PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG DÒNG LỊCH SỬ DÂN TỘC (Phần I, Chương 2)

Phần I: BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Chương 2: Pháp Xâm Lược Và Cuộc Kháng Chiến Của Dân Tộc Vn

Tiến trình Tây phương xâm nhập Ðông phương có thể xem là khởi đầu từ chuyến đi phương Ðông của Marco Polo (1275-1292). Tây phương sang Ðông phương trước hết là các giáo sĩ với mục đích truyền đạo. Sau đó là các tổ hợp tư bản đến với mục đích trục lợi thương mại. Vào cuối thế kỷ 18, các đế quốc Tây phương tranh giành lẫn nhau để chiếm thuộc địa. Ngọn gió thổi từ Tây phương đến Ðông phương đã đem vào Á Châu luồng văn minh duy lý và cơ khí, tạo những thay đổi lớn lao về văn hóa, kinh tế và xã hội tại khu vực này.

Tiếng đại bác đầu tiên của hai chiến hạm Pháp là La Gloire và La Victorieuse bắn vào lãnh thổ Việt Nam (Ðà Nẵng) năm 1847, báo hiệu ý đồ thực dân xâm lược của đế quốc Pháp, dùng quân lực đánh chiếm Ðông Dương, song hành với hành động tương tự của các đế quốc Tây phương khác: Anh, Hòa Lan, Bồ Ðào Nha, Y Pha Nho, tại Á Châu. Lúc đó là năm thứ 7 triều vua Thiệu Trị, cũng là năm đầu tiên triều vua Tự Ðức, 800 quả đạn đại bác đã làm thiệt hại mấy ngàn sinh mạng Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn rất nhiều bi thương của dân tộc này.

Vì những khó khăn nội bộ của nước Pháp, cho nên mãi đến năm 1856, Hoàng đế Nã Phá Luân III mới lấy quyết định thực sự cử binh đánh chiếm Việt Nam. Ngày 26-9-1856, chiến hạm Catinat nã đại bác vào Ðà Nẵng. Chiến thuật xâm lược của Pháp nhằm chiếm lấy miền Nam trước hết, để làm đầu cầu quân sự chính trị tiến dần ra Bắc, Trung Việt, Cao Miên và Ai Lao, bằng ngoại giao, quân sự nhưng chính yếu là sức mạnh của quân đội. Năm 1862, quân Pháp chiếm xong ba tỉnh miền Ðông, và đến 1867 chiếm thêm ba tỉnh miền Tây Nam Việt, rồi sau đó tiến ra miền Bắc. Cuộc xâm lăng này hoàn thành năm 1887, sau khi Pháp đã dàn xếp với Trung Hoa, ký kết hiệp ước Thiên Tân giữa Patenôtre và Lý Hồng Chương 27-4-1885, theo đó Trung Hoa công nhận cuộc bảo hộ của nước Pháp tại Việt Nam (*) .

Tuy rằng quân Pháp đã chiếm được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, nhưng đó không phải là một cuộc xâm lược dễ dàng. Quân đội Pháp tuy hùng hậu và có ưu thế võ khí, nhưng đã phải chịu rất nhiều thiệt hại để đối phó với sức đề kháng mãnh liệt và dẻo dai của quân và dân Việt Nam, ròng rã suốt ba mươi năm, từ 1860 đến 1887. Ấy là chưa kể nỗ lực ngoại giao của Pháp thỏa hiệp quyền lợi với triều đình Mãn Thanh qua hiệp ước Thiên Tân, nhằm tạo tình trạng hòa hoãn với Trung Quốc, để khỏi phải bận tâm đến sự can thiệp của Trung Quốc, mà dồn nỗ lực vào hành động quân sự đánh chiếm Việt Nam.

Năm 1887 là thời điểm mà quân Pháp cho là đã hoàn thành cuộc xâm lược quân sự tại Việt Nam, và cũng năm đó Pháp thực hiện công cuộc thống nhứt bộ máy cai trị thuộc địa, đặt viên toàn quyền đầu tiên điều khiển bộ máy thống trị Ðông Dương. Tuy nhiên, sự đề kháng của dân tộc Việt Nam không chấm dứt ở thời điểm 1887, mà còn tiếp tục suốt từ đó cho đến khi Pháp phải chính thức ra đi, rời khỏi vị trí quyền lực tại Việt Nam, năm 1956.

Ðây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, người Việt Nam không chấp nhận uy quyền thống trị của thực dân Pháp, đã kết thành những phong trào liên tục tranh đấu đòi lại chủ quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Trong lịch sử nhơn loại, những cuộc xâm chiếm thuộc địa thường dễ dàng thành công ở giai đoạn đầu, giai đoạn đánh chiếm bằng quân sự, nhưng lại gặp nhiều khó khăn chật vật ở giai đoạn sau. Ðó là giai đoạn đề kháng văn hóa của dân tộc bị trị đối phó với ngoại bang thống trị. Tiến trình xâm chiếm và thống trị của Pháp tại Việt Nam, cũng không thoát khỏi quy luật lịch sử đó.

Giai đoạn đầu, với khoa học chiến tranh tiến bộ và võ khí tân tiến của thế kỷ 19, quân đội Pháp đã có ưu thế để chiến thắng tại Việt Nam. Quân lực của triều đình và của các tổ chức nhân dân võ trang kháng chiến, tuy chiến đấu dũng cảm, hy sinh cao độ, với lòng yêu nước nhiệt thành, nhưng vì yếu thế về võ khí, và chưa có kiến thức mới để ứng phó hữu hiệu với khoa học chiến tranh cơ giới của Tây phương, cho nên rốt cuộc đã phải thất bại về quân sự.

Sau cuộc trường kỳ kháng chiến gần 40 năm (1856-1895), tuy rằng các phong trào kháng chiến võ trang còn hoạt động lẻ tẻ ở các địa phương, quân đội Pháp đã làm chủ được tình hình quân sự trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. (Ghi chú: 1856 chiến hạm Pháp bắn vào Ðà Nẵng, và 1895, phong trào văn thân kháng chiến Phan Ðình Phùng tan rã).

