PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG DÒNG LỊCH SỬ DÂN TỘC (Phần V, Chương 13-1) )

Phần V: SAU KHI ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ RA ĐI

CHƯƠNG 13: VẤN ĐỀ SÁT NHẬP QUÂN LỰC PGHH VÀO QUÂN ĐỘI QGVN

1 – Giai Đoạn Chuyển Tiếp Từ Pháp Qua Việt Nam

Theo các tài liệu văn khố, việc sáp nhập các tổ chức quân sự giáo phái miền Nam vào quân đội quốc gia Việt Nam đã khởi đầu từ năm 1950, ngay sau khi Thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập quân đội quốc gia Việt Nam, tháng 8-1950.

Thống tướng De Lattre de Tassigny chấp chưởng quyền hành quân sự và dân sự tại Đông Dương với chức vụ Cao Ủy kiêm Tổng tư lịnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương, đã đề ra lần đầu tiên chánh sách “Việt Nam hóa” chiến tranh tại Việt Nam, mà bước thứ nhứt là tăng gia quân số Việt Nam. Trong khuôn khổ kế hoạch đó, ông chỉ thị Bộ Tư lịnh Pháp ở miền Nam, lúc đó do Thiếu tướng Chanson chỉ huy phải xúc tiến việc sáp nhập các lực lượng quân sự giáo phái vào Lực lượng Bổ túc của quân đội quốc gia Việt Nam.

Ngày 19-7-1951, trong một văn thơ gởi phái bộ quân sự Pháp bên cạnh chánh phủ Việt Nam, Tướng Chanson cho biết từ 1-1-1952 đợt đầu tiên binh sĩ Hòa Hảo sẽ sáp nhập chương trình đó. Ông cũng xác nhận rằng tất cả các vị lãnh tụ quân sự Hòa Hảo, Tướng Trần Văn Soái, Đại tá Lâm Thành Nguyên, Thiếu tá Lê Quang Vinh đều đồng ý việc sáp nhập này.

Tình hình nghiêm trọng tại các chiến trường lúc đó, sự bất ổn chánh trị, tiếp theo là cái chết của Tướng De Lattre đã làm ngưng trệ sự thi hành chủ trương sáp nhập này. Cho nên đầu năm 1953, chánh phủ Việt Nam và Bộ Tổng Tư lịnh Pháp, khi thương thuyết chuyển giao quyền hành lãnh thổ từ Pháp qua Việt, đã đặt vấn đề này trở lại.

Trong một bản phân tích do văn phòng phái bộ liên lạc của quân đội Pháp bên cạnh quân lực Hòa Hảo, đã trình bày một số dữ kiện cần bàn của vấn đề, để đóng góp các yếu tố có tính chất lịch sử cho các cuộc thương thuyết Pháp-Việt thảo luận vấn đề này.

BẢN PHÂN TÍCH

Đề tài: Trích dẫn các văn thư Mật và Tối mật của Thủ tướng chánh phủ lâm thời (ông Lê Văn Hoạch) và Tổng trưởng Quốc phòng (ông Nguyễn Văn Tâm) gởi cho Đại tá Cluzet Tư lịnh miền Tây trước khi ký hiệp định liên quân Pháp Hòa Hảo 18-5-1947. Một hội nghị gồm đại diện hữu quyền của Bộ Tổng Tư lịnh Pháp và chánh phủ Việt Nam, rất gần đây sẽ lấy các quyết định liên hệ đến việc chuyển giao quyền hành sang chánh phủ Việt Nam tại các tỉnh miền Tây, và về chính sách đối với các lực lượng võ trang Phật Giáo Hòa Hảo.

Giáo phái Phật Giáo Hòa Hảo đã chánh thức chiến đấu liên quân với quân đội Pháp từ tháng 5-1947, và đã giúp đỡ công tác bình định bảo vệ an ninh lãnh thổ. Họ lo ngại rằng trong sự chuyển giao quyền hành này, những hy sinh của họ không được công nhận, và đặc biệt các quyền lợi vật chất phát sinh từ bộ máy hành chánh song hành của họ sẽ bỗng nhiên và hoàn toàn bị phế bỏ.

Những lãnh tụ các nhóm quân sự Phật Giáo Hòa Hảo rất lấy làm thất vọng vì họ không có một đại diện nào trong các hội nghị chuẩn bị chuyển quyền đó. Các hội nghị này đã quyết định số phận của các tỉnh mà đa số dân chúng là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, và đang do Phật Giáo Hòa Hảo đảm nhận phần lớn nhiệm vụ bảo vệ an ninh quân sự.

Giới Phật Giáo Hòa Hảo cho rằng “Vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo” đã không được đánh giá đúng mức bởi chánh phủ Việt Nam, cho nên họ tin vào các sĩ quan quân đội Pháp mà họ đã cùng chiến đấu từ 1947, họ cho rằng bản hiệp định liên quân họ ký ngày 18-5-1947 vẫn còn giá trị, phía chánh phủ Việt Nam cũng không hề sửa đổi hoặc chối bỏ bao giờ.

Một số giới chức chánh quyền Việt Nam có thể, trong lúc hội nghị về chuyển quyền, đã viện lý lẽ để không tôn trọng bản hiệp định đó, hoặc tỏ thái độ ngạc nhiên về sự ký kết bởi nhà cầm quyền Pháp. Cho nên cần phải xuất trình các tài liệu chính thức phát sanh từ chánh quyền Việt Nam lúc đó đã khẩn thiết yêu cầu giới chức quân sự Pháp hãy võ trang và yểm trợ tối đa cho phong trào Phật giáo Hòa Hảo.

Đây là những tài liệu Mật, phổ biến rất hạn chế, mang chữ ký đương kim Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và Phó Thủ tướng Lê Văn Hoạch, lúc đó (1947) là Tổng trưởng Quốc phòng và Thủ tướng của chánh phủ lâm thời Nam kỳ.

Trở Về 

Tìm Kiếm