Lê Việt Thường
LUẬN BÀN MINH TRIẾT & MINH TRIẾT VIỆT
(Bài Bốn)
CHỮ “HÒA” CỦA PHƯƠNG ĐÔNG & CHỮ “ĐỒNG” CỦA CSVN
Chúng tôi xin được trở lại với nội dung cuốn sách “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT” của tác giả Hoàng Ngọc Hiến.
Có một Tác Giả hiện đại khá nổi tiếng là François Jullien ( mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên liên quan đến một vài vấn đề) , cũng bàn về vấn đề MINH TRIẾT một cách khá đặc thù, ít nhất ở mặt hình thức.. Khác với phần đông những nhà Văn Hóa, Triết Học Tây Phương trước đây xem “những nền văn minh ngoài châu Âu là tuổi thơ ấu của văn minh phương Tây” hoặc như Deleuze cho rằng, “những nền văn minh ngoài phương Tây là những nền văn minh tiền Triết Học, còn văn minh phương Tây là văn minh Triết Học”,(1) ngoài ra Vị này cũng không bận tâm xem Minh Triết cao hơn Triết Học như các nhà Tư Tưởng tiền-Socrates hay Minh Triết thấp hơn Triết Học như một số trong giới Triết Học ngày nay, F.Jullien muốn nghiên cứu Minh Triết đứng từ vị trí của Triết Học và NGƯỢC LẠI.
Ngoài ra, F. Jullien quan niệm rằng nhằm cải tiến nền Nhân Bản Tây Phương, Minh Triết có thể giúp Triết Học bằng cách nhắc nhở về “những vấn đề mà Triết Học bỏ quên hay bỏ dở, ví dụ vấn đề thở, hoặc vấn đề hương vị của sự vật và cảm giác cũng là vấn đề mà phương Tây không để ý.“.(2)
Sở dĩ chúng tôi đề cập đến François Jullien ở đây là vì Hoàng Ngọc Hiến có vẻ chịu ảnh hưởng Tư Tưởng cũng như trích dẫn một số câu của Vị này, Tuy nhiên, điều có thể gây ngạc nhiên là khi François Jullien khuyên chúng ta rằng “Minh triết hiện nay phải khắc phục hai nhược điểm có từ xưa, một là không tư duy bằng khái niệm thì bây giờ Minh triết phải có khái niệm. Thứ hai là về chính trị không rõ ràng thì bây giờ phải rõ ràng đối với chính trị“.(3)
Về vế thứ nhất, ” là không tư duy bằng khái niệm thì bây giờ Minh triết phải có khái niệm“ thì chúng tôi đã bàn sơ qua ở phần trên rằng , Khái Niệm hóa là công việc của Triết Học, chứ không phải của Minh Triết! HNH cũng đưa ra một ý tưởng tương tự ý tưởng của F. Jullien khi đề cập đến “danh sách hàng trăm tiểu luận và công trình về minh triết ” thì ở đây, HNH nhấn mạnh đến khía cạnh “được giới thiệu nghiêm túc, có hệ thống , phân tích cặn kẽ”mà theo thiển ý đó là các đặc tính cần thiết cho lãnh vực Triết Học hơn là cho Minh Triết.
Bằng chứng là ở thời xa xưa của Nhân Loại bên Đông Phương cũng như Tây Phương ( trước Socrates), tuy về mặt Hình Thức, người ta không biết lý luận một cách “nghiêm túc, có hệ thống , phân tích cặn kẽ” như Triết Học sau này , nhưng ở thời xa xưa đó người ta lại Sống đúng với tinh thần Minh Triết hơn xa con người hôm nay!
Vậy nên, có lẽ nên phát biểu như thế này thì đúng hơn, rằng điều lầm lỡ của Triết TÂY trước đây là vì tự chặt đứt với suối nguồn Minh Triết Uyên Nguyên của Nhân Loại nên Triết Học bên trời Tây đã để lỡ mất cơ hội bàn về một số vấn đề tối hệ trọng đối với thân phận con người cũng như cứu cánh cuộc đời, do đó Triết Học hiện đại có bổn phận bổ túc sự thiếu sót đó bằng cách đề cập đến các đề tài nêu trên. Trong chiều hướng ấy, một mặt cố gắng móc nối với nguồn Minh Triết xa xưa, mặt khác Triết Học (chứ không phải Minh Triết) cần có được những Khái Niệm MỚI cho chính nhu cầu của Triết Học hầu xử dụng chúng để công thức hóa nội dung của Minh Triết.