Sau giai đoạn chiến thắng quân sự, bộ máy thống trị Pháp tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn phức tạp hơn trong việc đối phó với cuộc đề kháng muôn hình vạn trạng, không công khai, không chiến lũy, mà âm thầm, kín đáo, bí mật, bền bỉ dẻo dai, diễn ra thường trực trong tâm lý và thái độ của người dân Việt. Tinh thần ái quốc, khát vọng tự do, ý thức độc lập thấm nhuần sâu xa trong tâm hồn người dân Việt từ mấy ngàn năm lịch sử, không thể nào bị dập tắt hay bóp chết một cách dễ dàng giống như sự chiến thắng của một quân đội mạnh đối với một quân lực yếu thế. Sức mạnh vật chất không thể tiêu diệt được những tình cảm phi vật chất. Cố nhiên, khi Pháp dùng võ lực, nhà tù, luật lệ khắc nghiệt, khủng bố đàn áp để đối phó, thì người Việt phải lui bước trước sức mạnh. Nhưng đó chỉ là bước lui tạm thời, để khi có cơ hội nào đó, một biến cố xảy ra, là lập tức tiềm lực đề kháng lại bộc phát nổ bùng mãnh liệt, không lường trước được.

1- PHONG TRÀO VĂN THÂN CẦN VƯƠNG KHÁNG PHÁP

Các tổ chức kháng Pháp phát sanh trước hết tại Nam Việt, ngay từ lúc quân đội xâm lược Pháp đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam năm 1860. Phong trào phát khởi tại miền Ðông, sau đó lan rộng khắp Nam Việt rồi khắp nước Việt Nam. Ðó là phản ứng chung của dân tộc chống ngoại xâm, hễ quân Pháp chiếm cứ nơi nào, là tổ chức kháng Pháp lập tức phát sanh tại nơi đó.

Ðặc tính căn bản chung của các phong trào này là Văn thân Cần Vương. Nghĩa là các tổ chức kháng Pháp được lãnh đạo bởi giới Văn thân, tức giới Sĩ phu Nho học đã từng đóng vai trò lãnh đạo hướng dẫn quần chúng. Giới sĩ phu quy tụ dân chúng nổi dậy đánh Pháp để phục hồi uy quyền triều đình, tức là nhà vua Việt Nam (cần vương). Về mặt tư tưởng, giới sĩ phu thấm nhuần Nho giáo, đặt mối tương quan quân thần lên trên hết (Tam cương: Quân thần, Phụ tử, Phu thê) xem nhà Vua là biểu tượng quốc gia, và trung quân đồng nghĩa với ái quốc. Về mặt xã hội, giới sĩ phu được dân chúng kính trọng, nghe theo, phần đông truyền bá giáo dục trong vùng, cho nên khi dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp, họ có khả năng huy động quần chúng tham gia. Ðương nhiên các phong trào kháng Pháp thời kỳ đầu tiên cho tới cuối thế kỷ 19, đều do giới sĩ phu lãnh đạo và mang tư tưởng phục vụ triều đình, có mục đích đánh đuổi Pháp, để tái lập chế độ quân chủ truyền thống.

Từ 1860 đến 1885, nhiều tổ chức khởi nghĩa chống Pháp đã xuất hiện, trong đó lịch sử Việt Nam ghi nhận các tổ chức sau đây có tầm quan trọng cao hơn hết:

Nguyễn Trung Trực 1860-1868, Trương Công Ðịnh 1861-1864, Nguyễn Hữu Huân 1863-1868, Võ Duy Dương 1865-1866, Trần Văn Thành 1865-1873, Ðinh Công Tráng 1866-1867, Nguyễn Thiện Thuật 1885-1889, Phan Ðình Phùng 1885-1895, Hoàng Hoa Thám 1887-1913.

Tất cả những lãnh tụ kháng Pháp này đã thất bại, mặc dù họ đã chiến đấu rất dũng cảm. Lý do thất bại là: lần đầu tiên binh sĩ Việt Nam phải đương đầu với một lực lượng quân sự địch khác hẳn với tất cả quân đội địch mà họ đã phải đương đầu trong lịch sử, như quân Trung Hoa, Chiêm Thành, Chân Lạp. Ðiều kiện chiến trường, võ khí, chiến thuật, và trình độ tiến hóa trước kia không có sự cách biệt quá đáng giữa các địch thủ Á Châu, trên các chiến trường Á Châu. Còn Pháp là một địch thủ hoàn toàn xa lạ, với khoa học chiến tranh khác, phương pháp chiến đấu khác, và các loại võ khí cơ giới tiến bộ rất xa so với võ khí cổ điển thô sơ của Việt Nam…

Do đó, tương quan lực lượng trong cuộc chiến đấu này trên phương diện khí giới tiến bộ, rất chênh lệch và có hại cho kháng chiến Việt Nam. Mặc dù đã đạt những thắng lợi ngoại hạng với võ khí yếu kém, như những trận đánh chìm tầu Pháp tại Nhựt Tảo hay hạ đồn Pháp tại Kiên Giang do lãnh tụ Nguyễn Trung Trực chỉ huy, nhưng rốt cuộc các lãnh tụ kháng chiến đã bị Pháp bắt giết hay tử trận, vẹn danh kẻ yêu nước, sau khi đã xả thân đem nhiệt tình và dõng cảm để cố bù đắp sự thua thiệt về võ khí, sự thất thế về lực lượng quân sự so với quân Pháp.

Phong trào Văn thân Cần vương kháng Pháp được xem như đã chấm dứt sau khi nhà lãnh tụ Cần vương nổi tiếng trong lịch sử là Phan Ðình Phùng tạ thế năm 1895. Cũng từ đây, theo sự phân định của các nhà biên khảo Việt sử, tư tưởng Cần vương bắt đầu phai lạt trong bối cảnh xã hội mới, nhường chỗ cho tư tưởng canh tân hướng về quốc gia dân tộc, hơn là sống chết vì Vua.

