PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG DÒNG LỊCH SỬ DÂN TỘC (Phần II, Chương 5)

Phần II: BỬU SƠN KỲ HƯƠNG

Chương 5: Một Số Ðặc Ðiểm Của Bửu Sơn Kỳ Hương

Sử liệu về Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Thầy Tây An thuộc loại dân sử bởi chưa thấy ghi chép trong các tài liệu Việt sử. Trong phạm vi Phật Giáo Việt Nam, sách Thiền Uyển Kế Ðăng Lục chỉ ghi chép lịch sử các vị thiền sư, cao tăng Việt Nam từ trước cho đến triều vua Tự Ðức, và từ Bình Thuận trở ra ngoài Trung Bắc. Một số sách biên khảo sau này cũng chỉ nói về sinh hoạt của Phật Giáo chung quanh các chùa chiền và các vị hòa thượng.

Có lẽ vì Bửu Sơn Kỳ Hương không có hệ thống tăng lữ, không có hòa thượng, cũng không có chùa chiền cho nên không được các tác giả lưu tâm. Sinh hoạt tín ngưỡng của Bửu Sơn Kỳ Hương không tập trung ở các chùa chiền mà tỏa rộng trong dân gian, cho nên nguồn tài liệu nằm trong quần chúng như những dân sử.

Các tác giả đặc biệt lưu tâm đến việc biên khảo về phong trào tín ngưỡng Bửu Sơn Kỳ Hương đã phải đích thân đi vào trong quần chúng, đến tận những nơi còn di tích Bửu Sơn Kỳ Hương để sưu tầm tài liệu và chứng tích.

Những điều được ghi chép về Bửu Sơn Kỳ Hương bởi các tác giả này không phải chỉ căn cứ trên những lời đồn đãi, mà là kết quả của những công cuộc sưu tầm, có phối kiểm so sánh giữa nhiều lời đồn truyền, giữa nhiều tài liệu, chứng tích để có thể quy định giá trị khả tín của các sử liệu. Cũng nên thêm rằng giới sử học quốc tế ngày nay cho rằng loại lịch sử truyền khẩu (Oral History) vẫn là nguồn tài liệu có giá trị quan trọng, do tính chất sống động, trực tiếp và chính xác của nó.

Ngoài phần lịch sử và tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương được trình bày tóm lược trong tập sách này, còn có một số chi tiết khá đặc biệt xét ra cũng cần ghi chép lại như những đặc điểm của tôn giáo này.

LỢI SANH NHI HOẰNG PHÁP

Tâm lý chung của con người là ham sống sợ chết. Ngay những kẻ tàn bạo, giết người không sợ, mà khi đối diện cái chết, lại rất lo sợ. Phật Thầy Tây An biết rằng nếu chỉ giảng đạo đức bằng lời nói suông, sẽ không thể cảm hóa được số đông quần chúng. Muốn thay đổi tâm lý con người, phải làm cho họ tín phục trước đã. Khi đã tín phục rồi, tâm lý họ ở trạng thái dễ dàng nghe theo lời người mà họ đã tín phục. Thế cho nên, khi bịnh thời khí dịch tả hoành hành trong thôn quê, số người chết nhan nhản trước mắt, quần chúng đều lo sợ cái chết sẽ đến với chính mình. Nếu có ai cứu cho họ thoát khỏi trạng thái sợ hãi đó, làm cho họ không phải chết vì bịnh dịch, tất nhiên họ sẽ tín phục nghe lời.

Phật Thầy Tây An đã cứu rất nhiều mạng người khỏi chết, tức là đã làm lợi cho chúng sanh để gieo rắc vào tâm hồn của họ ý thức tu hành theo Phật Pháp, nói tắt là lợi sanh nhi hoằng pháp.

Người ta thường thấy nhiều người đến chùa, miễu, cúng kiếng thực vật để cầu tài cầu lộc, hay xin quẻ xin xâm, đó cũng là những điều có lợi cho người cầu xin. Nhưng cái lợi này khác hẳn cái lợi mà quần chúng nhận được từ Phật Thầy Tây An. Mục đích của Phật Thầy Tây An là cứu bịnh (lợi sanh) để dạy đạo đức (hoằng pháp). Còn như sự cúng kiến, để cầu tài cầu lộc chỉ có phần lợi sanh mà không giúp cho sự cải hóa con người, trái lại vẫn để cho con người mê đắm trong mục đích cầu mong tài lộc.

Bởi thế, theo như các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đã từng được nghe ông cha mình truyền khẩu thuật lại những điều mắt thấy tai nghe vào thời kỳ khai đạo, thì bất kỳ đối với người nào được cứu khỏi bịnh Phật Thầy Tây An cũng khuyên bảo họ từ nay phải ÀÀăn ngay ở thật, làm lành lánh dữ, và nhứt là phải thờ kính mẹ cha, tin tưởng Trời Phật.