Tuy nhiên, cần phải thật thận trọng trong công việc Khái Niệm hóa hầu tránh những lỗi lầm trước kia của Triết TÂY. Nếu Khái Niệm được hệ thống hóa cho sự học hỏi được dễ dàng nên chỉ là một phương tiện truyền bá nội dung sẵn có của nền Minh Triết thì đó có thể là điều tốt. Tuy nhiên, chúng ta nên dừng lại ở đây tức ở bình diện tổ chức tư tưởng giáo khoa (systématisation scolaire) mà thôi. Vì nếu mãi mê đến nỗi biến Khái Niệm được hệ thống hóa trong đồng văn trường ốc văn học thành Ý HỆ hay hệ thống Ý Niệm tức một thứ hệ thống HỮU THỂ (systématisation ontologique) nghĩa là lấy Ý NIỆM làm tất cả Thực Tại thì đó là điều gây ra tai họa vì đòi gói ghém tất cả Sự Vật,Trời-Đất-Người vào một số Ý Niệm khô đét, thì sẽ bị chúng che mắt không còn thấy gì bên ngoài, con người sẽ trở nên chấp nhất: đã hữu thì chỉ biết hữu, đã vô thì chỉ biết vô, do đó thiếu uyển chuyển(4). Và đó cũng là Nguyên Nhân gây ra sự THẤT BẠI của nền TRIẾT CỔ ĐIỂN trong việc xây dựng nền NHÂN BẢN Tây Phương ! Và chính F.Jullien cũng phải thú nhận rằng”Triết học cổ điển bị chính triết học xóa đi mất bởi đã bị tiêu tán từ lâu trong lý tính Âu Châu mà chính nó đã góp phấn tạo nên.(5).
Về vế thứ hai, ” là về chính trị không rõ ràng thì bây giờ phải rõ ràng đối với chính trị” F. Jullien lại còn kèm theo câu “bên trong là ngay thẳng nhưng bên ngoài đối với chính quyền thì mềm dẻo, từ mềm dẻo đi đến chỗ luồn cúi, không có lập trường“(6) hoặc, “Minh Triết thì phi chính trị“(7) , thì có lẽ cần phải xét lại các điều trên vì nội dung của các câu vừa trưng có vẻ Không được Nhất Quán lắm với câu định nghĩa về bậc Minh Triết của chính ông ta sau đây:
“Bậc MINH TRIẾT thì VÔ Ý bởi ông không giành ưu tiên cho ý nào hết…….giữ một mối quan hệ hoàn toàn mở đối với thế giới, ông có thể theo khít mọi sự khác nhau của nó và thích ứng với từng hoàn cảnh của nó“(8) vì câu này có vẻ cho rằng bậc Minh Triết KHÔNG có ĐỊNH KIẾN đối với mọi vấn đề, lãnh vực kể cả Chính Trị, và quyết định Hành Động hay Dấn Thân của Ông tùy thuộc vào các điều kiện của TÌNH THẾ, chứ có lẽ KHÔNG có nghĩa là không có Lập Trường.
Tuy nghiên cứu nhiều về Văn Hóa và Triết Học Viễn Đông, nhưng có lẽ F.Jullien vẫn còn quen với lối lý luật MỘT CHIỀU của Văn Hóa Tây Phương, cũng như chưa thực sự sống trong bầu khí Lễ Nhạc của Viễn Đông nên không hiểu rằng có hai loại Nho Sĩ: Tiểu Nhân Nho và Quân Tử Nho. Tuy dáng vẻ bên ngoài thì xem có vẻ mềm dẻo như nhau, Tiểu Nhân Nho có thể trở thành kẻ luồn cúi, nhưng Quân Tử Nho thì KHÔNG, có khi họ còn bị mất mạng dưới tay của các bạo chúa, hôn quân vì Đại Nghĩa NHÂN CHỦ nữa !
Còn câu tuyên bố của Jullien rằng “Minh Triết thì phi chính trị“ có thể đúng với Tây Phương, nhưng không đúng với Việt Nho là một nền Triết Lý Chính Trị “nhập cuộc” trên hơn hai ngàn năm, luôn được“móc nối” với Minh Triết.