2- GIAI ÐOẠN QUÁ ÐỘ: CÁCH MẠNG CHUYỂN HƯỚNG CANH TÂN

Mặc dầu sau 1895, vẫn còn những nỗ lực lẻ tẻ của các tổ chức võ trang kháng Pháp, và phong trào Cần vương Hoàng Hoa Thám khởi đầu năm 1887 tại Bắc Việt cũng còn tồn tại cho đến 1910, nhưng người Việt Nam đã bắt đầu có những nhận thức mới, trước một hoàn cảnh mới, để chuyển cách mạng giải phóng dân tộc sang khuynh hướng mới, hình thức tổ chức mới, phương pháp hành động mới. Tạm gọi là khuynh hướng canh tân.

Thực tế trước mắt đã cho thấy rằng các phong trào Cần vương thất bại bởi thua kém võ khí, và nếu tiếp tục kháng chiến trong những điều kiện cũ, sẽ phải khó khăn hơn. Bấy giờ quân đội Pháp đã củng cố vị thế và kiểm soát được tình hình, có hy sinh thêm nữa dưới hình thức chiến đấu thuần túy quân sự, mà không có cải tiến về võ trang và phương pháp cũng sẽ đành thất bại thêm mà thôi.

Xã hội Việt Nam trong hai thập niên đầu của thế kỷ 20 tất nhiên du nhập ảnh hưởng của tư tưởng và văn minh tây phương, qua sự hiện diện của người Pháp tại Ðông Dương, và sự mở rộng chân trời kiến thức của người Việt trước hoàn cảnh mới của thế giới. Giới sĩ phu yêu nước cũng ý thức trào lưu tiến hóa về vật chất và thay đổi về tư tưởng. Trong bối cảnh một xã hội đang chuyển hướng đó, tư tưởng trung quân tuyệt đối và quân quyền truyền thống mờ nhạt đi, các quan niệm về dân chủ, tự do manh nha và phát triển. Cho nên chính giới sĩ phu Nho học, trong vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cũng tự họ thay đổi khuynh hướng cách mạng, từ chủ trương quân chủ tuyệt đối, sang quân chủ lập hiến như gương nước Nhựt.

Do đó, một số sĩ phu Việt Nam tìm cách xuất dương, sang Nhựt Bổn và Trung Hoa (Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể,…) với ba mục đích: tìm mua võ khí mới, tìm sự yểm trợ bên ngoài, và tổ chức đưa thanh niên Việt ra ngoại quốc để học hỏi văn minh tiến bộ mới (đào luyện nhân tài). Hai tổ chức quan trọng nhứt trong giai đoạn này là Ðông Du (xuất dương) và Ðông kinh Nghĩa thục (tại Hà Nội).

Nhìn ra bên ngoài thế giới, người Việt có ý thức cách mạng và chính trị, nhận thấy các biến cố mới xảy ra giữa Nhật Bổn và Trung Hoa (năm 1885 Trung Hoa phải nhượng đảo Ðài Loan cho Nhựt cai trị trong những điều kiện thua thiệt) giữa Nhựt Bổn và nước Nga trong trận hải chiến 1904-1905 (Nga thất bại). Hai biến cố này như những tia sáng mới khích lệ người Việt Nam đi theo tấm gương canh tân của nước Nhựt trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thêm vào đó, cuộc cách mạng dân quyền Tân Hợi 1911 tại Trung Hoa, rồi cuộc cách mạng tháng 10-1917 tại Nga, chấm dứt các chế độ quân chủ, là những động lực thúc đẩy khuynh hướng cách mạng của người Việt phải tiến tới bằng những bước canh tân mạnh dạn hơn nữa. Ðệ nhứt thế chiến 1914-1918 đã đưa một số khá nhiều thanh niên Việt sang tham chiến tại Âu Châu trong hàng ngũ quân đội Pháp, lớp người này đã đem về Việt Nam một số nhận xét về nếp sinh hoạt, về tư tưởng mà họ đã hấp thụ trong không khí tự do dân chủ tại nước Pháp và Âu châu. Các tư tưởng gia Ðông phương Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu đề xướng cuộc canh tân mạnh mẽ cho xã hội Á Châu, cũng tạo ảnh hưởng khá sâu rộng đối với các sĩ phu Việt Nam.

Các biến chuyển kể trên, đồng thời với các sinh hoạt giáo dục và kinh tế xã hội trong chế độ cai trị của người Pháp, đã tạo nên trong xã hội Việt Nam một lớp người mới, về tư tưởng cũng như về vị trí xã hội. Lớp người này được xem như lớp tiểu tư sản kiểu Tây Âu, hấp thụ tư tưởng văn minh Tây phương, với kiến thức và suy luận duy lý, đã bước những bước dài hơn và mạnh hơn là chủ trương canh tân giới hạn của giới sĩ phu nho học. Ðây là lớp thanh niên Việt Nam mới, đã dứt khoát từ bỏ chủ trương cách mạng cần vương, đi thẳng vào con đường dân chủ hóa. Cũng từ thời kỳ này, vai trò của giới sĩ phu nho học chỉ còn giới hạn ở vị trí lãnh đạo tinh thần, như những bó đuốc lịch sử và những tấm gương hy sinh vì nước. Chính giới trí thức tân học sau này sẽ trở thành lớp lãnh đạo công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong một bối cảnh xã hội mới.

3- GIAI ÐOẠN CANH TÂN: CÁCH MẠNG VỚI Ý THỨC DÂN TỘC DÂN CHỦ

Bắt đầu vào thập niên 30, người Việt Nam yêu nước ý thức rằng họ tham gia cách mạng không phải để phục hồi chế độ quân quyền, cũng không phải vì lòng trung thành với Thiên tử (vua chúa), mà chính là để phục vụ quốc gia và dân tộc, và để thiết lập một chế độ tự do dân chủ trong một nước Việt Nam độc lập. Tuy ý niệm quân chủ lập hiến vẫn còn phần nào giá trị trong nếp suy nghĩ của quần chúng trong một nước có truyền thống quân chủ lâu đời, nhưng phần đông giới thanh niên đều biểu lộ khuynh hướng dân chủ tự do rất rõ rệt và mạnh mẽ.

