Lê Việt Thường

IMG.625

   

LUẬN BÀN MINH TRIẾT & MINH TRIẾT VIỆT

                                                                                                     (Bài Một)

NGẢ RẼ” GIỮA TRIẾT ĐÔNG & TRIẾT TÂY

ING.616Vừa đọc xong tác phẩm của Hoàng Ngọc Hiến có tựa đề “Luận Bàn Minh Triết & Minh triết VIỆT(1), thú thật chúng tôi rất thất vọng vì những lý do sẽ được lần lượt trình bày trong các bài viết kế tiếp. Ở đây, bài viết chỉ giới hạn vấn đề ở lý do đầu tiên liên quan đến chính nội dung và đề tài của cuốn sách, mà sau khi đọc xong, chúng tôi có thể nói ra ngay rằng tác giả có lẽ không đạt được mục tiêu mong muốn: tuy tác giả có tham vọng “luận bàn về Minh Triết và Minh Triết VIỆT” nhưng lại có vẻ không nắm vững Ý Nghĩa thực sự và chính yếu của Minh Triết, trái lại ‘lan man’ trong các ý nghĩa tùy phụ của nó mà kết quả là đưa đến một sự lẫn lộn đáng tiếc giữa Minh Triết với luân lý, đạo đức, tôn giáo….là những lãnh vực mà nội dung ban đầu có thể có nguồn gốc từ Minh Triết nhưng với thời gian thường bị biến thiên đi mà kết quả là chỉ còn sót lại trong lãnh vực liên hệ một hình thức “Sa Đọa” nào đó của MINH TRIẾT viết hoa. Nhất là lối tiếp cận nêu trên còn khiến tác giả LẪN LỘN Minh Triết với lãnh vực Lương Tri Công Cảm thông thường (common sense, bon sens).

Muốn hiểu lý do tại sao thường xảy ra hiện tượng Hiểu Lầm, Lẫn Lộn nêu trên, có lẽ cần phải duyệt sơ qua lịch sử Tư Tưởng Đông Tây liên quan đến vấn đề nêu trên, cũng như tại sao trong khi với viễn kiến của một nhà Tư Tưởng lớn, Cố Triết Gia Kim Định từ cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960 tức cách đây hơn nửa thế kỷ, đã  đề cập đến Minh Triết với những lãnh vực liên hệ vừa nêu trên, thì giới Trí Thức Tây Phương chỉ mới thực sự bắt đẩu chú ý đến vấn đề này từ khoảng hơn một thập niên nay mà thôi, nhưng với một nhu cầu càng ngày có vẻ càng Khẩn Trương qua sự gia tăng với mức độ “Siêu Tốc” số lượng các Links bàn về đề tài Minh Triết trên Internet.

Về vấn đề KHỦNG HOẢNG của nền Văn Hóa Tây Phương, từ lâu chỉ có một thiểu số rất nhỏ những Đại Tư Tưởng gia, những nhà Văn Hóa, Triết Gia lớn bàn đến mà thôi. Còn phần đông các Trí Thức hạng trung bình tại Tây Phương cũng như tại các nước nhược tiểu thì chỉ thấy khía cạnh Tích Cực của Văn Minh Tây Phương mà thôi. Nhưng có lẽ gần đây qua các dấu hiệu Suy Thoái của chính nền Văn Minh Tây Phương càng ngày càng trở nên rõ rệt ở mọi địa hạt với những nguy cơ, hậu quả khôn lường đối với Tương Lai và sự Sống Còn của Trái Đất và Nhân Loại, kèm với sự “Bùng Nổ” của các phương tiện truyền thông như Internet, thì đó có thể là một trong nhiều lý do khiến cho Ý Thức về Khủng Hoảng của nền Văn Hóa Tây Phương trước kia chỉ giới hạn ở thượng tầng của những nhà Đại Trí Thức thì nay đã bắt đầu lan rộng tới tầng lớp các Trí Thức cỡ trung bình kèm theo với Nhu Cầu đi tìm các phương sách Cứu Chữa mà một nguồn chính yếu là nền MINH TRIẾT Truyền Thống của Nhân Loại Đông cũng như Tây.

Số ít các nhà Tư Tưởng lớn có ý thức thực sâu sắc về tình trạng Khủng Hoảng của nền Văn Hóa Tây Phương là ba Triết Gia thuộc khuynh hướng “Truyền Thống” (từ ngữ của Cố Triết Gia Kim Định): Nietzsche, Jaspers, Heideiger.

