PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG DÒNG LỊCH SỬ DÂN TỘC (Phần II, Chương 6)

Phần II: BỬU SƠN KỲ HƯƠNG

Chương 6: Ảnh Hưởng Bửu Sơn Kỳ Hương: Lòng Ái Quốc

Ðặc điểm khác của Bửu Sơn Kỳ Hương là phát dương tinh thần ái quốc và nhiệt tình tranh đấu trong quần chúng qua thuyết Tứ Ân. Có lẽ vì đã tiên đoán đại nạn sắp đến cho đất nước, Việt Nam sẽ bị xâm chiếm và thống trị bởi ngoại bang, cho nên Phật Thầy Tây An đặc biệt truyền bá tư tưởng yêu nước, chuẩn bị tâm lý quần chúng ứng phó với thời kỳ mất nước sắp xảy ra. Trước khi viên tịch, Phật Thầy có nói cho các đệ tử biết rằng Nước ta sẽ phải trải qua thời kỳ đồ khổ khi Tây Dương đến chiếm“. Khi giặc Pháp chiếm miền Nam, các vị kế truyền và đại đệ tử của Phật Thầy trở thành những lãnh tụ kháng chiến rất oanh liệt cang cường, như: Cố Quản Trần Văn Thành, Ông Hai Trần Văn Nhu, Ðức Bổn Sư Ngô Lợi, anh hùng Nguyễn Trung Trực…

CỐ QUẢN TRẦN VĂN THÀNH: CHIẾN KHU BẢY THƯA

Trong tài liệu Bửu Sơn Kỳ Hương có ghi một sự việc sau này:

Phật Thầy Tây An lúc sinh tiền, có trao tay cho đệ tử Trần Văn Thành một cái ấn triện chạm bốn chữ ØBửu Sơn Kỳ Hương, một cây cờ và một cái áo nhuộm màu đà, với lời dặn dò rằng:

Cái ấn này để sau này thay ta mà truyền đạo, còn cây cờ và cái áo thì để dùng trong lúc trở ra đền nghĩa nước non.

Lời dặn dò ấy gây ấn tượng sâu xa trong tâm hồn Cố Quản Trần Văn Thành, cho nên khi quân Pháp đến hoành hành, ông đã trở thành một lãnh tụ kháng chiến kiên trì và can đảm vô cùng.

Khi quân Pháp làm áp lực tại thành Châu Ðốc, tình thế quá khẩn trương, quân sĩ phía Việt Nam chia làm hai khuynh hướng: mở cửa nộp thành cho Pháp, hay rút vào kháng chiến. Chánh quản Trần Văn Thành cầm đầu phe kháng chiến, ông rút quân về lập chiến khu tại vùng Láng Linh là vùng hiểm địa, và chiêu mộ thêm nghĩa binh, mở mang đồn trại, tích trữ lương thực vật liệu ở nhiều địa điểm, đặc biệt là mở ra năm lò đúc súng giao cho đề đốc Văn chỉ huy, vừa đúc súng vừa chế đạn (năm 1936, người ta còn đào được tại Bảy Thưa ba lò đúc và 12 họng súng đồng). Vì kỹ thuật lúc ấy còn kém, nên chỉ chế tạo được kiểu súng nạp đạn vào phía miệng, bắn ra tầm ngắn và chậm, còn đạn thì bằng sắt, khó đi xa, thua súng của Pháp nhiều. Ðể bổ khuyết nhược điểm này, ông Trần Văn Thành gởi người vượt biên giới sang tận Xiêm vận động mua súng của Xiêm, nhưng không thành công, vì lúc đó Pháp-Xiêm vừa ký hiệp ước (15-8-1862, 15-7-1867). Nhưng đây là những sự việc chứng tỏ cái nhìn xa và sáng suốt của ông Trần Văn Thành, có lẽ vượt hơn một số lãnh tụ cần vương lúc đó.

Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương các nơi nghe theo lời kêu gọi của đại đệ tử Trần Văn Thành, nghe rằng ông đã khởi binh lập chiến khu, nên hưởng ứng nồng nhiệt, khắp nơi tự động đem tiền bạc và vận tải lương thực như lúa gạo, cá khô, rau đậu… đến tiếp tế. Số lương thực chở đến nhiều đến đỗi binh sĩ phải dùng xe trâu để kéo về cứ điểm, và sau này, đích thân bà Trần Văn Thành phải huy động đào một con kinh nhỏ nối liền rạch Cái Dầu vào Láng Linh để vận tải lương thực bằng đường thủy. Con kinh ấy mang danh là Kinh Ông Bà bây giờ vẫn còn lưu thông (dân chúng gọi Ông Bà là chỉ ông bà Trần Văn Thành).

Có thể nói rằng, tổ chức kháng chiến của ông Trần Văn Thành lúc đó được xem là hùng hậu hơn hết các tổ chức khác. (Không hiểu vì lý do nào, các nhà viết sử Việt Nam, thường không để tâm đến phong trào kháng chiến Trần Văn Thành, thường chỉ nhắc đến Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, Trương Công Ðịnh, và Nguyễn Trung Trực).

Sau khi lãnh tụ Nguyễn Trung Trực bị hành quyết (1868), tại miền Nam thật sự chỉ còn tổ chức Trần Văn Thành là có qui mô và lực lượng kháng Pháp đáng kể. Pháp rảnh tay dồn khả năng để tiêu diệt tổ chức này. Theo các tài liệu của Pháp thì viên Chủ tỉnh Long Xuyên là Emile Puech bố trí cuộc tấn công, trước hết bằng cách chận nghẹt các đường tiếp vận lương thực của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Vì thế trong chiến khu thiếu lương thực, và vai trò của bà Trần Văn Thành lại một lần nữa nổi bật lên trong công tác huy động sản xuất tự túc, làm thế chịu đựng lâu dài. Tại Láng Linh hiện còn một cái hồ gọi là Hồ Bà do bà Thành đào để lấy nước và bắt cá, và một giồng cũ, tương truyền là một giồng dâu, trong công tác sản xuất nông nghiệp của bà.

Theo lời đồn truyền thì ông Trần Văn Thành, trong tình thế khó khăn đó, còn nuôi hy vọng vào sự tiếp tay của triều đình để xoay chuyển tình thế, nhưng vô vọng, triều đình hoặc là quá yếu đuối, hoặc là đã quên mất cuộc kháng chiến của nghĩa binh miền Nam rồi.

Năm 1782, ông Trần Văn Thành dự trù khởi binh nhất tề tấn công các địa điểm Tịnh Biên, An Giang và Ðông Xuyên. Lúc này, theo tài liệu, quân đội của ông mang danh hiệu là Binh Gia Nghị. Cuộc tấn công không có kết quả, nhưng quân Pháp cũng không dám phản công lâu dài, chỉ tấn công nửa tháng rồi rút quân về. Binh Gia Nghị tiếp tục áp dụng chiến thuật du kích chiến, lịch sử có ghi lại những trận tập kích Chắc Cà Ðao, tấn công đồn Pháp tại Tịnh Biên, vây khốn đồn Cây Mít, quân Pháp phản công thì Binh Gia Nghị rút vào rừng Bảy Thưa, Pháp không làm sao tiêu diệt được.

Trận cuối cùng, cũng là trận quyết định đã xảy ra vào tháng 2 năm 1873. Sau nhiều lần dụ hàng không được, Hải quân Ðề đốc Dupré mở cuộc tấn công mãnh liệt vào chiến khu Bảy Thưa, bằng cả hải lục quân, súng đồng, đánh từ nhiều mặt dồn lại làm cho binh Gia Nghị không thể đối phó. Ngày 21 tháng 2, quân Pháp tràn vào hành dinh cuối cùng của kháng chiến, là đồn Hưng Trung. Binh Gia Nghị phần rút lui, phần chết, phần bị bắt trong đó có các tùy tướng của lãnh tụ Trần Văn Thành. Cũng từ ngày đó Cố Quản Trần Văn Thành mất tích, có người nói là tử trận, nhưng không tìm thấy xác.