Một khuynh hướng cực đoan cũng phát sinh trong giới trí thức tân học. Ðó là lớp người hướng về chủ thuyết Mác xít, vì họ cho rằng Nga Sô sẽ giúp họ chống lại đế quốc tư bản. Số người này đã lựa chọn con đường đi vào hệ thống cộng sản quốc tế, dựa vào Nga Sô Viết để chống Pháp, đuổi Pháp, rồi sau đó thực hiện một cuộc cách mạng vô sản tại Việt Nam, trong tiến trình vô sản hóa thế giới.

Trong giai đoạn này, khởi đầu từ thập niên 30, nhiều tổ chức cách mạng Việt Nam đã xuất hiện, và một số còn tồn tại đến bây giờ.

Nam Ðồng Thư Xã (1927) sau trở thành Việt Nam Quốc Dân Ðảng, với cuộc nổi dậy lịch sử tại Yên Báy, do lãnh tụ Nguyễn Thái Học cầm đầu (10-2-1930), 13 chiến sĩ VNQDÐ bị Pháp hành quyết.

Ðại Việt Quốc Dân Ðảng thành lập năm 1941 bởi lãnh tụ Trương Tử Anh, ông bị Cộng sản hạ sát năm 1946.

Ðại Việt Duy Dân Ðảng thành lập năm 1942, bởi lãnh tụ Lý Ðông A. Ông mất tích trong đợt khủng bố tại Hòa Bình năm 1946, Cộng sản hạ sát nhiều cán bộ của đảng này.

Việt Nam Phục Quốc Hội, thành lập bởi Kỳ ngoại hầu Cường Ðể, đã tấn công vị trí quân sự Pháp tại Lạng Sơn năm 1940, lãnh tụ Trần Trung Lập bị giết. Kỳ ngoại hầu Cường Ðể tạ thế năm 1951 tại Ðông Kinh (Nhựt).

Ðông Dương Cộng Sản Ðảng thành lập năm 1930 do Hồ Chí Minh, dựa vào hệ thống Cộng sản đệ tam quốc tế Nga Sô, để đoạt thắng lợi đấu tranh tại Việt Nam. Ðảng này đã cai trị miền Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1975, và cai trị toàn bộ Việt Nam sau 30-4-1975.

Phật Giáo Hòa Hảo, một tôn giáo cách mạng thành lập năm 1939 tại miền Nam Việt Nam, do Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, và sau này thành lập thêm chánh đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội (1946). Năm 1947, Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ bị Cộng sản ám hại và vắng mặt từ thời điểm đó.

Cao Ðài Giáo, một tôn giáo cách mạng khác thành lập tại miền Nam, sau 1928, bởi ông Ngô Văn Chiêu, và sau đó được chỉ đạo bởi Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Ông bị Pháp bắt và đày biệt xứ tại Madagascar, rồi sau này từ trần tại Cao Miên trong giai đoạn đi lưu vong thời chế độ Ngô Ðình Diệm.

Ngoài các tổ chức cách mạng trên đây được xem là vẫn tiếp tục hoạt động và tồn tại từ khi thành lập đến ngày nay, còn có nhiều nhóm tranh đấu khác có tầm vóc giới hạn và đời sống ngắn ngủi hơn, như: Việt Nam Nghĩa Ðoàn, Việt Nam Hưng Quốc (1925), Việt Nam Thanh niên Cách mạng, Tân Việt Cách Mạng Ðảng (1925), Phạm Hồng Thái, Trịnh Văn Căn… Trong Nam Việt có các phong trào Thiên Ðịa Hội, đảng Việt Nam Quốc Gia Ðộc Lập, đảng Lập Hiến, nhóm Ðệ Tứ, tổ chức Bình Xuyên… đều đã có đóng góp vào công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp để giải phóng dân tộc. Các tổ chức này ngày nay đã không còn hoạt động và hiện diện như một chánh đảng hay tổ chức nữa, tuy rằng vẫn còn những cá nhân bảo tồn danh nghĩa. Nhưng tất cả đều như các mảnh vụn trong kiến trúc Cách mạng Việt Nam, bị nghiền nát bởi khủng bố đàn áp của thực dân, cộng sản và các chế độ cộng hòa sau 1954.

Trong giai đoạn canh tân này, các tổ chức cách mạng áp dụng hình thức tổ chức, phương pháp và chiến thuật đấu tranh khác với giai đoạn Cần vương. Hình thức tổ chức có tính cách dân chủ, và tập thể chỉ huy, thay vì lãnh tụ chế như trước kia. Phương pháp đấu tranh bây giờ đa dạng, chớ không chỉ có võ trang kháng chiến. Các tổ chức này vận dụng lực lượng quần chúng vào đấu tranh, tham gia biểu tình chống đối, sử dụng hiệu lực văn hóa vào công tác tuyên truyền cách mạng, hoặc nêu lên các yêu sách công khai, hoặc tổ chức bí mật ám sát phá hoại địch… Về chiến thuật, các tổ chức đấu tranh này đưa dần phong trào cách mạng từ các hình thức chính trị sang cách mạng, từ ôn hòa sang bạo lực, từ phản đối bất hợp tác sang võ trang kháng chiến… Ðây cũng là những phương pháp và chiến thuật đấu tranh thích hợp với từng hoàn cảnh mới, và một phần được du nhập vào Việt Nam qua các sách vở và kinh nghiệm Tây phương.

4- HAI KHUYNH HƯỚNG QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ

Ðiều quan trọng nảy sanh trong giai đoạn này và sẽ chi phối lâu dài tương lai nước Việt Nam, là sự manh nha của hai khuynh hướng dị biệt và đối nghịch trong hàng ngũ cách mạng chống lại thực dân Pháp. Tuy rằng mỗi tổ chức cách mạng đều theo chủ thuyết riêng, nhưng nói chung, tất cả đều nêu lên mục tiêu là đòi chủ quyền độc lập quốc gia, cho nên tất cả các tổ chức cách mạng này được xếp hạng chung vào một khối quen gọi là Khối Quốc Gia. Duy có một tổ chức tự tách mình ra khỏi Khối Quốc Gia, để đi theo hệ thống quốc tế của cộng sản chủ nghĩa, với mục tiêu tối hậu không phải là độc lập quốc gia, mà là vô sản hóa toàn thế giới. Ðó là Ðông Dương Cộng Sản Ðảng do Hồ Chí Minh thành lập năm 1930, dựa vào Mạc Tư Khoa, và được Nga Sô yểm trợ.