“Nietzsche cho rằng Hồn sâu xa của Hy Lạp chịu ảnh hưởng của Đông Phương huyền bí nên cũng có một dòng Huyền Niệm đi liền với môt dòng Tư Duy Sáng Sủa. Huyền Niệm tương trưng bằng Thần DIONYSOS…..Còn Thần APOLLON có tên là Sáng Láng, thần của yến hào quang, của hình thức với những đường cong rõ rệt….. Theo Nietzsche, “cái Hồn ấy bị Socrates bóp chết bằng tuyên dương LÝ TRÍ: lấy ‎Ý Thức sáng sủa minh nhiên mà xua đuổi năng lực ẩn tàng….. nên Socrates chỉ biết phê bình mà không hề kiến thiết và ông thiếu hẳn óc huyền niệm bởi năng khiếu biện l‎ý đã được vun tưới đến mức phát phì nên ông đã cắt đứt với dòng Truyền Thống”(2)

Mặt khác, so sánh thời Trục (= période axiale) tức là quãng từ năm 800 đến 200 năm trước Kỷ Nguyên, và thời Hiện Đại, Jaspers có nhận xét như sau: “Thời Trục là thời giàu về Tinh Thần đến tột bực, còn thời ta  tuy có những phát minh về máy móc lớn hơn những phát minh Thời Trục, nhưng về mặt Tinh Thần không gì có thể so sánh được với những suy tư của một Khổng, một Lão, một Thích Ca”……Ông hô hào phải trở lại những giá trị Thời Trục (reprendre les valeurs de l’Axe) là thời đã đặt nổi giá trị Truyền Thống mà ông cho là phương thuốc duy nhất để đoàn tụ Nhân Loại” (3)

Heidegger là Triết Gia thứ ba “tiếp tục con đường Truyền Thống bằng một phương pháp đặc thù, đó là một thứ Ngôn Ngữ học do ông sáng chế lấy để tìm cho ra nghĩa uyên nguyên khi vừa mới xuất từ miệng các nhà Hiền Triết Hy Lạp….. Và đây là then chốt Triết L‎ý của ông. Heidegger cho rằng nền móng siêu hình cổ điển đã sai lạc vì hiểu chữ Tính Thể thấp hẳn xuống một độ tức độ Hiện Tượng của sự vật thường nghiệm. Do đó thay vì Être (Sein) hiểu là Tính Thể U Linh, thì Triết Học Cổ Điẻn làm đốc ra nghĩa Hữu Thể một thứ Vật Thể…..chỉ có “Da” Hiện Tượng mà Không có “Sein” Siêu Linh thuộc Tính Thể”. Đó là l‎‎ý do Heidegger thường gọi Triết Cổ Điển là Thiếu Căn Cơ, thiếu “Grund” (= Nền Tảng) hoặc“đánh mất “ NÉT GẤP ĐÔI.(4)

Tóm lại, vì những lý do mà ba Triết Gia lớn nhất của Tây Phương cận đại : Nietzsche, Jaspers, Heidegger vừa nêu lên ở phần trên, Văn Hóa Tây Phương nói chung và Triết Tây Phương nói riêng gặp phải vấn đề, tức vì những Sai Lầm của các Tổ Sư : Socrates, Plato, Aristotle mà Triết Cổ Điển Tây Phương đã trở thành DUY LÝ khiến bị chặt đứt với Truyền Thống Tâm Linh, tức nguồn MINH TRIẾT Uyên Nguyên của Nhân Loại.

Đây chính là “Khúc Rẽ” tối quan trọng khiến sau đó, hai nền Văn Hóa cũng như Triết Học Đông – Tây đi theo hai con đường hoàn toàn khác nhau. Bên Viễn Đông, khác với những gì xảy ra bên Tây Phương, Truyền Thống Tâm Linh vẫn tiếp tục,do đó sau cũng như trước Khổng Tử, Nho Giáo vẫn là một ĐẠO SỐNG. Và Nho Giáo thực sự Chính Truyền, tuy trở thành Triết L‎ý cả “Triết Học” nữa vì nhu cầu Phổ Biến và Tổng Hợp, nhưng nhờ không đánh mất mối liên hệ thâm sâu với MINH TRIẾT Uyên Nguyên, mà nét đặc trưng là VÔ Ý, tức không “thiên vị” với một chủ trương, phe nhóm nào cả, nên vốn là một Nghệ Thuật Sống Uyển Chuyển, do đó vẫn giữ được Khả Năng HƯỚNG DẪN Đời Sống trên nhiều ngàn năm.

