ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM LÀM THƠ ?
Trong tháng 10 năm 2003, sắp-sửa đến ngày 2-11-2003 là ngày giỗ lần thứ 40 của cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, ông Trần Việt Yên ở San Jose đã đăng lên một số diễn-đàn liên-mạng một bài thơ Đường-luật và tin theo lời của ông Lệ Khanh nào đó cho rằng đó là thơ của ông Ngô Đình Diệm sáng-tác vào năm 1953.
Nguyên-văn như sau:
NĂM MƯƠI NĂM
ĐỌC BÀI THƠ “NỖI LÒNG” CỦA MỘT CHÍ SĨ
Trần Việt Yên
Tình cờ tôi gặp nhà thơ Lệ Khanh, trong câu chuyện hàn huyên, anh hỏi tôi:
– “Có biết cụ Diệm làm thơ không?”
– “Tôi chưa nghe nói” – tôi thành thực trả lời
Anh kể:
– “Cụ Diệm có một bài thơ làm từ năm 1953, Việt Yên muốn nghe tôi đọc cho nghe.
– “Vâng xin anh đọc đi” – tôi vừa trả lời vừa sửa soạn giấy bút để ghi chép lại.
Anh đọc bài thơ cho tôi chép:
NỖI LÒNG
Gươm đàn nửa gánh quẩy sang sông
Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không!
Xe muối nặng nề thân vó Ký
Đường mây rộng rãi tiếc chim Hồng
Vá trời lấp biển người đâu tá?
Bán lợi mua danh chợ vẫn đông!
Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế
Cắm sào đợi khách, thuở nào trong?
(Chí sĩ) NGÔ ĐÌNH DIỆM 1953
Mới thoạt nghe bài thơ Lệ Khanh đọc, tự nhiện tôi rùng mình, cảm xúc bài thơ đi thẳng vào tim óc, tôi nhẩm đi nhẩm lại bài thơ, gần như thuộc lòng,
Trở lại với bài thơ NỖI LÒNG của chí sĩ NGÔ Đ̀NH DIỆM , tôi xin được nêu vài ý nghĩ thô thiển về bài thơ của cụ…
Theo Lệ Khanh cho biết Cụ Diệm làm bài thơ này từ năm 1953, nếu trí nhớ không đánh lừa tôi thì… lúc đó cụ Diệm chưa về nước chấp chánh, cụ còn đang lưu ngụ trong một nhà dòng Thiên Chúa Giáo tại tiểu Bang Misouri (?) Hoa Kỳ .
Thời điểm đó, chiến cuộc Đông Dương đang diễn ra ác liệt… Hội nghị Genève được hình thành nhằm tìm kiếm hòa bình cho Đông Dương, các chính phủ Quốc gia được thành lập và tham dự hòa đàm Genève, nhưng…
Người Mỹ với vai trò lănh đạo khối thế giới Tự Do nóng lòng và muốn can thiệp vào vũng lầy Đông Dương, đang tìm kiếm một khuôn mặt ít chịu ảnh hưởng của người Pháp để ủng hộ , Do những quen biết, ông Ngô Đình Diệm có lẽ đă được thăm dò ý kiến về vai trò lãnh đạo, theo tôi chính đó là hoàn cảnh bài thơ NỖI LÒNG được ra đời .
Đọc bài thơ NỖI LÒNG người ta thấy được tinh thần dấn thân của một con người đang muốn xông pha vào thế cuộc ,
Chỉ 3 chữ “quẩy sang sông “ đă thể hiện được thái độ hăm hở xốc vác dám dấn bước sang một hoàn cảnh khác của tác giả…
Câu thơ thứ 2 ” Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không ,
Mặc dù hăm hở muốn sang sông, tác giả vấp phải hoàn cảnh thực tế phũ phàng : Muốn sang sông thì phải có thuyền, nhưng thuyền không có mà lái cũng không nốt!! Nhìn vào hoàn cảnh nước nhà lúc đó con thuyền quốc gia đang bị sóng gió cộng sản vùi dập, mà người đủ tài lèo lái con thuyền cũng không có, lấy gì để sang sông.