Với chiêu bài chống đế quốc tư bản thực dân để giải phóng các dân tộc nhược tiểu bị trị , Nga Sô đã làm cho một số người Việt Nam tin theo và dựa vào Mạc Tư Khoa để thực hiện cách mạng. Ngược lại, những chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong Khối Quốc Gia lại cho rằng đảng Cộng sản Ðông Dương nằm trong hệ thống quốc tế của Nga Sô, chỉ nêu mục tiêu giải phóng dân tộc làm bình phong để trá hình mà vận dụng quần chúng, gây tạo uy thế, trong một giai đoạn chiến lược.

Sự khác biệt chủ trương đường lối này tiềm tàng trong lúc đầu sau đó từ tháng 9-1945, nổ bùng thành cuộc xung đột mãnh liệt giữa hai khuynh hướng Quốc gia và Quốc tế vào đầu thập niên 50, và trở thành đối nghịch sắt máu dưới hình thức chiến tranh thực sự khi chánh phủ Hồ Chí Minh thi hành chánh sách đàn áp đối lập từ tháng 8-1945.

Sự bùng nổ Ðệ nhị thế chiến vào tháng 9-1939 là cơ hội thuận tiện cho dân tộc Việt Nam phát động va tăng gia nỗ lực cách mạng giải phóng dân tộc. Quân đội Nhựt Bổn đến Ðông Dương, và nước Việt Nam bị đặt vào tình thế một cổ hai tròng dưới sự cai trị của hai đế quốc: Pháp và Nhựt. Tình trạng này kéo dài đến 9-3-1945, quân đội Nhựt lật đổ bộ máy quyền lực Pháp tại Ðông Dương, tạo cơ hội duy nhất cho Hoàng đế Bảo Ðại tuyên bố Việt Nam Ðộc Lập, sau trên 80 năm Pháp thuộc. Tuy nhiên, Nhựt Bổn cũng không có thiện chí thực sự trả độc lập cho dân tộc Việt Nam cho nên bộ máy quân phiệt Nhựt vẫn nắm quyền thống trị, trong khi chánh phủ độc lập đầu tiên do thủ tướng Trần Trọng Kim cầm đầu không có thực quyền, mặc dầu đó là một nội các gồm những nhà trí thức khoa bảng nổi tiếng thời đó, tuy giàu lòng yêu nước, nhưng yếu kém ý thức chánh trị, không nhận thức được hiểm họa cộng sản, do đó đã để cho Việt Minh, không nhận thức được hiểm họa cộng sản, do đó đã để cho Việt Minh cướp mất cả chánh quyền lẫn cái thế chủ động.

Chỉ năm tháng sau, Nhựt hoàng đầu hàng Ðồng minh, Ðệ nhị thế chiến chấm dứt, toàn dân Việt Nam đồng loạt đứng dậy đòi độc lập thật sự. Ðây là cao điểm của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, được mệnh danh là Cách mạng Tháng Tám (1945). Nhưng cũng từ đó, khởi đầu những khó khăn khủng khiếp và đau khổ trường kỳ cho dân tộc Việt Nam.

Từ bên ngoài, đạo quân viễn chinh Pháp đã lên đường sang tái chiếm Ðông Dương. Từ bên trong, đảng Cộng sản Ðông Dương áp dụng kỹ thuật và thủ đoạn đã được huấn luyện nghiên cứu từ Mạc Tư Khoa, để chiếm đoạt quyền bính lãnh đạo, thể hiện vào chiến thuật hai mặt: Một mặt Hồ Chí Minh thỏa hiệp với Pháp chấp nhận quân đội viễn chinh Pháp của tướng Leclerc đổ bộ lên Bắc Việt hầu đánh đổi lấy sự công nhận của chánh phủ Pháp để Hồ Chí Minh có tư cách đại diện chánh thức quốc gia Việt Nam; và mặt khác, dựa vào vị thế chánh quyền, đảng Cộng sản Ðông Dương thi hành kế hoạch tiêu diệt các tổ chức và lãnh tụ cách mạng nào không đồng ý với đường lối của họ. Những nạn nhân đầu tiên của chánh sách tiêu diệt đối lập này là các tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Ðài, Ðệ Tứ, Quốc gia Ðộc lập Ðảng trong miền Nam, và các chánh đảng Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt và Duy Dân Ðảng ở miền Bắc, tất cả đều đã bị Cộng sản khủng bố và sát hại rất khắc nghiệt.

Từ đó về sau mối mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng Quốc gia và Quốc tế trong hàng ngũ cách mạng chống Pháp tại Việt Nam trở thành một cuộc chiến tranh ý thức hệ, không còn chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, mà càng ngày càng mở rộng ra để trở thành cuộc tranh chấp quốc tế giữa Hoa Kỳ tiêu biểu cho khối Tư bản và Thế giới Tự do, và bên kia là Nga Sô cầm đầu khối Cộng sản quốc tế.

Với sự can thiệp quốc tế, cuộc chiến tại Việt Nam khởi đầu là chiến tranh chống thực dân xâm lược Pháp, với mục tiêu độc lập quốc gia, sau này biến thái thành một cuộc thế giới chiến tranh tuy giới hạn về địa dư, nhưng liên hệ mật thiết đến quyền lợi chiến lược của các siêu cường và các khối quyền lực quốc tế.

Trong khi hầu hết những cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc của các nước nhược tiểu bị trị từ trước đệ nhị thế chiến, đã đưa các dân tộc này đến độc lập và hòa bình khi chủ quyền đất nước đã được lấy lại, thì cuộc chiến tại Việt Nam vẫn còn tiếp tục, cho mãi đến ngày nay, mà vẫn chưa thấy có viễn tượng của sự chấm dứt. Nếu kể từ 22-9-1940 là ngày quân đội Nhựt tràn từ Quảng Tây sang Lạng Sơn, khởi đầu không khí chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam, cho đến thời điểm 1987 này, thì cuộc chiến Việt Nam đã kéo dài gần nửa thế kỷ rồi. Một điều rất rõ ràng được rút ra trong sự so sánh Việt Nam với các quốc gia bị trị trước đệ nhị thế chiến, là: tại Việt Nam đã xảy ra hai cuộc chiến tranh cách mạng: Khởi đầu là cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng sau đó là chiến tranh do Mốt Cu và Hà Nội kéo dài thêm để thực hiện cách mạng vô sản quốc tế.