Trái lại, bên Tây Phương, sau “Khúc Rẽ” trên, Triết Học đã tách rời khỏi Minh Triết, để trở thành DUY LÝ, dưới hình thức một Tri Thức luận, một lãnh vực Chuyên Môn, nên không có ảnh hưởng gì nhiều trên Đời Sống: lý do là SỐNG có tính cách Toàn Diện chứ không chỉ giới hạn nơi Lý Trí (Duy Lý), vì Sống đòi hỏi không chỉ có Suy Tư mà còn biết Cảm Xúc cũng như cả Hành Động tiến tới Hiện Thực nữa.

Bên Đông Phương, Minh Triết vẫn tiếp tục đảm bảo vai trò Dẫn Dắt đời sống. Trái lại ở Tây Phương, sau khi tách rởi khỏi Minh Triết, Triết Học không còn đóng nổi vai trò “hướng đạo” này nữa. Mà con người vẫn cần phải sống, cần phải được “dẫn dắt” nhưng vì thiếu Minh Triết nên người ta phải tạm “xài đỡ” Lương Tri Công Cảm (common sense, bon sens). Và đó là nguyên nhân cũng như khởi đầu của tình trạng Hiểu Lầm, Lẫn Lộn giữa Minh Triết, Triết Học, Lương Tri Công Cảm và nhiều thứ khác nữa…..

Trước khi thử tìm hiểu và phân tích tình trạng “Lộn Xộn” nêu trên  áp dụng vào chính tác phẩm “Luận Bàn Minh Triết& Minh Triết VIỆT” của Hoàng Ngọc Hiến, chúng tôi xin mạn phép đề cập đến đoạn văn sau đây của Cố Triết Gia Kim Định bàn về Minh Triết, mà HNH có trích dẫn trong cuốn sách của  mình.

Theo Cố Triết Gia Kim Định, MINH TRIẾT (Wisdom, Sagesse) bên Đông Phương cách chung, và Viễn Đông cách riêng, chỉ sự Khôn Sáng của các bậc Thánh Hiền đã được kết tinh vào những câu Triết Ngôn thuộc Truyền Thống Tinh Thần. Các Ngài là những vị Siêu Quần Bạt Chúng đã tới cái Biết Trí Tri Thể Nghiệm.(5) Và sau đây là phần trích dẫn của HNH về vấn đề nêu trên:

“Tư duy triết lý phương Đông mang những đặc điểm của tư duy minh triết mà những nét tiêu biểu nhất là :

– “lấy cứu cánh con người làm trọng tâm suy nghĩ, lấy sự thực hiện đến rốt ráo cái tính bản nhiên con người làm mục tiêu (tận kỳ tính) réaliser l’humanité] (xem tr.3)

– những lời huấn đức minh triết được trình bày ‘tuy vắn tắt kiểu châm ngôn nhưng có hiệu lực muôn đời như Pyhagore, Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca…vvv…(H.N.H. tô đậm) (xem tr.2)

– những nhà hiền triết”lo sống cái minh triết hơn là nghĩ đến viết ra sách vở (H.N.H. tô đậm)” (xem tr.2); họ cố gắng hiện thực minh triết không phải ngoài cõi nhân sinh mà ngay trong đời sống, trong lối cư xử, trong cử chỉ”.

– phương pháp của tư duy minh triết là thể nghiệm, trực giác, không dùng đến lý luận phân tích (H.N.H. tô đậm) lý chứng, luận bàn (xem tr. 3), đương nhiên là không xây hệ thống…..