Chỉ có ghi lại rằng Ông Trần Văn Thành mặc áo màu đỏ xậm đốc thúc chiến sĩ, ra hiệu lịnh, bên cạnh đứa con ruột đang tiếp tay, và đích thân ông bắn súng…

Trong lịch sử kháng chiến của tổ chức Trần Văn Thành, có hai sự việc nên ghi lại:

1. Khi Pháp cho người đem thơ đến tận Bảy Thưa yêu cầu ông Trần Văn Thành về hợp tác, noi theo gương Tôn Thọ Tường, thì ông đã khẳng khái trả lời người bạn nhận sứ mạng đó rằng:

Ta thà cùng quân sĩ bỏ xác nơi rừng này, chớ không chịu ra làm quan cho Tây đâu. Ông hãy trở về nói lại với chúng nó như thế, và từ nay về sau cũng đừng nên lãnh đi những việc nguy hiểm như vậy nữa. Tình anh em không thể làm lờn phép công mãi được.

Cũng có câu thơ rằng:

ØThà thua xuống láng xuống bưng, Kéo ra hàng giặc lỗi chưng quân thần.

Sau khi chiến khu Bảy Thưa thất thủ, và người con trai của Cố Quản là Trần Văn Chái bị Pháp bắt đem về An Giang, bà Trần Văn Thành rất đau đớn vì chồng mất, con bị giặc bắt, cuộc kháng chiến tan vỡ. Nhưng bà vẫn còn đầy đủ nghị lực và tiết tháo để viết một bức thơ, cuốn vào một con dao nhỏ giấu giữa một chiếc bánh tét, cho người đem tới An Giang đưa tận tay người con trai. Bức thơ ấy đại lược như sau:

ØCon đã bị giặc bắt, ấy là gần xong bổn phận của con. Nếu quân thù cứ đem lợi danh cám dỗ, con liệu không thoát được mà về, mẹ muốn con hãy tự dùng lấy dao này mà quyết định đời con để bảo tồn danh tiết cả nhà ta lâu nay đã hy sinh vì đất nước.

Năm hôm sau cậu Trần Văn Chái dùng dao tự sát tại ngục thất An Giang, năm đó cậu 18 tuổi.

Những hàng lược sử về tổ chức kháng chiến của Cố Quản Trần Văn Thành cho ta thấy một nhiệt tình cao độ đã biểu lộ từ giới nông dân, trong cuộc võ trang kháng chiến chống Pháp. Tuy biết là thế yếu chống mạnh, châu chấu đá xe, nhưng người chiến sĩ nông dân kia vẫn coi thường cái chết, coi thường cả thất bại, miễn là làm tròn bổn phận con dân đối với Tổ quốc.

Lại nữa, ngay cả giới phụ nữ, tấm gương anh thư của bà Trần Văn Thành, phải được kể như là một tấm gương hy sinh sáng chói của giới phụ nữ trong thời đó.

Và phải nói thêm rằng chính tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương đã thay đổi những người nông dân an phận thành những chiến sĩ yêu nước nồng nàn và anh hùng như thế.

ÐỨC BỒN SƯ NGÔ LỢI: LÀNG KHÁNG CHIẾN AN ÐỊNH

Sau khi tổ chức Binh Gia Nghị tan rã, một số nhân vật Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn tiếp tục gây dựng lại phong trào nghĩa binh nông dân kháng Pháp. Ðó là các ông Nguyễn Văn Vi, Nguyễn Văn Hay, Nguyễn Kế Trung, ông Ðạo Tư hoạt động tại vùng Cái Bè, Ðịnh Tường. Trong hồ sơ của Pháp có câu chuyện Trần Bá Lộc bắt người con trai 52 tuổi của một ông lão bỏ nhà đi theo kháng chiến Bửu Sơn Kỳ Hương, người con khai rằng:

ØCha tôi nói với tôi, thời bây giờ người ta đi làm nghĩa, tao đi với người ta, còn nhà cửa này, tao giao cho mày giữ lấy mà làm ăn. (Nên biết ông lão chiến sĩ già đã trên 70 tuổi, và đi làm nghĩa tức là đi tham gia nghĩa binh kháng Pháp).

Sau khi tổ chức kháng chiến của lãnh tụ Nguyễn Hữu Huân bị tan rã, phong trào chống Pháp đáng kể nhứt kế tiếp để hoạt động trên vùng đất từ Ðịnh Tường về Châu Ðốc, là do Ðức Bổn Sư Ngô Lợi lãnh đạo, với sự tham gia đông đảo của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và quần chúng, trong đó có hai nhân vật là Ong và Khả đã huy động dân chúng tại vùng Thuộc Nhiêu, Cái Lậy, Tân Hiệp (Ðịnh Tường) năm 1878.