Hơn nữa, Nho Giáo dựa trên Kinh Dịch chủ trương Thực Tại gồm hai “vòng”: vòng THÀNH bên ngoài biểu tượng cho thế giới Hiện Tượng đầy tính Mâu Thuẫn và vòng SINH bên trong biểu tượng cho thế giới Tâm Linh hướng về khía cạnh Bổ Túc và Hòa Hợp. Việt Nho hay Nho Giáo Chính Truyền chấp nhận tính HAI CHIỀU KÍCH của Thực Tại vừa Hiện Tượng vừa Tâm Linh, do đó bao gồm hai khía cạnh: Mâu Thuẫn ở vòng ngoài, nhưng Bổ Túc, Hòa Hợp ở vòng trong và trái với lời “cáo buộc“ của Jullien đối với nền Minh Triết Viễn Đông, Nho Giáo KHÔNG Né Tránh Mâu Thuẫn. Bằng chứng là MẠNH TỬ là một nhà Biện Luận tài ba chấp nhận Tranh Luận với các phe Đối Lập và chức GIÁN QUAN là thể chế độc đáo và lâu đời của Nho Giáo mà vai trò là CAN GIÁN những hành vi Sai Trái của Nhà Vua, tức vì Chân Lý Lẽ Phải, Vị Gián Quan TỰ đặt trong tư thế MÂU THUẪN với Nhà Vua (chứ không né tránh mâu thuẫn như F. Jullien “cáo buộc”). Định chế này có từ lâu đời bên Viễn Đông tỏ ra Hữu Hiệu đến nỗi nhiều Vị Gián Quan đã bị mất mạng vì đã làm trọn vẹn vai trò “ Can Gián” của mình!
Điều lạ lùng ở đây là một người Việt Nam và sinh sống tại Việt Nam ở một thế hệ giao thời giữa xã hội cổ truyền VN và xã hội mới mà HNH không nhận thức ra được điều vừa được trình bày ở trên, lại “hùa theo” F. Jullien bằng câu tuyên bố sau đây:
“Mặt khác, sự thức tỉnh của minh triết đòi hỏi sự tỉnh táo nhìn thẳng vào những mâu thuẫn của cuộc sống, và nhu cầu cân bằng hài hòa được đặt ra trong quá trình tích cực giải quyết mâu thuẫn. Với cái thói né tránh mâu thuẫn, chữ “hòa” của phương Đông không khéo trở thành dễ dãi và dớ dẩn, chỉ tạo ra những ảo tưởng về cân bằng, hài hòa, nhiều khi chữ “hòa” được đưa ra cốt để che đậy sự lười biếng của tư duy ngại mâu thuẫn, không có tinh thần tích cực giải quyết mâu thuẫn.(9)
Khi đọc các dòng trên, chỉ một thoáng ngạc nhiên thôi là chúng tôi hiểu ngay ra lý do tại sao lại có loại phát biểu như trên xuất phát từ phía Hoàng Ngọc Hiến. Chúng ta biết là trước năm 1975 tại Việt Nam và càng lần xa trở về trước thì nhận xét sau đây càng đúng với thực tế , và như đã nói ở trên, xã hội VN đang ở giai đoạn giao thời giữa xã hội cổ truyền và xã hội mới. Vì sinh sống tại Miền Nam VN trước năm 1975, nên những nhận xét của chúng tôi sau đây áp dụng trước tiên cho Miền Nam. Tuy đây là thời suy tàn của Nho Giáo (nên nhớ Tự Lực Văn Đoàn đại diện cho phe “theo Mới” hoạt động từ khoảng thập niên 1930), nhưng trong xã hội miền Nam vào thời kỳ này, vẫn “lát đát” những Nho Sĩ “cuối mùa” (có thêm Tây học hay không) mà nếu ai biết nhận xét, thì sẽ thấy về phương diện Nhân Cách. hình như họ có vẻ gì KHÁC với những người thường hoặc những Trí Thức chỉ có “Tây học” mà thôi ! Thường toát ra từ con người họ một thái độ sống có dáng vẻ hòa nhã quân bình ‘ung dung tự tại”,điểm thêm một chút “nho phong sĩ khí” còn sót lại của Tiền Nhân: tất cả các điều trên có thể được tóm tắt bằng một chữ HÒA, nhưng thực KHÁC xa với chữ “Hòa” của Hoàng Ngọc Hiến được chính đương sự diễn tả ở trên : “Với cái thói né tránh mâu thuẫn, chữ “hòa” của phương Đông không khéo trở thành dễ dãi và dớ dẩn…..”
