…..
Victor Hugo
Những Người Khốn Khổ (2)
Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch
PHẦN THỨ NHẤT
PHĂNG TIN (Fantine)
QUYỂN III
TRONG NĂM 1817
Chương III
TAY TƯ VÀ TAY TƯ
….
Trai sinh viên rủ gái lẳng lơ về đồng quê chơi như thế nào hồi bốn mươi lăm năm về trước, ngày nay khó mà hình dung được. Những vùng chung quanh Paris nào còn như xưa! Bộ mặt của cuộc sống ngoại thành đã hoàn toàn biến đổi từ nửa thế kỷ nay; nơi ngày xưa xe bò lóc cóc thì nay đã có xe lửa; chỗ ngày xưa thuyền gỗ qua lại thì nay đã có tàu thủy; ngày nay mà gọi Phêcăng thì cũng như xưa gọi Xanh Cơlu. Với Paris năm 1862, ngoại ô là cả nước Pháp.
Bốn cặp tình nhân rủ nhau tận hưởng mọi thú vui của đồng ruộng có thể có được hồi bấy giờ. Lúc ấy vừa vào dịp nghỉ hè, bữa đó là một ngày mùa ấm áp, trong sáng. Hôm trước, Phavurit, người độc nhất biết chữ, nhân danh cả bọn bốn chị em, viết cho Tôlômiet như sau: “Đi sớm thú nắm”. Vì thế mọi người đều dậy từ năm giờ sáng. Họ đáp xe ngựa đến Xanh Cơlu, nhìn dòng thác khô cạn và tặc lưỡi: “Chà, cái này mà có nước thì chắc đẹp lắm đây”. Họ ăn sáng ở hiệu Đầu đen, nơi này lúc ấy Catxtanh chưa đặt chân đến. Họ bỏ tiền chơi phi ngựa giật vòng, dưới các hàng cây xen kẽ chỗ bể nước. Rồi leo lên tầng tháp Điôgien. Rồi quay số ăn bánh ngọt đầu cầu Xevơrơ. Qua Puytô thì hái hoa từng bó. Đến Nơidi lại mua sáo thổi. Còn bánh kẹp thì đến đâu cũng chén. Thật là sung sướng nhất đời.
Các cô gái cười cười nói nói, ríu rít như một bầy chim sổ lồng. Thật như ngây như dại. Chốc chốc các cô lại tát yêu một cái vào má các cậu con trai. Chao ôi! Cái tuổi trẻ say mê! Những năm tháng vô vàn quí mến! Cánh chuồn rung động! Ôi! Anh bạn, dù anh là ai anh có nhớ chăng? Đã lần nào anh băng qua bụi rậm, vừa đi vừa rẽ cành để khỏi vướng vào mái tóc xinh của ai đang lần bước theo sau anh chưa? Đã lần nào anh vừa cười vừa trượt trên triền cỏ ướt đẫm nước mưa cùng với người anh yêu, mà nàng thì cầm tay anh giữ lại và kêu lên nũng nịu: “Trời ơi! Đôi giày mới toanh của em! Anh xem kìa, nó ra hình thù gì thế này!”.
Xin nói ngay là chuyện gặp mưa vừa thích vừa khó chịu như vậy không xảy ra với đám người hớn hở này, mặc dù lúc ra đi, Phavurit đã trịnh trọng và lấy giọng từ mẫu bảo mọi người: “Có sên bò ra lối đi, điềm trời mưa các con ạ”.
