Những vấn đề của tư duy phương Đông
Người ta thường đồng nhất tư duy phương Đông với tinh thần truyền thống từ tổ tiên để lại, tập trung ở minh triết, nhận thức về ngã và không kham được tư duy duy lý tiêu biểu cho phương Tây. Thật ra là thế nào?
Ngày 5-10-1989, ở New Port Beach (Hoa Kỳ), một cuộc gặp gỡ được tổ chức giữa Đức Dalai Lama và các nhà nghiên cứu phương Tây (các nhà triết học, tâm lý học, thần kinh học) chung quanh đề tài các khoa học tinh thần[1]. Cuộc họp chưa bắt đầu thì người ta biết tin Giải Nobel Hòa bình được trao tặng cho ngài Dalai Lama. Vẻ nhã nhặn, nụ cười luôn luôn trên môi và rõ ràng là tách khỏi mọi vẻ sôi nổi bên ngoài, Dalai Lama không muốn hoãn lại cuộc gặp đã dự định. Hôm đó, các cuộc tranh luận hướng tới bản chất của ý thức, ký ức, cái ngã và phương pháp khoa học. Vượt ra khỏi nội dung của nó, cuộc gặp này thật thú vị. Nó trình bày hai thế giới quan, hai truyền thống tư duy, hai vũ trụ tinh thần.
Một bên, khoa học phương Tây được các nhà khoa học và triết học trình bày. Phần lớn đều là những người duy vật. Họ bàn tới tinh thần con người bằng những cấu trúc và những chức năng não; bên kia, Dalai Lama trình bày tinh thần phương Đông nói về cái Ngã, về những trạng thái ý thức khác nhau, về kinh nghiệm của các cuộc đời trước kia. Một bên, lý trí, khoa học, thực nghiệm, những bằng chứng khoa học; bên kia, minh triết, suy tưởng, trải nghiệm về các trạng thái ý thức, v.v.
Đó là cái cách mà người phương Tây thích tự trình bày về tư duy phương Đông. Một cách nhìn được tổ chức chung quanh một vài ý tưởng chủ đạo. Có lẽ phương Đông đã phát triển các minh triết (như Phật giáo hay Ấn Độ giáo) hơn là các triết thuyết hay các khoa học. Nếu tin vào Friedrich Hegel, Edmund Husserl, Martin Heidegger, thì tư duy lý tính đã ra đời ở Hy Lạp và phát triển ở châu Âu vào thế kỷ Khai sáng mà không phát triển ở phương Đông. Tư duy phương Đông đã bỏ lại các hệ thống triết học, các triết học, để đi vào các kỹ thuật tinh thần dựa vào cuộc sống bên trong.
Từ sự trình bày này về phương Đông đã làm nảy sinh một thái độ pha trộn sự hạ cố và sự quyến rũ.
Hạ cố vì phương Đông bị coi là chưa đạt tới tuổi lý trí. Quyến rũ đối với những kỹ thuật tinh thần và những từ thần diệu – thiền[, yoga, Đạo, nirvana, v.v., cũng như những hứa hẹn về hài hòa, thanh thản và cân bằng nội tâm.
Phải đợi đến nửa sau thế kỷ XX, các nhà sử học về các khoa học và triết học mới đề xướng một cách nhìn mới về các trật tự sự vật này. Không những châu á giàu có về một khối triết học – hùng vĩ và rất tinh tế – được ghép với những minh triết truyền thống, mà các nhà khoa học và kỹ thuật ở đó cũng có một vị trí quan trọng. Nhưng trước tiên, ta hãy trở về với những gốc rễ của tư duy phương Đông ấy.
Các tinh thần lớn của phương Đông là những gì?
Đối với người phương Tây, ngay từ thời Cổ, từ “phương Đông” chỉ tất cả những gì nằm ở phía đông. Về mặt địa lý, nó bao trùm cả Viễn Đông, Trung Đông và Trung Á. Vào thế kỷ XIX, “Đông phương học” chỉ một phong trào vừa văn học vừa hội họa, đặc biệt hướng tới kỷ nguyên Hồi giáo.
