…..

Victor Hugo

Những Người Khốn Khổ (2)

Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU 
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch

PHẦN THỨ NHẤT

PHĂNG TIN (Fantine)
QUYỂN III

TRONG NĂM 1817

Chương I

NĂM 1817

…..

Ngang nhiên tự tại một cách đế vương và đầy kiêu hãnh. Lui thứ XVIII gọi năm 1817 là năm thứ hai mươi niên hiệu mình. Hết thảy các hiệu tóc giả quét vôi màu thanh thiên và vẽ hoa huệ đều mong chờ phấn thơm và con chim nhà vua trở lại. Cũng là thời mà bá tước Linsơ chủ nhật nào cũng ngồi nơi ghế hội đồng nhà thờ Xanh Giecmanh đê Pơrê, đánh bộ lễ phục đình thần, với chiếc băng đỏ và cái mũ dài và trông nghiêng thì có cái vẻ uy nghi riêng của người đã có một hành động vang dội. Hành động vang dội của ông Linsơlà thế này; ngày 12 tháng 3 năm 1814, lúc ấy ông đang làm thị trưởng Bóocđô, ông đã giao hơi sớm quá thành phố này cho công tước Ănggulem. Nhờ đó ông được làm thượng viện.
 
Năm 1817 cũng là năm đang thịnh hành cái mốt trẻ con năm sáu tuổi tùm hụp trong những cát két da rộng có miếng che tai giông giống người Etkimô. Quân đội đều mặc đồng phục trắng giống quân Áo; các trung đoàn đều gọi là dũng đoàn; các đơn vị không gọi bằng con số mà bằng tên các quận; Napoleon đang ở Xanh Elen, chính phủ Anh không cấp dạ xanh cho ông, nên ông cho lộn áo cũ để mặc.
 
Năm 1817 người ta chuộng tiếng hát của Penlơgrini, điệu múa của cô Bigôtini; Pôchiê bấy giờ làm chúa tể; Ôđơri lúc ấy chưa có. Bà Xaki nối nghiệp Phôriôđô. Đang còn có quân Phổ ở Pháp. Ông Đơlalô là một nhân vật. Chế độ chính thống vừa khẳng định mình bằng cách chặt tay, rồi chặt đầu Pơlenhiê, Cácbonnô và Tônlơrông. Quận công Tanlêrăng nghi lễ đại thần và tu sĩ Luy, bộ trưởng tài chính được chỉ định, nhìn nhau cười cái cười nước đôi; cả hai đã làm lễ Liên hiệp 14 tháng 7 năm 1790 ở quảng trường Săng đơ Macxơ Tanlêrăng với tư cách giám mục, còn Luy thì làm bồi tế.
 
Năm 1817, trong các lối đi của quảng trường ấy, còn nhìn thấy nhiều khúc gỗ to sơn xanh, mang hình ảnh mờ mờ của những con phượng hoàng và những con ong mầu đã nhạt. Những súc gỗ ấy nằm phơi ngoài mưa nắng và đang mục dần trong cỏ. Hai năm trước đây, đó là chân bục của Hoàng đế ở quảng trường Tháng Năm. Rải rác trên thân các súc gỗ hãy còn những chỗ sém do quân Áo đốt lửa nấu cơm trong khi đóng dã ngoại gần Gơrô Caiu. Vài ba cây cột đó đã biến mất trong lửa dã ngoại ấy để cho thân binh Phổ sưởi tay. Cuộc họp mặt Săng đơ Me có cái đặc biệt là họp vào tháng sáu và ở quảng trường Săng đơ Macxơ.
 
Trong năm 1817, hai cái nổi tiếng nhất: thuốc lá và hộp thuốc lá kiểu Hiến chương. Ở Paris, cái vụ mới nhất làm người ta xôn xao là vụ Đôtăng nắm đầu lâu anh mình vào bể nước ở Chợ Hoa. Ở bộ Hải quân người ta bắt đầu điều tra về thảm họa của chiến hạm La Mêđuydơ cái tên sau này Sômaret bị ô nhục, còn Giôricô thì đầy vinh dự. Đại tá Xenvơ sang Ai Cập rồi làm tỉnh trưởng luôn bên ấy. Lâu đài Tecmơ, ở phố Hacpơ, có anh thợ đóng thùng đến dọn hàng ở đó. Trên sân thượng của lầu bát giác ở Cơluyni còn thấy cái lầu ván là nơi dùng làm thiên văn đài cho Matxiê, nhà thiên văn của hải quân dưới triều Lui XVI. Bà công tước Đuyra họp ba bốn bạn trai trong phòng khuê của mình có bày nhiều ghế đẩu bọc xa tanh màu da trời, đọc cho họ nghe cuốn truyện Urica chưa xuất bản.
 
