NHỮNG Ý KIẾN VỀ VIỆN TRẦN NHÂN TÔNG: HÒA GIẢI VÀ YÊU THƯƠNG
( Minh Triết Việt chọn lọc)
Cần thực sự chú ý đến các nghiên cứu cơ bản
Như quý vị đã biết, một trong các sứ mạng chính mà Trần Nhân Tông Academy tự đặt cho mình là tổ chức các nghiên cứu cơ bản về một nhân vật lịch sử cách nay đã 7 thế kỷ. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề như người giám đốc Viện chia sẻ, vì số lượng các tư liệu về giai đoạn này là rất ít ỏi. Đây cũng là điều được nhà thơ Việt Phương, thành viên Ban Cố vấn của viện, cũng như các khách mời khác nhấn mạnh.
Nhà sử học Nguyễn Duy Chính lưu ý đến hai điểm yếu trong các nghiên cứu về lịch sử trung đại Việt Nam, thứ nhất là các văn bản đời sau thường lái quan điểm của cổ nhân và các sự kiện trong lịch sử theo ý mình, bên cạnh đó, tại Việt Nam, ít chuyên gia có thể cùng lúc làm việc trong hai lĩnh vực sử học và lịch sử văn học, đây là một cản trở lớn đối với việc tìm hiểu hành trạng và tư tưởng của Trần Nhân Tông, cũng như đời sống xã hội giai đoạn đó.
Cùng với vấn đề phục dựng lịch sử đầy thách thức, ông Trần Việt Phương nhấn mạnh đến việc cần cẩn trọng trong việc đề cao các giá trị tư tưởng độc đáo của hình tượng Trần Nhân Tông, khi chưa có trong tay đầy đủ các bằng chứng cho phép làm việc này, đồng thời khuyến khích nên nghiên cứu kỹ về môn phái Thiền Trúc Lâm, để xác định được các đặc điểm riêng, nếu có, của môn phái này.
Giáo sư Phạm Cao Dương hoan nghênh ý tưởng về một dự án Trần Nhân Tông, cho đây là một cơ hội tốt cho việc đẩy mạnh nghiên cứu, nhưng cũng đặc biệt lưu ý đến việc cần phải chú ý đến các nghiên cứu căn bản về lịch sử, dựa trên việc đào tạo và đầu tư lâu dài cho nghiên cứu, đặc biệt cho các nhà nghiên cứu trẻ (với gợi ý có thể trao một giải thưởng riêng cho nghiên cứu), nếu không muốn dự án này sau một thời gian ngắn sẽ bị hụt hơi và để lại những hậu quả đáng tiếc. Ông cũng lưu ý về giai đoạn nhà Trần, bên cạnh Trần Nhân Tông, còn có nhiều nhân vật khác rất đáng được quan tâm. Giáo sư Phạm Cao Dương bày tỏ lo ngại rằng, nếu các hoạt động của Viện Trần Nhân Tông thiên về các mục tiêu chính trị nhất thời, thì hình tượng Trần Nhân Tông có thể bị lợi dụng. Sau khi tham khảo thành phần ban cố vấn và điều hành của Trần Nhân Tông Academy, giáo sư Phạm Cao Dương có nhận xét là, việc gần như vắng bóng các nhà nghiên cứu sử học, lịch sử tôn giáo, triết học, cũng như việc dành ít nội dung cho các nghiên cứu cơ bản có thể khiến cho viện không đạt được sứ mạng đề ra. Giáo sư Phạm Cao Dương cũng đặt vấn đề về sự không phù hợp có thể có, giữa tôn chỉ của giải thưởng với bản chất của tư tưởng Trần Nhân Tông.
Tìm hiểu di sản Trần Nhân Tông :
Cơ hội thức tỉnh hướng thượng cho xã hội Việt Nam
Trong báo cáo tham luận tại hội thảo về Trần Nhân Tông đầu năm nay, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa chúng ta trở lại các vấn đề đương đại, với nhận định « sau những chiến thắng to lớn với tinh thần độc lập tự do (…) (người Việt Nam) lại không kế thừa được tiếp theo những tư tưởng của Trần Nhân Tông về khoan dung, tha thứ, trong sự hòa hợp, nhất là trong nước ». Một giải thưởng quốc tế về hòa giải và yêu thương mang tên Trần Nhân Tông, như vậy, có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam, như một cơ hội hướng thượng để chính xã hội Việt Nam, đặc biệt là những người cầm quyền, đối diện với một sự thực về các đối kháng, bất công trong xã hội, và đối diện với chính mình, hầu tìm cách hóa giải.