Cả bốn cô đều xinh một cách kỳ lạ. Một nhà thơ cổ điển dễ thương, có tiếng hồi bấy giờ là ông cụ Labut, trong tư thất của mình cũng đã có một Tây Thi, thế mà buổi sáng hôm ấy, thơ thẩn dưới rặng dẻ vườn Xanh Cơlu trông thấy bốn cô đi ngang qua lúc mười giờ, ông liền nhớ đến ba cô trong tranh “Ba mỹ miều” và kêu lên: Thừa mất một. Phavurit, người yêu của Blasơven, cô chị cả hai mươi ba tuổi, chạy lên trước. Nàng luồn cành nhảy, phóng bừa qua các bụi rậm, dẫn đầu cuộc vui, hăng như một cô tiên núi. Dêphin và Đalia lại không rời nhau nửa bước. Chẳng phải vì thân nhau mà chính vì cả hai đều hơi điệu như nhau. Điều tình cờ là hai nàng đều đẹp, nhưng người nọ phải đứng bên cạnh người kia, người này bổ sung cho người nọ thì sắc đẹp của mỗi người mới bật nổi thêm lên. Hai người kề vai nhau, dáng điệu mơ màng. Dạo ấy những tập ảnh kỷ niệm (Nguyên văn tiếng Anh: keepsakes) đầu tiên mới ra đời cái buồn vô cớ đang nảy nở trong chị em, cũng như về sau cái sầu Bairơn lan tràn trong nam giới, cho nên đầu tóc của phụ nữ cũng bắt đầu liễu rủ (Byron: thi hào Anh, thơ sôi nổi, đau thương. Bairơn tình nguyện sang giúp sau cuộc khởi nghĩa của dân tộc Hy Lạp chống bọn thống trị Thổ và hy sinh 1788-1824). Dêphin và Đalia thì đầu tóc đều uốn thành búp cuộn tròn. Lichtôliê và Phamơi đang cãi nhau về các giáo sư của mình thì giảng giải cho Phăngtin hiểu ông Đenvanhcua khác ông Blôngđô như thế nào.
Blasơven thì có vẻ sinh ra chỉ để nâng tấm khăn san quàng lệch cho Phavurit ngày chủ nhật.
Tôlômiet đi sau rốt, dáng người cao hơn hết thảy cả bọn. Chàng hết sức vui vẻ nhưng ai cũng cảm thấy ở chàng con người điều khiển; chàng vui tươi mà có cái gì độc đoán đấy: chỗ làm dáng chủ yếu của chàng là cái quần chân tượng vải Nam Kinh màu gạch non, có dây choàng từ bàn chân lên bằng đồng bện chéo: trên tay một chiếc ba toong bằng mây to bự giá đến hai trăm phơrăng và trên môi một vật khá kỳ lạ: một điếu xì gà. Chàng cho là chẳng có gì thiêng liêng sất và chàng chẳng từ một thứ gì, kể cá hút thuốc. Anh em bảo: “Cái thằng Tôlômiet này, đặc biệt thật. Coi cái quần nó có hắc không! Cừ khôi thật!”
Riêng Phăngtin nàng vui thật sự. Hàm răng tuyệt mỹ của nàng, chắc hẳn Trời giao cho cái chức năng là cười. Chiếc mũ rơm nhỏ đính quai dài và trắng, nàng thích cầm tay hơn là đội. Mớ tóc dày vàng óng rất dễ sổ, nàng phải luôn luôn cặp lại, cái mớ tóc thường xuyên như muốn bồng bồng, tung bay ấy, hình như đặt trên đầu nàng tiên Galatê để cho nàng chạy dưới cánh liễu thì mới phải. Đôi môi hồng thỏ thẻ như giọng oanh. Khóe miệng xếch lên, dáng say sưa, giống như các mặc giả thời cổ, nhìn vào có vẻ gì như khêu gợi những ý nghĩ sỗ sàng; nhưng hàng mi dài đen thẫm lại rủ cái bóng e ấp thùy mị xuống làn môi khóe miệng và cự tuyệt mọi cái ồn ào ở những chỗ này. Cách ăn mặc của nàng như có cái gì bừng bừng và thánh thót. Nàng mặc cái áo len màu hoa cà, chân đi đôi giày đế cao màu nâu đậm có ánh sáng, mấy dây buộc đan thành những chữ X trên mặt bít tất trắng, mỏng và thưa. Nàng khoác thêm một chiếc áo đuôi én bằng len mút, kiểu này là sáng kiến của dân Macxây, họ đặt tên là áo “hé thử”, theo cách xuyên tạc ở ngoài phố của chữ “hè thu” (Nguyên văn canezou, đọc xuyên tạc những chữ quinze aout), có nghĩa là thời gian trời tối, ấm áp, đang trưa. Ba cô kia, như chúng tôi đã nói, ít rụt rè hơn, thì đều mạnh dạn mặc áo hở vai, trên mũ lại đầy hoa: mùa hè, cách ăn mặc như vậy trông có duyên thật nhưng cũng nhiều khiêu khích. Bên cạnh lối trang điểm táo bạo ấy, chiếc áo hè thu trong suốt của Phăngtin tóc vàng vừa kín đáo vừa e ấp, mở cũng như có mà khép cũng có, thật đáng coi như một sáng tạo có ý nghĩa thách thức của khoa lịch sự. Và cái câu lạc bộ tình yêu có bà chủ tịch là nữ tử tước đất Xét, có cặp mắt xanh màu nước biển, chắc hẳn sẽ tặng giải thưởng làm đỏm cho cái áo hè thu ấy vì nó đóng góp nhiều cho sự tiết hạnh. Té ra ở đời có khi thế: ngây thơ lại là thành thạo nhất.
