…..

Victor Hugo

Những Người Khốn Khổ (2)

Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU 
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch

PHẦN THỨ NHẤT

PHĂNG TIN (Fantine)
QUYỂN IV

GỞI TRỨNG CHO ÁC

Chương I

MỘT NGƯỜI MẸ GẶP MỘT NGƯỜI MẸ

…..

Ở Môngphecmây, gần Paris, khoảng đầu thế kỷ này, có một hàng cơm nhỏ ở ngõ Hàng Bánh, thứ hàng cơm nhỏ ấy ngày nay không còn nữa. Vợ chồng chủ quán tên là Tênácđiê. Trước cửa hàng có một tấm bảng đóng ngay vào tường, phía trên khung cửa. Trên bảng có vẽ hình cái gì như là hai người cõng nhau, người trên đeo lon vàng cấp tướng với nhiều sao bạc to. Nhiều vệt đỏ hình dung vệt máu. Chung quanh là khói, ý hẳn để diễn tả một cảnh chiến trường. Dưới bảng đề chữ: Quán đội trưởng Oateclô.
Một cái xe bò hay xe ba gác nằm trước một quán cơm thì có gì là lạ! Song cỗ xe, hay nói cho đúng, mảnh xe cổ quái này, đỗ trước hàng cơm Đội trưởng Oateclô một chiều xuân năm 1818 và chắn cả lối phố, thật đáng cho một nhà họa sĩ chú ý vì cái khối của nó.
Đó là nửa trước của một cỗ xe đại ở miền rừng dùng để chở gỗ. Cái nửa trước cỗ xe này gồm có một trục sắt đặc tra vào một đòn dọc nặng, tất cả đặt trên hai bánh xe to tướng. Toàn bộ trông thấp lùn, nặng nề, xấu xí. Người ta ngỡ đó là giàn đế của một khẩu đại bác khổng lồ. Đường lắm ổ gà đã khiến cho bánh, vành, moa-ơ, trục, đòn đều bết một lớp bùn vàng bẩn khó coi, tương tự như lớp vôi vàng người ta tra quét lên tiền diện của nhà thờ lớn, bị bùn che lấp, sắt bị gỉ phủ kín. Dưới trục xe lòng thòng một chiếc xích to bự, xứng đáng để xích Gôltal nếu hắn là tù khổ sai. Trông cái xích ấy, người ta không nghĩ đến những súc gỗ nó chở đi, mà nghĩ đến những con voi thái cổ có thể buộc vào ách. Nó có dáng của nhà tù, nhà tù nhốt bọn khổng lồ dị thường. Hình như nó được cởi ra từ mình một quái vật. Hôme có thể dùng nó trói Pôliphem còn Sêchxpia thì trói Calibăng.
Sao nửa chiếc xe chở gỗ ấy lại nằm ở đây? Trước hết là để cho vướng lối; sau nữa là để cho nó gỉ nát hẳn đi. Ở trong trật tự xã hội cũ kỹ của chúng ta, cũng có hàng mớ những thứ tổ chức nằm vướng vất ở lối đi, ngay giữa trời như vậy cũng chẳng có lý do tồn tại gì khác thế.
Dưới trục xe có một cái xích sắt thòng xuống gần sát đất. Hai em bé gái ngồi trên khoảng vòng cung ấy như ngồi trên một chiếc võng đu. Em lớn, chừng hai tuổi rưỡi, em bé được độ mười tám tháng. Em bé ngồi trông rất đáng yêu. Một chiếc khăn tay khéo buộc giữ cho chúng khỏi ngã. Có lẽ khi trông thấy chiếc dây xích dễ sợ ấy, một bà mẹ đã tự nhủ: “à, có chỗ để cho con ta chơi đây!”
