…..

Victor Hugo

Những Người Khốn Khổ (2)

Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU 
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch

PHẦN THỨ NHẤT

PHĂNG TIN (Fantine)
QUYỂN V

XUỐNG DỐC

Chương II

ÔNG MAĐƠLEN

…..

Bác Mađơlen là một người tuổi độ năm mươi, có vẻ đăm chiêu và lại hảo tâm. Người ta chỉ biết có thế.
 
Nhờ người ấy chấn chỉnh công nghệ làm nghề huyền nên nghề ấy phát triển nhanh chóng. Đất Môngtơrơi trở thành một trung tâm thương mại phồn thịnh. Người Tây Ban Nha tiêu thụ nhiều huyền, hàng năm đặt mua một số hàng rất lớn. Môngtơrơi hầu như cạnh tranh cả với Luân Đôn và Béc Lin về xuất khẩu huyền. Số tiền lời của bác Mađơlen lên nhanh đến nỗi chỉ mới năm sau, bác ta đã dựng được một nhà máy khá lớn, ngăn làm hai xưởng rộng cho đàn ông và đàn bà làm riêng. Ai túng đói cứ tìm đến đó, chắc chắn sẽ có việc làm và có cơm ăn. Bác Mađơlen chỉ đòi hỏi đàn ông phải lương thiện, có chí, đàn bà phải nết na đứng đắn và mọi người đều phải ngay thẳng thật thà.
 