Ở điện Luvơrơ(Louvres)người ta cạo các chữ N. Cầu Austeclit bị truất mất tên, đổi thành cầu Vườn ngự, cái hai lần khó hiểu, nó làm sai nghĩa của cái cầu Austeclit lẫn cái vườn bách thảo. Louis XVIII, vừa lấy móng tay đánh dấu trong khi đọc Oartxơ, vừa chú ý đến những bậc anh hùng được lên làm vua cũng như những anh hùng guốc nhảy lên làm thái tử, nhưng trong bụng vẫn canh cánh hai mối lo: Napoléon và Matuyranh Bơruynô.
 
Viện hàn lâm treo giải thưởng về đề tài: Hạnh phúc trong học tập. Ông Benla công khai là một nhà hùng biện. Dưới bóng ông đang nẩy mầm cái ông chánh án tương lai đơ Bơrô, để làm đối tượng giễu cợt cho Pôn Lui Cuariê sau này. Có một anh Satôbơriăng giả, tên là Macsănggi, trong khi chờ đợi có thể có một anh Macsănggi giả, là d’Alanhcua. Cơled’ Anbơ và Malec Anden là những tuyệt tác; bà Côtlanh được coi là nhà văn số một đương thời. Học viện Pháp để người xóa trong danh sách tên viện sĩ Napoleon Bônapac. Một đạo dụ nhà vua đưa Ănggulem làm đại đô đốc, thì nhất định thành phố Ănggulem, về pháp lý phải có đủ tư cách là một hải cảng, không thế thì còn gì là uy quyền thiên tử? Hội đồng bộ trưởng thảo luận vấn đề có nên cho phép những con tem vẽ hình người leo dây thường thấy trên các áp phích của Phơrăngcôri mà trẻ con lêu lổng hay xúm lại xem ngoài phố. Ông Pae, tác giả vở Anhedơ, người có khuôn mặt chữ điền với một nốt ruồi trên má, chỉ huy các buổi hòa nhạc thân mật ở nhà bà hầu tước Xatxơnê phố Vinlêvêc. Thiếu nữ đầu hát bài “Ẩn sĩ Xanh Aven”, lời của Etmông Giêrô. Anh lùn vàng đổi thành Gương soi. Quán cà phê Lambơlanh về phe hoàng đế chống lại quán cà phê Valoa về phe dòng Buốcbông (Bourbon). Một quận chúa Xivin vừa được gả cho công tước Beri, ông này đã bị Luven rình từ trong bóng tối. Bà Xtan vừa mất được một năm. Lính thị vệ huýt còi chê cô Mac. Các tờ báo lớn đều ra nhỏ xíu. Khổ thu hẹp nhưng tự do thì rộng. Tờ Hợp hiến rất hợp hiến. Tờ Minecvơ gọi Satôbơriăng là thăn bò nướng (tiếng Pháp: Chateaubriand- văn hào thế kỷ XIX đọc như chateaubriant – thăn bò nướng). Bọn tư sản được dịp đem nhà văn hào ra cười khoái chí. Trên mặt một số tờ báo tay sai, những tên bồi bút lên tiếng chửi những người bị can năm 1815: Đavit không còn tài năng gì; Acnô không còn tài trí gì; Cacnô không còn trung thực nữa; Xun không chiến thắng trận nào; đúng là Napoléon không còn thiên tài nữa.
 
Mọi người đều biết là thư từ cho người lưu vong gửi qua đường bưu điện chả mấy khi tới tay họ, vì cảnh sát đã thành kính làm mấy cái nhiệm vụ chặn lại rồi.
 