TU CÓ VỢ CÓ CHỒNG

Trong số đại đệ tử của Phật Thầy Tây An có ông Ðạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến) đã quy y thọ giáo từ năm 17 tuổi, và lìa bỏ gia đình để lên núi tu luyện.

Một lần, khi ông từ trên núi về thăm viếng chùa Tây An, Phật Thầy Tây An đã đóng cửa am để khuyến giáo ông suốt nửa ngày. Theo lời ông Ðạo Xuyến thuật lại, thì Phật Thầy Tây An không ưng để cho ông ly gia cát ái, bởi ông còn nhiệm vụ đối với thế gian, phải cùng sống trong chúng sanh để hướng dẫn chúng sanh cải ác tòng thiện, trở thành con người hiền đức hữu dụng, làm tròn nhơn đạo trong xã hội, theo giáo pháp Học Phật Tu Nhân. Ðó là:

Tu quốc vương có vợ có chồng, Có con có cháu nối dòng an bang.

(Quốc vương đây là trích từ Ân Quốc Vương Thủy Thổ trong Tứ Ân Phật Ðạo, sau này được đổi thành Ân Ðất Nước trong giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hòa Hảo).

Về sau ông Ðạo Xuyến vâng lời Phật Thầy bỏ núi về quê nhà lập gia thất, sanh đặng sáu người con. Gia đình ông chung sức dựng lên ngôi chùa Châu Long Thới thờ Phật theo nghi thức giản dị của Bửu Sơn Kỳ Hương, tại làng Bình Long tỉnh Châu Ðốc, như một trung tâm hành đạo cảm hóa dân chúng trong vùng vào con đường tu hành theo Phật Ðạo.

Nếu ông Nguyễn Văn Xuyến tiếp tục tu luyện trên núi riêng mình, hẳn là đã không thể cảm hóa được đông đảo dân chúng vùng Bình Long vào con đường tu hiền như thế.

CẠO TÓC KHÔNG CẠO RÂU

Triều đình nhà Nguyễn và các quan chức trấn nhậm tỉnh An Giang nhận thấy đường lối tu hành của Phật Thầy Tây An có vẻ cách mạng không theo nghi thức lề lối có sẵn của hệ thống tăng lữ được triều đình công nhận và kiểm soát, cho nên đã tìm cách đưa Phật Thầy vào hệ thống, bằng cách yêu cầu Phật Thầy đến trụ trì tại ngôi chùa cất tại Núi Sam (sau được tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đặt tên là Tây An Tự). Triều đình hạ chiếu phong Phật Thầy Tây An là Ðại Ðức Chơn Tu và cho cử hành lễ thọ phong theo nghi thức thọ phong các vị đại đức hòa thượng khác xưa nay. Sau khi cung nghinh thánh chỉ triều đình, Phật Thầy Tây An phải xuống tóc (tức làm lễ thí phát cạo đầu) giống như các nhà sư khác, với sự chứng kiến của một vị hòa thượng sắc tứ.

Sau khi đã cạo tóc rồi, người thợ toan cạo luôn hàm râu, thì Phật Thầy nói rằng:

Xin đừng làm sai chiếu chỉ triều đình, chỉ dạy xuống tóc chớ không dạy cạo râu.

Các quan đành phải chịu, cho nên Phật Thầy Tây An tuy là đầu cạo trọc, nhưng vẫn còn chòm râu cằm, dấu hiệu đặc biệt của Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo.

Tu đầu tóc không cần phải cạo, Miễn cho tròn cái đạo làm người.

NGÔI MỘ BẰNG PHẲNG KHÔNG ÐẮP NẤM

Phật Thầy Tây An trước khi tịch diệt, có dạy đệ tử rằng ngôi mộ nên để bằng phẳng, không cần đắp mô, cũng không cần xây cất. Cho nên bây giờ tại chùa Tây An núi Sam, tất cả mộ phần các vị hòa thượng đều có xây tháp cao, riêng ngôi mộ Phật Thầy thì khiêm nhường nằm dưới triền núi, ẩn sau bóng tháp nguy nga, không có đắp nấm cao, mặt mộ bằng phẳng. Sau này các tín đồ tu bổ bằng cách xây một vòng thành bề dài 5 thước bề ngang 4 thước để biết rõ giới hạn ngôi mộ.

Có lời truyền khẩu rằng Phật Thầy Tây An đã dạy đệ tử rằng đất ruộng khai phá rất là lao nhọc, nên phải dành để canh tác, và do đó, mộ phần nên để bằng phẳng để không trở ngại cho sự canh tác.

Tuy rằng phong tục truyền thống thờ kính Tổ Tiên được bảo tồn trong tinh thần giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng Phật Thầy Tây An đề xướng giáo pháp vô vi, không chấp hình thức, cho nên ngôi mộ cũng không nên làm trở ngại cho sự canh tác của dân chúng.

