ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM CÓ MỘT NỮ TÌNH-NHÂN ?

 

I

Trung tướng CIA Edward Geary Lansdale

          Edward Geary Lansdale (1908-1987) đã thực sự trở thành một huyền thoại ngay trong sinh thời của mình.

          Sau thời gian phục vụ xuất sắc tại Âu Châu trong Đệ Nhị Thế Chiến, trung tá Lansdale được phái đến Phi Luật Tân, làm Trưởng Khối Tình Báo, với nhiệm vụ chính là tái lập các cơ quan an ninh cho nước này.  Năm 1950, Lansdale đã giúp Phi Luật Tân đánh dẹp được phong trào Huk do cộng sản cầm đầu, và tiếp theo là giúp cho ứng cử viên Ramon Magsaysay đắc cử, trở thành vị tổng thống được xem là được dân nhân Phi Luật Tân ngưỡng mộ nhất từ trước đến nay.  Năm 1954, đại tá Lansdale được phái qua Việt Nam để giúp Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ổn định tình hình và củng cố chính quyền, trong chiều hướng tái diễn chương trình chống cộng sản khuynh đảo, tích cực giúp Thủ Tướng Diệm trong cuộc “trưng cầu dân ý” để trở thành Tổng Thống, rồi phát huy các thành tựu của chính phủ của Tổng Thống Diệm, tương tự như việc làm mà ông đã thành công mỹ mãn ở Phi Luật Tân.

          Trong cuốn “Những Biến Cố Lớn trong 30 Năm Chiến Tranh tại Việt Nam 1945-1975” (trang 23), tiến sĩ Nguyễn Đình Tuyến viết:

          “Ngày 1 tháng 6 năm 1954 (25 ngày trước ngày ông Ngô Đình Diệm về nước nhậm chức Thủ Tướng), đại tá Lansdale đến Saigon đảm nhận chức vụ quân sự “Phụ Tá Tùy Viên Không Lực của Tòa Đại Sứ Mỹ” nhưng sự thực là Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo CIA ở Việt Nam, có nhiệm vụ tổ chức các cơ sở bí mật về chính trị và tâm lý để đánh đổ Cộng Sản.

          Sau Hiệp Định Genève, Lansdale là người góp phần chịu trách nhiệm về hiện tình Việt Nam.  Từ 1954 đến 1956, Lansdale là cố vấn của Tổng Thống Diệm, giúp ông Diệm củng cố quyền hành.”

          Vào những ngày cuối cùng, trung tướng (Major General) Lansdale vẫn chống lại ý đồ lật đổ Tổng Thống Diệm.

          Lansdale được tiểu thuyết hóa trong các tác phẩm nổi tiếng quốc tế “The Quiet American (Người Mỹ Thầm Lặng)” của Graham Greene, “The Ugly American (Người Mỹ Xấu Xí)” của William Lederer và Eugene Burdick, và “Le Mal Jaune (Cái Họa Da Vàng) (?)” của Jean Lartéguy.

Thiếu tướng Lansdale về hưu năm 1968, viết xong cuốn sách kể chuyện đời mình vào năm 1971 và giao cho nhà Harper & Row ở San Francisco xuất bản vào năm 1972 tác phẩm duy nhất của ông “In the Midst of Wars (Giữa Lòng các Cuộc Chiến), An American’s Mission to Southeast Asia (Sứ Mạng của một Người Mỹ tại Đông Nam Á)”  với lời phi lộ nồng nàn của William E. Colby, Giám Đốc Cục Tình Báo Trung Ương (CIA) Hoa Kỳ, và lời giới thiệu nhiệt tình của Cecil B. Currey, giáo sư sử học tại trường Đại Học South Florida.

          Trong bài giới thiệu cuốn “In the Midst of Wars” của Lansdale (các trang xi-xii), giáo sư Cécil B. Currey viết: “CIA phái Lansdale qua Việt Nam vào năm 1954 để thực hiện hai điều: dùng bất cứ phương tiện nào có được để làm suy yếu chính phủ mới thành lập của Hồ Chí Minh ở Miền Bắc, và gia tăng sức mạnh của chính phủ Ngô Đình Diệm ở Miền Nam…  Chỉ sau ba tuần tiếp xúc với nhau, Thủ Tướng Diệm đã ngỏ ý mời Lansdale vào ở hẳn trong Dinh Độc Lập với mình (nhưng Lansdale không chịu)…  Lansdale nhanh chóng qua Hoa Thịnh Đốn đánh trống thổi kèn xin yểm trợ thêm cho chính phủ còn non trẻ của Diệm…  (Tổng Thống Eisenhower đã dành cho Tổng Thống Diệm một cuộc tiếp đón vô cùng long trọng).  Lansdale giúp Diệm khai triển một quốc gia gần như thành công trong việc trở thành một xứ sở ổn định…”