Riêng trong trường hợp tác giả lúc đó, dù nóng lòng hăm hở muốn sang sông gánh vác, nhưng thuyền là tổ chức, mà người lãnh đạo cũng chưa có thì làm sao có thể sang sông cho được bây giờ ?!…
Nếu cứ chần chừ chờ cơ hội thuận tiện thì bao giờ cơ hội mới đến, vì thế phải nhập cuộc, phải sang sông .
Đọc cả bài thơ tôi thấy toát lên cái hào sảng của một kẻ sĩ, dù đang ẩn nhẫn , nhưng quyết chí phải xông pha vào con đường gió bụi phong trần cái hăm hở của một con người nhập thế, dám chấp nhận thử thách khó khăn…
Có lẽ vì mang tinh thần NHẬP CUỘC đó mà chí sĩ NGÔ ĐÌNH DIỆM sau đó ít lâu đă nhận lời mời của Quốc trưởng Bảo Đại về nước đảm nhận vai trò thủ tướng khi người Pháp đang bị vây khốn Điện Biên Phũ,
TRẦN VIỆT YÊN
Đến tháng 10 năm 2006, bài viết trích trên của ông Trần Việt Yên đã được đăng lại trên nhiều diễn đàn (cùng với các lỗi chính tả y nguyên như cũ).
*
Đọc lời bình của ông Trần Việt Yên, tôi cũng rùng mình.
1/ Ông Trần Việt Yên không biết gì về lịch sử cả (ít nhất là những gì liên quan đến bài thơ và ông Ngô Đình Diệm).
Bài thơ được cho là làm vào năm 1953, mà ông Trần Việt Yên viết là:
“Hội nghị Genève được hình thành“ trong lúc sự thật là mãi cho đến năm sau, ngày 26 tháng 4 năm 1954 Hội-Nghị Genève mới hình thành (chấm dứt ngày 21-7-1954)!
“lúc đó cụ Diệm chưa về nước chấp chánh, cụ còn đang lưu ngụ… tại tiểu Bang Misouri (?) Hoa Kỳ.” Tất nhiên là chưa về nước chấp chánh, viết như thế là thừa. Vả lại, ở Mỹ mà không viết đúng cái tên của Bang Missouri (tối thiểu cũng có trong sổ điện-thoại)? Hơn nữa, sự thật là ông Diệm ở Bang New Jersey (mặc dù ông Trần Việt Yên có ghi dấu hỏi nghi-vấn liền sau tên Bang Missouri, nhưng một khi ông Yên đã chú ý đến thời-điểm ra đời của bài thơ (năm 1953) nhất là hoàn-cảnh lúc đó của tác-giả (Ngô Đình Diệm) mà ông Yên vẫn cứ mù-mờ nhập-nhằng sự-kiện này với thời-điểm kia chứ không chịu tìm hiểu xem ông Diệm lúc đó cư-ngụ/sinh-sống ở đâu, thì làm sao mà bình thơ, vể NỖI LÒNG của ông Diệm được?
“mà chí sĩ NGÔ ĐÌNH DIỆM đă nhận lời mời của Quốc trưởng Bảo Đại về nước đảm nhận vai trò thủ tướng khi người Pháp đang bị vây khốn Điện Biên Phũ”. Sự thật là Điện Biện Phủ (trận đánh mở màn từ 13-3-1954) đã thất thủ vào ngày 7-5-1954 rồi, thì, gần một tháng rưỡi sau, khi ông Ngô Đình Diệm được Quốc Trưởng Bảo Đại cử làm thủ tướng vào ngày 16-6-1954, Pháp đã đầu hàng rồi, đâu còn đang bị vây khốn ở Điện Biên Phủ nữa?