Vẫn nằm trong khuynh hướng tín ngưỡng lãnh đạo tinh thần, Ðức Bổn Sư nhiều lần vận dụng các nhà sư tụ họp dưới hình thức bề ngoài là sinh hoạt tôn giáo, nhưng chính là để tạo thế quần chúng chống Pháp. Theo báo cáo của Pháp, thì ngày 16-2-1878, nhằm rằm tháng Giêng, Ðức Bổn Sư triệu tập khoảng 200 sư sãi về làng Hòa Khánh (Mỹ Tho) để làm chay, và ngày 30-4-1878, một cuộc họp khác đã phong chức cho nhân vật Khả làm Chánh tướng và Ong làm Phó tướng phụ trách điều khiển cho cuộc khởi nghĩa tại Mỹ Tho. Hai ông này sau bị Trần Bá Lộc vây bắt.

Trần Bá Lộc tìm đủ mọi mưu mô để truy lùng Ðức Bổn Sư, kể cả thủ đoạn gài gián điệp vào hàng ngũ Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng vẫn không bắt được vị lãnh tụ này. Công văn ngày 29-5-1878 của Trần Bá Lộc bố cáo rằng ai bắt được ông Năm Thiếp (một tên khác của Ðức Bổn Sư Ngô Lợi) thì được thưởng 1.000 quan tiền.

Không bắt được lãnh tụ, bọn tham biện chủ tỉnh bắt các tín đồ, nhưng quần chúng Bửu Sơn Kỳ Hương, vì đã sẵn niềm tin tôn giáo rằng Pháp không thể cai trị Nam kỳ được, họ vẫn tụ tập bí mật, và cử người cầm đầu mối đạo ở các địa phương về Thất Sơn để lãnh phép tức lãnh chỉ thị của Ðức Bổn Sư. Ðức Bổn Sư có hành trạng rất bí mật, Pháp rất khó biết, một phần lớn do tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương cảnh giác và bao che, loan tin thất thiệt đánh lạc hướng bọn mật thám. Thí dụ khi Ðức Bổn Sư ở núi Tượng Châu Ðốc, thì tín đồ phao tin là ông đang ở Mỹ Tho, hoặc Sa Ðec… Các báo cáo của lưới mật thám Pháp lúc đó xuất phát từ các tỉnh Mỹ Tho, Châu Ðốc, Sa Ðec cho thấy một cuộc săn đuổi rất chặt chẽ khít khao để truy lùng, nhưng cũng chứng minh những điều mâu thuẫn trong tin tức. Theo báo cáo hàng tuần của chủ tỉnh Mỹ Tho ngày 13-10-1879 thì ông Năm Thiếp vừa về tới Phú Kiết, rồi lại đi ngay Núi Tượng, thường di chuyển bằng ghe lòng giả dạng người buôn bán, ghe có ba người chèo và hai vệ sĩ…

Nhận thấy màn lưới truy lùng của Pháp là một trở ngại lớn để phát triển thực lực, Ðức Bổn Sư lấy một sáng kiến rất độc đáo, là thiết lập một căn cứ an toàn tại làng An Ðịnh, dưới chân ngọn núi Tượng. Ðây cũng vẫn nằm trong kinh nghiệm lập trại ruộng của Bửu Sơn Kỳ Hương. Chiến thuật khéo léo này nhằm tạo ra một khu làng có xin phép chánh quyền đàng hoàng, dân làng sanh hoạt ruộng rẫy, khai phá đất đai một cách rất bình thường, làm cho viên chủ tỉnh Châu Ðốc rất hài lòng cấp giấy phép, và coi đó là một thành công của phần tỉnh mình cai trị. Nhưng bên trong, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương bí mật tổ chức thành một cứ điểm của kháng chiến, nuôi dưỡng cán bộ, tồn trữ lương thực võ khí, để chuẩn bị ngày khởi nghĩa. Khi viên Chủ tỉnh Châu Ðốc nạp hồ sơ lên Bộ Nội vụ xin hợp thức hóa làng An Ðịnh, thì Giám đốc Bộ Nội vụ có nêu vấn đề là phải đề phòng âm mưu của kháng chiến lợi dụng làng này làm bình phong. Viên Chủ tỉnh Châu Ðốc đích thân đến làng An Ðịnh quan sát, ông thấy rằng làng này rất xinh đẹp, ruộng rẫy phát triển xanh tươi, trên 150 ngôi nhà khang trang, dân chúng rất cởi mở, đóng thuế đầy đủ, cho nên ông ta đã báo cáo lên Bộ Nội vụ rằng: không có bằng cớ nào để hồ nghi rằng Năm Thiếp đang hiện diện tại đây, chỉ là sợ sệt và lo xa quá đáng, vậy nên hợp thức hóa quy chế làng này…