– trong khi minh triết “được giấu vào trong cử chỉ, thể hiện vào đời sống và cả trong sự im lặng …” thì những hệ thống triết học “kiểu nhà trường” được quăng ra, nằm “chình ình bên cạnh đời sống”.(6)

Tóm lại, theo Cố Triết Gia, MINH TRIẾT bắt nguồn từ Kinh Nghiệm Tâm Linh của các bậc Thánh Hiền thời xưa mà ba Vị nổi bật nhất bên Viễn Đông là Khổng, Lão, Phật. Bằng các phương pháp tư duy như Thề Nghiệm, Trực Giác, các Vị này đã đạt tới đợt “Trí Tri”-“Cách Vật”. Các Ngài nhấn mạnh đến Sống hơn Biết (tức lối biết theo kiểu Tri Thức luận của Triết Tây Phương) và áp dụng Minh Triết vào chính trong Đời Sống. Phương pháp giảng dạy của các Ngài là bằng các câu Triết Ngôn tuy vắn tắt nhưng có hiệu lực muôn đời.

Ngoài ra,có lẽ cần nói thêm ở đây là để có thể tiếp cận theo cung cách của Minh Triết hay Đạo Học đòi hỏi phải có tính Toàn Diện: lý thuyết sách vở suông tự chúng không đủ mà còn cần kèm theo với Sách Vở là các phương pháp Tu Tập nữa : riêng với Nho Giáo, tuy là Triết Lý, nhưng trước đây được truyền bá rộng rãi như một Tôn Giáo. L‎‎ý do có lẽ là nhờ xử dụng một lối diễn giảng Triết Lý không chỉ bằng LỜI [Danh Chỉ Thị (parole indicative)], mà còn qua Lễ Nhạc, bằng dáng điệu, bằng hành vi, bằng cử chỉ, bằng hát và vũ…mà khoa Tâm L‎ý học ngày nay gọi chung tên là “Body Language. Tuy ngày nay bầu khí Lễ Nhạc không còn nữa , nhưng ta có thể thay thế Lễ Nhạc bằng Thiền là một phương pháp Tu Dưỡng không còn giới hạn nơi Phật Giáo nữa.

Áp dụng vào Tam Giáo hay một Giáo thuyết tương tự, cần phải hội đủ các điều kiện tối thiểu nêu trên mới hy vọng có cơ may lãnh hội được một chút gì của Minh Triết hay Đạo Học. Riêng với Nho Giáo, nhờ công trình Tổng Hợp “Đông-Tây, Kim- Cổ, Đạo- Đời” của Cố Triết Gia Kim Định được kết tụ trong Chủ Thuyết AN VIVIỆT NHO, thì đối với người theo học, cơ may lãnh hội về Minh Triết lớn hơn nhiều so với trường hợp bình thường.

Do đó, lối tiếp cận được áp dụng thông thường ngày nay trong tư cách một nhà Nghiên Cứu thuần túy phải được hiểu như chỉ là BƯỚC KHỞI ĐẦU trong hành trình dài của chương trình HỌC trong quan niệm của Nho Giáo qua câu triết ngôn sau đây của Khổng Tử: “Tri chi giả bất như hiếu chi, hiếu chi giả bất như lạc chi” tạm dịch “Biết (tri) Đạo suông chưa bằng ưa thích (hiếu). Ưa thích chưa bằng Vui Say (lạc)

Về lối học thứ nhất “Tri Chi”, Cố Triết Gia phát biểu như sau: “Lối học….chạy theo vòng ngoài. Cơ năng là lý trí (duy trí). Hậu quả là tri thức, học vấn suông ….của bất cứ ý hệ nào, cuối cùng nó sẽ dẫn tới chỗ chán ngấy. Đó là Triết Học”. Đó chính là lối học của đại đa số trí thức ngày nay, học theo lối “Tri Thức luận” của Triết Tây thì làm sao mà “nắm bắt” được tất cả cái thâm thúy của Minh Triết!

Về lối học thứ hai “Hiếu Chi”, Ngài viết: “ Lối học thứ hai từ Dụng quy hướng vào Thể. Cơ năng là ý, tình, chí. Công hiệu là Hiếu. Đây là cái học triết lý mà chúng ta đang cố gắng theo “thiện ngôn đạo giả, do dụng dĩ đắc thế“….. nói theo Trung Dung là tự Minh tới Thành, tức là cái học nhân sinh, chưa thể lấy Tính thể đã nhận thức ra được làm trung tâm mà mới chỉ có tính tình như một khái niệm (chưa thể nghiệm) nên chưa đủ gây Lạc, còn phải lấy hành vi, cử chỉ, ngôn từ của Thánh Hiền làm cơ sở, làm tài liệu tham khảo…. Tuy vậy trong đám học đó không phải không có người tiến bộ,….. ít ra….. cũng đem lại cho người học một nho phong sĩ khí, đủ làm cho dân chúng tín nhiệm.