2/ Nội-dung bài thơ (nếu là của ông Ngô Đình Diệm) thì thật là đã rọi thêm ánh sáng vào tâm-trạng (“nỗi lòng”) thật sự của ông Diệm lúc bấy giờ:
Theo ý bài thơ thì tác-giả (cho là ông Ngô Đình Diệm) là người đang muốn “sang sông” (đem tài ra giúp nước), nhưng “thuyền không, lái cũng không!”,nên “Cắm sào đợi khách” mà không biết dòng sông “thuở nào” mới “trong.”
Ông Trần Việt Yên đã bàn rõ thêm: “Mặc dù hăm hở muốn sang sông, tác giả (Ngô Đình Diệm) vấp phải hoàn cảnh thực tế phũ phàng : Muốn sang sông thì phải có thuyền, nhưng thuyền không có mà lái cũng không nốt!! Nhìn vào hoàn cảnh nước nhà lúc đó con thuyền quốc gia đang bị sóng gió cộng sản vùi dập, mà người đủ tài lèo lái con thuyền cũng không có, lấy gì để sang sông.” Chừng e chưa rõ, ông Trần Việt Yên lặp lại lần nữa: “Riêng trong trường hợp tác giả(Ngô Đình Diệm) lúc đó, dù nóng lòng hăm hở muốn sang sông gánh vác, nhưng thuyền là tổ chức, mà người lãnh đạo cũng chưa có (Vá trời, lấp biển, người đâu tá?) thì làm sao có thể sang sông cho được bây giờ ?!”
Rõ ràng, theo ông Trần Việt Yên, thì ông Ngô Đình Diệm muốn “sang sông” (đem tài ra giúp nước), nhưng không có thuyền (không có tổ chức), không có người lái (không có lãnh đạo), cho nên không thể “sang sông”, chỉ biết “cắm sào đợi khách” mà thôi. Như thế tức là ông Ngô Đình Diệm không có tổ chức (thuyền) của mình, mà chỉ trông chờ tổ chức của người khác, và chấp nhận để cho người khác lãnh đạo (lái) mình. Nói một cách khác, ông Ngô Đình Diệm sẵn-sàng đem tài ra phục-vụ trong tổ-chức của người khác, dưới quyền lãnh đạo của người khác, mà chưa toại nguyện, nên phải bất động, hay bất-lực, “cắm sào” (không làm gì hơn) để chờ thời thôi. Câu thơ “Vá trời lấp biển người đâu tá?” chỉ rõ là ông Ngô Đình Điệm không/chưa thấy, nên mong chờ, người lãnh đạo ấy — là người khác (chứ có ai lại đi mong chờ chính mình?). Câu thơ thứ hai đã khẳng định là “thuyền không (không có tổ chức), lái cũng không (không có lãnh tụ)” rồi, cho nên câu cuối (Cắm sào đợi khách, thuở nào trong?) không có nghĩa là con thuyền hay người lái đò “cắm sào đợi khách” (vì từ câu 2 đã nói rõ là không có thuyền, không có người lái, tức không có tổ chức, không có lãnh đạo rồi), mà là nói về nỗi lòng của tác giả (lần lữa nắng mưa) “cắm sào đợi khách” tức là bất động, và thụ động trông chờ một con thuyền tức một tổ chức, và một người lái tức một người lãnh đạo, hầu ông bước lên con “thuyền” ấy, tùy vào người “lái” đò ấy, để mà “sang sông”). “Thuở nào trong?” là lời tự hỏi của tác giả, không biết bao giờ mới có tổ-chức và người lãnh đạo tài ba ấy, để sông hết đục và nước nên trong (Đó là hiểu theo lời bình của ôngTrần Việt Yên – xin mời đọc lại — chứ không phải là của tôi).
