Chương V
CHÂN TRỜI CÓ DẠNG CHỚP
…..
Lâu dần, những sự chống đối cũng tiêu tan hết. Lúc đầu, ông Mađơlen cũng bị người ta bôi nhọ, vu khống như thói thường đối với những người thành đạt trong xã hội, nhưng một thời gian thì chỉ còn những câu ác ý và sau đó thì là những lời nói kháy, nói mỉa, cuối cùng thì tất cả đều biến hết. Đối với ông, mọi người đều một lòng kính yêu sâu sắc.
Vào khoảng năm 1821, người ta đã nói tới ông thị trưởng Môngtơrơi với tất cả sự thành kính cũng như người ta đã nói tới ông giám mục thành Đinhơ vào khoảng năm 1815. Trong vòng mười dặm, nhân dân đều đến nhờ ông dạy bảo. Ông hòa giải những đám xích mích, ông ngăn ngừa những sự kiện tụng, ông giúp những kẻ thù làm lành với nhau. Ai cũng muốn nhờ ông phân xử hộ. Lòng chính trực của ông là một bộ luật tự nhiên.
Sự tôn sùng truyền từ người này sang người khác, trong sáu bảy năm đã lan tràn dần ra khắp xứ.
Cả tỉnh chỉ có một người nhất quyết không chịu nhiễm sự sùng bái ấy. Mặc cho ông Mađơlen làm gì thì làm hắn một mực không phục, tựa hồ như có một thứ linh khiếu nào vững chắc và khó lung lạc cho hắn luôn cảnh giác và đề phòng.
Ở những con người nào đó hình như có một bản năng thú vật thật sự, thuần nhất, không thể pha trộn. Nó giúp con người biết lánh cái này và biết ưa cái kia, biết phân biệt dứt khoát bản chất này với bản chất nọ. Nó làm cho con người không do dự, không bối rối, không chịu im lặng và cũng không bao giờ chịu thay đổi ý kiến. Con người dựa vào nó mà tin mình luôn luôn sáng suốt, không sao có thể sai lầm, mọi người phải nghe mình chứ mình không bao giờ chịu nghe ai, dù đó là lời khuyên của trí tuệ, lời phản kháng của lý trí. Và mặc dù số mệnh có sắp đặt con người ở địa vị xã hội nào, thì bản năng này cũng giúp cho loại người này đánh hơi thấy kẻ gian, cũng như chó ngửi thấy hơi mèo, sư tử đoán biết có cáo.
Đó là một người cao lớn, mặc áo ngoài màu xám, cầm một chiếc can to tướng và đội cái mũ cụp vành. Nhiều khi thấy ông Mađơlen đi ngoài phố điềm tĩnh, ân cần, được mọi người trìu mến, hắn quay ngoắt lại, nhìn đăm đăm theo ông mãi cho đến khi khuất. Lúc ấy hắn khoanh hai tay lại, lắc lư cái đầu chầm chậm, dùng môi dưới đẩy môi trên lên tận mũi. Cái nhăn nhó này có ý nghĩa:
– Quái thật, người này là ai? Rõ ràng ta đã gặp hắn ở đâu rồi. Dẫu sao ta cũng không mắc lừa hắn.
Con người ấy với cái vẻ nghiêm nghị gần như đe dọa, là hạng người nhác thấy một lần đã phải chú ý.
Tên hắn là Giave. Hắn làm việc ở sở cảnh sát.
Ở Môngtơrơi hắn giữ một chức vụ nặng nề nhưng ích lợi, là chức thanh tra mật thám. Hắn không được chứng kiến những bước đầu kinh doanh của ông Mađơlen. Giave được giữ chức ấy là nhờ có quan thầy là ông Sabuiê, bí thư của ông bộ trưởng, bá tước Angơle, lúc bấy giờ là giám đốc sở cảnh sát Paris. Khi Giave đến Môngtơrơi thì người chủ xưởng đã trở thành triệu phú và bác Mađơlen đã trở thành ông Mađơlen rồi.
Có những tên sĩ quan cảnh sát trông tướng mạo khác biệt, trong đó có cái vẻ vừa hèn hạ vừa oai nghiêm. Giave có cái tướng mạo ấy nhưng không có vẻ hèn.
Nếu linh hồn mà nhìn thấy được thì chắc rằng người ta sẽ nhận ra một điều kỳ lạ là mỗi con người lại ứng với một con vật, cũng như người ta sẽ nhìn được dễ dàng cái chân lý mà nhà tư tưởng chỉ mới hé thấy qua, là từ con sò đến chim phượng hoàng, từ con lợn đến con hổ, tất cả các loại thú đều chứa đựng trong con người và mỗi một con người đều chứa đựng một con vật. Có khi nhiều con vật một lần.
