…..
Victor Hugo
Những Người Khốn Khổ (2)
Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch
PHẦN THỨ NHẤT
PHĂNG TIN (Fantine)
QUYỂN V
XUỐNG DỐC
Chương IV
ÔNG MAĐƠLEN ĐỂ TANG
Đầu năm 1821, các báo chí đăng tin ông giám mục thành Đinhơ là Mirien, tục gọi là Đức Cha Biêngvơnuy tạ thế trong phép đạo, hưởng thọ tám mươi hai tuổi.
Các báo bỏ qua một chi tiết là ông giám mục bị mù đã mấy năm trước khi mất. Ông bị mù nhưng có bà em bên cạnh nên ông vẫn yên tâm.
Trong cuộc đời chẳng có gì hoàn bị này, mù lòa mà được kính yêu là một hình thức hạnh phúc lạ lùng và ý nhị nhất. Hỏi có hạnh phúc nào sánh bằng luôn luôn có bên mình một người đàn bà, một cô gái, một cô em, một con người đáng yêu, họ có mặt vì ta cần đến họ và vì họ không thể không có ta? Bằng biết ta không thể thiếu được đối với kẻ ta rất cần? Có hạnh phúc nào hơn thường xuyên đo được lòng thương yêu của họ đối với ta bằng ngày giờ họ có mặt bên ta và tự bảo: “Họ bỏ hết thì giờ để chăm nom ta, ấy là ta chiếm hết trái tim họ?” Có gì sung sướng hơn nhìn được ý nghĩ họ khi không nhìn được gương mặt, biết lòng trung thành của họ đối với ta hãy còn sáng chói khi cả vũ trụ trước mắt ta đã tối sầm lại? Rồi cảm thấy tà áo họ sột soạt nhẹ nhàng như đôi cánh đang vỗ bay, nghe thấy được họ đi lại, ra vào, nói năng, ca hát và nghĩ rằng ta là trung tâm chú ý của những những bước đi ấy, những lời nói, những câu hát ấy, hằng giây hằng phút chứng tỏ rằng ta có sức hấp dẫn, càng tàn tật ta càng có quyền lực và tuy phải sống trong bóng tối nhưng chính lại nhờ bóng tối mà ta trở thành ngôi sao cho họ châu tuần chung quanh, thử hỏi trên đời được bao nhiêu niềm vui sánh kịp?
Hạnh phúc lớn nhất trong đời ta là tin chắc mình được yêu, được yêu vì bản thân mình, được yêu bất chấp cả mình! Ông giám mục mù mà có được niềm tin ấy. Bởi vì trong cơn hoạn nạn ông đã được đỡ đần chăm sóc, ông đã được trìu mến vuốt ve. Cho nên ông có thiếu thốn gì đâu! Ánh sáng ông cũng không mất vì ông đã có tình yêu, một thứ tình yêu cao quí biết bao, vì nó là của một trái tim vô vàn đức hạnh. Hễ đã tin chắc thì không còn mù được nữa. Tâm hồn dò dẫm đi tìm một tâm hồn và đã tìm ra. Tâm hồn đã tìm được, đã từng qua thử thách, đó là một người đàn bà. Ta cần một bàn tay nâng đỡ chăng? Có bàn tay của người. Một ai hôn nhẹ lên trán ta? Đó là môi người. Ta nghe một hơi thở ngay cạnh ta, đó là người. Người cho ta tất cả, từ lòng thương yêu, đến niềm kính mến. Người có bao giờ rời ta, người đem tấm lòng nâng niu chiều chuộng cứu giúp ta, đem tấm thân liễu yếu mà vững như thành đồng cho ta làm chỗ dựa, người như đấng cứu tinh ta sờ được trên tay và ôm được trong lòng, chao ôi, ta ôm được người hay ta ôm được Chúa! Vui sướng biết là bao! Còn trái tim ta, đóa hoa âm thầm của trời cao, trái tim ta đang nở ra một cách huyền bí. Có cho ta tất cả ánh sáng trên đời ta cũng không đánh đổi cái bóng âm thầm ấy.
Người đàn bà kia, tâm hồn thiên thần kia đang còn đó, luôn luôn còn đó; có xa thì rồi lại gần; có tan đi trong mộng thì rồi lại hiện về trong cảnh thực. Ta thấy như hơi ấm từng bước từng bước lại gần ta, đó là người đến. Ta thấy tâm hồn ta xiết bao thanh tĩnh, xiết bao vui thú, say sưa, ta thấy ta như mặt trời đang chói đang chói sáng trong đêm. Lại còn muôn vàn những chăm lo tỉ mỉ, những cái không đâu mà vô cùng to lớn trong cảnh trống không. Những uyển chuyển du dương của giọng đàn bà dịu dàng khôn tả vỗ như ru, như thay thế cho hết thảy những gì trong vũ trụ nay không còn trông thấy nữa. Không phải bàn tay âu yếm mà tâm hồn âu yếm. Không trông thấy gì, mà lại thấy được yêu thương. Thật là một cảnh thiên đường trong bóng tối.
Ông giám mục đã từ thiên đường này mà bước sang thiên đường kia. Tin buồn ấy được đăng lại trên tờ báo tỉnh Môngtơrơi. Hôm sau, ông Mađơlen bận đồ đen ra đường, trên mũ có cái băng tang.
Mọi người chú ý đến chuyện đó và bàn tán xôn xao. Người ta cho đó là một tia sáng rọi vào lai lịch ông Mađơlen. Chắc ông phải có họ hàng gì với ông giám mục đáng kính! Đám thượng lưu bảo nhau ở phòng khách. “Lão để tang ông giám mục thành Đinhơ”. Điều đó làm tăng uy tín của ông nhiều và tự nhiên thấy họ kính nể ông khác trước. Cái xã hội quí tộc nhỏ xíu ở các tỉnh nhỏ ấy thôi không làm cao với ông vì ông có họ với một vị giám mục. Gặp họ, ông Mađơlen thấy mình được các bà già nghiêng chào cẩn thận hơn và những bà trẻ niềm nở hơn. Một buổi tối, một bà phu nhân có tuổi cho mình có quyền thóc mách vì có tuổi, hỏi ông:
– Ông thị trưởng là em họ cụ cố giám mục thành Đinhơ đấy à?
– Thưa bà không ạ.
– Ông để trở cụ giám kia mà? (để tang)
– Vì là hồi nhỏ tôi ở hầu trong nhà cụ.
Người ta còn nhận thấy một điều nữa là mỗi khi có một thằng bé Xavoa nào đến trong vùng hỏi thông ống khói thì ông Mađơlen cho gọi vào hỏi han tên họ và cho tiền. Bọn trẻ Xavoa bảo nhau qua lại nơi ấy rất đông.
Hết: Chương IV, Xem Tiếp: Chương V
|
…..