Áo quần của hai đứa bé rất xinh và cũng cầu kỳ đôi chút. Trông các em hớn hở như hai đóa hoa hồng giữa đống sắt gỉ. Mắt các em sáng rỡ, má các em tươi tắn như cười. Một em tóc hạt dẻ, một em tóc nâu. Gương mặt ngây thơ của các em sáng lên vì ngạc nhiên và sung sướng. Một bụi cây nở hoa gần đó tỏa hương thơm, làm cho khách qua đường ngỡ là bay lên từ hai đứa bé. Em bé mười tám tháng ngây thơ phơi cái bụng trần xinh xắn: rõ thật là vô ý nhưng cũng thật là ngây thơ trong trắng. Hai cái đầu nhỏ nhắn như nặn bằng hạnh phúc, như tôi trong ánh sáng, nổi lên giữa khung xe to tướng đen sì gỉ sắt, ghê gớm, chằng chịt những đường cong đường gẫy, khom khom như một cửa hang. Cạnh đấy, bà mẹ ngồi xổm ở ngưỡng cửa đu đưa võng con bằng một sợi dây dài. Người mụ không có vẻ gì đáng ưa, nhưng thấy đôi mắt mụ như ôm ấp con, lo lắng sợ con ngã với bản năng của người mẹ, người ta cũng cảm động. Các võng xích mỗi lần đu đưa lại kêu kin kít như giận dữ. Hai em thích chí. Ánh nắng chiều cũng xen vào cuộc vui. Không gì kỳ thú bằng cái cảnh ngẫu nhiên một cái xích sắt của bọn khổng lồ lại biến thành chiếc võng đào của một đôi ngọc nữ.
Người đàn bà vừa đưa võng ru con vừa hát một bản tình ca quen thuộc, giọng sai lạc:
“Âu phải thế” chàng trai thỏ thẻ. Mải hát, mải ngắm con, mụ không chú ý gì đến hàng phố. Có người đi đến gần mụ. Khi mụ vào đoạn đầu khúc hát thì có tiếng ai nói một bên tai:
– Hai cháu bé của bà trông xinh quá!
Với cô Gin diễm lệ, đa tình
Mụ hát tiếp câu ấy, trả lời cho khách lạ, rồi mới quay lại nhìn.
Một người đàn bà đứng trước mặt mụ, cách vài bước. Chị ấy cũng bế một đứa con nhỏ. Chị còn mang một cái đãy lớn có dáng nặng lắm.
Con của chị đẹp như tiên đồng. Đó là một bé gái độ hai ba tuổi. Cách ăn mặc đỏm dáng của nó có thể địch với hai đứa trẻ kia. Mũ nó viền đăng ten, áo ngoài có nhiều ruy băng, dải mũ bằng hàng thượng hạng. Chiếc váy ngắn hếch lên để lộ cặp đùi trắng, bụ bẫm và chắc nịch. Trông nó thật là hồng hào, mạnh khỏe. Ai cũng muốn cắn vào hai bên má phinh phính như hai quả táo. Còn hai con mắt thì chưa thể nói rõ được, chắc là to lắm và có hàng mi dài rất đẹp. Em đang ngủ.
Em ngủ giấc ngủ tuyệt đối tin cậy của tuổi thơ. Tay mẹ là tay âu yếm, con nằm trong tay mẹ cứ việc ngủ say sưa.
Người mẹ trông nghèo nàn, buồn bã. Chị ăn mặc như một người thợ sắp quay trở về làm nông dân. Chị còn trẻ lắm. Đẹp hay xấu? Có lẽ đẹp. Nhưng ăn mặc thế thì ai biết được. Tóc của chị chắc chắn là tốt lắm; có một mớ óng vàng đổ xuống, còn bao nhiêu nằm chạt trong chiếc mũ vải thô, xấu xí, chật hẹp, có dải buộc xuống dưới cằm. Có răng đẹp thì người ta hãy cười để phô trương, nhưng chị không cười. Đôi mắt hình như vừa ráo lệ chưa được bao lâu. Người chị xanh xao. Chị có dáng mệt nhọc lắm và chừng như hơi đau yếu. Chị cúi nhìn đứa con đang ngủ trên tay với cái nhìn riêng biệt của người mẹ nuôi lấy con. Một chiếc khăn tay xanh rộng, giống như khăn thương binh, gấp chéo thành khăn quàng che lấp đường nét thân hình chị. Bàn tay rám nắng của chị lấm tấm những vệt đỏ. Ngón trỏ đầy vết kim châm sần sùi. Chị mặc một chiếc áo choàng nâu bằng len xấu, một chiếc áo dài vải thô và đi đôi giầy lớn. Đó là Phăngtin.