Trong lĩnh vực lịch sử của những ý tưởng và khoa học nhân văn, thì “Đông phương học” lại đi theo một hướng hoàn toàn khác: nó chỉ sự nghiên cứu ngôn ngữ và các văn hóa Châu Á. Chính trên cơ sở này, bộ môn khoa học Đông phương và những thể chế gắn liền với nó đã được xây dựng. Cuối cùng, chỉ mới gần đây thôi, thuật ngữ “tư duy phương Đông” mới xuất hiện để chủ yếu chỉ những tinh thần ra đời ở Châu Á: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo, Thần đạo và nhiều nhánh của chúng. Ấn Độ là cái nôi của hai hệ thống triết học – tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo và Phật giáo. Trên thực tế, Ấn Độ giáo tương ứng với một khối lượng văn bản và tín ngưỡng rộng lớn, trải dài ba nghìn năm và trải rộng ra cả một tiểu lục địa. Từ “hindu” do người Hồi giáo đặt ra và được người phương Tây lấy lại ở thế kỷ XIX để chỉ đạo Veda, đạo Brahman, đạo Tantra, đạo Jaina. Phật giáo là tinh thần lớn thứ hai xuất hiện ở Ấn Độ vào thế kỷ V trước C.N. Khác với Ấn Độ giáo vẫn còn bị giam hãm vào quê hương nó, Phật giáo được truyền bá khắp châu á. Nó mang rất nhiều hình thức: Phật giáo Tiểu Thừa và Đại Thừa, Phật giáo Mật tông, Tây Tạng (đạo Lama), thiền Nhật Bản, v.v..
Trung Quốc, một lưu vực văn minh khác, cũng là cái nôi của hai tinh thần triết học-tôn giáo lớn: Khổng giáo và Đạo giáo. Cả hai đều nảy sinh vào khoảng thế kỷ V trước C.N và bắt nguồn từ những thuyết giáo của hai bậc thầy tư tưởng: Khổng tử và Lão tử (sự tồn tại của Lão tử có lẽ là truyền thuyết).
Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo (sau khi du nhập vào Trung Quốc) trong nhiều thế kỷ sau đó tạo thành “ba con đường” của tinh thần Trung Quốc. Ngoài ra có những tinh thần khác cũng ra đời ở phương Đông: Thần đạo và đạo Jaina. Phật giáo, Khổng giáo và Đạo giáo mỗi đạo còn chia nhỏ thành nhiều trào lưu đã được phát triển trong tiến trình lịch sử. Trên những gốc thần bí – tôn giáo ấy, các hệ thống triết học tinh vi (do những bình giải về các văn bản thiêng liêng tạo ra) đã được ghép vào.
Chính tập hợp nhiều thành tố của những học thuyết trộn lẫn minh triết, tín ngưỡng tôn giáo, huyền thoại và triết học ấy nói chung được người ta gọi là tư tưởng phương Đông.
Ấn Độ suy nghĩ về cái gì?
Ở những nguồn gốc của cái được người phương Tây gọi là Ấn Độ giáo, có tôn giáo Veda, được các dân Ấn-Âu du nhập từ -1800 đến -1200 trước C.N. Các dân Ấn-Aryen ấy đã chinh phục Bắc Ấn Độ bằng những làn sóng liên tiếp và đã áp đặt lên đó hệ thống đẳng cấp, tiếng sanscrit và tôn giáo Veda.
Tên gọi tôn giáo Veda lấy từ bốn tổ hợp văn bản nghi thức: các Veda là những sưu tập gồm hàng nghìn thánh ca, lời cầu nguyện, những thể thức hiến tế hay những giai điệu nghi thức. Những thể thức này đi kèm theo nhiều lễ hiến tế và lễ vật dâng lên các thần để được ban ân huệ. Trên thực tế, tôn giáo Veda là một tôn giáo hiến tế nhằm sùng kính những sức mạnh tự nhiên là nơi trú ngụ của các vị thần thường mang hình thức linh hồn – động vật.
Trong số những văn bản khác của đạo Veda, có các Upanishad (hay các “cách tiếp cận”), những văn bản ra đời muộn hơn (được soạn từ thế kỷ V trước C.N, gồm nhiều triển khai triết học hay siêu hình. Sau đó, đạo Veda tiến triển tới Ấn Độ giáo cổ điển (hay đạo bà la môn) vào các thế kỷ V-III trước C.N.