Lời dạy của Phật Thầy phát xuất từ căn bản tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương: tu hành phải tự túc, tự lo làm lấy mà ăn, không nên ăn nhờ vào bá tánh. Tự túc trong bối cảnh xã hội đó, có nghĩa là phải cày cấy để có thực phẩm mà ăn. Bửu Sơn Kỳ Hương xuất phát từ nông thôn, tín đồ là nông dân, họp nhau thành lập các trại ruộng mang tính chất vừa tín ngưỡng vừa xã hội, tức là vừa tu hành vừa canh tác. Dưới sự lãnh đạo của các vị đại đệ tử, trại ruộng khác với đồn điền vì có lãnh đạo tinh thần, và khác với chùa chiền vì có sản xuất nông nghiệp để tự túc.

Nhờ có công thức trại ruộng, mà sau này, dưới thời Pháp thuộc, phong trào Bửu Sơn Kỳ Hương kháng Pháp được tổ chức dễ dàng và tồn tại lâu dài hơn các phong trào khác. Quân kháng chiến được quy tụ trong các trại ruộng Láng Linh do Cố Quản Trần Văn Thành chỉ đạo, trại ruộng An Ðịnh do Bổn Sư Ngô Lợi chỉ đạo, là những cứ điểm kháng Pháp vừa tự túc lương thực được, lại vừa che mắt người Pháp để tồn tại và phát triển trước khi cử hành đại sự.

DÂN HAI HUYỆN VÀ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG

Tại Long Xuyên, có một cù lao khá lớn và khá nổi tiếng: đó là Cù lao Ông Chưởng. Cù lao này nằm trên sông Hậu Giang, đầu phía trên đối diện với xã Hòa Hảo, điểm giao tiếp giữa Hậu Giang với Tiền Giang, đuôi phía dưới đối diện với châu thành tỉnh lỵ Long Xuyên. Một giòng sông khởi đầu từ phía Bắc, tức quận lỵ Chợ Mới, uốn quanh co vòng theo cù lao và trở ra Vàm Chưng Ðùn, đối diện Long Xuyên. Giòng sông ấy mang tên là Rạch Ông Chưởng, nổi tiếng là xinh đẹp và trù phú. Trên bờ sông, người ta đếm tất cả có bảy khu chợ rải rác, và dưới sông cá tôm rất nhiều, nên có câu ca dao rằng:

Bao phen quạ nói với diều, Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.

Dài theo Rạch Ông Chưởng, nhà cửa chen nhau mấy lớp, con lộ bằng phẳng, rộng rãi có thể chạy xe hơi được, rợp mát dưới bóng những hàng dừa, hàng cây vú sữa xanh tươi suốt năm. Người nhàn rỗi đi tản bộ trên con lộ làng ấy, cảm thấy tâm hồn thoải mái vô cùng. Người viết sách này, vào những năm 40, trước biến cố 1945, đã có được nhiều dịp đi xe song mã trên con lộ ấy, xe mui trần, cặp ngựa chạy nước kiệu nhịp nhàng, ngồi trên xe nhìn cảnh vật thiên nhiên êm đềm diễn qua, nghe những tiếng chim kêu gà gáy, xen lẫn tiếng nói trong trẻo của người dân Ông Chưởng, nghĩ rằng cảnh này chẳng thua chi cảnh thần tiên. Thật vậy, nếu so sánh miệt vườn ở đây với miệt vườn tại các tỉnh khác ở Hậu Giang, như miệt Sóc Trăng, Rạch Giá, thì chắc chắn miệt vườn Ông Chưởng có rất nhiều ưu điểm trội hẳn.

Nhưng vì sao gọi là Ông Chưởng?

Ðây là chức vụ của Chưởng Binh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (chữ là Kỉnh), dân gian tôn kính nên gọi là Ông Chưởng (Ghi chú: không gọi là Quan, mà là Ông, theo bản chất bình dị của người Nam, sự xưng hô này còn biểu lộ tình cảm thương mến của người dân đối với Chưởng binh Nguyễn Hữu Cảnh, thay vì tiếng Quan có vẻ cách biệt).

Năm 1698, trong kế hoạch Nam tiến, chúa Nguyễn Phúc Chu giao cho Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm Kinh Lược Toàn Quyền lo liệu việc chinh phục miền Nam. Khi đã chiếm được thành Gia Ðịnh Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh chiêu mộ khoảng 40 ngàn dân từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Qui Nhơn đưa vào mở đất lập nghiệp, lần đầu tiên đặt ra Hai Huyện (Tân Bình và Phước Long). Theo Gia Ðịnh thành thống chí, thì lúc đó đất đai mở rộng 1000 dặm, dân số hơn 40.000 hộ, chiêu mộ từ Bố Chánh Châu trở về Nam…

Năm 1699, Chưởng Binh Lễ Thành Hầu thừa lịnh triều đình đem quân lên tận Nam Vang để giải quyết những vụ lộn xộn tại Cao Miên. Xong nhiệm vụ, ông kéo quân trở về vào tháng Tư năm Canh Thìn (1700) cho quân sĩ đóng dài theo dòng Tiền Giang, trên cù lao Ông Chưởng và trong vùng Chợ Thủ (xã Long Ðiền). Trong kế hoạch khai mở đất mới, Lễ Thành Hầu đã đưa một số lưu dân từ miền Trung và vùng Hai Huyện đến lập nghiệp trên vùng đất Tầm Phong Long (Châu Ðốc, An Giang, Sa Ðéc).

