PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG DÒNG LỊCH SỬ DÂN TỘC (Phần VI, Chương 16-2)

Phần VI: CÁC CHẾ ĐỘ VIỆT NAM ĐỐI VỚI PGHH

CHƯƠNG 16: PGHH DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN TỪ 1975

2 – Phong Trào Bảo An PGHH

Những diễn tiến sau 4-1975 thì ai nấy đều đã biết rồi, tôi không cần nhắc lại. Tuy nhiên cần chú ý đến các nỗ lực tuyên truyền qua báo chí, truyền thanh của Hà Nội đã thú nhận rằng Hòa Hảo vẫn tiếp tục kháng chiến ở vùng châu thổ Cửu Long. Đầu 1979, ông Lương Trọng Tường được trả tự do về sống tại nhà đường Trần Quang Khải, Tân Định, nhưng bị theo dõi nghiêm nghặt. Hà Nội biết rằng rất khó mà bắt người Hòa Hảo thần phục, cho nên họ đã áp dụng các biện pháp đặc biệt (**)

 

Tuần báo Thời Luận xuất bản tại Los Angeles California đã đăng một loạt bài nhận xét về ‘’Hồi Ký của Thượng tướng Việt cộng Trần Văn Trà’’, trong đó có những đoạn nói về trường hợp đề kháng của Phật Giáo Hòa Hảo tại Tây An Cổ Tự và Thánh Địa Hòa Hảo. Trần Văn Trà Tư lịnh chiến dịch chiếm Miền Nam năm 1975, và đoàn quân của Trà tiến vào Sài Gòn đầu tiên. Trần Văn Trà sau đó giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn.

 

Trở lại với biến cố đau thương của dân tộc 30-4-1975, trong khi tại nhiều địa phương cũng như một số đơn vị của quân đội Việt Nam Cộng Hòa tuân lệnh viên bại tướng Dương Văn Minh buông súng và tự động rã ngũ, thì tại Miền Tây Nam Việt, trong vùng ảnh hưởng Phật Giáo Hòa Hảo, các đơn vị quân đội cũng như lực lượng của giáo phái này vẫn tiếp tục chiến đấu ngăn chặn bước tiến của Cộng Sản, kéo dài cho đến ngày 6-5-1975. Căn cứ địa đề kháng cuối cùng rơi vào tay Cộng Sản là Tây An Cổ Tự.

 

Tây An Cổ Tự là ngôi chùa cổ, nơi xuất phát nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tức Phật Giáo Hòa Hảo sau này tại làng Long Kiến, rạch Ông Chưởng, Long Xuyên.

 

Trong hồi ký của Trần Văn Trà, y đã phải dành tới gần mười trang để ghi lại cuộc chống cự quyết liệt của các chiến sĩ thuộc lực lượng giáo phái này:

 

— “Còn ở Tây An Cổ Tự. Chúng đã âm mưu từ trước nếu khi các nơi bị ta đánh chiếm, giải phóng thì chúng liền qui tụ về “Thánh địa” và về đây. Khi “Thánh địa” bị mất nữa thì chúng coi đây là nơi cố thủ cuối cùng. Ước lượng số quân ngụy dồn về đây có tới 14 ngàn tên võ trang đầy đủ. Ngoài ra không biết bao nhiêu là tàu chở vũ khí, trang bị, lương thực… đậu đầy dưới sông. Khu chùa quá hẹp không đủ đất, đủ nước để chứa nữa. Chúng vội vã tổ chức “tử thủ”.

 

Con số mà Trà ghi nhận là 14 ngàn người võ trang cũng đủ chứng minh khả năng qui tụ nhân sự của một tổ chức không phải là chính quyền, tự mình huy động tiềm lực của mình như Phật Giáo Hòa Hảo.

 

Trong khi đó tại Thánh Địa Hòa Hảo tình hình khẩn trương. Trà đã cho biết ngay trong ngày 1-5-1975, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa tại các địa phương thuộc tỉnh Châu Đốc đã qui tụ về đây: có trên một vạn quân bố trí thành trận địa”. Phía cộng quân đương đầu thì lại quá yếu.

 

— “Bộ đội địa phương của tỉnh (Châu Đốc) tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 cùng bộ đội huyện tiến xuống “Thánh Địa” theo hai mũi: bờ đông sông Tiền và bờ đông sông Hậu. Khi tiểu đoàn 2 tiến đến gần Kinh Xáng, An Long định vượt sông Cù Lao Tây thì bị bắn ngăn chặn quyết liệt. Ta lại không đủ phương tiện sang sông.”

 

Người cầm đầu mặt trận Cù Lao Tây (gồm ba xã Tân Huề, Tân Quới, Tân Long) đối diện Thánh Địa Hòa Hảo, theo những vị lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo hải ngoại cho biết là ông N.G.S vừa mới tới Hoa Kỳ. Theo ông S. thì trận đánh này, các du kích Cộng Sản chạy như vịt.