Nên nhớ Nho Giáo không chỉ là một Đạo Tu Thân mà còn là một Đạo Xử Thế mà muốn Xử Thế thành công, mặc dầu mục tiêu nhắm tới là một chữ “Hòa” (thực sự chứ không phải “giả mạo” như nhan nhản hiện nay) nhưng ở đây chữ “Hòa” đi đôi với việc giải quyết các mâu thuẫn, chứ KHÔNG “né tránh mâu thuẫn” như HNH “cáo buộc”. Do đó, Nho Sĩ chính hiệu phải là người biết “đối nhân xử thế” chứ không phải người chỉ giỏi một ngành chuyên môn như Trí Thức ngày nay ! Nhờ vậy mà trước kia trong xã hội Việt, họ thường có Uy Tín trước tiên trong vòng Bà Con Láng Giềng để “phân xử” những lục đục bất hòa trong vòng Gia Tộc, trước khi được tiến cử dựa trên Uy Tín lên các cấp cao hơn như Làng Xã hoặc được tuyển chọn qua khoa Thi Cử để ra giúp Nước. Vậy nên trước năm 1975, trong nhiều trường hợp, một chút UY TÍN đó vẫn còn sót lại đối với các nhà Nho “cuối mùa” để “phân xử” những mối bất hòa mâu thuẫn ít nhất trong vòng Gia Tộc và tại xã hội Miền Nam VN.
Tình trạng có lẽ KHÁC tại Miền Bắc VN. Và có lẽ đó là lý do khiến HNH bắt chước F. Jullien, “cáo buộc” ” chữ “Hòa” của Phương Đông là “thói né tránh mâu thuẫn” chăng ?! Thật vậy, ngay ở mặt lý thuyết, Karl Marx “cho phép” ở giai đoạn trung gian trước khi tiến lên xã hội Cộng Sản, nhà cầm quyền áp dụng những phương tiện PHI DÂN CHỦ như ĐỘC TÀI Chuyên Chính Vô Sản.
Các xã hội CS triệt để khai thác khía cạnh này. Riêng Hồ Chí Minh lại còn cảm thấy có nhu cầu “lập công” đối với các “đàn anh” Staline và Mao Trạch Đông vì chỉ sợ “đàn anh” gắn cho cái nhãn “Hữu Khuynh” thì nguy to! Mà hậu quả là xảy ra vào khoảng thời gian 1953-1956, phong trào “Cải Cách Ruộng Đất” “đầy kinh hoàng ở miền Bắc Việt Nam…..thảm họa khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc, đã gây ra biết bao tàn phá đảo lộn ghê rợn, biết bao tang tóc, đau thương cho người dân lương thiện”.(10)
Và sau đó là vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm” (1956-1958) mà những người tham gia đã bị đưa đi “an trí”, được giao cho các chính quyền địa phương “quản thúc” như những tên “tù khổ sai” ,ngay đối với những người đã có công với “cách mạng” chiến đấu chống Pháp trong thời gian kháng chiến!
Hồ Chí Minh và Đảng áp dụng các biện pháp tàn bạo quyết liệt như vậy để bảo đảm không còn có báo chí đối lập mà chỉ còn có báo chí của Đảng, viết theo lệnh và đơn đặt hàng của Đảng CSVN.(11)
Vậy nên, sinh ra và lớn lên cũng như được hưởng các “đặc quyền đặc lợi” như thành phần được ưu đãi trong chế độ xã hội Cộng Sản miền Bắc, thì không lạ gì khi chúng ta thấy Hoàng Ngọc Hiến tỏ ra đồng ý với lời “cáo buộc” của F. Jullien rằng chữ “Hòa” của Phương Đông (hay đúng hơn chữ “Đồng” của CSVN) là “thói né tránh mâu thuẫn” !!! Mà mục tiêu có lẽ là để giữ các “đặc quyền đặc lợi” của giai cấp mình.