Việc này chẳng có gì mới: ngày xưa, Đêcác bị đày cũng đã phàn nàn rồi. Cho nên, khi Đavit tỏ ý không bằng lòng trên một tờ báo Bỉ vì không nhận được thư từ gì người ta gửi cho mình, thì báo chí bảo hoàng cho là chuyện khôi hài và nhân đó mạt sát người biệt xứ. Nói: quân giết vua hay nói: người biểu quyết, nói: quân địch hay nói: đồng minh, nói: Napoleon hay nói: Buyônapac, điều đó làm cho hai người cách biệt nhau trời vự. Hết thảy mọi người hiểu biết đều đồng thanh cho rằng kỷ nguyên cách mạng đã vĩnh viễn đóng lại với vua Lui XVIII mệnh danh là “tác giả bất hủ của hiến chương”. Chỗ đầu Cầu mới, người ta chạm chữ Sống mãi vào cái bệ đang chờ tượng Hăngri IV (Nguyên văn Latinh: Redivivus). Ông Piet bắt đầu phác họa cái hội kín của mình để củng cố cho chế độ quân chủ, ở ngôi nhà số 4 phố Têredơ. Các thủ lĩnh phái hữu bô bô trong các dịp quan trọng: “Phải viết thư cho Bacô”. Các ông Canuyen, Ô Mahôny và Sappơđơlen, đã phần nào được Đức ủng hộ, bắt đầu một vài nét cái mà sau này trở thành “âm mưu bờ sông”. Kim Băng Đen về phần mình cũng tiến hành lập hội kín. Đơlavecđơri bắt tay với Tơrôpgop. Ông Đơcadơ, một đầu óc ít nhiều thuộc cánh tự do, chiếm ảnh hưởng lớn, Satôbơriăng, sáng sáng đứng trước cửa nhà số 27 phố Xanh Đôminic ( Saint Dominique), bận quần bịt cả bàn chân, đi giày vải, đầu hoa râm trùm một cái khăn lụa pha vải, mắt nhìn chăm chú vào gương soi, trước mắt cái hộp dụng cụ chữa răng đầy đủ mở toang, vừa chải bộ răng xinh đẹp vừa đọc đoạn khác biệt trong bộ Chế độ quân chủ theo Hiến chương cho người thư k‎ý của mình, ông Piloogiơ.
 
Giới phê bình có uy tín tỏ ra thích Laphông hơn là Tanma. Ông Phêlêt ký bằng một chữ A, ông Hốp man lại lấy tên là Z, Saclơ Nôđiê viết Têredơ Ôbe. Luật ly dị bị xóa bỏ. Các trường ly xê đổi tên là Conlegiơ. Học trò các trường Conlegiơ, cổ áo dính một hoa huệ vàng, đánh nhau chung quanh câu chuyện vui La Mã, cảnh sát phản gián của hoàng gia tố giác với đức bà Hoàng muội chân dung của công tước Ooclêăng, bày nhan nhản, ông này bận quân phục thiếu tướng khinh kỵ; thật là rầy rà. Thành phố Paris bỏ tiền thếp vàng lại vòm cuốn điện Anhvalit. Những người đứng đắn tự hỏi, trong trường hợp này, trong trường hợp khác, ông Tơrarhcơlagơ làm gì. Ông Cơlôđen đơ Môngtan, trên nhiều điểm, khác xa ông Côlôđen đơ Cutxecgơ. Ông Xalabery không bằng lòng diễn viên Pica có chân trong Viện hàn lâm, nơi mà diễn viên Môlie không vào được; ông ta cho công diễn vở Hai anh em Philibe ở nhà hát Ôđêông. Trước mặt nhà hát này, ở trên cao, một dòng chữ đã gỡ đi nhưng vẫn còn trông thấy rõ: Rạp Hoàng Hậu.
 
Người ta hoặc ủng hộ hoặc chống lại. Quynhê đơ Môngtaclô, Phaviê thì chia rẽ: Bavu thì cách mạng. Ông hàng sách Pêlixiê xuất bản bộ Vônte, lấy tên là: Vônte toàn tập, dưới có dòng chữ “Trong Viện hàn lâm Pháp”. “Như thế sẽ câu được khách”, nhà xuất bản ngây thơ bảo thế. Dư luận rộng rãi cho ông Saclơ Lôixông là một thiên tài của thời đại: ganh tị bắt đầu cắn rứt ông ta, đó là dấu hiệu thành công; và người ta tặng ông câu thơ này:
 
Lôixông mà có bay cao
Thiên hạ trông vào vẫn rõ cẳng chân
 
Giáo chủ Phếch không chịu từ chức, ông Pin đại giám mục ở Amadi, cai quản địa phận Lyông. Thụy Sĩ và Pháp bắt đầu tranh chấp thung lũng Đappơ, sau bản báo cáo của đại úy Đuyphua. Xanh Ximông, bị bỏ quên, đang xây đắp giấc mơ cao cả của mình.
 
Ở viện hàn lâm khoa học có một anh Phuriê nổi tiếng mà về sau chẳng ai biết đến, ngược lại, ở trong cái xó nào không rõ lại có một anh Phuriê khác vô danh nhưng hậu thế lại nêu danh mãi mãi.
 
Huân tước Bairơn bắt đầu xuất hiện. Một lời dẫn trong một bài thơ của Minlơvoa nói đến ông ta với độc giả Pháp gọi là “Một huân tước Barông nào đó”. Đavit Đănggie thí nghiệm nhào cẩm thạch.
 
Tu viện trưởng Carông, chuyện trò với dăm ba học sinh chủng viện trong ngõ cụt Phơidăngtin, khen ngợi một nhà tu hành không mấy ai biết là Phêlixitê Rôbe sau này trở thành Lamenne.
 