Lễ Thành Hầu bị nhiễm bịnh dịch trong thời gian này, và qua đời. Dân chúng và quân sĩ vô cùng thương tiếc người chủ tướng đã có đại công chiến thắng quân sự, mở đất định cư cho họ, và đối xử với họ trong tình quân dân cá nước. Cho nên dân vùng này gọi tên cù lao này là Cù lao Ông Chưởng và lập dinh thờ ông ngay tại vàm rạch Ông Chưởng. Có đến bốn nơi thờ ông tại cù lao này. Thật ra người dân thường tại đây phần nhiều không thông hiểu lịch sử về Ông Chưởng, nhưng cùng một lòng tôn kính vị đại thần đã từng có nhiều công đối với nước và dân.

Căn cứ vào các dữ kiện trên đây, một số nhà viết sử đưa luận thuyết rằng người dân Việt sinh sống tại các tỉnh Vĩnh Long, Sa Ðec, Kiến Phong, Châu Ðốc, An Giang, là dân Hai Huyện, còn mang nhiều sắc thái thuần túy Việt Nam.

Các tài liệu biên khảo về lịch sử khẩn hoang miền Nam ghi nhận rằng có nhiều làn sóng di dân khác nhau đến khai khẩn từng vùng trong buổi sơ khai.

Ngoài các nhóm Mạc Cửu (Hà Tiên) nhóm Dương Ngạn Ðịch (Mỹ Tho, Ðồng Nai) nói ở chương 1, sau này còn thêm các nhóm lẻ tẻ người Trung Hoa từ các tỉnh Triều Châu, Quảng Ðông, Phước Kiến, Hải Nam… di dân sang định cư rải rác ở các vùng ven biển từ Rạch Giá về Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Dân cư hiện tại ở miền Nam là tổng hợp của nhiều sắc dân khác nhau: Miên, Chàm, Xiêm, Lào, Nam Dương, Mã Lai, Hải Nam, Phước Kiến, Quảng Ðông, và đa số là người Việt Nam chính thống từ các miền Trung Bắc di chuyển vào từ thời mới khai mở.

Trong sách Việt Sử Xứ Ðàng Trong, tác giả Phan Khoang trích từ Vụ Biên Tập Lục nguyên văn (dịch) nói về tình hình di dân từ miền Trung vào khai khẩn miền Nam như sau:

Vụ Biên Tập Lục viết: Ở phủ Gia Ðịnh, đất Ðồng Nai, là các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lập, Cửa Ðại, Cửa Tiểu trở vào, toàn là rừng rậm hàng nghìn dậm, họ Nguyễn trước kia đánh với Cao Miên, lấy được đất ấy, rồi chiêu mộ những dân có vật lực ở các phủ Ðiện Bàn, Quảng Nghĩa, Qui Nhơn, xứ Quảng Nam, di cư đến, chặt cây, khai phá, trở thành bằng phẳng, đất nước màu mỡ, cho họ chiếm lấy, lập vườn trồng rau, nhà ở (*).

Những người Việt di cư theo cuộc Nam tiến, mệnh danh là dân Hai Huyện, theo tác giả Sơn Nam viết trong sách Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam, như sau:

Miệt Hai Huyện gợi ý nghĩa cổ kính. Ðó là nhóm người Ngũ Quảng từ Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận… đã theo chân quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập nghiệp, bảo vệ và phát huy văn hóa Việt Nam ở nơi phức tạp, giữa khu vực mà người nông dân Trung Hoa và người Cao Miên đến định cư từ trước. Miệt Hai Huyện là khu vực rạch Ông Chưởng (Long Xuyên). Hai Huyện, theo sự giải thích có thể chấp nhận được là huyện Tân Bình và huyện Phước Long, hai đơn vị hành chánh đầu tiên do chúa Nguyễn thiết lập ở miền Nam, nay là vùng Gia Ðịnh và Biên Hòa, dưới sự đốc xuất của quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh.

Người ở Long Xuyên, được gọi là Hai Huyện, chắc là do xưa kia họ từ Biên Hòa, Gia Ðịnh xuống lập nghiệp. Hoặc họ là binh sĩ từ Ngũ Quảng vào, theo chân ông Nguyễn Hữu Cảnh đánh Cao Miên, rồi định cư tại Long Xuyên vào năm 1700, khi ông này mất. Họ tự cho là sang trọng không kém người Hai Huyện ở Biên Hòa Gia Ðịnh.