Về lối học thứ ba “Lạc Chi”, Ngài viết: “ Lối học cao nhất tự Thể tỏa chiếu ra Dụng. Cơ năng là Tâm. Công hiệu là Lạc. Đây là cái học của các Hiền Triết lúc đã đầy kinh nghiệm bản thân. Có thể gọi là Minh Triết….. Đó là cái học tôn đức tính đứng ở hàng đầu, nó đi liền với tập “học nhi thời tập chi bất diệc lạc hồ“: cái học mà có tập luyện đi kèm thì không gì vui hơn. Cái học có Lạc này tất phải đặt bên trên cái học chỉ có hiếu, hay có học tri thức suông…..là cái học rất khó tìm. Nhưng chỉ có cái học đó mới gây nên được Lạc. Vì đó là cái học “tế thiên nhơn“, cái học đã đạt đến Thống Nhất sâu thẳm bao trùm cả đất trời người lại một mối”.(7)

Nhờ móc nối được với Truyền Thống Tâm Linh của Tiên Tổ Lạc Việt để làm thành nền “Nhân Bản Tâm Linh“ còn có tên là NHÂN CHỦ của Việt Nho, , nhờ đó nắm giữ được Cơ Cấu TAM TÀI, theo tinh thần của câu thơ triết lý sau đây của Nho Sĩ Trần Cao Vân “Ta cùng Trời Đất BA Ngôi sánh“ , mà bước kế tiếp là tìm ra Đường Hướng NHÂN SINH, Triết AN VI đem lại cho Đời Hương Vị Trung Thực, cũng gọi là Sinh Thú, mới gây nên một luồng Sáng, Nóng như cột LỬA dẫn đường cho đám dân lạc lõng trong rừng đầy nguy hiểm, nên khát khao được hướng dẫn, mong chờ ngọn Đuốc Thiêng soi đường ĐẠO, chiếu sáng vào những vấn đề lớn lao thuộc Cứu Cánh NHÂN SINH Toàn Diện”. (8) Quả đúng là “Ba Sinh Hương Lửa”! Mà hệ quả là TRIẾTđã đạt được trình độ “Nhật Nguyệt Phối Hợp“ để làm nên chữ“ MINH“ (gộp với chữ “TRIẾT“ để thành MINH TRIẾT) chiếu tỏa ánh hào quang huy hoàng vào bốn cõi.

Tóm lại, bên Viễn Đông, ít ra với Nho giáo có một sự tiếp nối liên tục trong đại cương không bị đứt đoạn trong Lịch Sử Tư Tưởng từ nội dung MINH TRIẾT của Tiên Hiền Bách Việt được Khổng Tử công thức hóa thành Vương Nho ở thời nhà Chu, sau đó được tiếp nối dưới hình thức TRIẾT LÝ với Mạnh Tử, Tuân Tử… ở thời Chiến Quốc, rồi Vương Dương Minh, Chu Hy… ở thời nhà Tống. Và bước qua thời mới, được kế tục dưới hình thức TRIẾT HỌC ở bên Tàu với Hồ Thích và Phùng Hữu Lan và ở bên Việt với Cố Triết Gia Kim Định. Ít nhất với An ViViệt Nho việc kế thừa không bị đứt đoạn vì luôn luôn được móc nối với Minh Triết của Tổ Tiên Bách Việt qua trung gian của Vương Nho của Khổng Tử.

Có thể nói đây là con đường Vương Giả hiếm có của MINH TRIẾT VIỆT vì số phận của Minh Triết ở những nơi khác không luôn luôn được tươi sáng tốt đẹp như vậy. Đó có lẽ là lý do khiến Hoàng Ngọc Hiến trong tác phẩm nêu trên, trích dẫn François Jullien, một giáo sư Triết Học gốc Pháp với những dòng đầy Bi Quan sau đây đối với Minh Triết nói chung:

“Không ít triết gia phương Tây xem minh triết là bà con nghèo của triết học. Minh triết bị lép vế, không có sức chứng minh của tri thức khoa học, triết học, cũng không có sự linh diệu thần khải của tín điều tôn giáo. So với tư duy triết học có những bay bổng mê hồn thì những lời bàn của minh triết xem ra tẻ nhạt, iu xìu, ngán ngẫm, tủn mủn, không có góc cạnh.”Minh triết – Wittenstein, một triết gia Anh gốc Áo (1889-1951) viết – là cái gì đó nguội lạnh và do đó lẩn thẩn. Cũng có thể nói như thế này: minh triết chỉ che đậy cuộc sống, làm cho ta không thấy được nó. Minh triết giống như tro xám, nguội lạnh phủ trên than hồng”. Sự phát triển lịch sử làm nổi bật một ưu thế lớn của triết học: triết học có lịch sử, nhiều lịch sử, nhưng chưa bao giờ có lịch sử minh triết (chỉ có lịch sử tư tưởng của một bậc minh triết). Với sự phát triển của triết học phương Tây hiện đại, dưới con mắt của nhiều triết gia phương Tây, minh triết trở thành cái gì đó dưới-triết học, Theo quan niệm của nhà triết học Pháp François Jullien, minh triết không “dưới” (sous-) “triết học” mà là “hạ tầng (infra-) của triết học”.(9)

Chúng ta có thể đặt câu hỏi ở đây là tại sao lại có sư Khác Biệt lớn lao như vậy giữa hai quan niệm Tây Phương và Việt Nho về Minh Triết. Như đã thấy ở trên, Tư Tưởng Tây Phương đã thực hiện một “Ngả Rẽ” với Socrates để trở thành DUY LÝ và tiếp tục cho tới khi Nietzsche khám phá ra “điểm hỏng” của Triết Cổ Điển và kêu gọi trở về với nền Minh Triết của Hy Lạp Tiền-Socrates. Nhưng không may cho Tây Phương là sách vở của Tiên Hiền Hy Lạp trước Socrates không còn lại bao nhiêu. Do đó phần lớn cái gọi là “minh triếtkhông thực sự là Minh Triết viết hoa như bên Đông Phương mà chỉ là chút gì còn sót lại của nền Minh Triết Tiền-Socrates. François Jullien cũng viết về vấn đề trên như sau:

“Châu Âu chỉ còn giữ lại được của minh triết những đống đổ nát hay đôi mảng lớn cô lập: Pyrrhon, Montaigne, các nhà khắc kỷ chủ nghĩa”. (10) Ngoài ra, vì bên Tây Phương,Triết Học thường xuất hiện dưới hình thức của những hệ thống tư tưởng trừu tượng với những vấn đề được đặt ra một cách giả tạo, xa rời thực tế, không ăn nhằm gì nhiều đến “nhân sinh thế đạo“, do đó nhằm đối lập với Triết Học, người ta thường cưỡng gọi là“ Minh Triết” những gì thực ra là Lương Tri Công Cảm (common sense, bon sens) lúc nào cũng có vẻ “khoẻ khắn” “ hầu có thể thay thế cho L‎ý Trí dễ bị mắc kẹt trong đời sống thường ngày, và cấp cứu trong lúc nguy cơ” (như trường hợp Thalès mãi mê “triết l‎ý” mà sơ ‎ý nên rớt xuống giếng được người giúp việc của ông cứu thoát). Nhưng vì Lương Tri (mà bên Tây Phương có khi tưởng lầm là “Minh Triết”) giúp giải quyết các vấn đề của thực tế hằng ngày đôi khi xuất hiện với dáng vẻ “nhàm chán”, do đó Minh Triết bị mang tiếng oan“là một thứ tro nguội lạnh, xám xịt, phủ lên lò lửa là sự sống”.

Vì Triết Học Tây Phương chưa xây được một nền NHÂN BẢN chân thực, có lẽ do đó mà người Tây Phương trong đời sống hằng ngày, tạm xài đỡ Lương Tri (mà như đã nói ở trên có người tưởng lầm là Minh Triết). “Nhưng lương tri chì là xử l‎ý thường vụ, không đủ năng lực tìm ra hướng cho đời sống l‎ý tưởng phổ biến. Thế mà có hướng thì sống mới đủ sung mãn và đi xa; nếu không và chỉ căn cứ vào những câu của lương tri thì là quanh quẩn, vá víu, tản mác với rất nhiều mâu thuẫn giằng co trong đời…..

