PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG DÒNG LỊCH SỬ DÂN TỘC (Phần V, Chương 13-3)

Phần V: SAU KHI ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ RA ĐI

CHƯƠNG 13: VẤN ĐỀ SÁT NHẬP QUÂN LỰC PGHH VÀO QUÂN ĐỘI QGVN

3 – Bản Văn Mang Tay

Bộ tư lịnh quân đội Pháp miền Nam chỉ thị cho phái bộ liên lạc MLHH thông báo với Trung tướng Trần Văn Soái rằng dự án Hòa Hảo ngày 3-4-1954 đã được nghiên cứu bởi Bộ Tư lịnh Pháp và Việt Nam. Những điều tu chỉnh sẽ được thông báo cho Bộ Tư lịnh Hòa Hảo qua phái bộ liên lạc, để yêu cầu Bộ Tham mưu Quân lực Phật Giáo Hòa Hảo nghiên cứu, trả lời gấp… (*)

Thủ tục thể hiện qua bản văn trên đây cho thấy rằng vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo được nhìn như một vấn đề hành chánh. Quyết định về giải pháp là do Bộ Tư lịnh Pháp và Chánh phủ Việt Nam, phía đương sự chính yếu chỉ tham gia ý kiến qua Thủ tục đáp ứng gián tiếp, với tư cách người ngoại cuộc. Bộ phận tiếp xúc với Phật Giáo Hòa Hảo lại là Bộ Tư lịnh Pháp chớ không phải Chánh phủ Việt Nam.

Nếu lúc đó Chánh phủ Việt Nam quan niệm vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo là một vấn đề chánh trị, và nói chuyện trực tiếp với Phật Giáo Hòa Hảo, vấn đề này sẽ dễ dàng đạt các thỏa thuận nguyên tắc để giải quyết. Hoặc là nếu cần có sự hiện diện của quân đội Pháp trong giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt đó, thì nên có cả sự hiện diện của đại diện Phật Giáo Hòa Hảo tại các phiên họp, để vấn đề được thảo luận tích cực và giải quyết minh bạch, trực tiếp và mau chóng.

Trong các tài liệu nói về các lực lượng võ trang giáo phái Việt Nam thật khó tìm được loại tài liệu khách quan vô tư. Sau này, khi biên soạn tập Quân Sử Việt Nam, tác giả Phạm Văn Sơn, với tư cách người viết sử, có nêu lên được một nhận xét khách quan khi phân tích về các Lực lượng Phụ lực quân trong thời kỳ đó, như sau:

Lực lượng phụ lực quân được phát triển một cách tự do tùy theo nhu cầu binh lực cung ứng cho các khu vực hành quân, và tùy theo khả năng ngân sách mà Pháp có thể đài thọ được.

Tới đầu năm 1952, tổng số phụ lực quân trên toàn lãnh thổ Đông Dương gồm có 112,370 người. Vì lực lượng này đông đảo, nên Pháp đã cải tổ lại các đơn vị phụ lực, đang trong tình trạng phức tạp, thành những đơn vị có cấp số và có một tổ chức đồng nhất trên toàn cõi Đông Dương (type unique d’unité standard). Kể từ 1-2-1952, tất cả các đơn vị phụ lực quân tại miền Bắc, miền Trung, miền Cao nguyên, và miền Nam đều được tổ chức thành các đại đội, được gọi là “Đại Đội Nhẹ Phụ lực quân” (Compagnie Légère de Supplétifs, gọi tắt là C.L.S.)

Phụ lực quân có hai loại với những khác biệt như sau:

— Loại không giáo phái được tổ chức thành đại đội phụ lực quân và đặt dưới hệ thống chỉ huy của các giới chức quân sự địa phương.

— Loại giáo phái đặt dưới sự chỉ huy của giáo phái và làm việc trong hệ thống chỉ huy của Pháp.

Phụ lực quân giáo phái đặt dưới sự chi phối của các lãnh tụ giáo phái, hoạt động trong các khu vực của giáo dân, nên thể hiện được tính chất của một lực lượng võ trang nhân dân.

Nói đến các lực lượng giáo phái, ta cũng phải ghi nhận một điều là những lực lượng này đã tự động vũ trang nổi lên vào thời kỳ người Pháp trở lại Việt Nam mùa thu năm 1945. Những lực lượng này tuy chống Pháp nhưng lại không thể kết hợp được với Việt Minh. Có thể nói rằng các lực lượng giáo phái là những lực lượng quốc gia vũ trang đầu tiên, khi chưa có sự hình thành của giải pháp quốc gia.