Một điểm quan trọng khác trong bài phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc là : « không nên tôn giáo hóa việc này để thấy giá trị phật giáo được trải nghiệm trong thực tiễn Việt Nam qua nhân vật Trần Nhân Tông là giá trị chung mà ở nhiều tôn giáo khác, ở thiên chúa giáo, ở hồi giáo đều có hạt nhân ấy. Nếu chúng ta khai thác được tất cả những hạt nhân tích cực ấy trong mọi tôn giáo, tức là bản chất văn hóa của nó chắc chắn điều ta làm sẽ góp phần vào cái chung và thức tỉnh, dù bắt đầu thức tỉnh bằng sự nhỏ bé. »
(RFI)
LTS: Giáo sư Thomas Patterson chính thức là Chủ tịch Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải. Hội nghị này sẽ được tổ chức tại trường Đại học Harvard – Hoa Kì vào ngày 22/09 tới. Ông hiện đang là Giám đốc Nghiên cứu Trung tâm Shorenstein thuộc Đại học Harvard. Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện ngắn với ông để hiểu rõ thêm về giải thưởng mang tầm vóc quốc tế này.
Thưa Giáo sư, tại sao Viện Trần Nhân Tông lại tổ chức trao Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải?
Hòa giải, ngay cả với cựu thù, là con đường để đạt được hòa bình vĩnh cữu và sự hòa hợp, cho nội tại mỗi cá nhân và trong quan hệ giữa con người với nhau. Cuộc đời Trần Nhân Tông có sự thu nhỏ của sự hòa giải, và điều này phù hợp với giải thưởng mang tên ông.
Giáo sư có thể cho biết sự khác biệt giữa Giải thưởng Quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và giải thưởng Nobel vì Hòa bình?
Sự khác biệt lớn nhất đó là giải thưởng Trần Nhân Tông thường trao cho hai hoặc nhiều cá nhân trong khi giải Nobel, thường chỉ trao cho 1 người hoặc có trường hợp trao cho hơn 1 người, nhưng thường thì giải thưởng này chỉ trao cho một cá nhân. Hòa giải là hành động hàn gắn, mang những phái đối lập lại với nhau. Để hòa giải thực sự được diễn ra, cả hai phía phải sẵn sàng hợp tác và nhượng bộ, mặc dù trong một số trường hợp một bên đã đàn áp bên kia. Chỉ khi mỗi bên sẵn sàng bước tới với cái ôm hôn cho bên kia, hòa giải thực sự xảy ra.
Hòa giải là hành động song phương, và điều này tạo nên sự khác biệt giữa giải thưởng Trần Nhân Tông và giải thưởng Nobel.
– Có rất nhiều giải thưởng khác nhau. Vậy điều gì đặc biệt khiến giải thưởng Trần Nhân Tông độc đáo, danh giá và nổi tiếng trên toàn cầu?
Có hai nhân tố khiến giải thưởng Trần Nhân Tông độc đáo, Một là nó trao cho 2 cá nhân, những người làm việc cùng nhau ở hai phía đối lập, đã giúp giảm sự khác biệt giữa hai bên.
Yếu tố độc đáo thứ hai chính là bản thân Trần Nhân Tông. Ông có một cuộc đời thực sự anh hùng và đạo đức. Trong toàn bộ lịch sử nhân loại, chỉ có một vài lãnh đạo đã từ bỏ quyền lực và giàu sang để mang lại một ví dụ về sự giản dị và đạo đức cho thế hệ sau.
– Hội thảo Quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải có gì đặc biệt, thưa Giáo sư?
Hội thảo quốc tế này có chủ đề là Hòa giải. Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều phiên, và mỗi phiên sẽ bàn một khía cạnh của quá trình hòa giải. Ví dụ, chúng tôi sẽ có một phiên thảo luận về vai trò của truyền thông trong quá trình hòa giải. Hội thảo sẽ là cơ hội để những người muốn thúc đẩy quá trình hòa giải chia sẻ ý tưởng về cách thức tốt nhất để hiện thực hóa mong ước ấy.