Từ những thế kỷ đầu C.N, các văn bản thiêng của Ấn Độ giáo đẻ ra vô số chú giải bằng những bình giải và lý giải, trừu tượng hơn và mang tính khái niệm hơn. Những chú giải này tạo thành nền tảng của triết học cổ điển Ấn Độ mà ở phương Tây không được biết tới một thời gian dài, để sau đó trở thành đối tượng của một sự khám phá lại.
Một trong những thời điểm lớn của tư tưởng Ấn Độ tương ứng với thời Đế chế Gupta (vào thế kỷ V). Đó là “thế kỷ Khai sáng” của Ấn Độ cổ điển, đã thiết lập và điển hóa sáu darshanas hay “quan điểm” về thế giới. Mỗi quan điểm này tương ứng với một trường phái học thuật mà cũng là một chuyên khoa lý thuyết. Chẳng hạn, Nyâya là một môn học hướng tới lôgic và lập luận. Còn Vedânta là một sự phát triển học thuật về bản chất của Brahmâ. Đại diện nổi tiếng nhất của nó là Shankara, sống ở thế kỷ VIII và được coi là nhà triết học lớn nhất của Ấn Độ. Trong sáu “quan điểm” ấy cũng có cả yoga.
Về phía mình, Phật giáo thoát thai từ sự khải thị của Phật, ra đời ở thế kỷ V ở đồng bằng sông Hằng. Nó cũng có nhiều bộ mặt và được truyền bá ra cả châu á trong sự biến đổi và chia nhỏ của nó: đạo Tantra (Mật tông), các thứ Phật giáo Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản… với rất nhiều trường phái. Nó còn được triển khai dưới những hình thức khác nhau: từ tôn giáo dân gian với những truyền thuyết và nghi thức tôn giáo của nó, đến những thực hành tâm linh cho những giáo sĩ thần bí, qua những tư biện triết học về thời gian, ý thức.
Triết học Trung Hoa là gì?
Tư tưởng Trung Quốc được đánh dấu bằng ba “thuyết giảng” chính (như người Trung Quốc nói): Kinh Dịch (với lý thuyết Âm và Dương), Đạo giáo và Khổng giáo. Kinh Dịch là một tập sách nhỏ bí truyền, soạn cách đây khoảng ba mươi thế kỷ, trong đó nêu lên quan niệm lưỡng nghi về vũ trụ: âm và dương, hai nguyên lý đối lập và bổ sung nhau, không thể tách khỏi nhau của mọi sự vật.
Nó được trình bày dưới hình thức một chuỗi hình hình học (bát quái) gồm những dãy nét thể hiện âmvà dương. Cách bố cục của mỗi hình thể hiện một trong những bộ mặt của vũ trụ, và việc sử dụng những hình này thật ra là một công cụ bói toán. Lúc đầu, dương chỉ sườn núi có nắng chiếu, và mở rộng ra, tất cả những gì sáng, nóng, thuộc trời, phái nam, mạnh. Đó là một nguyên lý đực. Âm là sườn núi đối lập. Đó là nguyên lý cái, chỉ những gì lạnh, thấp, thụ động, thuộc đất, ban đêm. Hai nguyên lý ấy đối lập nhau nhưng bổ sung lẫn nhau. Vì mọi cái được tạo ra trong thế giới này (như việc sinh đẻ một đứa bé) đòi hỏi sự kết hôn của hai nguyên lý ấy. Chúng thường xuyên thâm nhập lẫn nhau, tạo ra một loạt biến đổi và những biến đổi này lại tạo ra vô số hình thức của vũ trụ.
Kinh Dịch sau đó được nhập vào Đạo giáo, một học thuyết được Lão tử thuyết giảng. Lúc đầu, Đạo giáo là một minh triết,một đạo đức hướng tới sự tiết độ và từ bỏ cả sự khổ hạnh lẫn khoái lạc trần tục.
Khổng tử, cha đẻ của Khổng giáo, sống ở thế kỷ V trước C.N, cùng thời với Phật. Sự thuyết giảng của ngài dựa trên một học thuyết thế tục và bất khả tri (“Trời không nói gì”, ngài tuyên bố). Học thuyết luân lý ấy, được dùng để điều tiết cuộc sống trong xã hội, dựa vào một “đạo đức sống”, mang những đức tính căn bản như đạo hiếu của con cái, công bằng và chính trực.
