ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

ĐÃ ĐƯỢC ĐỀ CẬP NHƯ THẾ NÀO ?

 

          1/  Do ông Đoàn Thêm, mà tiến sĩ Lê Đình Cai giới thiệu là “người từng nắm chức vụ cao trong Dinh Độc Lập (từ 12-7-1954 đến 1-11-1963)”, tác giả bộ sách “Những Ngày Chưa Quên” trong đó ông Thêm nói là “đã ghi vắn tắt những việc xảy ra, từng ngày, từng tháng, từng năm, trên các lĩnh vực quốc tế và quốc nội, ở các địa hạt chánh trị, quân sự, hành chánh, tài chánh, kinh tế, văn hóa, xã hội …  Tóm lại (ông Thêm) đã trình bày một thứ niên biểu sơ lược và khách quan để tiện bề tra cứu”.

          Và, trong Quyển II của bộ sách ấy, người đọc thấy ở trang 42 (xem chú thích 1 ở cuối bài):

          “Ngày 19 tháng 7, 1955, chính phủ Hà Nội gửi công hàm cho chính quyền miền Nam đề nghị cử đại biểu tham dự hội nghị hiệp thương bắt đầu từ ngày 20 tháng 7, 1955 để bàn về việc thống nhất nước nhà bằng tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc theo đúng như hiệp định Genève qui định.  Trong bức công hàm này, Phạm Văn Đồng (Thủ Tướng Cộng Sản Bắc Việt) đã mở đầu “Kính thưa Tổng Thống”…

          Ý-Kiến:

          Ngày 23-10-1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc “trưng cầu dân ý”;

          Ngày 26-10-1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng Thống (Tổng Thống đầu tiên) của Việt Nam Cộng Hóa;

          Thế mà ông Đoàn Thêm lại viết là vào ngày 19-7-1955 (trước đó hơn 3 tháng), Phạm Văn Đồng đã mở đầu (công hàm của chính phủ Hà Nội gửi chính quyền Miền Nam):  “Kính thưa Tổng Thống” (trong lúc ông Diệm còn là Thủ Tướng).

          Đó phải chăng là lối trình bày “khách quan” của người “từng nắm chức vụ cao trong Dinh Độc Lập (dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa)”?

          2/  Do linh mục Hồng Phúc, trong bài “Đốt Lò Hương Cũ:  Cụ Ngô Đình Diệm và La Vang” đăng trên báo “Mẹ Việt Nam” số 102 ra ngày 15-8-1998 (xem chú thích 2 ở cuối bài):

          “Tập sách ‘Đức Mẹ La Vang và Giáo Hội Việt Nam’…  Cha Giuse Lê Văn Thành nhờ linh mục Hồng Phúc ấn loát gấp 10.000 quyển gởi ra (La Vang) trước kiệu Đại Hội lần thứ 12, tháng 8-1955.  Cuối tháng 7, tôi nhận được điện tín của ngài cho biết máy bay không nhận chở ra Huế…  Chúng tôi cùng với một cha bạn quen với họ Ngô, vào xin yết kiến Tổng Thống.  Văn phòng Phủ Tổng Thống cho biết là Tổng Thống rất bận.  Họ nói với chúng tôi:  Đúng 5 giờ, Tổng Thống có thói quen ra thở không khí trời vài phút…  Tôi nói ngay sự việc và xin Tổng Thống giúp…”

          Ý-Kiến:

          Việc chuyên chở sách đạo và đại hội La Vang xảy ra vào tháng 8-1955, vào thời gian ấy ông Ngô Đình Diệm còn là Thủ Tướng dưới quyền Bảo Đại (Thủ Tướng Diệm phải đợi đến ngày 23 tháng 10-1955, tức 2 tháng sau, mới lật đổ Bảo Đại để lên làm Tổng Thống), thế mà linh mục Phúc đã gọi ông Diệm là Tổng Thống (thay vì sự thật đang là Thủ Tướng).