Tôi liền lục tìm tài-liệu lịch-sử thì thấy quả là từ năm 1950 ông Ngô Đình Diệm đã qua Nhật Bản tìm gặp Kỳ-Ngoại-Hầu Cường Để (dòng dõi Hoàng-Tử Cảnh; từng được nhóm Phan Bội Châu và một nhóm giáo-dân Ky-Tô từ Quảng Bình tới Nghệ An tôn làm Minh Chủ lo việc chống Pháp; bị Pháp tuyên án tử-hình khiếm-diện; cầm đầu Viêt-Nam Phục-Quốc Đồng-Minh-Hội, tổ-chức Việt-Nam Kiến-Quốc-Quân; hoạt-động khắp Hồng-Kông, Nhật, Trung-Hoa, Thái-Lan,Singapore, Ý, Đức, Anh; được Bảo Đại cử làm Trưởng Cơ-Mật-Viện; cư-ngụ và có thế-lực ở Nhật) để bàn với ông Cường Để về việc thành-lập một chính-phủ chống Cộng; rồi qua Mỹ, tiếp xúc với Bộ Ngoại-Giao Hoa-Kỳ; rồi qua Pháp, rồi qua Roma, rồi liên lạc với Quốc Trưởng Bảo Đại (ngỏ ý sẵn sàng làm thủ tướng, với một số điều kiện); xong mới qua Mỹ lại. Từ đó, ở Mỹ nhiều năm (dưới sự bảo trợ của Hồng-Y Francis Joseph Spellman, làm quen với nhiều dân-biểu và Thượng-Nghị-Sĩ nhưMike Mansfield, John F. Kennedy…), ông Ngô Đình Diệm vận động ráo riết (kể cả đề nghị giải pháp suy tôn Hoàng-Thái-Tử Bảo Long vào năm 1951, lưu giữ quân đội Pháp lại tại Việt Nam vào năm 1953). Hiển-nhiên ông Diệm không thể đề-nghị Cường Để cũng như Bảo Long phục-vụ dưới quyền của mình, mà ngược lại mà thôi. Tháng 5 năm 1953 ông qua Âu Châu (và đến đầu năm 1954 vẫn chưa được ai bàn chuyện chính ông chấp chánh). Đó là hoàn-cảnh và tâm-trạng thực-sự của ông Ngô Đình Diệm vào năm 1953, năm làm bài thơ nói trên. Thế thì ông Trần Việt Yên quả đã hiểu đúng nỗi lòng và bài thơ (cho là) của ông Ngô Đình Diệm vậy.
Do đó, nếu căn-cứ vào các loại “tài-liệu” của những người thân-Diệm sau này, tán-tụng ông Diệm lên tận mây xanh, thì ông Trần Việt Yên, dựa vào ông Lệ Khanh, đã phạm tội vu khống ông Ngô Đình Diệm là tác giả bài thơ ấy (vì bài thơ ấy phản lại huyền-thoại do một số người dựng lên về quá-trình sự-nghiệp của ôngDiệm: tự mình làm nên, không nhờ vào ai, nhất là không chịu ở dưới quyền ai), tức là ông Trần Việt Yên đã hạ thấp giá trị tinh thần của chí sĩ họ Ngô vậy.
Hoặc giả (nếu quả thật bài ấy là thơ của ông Ngô Đình Diệm), thì ý tác-giả là ông đã có tổ-chức nằm sẵn trong nước, chỉ cần, và rất cần, được (siêu quyền-lực) hợp-thức-hóa thành một con thuyền, để ông được chính-thức-hóa thành kẻ lái đò, tức người lãnh-đạo, thì bài thơ “khẩu-khí” nói lên hoài-vọng của ông như trên cũng đã đồng-thời đặt ra và xác-nhận một thực tế là yếu-tố ngoại-bang trong chiều dài vận-động chính-trị của các chính-khách Việt-Nam xưa và nay: một bên làLiên-Xô; một bên là Đông-Du, Đông-Kinh Nghĩa-Thục, rồi Hoa-Kỳ. Và Hoa-Kỳ sau này vẫn là cái bến tốt nhất cho các con thuyền vào đậu hay ra đi (mà Diệm thì vào đậu nhờ, song sau khi tách bến đã tự biến thành con thuyền không bến, không cả tìm về bến cũ với cây đa xưa).