Và đó chính là thảm trạng của dân tộc Việt Nam.

5- NHẬN XÉT VỀ ƯU THẾ CỦA CỘNG SẢN TẠI VIỆT NAM

Hầu hết các thuộc địa cũ của Pháp ngày nay đã độc lập và hòa bình, ngoại trừ Việt Nam vẫn triền miên trong chiến tranh và đang là một trong những quốc gia nghèo khổ nhứt thế giới. Dù có biện bạch cách nào cũng không thể phủ nhận nguyên nhân chính yếu là do đảng Cộng Sản của ông Hồ Chí Minh đã nhìn mục tiêu độc lập quốc gia chỉ là một chặng đường trên lộ trình vô sản hóa thế giới, do đó mà ông phải tiếp tục chiến tranh để đạt mục tiêu chiến lược tối hậu của Cộng sản quốc tế.

Dân tộc Việt Nam tham gia cách mạng với mục tiêu chủ quyền độc lập, nhưng ông Hồ Chí Minh đã lợi dụng lòng yêu nước đó để phục vụ cho mục tiêu riêng của đảng Cộng Sản.

Cựu Tổng thống Huê Kỳ Richard Nixon trình bày về chiến lược quốc tế liên hệ đến Việt Nam, trong cuốn sách No More Vietnams đã viết như sau:

Quốc gia Việt Nam phải được độc lập. Trong hai thập niên 1920 và 1930, sự thù ghét chế độ thuộc địa đi đôi với ý thức sâu xa về quốc gia dân tộc, kết hợp thành gốc rễ của phong trào chống Pháp. Quan điểm thời trang cho rằng riêng đảng Cộng sản của Hồ Chí Minh tranh đấu cho độc lập, thực ra chỉ là quan điểm mơ hồ.

Ðệ nhị Thế chiến là một khúc quanh lịch sử. Sự việc Nhật Bổn chiếm lãnh vùng Ðông Nam Á đã làm tan vỡ hào quang của quyền lực thực dân Tây phương. Ngay khi nền độc lập quốc gia đến trong tầm tay, thì Hồ chí Minh tàn nhẫn tiêu diệt các tổ chức chánh trị đối lập. Trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, họ Hồ đã cẩn thận tính toán trước những bước đi để sau này nắm lấy chính quyền. Khi Ðệ nhị Thế chiến vừa chấm dứt, cơ hội đến, họ Hồ áp dụng thủ đoạn nham hiểm và tàn độc để tiêu diệt những phần tử đối lập nào có tổ chức võ trang. Khi Nhựt Bổn đầu hàng, Hồ Chí Minh nhanh chân nhảy thẳng vào chiếm khoảng trống quyền lực… (*)

Học giả D.G.E. Hall đã khẳng định quy trách cho chánh sách thiển cận và ngoan cố của Pháp như là nguyên nhân chính yếu tạo nên ưu thế và sức mạnh của Cộng sản tại Ðông Dương:

Ðiều bất hạnh là chính sự ngoan cố của Pháp đã tạo ra tình huống đó. Trong khi cộng sản ở các quốc gia khác đã thất bại, và không còn hấp dẫn đối với đa số quần chúng, thì riêng tại Ðông Pháp, Cộng sản lại ưu thắng, chiếm được quyền lãnh đạo trên các đảng phái yêu nước. Nguyên nhân duy nhất là thái độ ngoan cố của Pháp… (**)

Một tác giả khác đã biểu lộ quan điểm tổng kết tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam như sau:

Thật vậy, Việt Nam là một trường hợp đặc biệt, nhưng dân tộc Việt Nam là một dân tộc bất hạnh nhứt thế giới. Trong khi các dân tộc khác ở Ðông Nam Á đã thoát khỏi ách thống trị của thực dân và đã trở thành các quốc gia độc lập thịnh vượng, thì Việt Nam vẫn tiếp tục đau khổ trong chiến tranh trường kỳ. Ðó là sự bất hạnh toàn diện và lớn lao. Về địa lý chánh trị, Việt Nam là một quốc gia bị khổng lồ Trung Quốc liên tục uy hiếp, suốt từ năm 111 trước Tây lịch, cho đến thế kỷ 17, Việt Nam đã trải qua biết bao hy sinh lớn lao để tự vệ và bảo tồn đơn vị quốc gia.

Ðiều bất hạnh thứ hai là do định mệnh lịch sử, Việt Nam bị thống trị bởi thực dân Pháp, một đế quốc thiển cận và tham tàn nhứt. Ðệ nhị Thế chiến chấm dứt là cơ hội chung, các đế quốc đều chấp nhận trả chủ quyền độc lập cho các thuộc địa, chỉ riêng có Pháp là ngoan cố, đem chiến hạm và quân đội viễn chinh đến tái lập quyền lực thuộc địa tại Việt Nam, như đã làm ở thế kỷ 19. Vì tham vọng quyền lợi, Pháp đã bắt tay với quỷ Satan, tức hợp tác với tay sai của Mạc Tư Khoa, thay vì phải hợp tác với dân tộc Việt Nam. Qua thương thuyết và hiệp ước, Pháp tạo cho Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam vị thế chánh thống nắm quyền cai trị Việt Nam; nhờ ưu thế chánh quyền mà Hồ Chí Minh đã tiêu diệt các lãnh tụ cách mạng quốc gia, để rồi sau đó lại quay mặt đánh Pháp.