Quan điểm chung cho rằng các truyền thống văn hóa Việt Nam đã thể hiện trong nếp sống của người dân Hai Huyện nhiều hơn là các sắc dân khác. Hiện giờ, nếp sống, ngôn ngữ, phong tục kiến trúc, nhà cửa, kỹ thuật canh tác, trồng tỉa lập vườn, kể cả ý thức quốc gia dân tộc, của dân chúng các vùng Long Xuyên, Châu Ðốc, Kiến Phong, Sa Ðec, Vĩnh Long, mang các sắc thái Việt Nam thuần túy và đậm đà hơn là ở các tỉnh khác.

Tác giả Cao Thế Dung trong tập biên khảo về Tôn Giáo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc, đã viết như sau:

Cổ nhân ta có một số điều tin tưởng rất thực tế, qua những mô thức kinh nghiệm tự ngàn đời xưa, như đất lành chim đậu, như học hành có đất, làm ăn có đất… Giải đất miền Tây bao la trù phú chính là linh địa, tuy là miền đất mới, nhưng đã mang đủ hình hài dấu tích của tiền nhân anh hùng hào kiệt. Miền Tây cũng là nơi phát tích Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu quyết định một việc tối quan hệ: đánh chiếm Ðông Phố, thôn tính Gia Ðịnh. Chúa trao cho Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm Kinh Lược Toàn Quyền lãnh trách nhiệm chinh phục phương Nam. Hầu chiêu mộ 40 ngàn lưu dân từ các vùng Quảng Bình trở vào Nam Ngãi. Năm 1698, Hầu thành lập hai huyện Phước Long và Tân Bình, hai cơ sở hành chánh đầu tiên của ta ở phương Nam. Từ đó, dân Việt ở miền Gia Ðịnh, Biên Hòa tự phong cho mình tước hiệu dân Hai Huyện, để phân biệt với dân Minh Hương.

Làm dân Hai Huyện có nghĩa là dân Việt thuần túy, dân Việt có gốc gác từ miền Bắc vào Nam, dân Hai Huyện cũng có nghĩa tự hào mình là chủ nhân ông miền đất mới, để phân biệt với dân minh hương mà ta vẫn cho là khách trú mà nguồn gốc là nhóm cựu tướng nhà Minh Dương Ngạn Ðịch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn cho đến lập nghiệp ở vùng Biên Hòa, Ðịnh Tường… Từ đó có hai dòng nhân lực khai thác miền Nam: một dòng hoàn toàn Việt Nam qua niềm hãnh diện của dân Hai Huyện, và một dòng Tàu với danh xưng Minh Hương.

Dân Hai Huyện vẫn giữ được cá tính Việt Nam, đặc biệt họ là biểu tượng cho dòng văn hóa Việt trải dài từ Gia Ðịnh qua Ðịnh Tường đến Vĩnh Long An Giang, Châu Ðốc và Cao Lãnh. Dân Hai Huyện bành trướng rất mau. Trong vùng An Giang trước đó vốn là miền trù phú phồn thịnh của người Miên, nhưng sau khi bị ta thống thuộc, người Miên rút vào những sóc nhỏ trong vùng xa xôi hẻo lánh, dân Hai Huyện càng ngày càng đông, ta Việt hóa đất đai lãnh thổ cũ của Miên, tổ chức thành thôn xóm theo định chế của triều đình, theo phong tục tập quán của ta đem theo từ cuộc trường chinh từ Bắc vô Nam qua trạm dừng chân là Gia Ðịnh…

Khối dân Hai Huyện càng ngày càng lớn mạnh, khởi đầu là thiểu số so với Minh Hương. Nay thì người Minh Hương hoàn toàn lệ thuộc vào khối dân Hai Huyện.

Dân Hai Huyện như vết dầu loang, từ Ðông Phố xuống thẳng miền Tây qua ngã Long An, Ðịnh Tường, qua Cái Bè, Cái Lậy, dừng lại ở Cù lao Ông Chưởng, rồi từ đó phát triển khắp vùng Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Ðec, Cao Lãnh, Châu Ðốc… Dòng dân Hai Huyện không những không bị ảnh hưởng của người Tàu cuốn hút, mà trái lại đã đồng hóa Tàu, giữ được Việt tính thuần túy, từ cuộc sống cá nhân, gia đình, đến tập tục truyền thống và văn hóa dân tộc. Tìm hiểu các sinh hoạt trong họ hàng thôn xóm của các gia đình cổ, tức là đã định cư từ thế kỷ 17, 18 tại Vĩnh Long, An Giang và đặc biệt Cao Lãnh, ta thấy mang nhiều dấu hiệu đặc biệt của dân miền Thuận Hóa và Nam Ngãi.

Vĩnh Long và An Giang là hai nơi hoàn toàn giữ được địa chất của truyền thống và văn hóa dân tộc Việt, khác với tính chất lai Tàu của Hà Tiên, và một số người ở miền Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng vốn khởi nguyên từ dòng nhân lực Mạc Cửu.