Sự kiện này còn nói lên tinh thần đoàn kết nhứt trí của quần chúng tín ngưỡng Bửu Sơn Kỳ Hương, không tiết lộ cơ mật của tổ chức đến đỗi Pháp không thể dò xét được.

Một sáng kiến đặc biệt khác nữa của Ðức Bổn Sư là liên kết với kháng chiến Cao Miên để tăng cường nỗ lực chống Pháp. Tại Cao Miên thời kỳ đó, triều đình vua nhu nhược, nhưng có hai vị hoàng thân là Achar Soa và Si-Vatha tổ chức nghĩa binh chống Pháp. Sau khi Achar Soa thất bại, Ðức Bổn Sư cùng với các hoàng thân Si-Vatha hợp tác với nhau. Tình trạng tâm lý giữa người Miên với người Việt vẫn còn nhiều tị hiềm và mặc cảm, nhưng sự hợp tác này đã được hình thành, sau nhiều lần các toán quân của Si-Vatha được dân làng An Ðịnh giúp đỡ tận tình. Nhờ sự liên kết này mà các hoạt động kháng chiến ở vùng biên giới Miên-Việt đạt nhiều kết quả mới. Tháng 4-1885 quân Si-Vatha tấn công tỉnh Treang và Takeo. Tháng 5-1885, liên quân Việt-Miên đánh chiếm đồn biên giới của Pháp tại Phú Thạnh với một chiến thuật chớp nhoáng. Theo báo cáo hàng tháng của Pháp (5-1885) thì đại úy Ferussec không dám đến phản công, mà phải tăng cường 200 quân của thiếu tá Goulias mới lấy lại được đồn Phú Thạnh. Quân Pháp bắn giết và đốt nhà của người Việt và người Miên tại vùng biên giới, đặc biệt tại An Ðịnh.

Sự liên kết kháng chiến Việt-Miên đã lan rộng sang đến vùng Hà Tiên, liên quân Việt-Miên kéo 400 người chuẩn bị tấn công tỉnh lỵ Hà Tiên, với cao điểm là đốt chợ tỉnh lỵ. Nhiều viên chức xã ác ôn làm tay sai cho Pháp đã bị tiêu diệt, làm cho viên Chủ tỉnh Châu Ðốc bấy giờ rất hối hận, mở cuộc hành quân vào làng An Ðịnh bắt hết dân chúng để điều tra lý lịch, thì thấy rằng dân làng này không phải tất cả là người tỉnh Châu Ðốc, mà quê quán là hầu hết các tỉnh Nam kỳ quy tụ về đây, và do đó viên Chủ tỉnh kết luận rằng: Ø158 dân đinh toàn là dân bất hảo chống đối sự khai hóa của người Pháp, từ tứ xứ gom về đây, tất cả đều theo đạo Phật, nhưng là Phật tử có nhiệt tâm đến mức cuồng tín. Họ ra vẻ chí thú làm ăn về hình thức mà thôi, gặp cơ hội là họ khởi loạn nữa…

Các báo cáo khác của Pháp cho biết rằng liên quân Việt-Miên hợp tác khá chặt chẽ, đôi bên không kể gì biên giới, tự do qua lại như một nước, quân khởi loạn Cao Miên bất cứ lúc nào cũng có thể kéo hàng trăm người đột nhập lãnh thổ Việt Nam, với súng ống, gươm giáo, có khi họ cưỡi ngựa… Lại có cả một người Việt là phó soái Bùi Văn Thuận chỉ huy loạn quân Cao Miên, nhằm mục đích áp đảo tinh thần quân kháng chiến…