 

Nhưng rồi theo sự tường thuật trong hồi ký của Trần Văn Trà thì lực lượng nơi Thánh Địa đã phải buông súng vì Cộng Sản đã dùng thủ đoạn bá đạo là lùa dân đi trước làm bia đỡ đạn, và một mặt cử người gặp cụ Lương Trọng Tường để thuyết phục. Cuộc kháng cự ở Thánh Địa Hòa Hảo thực sự chấm dứt lúc 17 giờ ngày 2-5-1975 theo lời ghi của Trà.

Tính ra Cộng Sản đã phải mất thêm bốn ngày sau khi chiếm được Thánh Địa mới giải quyết được cứ điểm chót này. Tại sao lại phải mất tới bốn ngày? Có lẽ Cộng Sản đã e ngại trước sự đề kháng quyết liệt của lực lượng tử thủ nơi đây, quá hùng hậu theo như tài liệu của Trà tiết lộ. Hơn nữa, vào lúc đó, thực lực của Cộng quân tại Miền Tây quá yếu, chưa kịp và chưa đủ tập trung để giải quyết.

 

Sự đầu hàng đột ngột của Dương Văn Minh ngày 30-4-1975 và cái chết hào hùng của Tướng Nguyễn Khoa Nam cùng ngày cũng không kịp cho Giáo phái Hòa Hảo thời gian tối thiểu cần thiết để củng cố hàng ngũ lãnh đạo và tập trung khả năng quân sự để đương đầu lại Cộng Sản. Cần Thơ thì bỏ ngỏ ngay từ chiều 30-4-1975, Cộng Sản không có đủ người để tiếp thu, nói chi đến tấn công với bao vây, chiếm cứ.

 

Hiện tượng tan rã tại Tây An Cổ Tự có thể cũng tương tự như tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang…trước đó không lâu. Thế nhưng , những chiến sĩ Hòa Hảo thuộc cứ điểm đề kháng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa đã ở trong một hoàn cảnh tuyệt vọng và bất ngờ vì tất cả lãnh thổ của chúng ta đã rơi vào tay địch. Những người lãnh đạo Giáo phái Hòa Hảo lại đã rơi vào tay địch. Các chiến sĩ Hòa Hảo ở Tây An Cổ Tự thực sự đang ở tuyệt lộ nên việc buông súng của họ là điều bắt buộc phải xảy ra, khác hẳn với sự bỏ chạy hỗn loạn của những đơn vị tác chiến của Việt Nam Cộng Hòa tại Vùng 1 và Vùng 2, một sự bỏ chạy không có lý do để bào chữa, bởi lẽ lúc đó, sau lưng họ còn có cả một quân lực, một chính quyền hợp pháp, và hai quân khu 3 và 4 vẫn hoàn toàn sức lực (*)

 

Lực lượng Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo bị đánh phá như thế, cho nên khi biến cố 30-4-1975 xảy ra, tiềm năng kháng chiến của Miền Tây bị suy giảm trầm trọng. Các bộ đội Cộng Sản, với những đơn vị nhỏ mà thôi, cũng lần lượt làm chủ được tình hình. Cứ điểm cuối cùng rơi vào tay Cộng Sản là Tây An Cổ Tự tại xã Long Kiến, tỉnh An Giang, cũng chính là cứ điểm của Tổng Đoàn Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo.

 

Sau khi Dương Văn Minh nhơn danh Tổng Thống mới được trao quyền bởi Tổng Thống Trần Văn Hương, lên tiếng kêu gọi quân đội Việt Nam Cộng Hòa bỏ súng đầu hàng, tình thế khắp nơi rối loạn. Tại Miền Tây, phản ứng của giới quân đội khác nhau, có người bỏ quân ngũ mà trốn đi, có người tìm cách ra khơi tìm tàu di tản, một số nghĩ đến việc tiếp tục kháng chiến. Thành phần này tìm về quy tụ với tổ chức Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo, để hợp tác kháng chiến, cho nên khu vực Tây An Cổ Tự trong những ngày cuối tháng 4-1975 rất đông sĩ quan, binh sĩ kéo về; võ khí chuyển vận về đây cũng khá nhiều. Tuy nhiên không thể nào chận đứng được một tình huống tan rã tinh thần đang xảy ra, khi mà chưa có một lực lượng làm nồng cốt dựng lại tình thế. Nếu lực lượng Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo đã không bị chánh quyền Đệ nhị Cộng Hòa đánh phá, thì may ra lúc này có thể đóng vai trò nòng cốt đó để gây dựng lại một phong trào kháng chiến. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một giả thuyết thiếu thực tế, bởi vì một đại sự như vậy thường đòi hỏi một kế hoạch chuẩn bị và thời gian cần thiết để thực hiện những điểm căn bản của kế hoạch chuẩn bị.