Đạo giáo và Khổng giáo tạo thành cái được Max Weber gọi là “những định hướng sống”, đặc biệt in dấu sự tiết độ và những quy tắc hành vi trong xã hội. Sau đó, những tập tục và tín ngưỡng tôn giáo (đạo giáo), cũng như những tư tưởng triết học (đạo gia) được ghép vào những điều trước kia chỉ là những minh triết.
Những tư tưởng Trung Hoa không chỉ giới hạn vào ba “thuyết giảng” là Kinh Dịch, Khổng giáo và Đạo giáo này. Từ thời Cổ, như nhà sử học Trung Hoa vĩ đại Tư Mã Thiên (-145 đến -85) đã phân loại, tư tưởng Trung Quốc có sáu trường phái lớn (lục gia). Bên cạnh ba trường phái (Âm dương gia, Khổng giáo, Đạo giáo, còn có sự phát triển của trường phái Mặc tử (một kiểu nhà tiên tri hòa bình, chủ trương yêu thương tất cả và bác bỏ những nguyên lý bất bình đẳng của Khổng giáo); trường phái Danh gia (còn gọi là phái duy danh); trường phái luật pháp (Pháp gia).
Như đã thấy, chẳng có gì không thuần nhất hơn tư tưởng Trung Quốc. Bên cạnh những thần bí, ở Trung Quốc có những phái phóng túng, “phái vô chính phủ”, phái duy danh… Khi xem xét chi tiết lịch sử của nước này[8], người ta khám phá ra một sự sinh sôi nảy nở của nhiều nhà tư tưởng, nhiều trường phái, có lẽ cũng phong phú như truyền thống triết học phương Tây vậy.
Tôn giáo, minh triết hay triết học?
Phải xác định như thế nào về các “đạo lý” phương Đông: Phật giáo, Ấn Độ giáo, Đạo giáo, Khổng giáo? Có nên nói tới các tôn giáo, các minh triết, các triết thuyết không? Hay phải đồng thời nói tới tất cả những cái đó? Cách nhìn so sánh và lịch sử cho phép đưa ra những yếu tố giải đáp. Các trào lưu tâm linh lớn đã đi theo những sự tiến hóa tương tự nhau mà người ta có thể chia thành ba giai đoạn.
– Giai đoạn thứ nhất. Lúc đầu, Ấn Độ giáo của Ấn Độ, Thần đạo Nhật Bản, Kinh Dịch Trung Hoa đã hình thành từ những buổi đầu thời Cổ, cách đây ba nghìn năm. Đó là những tín ngưỡng tôn giáo khá nguyên thủy, gồm những nghi thức tụng niệm và những công thức bí truyền, được truyền bằng miệng. Những tín ngưỡng này hướng tới rất nhiều thần linh mà đó thường là những biểu hiện các sức mạnh tự nhiên. Chúng được kèm theo những truyền thuyết và huyền thoại đủ các loại.
– Giai đoạn thứ hai. Vào thế kỷ V sau J.C, Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo và đạo Jaina xuất hiện gần như đồng thời. Những điểm giống nhau giữa các học thuyết ấy thật đáng ngạc nhiên. Tất cả đều bắt nguồn từ lời của các bậc tiên tri: Phật (vào -56 – -480), Lão tử (sinh năm -604 theo truyền thuyết), Khổng tử (-551 – -479), Mahavira (người sáng lập đạo Jaina). Có thể ghi nhận sự trùng hợp này với sự xuất hiện của triết học ở Hy Lạp. Thông điệp của các bậc tiên tri này không mang tính chất tôn giáo mà là thế tục. Họ đề xướng một đạo đức sống: sống trong xã hội như thế nào? Đương đầu với những đau khổ như thế nào? Làm thế nào để đạt tới “ngộ”? Các tiên tri trả lời những câu hỏi ấy dưới những hình thức châm ngôn, những đề xướng ngắn gọn và thường là khó hiểu. Do đó, những thuyết giảng của họ chưa mang hình thức những hệ thống triết học lớn.