Ðại Nam Nhất Thống Chí ghi như sau: Hôn thú tang lễ giữ theo luật pháp lễ nghi. Kẻ sĩ chuộng thi thơ, dân thường ưa chuộng thương mại, nghề ruộng và nghề đánh cá, đều nhơn theo tự nhiên, dùng lực ít mà được nhiều lợi. Tỉnh An Giang thì huyện Sa Ðec trù phú nhứt, sông trong nước ngọt, hai bên vườn rộng mỡ màng béo tốt, nhân dân giàu đông…

Gia Long đặt ra chế độ đồng hương cho người Hoa kiều để dễ cai trị. Minh Mạng thứ 7 chia người Hoa theo địa phương mà đặt thành bang, đặt các chức bang trưởng để cai trị. Mặc dù họ có công đầu trong việc khai khẩn miền Nam, nhưng do sự khôn ngoan sáng suốt của tiền nhân ta, người Hoa dù nắm gần như toàn bộ kinh tế miền Nam, họ vẫn chỉ là dân ăn nhờ ở đậu. Dân Việt phân biệt họ rất rõ qua các danh xưng chú ba thím ba, hoặc chú Chệt. Nhờ vậy, ngay từ thuở dựng nghiệp trên miền Tây đất mới, ta đã giữ được thuần chất Việt Nam, thể hiện qua hai danh xưng đầy tự hào như: dân Hai Huyện, Văn Minh Miệt Vườn. Danh xưng ấy đồng nghĩa với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, và mở nước từ thời Hùng Vương…

Ðây là quê hương đầu tiên của dân tộc Việt Nam trên miền tân địa. Trên đường đi Long Xuyên, lấy Lấp Vò làm điểm hội tụ, và từ giao điểm giữa kinh Lấp Vò và rạch Cái Tàu thượng, ta sẽ tìm được đầy đủ đặc chất Việt Nam… Lấy thị xã Sa Ðec làm điểm tụ do theo kinh Sa Ðec, kinh Họa đồ bọc quanh địa phận Ðức Thành Hóa Long, cư dân trong vùng này sanh hoạt hoàn toàn Việt Nam, từ nếp sống gia đình đến thôn xã, là điểm cần nghiên cứu tại sao Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương đã được tiếp nhận ở vùng này một cách đặc biệt vào cuối thế kỷ 19, và đây chính là nơi dung thân của các Văn Thân thất thế từ Trung Bắc chạy vào, sau khi phong trào Văn Thân Cần Vương bị tan rã. Ðây cũng là lý do để hiểu tại sao Phan Bội Châu khi vào Nam, thì chú ý ngay đến Vĩnh Long, Sa Ðec, và Sa Ðec là nơi đã cung cấp cả trăm du học sinh cho phong trào Ðông Du do Phan tiên sinh lãnh đạo. (*)

Theo các tài liệu trích dẫn trên đây thì về mặt địa lý, nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương Phật Giáo Hòa Hảo xuất phát từ một vùng đất được xem như cái nôi của nền văn hóa Việt Nam di chuyển từ miền đất cũ Trung, Bắc vào vùng đất mới khai mở miền Nam.

Với nguồn gốc thuần túy Việt Nam, nên dân chúng trong vùng đất này vẫn bảo tồn được truyền thống văn hóa Việt Nam đã lưu truyền và phát huy qua trên bốn ngàn năm kể từ thời Hùng Vương.

VẤN ÐỀ NGƯỜI TÀU TRẤN ẾM THẤT SƠN

Trong tiến trình sưu khảo về Bửu Sơn Kỳ Hương, có khám phá ra được một số bia đá trấn ếm theo phương thuật địa lý chôn tại vùng Thất Sơn:

Ông Phạm Thái Chung tức Ðạo Lập, một đại đệ tử của Ðức Phật Thầy Tây An, đã khám phá ra cây trụ đá trấn ếm này tại núi Ngược, vùng Ton Hon, Thất Sơn, và ông đã cho đào lên, đem về làng Bài Bài, xã Nhơn Hưng, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Ðốc.

Ðức Bổn Sư Ngô Lợi, một vị trong dòng kế truyền Bửu Sơn Kỳ Hương (sau Phật Trùm) cũng khám phá tại đây một cây trụ ếm khác, chôn dấu dưới gốc ba cây đa lớn để che mắt thế gian. Ðức Bổn Sư đã đem 50 môn đệ đến với búa rìa để phá gốc đa, đào đất rất sâu mới lấy được cây trụ ếm lên.

Cây trụ ếm này có lẽ đã bị phá hủy bởi các môn đệ Ðức Bổn Sư, nhưng cây trụ ếm do ông Ðạo Lập di chuyển về Bài Bài, thì hiện vẫn còn tại đó, nhà sưu khảo tác giả tập sách Thất Sơn Mầu Nhiệm có chụp hình và mô tả như sau:

Tấm đá đã bị mòn chữ đi nhiều, chỉ còn đọc được trên mặt những dòng: Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, trọng thu, cốc đán.

Theo các dữ kiện này, thì trụ ếm được chôn vào mùa thu, tháng 8, đời vua Càn Long nhà Mãn Thanh năm thứ 57 tức 1792 Tây lịch.