– Là một giáo sư Mỹ được đánh giá cao tại Harvard, điều gì khiến ông quyết định trở thành Chủ tịch Vện Trần Nhân Tông và tham gia vào hội thảo và giải thưởng Trần Nhân Tông tại Harvard?
Khi được mời giữ vai trò lãnh đạo tại Viện Trần Nhân Tông, tôi đã chấp nhận với tất cả sự nhún nhường. Nhiều năm trước, tôi là một người lính Mỹ tới Việt Nam và tôi đã đem lòng yêu đất nước, con người và lịch sử của các bạn. Đó là thời điểm lần đầu tiên tôi nhận biết về Trần Nhân Tông, vị Vua đã hoàn thành được điều mà nhiều người không làm được: chiến thắng quân Mông Cổ. Tuy nhiên, mãi đến năm 2010 tôi mới có được một sự hiểu biết đầy đủ về tầm vóc của ông khi tôi tới Việt Nam cùng vợ và có cơ hội thăm Yên Tử ở Quảng Ninh. Đó là nơi tôi bắt đầu ngưỡng mộ sự hy sinh không chút vị kỉ của ông đối với đất nước.
Các vị ấy có thể có quyền lực và sự giàu có trên toàn thế giới, nhưng mỗi người hiểu sự lớn lao không phải nằm ở việc tài sản hay quyền lực mà ở việc tạo nên hình mẫu cho người khác noi theo. Tôi rất vinh dự khi được đóng góp một phần nhỏ trong việc thúc đẩy di sản Trần Nhân Tông để lại, thu hút sự quan tâm của mọi người, ở Việt Nam và nơi khác.
(http://trannhantongacademy.org/)
VÀI NÉT VỀ
President of the TRAN Nhan Tong Academy
Thomas Patterson, thường được gọi thân mật là Tom, hiện là Giáo sư về Chính trị và Báo chí tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, thuộc Đại học Harvard. Ông cũng đang giữ trọng trách Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Shorenstein và là Chủ tịch Viện Trần Nhân Tông toàn cầu.
Trái với vẻ ngoài giản dị đến mức gần gũi, ông là một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu quan hệ giữa Truyền thông và Chính trị. Từng là cố vấn của cựu tổng thống B. Clinton, Tom có nhiều tác phẩm với ảnh hưởng lên nền chính trị Hoa Kỳ đã được thừa nhận rộng rãi trong giới học giả và công chúng. Các chủ để ưa thích của Tom là bầu cử tổng thống, hoạt động truyền thông và mối quan hệ giữa chúng, vốn là những lĩnh vực đã giúp ông được biết đến như một chuyên gia hàng đầu.Một số tác phẩm tiêu biểu:
The Unseeing Eye – Con mắt mù quáng (1976)
Out of Order – Hỗn loạn (1994)
The American Democracy – Nền dân chủ Mỹ (2003)
We the People – Dân tộc chúng ta (2008)
The Mass Media Election – Bầu cử với phương tiện truyền thông đại chúng
Dù giành phần lớn thời gian cho việc viết, Tom vẫn ấp ủ nhiều ý tưởng để kết nối và phổ biến các giá trị toàn cầu về tình yêu thương và lòng nhân ái. Mới đây nhất, ông đưa ra ý tưởng thành lập mạng Openmind Network như một cách thức để kết nối những giá trị của sự thật, kiến thức và sự cởi mở trí tuệ. Tom cũng đồng ý giữ trọng trách Chủ tịch của Viện Trần Nhân Tông toàn cầu được thành lập tại Boston. Sự tham gia của ông như một đóng góp cho nỗ lực truyền bá giá trị tinh thần có tầm vóc toàn cầu của vua Trần Nhân Tông, một nhà tư tưởng kiệt xuất của Việt Nam từ thế kỷ XIII, người đã biết cách kết hợp hài hòa giữa sức mạnh của quyền lực và văn hóa để xây dựng một triều đại phồn thịnh và giàu văn hóa bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.
Là một trong những thành viên chủ chốt của Viện Trần Nhân Tông, GS. Thomas Patterson sẽ là thành viên của Ủy ban Giải thưởng của Viện trong năm 2012. Đây là Ủy ban sẽ chịu trách nhiệm về việc Giải thưởng của Viện hàng năm sẽ được trao cho ai và với những tiêu chí cụ thể như thế nào