Tôi không tin rằng ông Ngô Đình Diệm có làm thơ ‒ có làm quen với Đường-thi mới thích làm thơ Đường-luật (↓); vả lại người sính làm thơ thì đã làm nhiều, chứ đâu chỉ có một bài! ‒ nhưng tôi lại tin rằng, nếu ông Diệm mà có làm thơ, thì hẳn là ông đã hủy (không còn lưu lại) bài thơ… bất-lợi cho ông như trên.
*
Trở lại thời-gian 1954-63, dưới thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa: hầu hết các cơ-quan truyền-thông (đều do chế-độ kiểm-soát), các công-chức và quân-nhân văn+nghệ-sĩ, cùng với các phần-tử mưu-cầu danh-lợi, đều đã nỗ-lực tối-đa để sản-xuất những tác-phẩm (chưa kể các báo-cáo, diễn-văn, kiến-nghị, thỉnh-nguyện-thư, lời nói miệng…) đề-cao Tổng-Thống họ Ngô. Nhưng đằng sau những cố gắng ấy đã có thấp-thoáng cái mặc-cảm tự-ti rằng Ngô Tổng-Thống trong này có thể thua kém HồChủ-Tịch ngoài kia về một số mặt nào đó, cho nên người ta đã tô vẽ quá đà. Một trong các thí-dụ là: ngoài Bắc thì Tố Hữu cường-điệu “Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin”, trong Nam thì Đỗ Tấn (Đỗ Tấn Xuân) xuất-bản hẳn cả một tập thơ nhan đề “Mùa Hoa Sim Nở” mà then chốt trong đó là câu: Tiếng đầu lòng con gọi: “Cụ Ngô”“!
Trong bối-cảnh đó, nếu có, dù chỉ một câu, thơ của Cụ Ngô, thì hẳn mọi người đã tranh giành nhau giảng-bình, ca-tụng, chêm vào các sách văn-học-sử, đem dạy khắp mọi lớp+trường, phổ-biến khắp các công+quân+tư-sở, phổ nhạc, dịch qua các tiếng nước ngoài, v.v…, nhất là dùng làm bằng-chứng cụ-thể rằng chính Cụ Ngôcũng có làm thơ, chứ đâu thua kém Cụ Hồ ngoài kia!
Còn một điểm nữa, là nếu ông Ngô Đình Diệm, vì quá nôn nóng ra làm quan sớm trong triều bù-nhìn dưới quyền thực-dân (nên đã khai gian trội tuổi để được nhận vào học trường Hậu-Bổ), rồi lại tiếp-tục mải-mê theo-đuổi chí-huớng của mình, nên chỉ làm được có một bài thơ mà thôi, thì nó là phần di-sản tinh-thần quý-hiếm của ông; lẽ nào những người thân-tín hàng đầu, như ông+bà Trần Trung Dung, Hồng-Y Nguyễn Văn Thuận, các linh-mục ở Phủ Cam, các người quản-thủ văn-khố của gia-đình họ Ngô, của cố Tổng-Giám-Mục Ngô Đình Thục, và cả bà Ngô Đình Nhu, v.v… mà cũng không biết gì đến bài thơ ấy; và những nhân-vật hoài-Ngô sưu-tầm viết-lách đầy dẫy trên trường sách+báo truyền-thanh truyền-hình và Internet, nhất là từ năm 1963, mà cũng không ai nói đến — mà phải đợi đến dịp giỗ lần thứ 40 của ông (40 năm sau khi ông mất), vào năm 2003, mới có một ông Lệ Khanh nào đó, nhân trong câu chuyện hàn huyên, không trưng xuất-xứ, mà tung bài thơ ấy ra?
*
* *
Thế nhưng ông Trần Việt Yên lại còn rao thêm là có cả một mục-sư tên Hồ Xuân Phong (?) cho hay là ông Ngô Đình Diệm còn có một bài thơ thứ hai nữa, nhan đề “Tóc Bạc”, sáng-tác vào thập-niên 1960 (thời-gian ông Diệm đạt-nguyện), mà mục-sư ấy không nhớ, chỉ nhớ một bài họa lại của một “nữ sĩ vô danh” vào năm1963 (là năm cuối-cùng của Tổng-Thống Diệm).