– Gia đoạn thứ ba. Trong các thế kỷ sau, những trường phái tư tưởng đích thực phát triển trong những tu viện Phật giáo, Đạo giáo, hoặc trong các nhà nho Trung Quốc. Ở Trung Quốc, từ thế kỷ I trước C.N đã nảy nở các trào lưu triết học được nhà sử học thời cổ Tư Mã Thiên tập hợp thành “sáu trường phái”. ở Ấn Độ, vào đầu kỷ nguyên Kitô giáo, cũng đã kết tinh sáu trào lưu tư tưởng hay darshanas(“quan điểm”), mỗi trào lưu đưa ra cách lý giải của mình về tư tưởng brahman (Ấn Độ giáo cổ điển). Các hệ thống triết học này hiện ra như những chú giải các sách “thiêng”. Đây là việc giải mã ý nghĩa che dấu của những thể thức, những truyện kể, những ngụ ngôn. Tư tưởng tư biện lấn át những công thức giáo điều. Trong khi các sách điển thuộc truyền thống vốn là những văn bản bí truyền (những công thức tụng niệm, những châm ngôn, những truyền thuyết), thì những sự phát triển của chúng về sau đã có một bước ngoặt tư biện hơn và trừu tượng hơn, đưa tới sự ra đời của những chuyên môn hóa lý thuyết dựa vào siêu hình học, lôgic học, ngữ pháp, tâm lý học, hoặc cả triết học về nhận thức.
Trong khi các học thuyết triết học được dựng lên, những hình thức tư tưởng khác vẫn không biến mất. Mỗi tinh thần đẻ ra một tập hợp lý thuyết hỗn hợp, trong đó liên kết một đạo đức sống (với những khuôn mẫu hành vi và những quy tắc luân lý), một vũ trụ luận (biểu tượng của vũ trụ), một con đường giải thoát (với những kỹ thuật tâm linh và thể chất), một tôn giáo dân gian (với folklore, các lễ nghi, các truyền thuyết, các lời cầu nguyện, các điện thờ của nó), một tìm tòi triết học (với những bình giải, những lời bàn và những phát triển khái niệm của nó).
Các văn hóa phương Đông và phương Tây khác nhau ở chỗ nào?
Người ta có thói quen đối lập các tư tưởng phương Đông và phương Tây với nhau từ một vài đặc trưng lớn: phương Tây mang tính phân tích, lý tính; phương Đông mang tính tổng hợp và trực giác. Phương Tây bận tâm tới làm chủ tự nhiên, phương Đông – tới nhận thức và làm chủ bản thân. Phương Tây dựa vào nỗ lực của người (prométhéen), phương Đông suy tưởng; phương Tây đồng đẳng, phương Đông tôn ti trật tự; phương Tây duy vật, phương Đông duy linh, v.v.
Các chuyên gia chắc hẳn dễ dàng bác bỏ những đối lập sơ sài ấy bằng cách chứng minh rằng những minh triết Hy Lạp (chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa khoái lạc) về căn bản không khác gì những minh triết phương Đông. Hoặc tư tưởng phương Đông không phải hoàn toàn không biết tới những tư tưởng duy vật và duy lý.
Luận điểm về một sự khác nhau căn bản, hay về một sự thống nhất sâu sắc giữa những tư tưởng phương Đông và phương Tây không làm cho người ta thật sự thỏa mãn. Khi so sánh hai hệ thống văn hóa, bao giờ người ta cũng thấy có những nét chung và vô số những khác biệt. Đúng hơn, vấn đề là xem có những “định hướng tổng thể”, có hai “phong cách” nhận thức khác nhau không. Những vấn đề này thật khó giải quyết vì không mấy tác giả có một cách nhìn tổng thể về sự tiến hóa so sánh giữa hai vũ trụ tinh thần, phương Đông và phương Tây.
Trong những năm 2000, nhà triết học Trung Hoa Liang Shuming (1893-1988) coi văn hóa phương Tây như một sự phát triển của thái độ dựa vào sức người và chinh phục sự sống. Thái độ này thể hiện ở khoa học, ở sự chinh phục thế giới và ở chế độ dân chủ (khước từ sự nô dịch). Ngược lại, văn hóa Trung Quốc được đặc trưng bởi “sự xoa dịu và từ tốn đối với khoái lạc”, còn thái độ của Ấn Độ là “khước từ khoái lạc”. Từ đó mà có những hành vi khác nhau về cuộc sống, lao động, khoa học và sự phát triển nói chung.