          3/  Do tiến sĩ sử học Phạm Văn Lưu, trong cuốn “Biến Cố  Chính Trị
Việt Nam Hiện Đại”, xuất bản tại Úc, Tập I, trang 132-33 (xem chú thích 3 ở cuối bài):

          “Tòa Bạch Ốc vào ngày 1 tháng 5 (năm 1955) đã hủy bỏ điện văn vào 27 tháng 4 và tái xác nhận Hoa Kỳ ủng hộ Tổng Thống Diệm với tất cả khả năng của mình…

          J. Lawton  Collins, trong thời gian qua đã nhiều lần… chống lại Tổng Thống Diệm…

          Sự tái ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Tổng Thống Diệm đã được thể hiện rất rõ rệt trong lời tuyên bố của Tân Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam G. Frederick Reinhardt vào ngày 27 tháng 5 năm 1955…

          Ý-Kiến:

          Cũng thế, ngày 26-10-1955 Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mới thành Tổng Thống, thế mà nhà sử học họ Phạm đã gọi ông Diệm là Tổng Thống từ 5 tháng về trước, khi viết về những sự việc xảy ra trong tháng 5-1955.

          4/  Do tiến sĩ & nguyên giáo sư chính trị Nguyễn Đình Tuyến, trong cuốn “Những Biến Cố Lớn trong 30 Năm Chiến Tranh tại Việt Nam – 1945-1975”, trang 11(xem chú thích 4 ở cuối bài):

          “Bảo Đại thoái vị vào ngày 23 tháng 8-1945 tại Huế, chấm dứt triều đại Nhà Nguyễn…  Ông làm vua được 13 năm.  Triều đình Nhà Nguyễn lúc bấy giờ gồm có 6 Bộ, và Bộ Lại do ông Ngô Đình Diệm nắm giữ (Bộ này được xem như là Bộ Nội Vụ).  Sau khi thoái vị trở thành công dân Vĩnh Thụy, Bảo Đại … “

          Ý-Kiến:

          Độc giả lớp trẻ sẽ thấy rõ ràng qua tài liệu này rằng chỉ có một mình ông Ngô Đình Diệm nắm giữ Bộ Lại trong suốt 13 năm tại vị của vua Bảo  Đại, mặc dù Thượng Thư Diệm chỉ tại chức có 4 tháng, và từ đó (năm 1933) cho đến năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Thượng Thư Bộ Lại trong suốt hơn 12 năm trường, của 13 năm làm vua của ông Bảo Đại, chính là ông Phạm Quỳnh; thế mà tiến sĩ Tuyến không đề cập đến.

          Những thí dụ trên cho thấy là chức vị Tổng Thống đã là một khát vọng nhập tâm, ám ảnh nhiều người; và chính ông Ngô Đình Diệm đã được (hay bị?) các nhà viết sử kể trên viết về tiểu sử của mình một cách thiên vị (mà đã thiên vị thì không còn là công bằng, tức là không đúng Sự Thật).

LÊ XUÂN NHUẬN

CHÚ-THÍCH:

          1)  Đoàn Thêm, “Những Ngày Chưa Quên”, tập 2 (nguyên do Nam Chi Tùng Thư xuất bản tại Sài-Gòn, Việt Nam, năm 1969), nay do Xuân Thu tái bản, Los Alamitos, CA, Hoa Kỳ, 1989.

          2)  Linh mục Hồng Phúc, “Đốt Lò Hương Cũ…”, tuần báo “Mẹ Việt Nam” do cô Như Hảo chủ trương, 67 E Hedding St,  San Jose, CA 95112, USA, 1998.

          3)  Phạm Văn Lưu, “Biến Cố Chính Trị Việt Nam Hiện Đại – I: Ngô Đình Diệm và Bang Giao Việt-Mỹ 1954-1963”, Centre for Vietnamese Studies, Melbourne, Vic, Australia, 1994.

          4)  Nguyễn Đình Tuyến, “Những Biến Cố Lớn trong 30 Năm Chiến Tranh tại Việt Nam 1945-1975”, Đại Học Đông Nam, Houston, TX, USA, 1995.

Trở Về

Tìm Kiếm