Nhìn Phăngtin đằng trước thì lộng lẫy, nhìn một bên thì thanh tao. Cặp mắt xanh thăm thẳm, mi trên đầy đặn. Đôi chân thon và chắc, cổ tay cổ chân uyển chuyển. Nước da trắng mịn, đây đó thoáng lộ những mạch máu màu da trời. Gò má thơ ngây tươi mát, cái cổ tròn khỏe như tượng Giuynông, cái gáy chắc và mềm mại. Hai vai như do bàn tay Cutxtu nhào nặn, giữa lõm một lúm đồng tiền đến là say sưa, có thể thấp thoáng trông thấy dưới lần áo mỏng. Một nét vui tươi pha chút mơ mộng. Nhình chung, mọi vẻ đều như tạc và vô cùng ý nhị. Ấy, Phăngtin như thế đó. Dưới mớ quần áo vải vóc kia là một pho tượng và trong pho tượng là một tâm hồn.
Phăngtin đẹp nhưng không hề biết mình đẹp. Họa chăng có một đôi người hay suy tưởng, những đồ đệ âm thầm của cái đẹp, thường đem mọi vật ở đời so với cái tuyệt mỹ, thì mới hé thấy cô thợ bé nhỏ này, qua cái duyên dáng trong suốt của người con gái Paris, cái nét hài hòa thiêng liêng thời cổ. Cô gái hèn mọn này thế mà con nòi. Nàng đẹp ở hai phương diện: phong cách và nhịp điệu. Phong cách là hình thức lý tưởng còn nhịp điệu là sự vận động của lý tưởng ấy.
Chúng tôi đã nói Phăngtin là niềm vui, nhưng Phăngtin là sự trinh bạch.
Kẻ nào quan sát nàng một cách chu đáo sẽ thấy ở người nàng, từ tất cả cái say mê của tuổi xuân, của nắng hạ, của tình yêu, đều toát lên một vẻ dè dặt, khiêm tốn không gì thắng mổi. Nàng còn giữ chút ít ngạc nhiên. Chính cái ngạc chiên trong trắng ấy là chỗ phân biệt Pxisê và Vệ nữ. Phăngtin có những ngón tay trắng và thon của một đạo cô đang lấy trâm vàng cời tro giữ ngọn lửa thiêng. Dù nàng chẳng hề từ chối một cái gì đối với Tôlômiet – cái điều ấy sẽ rõ – gương mặt nàng lúc thảnh thơi vẫn muôn vàn băng tuyết. Đôi khi một thứ tự trọng nghiêm chỉnh và hơi khắc nghiệt, bỗng dưng chiếm lấy người nàng. Vẻ vui tươi tự nhiên biến mất, khuôn mặt đang rạng rỡ bỗng đổi sang trầm ngâm, rười rượi. Những lúc ấy trông nàng, người ta phải lấy làm lạ lùng và ái ngại. Cái dáng nghiêm trang đột ngột ấy, có khi nghiêm khắc rõ rệt, na ná như vẻ kiêu hãnh của một nữ thần. Vừng trán, sống mũi, cái cằm có sự cân đối của đường nét, khác hẳn với sự cân đối hình dáng, làm cho khuôn mặt nàng đều đặn, hài hòa. Ở quãng trống rất đặc biệt giữa mũi và môi, nàng hãy còn giữ cái nếp kín đáo rất dễ thương, cái dấu hiệu bí ẩn của sự tiết trinh. Chính cái nếp ấy đã từng khiến cho Bacbơrut đâm phải lòng một tượng nữ thần Đian tìm thấy trong di chỉ Icôn.
Tình yêu là tội lỗi: vâng – Nhưng Phăngtin lại là sự trong trắng nổi lên tội lỗi.
Hết: Chương III, Xem Tiếp: Chương IV
|