịu đau khổ nhiều phải không?
– Chao ôi! Áo tù nhân màu đỏ, đeo tạ ở chân, một tấm ván làm giường, rồi nóng bức, rét mướt, lao công khổ dịch, roi vọt! Hơi một tí là xích cả hai chân. Lỡ một tiếng là ngục tối. Ốm liệt giường cũng xích cùng cùm. Nghĩ kiếp con chó, con chó còn sướng hơn. Mười chín năm trời! Bốn mươi sáu tuổi rồi. Đến giờ lại phải đeo cái giấy thông hành vàng! Cái kiếp của tôi nó thế đấy.
– Vâng. Ông vừa ở một chốn sầu khổ ra. Tôi nói ông nghe. Trên trời sẽ dành cho gương mặt đẫm lệ của một người hối lỗi nhiều hạnh phúc hơn cho chiếc áo trắng tinh của hàng trăm người chính trực đó ông ạ. Nếu ông từ nơi đau khổ ấy bước ra với những tư tưởng hằn thù và căm giận đối với người đời, ông là một người đáng thương; nhưng nếu ông từ đó ra với những tư tưởng độ lượng và hiền hòa, thì chúng tôi không ai bằng ông được.
Lúc ấy, bà Magơloa bưng thức ăn lên. Một món xúp nấu với dầu, bánh mì và muối, mấy lát mỡ, một miếng thịt cừu, mấy quả vả, một miếng pho mát tươi và một cái bánh mì lớn. Bà còn tự ý thêm vào bữa ăn thường nhật ấy một chai rượu vang cũ xứ Môvơ.
Nét mặt ông giám mục bỗng dưng tươi vui hẳn lên, cái tươi vui riêng của những người hiếu khách. Ông nói to:
– Nào, ta ăn đi!
Theo thường lệ, những khi nhà có khách ăn cơm, ông mời khách ngồi ở phía bên phải mình. Cô Baptistin điềm tĩnh và tự nhiên, ngồi sang phía bên trái. Ông đọc kinh, rồi vẫn như mọi ngày, đích thân múc xúp ra. Khách bắt đầu ăn ngốn ngấu.
Bỗng ông giám mục bảo:
– Chừng như trên bàn này còn thiếu một thứ gì.
Thì ra bà Magơloa chỉ bày có ba bộ thìa nĩa bạc vừa đủ cho ba người thôi. Song lệ nhà xưa này hễ có mời khách, thì phải bày cả sáu bộ, kể cũng là một cách phô trương vô tội. Trong cái gia đình êm ả và nghiêm nghị mà mọi người coi sự thanh bạch như là danh giá này, chút phù hoa ấy vẫn có gì ngây thơ, đáng mến thật.
Bà Magơloa hiểu ngay câu trách ấy, lẳng lặng quay ra và mấy phút sau thì ba bộ thìa nĩa còn lại, mà ông giám mục hỏi, đã được bày sáng trưng trên bàn, đối diện với ba người ngồi ăn.
Hết: Chương III, Xem Tiếp: Chương IV
|