Một vật gì vừa hun khói vừa lạch bạch trên sông Xen như tiếng chó bơi, qua qua lại lại trước cửa điện Tuylơri, từ cầu Ngự đến cầu Lui XV; đó là một thứ máy móc chẳng tích sự gì, một thứ đồ chơi, một giấc mơ phiến của một anh phát minh vớ vẩn, một huyễn tưởng: một chiếc tàu chạy bằng hơi nước. Dân Paris nhìn cái trò vô bổ ấy với con mắt lạnh lùng.
 
Ông Vôbơlăng đứng ra cải tổ Học viện Pháp bằng cách lật đổ, ra sắc lệnh phế truất và tiến cử người hàng loạt, sau khi nổi tiếng đã đẻ được khá nhiều ông hàn thì bản thân mình lại chẳng được vào chân hàn lâm nào cả.
 
Vùng ngoại ô Xanh Giecman ( Saint germain)và khu Matxăng ( Maxent)đều mong ước được ông Đơlavô làm quận trưởng cảnh sát vì ông nổi tiếng ngoan đạo. Đuypuytơren và Rêcamiê cãi nhau ở giảng đường đại học Y khoa về tính thiêng liêng của Giêsu đến nỗi đã giơ nắm tay dọa nhau. Quyviê vừa nhìn vào thiên Sáng thế vừa nhìn vào thiên nhiên, cố sức làm vừa lòng các đầu óc phản động giả đạo đức bằng cách làm cho các hóa thạch phù hợp với lời kinh thánh và cho lũ voi cổ vuốt ve Môidơ. Ông Phơrăngxoa đơ Nơsalô, người có công vun xới cho hương hồn Pacmăngchiê, tìm hết cách để mọi người lấy cái tên Pacmăngchiê để gọi khoai tây mà không được (Parmentier là nhà nông học – thế kỷ XVII đã mang giống khoai tây từ Mỹ vào nước Pháp và dạy trồng trọt, cải tạo giống- Neufchâteau muốn gọi khoai tây là Parmentier- nhân dân vẫn gọi là pomme de terre có nghĩa là táo đất). Tu sĩ Gơrêgoa, trước là giám mục, có chân trong quốc hội Quốc ước, thượng nghị sĩ, được các nhà tranh luận bảo hoàng mệnh danh là “tên Gơrêgoa chết giẫm”. Cách nói được mệnh danh là ông Roađê Cônla cho là từ tân tạo chứ trong ngôn ngữ không có.
Người ta còn nhìn rõ dưới nhịp thứ ba cầu Iêna cái phiến đá trắng, hai năm trước đây dùng để bịt lỗ mìn mà Bơluyse cho đục để phá cầu.
 
Tòa án lôi ra vành móng ngựa một anh chàng vừa thấy Bá tước Actoa bước vào nhà thờ Đức bà, lại buột mồm nói tướng lên: Mẹ kiếp! Tớ tiếc cái thời tớ thấy Bônapac và Tanma khoác tay nhau bước vào Ban Xôvagiơ (Talma: diễn viên kịch nổi tiếng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX ở Pháp). Giọng lưỡi phiến loạn. Sáu tháng tù. Nhiều tên phản bội phanh ngực ngạo nghễ: những kẻ chạy sang hàng ngũ giặc trước hôm đánh nhau, chẳng giấu giếm gì món phần thưởng được ban và nhơn nhơn bộ mặt vô số ngoài đường ban ngày với tất cả sự giầu sang của mình; những tên đào ngũ ở Linhi, ở ngã tư, mà hành vi phản bội được trả công đang còn sờ sờ ra đấy, chúng phô trương lòng trung thành với nhà vua một cách trắng trợn, chúng quên khuấy cái câu ở bên nước Anh người ta để trên vách trong nhà tiêu công cộng: Nhớ cài quần trước khi đứng lên.
 
Trên đây là một mớ lộn xộn những gì nổi lên mờ mờ trong năm 1817 mà ngày nay không ai còn nhớ cả. Lịch sử cũng không còn cách nào khác, nên phải bỏ qua hầu hết những thứ tủn mủn như thế này. Nếu không thì nói bao giờ cho hết. Tuy nhiên những chi tiết đó mà gọi là nhỏ nhặt thì không đúng, vì trong nhân loại không có việc gì nhỏ hết, cũng như trong cây cối không có lá nào bé cả, cho nên nó đều có ích. Chính diện mạo từng năm làm nên diện mạo thế kỷ.
 
Năm 1817 ấy, bốn chàng trai Paris đã bày “Một trò chơi ác”.
Hết: QUYỂN III- TRONG NĂM 1817-Chương I, Xem Tiếp: Chương II
Tìm Kiếm