Bài thơ chủ-yếu và hiếm-hoi (cho là) của một danh-nhân mà không cần nhớ, lại đi nhớ bài họa lại của một phần-tử vô-danh!
*
* *
Cuối cùng, cũng trong tháng 10, vào ngày 22-10-2006, giáo-sư Lưu Trung Khảo đã lên tiếng về bài thơ này như sau:
To: | Nuoc_Viet @yahoogroups. com, yen @vlink. com, |
CC: | mangykien @yahoo. com, @calitoday.com, |
From: | “khao luu” <luutrungkhao@yahoo.com> |
Date: | Sun, 22 Oct 2006 21:23:43 -0700 (PDT) |
Subject: | Re: [Nuoc_VIET] 50 nam sau doc bai tho “ Noi long” cua mot chi si – Bai viet nam 2003 |
Thưa quý vị,
Tác giả bài thơ Nỗi Lòng là cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác, Giáo sư trường Đại Học Văn Khoa Saigon trước 1975.
Hồi thời Đệ Nhất Cộng Hòa, không hiểu vì đâu có tin đồn rằng cụ Ngô là tác giả bài thơ đã in trong Văn Đàn Bảo Giám với tên tác giả là Nguyễn Sĩ Giác. CụLãng Nhân* cũng đã viết rõ ràng về lai lịch bài thơ này trong cuốn “Giai Thoại Làng Nho” hay “Chơi Chữ” (tôi không nhớ rõ cuốn nào).
Xin kính trình để quý vị thẩm định.
LƯU TRUNG KHẢO
*Lãng Nhân là biệt hiệu của cụ Phùng Tất Đắc, nhà văn, chủ trương nhà xuất bản Nam Chi tại Saigon trước năm 1975, tác giả “Chơi Chữ” (1961), “Chuyện Vô Lý” (1962), “Hán Văn Tinh Túy” (1965), “Giai Thoại Làng Nho” (1966), “Chuyện Cà Kê” (1968)…
*
<<… “Trong tập hồi ký có tên “Khúc Tiêu Đồng”, tác giả Hà Ngại có viết: “Nguyên ông Ngô Đình Diệm tốt nghiệp trường Pháp (Diplôme complémentaire), không có khoa mục – tức là không có khoa bảng về Hán văn… Cụ (Nguyễn Hữu) Bài (thông gia với cụ Ngô Đình Khả) lúc bấy giờ là Thượng Thư Bộ Lại, quyền uy rất lớn, cụ Bài muốn cho ông Diệm vào trường Hậu Bổ, mới tâu xin vua ra một điều lệ mới: Là người nào có văn bằng tốt nghiệp Trung Học Pháp*, được xem ngang Tú Tài Hán Học và đương nhiên ấm sinh Tú Tài được thi vào trường Hậu Bổ. Ông Diệm là con quan, có ấm sinh, nên được thi vào trường Hậu Bổ… Nhưng điều lệ ấy chỉ có ông Diệm và một vài người có thế lực được hưởng. Sau một thời gian ngắn, điều lệ ấy bị bãi bỏ.” (trang 126) >>
(Hà Thúc Ký, “Sống Còn với Dân Tộc”, California: Phương Nghi, 2009, trang 166-67) ↑
*(Hồi đó có 2 chương-trình giáo-dục: chương-trình Pháp do giáo-viên Pháp dạy tại trường Pháp, sau 4 năm thi lấy bằng Diplôme là bằng Trung-Học Đệ-Nhất Cấp ̶ chương-trình bản-xứ do giáo-viên Việt dạy tại trường Việt, sau 4 năm thi lấy bằng Thành Chung; cả hai đều tương-đương lớp 9 ̶ chương-trình Việt có dạy Hán-tự. Học thêm 3 năm nữa mới thi lấy bằng Baccalauréat hoặc Tú-Tài tức Trung-Học Đệ-Nhị Cấp tương-đương lớp 12)
NGƯỜI THƠ