Chính Phăngtin. Thật khó nhìn ra. Nhưng nom cho kỹ nàng vẫn đẹp. Má bên phải của nàng có một nếp nhăn buồn, có thể là một nét chán chường sớm hiện. Bộ cánh ngày nào, bộ cánh nhẹ nhàng làm bằng là lụa, nơ, băng, may bằng vui tươi, điên dại, bằng cung đàn, tiếng hát, bằng nhạc vàng và hoa xuân thơm ngát, bộ cánh ấy đã bay biến. Những giọt sương hoa lộng lẫy như kim cương dưới ánh mặt trời cũng tan biến như thế, để trơ lại cành cây đen sì.
Từ ngày cái trò hí kịch diễn ra đến nay đã mười tháng qua. Trong thời gian mười tháng ấy đã xảy ra những chuyện gì? Đoán cũng biết được.
Bị ruồng bỏ, Phăngtin lâm vào cảnh túng bấn. Bạn bè cũng mất hút. Tình duyên với bọn đàn ông đã dứt thì tình bạn giữa mấy cô cũng chẳng còn gì. Chỉ mười lăm ngày sau giả sử có ai nhắc lại trước đây, họ là những chị em cố kết thì hẳn họ phải lấy làm lạ lùng. Bởi vì còn lý do gì làm chị em với nhau nữa. Phăngtin còn trơ lại một thân một mình. Cha cửa đứa bé đã bỏ đi, – than ôi! Những đỗ vỡ như thế có bao giờ được hàn gắn! – thì cô ả thật quả bơ vơ; đã thế tính cần cù làm ăn đã mất, mà thú ăn chơi đã trót bén mùi. Từ ngày dan díu với Tôlômiet, nàng coi thường cái nghề hèn mọn của mình. Nàng đã bỏ bê khách hàng, khách hàng cũng hết cần nàng. Tyệt lộ. Phăngtin võ vẽ đọc được chứ không biết viết: thuở nhỏ nàng chỉ học ký tên. Nàng cậy người viết một bức thư cho Tôlômiet, tiếp theo là bức thứ hai, rồi bức thứ ba, Tôlômiet không trả lời. Một hôm, Phăngtin thấy mấy mụ láng giềng nhìn con mình mà bàn tán: “Ai người ta nhìn những đứa trẻ ấy là con? Người ta nhún vai với chúng nó!” Nghe thấy thế nàng hình dung Tôlômiet nhún vai với đứa con vô tội của mình và coi nó như một trò đùa. Lòng nàng thầm giận con người tệ bạc ấy. Nhưng bây giờ biết tính sao đây? Tứ cố vô thân, chẳng còn biết nương tựa vào đâu. Mặc dầu trót sa chân lỡ bước, song, như chúng ta đã biết, bản chất của Phăngtin đoan trang và chính đính. Nàng cảm thấy khốn quẫn đến nơi và không biết rồi còn tuột dốc đến đâu nữa. Cần phải dũng cảm! Nàng đã dũng cảm và đã quyết tâm. Nàng có ý định quay về quê hương là Môngtơrơi, may ra gặp được chỗ quen thuộc thu xếp công ăn việc làm cho. Phải, nhưng cần giấu giếm đoạn đời sa ngã của mình. Nàng lờ mờ thấy trước một cuộc chia ly mới, còn đau đớn hơn cuộc chia ly trước đây: lòng nàng se lại, nhưng đành phải quyết tâm. Phăngtin – Chúng ta sẽ thấy – có cái can đảm cắn răng phấn đấu vì cuộc sống.
