Phân hóa giàu nghèo phủ bóng đen Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016

ANTT.VN Các nhà lãnh đạo cùng giới kinh doanh toàn cầu sẽ bắt đầu nhóm họp vào ngày mai (20/1) tại hội nghị thường niên lần thứ 46 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, trong bối cảnh phân hóa giàu nghèo đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

GIAU NGHEO

Người biểu tình trong phong trào Chiếm Phố Wall (Occupy Wall Street) năm 2011. Ảnh: Getty

Theo tổ chức phi chính phủ Oxfam, bất bình đẳng trong thu nhập trên toàn cầu đang ở mức chưa từng thấy trong hơn một thế kỉ qua, khi mà chỉ một nhóm nhỏ giàu nhất thế giới đang sở hữu lượng tài sản tương đương phân nửa dân số nghèo nhất, trong khi 1% dân số nằm trên cùng tháp thu nhập lại giàu hơn 99% còn lại.

Được thành lập tại Oxford, Anh vào năm 1942, Oxfam là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, là một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên thế giới với tôn chỉ chống nghèo đói và bất công trong xã hội.

Cụ thể, tổ chức này tính toán rằng 62 tỉ phú giàu nhất thế giới hiện sở hữu lượng tài sản bằng 3,5 tỉ người nghèo nhất – tương đương một nửa dân số thế giới.

Để dễ so sánh, cần tới 388 tỉ phú 5 năm trước để cân bằng con số trên. Oxfam cho biết lượng tài sản của những tỉ phú này đã tăng 44% kể từ năm 2010, lên mức 1,76 nghìn tỉ USD trong năm 2015, trong khi tài sản của một nửa dân số thế giới nghèo hơn lại giảm 41% xuống 1 nghìn tỉ USD.

Oxfam cũng chỉ ra rằng hệ thống chính sách thuế lỏng lẻo trên thế giới đang giúp tầng lớp giàu có trốn được hơn 7,6 nghìn tỉ USD – lớn hơn GDP của Đức và Anh cộng lại.

“Bất bình đẳng trong thu nhập là một trong những mối nguy lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới. Nó phải được xử lý một cách quyết liệt nhất có thể”, Jyrki Raina, Tổng thư ký Công đoàn Công nghiệp Toàn cầu (IndustriALL Global Union) – tổ chức đại diện cho 50 triệu công nhân tại 140 quốc gia, khẳng định.

Phân hóa giàu nghèo đang dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm. Ở Trung Đông, khác biệt giữa người Shiite và người Sunny đang lên tới đỉnh điểm, khi Iran và Ảrập Xêút cắt đứt quan hệ ngoại giao, công khai đối đầu trên trường quốc tế.

Ngọn lửa Trung Đông đã nhanh chóng lan qua Lục địa Già, cuốn châu Âu vào cuộc khủng hoảng dân tị nạn tồi tệ nhất từ Thế Chiến thứ Hai.

Ở nhiều nơi khác trên thế giới như Nam Mỹ, Nam Á, và đặc biệt ngay ở Mỹ, phân hóa giàu nghèo cũng đang tạo nên những bất ổn không có lời giải trong lòng xã hội các nước này.

Workers prepares the congress centre ahead of the Annual Meeting 2016 of the World Economic Forum (WEF) in Davos, Switzerland, January 18, 2016. REUTERS/Ruben Sprich

Workers prepares the congress centre ahead of the Annual Meeting 2016 of the World Economic Forum (WEF) in Davos, Switzerland, January 18, 2016. REUTERS/Ruben Sprich

Công tác chuẩn bị cho WEF lần thứ 46 sắp sửa hoàn tất, Davos ngày 18/01. Ảnh: Reuters

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Lãnh đạo của hơn 40 quốc gia cùng khoảng 2.500 doanh nghiệp sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 46 tại Davos, Thụy Sĩ từ ngày 20-23/01 với chủ đề “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ thứ tư”, bàn về những vấn đề gai góc hiện nay như an ninh, thay đổi khí hậu, tăng trưởng toàn cầu cũng như giá cả hàng hóa cơ bản trong bối cảnh tiến bộ khoa học kĩ thuật đang phát triển ở tốc độ chưa từng có.

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đề cập tới những tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, tin học hay sinh học, hứa hẹn sẽ làm bùng nổ năng suất lao động, qua đó tác động sâu sắc tới hệ thống chính trị – xã hội – kinh tế trên toàn thế giới”, giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, đồng thời là chủ tịch của WEF, nói.

Đồng tổ chức hội nghị thường niên năm 2016 là một loạt các tên tuổi lớn trong làng kinh doanh thế giới, như Chủ tịch GM Mary Barra, CEO Microsoft Satya Nadella hay CEO Hitachi Hiroaki Nakanishi…

Quan chức cấp cao nhiều quốc gia G-20 cũng sẽ góp mặt trong hội nghị lần này, bao gồmThủ tướng Anh David Cameron, tân Thủ tướng Canada Jusstin Trudeau, Thủ tướng Pháp Manuel Valls, Phó Thủ tướng Nga Yury Trutnev, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng lãnh đạo nhiều quốc gia khác.

Ngoài những khía cạnh tích cực không phải bàn cãi, làn sóng đổi mới công nghệ với tên gọi “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” cũng đồng thời đe dọa gây bất ổn xã hội, bởi hàng triệu việc làm có thể mất vào tay robot.

Tổng thống Mỹ Obama trong một bài phát biểu gần đây cũng đã đề cập tới thực trạng trên, nhấn mạnh khoa học công nghệ đang thay đổi thế giới từng ngày vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với cả nhân loại.

“Những thay đổi này sẽ mở rộng cơ hội phát triển, đồng thời cũng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Và cho dù chúng ta có thích nó hay không, tốc độ phát triển khoa học kĩ thuật vẫn sẽ ngày một nhanh hơn”, ông nói.

Nghi Điền

Theo ANTT.VN

[Lãnh Vực]

Tìm Kiếm