Cuối tháng 5-1887, sau khi có những tin tức dồn dập cho biết rằng quân Việt-Miên đang chuẩn bị đánh lớn, Pháp quyết định không thể chần chờ được nữa, phải tiêu diệt căn cứ An Ðịnh lập tức. Một cuộc hành binh qui mô đã diễn ra từ 13 đến 29 tháng 5-1887, do một viên sĩ quan Pháp cỡi voi chỉ huy, tấn công vào làng An Ðịnh. Chùa chiền bị đốt phá, nhà cửa bị kéo xập, ruộng rẫy bị tàn phá. Bảng kê khai kết quả cho biết là cuộc hành quân đã bắt được 1,990 người tại làng An Ðịnh, gồm tất cả nam phụ lão ấu, trong 407 gia đình, gốc dân của 13 tỉnh khác nhau: Sa Ðec, Bến Tre, Saigon, Gia Ðịnh, Tân An, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Gò Công, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Tiên, Châu Ðốc.

Từ đó làng An Ðịnh bị giải tán, bộ máy hành chánh sát nhập vào làng Ba Chúc kế cận. Các gia đình từ tỉnh khác bị trục xuất trở về tỉnh cũ, và gia trưởng phải đến trình diện với chánh quyền tỉnh gốc. Nhưng chỉ có khoảng 40% làm theo lịnh đó, số còn lại tiếp tục trốn đi các vùng khác ẩn náu, và có người vẫn theo đuổi chí hướng kháng Pháp. Một số bỏ lên vùng núi Tà Lơn Cao Miên sống tiêu dao tu hành.

Năm 1889, phó soái Bùi Văn Thuận bị Pháp bắt tại giòng Bà Thá, và bị án 20 năm lưu đầy Côn Ðảo. Nhưng Pháp vẫn không thể nào bắt được Ðức Bổn Sư, vì tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương bao che rất hiệu lực hành tung của ông. Năm 1890, Ðức Bổn Sư qua đời tại vùng Thất Sơn, dường như là Núi Két.

Tác giả Sơn Nam đã viết về phong trào này như sau:

Giáo thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương được Ðức Bổn Sư áp dụng sát với hoàn cảnh miền Nam với phong trào Cần Vương, liên kết với người Cao Miên. Ðây là thái độ sáng tạo nhập thế, gần như vô điều kiện: đừng nghĩ đến chuyện xa xôi, hãy cố gắng tu tập. Hội Long Hoa tức là ngày đất nước được độc lập, không còn bóng quân ngoại xâm. Hình bóng đức Phật Di Lặc và hình bóng của Tổ quốc đã hòa hợp như là một. Cõi tiên, cõi cực lạc không phải ở bên Tây Tạng, ở Ấn Ðộ, nhưng là ngay làng mạc mà ta đang sinh sống… Làng An Ðịnh này là một bảo tàng sống…

So sánh sự kiện trong bài giảng kinh với tài liệu công văn thời Pháp thuộc rồi phối hợp với trí nhớ của ông già bà cả địa phương, lần hồi chúng ta thấy rõ rệt hơn những nét đẹp, yêu đời, yêu tổ quốc của đồng bào hồi cuối thế kỷ qua.

Cụ Phan Bội Châu đã am hiểu tình thế và đánh giá đúng mức phong trào Cần Vương của miền Nam, nên vào năm 1903 đã vào tận Thất Sơn để gặp tại ngôi chùa nọ một người nặng lòng non nước họ Trần…

Tương truyền rằng sau khi phong trào Cần Vương ở miền Trung thất bại, một chiến sĩ từ miền Trung len lỏi vào Nam mưu đồ tiếp tục nghiệp lớn. Ngài có ý lánh mặt vì thấy tình hình không còn thuận lợi. Chiến sĩ vô danh ấy vốn là cận thần của vua Hàm Nghi, vì chỉ thấy cửa thiền vắng bóng, nên đành ngậm ngùi ra đi, để lại bài thơ như sau:

Cửa thiền rầy đã bặt hơi bon, Quê hạc hương bay kiểng vẫn còn. Tiếng trống quân canh đâu lặng lẽ? Kèn chiêu muôn dặm hãy còn non. Dưới hồ mưa lấp sen tơi tả, Trên đỉnh sương sa đá mỏi mòn. Ngàn thuở điềm đà ghi dạ ngọc, Chín trùng non nước biệt tôi con…

Người Pháp có ý đánh giá thấp những việc kể trên. Ðại khái chúng nhìn nhận đã đốt một ngôi chùa ở làng An Ðịnh.