Tóm tắt các lời phê bình:

“Tác giả Lansdale đã rất thành thật khi viết cuốn sách này, một tác phẩm cần phải đọc để biết về những gì đã xảy ra tại Việt Nam trong thời gian từ 1954 đền 1960. Trong đó có những điều xác thực và tích cực về Tổng Thống Ngô Đình Diệm.  Cuốn sách này kể lại sự thật về Ngô Đình Diệm, do một người biết rõ ông Diệm nhất, vì Lansdale đã giữ vai trò cố vấn chính trị đồng thời là người bạn thân nhất của ông Diệm.  Cuốn sách này là bản báo cáo trực tiếp (một cuốn hồi ký) của một người thật sự có mặt tại chỗ, và chứng kiền mỗi một thử thách đã xảy ra.  Đó là một cuốn sách giá trị, vì Lansdale đã viết lại đoạn lịch sử mà chính mình đã kinh qua…”

II

Ông Ngô Đình Diệm có một nữ tình nhân ?

          Ông Võ Văn Sáu, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí “Góp Gió” xuất bản tại Kent, Washington, có gửi cho tôi bản chụp sao của:

*trang bìa trước của một cuốn sách nhan đề “Tôi Làm Quân Sư cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm”, hồi ký, của Tướng E.G. Lansdale, bản dịch sang Việt ngữ của L.T., với “một tấm hình lịch sử: TT Diệm và Tướng Dương Văn Minh vừa chiến thắng Bình Xuyên trở về (ngày 6-1-1955)”;

*một trang sau trong ruột cuốn sách ấy, ghi “Tác Phẩm Tôi Làm Quân Sư cho T. Thống Ngô Đình Diệm được dịch sang Việt ngữ xong ngày 25-12-1972 tại Saigon Việt Nam”;

*trang 252 (trang chẵn) với header (tên sách ở trên đầu trang) là “E.G.Lansdale” và trang 253 (trang lẻ) với header “Một Phù Thủy…” (tức là cuốn sách ấy, hoặc chương sách ấy, có một tên phụ là “Một Phù Thủy… E.G.Lansdale”);

*ở trang 252 có một đoạn như sau:

“Ngoài Dalat, một nơi nghỉ ngơi khác của ông Diệm là tại nhà ông ở Huế nơi bà cụ thân sinh và người em út đang sống.  Nhưng sau những lần ra thăm Huế trở về Saigon ông Diệm cũng mệt mỏi như ở Dalat.  Tôi đoán rằng những chuyện gia đình và vấn đề chính trị địa phương đã chiếm hết thì giờ nghỉ ngơi của ông.  Một lần, tôi đã xúi ông Tổng Thống độc thân này tìm gặp người yêu ngày xưa của ông lúc đó vẫn chưa lấy chồng, và theo tục địa phương đưa bà ta đi dạo sông Hương rồi đánh đàn cho bà ta nghe – ông Diệm cho biết từ hồi niên thiếu đến nay ông không chơi đàn.  Khi ở Huế trở về, vị Tổng Thống hay xấu hổ này đã thú nhận với tôi rằng đến phút chót ông không đủ can đảm làm việc ấy, chắc chắn tại vì ông chỉ là một chàng Lothario hạng xoàng.  (Lothario là vai một chàng hay tán gái trong vở kịch The Fair Benitent của Nicholas Rowe năm 1703).”

III

Tôi Đi Tìm Sự Thật

Với sự dè dặt thường lệ, tôi nghĩ biết đâu có kẻ “phịa” ra chuyện này để “bôi bẩn” hình ảnh độc thân (chỉ lo đại sự cho quốc dân, nên không nghĩ đến tình cảm và hạnh phúc riêng tư của bản-thân mình) của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên tôi đã tìm trong các thư viện và các nhà phát hành sách của Mỹ, nhưng không tìm thấy cuốn nào có tên tương đương với nghĩa tiếng Việt “Tôi Làm Quân Sư cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm”, và đã tìm ra được cuốn sách duy nhất của ông Edward Geary Lansdale, như đã nói đến ở Phần I trên kia.

 ING.504

Cuốn sách này được Trường Đại Học Fordham ở New York tái bản vào năm 1991.