Nàng đã cương quyết từ bỏ các thứ trang sức, thay áo hàng mặc áo vải. Những thứ áo lụa, dải là, đăng ten, nàng đem chữa tất cả cho con, hiện nay là cái nguồn kiêu hãnh độc nhất và thiêng liêng của nàng. Có cái gì nàng đem bán hết, được hai trăm phơrăng. Trang trải công nợ vặt vãnh, trong lưng chỉ còn lại có tám mươi phơrăng. Một buổi sáng ấm áp mùa xuân, người thiếu phụ hai mươi hai tuổi ấy từ giã kinh thành, cõng con ra đi. Ai trông thấy cái cảnh bìu díu ấy cũng phải ái ngại cho hai mẹ con nàng. Trên đời, người đàn bà ấy chỉ có đứa bé con ấy và đứa bé con ấy cũng chỉ có người đàn bà ấy. Phăngtin cho con bú nên ngực nàng suy yếu, nàng húng hắng ho.
Còn về Tôlômiet thì sau này chúng ta không có dịp nói đến nữa. Chỉ cần biết rằng hai mươi năm sau, dưới thời Lui Philip, hắn là một thừa lại lớn ở tỉnh nhỏ, có thế lực và khá giàu có. Là một cử tri ngoan, một hội thẩm nghiêm khắc, hắn cũng đồng thời là một tay ăn chơi như xưa.
Cả buổi sáng đi bộ, thỉnh thoảng để nghỉ chân, nàng lên cái thứ xe nhỏ ở ngoại ô, trả bốn xu đi một dặm. Giữa trưa Phăngtin đến Môngphecmây và nàng dừng lại ở ngõ Hàng Bánh.
Khi đi qua quán hàng Tênácđiê, nàng trông thấy hai đứa bé gái chơi say sưa trên chiếc đu khổng lồ. Cảnh tượng vui vẻ ấy làm cho nàng lóa mắt, nàng phải dừng lại.
Có bùa mê. Hai chị em bé gái ấy là bùa mê đối với bà mẹ ấy.
Phăngtin đứng nhìn, trong lòng rất cảm động. Chỗ nào có thiên thần tức là chỗ ấy đã gần thiên đường. Nàng tưởng như nhìn thấy trên nóc quán ăn chữ: ĐÂY huyền bí. Hai đứa bé trông có vẻ sung sướng làm sao! Nàng nhìn mãi, nàng khen mãi. Lòng nàng quá xúc động nên khi người mẹ ngừng lại giữa hai câu hát để lấy hơi thì nàng không thể nhịn không nói cái câu mà chúng ta đã đọc:
– Hai cháu bé của bà trông xinh quá!
Những giống vật hung dữ đến đâu đi nữa khi thấy người ta vuốt ve con mình cũng hóa hiền. Người mẹ nhìn lên và cảm ơn, rồi mời khách ngồi lên tấm ghế gỗ kê ở trước cửa, còn mình thì vẫn ngồi nguyên ở bậc cửa. Hai người nói chuyện với nhau.
– Tôi là bà Tênácđiê. Vợ chồng chúng tôi là chủ cái quán trọ này.
Rồi mụ khe khẽ hát nốt đoạn bỏ dở:
Tướng dòng chi sá hy sinh
Đất thiêng phải xuất tinh binh bảo toàn.
Mụ Tênácđiê là một mụ đàn bà tóc hung, to béo, vó người thô lỗ, nom ra tướng một mụ vợ lính thất thế. Thế mà vì đọc nhiều tiểu thuyết, lúc nào mụ cũng làm ra dàn ẻo lả mới thật là kỳ quặc. Trông mụ, người ta tưởng là một người đàn ông làm duyên õng ẹo. Đó là kết quả của những cuốn tiểu thuyết quen thuộc của đám gái hàng cơm. Mụ cũng còn trẻ, chỉ trạc ba mươi. Giả sử mụ đứng thẳng dậy chứ không ngồi xổm thì có lẽ cái vóc người cao lớn, cái thân hình hộ pháp đáng làm diễn viên cho rạp xiếc lưu động ấy đã làm cho khách phải giật mình, ngần ngại mà không dám bày tỏ ý định. Số mệnh người ta thay đổi vì một người ngồi hay đứng là như thế.