Các vị thức giả đa số ở Bắc phần, Trung phần hoặc ở Sàigòn, thì đòi hỏi những tài liệu đáng tin cậy, khi nghe những giai thoại về Thất Sơn huyền bí.

Chúng tôi đã cố gắng giải đáp. Phong trào nói trên tuy không có chiều rộng nhưng quả thật có chiều cao và chiều sâu. Và dư âm còn mạnh ở Hậu Giang. (*)

Nếu so sánh giữa hai tổ chức Cố Quản Trần Văn Thành và Bổn sư Ngô Lợi, ta thấy hai vị lãnh tụ đã áp dụng hai chiến thuật khác nhau. Một đàng lập chiến khu cố thủ, chờ dịp tấn công. Một đàng áp dụng triệt để du kích chiến, với các sáng kiến độc đáo để đánh lạc hướng địch quân. Một sự khác biệt nữa là: Cố Quản Thành nghĩ đến mua súng đạn của Xiêm để đối phó với võ khí Pháp, nhưng bất thành vì Xiêm và Pháp đã ký kết trao đổi quyền lợi với nhau rồi. Sau này, Ðức Bổn Sư có cái nhìn thực tế hơn là liên kết với kháng chiến Cao Miên, đồng cảnh ngộ với mình, lại có thể thường xuyên dựa vào nhau để đối phó với kẻ địch chung. Giao thiệp với Xiêm là vấn đề quốc tế, liên kết với kháng chiến bạn là nhu cầu hỗ tương láng giềng. Qua chứng nghiệm thực tế của cuộc chiến tranh Việt Nam, yếu tố Cao Miên vẫn được xem là có tầm quan trọng đặc biệt: Hànội đã tranh thủ được ông hoàng Sihanouk để thiết lập căn cứ hậu cần tại đất Miên, nhờ vậy khống chế được chiến trường miền Nam, và đạt thắng lợi quân sự 1975. Sau này, các giới kháng chiến phục quốc hải ngoại cũng dựa vào Thái Lan để lập đầu cầu, nhưng chắc chắn không thể hiệu lực bằng sự liên kết được với kháng chiến Miên. Ðó là kinh nghiệm lịch sử, mà Ðức Bổn Sư Ngô Lợi đã thực hiện từ cuối thế kỷ 19.

ANH HÙNG NGUYỄN TRUNG TRỰC

Giữa lãnh tụ Nguyễn Trung Trực và Bửu Sơn Kỳ Hương có mối liên hệ bắt đầu từ khi ông về tá túc với gia đình họ Lâm tại làng Mỹ Hội đồng tỉnh Long Xuyên. Tại đây ông sống theo nếp sống tu hành Bửu Sơn Kỳ Hương, thường mặc áo nâu sồng, và lâu lâu ngồi thuyền lên cù lao nhỏ Bình Thạnh Ðông thăm Cố Quản Trần Văn Thành. Ông sống rất đạm bạc, mỗi bữa cơm chỉ ăn một con khô sặc. Trên đây là do lời thuật của ông Cả Mười, trong gia đình họ Lâm.

Ông tên Nguyễn Văn Lịch quê quán tỉnh Mỹ Tho, theo nghiệp võ làm đến chức Quản cơ triều đình Việt Nam. Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Ðông, đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, đồng bào đau khổ, ông hiệp cùng người bạn là Nguyễn Văn Cầm quy tụ nghĩa binh chống Pháp.

Ngày 10-1-1861, ông đem nghĩa binh tấn công một chiếc tàu Pháp, giết thuyền trưởng Bourdais và 30 bộ hạ khi bọn này đi ruồng bố tại vùng Bảo Ðịnh Hạ (Mỹ Tho).