Cố bám lấy thế chủ động, Pháp xoay qua điều đình với những giới đối lập Hồ Chí Minh, trong một giải pháp quốc gia, nhưng vẫn nuôi dưỡng âm mưu đen tối đầu cơ cả hai phe quốc gia và cộng sản, để thủ lợi riêng cho đế quốc Pháp. Thực dân Pháp không bao giờ thực tâm muốn trả chủ quyền độc lập cho dân tộc Việt Nam. Thái độ đó của Pháp đã làm suy yếu uy tín của những người Việt ái quốc theo khuynh hướng quốc gia, đưa dần đến thất bại quân sự tại chiến trường Ðiện Biên Phủ và sau hết đưa đến việc ký kết hiệp định Giơ neo 1954, Pháp trao cho Hồ Chí Minh toàn quyền thống trị miền Bắc Việt Nam, làm bàn đạp để tiến chiếm toàn bộ lãnh thổ năm 1975.

Ðiều bất hạnh sau cùng của Việt Nam là đồng minh Hoa Kỳ. Nhơn danh đại cường quốc lãnh đạo bảo vệ thế giới tự do, Huê Kỳ lại đã hành động thiếu tư tưởng và thiếu quyết tâm của cấp lãnh đạo. Cho nên sau bao nhiêu xương máu hy sinh để bảo vệ tiền đồn cho thế giới tự do, bỗng nhiên Việt Nam bị đồng minh Huê Kỳ bỏ rơi, vì lúc đó Huê Kỳ đã thay đổi mục tiêu chiến lược, hy sinh Việt Nam cho quyền lợi riêng của Hoa kỳ. Lịch sử lại một lần nữa tái diễn: Việt Nam lại trở thành nạn nhân của quyền lợi chiến lược siêu cường, trong lịch sử hiện đại cũng giống như trong thời trung cổ xưa kia.

Rốt cuộc ngày 30-4-1975, thiết giáp xa Nga Sô cán sập cửa dinh Ðộc Lập tại Sàigòn. Ðối với Huê Kỳ, một trang sử Việt Nam đã lật qua, một giai đoạn cuộc chiến Việt Nam chấm dứt. Và giai đoạn mới bắt đầu, đây là lúc hàn gắn những vết thương chiến tranh, hòa giải dân tộc, tái thiết quốc gia, thực hiện các nguyện vọng của người dân. Nhưng đó lại không phải là mục tiêu của đảng Cộng sản Việt Nam. Ðảng này không nghĩ đến nền độc lập quốc gia mà còn phải tiến lên mục tiêu vô sản hóa thế giới, cho nên chưa cho dân tộc Việt Nam được sống hòa bình và tái thiết.

Trên 10 năm đã đi qua, vẫn chưa có độc lập hòa bình, và câu nói không có gì quý hơn độc lập tự do của Hồ Chí Minh rõ ràng chỉ là chiêu bài giai đoạn lừa phỉnh dân tộc Việt.

Với chánh quyền trong tay đảng Cộng sản, dân tộc Việt Nam tiếp tục sống trong chiến tranh và nghèo đói thêm. Biết đến bao giờ cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam đạt đến mục tiêu Tự do và Ðộc lập?

Hãy nghe thêm một người Pháp nhận xét về chánh sách sai lầm của chánh phủ Pháp tại Việt Nam, với sự khẳng định rằng chính Pháp đã làm cho Việt Nam mất vào tay Cộng sản. Linh mục Seitz, đến truyền đạo tại Việt Nam từ 1937, đã nêu ra các nhận xét sau đây để trả lời câu hỏi ÀÀTại sao chiến tranh Việt Nam kéo dài lâu như vậy, và tại sao Cộng sản thắng thế?

Không thể hiểu được thảm kịch ngày nay của dân tộc Việt Nam, nếu không tìm hiểu các nguyên nhân xa xưa của cuộc chiến tại đó.

Trước khi lãnh nhiệm vụ sang Việt Nam, tôi có tham dự tuần lễ hội thảo đề tài Àchánh sách thuộc địá, và nhớ rằng lập trường của giáo hội Pháp là ÀMọi chánh sách thuộc địa đều thống trị được một thời gian mà thôi và đều phải kết thúc với sự trưởng thành của dân tộc bị trị. Cũng giống như Lyautey đã nói: ÀMột thuộc địa được cai trị tốt đương nhiên phải đạt sự trưởng thành, nếu không được thế là do chánh sách cai trị sai lầm vậý. (Une colonie bien administrée évolue nécessairement vers son émancipation, sinon cest qúelle est mal administrée.)

Năm 1937, tôi đến Việt Nam, thuộc địa Pháp đang tiến mạnh, nhưng điều đầu tiên tôi cảm nhận là Àchúng ta, một cường quốc thực dân, đã không làm đúng bổn phận hướng dẫn thuộc địa đến trưởng thành.

Chúng ta đã không khám phá và lượng giá được lòng ái quốc nồng nhiệt, sâu xa và khả kính đang sôi sục trong trái tim người Việt, để mà có một chánh sách thích nghi và cấp thiết. Giai tầng trí thức Việt Nam đã có những người xuất thân ở các đại học danh tiếng (Polytechnique, Centrale) của Pháp, nhưng khi hồi hương họ bị bạc đãi như thuộc cấp chớ không được xem như những trí thức lãnh đạo xứ sở họ. Ðó là chính chúng ta đã đào luyện họ thành những địch thủ tương lai. Những người Việt ái quốc trí thức đó, nuôi nấng nguyện vọng xứ sở mình được độc lập, nhưng trong tình huống bị chúng ta đối xử bạc đãi như thế, thử hỏi họ phải hướng về đâu? Hướng về chánh quốc, vô ích thôi! Sau Ðệ nhứt Thế chiến 1914-1918, những trí thức trẻ của Việt Nam đã tìm hướng về Cộng sản quốc tế sau cách mạng tháng 10-1917 tại Nga.

Từ thời điểm (thập niên 1920) Hồ Chí Minh bỏ Paris sang Moscow, đến khi ông ta nắm chánh quyền tại Hànội 1945, dẫn đến sự toàn chiếm Việt Nam 1975, tôi đã sống gần 40 năm tại xứ này, và có thể tóm luận rằng nguyên nhân sâu xa chính là do lỗi của Pháp đã bất chấp tinh thần ái quốc tiềm tàng trong trái tim người Việt, cho nên hậu quả là nền độc lập quốc gia Việt Nam mà Pháp không chịu trao trả đúng cách đúng lúc, đương nhiên phải bị cưỡng chiếm lại bằng chiến tranh. Chúng ta không biết ủng hộ chánh nghĩa của người Việt, thì tất có kẻ khác đóng vai trò đó. Chính là Cộng sản.