Khách kể lại chuyện mình, có dối trá chút đỉnh:
Làm thợ, chồng chết, ở Paris không có việc làm, phải đi nơi khác kiếm ăn, đi về quê nhà; đi từ Paris lúc sáng, đi bộ mà lại cõng con nên cũng mệt, gặp chuyến xe đi Vimômnlơ, đã đáp một chặng đường; từ đấy lại đi bộ đến Môngphecmây; đứa bé cũng đi chút ít, đi ít thôi, nó còn bé lắm, rồi lại phải bế nó lên và “con chó con” ngủ thiếp suốt dọc đường.
Nói đến đây, nàng say sưa hôn con một cái, làm cho nó thức dậy. Nó mở mắt, đôi con mắt to và xanh như mắt của mẹ nó và nhìn. Nhìn gì? Chẳng nhìn gì cả mà lại nhìn tất cả, với cái vẻ trang trọng và có khi nghiêm nghị của con trẻ. Đó là sự huyền bí của tuổi thơ ngây tươi sáng bên cạnh đạo đức xế chiều của chúng ta. Tựa hồ chúng cảm thấy chúng là thiên thần mà biết chúng ta chỉ là bọn người tai phàm mắt tục. Thế rồi đứa bé bật cười và mặc cho mẹ nó cố giữ lại, nó cứ tụt xuống đất hết sức bướng bỉnh như mọi đứa trẻ thèm được chạy. Bỗng nó trông thấy hai đứa kia trên dây đu, nó đững sững ngay lại, thè lưỡi ra khâm phục.
Mụ Tênácđiê cởi chiếc khăn cho hai đứa con xuống, rồi nói:
– Ba con cùng chơi với nhau đi.
Ở cái tuổi ấy làm quen với nhau rất chóng. Chỉ phút sau, hai đứa trẻ nhà Tênácđiê đã cùng với con bé mới đến chơi đào lỗ ở dưới đất, coi bộ thích chí lắm.
Con bé mới đến tính thật là vui – Cái vui của đứa trẻ là phản ánh lòng hiền từ ở người mẹ. Nó nhặt một que củi làm xẻng, mắm môi đào một cái hố chôn vừa một con ruồi. Cái công việc đào huyệt ở tay trẻ con cũng hóa ra việc vui vẻ.
Hai người đàn bà vẫn nói chuyện:
– Con bé nhà bà tên gì?
– Côdét.
Côdét tức là Ơphơradi. Con bé tên là Ơphơradi. Từ Ơphơradi, Phăngtin đã đổi thành Côdét. Các bà mẹ, cũng như nhân dân, vẫn có tính dịu dàng âu yếm, cho nên đặt đổi tên con theo tính ấy. Cách cải tên của họ làm cho các nhà tầm nguyên học ngơ ngác. Chúng tôi biết có một bà nội đã tìm được cách biến tên cháu là Têôđorơ thành Nhông.
– Con bà lên mấy?
– Cháu sắp lên ba.
– Thế thì cũng bằng con cháu lớn nhà tôi.
Trong lúc ấy ba đứa bé đương chụm đầu vào nhau, lo ngại và thích thú. Vì có một biến cố xảy ra: một con giun to tưởng vừa ở dưới đất chui lên. Thế là ba đứa sợ và lại mê mẩn nhìn.
Ba cái trán sáng sủa kề gần nhau, trông giống ba cái đầu trong một vành hào quang.
Mụ Tênácđiê nói lớn:
– Trẻ con có khác, chóng thân với nhau thế! Ai chẳng bảo là ba chị em ruột.
Người mẹ kia ý chừng chỉ chờ đón cái tia lửa ấy. Nàng nắm ngay lấy tay mụ Tênácđiê, nhìn vào tận mắt mà hỏi:
– Bà có bằng lòng giữ hộ con bé cho tôi không?
Mụ Tênácđiê ngạc nhiên, làm một điệu bộ không ra nhận và cũng không ra không.
Mẹ Côdét nói:
– Bà hiểu cho, tôi không thể đem cháu về quê được. Công việc làm ăn của tôi buộc phải thế. Có con mọn kè kè thì còn ai người ta dám mượn nữa. Ở cái xứ tôi họ gàn dở như thế đấy. Có lẽ lòng trời run rủi cho tôi đi qua đây. Khi tôi thấy được hai cháu bé của bà xinh đẹp, sạch sẽ thế, sung sướng thế, tôi rất xúc động. Tôi tự nhủ: bà này chắc khéo nuôi con. Phải đấy. Chúng nó sẽ thành ba chị em. Với lại, chỉ ít lâu thôi tôi sẽ trở lại. Bà trông giúp hộ con bé cháu nhé?
– Để còn xem thế nào đã.
– Mỗi tháng tôi trả cho bà sáu phơrăng đấy.
Đến đây thì trong nhà hàng có tiếng đàn ông nói chõ ra: – Kém bảy phơrăng không được. Và trả trước sáu tháng.
Mụ Tênácđiê tính:
– Sáu bảy, bốn mươi hai.
– Tôi xin trả đủ.
Tiếng đàn ông ở trong lại nói:
– Còn phải thêm mười lăm phơrăng nữa để chi trước những món lặt vặt.
Mụ Tênácđiê lại tính:
– Cộng tất cả là năm mươi bảy phơrăng.
Và qua những con số đó, mụ thì thầm hát:
“Âu phải thế”! chàng trai thỏ thẻ…
– Tôi sẽ đưa đủ, mẹ Côdét nói. Tôi có những tám mươi phơrăng. Tôi cũng còn đủ để về đến quê nhà nếu chịu khó đi bộ. Tôi sẽ đi làm, khi dành dụm được ít nhiều, thế nào tôi cũng đến đón cục vàng của tôi.
Tiếng đàn ông hỏi thêm:
– Con bé có xống áo gì không?
– Chồng tôi đấy – mụ Tênácđiê bảo.
– Hẳn chứ. Hòn ngọc của tôi sao lại không có xống áo. Tôi cũng đoán biết đấy là bác giai rồi. Bộ cánh của con bé cừ ra phết đấy nhé! Một bộ cánh vô lý, cái gì cũng từng tá! Loại áo hàng, áo lụa như một bà quí phái vậy. Tôi để cả trong đãy này.
Tiếng đàn ông lại nói:
– Thế thì phải để lại cho nó.
– Không để lại, thì giữ làm gì? Có là điên mới để cho con trần truồng như nhộng ấy!
Lúc này chủ quán mới ló mặt ra:
– Được rồi.
Hai bên điều đình xong. Người mẹ tối hôm ấy ngủ trọn lại nhà hàng, trao tiền và gửi con. Sáng hôm sau nàng ra đi, thắt lại cái đãy bẹp hẳn và nhẹ bỗng vì đã bỏ hết quần áo của con ra. Nàng mong rằng chỉ ít lâu sau sẽ trở lại. Người ta bình tĩnh xếp đặt những chuyến ra đi như thế, nhưng bên trong người ta nát ruột nát gan.
Một bà hàng xóm nhà Tênácđiê gặp người mẹ ấy, về thuật lại:
– Tôi mới gặp một người đàn bà vừa đi vừa khóc ở ngoài phố, thật là thương tâm.
Mẹ Côdét vừa đi khỏi, chủ quán bảo vợ:
– Vừa may, ngày mai phải trả món nợ một trăm mười phơrăng, mà tôi còn thiếu năm mươi quan. Không có món này chưa biết mai đây xoay xở với lão mõ tòa làm sao? Mẹ mày thật khéo đem hai đứa trẻ mài gài bẫy chuột.
– Mà có định bẫy đâu!
Hết: QUYỂN IV -GỬI TRỨNG CHO ÁC- Chương I, Xem Tiếp: Chương II

Tìm Kiếm