Ngày 11-12-1864, ông tổ chức hỏa công đốt chiến thuyền Espérance tại Vàm Sông Nhựt Tảo (Tân An) tiêu diệt toàn bộ địch quân, trong đó có Trung tá Parfait. Chiến công Nhựt Tảo là một kỳ công hy hữu, vì dùng thế yếu của du kích mà đoạt thắng lợi lớn, lần đầu tiên kháng chiến quân diệt chiến thuyền Pháp.

Sau đó, ông đánh phá các đồn Thuộc Nhiêu, Thủ Thừa, Bến Lức, Mỹ Hạnh, Phước Lý, Long Thành, Phú Lâm, Bà Hom.

Sau khi các tổ chức Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Trương Công Ðịnh bị tan rã, khí thế kháng chiến miền Ðông lâm vào tình thế khó khăn, ông Nguyễn Trung Trực dời binh về miền Tây.

Lúc đó Tổng đốc Phan Khắc Thân trước áp lực của Pháp, có ý nhượng bộ yêu sách Pháp, bắt Thủ khoa Huân giao nạp cho Pháp, ông Nguyễn Trung Trực có nói với Phan Khắc Thân rằng:

ØNước có loạn, người tôi trung được đánh giá xuyên qua hành động giết giặc cứu nước nhiều hơn cân đai trật phẩm của trào đình. Với dân cư là như thế, còn như với tướng sĩ, cái dũng, cái trí, cái nghĩa khắc phục người chiến hữu nhiều hơn là tiếng hò hét dõng dạc…

Rõ ràng ông đã biểu lộ tư thái, khí phách của một người lãnh đạo nghĩa binh, khác với người sĩ quan chỉ huy trong biên chế tổ chức quân đội chánh quyền.

Trận đánh oai dũng của ông sau đó là đang đêm hạ thành Kiên Giang bằng chiến thuật du kích tuyệt hảo. Quân Pháp ở trong đồn tường cao bố trí kiên cố, vậy mà du kích quân đang đêm đến bất thình lình leo lên được mặt tường diệt địch mà đoạt thành. Nhà văn Huỳnh Mẫn Ðạt đặc biệt ca tụng hai chiến công hiển hách của Nguyễn Trung Trực bằng hai câu thơ:

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa, Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Thực dân Pháp theo mưu kế của Lãnh binh Tấn, bắt mẹ ông và gia đình nhiều binh sĩ của ông, cho nên rốt cuộc, trước một tình thế vô vọng, ông đành chấp nhận điều kiện của Pháp là nạp mình để cứu mẹ và cứu đồng đội.

Pháp dụ ông nhận cộng tác thì được trọng dụng, nhưng ông nhứt định đòi chết. Và ngày 27 tháng 10 năm 1868, Pháp đem ông ra hành quyết tại Kiên Giang. Bài thơ tuyệt mạng của ông trước giờ thọ hình tại pháp trường như sau:

Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên, Yêu gian đảm khí hữu long tuyền. Anh hùng nhược ngộ vô dung địa, Bảo hận thâm cừu bất đái thiên. Theo việc binh nhung tự thuở trai Phong trần hăng hái tuốt gươm mài Anh hùng gặp phải hồi không đất Thù hận chan chan chẳng đội trời.

(Bản dịch của thi sĩ Ðông Hồ)

Cái chết khí phách của ông đã làm cho nhiều người thán phục và đau xót, có binh sĩ đã tự vận chết theo để tỏ lòng trung nghĩa.

Do mối liên hệ với Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Nguyễn Trung Trực được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tôn vinh là Thượng Ðẳng Ðại Thần, trong nghi lễ thờ phượng các bậc anh hùng liệt sĩ của đất nước và mỗi khi cúng lạy đều cầu nguyện oai linh của Ông trong bài nguyện Qui y. Anh hùng Nguyễn Trung Trực là một truyền thống trong tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo, cho nêu sau này, khi thành lập đơn vị nghĩa quân kháng chiến đầu tiên, Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã đặt tên đơn vị này là Bộ đội Nguyễn Trung Trực. Hàng năm đến ngày kỷ niệm thọ hình của ông, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cử hành lễ tưởng niệm (27-10 Dương lịch).

Trở Về 

Tìm Kiếm