 

Nói cách khác, nếu như chánh quyền đã nhìn thấy rằng cần phải bảo vệ Miền Tây dù cho đã mất Sài gòn, thì phải thiết lập một kế hoạch thích nghi chuẩn bị từ trước mà những điều cần yếu phải làm là gây tạo dự trữ tiếp liệu, thiết lập bộ máy nhân sự điều hành, chuẩn bị tâm lý quần chúng địa phương, và sẵn kế hoạch, chiến thuật ứng phó quân sự để bảo vệ Miền Tây.

 

Những chuẩn bị này đã không hề được chánh quyền nghĩ tới, trái lại chánh quyền còn đánh phá tiềm lực đề kháng của quần chúng. Cho nên biến cố 30-4-1975 xảy ra, toàn thể bộ máy chánh quyền quân sự dân sự tan rã mau chóng, không một sức đề kháng nào đáng kể, đến nỗi hai vị Tướng Tư lịnh và Phó Tư lịnh vùng 4 chiến thuật là Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam và Thiếu tướng Lê Văn Hưng đành phải tự vận trong tình huống tuyệt vọng đó.

 

Nhận xét sau đây có thể xem là xác đáng đối với giả thuyết bảo vệ Miền Tây:

 

“Để kết thúc bài này, chúng tôi xin ghi lại buổi nói chuyện với một sĩ quan cao cấp gốc Phật Giáo Hòa Hảo đang có mặt tại Hoa Kỳ. Khi được hỏi rằng: “Nếu Phật Giáo Hòa Hảo được giao nhiệm vụ cố thủ Miền Tây, liệu có làm được không?”, vị này đã phân tích rằng:

 

“Nếu sau khi ký Hiệp định Paris 1973, mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn nghĩ đến đại cuộc, thì đã phải trù liệu kế hoạch bảo vệ Miền Nam, với sự tham gia của toàn dân, như kiểu một Hội Nghị Diên Hồng ứng phó quốc biến. Phần Phật Giáo Hòa Hảo, nếu tiềm lực quần chúng hai triệu người được tổ chức và chuẩn bị như một tiềm lực đấu tranh chung của dân tộc, nghĩa là không phải khoán trắng cho Phật Giáo Hòa Hảo, mà là phối hợp giữa phương tiện, nhân sự của chánh quyền với tiềm lực địa phương của Phật Giáo Hòa Hảo, chắc chắn chúng ta đã đủ sức bảo vệ Miền Tây, để làm bàn đạp phản công sau này, hay ít ra cũng giữ được yếu tố quan trọng trong bàn Hội nghị Quốc tế về Việt Nam. Ngược lại, nếu cận kề ngày 30-4-1975 mới dồn về Tây An Cổ Tự hay Thánh Địa Hòa Hảo mà không có kế hoạch chuẩn bị thì không thể nào giữ được hai cứ điểm này, chứ đừng nói đến việc bảo vệ cả Miền Tây. Tuy nhiên ngày nay, thời gian đã chứng minh tiềm lực quần chúng đó vẫn là một sức mạnh mà Cộng Sản không thể làm tan rã được.” (*)

 

Sau khi cứ điểm cuối cùng Tây An Cổ Tự đã bị các đơn vị Cộng Sản tiếp thu, một số đơn vị võ trang của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo phân tán mỏng kéo vào trong bưng biền và vùng núi Thất Sơn tiếp tục kháng chiến.

 

Theo một sĩ quan Phật Giáo Hòa Hảo vượt biên sang Hoa Kỳ năm 1985 thì tại Thánh Địa Hòa Hảo có một phiên họp khẩn cấp sáng ngày 1-5-1975, dưới quyền chủ tọa của Thiếu tướng Lâm Thành Nguyên và ông Phan Bá Cầm Tổng Bí thơ Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng với một số cán bộ quân sự chính trị của Phật Giáo Hòa Hảo để thảo luận về tình hình đang diễn tiến rất khẩn trương, và tìm các biện pháp ứng phó. Sau đây là phần trích ra từ bản báo cáo:

 

“Hội Nghị diễn ra trong bầu không khí khẩn trương cực độ. Cán bộ quân chánh từ nhiều tỉnh về họp, ai cũng cảm thấy tình hình bước vào giai đoạn nguy hiểm. Tin tức từ các nơi báo cáo về sự rã ngũ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa làm cho mọi người có ý nghĩ rằng Cộng Sản sẽ đến Thánh Địa một ngày rất gần.

 

Không ai muốn máu đổ tại đất Thánh, cho nên sau khi đã phân tích và lượng giá tình hình, hội nghị lấy quyết định rút các lực lượng võ trang ra khỏi Thánh Địa, bỏ ngỏ làng Hòa Hảo, những đơn vị võ trang phân tán mỏng về các vùng, do chính các vị chỉ huy tự quyết định. Nói chung ai cũng nhận thấy rằng, vì thiếu kế hoạch chuẩn bị trước, không thể tạo dựng lực lượng kháng chiến trong tình hình hỗn loạn đó…” (*)

Trở Về 

Tìm Kiếm