ở đây, ta thấy rằng các binh đội giáo phái về hợp tác với Pháp, các lãnh tụ của họ vẫn giữ cho các binh đội này thoát ra khỏi sự chỉ huy của người Pháp, dù Pháp có ý muốn nắm quyền chỉ huy trực tiếp, Pháp chỉ làm dần dần, vì e ngại sẽ xảy ra những rắc rối với giáo phái. Sự kiện này cho ta thấy rằng Pháp muốn dồn mọi nỗ lực để chống Việt Minh, và trong những nỗ lực ấy, có cả nỗ lực của các giáo phái, nên Pháp phải dung hòa, nhờ thế mà các binh đội giáo phái dù được Pháp đặt dưới bất cứ một hình thức tổ chức nào (phụ lực quân), vẫn ở ngoài sự chỉ huy của người Pháp. (*)

Tiếc rằng trong hoàn cảnh rối ren lúc đó, chánh phủ Việt Nam không nhìn thấy tính chất “nhân dân”, giá trị quần chúng với các ưu điểm lý tưởng tín ngưỡng như tiềm lực khả tín lâu dài của dân tộc, theo như lối nhìn của sử gia Phạm Văn Sơn.

Tiến trình sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo vào quân đội quốc gia khởi đầu từ 1951, nhưng vì đã được nhìn sai lệch, cho nên phải bị trì trệ không kết quả, mà lại còn tạo thêm nghi kÿ, mặc cảm làm cho vấn đề ngày thêm phức tạp, khó giải quyết. Từ 1951 đến 1954, vẫn chưa đạt được bước tiến nào đáng kể, mà còn làm cho quân sĩ đôi bên nhìn nhau như thù địch, thiệt là một điều nghịch lý và đáng tiếc vô cùng.

Trong khoảng thời gian đó, không khí nghi kÿ đã làm phát sanh một số sự việc đáng tiếc giữa quân lực Phật Giáo Hòa Hảo và quân đội quốc gia. Điển hình là việc bắt cóc một số sĩ quan Phật Giáo Hòa Hảo trong lúc họ đi công tác tại Sàigòn. Những người bị bắt cóc còn bị đánh đập tàn nhẫn trong khu giam cầm của phòng 6, tức phòng tình báo chính trị của Bộ Tổng tham mưu (lúc đó do Trung tá Trần Đình Lan chỉ huy). Sự việc khác là biến cố xảy ra tại cầu Bắc Cần Thơ, một tiểu đoàn quân đội quốc gia do Thiếu tá Nguyễn Văn Ngưu chỉ huy, bị chận lại, và chỉ được quân lực Phật Giáo Hòa Hảo đồng ý cho di chuyển sau mấy giờ thương nghị gay go.

Việc sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, cũng như Cao Đài vào quân đội quốc gia phải chờ đến khi có được giải pháp chánh trị vào tháng 9-1954, mới được tạm thời khai thông khỏi tình trạng tắc nghẽn tâm lý và bế tắc về hành chánh. Khi hai tôn giáo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo tham gia chánh phủ liên hiệp đầu tiên của Thủ tướng Ngô Đình Diệm (9-54), không khí miệt thị và nghi kÿ được thay thế bằng không khí hợp tác, cho nên chỉ trong khoảng thời gian ngắn, khoảng hai tháng sau, những điểm nguyên tắc căn bản đã được thỏa thuận qua thảo luận trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lịnh Phật Giáo Hòa Hảo, đặt nền tảng cho việc sáp nhập từng đợt. Và ngày 3-11-54, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ban hành nghị định 1025/QP xác định nguyên tắc và thể thức sáp nhập, nghị định 1026/QP ấn định số quân sĩ đợt đầu sáp nhập là 3.000 người.

Theo các văn kiện này, việc sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo được thực hiện từng đợt. Bộ phận Hòa Hảo trong quân đội quốc gia Việt Nam được đặt trong hệ thống điều động, kiểm soát của quân đội Việt Nam. Cờ Phật Giáo Hòa Hảo được thay thế bằng quốc kỳ Việt Nam màu vàng ba sọc đỏ, chỉ còn huy hiệu truyền thống của Phật Giáo Hòa Hảo. Quân sĩ mang đồng phục quân đội quốc gia nhưng còn đeo huy hiệu Phật Giáo Hòa Hảo và đội ca lô màu dà. Võ khí Phật Giáo Hòa Hảo giao nạp hết cho quân đội quốc gia, và được trang bị theo biên chế quân đội quốc gia. Đặc điểm còn bảo tồn một thời gian là Văn phòng đặc biệt đặt tại Bộ Quốc phòng và Cơ quan cố vấn kiểm soát của Bộ tổng tham mưu đặt bên cạnh Bộ chỉ huy của bộ phận Phật Giáo Hòa Hảo.

Theo tinh thần hai bản nghị định này, đây là bước khởi đầu của một tiến trình sáp nhập mang tính chất của giai đoạn chuyển tiếp, để tiến tới sáp nhập toàn vẹn và toàn bộ.

Tuy nhiên, hai bản nghị định này trở thành ‘’thư chết’’ ngay sau khi ban hành, bởi lý do khuynh hướng “sáp nhập lập tức và toàn bộ” lúc đó ưu thắng hơn quan điểm của Bộ quốc phòng. Hai bản nghị định bị ngâm tôm, đình hoãn, bộ trưởng quốc phòng Hồ Thông Minh bị ra khỏi nội các, việc sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo vào quân đội quốc gia cũng bị ngưng đọng tại đây.

Trở Về 

Tìm Kiếm