Ðó là tình huống đã xảy ra: lòng ái quốc, và lý tưởng dân tộc của người Việt đã bị Cộng sản chụp lấy. Nga Sô đào luyện cán bộ cách mạng bằng tư tưởng Mác-xít, rồi yểm trợ các nhu cầu vật chất (tiền bạc, võ khí) cho đám cán bộ đó nắm quyền hành tại Việt Nam, củng cố từng giai đoạn để tiến chiếm toàn bộ Việt Nam năm 1975. Ðó là kết quả của một giai đoạn bành trướng chủ nghĩa Cộng sản trên nửa thế kỷ vừa qua.

Bây giờ nước Pháp ngoái nhìn lại lịch sử vừa qua để thấy rằng sau thảm kịch Việt Nam, đến Algérie, chúng ta mới tỉnh ngộ để trả độc lập cho 11 thuộc địa tại Châu Phi. Ðúng là Àcon người vẫn là kẻ tập sự, và sự đau thương chính là ông thầy dạý (LHomme est un apprenti, la douleur est son maitre.)

Những điều trình bày sơ lược trên đây về giai đoạn lịch sử từ khi Pháp đến xâm chiếm Việt Nam đến khi Cộng sản toàn chiếm lãnh thổ Việt Nam (1856-1975: 110 năm) đưa ra ánh sáng một số điểm căn bản sau đây:

1. Giai đoạn 90 năm (1856-1945) dân tộc Việt Nam âm thầm chịu đựng chánh sách thống trị tham lam và tàn bạo của thực dân Pháp, nhưng vẫn đề kháng liên tiếp.

2. Giai đoạn kế tiếp 30 năm (1945-1975) dân tộc Việt Nam toàn bộ nổi dậy, chiến đấu chống lại chủ trương tái chiếm thuộc địa của Pháp, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là dịch chủ tái nô: thực dân Pháp ra đi (1955) đế quốc Nga thay thế đặt toàn bộ lãnh thổ Việt Nam trong hệ thống Cộng sản Quốc tế (1975).

3. Tuy thực dân Pháp chấm dứt thế lực thống trị Việt Nam từ 1955, nhưng Pháp vẫn là một nguyên nhân của sự toàn chiếm Việt Nam 1975 bởi cộng sản, do chánh sách sai lầm đối với dân tộc Việt Nam và do chủ trương cấu kết với Cộng Sản Việt Nam từ 1946 để mưu đồ tái lập chế độ tân thuộc địa tại Việt Nam.

4. Tuy công cuộc tranh đấu giải phóng đất nước Việt Nam đến nay chưa thành công, và chánh nghĩa của dân tộc Việt Nam đã bị thực dân và cộng sản tiếm đoạt, nhưng dân tộc Việt đã chứng tỏ trước thế giới ý chí quật cường bất khuất của một dân tộc anh hùng, qua cuộc chiến đấu bảo vệ quyền tự tồn tự chủ chống lại 1,050 năm đô hộ của Trung Hoa, trên 100 năm đô hộ của Pháp, và tiếp tục chống chủ trương đô hộ của đế quốc Nga Sô.

5. Tuy nhiên, ý chí quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, mặc dầu đã được xem như yếu tố tinh thần căn bản của dân tộc Việt để tự tồn tự chủ từ giai đoạn lập quốc qua bao lần xâm lược của khổng lồ Trung Hoa, đã không đủ để quyết định thắng lợi từ khi các đế quốc Tây phương sang chiếm thuộc địa Á Châu.

Bởi vì từ đây Việt Nam phải đối phó một loại xâm lược quốc tế mới lạ, khác hẳn tương quan song phương trước kia giữa Trung Hoa và Việt Nam trong hoàn cảnh một thế giới khép kín, không có sự liên kết và can thiệp quốc tế.

Từ khi các đế quốc Tây phương chia nhau làm chủ các thuộc địa Á Châu, vận mệnh các dân tộc bị trị không những bị chi phối bởi chính đế quốc thống trị, mà còn bởi các áp lực quốc tế khác, chia chác quyền lợi, ảnh hưởng. Tương quan quốc tế càng ngày càng càng trở nên đa dạng, đa phương, phức tạp, chằng chịt thành những sợi dây trói buộc các nước nhỏ trong các tình trạng yếu kém thất thế, mất chủ động. Thế giới chia ra từng khối, các siêu cường quốc và cường quốc trao đổi quyền lợi, qua phân ảnh hưởng, thỏa hiệp hay đối nghịch nhau, tạo ra sức ép thường xuyên với các áp lực chính trị, quân sự, tài chánh, kinh tế, đè nặng và chi phối vận mệnh các quốc gia nhỏ yếu.

Thực tại thế giới từ thế kỷ 19 tới nay là như vậy, tuy rõ ràng là bất công, nhưng đã trở nên một quy luật của mối tương quan thế giới. Các cường quốc có uy thế chi phối, thế giới ngày nay sức mạnh võ khí và kinh tế ưu thắng hơn sức mạnh tinh thần, cho nên Việt Nam đã lâm vào hoàn cảnh bi thảm nhứt, bất hạnh nhứt so với mọi quốc gia Á Châu, với một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài đã trên nửa thế kỷ, mà vẫn chưa thấy có hy vọng chấm dứt, chủ quyền quốc gia vẫn bị ngoại bang chi phối và xã hội suy thoái trong cảnh nghèo đói thê thảm.

Ðể kết luận phần này: dân tộc Việt Nam chẳng may bị lọt vào ách thống trị của thực dân Pháp, cho nên đã phải chịu đựng giai đoạn thống khổ đau thương cho đến nay đã trên một thế kỷ.

Tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo, đề tài nghiên cứu biên khảo của cuốn sách này, với số lượng quần chúng đông đảo khoảng hai triệu tín đồ, đương nhiên là một thành phần hoạt động trong suốt tiến trình đấu tranh chống Pháp, chống Cộng, như sẽ được trình bày trong các chương sau đây.

Trở Về 

Tìm Kiếm