Trong ấn bản lần thứ hai này, tôi đọc thấy:

*Ở các trang 361-62, thuộc Chương 19 – “Last Days in Vietnam (Những Ngày Cuối Cùng ở Việt Nam)”:

“Aside from Dalat, his other vacation place was at the family home in Hué, where his mother and youngest brother lived; but he returned to Saigon from visits in Hué in much the same fatigued state as from Dalat.  I gathered that family affairs and local politics consumed the moments when he should have been resting.  I once urged the bachelor Diem to call upon the still unmarried sweetheart of his youth in Hué and follow the local custom of taking her for a boat ride on the Perfume River while he serenaded her with his mandolin – which he admitted to me that he hadn’t played since boyhood.  A blushing Diem confessed to me upon his return from Hué that he had lost his nerve at the last moment, certain that he would have made a poor Lothario.”

Tôi hiểu đại ý:  “Ngoài Đà Lạt ra thì có một chốn nghỉ ngơi khác của ông Diệm là nhà của gia đình ông ở Huế, nơi bà cụ thân sinh và người em út của ông đang ở.  Nhưng sau những lần ra thăm Huế trở về Sài Gòn, ông Diệm cũng mệt mỏi như khi từ Đà Lạt trở về.  Tôi suy ra rằng các chuyện gia đình và các sự tranh chấp quyền lực tại địa phương đã chiếm hết thì giờ đáng lẽ dành để nghỉ ngơi của ông.  Có một lần tôi đã thuyết phục ông Tổng Thống độc thân ấy hãy tìm gặp lại người yêu vào thời thanh xuân của ông mà lúc đó vẫn chưa lấy chồng, và theo thói quen địa phương mà đưa bà ta đi dạo thuyền trên sông Hương rồi dùng măng cầm mà dạo dạ khúc để làm vui lòng bà ta − về điểm này ông Diệm thú thật với tôi là từ hồi niên thiếu đến giờ ông không hề chơi đàn.  Khi từ Huế trở về, ông Diệm đỏ mặt thú nhận với tôi rằng vào phút chót ông không đủ can đảm (làm theo lời tôi) vì ông chắc là mình sẽ trở thành một gã Lothario tầm thường mà thôi.”

(Theo từ điển bách khoa liên mạng Wikipedia thì Lothario là vai nam trong vở kịch “The Fair Penitent (Người Thật Lòng Hối Lỗi)” của kịch tác gia người Anh Nicholas Rowe diễn năm 1703, trong đó Lothario dụ dỗ rồi phản bội người tình của mình.  Từ đó, tiếng lóng Lothario được dùng để chỉ những chàng sở khanh).

IV

Linh mục An Tôn Trần Văn Kiệm:

một nhân chứng nữa của lịch sử

          Linh mục An Tôn Trần Văn Kiệm vừa cho phồ biến một bài viết nhan đề “Có Phải Hoa Thịnh Đốn đã đưa ông Diệm về làm Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam?” trong đó có các đoạn sau đây:

          “tôi từng có dịp sống thân mật bên cạnh Tổng thống Ngô đình Diệm từ năm 1951 (lúc mới đến Mỹ vận động chính trị) cho đến khi ông chết thảm vào năm 1963.”

          “mình biết về ông Ngô đình Diệm trải qua 12 năm kể từ năm 1951 cho tới năm 1963.”

          “ông bạn vong niên: Tổng thống Ngô đình Diệm.”

          “bằng hữu vong niên, khách quan theo rõi các hoạt động của Tổng thống Diệm sau năm 1954.”

          “(1945-46) hai ông (Trần Văn) Chương và (Ngô Đình) Nhu thì sống với chúng tôi ở trường Thần học Thượng kiệm. Cho tới nay trí nhớ của tôi còn ghi rõ hình ảnh ông Nhu, ăn vận như tất cả các sinh viên khác trong trường, một mình đứng trầm ngâm dưới bóng một cây nhãn, mắt coi cá bơi lượn dưới mương: cá lặng lẽ, người lặng lẽ…”

          “tôi và ông Diệm cùng chung một người bảo trợ là Đức Hồng y (Francis Spellman), cho nên hai chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội sống bên nhau.”

          “mỗi lần ông (Diệm) tới Manhattan (New York) tiếp chính khách tại khách sạn, thì ông thường cậy tôi đưa đón. Có khi tôi còn tình nguyện bỏ tiền riêng thuê khách sạn, vì biết ông cụ rất thanh bạch. Dần dần không có vườn đào để đọc lời thề kết nghĩa, mà hai “Việt kiều” niên canh cách nhau hai con giáp, đã trở nên bằng hữu vong niên chí thiết.”