Bác cho đàn ông đàn bà làm việc riêng cũng là cho đàn bà con gái có thể giữ được đức hạnh. Về khoản này, không ai lay chuyển được bác. Có lẽ đó là điểm độc nhất của bác có phần cố chấp. Bác nghiêm khắc như vậy rất có lý, vì ở Môngtơrơi có nhiều trại lính, cơ hội hư hỏng thật chẳng thiếu gì. Tóm lại, đối với người dân Môngtơrơi, bác trước là một ân nhân sau là một vị cứu tinh. Trước kia, ở đây đời sống tẻ ngắt, nay thì chỗ nào cũng làm ăn nhộn nhịp, không khí vui tươi lành mạnh. Một sự giao lưu tấp nập thổi nhiệt tình và thâm nhập khắp nơi. Không còn cảnh thất nghiệp, nghèo đói nữa. Không có cái túi áo xấu xí nào là không xủng xoảng ít tiền, không có nhà tranh tồi tàn nào là không có tiếng cười vui.
Bác thu dụng tất cả mọi người. Bác chỉ yêu cầu một điều: đàn ông phải lương thiện, đàn bà phải đứng đắn.
Bác Mađơlen làm nên giàu có giữa cảnh lao động tấp nập mà bác đã tạo ra và hiện đứng làm trụ cột. Nhưng có một điều lạ là bác không lấy việc làm ra tiền làm mục đích chính như tất cả những người kinh doanh khác. Hình như bác ta nghĩ đến người khác nhiều hơn. Người ta biết rằng đến năm 1820 bác ta đã để ra được một món tiền là sáu mươi ba vạn phơrăng gửi ở ngân hàng Laphít. Nhưng trước lúc để ra số tiền đó thì bác đã chi cho dân trong thành phố và những người nghèo khó đến hơn một triệu rồi.
Nhà thương trước kia thiếu thốn, bác ta quyên thêm cho mười giường bệnh nữa. Tỉnh Môngtơrơi có hai khu: khu thượng và khu hạ, là chỗ bác ta ở, chỉ có một nhà trường đặt trong một căn nhà nát sắp đổ, bác dựng hai trường mới: một trường con gái và một trường con trai. Hai thầy giáo ở đây được bác trả thêm một khoản phụ cấp gấp đôi số lương ít ỏi của chính phủ. Có người lấy làm ngạc nhiên thì bác bảo: “Hai hạng công chức quan trọng nhất của nhà nước là vú nuôi trẻ và thầy dậy học”. Bác còn bỏ tiền ra lập một nhà phúc, có lẽ khắp nước Pháp chưa đâu có và một quỹ cứu tế cho thợ già yếu và tàn tật.
Xưởng công nghệ của bác trở thành một trung tâm, chung quanh đó mọc lên một khu phố của những người nghèo khổ quây quần lấy bác. Bác tổ chức ở đây một phòng phát thuốc làm phúc.
Buổi đầu, thấy bác bắt tay vào việc, những kẻ tử tế nói: “Tay này định làm giàu đây”. Đến khi thấy bác lo làm giàu cho cả xứ trước rồi mới nghĩ đến mình sau, những người ấy lại nói: “Anh này muốn địa vị”. Điều này càng có vẻ có lý khi người ta thấy bác cũng đi dạo và chủ nhật nào bác cũng đi lễ đều đặn. Chừng nào đó bác còn là người ngoan đạo nữa, mà hồi này người ta trọng người ngoan lắm. Tình hình này làm ông dân biểu trong hạt quen nhìn đâu cũng thấy kình địch, chả mấy chốc đâm lo. Ông ta trước kia có chân trong viện lập pháp của đế chế và cùng một quan niệm về tôn giáo với một nhà tu hành bấy giờ được phong quận công là Fusê (Fouché: nguyên là linh mục theo cách mạng Pháp, rồi đế chế, được cử làm Bộ trưởng an ninh và phong công tước. Khi thấy Napoleon suy, hắn giao thiệp với giặc ngoài, nổi tiếng vì xảo quyệt, tàn bạo, tham lam, cơ hội và phản phúc), ông này vừa là bạn vừa là kẻ tác thành cho ông ta. Trong chỗ bạn bè kín miệng với nhau, ai nói đến Chúa Trời thì ông ta cười khảy một cách nhẹ nhàng. Nhưng khi thấy nhà công nghiệp giàu có Mađơlen theo mọi người đi đọc kinh sớm, ông ta lại đánh hơi ông này có thể nay mai ra tranh cử với mình nên quyết tâm cho hơn hẳn. Ông ta mời riêng một linh mục dòng Tên làm cha xưng tội, ông ta lại đi nhà thờ dự lễ thật sớm và luôn cả lễ chiều. Thời bấy giờ tham vọng biểu hiện bằng cuộc chạy đua đi lễ. Thành thử vì ông ta hoảng hốt mà kẻ nghèo và Chúa lại được nhờ, bởi vì ông dân biểu đáng kính nhà ta bỏ tiền đặt thêm hai giường nữa ở bệnh viện, vị chi mười hai giường.
Năm 1819, một sáng nọ có dư luận là ông tỉnh trưởng đã tiến cử bác Mađơlen làm thị trưởng thành phố Môngtơrơi, để tưởng lệ công lao của bác và nhà vua cũng sắp bổ nhiệm bác. Những người trước kia cho bác là một “tay địa vị” chộp ngay lấy cơ hội và reo lên mừng rỡ: “Đó thấy chưa? Nói có đúng không?” tiếng đồn ầm cả thành phố. Miệng người thế mà có căn cứ. Vài ngày sau thì chỉ dụ bổ nhiệm đăng lên công báo. Nhưng hôm sau, bác Mađơlen từ chối.
Cũng năm ấy, những mặt hàng sản xuất theo phương pháp do bác sáng chế được đem trưng bày ở cuộc triển lãm công nghiệp. Căn cứ vào báo cáo của hội đồng giám khảo, nhà vua tặng thưởng bác huân chương bắc đẩu bội tinh. Lại một phen đồn đại. Coi nhé! Huân chương anh ta mới thích cơ! Nhưng bác lại từ chối.
Quả thật bác là người khó hiểu. Những kẻ hiền lành bí quá, phán liều: “Dẫu sao thì cũng là một loại giang hồ bạt tử thôi”.
Cả tỉnh được nhờ bác ta nhiều, những người nghèo đói hoàn toàn nhờ bác ta mà được no ấm. Công đức như thế nên dù thế nào mặc lòng, cuối cùng người ta cũng phải kính nể. Hiền như thế thì dù thế nào người ta cũng đem lòng yêu. Nhất là thợ thuyền làm trong xưởng thì thật quý mến bác ta: Bác ta nhận sự quí mến của họ một cách trang trọng nhưng trong sự trang trọng ấy có phảng phất vẻ u hoài.
Khi ai nấy đều biết rằng bác giàu rồi thì đám tai mắt hàng tỉnh vồn vã chào hỏi bác và gọi: “Ông Mađơlen”. Thợ thuyền và trẻ con cứ gọi ông là bác Mađơlen, điều ấy mới thật sự làm ông vui sướng. “Xã hội” vẫy tay kêu gọi ông. Những phòng khách kiểu cách ở đất Môngtơrơi có lẽ không đời nào tiếp anh thợ lúc ban đầu, thì bây giờ mở toang cửa để chờ đón nhà triệu phú. Người ta săn đón ông bằng đủ mọi cách. Ông vẫn lãng tránh.
Lần này, những kẻ hiền lành không tiếc lời: “Tay ấy là dân hạ đẳng ngu dốt. Chẳng biết là con cái nhà ai. Chẳng biết cách giao thiệp trong giới thượng lưu đâu. Và hình như mù chữ thì phải”.
Trước kia, thấy ông làm ra tiền, họ bảo ông là một chú lái buôn. Khi thấy ông đem tiền ra rắc vãi thì họ bảo ông là một thằng địa vị. Khi thấy ông từ chối địa vị thì họ bảo là một đứa giang hồ bạt tử. Bây giờ thấy ông lảng tránh các xã hội thượng lưu thì họ bảo là một thằng thất phu.
 
Đến năm 1820, nghĩa là năm năm sau khi ông đến Môngtơrơi, công đức của ông ở đất đó to lớn quá, nguyện vọng của nhân dân nhất trí quá, nên triều đình một lần nữa lại cử ông làm thị trưởng thành phố. Lần này ông cũng lại từ chối. Viên tỉnh trưởng nhất định không chịu, hàng thân hào yêu cầu ông, nhân dân van xin ông ngay giữa phố, sự yêu cầu khẩn khoản quá nên cuối cùng ông phải nhận. Có người thấy một bà già dân nghèo đứng ngay giữa cửa mà quát ông một cách gần như giận dữ: “Một ông thị trưởng tốt là lợi cho dân lắm chứ. Có dịp làm điều hay cho dân chúng sao bác lại từ chối hở?” Hình như câu nói ấy đã làm cho ông dứt khoát nhận lời.
 
Ông lên bậc thang danh vọng thế là lần thứ ba. Bác Mađơlen đã thành ông Mađơlen. Ông Mađơlen nay thành ông thị trưởng.
 
Hết: Chương II, Xem Tiếp: Chương III
Tìm Kiếm