PHẢI CHĂNG CÓ MỘT CUỘC “LEO THANG MỚI” TRONG HỒ SƠ BIỂN ĐÔNG-BIỂN HOA ĐÔNG ?

ING.051Sau Đài Loan, Hoa Kỳ, Philippines và Việt Nam, đến lượt Nhật Bản , vào ngày 12/01/2014, tố cáo Trung Quốc về quyết định bắt tàu đánh cá ngoại quốc phải xin phép Bắc Kinh nếu muốn vào hoạt động tại Biển Đông. Theo Tokyo, các hạn chế mới mà Bắc Kinh áp đặt tại Biển Đông, kèm theo quyết định đơn phương thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông vào cuối năm 2013 đã làm cho cả cộng đồng quốc tế quan ngại.

Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã đưa ra các nhận định nói trên sau khi thanh sát cuộc tập trận của Lữ đoàn Nhảy dù, một đơn vị tinh nhuệ thuộc Lực lượng Tự vệ – tức quân đội – Nhật Bản. Nội dung bài tập huấn rất có ý nghĩa trong bối cảnh căng thẳng Nhật-Trung hiện nay : Binh sĩ Nhật Bản tập nhảy dù xuống trận địa nhằm bảo vệ và tái chiếm một hòn đảo xa ngoài khơi.

Phát biểu với báo giới, ông Onodera tuyên bố : “Đơn phương bày ra một điều như vậy, cứ như thể là vùng biển đó là lãnh hải của riêng mình, và áp đặt một số hạn chế trên tàu thuyền đánh cá, đó không phải là điều được quốc tế chấp nhận ».

Đối với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản : « Tôi sợ rằng không chỉ Nhật Bản, mà toàn thể cộng đồng quốc tế, đều quan ngại rằng Trung Quốc đang đơn phương đe dọa trật tự quốc tế hiện tại », với những hạn chế mới tại Biển Đông và với việc thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông.

Các quy định mới về đánh cá – do tỉnh Hải Nam (miền nam Trung Quốc) ban hành và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/01/2014 – đòi hỏi tàu cá nước ngoài phải được Bắc Kinh cho phép mới được vào hoạt động tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Đài Loan và 4 nước Đông Nam Á : Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Chính quyền Trung Quốc đã công khai hóa tấm bản đồ hình lưỡi bò, xác định hầu hết Biển Đông là thuộc chủ quyền lịch sử của họ, và giao cho thành phố Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam quyền quản lý vùng biển đảo rộng lớn đó.

Ngay sau khi có thông tin về quy định của tỉnh Hải Nam « cấm » tàu đánh cá ngoại quốc vào Biển Đông, Đài Loan, Philippines và Việt Nam đều đã lên tiếng bác bỏ, và yêu cầu Trung Quốc rút lại các quy định « sai trái » đó.

Ngày 10/01, Philippines đã yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ ngay lập tức những quy định mới về đánh cá mà chính quyền tỉnh Hải Nam thông qua từ tháng 11 năm ngoái và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Đối với Manila, các quy định đó là một sự « vi phạm thô bạo » công pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. 

Về phần Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị hôm 10/01, cũng đã phản đối quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông, xem các quy định này là « bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) ». 

Về phần Nhật Bản, tuy không có quan hệ trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông, hôm 12/01/2014 như vừa  đề cập ở trên, cũng đã lên tiếng phản đối những quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông xem đó không phải là « điều được quốc tế chấp nhận ». 

Nhưng đáng chú ý nhất là phản ứng cứng rắn khá bất thường của Hoa Kỳ. Ngày 09/01, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã lên án những quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông, xem đó là một hành động « mang tính khiêu khích và nguy hiểm tiềm tàng ». Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng phía Trung Quốc vẫn không đưa ra một lời giải thích hoặc một cơ sở pháp lý quốc tế nào cho những khẳng định chủ quyền của họ trên phần lớn vùng Biển Đông. Bà Psaki nhắc lại lập trường của Washington là « tất cả các bên có liên quan cần tránh mọi hành động đơn phương gây thêm căng thẳng, gây phương hại đến khả năng giải quyết các bất đồng qua con đường ngoại giao hoặc một cách hòa bình ». 

Nhưng phản ứng của Bắc Kinh cũng mạnh mẽ không kém. Hôm 10/01, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc « bất bình và phản đối » lời chỉ trích của Mỹ, mà bà xem là « có dụng ý xấu ».

 Trước cuộc đấu khẩu giữa phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hai nước, quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh đã phần nào căng thẳng thêm do việc Trung Quốc ngày 23/11 năm ngoái loan báo thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển Hoa Đông. Một tuần sau đó, chính quyền Obama ra lệnh cho hai chiếc oanh tạc cơ B-52 (không có trang bị vũ khí) bay vào vùng phòng không đó mà không thèm báo trước cho Bắc Kinh. 