Thú vật chẳng qua là hình dáng của đức hay tật xấu chúng ta, lang thang trước mắt chúng ta, là bóng ma trông thấy được của linh hồn. Chúa bày ra cho chúng ta xem để chúng ta suy nghĩ. Chỉ có một điều thú vật chỉ là những cái bóng nên Chúa không muốn cho có thể cải tạo chúng được. Vả chăng cải tạo để làm gì? Trái lại, linh hồn chúng ta là những cái có thật, có cứu cánh riêng biệt, cho nên Chúa đã ban cho trí thông minh, nghĩa là khả năng thụ giáo. Một linh hồn dù xấu đến đâu đi nữa, một nền giáo dục xã hội tốt cũng luôn luôn có thể rút ra từ đây một cái gì có ích.
Tất nhiên trên đây chỉ giới hạn trong phạm vi cuộc sống trần tục bên ngoài mà nói, chứ không có ý kiến gì về vấn đề kiếp trước kiếp sau của các sinh vật không phải là người. Cái tôi nhìn thấy trước mắt không cho phép nhà tư tưởng phủ nhận cái tôi tiềm tàng. Chỉ xin có lời dè dặt như vậy, và thôi.
Bây giờ, nếu mọi người chấp nhận chốc lát cái điều chúng tôi vốn đinh ninh là trong bất cứ người nào cũng có một con vật, thì chúng ta sẽ nói được rất dễ dàng tay nhân viên an ninh Giave là con người như thế nào.
Nông dân vùng Atxtuyri quả quyết rằng lứa nào sói đẻ cũng có lẫn một con chó, đẻ ra là sói mẹ cắn chết ngay, nếu không lớn lên chó sẽ ăn thịt hết sói con.
Con chó do sói đẻ ấy, cho nó một cái mặt người, thì đó là Giave.
Giave đẻ ra ở trong ngục, mẹ là một mụ bói bài tây, cha là một tên tù khổ sai phục dịch chiến hạm. Lớn lên, hắn tự cho là ở ngoài rìa xã hội sống như mọi người. Hắn nghiệm ra rằng có hai hạng người luôn luôn phải ở ngoài vòng xã hội, đó là những người xâm phạm nó và những người bảo vệ nó; hắn chỉ còn có một đường là chọn trong hai hạng người ấy. Đồng thời hắn tự thấy có một bản lĩnh cứng nhắc, đứng đắn và thẳng thắn, pha thêm một ác cảm cao độ đối với giống người du đãng trong ấy vốn có cha mẹ hắn. Vì thế, hắn vào làm cảnh sát.
Hắn đã thành công. Bốn mươi tuổi, hắn là thanh tra. Lúc thiếu thời hắn đã là lính canh ngục ở miền Nam.
Trước lúc đi sâu vào câu chuyện, hãy đồng ý với nhau về cái nghĩa của từ mặt người sẽ đem dùng với Giave dưới đây.
Cái mặt người ấy ở Giave như sau:
Mũi Giave tẹt, có hai lỗ sâu hoắm; hai bên má hắn có hai chòm râu rậm mọc ngược lên đến chân mũi. Lần đầu nhìn hai cái rừng ấy và hai cái hang ấy, ai cũng thấy khó chịu. Khi hắn cười, – nghĩa là họa hoằn lắm và dễ sợ lắm – thì đôi môi mỏng dính dang ra, phơi bày nào răng nào lợi. Lúc ấy, chung quanh cái mũi là cả một vệt nhăn nhúm man rợ, trông như mõm ác thú. Giave mà nghiêm nét mặt thì là một con chó dữ. Khi cười hắn lại là một con cọp. Lại còn cái trán hẹp, cái hàm bạnh, tóc tỏa xuống tận chân lông mày, giữa hai con mắt lúc nào cũng có một nếp nhíu trông như luôn luôn giận dữ, cặp mắt tối tăm, khó hiểu, miệng thì mím lại một cách khắc nghiệt đáng sợ, cả người hắn toát ra một thứ quyền uy tàn ác.
Người ấy trong tâm lý có hai ý thức rất đơn giản và có thể coi là tốt, nhưng vì hắn cường điệu lên quá cho nên lại thành xấu. Hắn tuyệt đối phục tòng cấp trên và thù ghét mọi hành động nổi loạn. Đối với hắn, trộm cắp, giết người, tất cả các tội trọng đều là những hình thức nổi loạn. Hắn tin tưởng tuyệt đối và mù quáng ở tất cả những người có giữ một chức vụ trong bộ máy nhà nước, từ ông thủ tướng đến bác tuần phiên. Hắn lại khinh bỉ, thù hằn và ghê tởm tất cả những ai trót một lần phạm vào luật pháp. Tính hắn rất là cực đoan và không khoan thứ một ngoại lệ nào: “Đứa phạm tội thì trọn đời mãn kiếp là đồ bỏ đi. Không mong gì chúng được”.
Hắn rất tán thành ý kiến của bọn cực đoan đã cho phép luật trần gian có quyền lực dúi người xuống địa ngục và đã bày ra một cảnh Thập điện ở chỗ dưới cùng của xã hội chúng ta.