Lương Tri cũng phần nào cảm thấy điều đó, cũng phần nào nó biết là mình bất lực, nên vẫn đặt hy vọng vào Triết L‎ý để tìm ra hướng sống. Và tuy biết hiện nay Triết Học còn quờ quạng như tứ phong thổi quẩn, nhưng vẫn nuôi hy vọng biết đâu có ngày lại không tìm ra CƠ CẤU Thời Gian chân thực để làm Kim Chỉ Nam……”.

Triết Học đáng lẽ phải có khả năng làm “nảy sinh ra đươc Tư Tưởng hướng đạo cuộc đời bao hàm cả NGOẠI lẫn NỘI”, nhưng hiện tại Triết TÂY chưa làm được công việc ấy.

Sau phần “Dẫn Nhập” ở trên của chúng tôi nhằm làm nổi bật những nét đặc trưng của MINH TRIẾT Viết Hoa đối với các địa hạt lân cận, nhất là lãnh vực Lương Tri Công Cảm (common sense, bon sens) cũng như bàn sơ qua các điều kiện tối thiểu cần phải có để mong có được một lối tiếp cập theo cung cách Minh Triết hay Đạo Học, KHÁC với lối tiếp cận kiểu ‘Tri Thức luận’ của đại đa số Trí Thức ngày nay, chúng tôi xin được trở lại với chính nội dung của cuốn sách “Luận Bàn Minh Triết và Minh Triết VIỆT” của Hoàng Ngọc Hiến.

HNH  mở đầu tiểu luận về Minh Triết của mình với hai tác giả: Ngô Thì Sĩ (1740-1786) và Kim Định (1914-1997). Về Ngô Thì Sĩ, HNH viết:

“ Ngô Thì Sĩ có phân biệt “đạo lý thánh hiền” và “đạo lý đời thường”: “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hóa lòng người”. Trên đại thể, minh triết là “đạo lý đời thường”. Đạo lý này có tính chất đời thường vì, cũng như tính Phật, nó có sẵn có ở mọi người. Nói một cách khác, ai cũng có thể có minh triết…..Đời thường còn có nghĩa là kinh nghiệm trong cuộc sống thường nhật. Trí khôn, trí tuệ, trí thức… của minh triết bao giờ cũng gắn với kinh nghiệm sống đời thường, nó vốn nảy sinh từ những kinh nghiệm này. Đây là một đặc tính quan trọng của minh triết…..” (11)

Chúng ta thử phân tích sau đây đoạn văn trên của tác giả. Câu “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời” áp dụng vào Đạo Đức, Luân Lý của một xã hội hay một tôn giáo thì có lẽ đúng hơn là với Minh Triết. Còn câu “minh triết là ‘đạo lý đời thường” thì có lẽ cần phải xét lại. Lập luận của HNH để hỗ trợ cho câu trên dựa trên 2 điểm:

a) ….. vì, cũng như tính Phật, nó có sẵn có ở mọi người…..ai cũng có thể có minh triết…

b) Trí khôn, trí tuệ, trí thức… của minh triết bao giờ cũng gắn với kinh nghiệm sống đời thường.

Về điểm thứ nhất, “minh triết là ‘đạo lý đời thường’ ” vì theo HNH, ai cũng có tính Phật và ai cũng có thể có Minh Triết. nhưng HNH  “quên” nói rõ ở đây là ở nơi người thường, tính Phật hay Minh Triết chỉ hiện hữu ở đợt Tiềm Năng, tức chỉ có một cách Tiềm Tàng mà thôi. Vậy nên, muốn Học Phật một cách Đúng Đắn, ta nên đến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp không phải với bất cứ người thường hoặc người phật từ nào mà là với một Vị Phật hoặc Bồ Tát. Về Minh Triết cũng vậy, ta cần tiếp cận một cách trực tiếp hoặc gián tiếp với một nhà Hiền Triết đã đạt tới đợt “Trí Tri” – “Cách Vật” chứ không phải bất cứ ai khác ! Lý do là tuy “trí khôn, trí tuệ, trí thức…của minh triết bao giờ cũng gắn với kinh nghiệm sống đời thường…”,(12) nhưng không phải bất cứ kinh nghiệm hay giá trị sống nào của đời thường cũng đạt tới được trình độ Minh Triết.