Vấn đề được đặt ra để nghiên cứu là:

1. Ai đã chôn trụ đá.

2. Lý do chôn trụ đá.

Các trụ đá này không phải do người Việt trồng, mà do người Tầu.

Có thể gạt bỏ giả thuyết là chính triều đình vua Càn Long đưa người từ Trung Hoa sang tận vùng Thất Sơn tại biên cương Việt Miên để trồng những cây trụ đá này. Bởi vào thời kỳ đó giao thông khó khăn, tình hình lại rất nhiễu nhương do những cuộc chiến tranh xảy ra giữa Cao Miên, Việt Nam, Xiêm La.

Chỉ có giả thuyết có thể tin được là các trụ đá đó trồng bởi lớp người Tàu đang hiện diện tại miền Nam Việt Nam thời kỳ đó. Theo Việt sử, người Tầu theo nhà Minh đã có những nỗ lực phản Thanh phục Minh bất thành, nên một số bỏ nước ra đi tị nạn tại các quốc gia phía Nam. Năm 1679, một nhóm khoảng 3000 quân lính nhà Minh chỉ huy bởi các bại tướng Dương Ngạn Ðịch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, dùng 50 chiến thuyền đi lưu vong, và được chúa Nguyễn cho đến định cư tại vùng Gia Ðình, Biên Hòa, Ðịnh Tường. Năm 1707, một nhóm Trung Hoa khác do Mạc Cửu lãnh đạo đã sang lập nghiệp tại Cao Miên từ 1680 để nhờ vua Cao Miên che chở khai khẩn vùng đất Hà Tiên trên vịnh Xiêm La, nay nhận thấy thế Cao Miên yếu, thế Việt Nam mạnh, nên bỏ Miên, đến xin quy phục triều đình nhà Nguyễn, dâng đất 7 xã Hà Tiên, và hòn đảo Phú Quốc.

Nhưng người Tầu trồng các trụ bia ở vùng Thất Sơn với mục đích gì?

Công dụng của trụ đá thường là để phân ranh giới. Nhưng ranh giới nào ở tận Thất Sơn lại có liên hệ đến người Tầu, nước Tầu. Vậy thì không phải các trụ bia này được trồng để phân ranh giới. Chỉ còn một lý do khác là phong thủy địa lý.

Khoa học huyền bí Ðông phương có các môn chính là phong thủy, bốc phệ, tướng số, chiêm tinh. Riêng khoa phong thủy, cũng gọi là khoa địa lý, khởi thủy từ Trung Hoa có các tài liệu như sách Thanh Nang của một ẩn sĩ đời Tần, sách Binh xa Ngọc xích của Trương Tử Phòng đời Hán, sách Táng Kinh của Quách Phác đời Tấn, sách Ngọc Tủy Chân Kinh của Trương Tử Vi đời Tống, sách Kim Tỏa Bí Quyết của Trần Ðoàn đời Tống, sách Kim Ðẩu Quyết Táng Pháp của Lưu Bỉnh Trung đời Nguyên. Khoa địa lý từ Trung Hoa truyền sang Việt Nam đời Lê; có ông Nguyễn Ðức Huyên gốc làng Tả Ao huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, sang bên Tầu học và sau đó ông nổi danh lừng lẫy như thủy tổ khoa địa lý tại Việt Nam. Sau ông Tả Ao, có ông Hòa Chính cũng sang Tầu học khoa địa lý.

Theo khoa học địa lý, người ta chọn đất để lập thành quách, cất đình chùa, làm nhà cửa, đặt mồ mả. Mục đích là tìm cuộc đất tốt để công việc đó sau này phát sanh những điều tốt lành hưng vượng cho người chung quanh hay cho con cháu về sau.

Thầy địa lý sử dụng địa bàn và tróc long để tìm đất và tìm huyệt dưới đất mà quy định tác dụng của phần đất cũng như phương hướng, vị trí của nhà cửa hay mồ mả xây cất trên đất đó.

Nếu thầy địa lý có thể giúp cho thân chủ các ý kiến để sau này đạt được các hậu quả tốt đẹp thì cũng có thể đưa các ý kiến để ám hại cho thân chủ sau này gặp các hậu quả xấu xa. Ðó là các trường hợp gọi là trù ếm.

Thí dụ, nếu thầy địa lý bảo an táng di thể vào đúng long huyệt có tụ khí tốt thì con cháu sẽ được phát, tức được hưng vượng. Ngược lại nếu thầy địa lý chủ tâm trù ếm, bảo an táng vào chỗ sơn cùng thủy tận tức là tuyệt địa, thì con cháu sẽ khốn khổ tàn mạt.