Tuy nhiên, L.Shuming cũng lưu ý rằng những so sánh giữa các văn hóa phương Đông và phương Tây không phải là về những thời kỳ lịch sử giống nhau. Văn hóa khoa học phương Tây chỉ có từ thế kỷ XVII; còn khi nói tới tư tưởng phương Đông, thì phần lớn là từ những truyền thống hàng nghìn năm. Có lẽ những đối lập được gán cho các văn hóa ấy trên thực tế là do cái được gọi là “những kỷ nguyên tư tưởng”. Một số những đối lập cổ điển giữa phương Đông và phương Tây chỉ là phản ánh những sự đối lập giữa các xã hội truyền thống và các xã hội hiện đại.
Có một khoa học phương Đông không?
Tư tưởng phương Đông không hòa tan vào những minh triết và những tinh thần. Châu Á là trung tâm phát triển độc lập của các khoa học kỹ thuật và thường đi trước phương Tây và chính nó để lại những phát hiện căn bản.
Đó là trường hợp các toán học Ấn Độ và Trung Hoa mà từ thời Cổ đã từng đạt tới một trình độ phát triển rất cao. Hệ thập phân, việc đánh số vị trí, việc sử dụng con số không, những cách giải phương trình đại số đầu tiên đã được sử dụng ở Trung Hoa và Ấn Độ nhiều thế kỷ liền trước khi chúng được du nhập vào phương Tây qua trung gian các nhà bác học Arap. Những “chữ số Arap” mà chúng ta hiện nay đang dùng trên thực tế đã được các nhà bác học Arap đưa từ bên ngoài vào. Việc du nhập cách đánh số mới ấy (kế tục cách đánh số La Mã) sẽ là một yếu tố quyết định sự phát triển khoa học phương Tây. Truyền thống toán học Ấn Độ được duy trì cho đến thời cận đại qua một dòng toán học lớn.
Ở Trung Quốc, truyền thống khoa học và công nghệ phong phú đã được phát hiện lại từ những năm 1950-1960, nhất là nhờ vào những nghiên cứu lịch sử của Joseph Needham (1900-1995) và công trình đồ sộ của ông Khoa học và Văn minh ở Trung Quố. Lịch sử các khoa học Trung Hoa từ đó đã trở thành một trường nghiên cứu rất phì nhiêu.
Ngoài những tri thức của họ về toán học, các nhà bác học Trung Quốc đã thu thập, tập hợp, ghi lại những tri thức trong nhiều lĩnh vực: trong thiên văn học, họ đã lập ra những danh mục gồm hàng nghìn ngôi sao từ thế kỷ IV trước C.N; trong thực vật học, một nhà bác học như Li Shi zhen, vào thế kỷ XVI đã soạn Đại dược thư, không chỉ mô tả một số cây với những thuộc tính của chúng, mà còn đưa ra một sự phân loại thật sự khoa học; trong địa chất, khoáng học, địa lý, họ cũng tích lũy nhiều tri thức.
Nhưng chủ yếu về mặt kỹ thuật, người Trung Hoa đã để lại nhiều thành tựu nhất: trong nông nghiệp (lưỡi cày, yên cương); trong công nghiệp (phát minh máy bơm nước, máy hơi nước); cầu đường (xây cầu); trong y học (châm cứu, dược học); trong chế tạo đồng hồ; trong nghệ thuật quân sự, v.v.
Huân tước Bacon đã từng nêu rõ rằng ba phát minh căn bản – địa bàn, ấn loát, thuốc súng – đã đến từ Trung Quốc và đã làm đảo lộn lịch sử phương Tây. Từ đó người ta còn phải chịu ơn người Trung Quốc về du nhập bánh lái, compa hàng hải và rất nhiều cột buồm, mà nếu không có những thứ đó “có lẽ không bao giờ thực hiện được những cuộc du hành khám phá lớn”.
Từ các thế kỷ XVI và XVII, phương Tây đã trải qua cuộc cách mạng cận đại lớn của một sự phát triển kinh tế và xã hội có tính toàn cầu hơn là sự phát triển tính hiện đại. Phải thừa nhận rằng cuộc cách mạng khoa học ấy không phải chỉ là nội sinh mà phải nhờ rất nhiều vào châu á. Đặc biệt là nhờ vào các toán học Ấn Độ và các kỹ thuật Trung Hoa. Rồi sự phát triển khoa học hồi đó được thế giới hóa. Từ thế kỷ XX, người ta ứng dụng các môn vật lý, hóa học, sinh học giống nhau ở Trung Quốc và ở Mỹ, ở Nhật và ở Pháp. Người Nhật Bản, người Trung Hoa, người Ấn Độ, người Triều Tiên tham gia sự phát triển các khoa học ngang như những người thuộc các xã hội khác. Trong “văn hóa” của họ, chẳng có gì ngăn cản họ đạt tới những nghiên cứu mũi nhọn trong các lĩnh vực vật lý, sinh học, tin học cả. Bằng chứng rõ nhất là những “chuyển dịch các bộ não” đưa những sinh viên xuất sắc nhất của Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ vào các trường đại học lớn của Mỹ.