Ngoài ra, căn cứ trên phần lớn nội dung cuốn sách của tác giả như chẳng hạn với các câu định nghĩa sau đây về ‘Minh Triết” mà HNH “tự mình khẳng định”:

– Minh triết là biết sống tử tế và hẳn hoi

– Minh triết là một kho báu những kinh nghiệm đối nhân xử thế, “đắc nhân tâm”

– Người mà không có gì là kẻ không ra gì (Balzac)…vvv…(13)

thì theo thiển ý, các câu trên đây CHƯA đạt được trình độ MINH TRIẾT quá lắm thì mới tới đợt LƯƠNG TRI CÔNG CẢM (common sense, bon sens), có khi chưa đạt tới được cả đợt sau (tức Lương Tri Công Cảm) như câu “Minh triết là biết sống tử tế và hẳn hoi”.

Ngay với câu tuyên bố của tác giả về tham vọng đi “Tìm hiểu minh triết tam giáo trong văn hóa Việt Nam” với những vấn đề lớn như: “Một là “Về tư tưởng ‘phản thân’ (trở về bản thân mình) của đạo đức Khổng Mạnh và ‘tứ vô’ của Khổng Tử. Hai là “Từ tư tưởng ‘vô vi’ của Lão Tử đến tư tưởng ‘vô vi cư điện các’ của Pháp Thuận”. Ba là “Minh triết mười bốn điều Phật dạy không bao giờ cũ và tinh thần đổi mới truyền thống trong Phật giáo”…vvv…, (14) thì điều kiện Tiên Quyết là Phải THÀNH TÂM và áp dụng một lối Tiếp Cận tương tự lề lối mà chúng tôi thử gợi ý ở phần trên là theo “Cung Cách của MINH TRIẾT hay Đạo Học đòi hỏi phải có tính Toàn Diện: lý thuyết sách vở suông tự chúng không đủ mà còn cần kèm theo với Sách Vở là các phương pháp Tu Tập nữa” mà lối HỌC theo kiểu “Lạc Chi” của Nho Giáo chúng tôi vừa đề cập ở trên là một thí dụ Học nhi thời tập chi bất diệc lạc hồ“!

Nếu không thì cũng chỉ là một lối Tiếp Cận của một nhà Nghiên Cứu thông thường mà Hoàng Ngọc Hiến có vẻ đã áp dụng trong cuốn sách “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT” của mình. Như vậy có thể phát biểu ở đây rằng Minh Triết Đông Phương nói chung và Minh Triết VIỆT cách riêng đã bị giới Trí Thức Việt “Mất Gốc” “TRI THỨC LUẬN” hóa theo Đường Lối, Phương Pháp và Phạm Trù của Triết TÂY mất rồi!

Còn TỆ HẠI hơn nữa là cái gọi là “Minh Triết Mác-Xít” và nhất là “Minh Triết Hồ Chí Minh” thì đó quả là loại “Minh Triết” LỘN ĐẦU !!!

Lê Việt Thường

CHÚ THÍCH
(1) Hoàng Ngọc Hiến, “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT”, NXB Tri Thức, Hà Nội, VN, 2011
(2) Kim Định, “Triết Lý Giáo Dục III Truyền Thống”,http://vietnamvanhien.net/trietlygiaoduc.pdf
(3) Idem
(4) Idem
(5) Kim Định, “Những Dị Biệt Giữa Hai Nền Triết Lý Đông-Tây I Sứ mệnh Triết lý Đông phương 2. Nét Đac trưng của Hai Nền Triết Đông-Triết Tây”http://www.vietnamvanhien.org/nhungdibietgiuahainentrietlydongtay.pdf

(6) Hoàng Ngọc Hiến, Idem, tr.19-20

(7) Kim Định, “Tâm Tư”VII DU Ư NGHỆ 5. Học Như Nghệ Thuật ,http://vietnamvanhien.net/tamtu.pdf
(8) Kim Định, “Chữ Thời”, NXB Thanh Bình, SG, VN, 1967
(9) Hoàng Ngọc Hiến, Idem, tr.22-23
(10) F.Jullien, “Minh Triết Phương Ðông & Triết Học Phương Tây , NXB Ðà Nẵng,VN, 2003 , tr. 42 dịch từ “Un sage est sans idée ou l’autre de la philosophie”, Du Seuil, Pháp 02/1998, tr.26
(11) Hoàng Ngọc Hiến, Idem, tr.17-18
(12) Idem, tr.17
(13) Idem, tr.10
(14) Idem

Trở Về

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

 

 

Tìm Kiếm