Lúc nào hắn cũng khắc khổ, nghiêm nghị, tư lự, kiêu hãnh mà hạ mình như những người cuồng tín. Cái nhìn của hắn xoáy vào da thịt người ta như một mũi khoan, vừa lạnh lùng, vừa xoi mói. Cả cuộc đời của hắn thu gọn trong hai chữ: tỉnh táo và canh phòng. Hắn thẳng như mực tàu ở một nhiệm vụ ngoắt ngéo nhất, hắn biết công việc của hắn có ích cho người ta, hắn tôn thờ chức vụ của hắn, hắn làm mật thám một cách kính cẩn như người ta làm mục sư. Vô phúc cho kẻ nào rơi vào tay hắn! Ví thử cha hắn vượt ngục, hắn cũng cứ bắt; mẹ hắn phạm pháp, hắn cũng cứ tố cáo. Hắn làm các công việc ấy một cách đắc ý như người ta làm việc thiện. Thêm vào đó, một đời sống khổ hạnh, cô độc, quên mình, trong sạch, không bao giờ vui đùa. Hắn là hiện thân của nhiệm vụ cứng rắn, của an ninh khắc nghiệt, là một anh lính canh phòng không nể nang, là một thứ lương thiện đáng sợ, là một tên tố giác lạnh lùng, là công lý dưới mặt mũi một hung thần.
Tất cả con người Giave thể hiện sự rình mò, lén lút. Hồi bấy giờ, trên mặt báo chí của phái siêu bảo hoàng thường thấy gia vị những bài về lịch sử vũ trụ của một trường phái thần bí! Giá những bài ấy đề cập đến Giave thì chắc hẳn sẽ cho hắn là một biểu tượng. Không thấy trán vì cái mũ sùm sụp; không thấy mắt vì lông mày rậm, không thấy cằm vì chiếc khăn quàng quấn kín cổ, không thấy tay vì tay thọc vào túi áo rộng, không thấy gậy giấu dưới áo. Nhưng khi cần thì đột nhiên mọi cái ấy từ trong bóng tối xông ra như một đoàn quân phục kích: cái trán hẹp và gồ, con mắt ác, cái cằm khiếp người, hai bàn tay hộ pháp và chiếc dùi cui tướng.
Những lúc rỗi rãi, mà Giave ít khi rỗi, hắn có đọc sách tuy ghét sách vở. Bởi thế hắn không đến nỗi là người dốt lắm. Cứ nghe văn nói cầu kỳ của hắn thì biết.
Hắn không có một tật xấu gì, như ta đã nói. Khi nào đắc ý, hắn tự thưởng cho mình một mồi thuốc lá. Hắn còn có chút gần nhân loại là ở chỗ đó.
Giave là sự kinh hoàng của bọn người mà hồ sơ tư pháp gọi chung là hạng lưu manh. Nghe đến tên Giave là họ tháo chạy, nhìn thấy mặt Giave là họ chết đứng.
Đó là con người ghê gớm.
Giave như một con mắt luôn dán lên người ông Mađơlen. Nghi ngờ và thóc mách. Ông Mađơlen cũng nhận thấy thế, nhưng hình như ông coi thường cái đó. Ông chẳng hề hỏi Giave; ông không tìm hắn cũng không lánh hắn, làm như không chú ý gì đến cái nhìn khó chịu và nặng nề của hắn. Ông đối xử với Giave cũng thoải mái và tử tế như đối với mọi người.
Vì mấy câu Giave lỡ lời nói hở, người ta đoán hắn đang bí mật dò xét hành tung trước kia của ông Mađơlen. Sự tò mò của hắn vừa là do bản năng, vừa là có ý thức. Có khi hắn nói úp mở là có người đã điều tra ở một nơi nào đó về một gia đình nào đó đã mất hút. Một lần, hắn lẩm bẩm nói một mình: “Ta chắc nắm được nó rồi!” Rồi hắn nghĩ ngợi rất lung trong ba ngày liền, không nói năng gì cả. Hình như cái đầu mối hắn tưởng như nắm được lại đứt mất hay sao ấy!
Thật ra, trong con người, không có một năng khiếu nào là tuyệt đối không bao giờ lầm lẫn. Điều này là sự điều chỉnh cần thiết đối với những từ có nghĩa là quá tuyệt đối. Tính chất của bản năng là có thể loạng choạng, lạc đường, mất dấu. Nếu không bản năng đã hợp lý trí và vật đã hơn người! Giave tất nhiên có ngại ngùng trước thái độ bình tĩnh hoàn toàn và rất thản nhiên của ông Mađơlen.
Thế mà một hôm cái điệu bộ lạ lùng của hắn đã làm ông Mađơlen chột dạ. Câu chuyện ấy như thế này.
Hết: Chương V, Xem Tiếp: Chương VI
|