Người Châu Á hiện đang nghĩ gì?
Sự gặp gỡ giữa phương Tây và phương Đông từ thế kỷ XVIII đã gây nên một sự đảo lộn văn hóa quan trọng ở Châu Á. Từ thế kỷ XVIII, những giáo sĩ truyền giáo Dòng Tên đã du nhập tư tưởng phương Tây vào Châu Á. Từ đó, một bộ phận giới tinh hoa tri thức Trung Quốc bị quyến rũ và quay lưng lại với Khổng giáo còn chiếm ưu thế hồi đó. Những phong trào duy tân chủ yếu bắt đầu từ thế kỷ XX. nhiều trí thức Trung Hoa và Ấn Độ đến học ở phương Tây. Việc dịch hàng loạt những tác phẩm của các nhà tư tưởng lớn của phương Tây được bắt đầu. Nghiêm Phục, từ cuối thế kỷ XIX, đã dịch Thomas Huxley, Adam Smith, Herbert Spencer, John Stuart Mill. Rồi dịch cả Thomas Hobbes, John Locke, Davi Hume; rồi các nhà triết học Pháp (René Descartes, Montesquieu, Blaise Pascal, Henri Bergson) và Đức (Emmanuel Kant, Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzche, người vô cùng thành công ở Trung Quốc). Những tác giả như John Dewey, Bertrand Russel, Henri Bergson cũng gây tiếng vang lớn giữa hai cuộc chiến tranh.
Nhưng việc phương Tây hóa tư tưởng chưa hoàn toàn. Nó được kèm theo hai kiểu phản ứng đặc trưng của sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa: những ý đồ tổng hợp, một bên, và những phản ứng tân truyền thống, một bên khác.
Trước hết, một số nhà trí thức thử làm một sự pha trộn giữa tư tưởng phương Tây và truyền thống của họ. ở Ấn Độ, một ví dụ rõ ràng của sự tổng hợp giữa tư tưởng phương Đông và phương Tây là của Bengali Shri Aurobindo (1872-1950). Được giáo dục ở các trường đại học Anh, khi về xứ sở mình, ông đã làm một sự pha trộn hổ lốn giữa Ấn Độ giáo (các Veda, Vedanta, yoga) và một thứ triết học tiến hóa luận noi theo phương Tây [14].
Sự du nhập những ý tưởng phương Tây cũng gây ra những phản ứng tân truyền thống. Người ta thấy có những ví dụ ở Trung Quốc giữa hai cuộc chiến tranh, khi các tác giả định ủng hộ một cuộc cách tân đối với những tư tưởng Khổng giáo và Phật giáo[15]. Cũng vậy, ở Nhật Bản hay ở Ấn Độ, người ta cũng chứng kiến những phản ứng tương tự. Nhưng hiện tượng ấy không chỉ thấy có đối với triết học. Người ta cũng thấy nó trong văn học hay điện ảnh.
Phương Tây hóa, lai ghép, phản ứng tân truyền thống, các tư tưởng phương Đông rốt cuộc đã biết tới số phận của tất cả các văn hóa khác trên thế giới. ở New Delhi, Bắc Kinh hay Kyoto, cũng giống như trên phần hành tinh còn lại, người ta thấy nhiều ảnh hưởng khác nhau nằm bên cạnh nhau hay trộn lẫn nhau trong một thế giới: Internet, vật lý hiện đại và những khát vọng Phật giáo hay Ấn Độ giáo. Một nghịch lý: chính vào lúc những tư tưởng phương Đông trải qua một trong những đảo lộn lớn nhất trong lịch sử của chúng, thì ở phương Tây, một số người lại muốn phát hiện ra một tư tưởng phương Đông vĩnh hằng… không bao giờ thật sự tồn tại cả.
Theo VANHOA.VN