“Khi Nguyễn đinh Hoà làm đám cưới, ông Cụ đòi tôi đưa đi mua quà tặng đôi tân hôn.”

“cả những tư tưởng giấu kín trong đầu tôi cũng đem ra ra thảo luận với ông Diệm. Phần ông, ông cũng làm như thế đối với người bạn vong niên là tôi.”

“(Lời Diệm:) Sang Âu châu, gặp nhà vua rồi, nhìn thấy  tiền đồ sáng tỏ hơn, tôi sẽ từ bên đó đánh điện tín cho Cha theo rõi, để cha thông báo cho các anh em chị em bên này yên lòng”.

          “khi  vừa nghe tin ông Ngô đình Diệm được hoàng đế Bảo đại mời về chấp chình lần thứ hai vào giữa năm 1954, tôi quyết định bỏ học theo ông cụ trở về Việt Nam.”

            “Trước khi ông Diệm đặt chân trở lại Việt Nam, tôi có tiếp được một bức thư ông Nhu gọi tôi về giúp chính phủ.”

            “Được tin người bạn vong niên trở về, ông nhờ Bác sĩ Tuyến tới trường chủng viện Phát diệm ở Phú nhuận mời tôi vào dinh độc lập. Bác sĩ nói: “Cha sẽ vào lối cửa tiền”. Tôi hỏi “Sao phải vào lối cửa tiền?” Bác sĩ đáp: “Vì ý tổng thống muốn như vậy.”…”

          “cửa mở cả hai cánh, một số người mặc đồng phục Việt Nam (không phải quân nhân) xếp hàng đứng chào, rồi họ dẫn tôi lên lầu tới một phòng ở đầu cánh trái dinh Độc lập, có Tổng thống Ngô đình Diệm trong bộ quốc phục ngồi đợi… Hai người uống trà do đám gia thuộc cũng vận khăn áo Việt nam phục thị.”

          Thế mà…

          Ở đoạn dưới, linh mục Trần Văn Kiệm viết như sau:

          “Tôi tự hỏi: tại sao có lễ nghi rườm rà tiếp đón tôi vào dinh độc lập như kể trên? Tôi tin rằng đó là sáng kiền riêng của Tổng thống Ngô đình Diệm, và hình như không được ông Nhu tán thành cho lắm, khiến cho từ đó về sau trong nhiều dịp gặp gỡ, ông Nhu nếu không nguội lạnh, thì cũng không bao giờ tỏ ý thịnh tình với tôi. Hồi ông Diệm còn ở Nữu ước, một hôm  chúng tôi tản bộ ở gần nhà anh Chị Bùi công Văn – thì anh Bùi công Văn xin chụp hình ông Cụ và tôi, vai sánh vai chung trong một tấm hình. Ông Ngô đình Diệm cho phép ngay, và cách đây chừng 20 năm, tìm đến Virginia thăm ông bà họ Bùi lần sau cùng, tôi còn thấy Album gia đình vẫn giữ tấm hình này, nhưng tấm thứ hai tôi đưa về Sài gòn đầu năm 1955 đã bị ông Nhu sai người tới tận nhà thu hồi để huỷ đi (vì sợ tôi không xứng đáng đứng sánh vai với Tổng thống?). Sự cố xảy ra vào quãng năm 1961.”

V

Vô Đề

          Linh mục Trần Văn Kiệm là một vị lãnh đạo tinh thần của Ky Tô Giáo là tôn giáo của chính hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, là một nhà trí thức, là một người bạn thân của Tổng Thống Diệm, lại là người không xa lạ gì với Cố Vấn Nhu, thế mà vì sợ linh mục Kiệm “không xứng đáng đứng sánh vai với Tổng Thống Diệm” (dù chỉ trong một tấm hình lưu giữ trong vài gia-đình) mà Cố Vấn Nhu đã cho thu hủy tấm hình ấy đi.

          Một người đàn-bà con-gái nào đó, tự xưng hoặc được biết đến như là người yêu, người tình của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, trong lúc Tổng-Thống Diệm cần được tôn-sùng như là người chỉ “vì sông núi quên thân mình”, chẳng hề nghĩ đến tình-cảm nam nữ của bản-thân mình, thì người phụ-nữ kia hẳn là lại càng “không xứng đáng” bội phần khi nàng là mối đe-dọa thường-trực sẽ “đứng sánh vai với Tổng Thống Diệm”, dù chỉ là trên cửa miệng, nhưng là cửa miệng của cả toàn-dân.

LÊ XUÂN NHUẬN

Trở Về

Tìm Kiếm