Thậm chí hai bên đã suýt đụng độ nhau trên biển : Ngày 05/12 năm ngoái, chiếc tuần dương hạm USS Cowpens đã phải bẻ lái tránh một chiến hạm tháp tùng hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đang cản đường trên Biển Đông. Có thể xem đó là một sự kiện mang tính biểu tượng : Trung Quốc thách thức Hoa Kỳ tại khu vực mà trong một thời gian dài vẫn nằm dưới ảnh hưởng của Mỹ. 

Khi đưa ra những quy định về đánh cá nói trên, Bắc Kinh càng đụng chạm đến « quyền lợi cốt lõi » của Mỹ ở Biển Đông, khu vực mà Washington vẫn chủ trương là phải bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và vẫn kêu gọi Trung Quốc cùng với các nước ASEAN thiết lập một bộ quy tắc ứng xử đề ngăn ngừa xung đột.

Riêng đối với Nhật Bản hôm 13/01/2014, Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội về chỉ trích của Nhật Bản liên quan đến các quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông, nói rằng Tokyo chẳng có liên quan trực tiếp gì đến vấn đề này. Đáp lại lời chỉ trích của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật đã đề cập ở trên , phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 13/01  tuyên bố : « Tôi khuyên các giới chức Nhật Bản, trước khi phát biểu như vậy, nên nghiên cứu sơ qua để hiểu đúng những quy định và luật lệ của Trung Quốc ».

Phải chăng các sự kiện sẽ được trình bày  sau đây đánh dấu một bước “leo thang mới” trong hồ sơ “Biển Đông – Biển Hoa Đông” ? Vào hôm 12/01/2014, tức một ngày trước khi Trung Quốc đưa ra các câu tuyên bố nêu trên nhắm vào Nhật Bản, và lần đầu tiên kể từ đầu năm, ba chiếc tàu tuần duyên Trung Quốc lại thâm nhập vùng biển chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý trên Biển Hoa Đông.

Theo nguồn tin trên, ba chiếc tàu của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến vào khu vực này vào khoảng 08g30 sáng ngày 12/01, giờ địa phương, đi lại trong vùng hải phận của Nhật Bản trong vòng 2 tiếng đồng hồ trước khi trở ra.

Đây là cuộc thâm nhập đầu tiên trong năm 2014. Lần cuối cùng mà Tuần duyên Trung Quốc tiến vào khiêu khích Nhật Bản tại vùng Senkaku/Điếu Ngư là vào ngày 29/12/2013 vừa qua.

Từ hơn một năm nay, quan hệ Trung-Nhật xuống đến mức thấp nhất do tranh chấp chủ quyền vùng quần đảo này trên Biển Hoa Đông, đang nằm dưới quyền quản lý của Tokyo, nhưng bị Bắc Kinh viện dẫn các lý do lịch sử để đòi chủ quyền ngoài.

Tình hình đặc biệt căng thẳng từ tháng 9 năm 2012, sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba trong số năm hòn đảo chính của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư : Chính quyền Bắc Kinh đã nhắm mắt làm ngơ cho một làn sóng biểu tình chống Nhật, đôi khi biến thành bạo động, tại một số thành phố lớn ở Trung Quốc.

Từ đó đến nay, Bắc Kinh thường xuyên cho tàu tuần tra biển, thậm chí các máy bay trinh sát, đến hoạt động ngay trong khu vực lãnh hải Nhật Bản chung quanh các hòn đảo, nằm cách Đài Loan 200 km về phía đông bắc, và cách Okinawa (miền nam Nhật Bản) 400 km về phía tây.

 Hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nổ ra xung đột, vì tàu Nhật Bản cũng thường xuyên tuần tra tại khu vực này.

Tóm lại, đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh có hành vi khiêu khích, nhưng lần này Tokyo đã phản ứng tức thời, lên tiếng đe dọa dùng võ lực để bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải.

Tuyên bố tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Itsunori Onodera khẳng định rằng nước ông « sẽ không bao giờ tha thứ cho những hành vi thâm nhập lặp đi lặp lại » của tàu Trung Quốc vào vùng biển của mình.

Lãnh đạo ngành quốc phòng Nhật Bản nói tiếp : « Một mặt, chúng ta (tức Nhật Bản) phải có những nỗ lực ngoại giao. Nhưng một mặt khác, chúng ta cũng muốn kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của đất nước bằng các Lực lượng Tự vệ (tên gọi của quân đội Nhật) và Tuần duyên ».

 Phản ứng cứng rắn trên đây của ông Onodera được đưa ra sau khi Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản báo cáo về một vụ xâm nhập mới của tàu Trung Quốc ngày 12/01 vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang bị Trung Quốc quyết liệt tranh giành  như vừa đề cập ơ trên

Tổng Hợp

[Lãnh Vực]

 

 

 

 

 

Tìm Kiếm