Về những trụ bia mà phái Bửu Sơn Kỳ Hương đã khám phá tại vùng Thất Sơn, theo dư luận dân chúng vùng này, đó là do ý định trù ếm của người Tầu. Tác giả tập sách Thất Sơn Mầu Nhiệm viết rằng:

Như thế, ta có thể nói là cái trụ này của bọn họ Mạc, với con mắt địa lý vì thấy vượng khí của vùng sơn lãnh linh thiêng, hoặc bởi biết có long huyệt, sợ đất Việt sau này phát sinh thánh chúa (hay hưng vượng) nên họ đã trấn ếm ngay từ sau khi cuộc Nam tiến của nước ta được hoàn thành. Sự trấn ếm và muốn đè nén dân Việt, đối với người Tàu, là thường. Xem như ngày xưa, tương truyền có Rồng ở lưu vực Hồng Hà, theo dõi đường Nam tiến để yểm trợ dân Việt lập quốc. Thầy địa lý của Tầu là Cao Biền đã theo dấu đến xứ Việt Nam, định trấn ếm và diệt cho hết, không để cho nó hun đúc tinh thần dân tộc Việt. Nào dè Rồng đã ẩn mình kịp xuống vịnh Hạ Long. (*)

Vấn đề, người Tàu trồng những cây bia đá để trấn ếm tương lai Việt Nam, nghe qua có vẻ hoang đường, nhưng đó là sự thật có chứng tích (cây trụ bia vẫn còn, có ghi đời vua Càn Long). Vấn đề này phải được hiểu theo nhận thức của người Trung Hoa về khoa học huyền bí, tức phương thuật địa lý mà họ tin rằng có thể áp dụng để trấn áp không cho nước Việt Nam được hưng vượng.

Trong lịch sử Bửu Sơn Kỳ Hương, vấn đề trấn ếm này được truyền ra trong quần chúng, và cũng là một yếu tố kích thích lòng yêu nước và ý chí bảo vệ đất nước của các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hòa Hảo.

CÔNG THỨC TRẠI RUỘNG

Lập trại ruộng để vừa khẩn hoang vừa tu hành là một công thức đặc biệt của Bửu Sơn Kỳ Hương. Miền Nam trong thời kỳ khai phá, nhu cầu phát triển nông nghiệp rất quan trọng. Chính quyền có các quy chế đồn điền dinh điền, với các biện pháp để khích lệ dân chúng đi khai hoang. Kẻ tội phạm, nếu nhận đi tham gia các đoàn khai hoang, thì được miễn tội. Cho nên giữa đám quần chúng khai hoang, cuộc sống rất hỗn độn, tội ác đầy dẫy. Nhiều dự án khẩn hoang cũng vì vấn đề nhân sự mà thất bại. Trái lại, các trại ruộng của Bửu Sơn Kỳ Hương lại là những thành công. Bí quyết thành công nằm ở chỗ có lãnh đạo. Tại trại ruộng này, quyền lãnh đạo do các đại đệ tử của Phật Thầy Tây An, hướng dẫn tín đồ và dân chúng vừa làm ruộng, vừa tu hiền. Nhờ có sự lãnh đạo trên phương diện tín ngưỡng, nhờ có niềm tin và nếp sống đạo đức của các tín đồ, trại ruộng của Bửu Sơn Kỳ Hương mang đặc tánh riêng biệt; vừa mở mang kinh tế xứ sở, lại vừa sống lương thiện bình dị để tu tâm dưỡng tánh. Trại ruộng thay thế cho chùa chiền như trung tâm tín ngưỡng, nhưng đồng thời lại là trung tâm sản xuất, chớ không phi sản xuất như chùa chiền chỉ chú tâm vào việc tu hành mà thôi.

Những trại ruộng do đại đệ tử của Phật Thầy điều khiển thời kỳ đó vẫn còn vết tích đến ngày nay, là:

1. Trại ruộng Hưng Thới Xuân Sơn, thuộc vùng Thất Sơn, chân núi Ông Két do ông Bùi Văn Thân và Bùi Văn Tây tức Ðình Tây lãnh đạo.

2. Trại ruộng Láng Linh, mệnh danh là Bửu Hương Các, do Cố quản Trần Văn Thành lãnh đạo, sau trở thành tổng hành dinh kháng chiến của chiến khu Bảy Thưa.

3. Trại ruộng Cần Lố tại bờ Tiền Giang phía Ðồng Tháp Mười, do ông Ðặng Văn Ngoạn tức đạo Ngoạn lãnh đạo, lan rộng đến các vùng rạch Ông Bương, rạch Trà Bông. Tại đây có dựng ngôi chùa Trà Bông.

4. Trại ruộng Cái Dầu (Bình Long) sát hữu ngạn sông Hậu Giang, khai thác khu đất Tầm Phong Long, do ông Nguyễn Văn Xuyến, tức đạo Xuyến lãnh đạo.

Ngoài ra còn các vùng Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Hanh (Long Xuyên), Sa Ðec, Kiến Phong, Trà Bang (Rạch Giá), Vĩnh Long, Vĩnh Bình, đều có bàn tay khai phá của các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, kể từ thời còn hoang vu nguy hiểm đầy rắn rết, muỗi độc, thú dữ…

Trở Về 

Tìm Kiếm