Thật vậy KHÁC với miền Nam VN nhờ có chút Tự Do nên trước năm 1975, vẫn còn bóng dáng những nhà Nho “cuối mùa” nơi họ còn phảng phất một chút “Nho Phong Sĩ Khí”, thì ở miền Bắc trong một xã hội Phi Nhân với những cảnh đời đầy nghiệt ngã, thì còn mấy người giữ được những Đức Tính của Tiền Nhân ?! Họa hoằn lắm mới có một người như nhà thơ Hữu Loan , một Sĩ Phu (chứ Không phải “sái phu”) đích thực, bất khuất, xứng đáng với danh hiệu “nhà thơ của Nhân Cách” “là người đi bộ ngược chiều. Chiều của dòng chảy thuần tính xã hội chủ nghĩa, chiều của a dua hay im lặng. Chiều của muôn vàn cái ác cái xấu nay đã trở thành bình thường và được nhiều người dửng dưng chấp nhận”!(12)
Đã vậy mà Hoàng Ngọc Hiến lại làm ra vẻ “ngạc nhiên” về tình trạng Đạo Đức tại Việt Nam và Trung Hoa như sau: “Đặc biệt thời gian gần đây, xuất phát từ nhận định hết sức tỉnh táo “có khoảng trống đạo đức”trong đời sống chính trị, những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà Nước Trung Quốc nêu cao chữ “hòa”…..(13)
Tuy nhiên, cái mà HNH gọi là “có khoảng trống đạo đức” đâu phải mới có đây, nó bắt đầu từ khi phong trào Cộng Sản xuất hiện tại Việt Nam và Trung Hoa. Thật vậy, Cộng Sản đi tới đâu thì “khoảng trống đạo đức” lan tới đó, vì cái thường được gọi là “đạo đức cách mạng” chỉ là loại ĐẠO ĐỨC GIẢ dựa trên Bạo Lực Sắt Máu và Tuyên Truyền Dối Trá !
Vậy nên không lạ gì khi thấy nhà cầm quyền CSVN đưa ra hết chiêu bài này đến chiều bài khác, “Cứ như là chiến dịch, đầy đủ các công cụ tuyên truyền ban ngành hỗ trợ, hao tài tốn của kéo dài lê thê trên cả nước…..”, hết “đạo đức Hồ Chí Minh” mà ai cũng biết đó là một kẻ nổi tiếng “nói một đường làm một nẻo”, đến “tư tưởng Hồ Chí Minh” trong khi lúc còn sống đương sự không dám nhận là mình có “tư tưởng” , rằng theo họ Hồ, về mặt Tư Tưởng, đáng kể chăng chỉ có “tư tường của hai bác Mao và Staline mà thôi”. Mà lý do như trong câu tuyên bố của đương sự tại đại hội 2 của đảng (1951), “Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Ðông thì không thể nào sai được” ! (14)
“Rồi mới đây tới phiên giới trí thức trong nước giật mình, như muốn bổ sấp, bổ ngửa, khi hay tin, minh danh hội Liên Hiệp Khoa Học và Kỹ Thuật VN người ta mở rộng một cuộc hội thảo có cái chủ đề vang rền như sấm dậy trời nam giữa thủ đô Hà Nội, không thua gì “tầm nhìn xuyên thế kỷ”, đó là cuộc Hội Thảo về: “Giá trị Minh Triết Hồ Chí Minh, Một định hướng phát triển Việt Nam.”(15) vào ngày 26/10/2011. Và song song là sự ra đời cuốn sách của Hoàng Ngọc Hiến mà chúng tôi đang đề cập ở đây, kèm theo với những thí dụ được trưng ra có thể khiến chúng ta ngạc nhiên khi HNH khẳng định đó chính là “minh triết”!
HNH viết: “Tôi bằng lòng với việc đưa ra một số ví dụ.
_ Thời bom Mỹ, láng giềng với hộ của tôi, có một cháu bé hơn mười tuổi, học lớp 3, một lần đi sơ tán về, cháu nói với tôi: “Bác ạ, mình cứ nói người nhà quê ra Hà Nội thì đần, cháu thấy người Hà Nội về nhà quê cũng đần, hôm đầu, cháu chịu, không biết làm thế nào để rửa chân, mãi mấy hôm sau mới biết cách”.Câu nói của cháu làm tôi sửng sốt…Đây là một nhận xét minh triết…..” (16)
Nhận Xét: Thật ra đó là một cậu bé khá lanh lợi có một nhận xét khá xác đáng về một tình cảnh. Nhưng với nền giáo dục ngày nay mà cách chung thiên về Trí Dục thì đã và đang “đào tạo” ra rất nhiều những cậu bé tương tợ hay còn lanh lợi hơn cậu bé của HNH nữa! Tuy nhiên, có lanh lợi bao nhiêu thì cũng chỉ được một khía cạnh là Trí mà thôi, phải bổ túc thêm nhiều điều khác như khía cạnh Nhân, Dũng, nhất là tính Toàn Diện, lý Nhất Quán….. thì ta mới có thể bắt đầu xét đến vấn đề trong viễn tượng Minh Triết được ! HNH viết tiếp:
“Tôi có đọc một công trình lý luận rất hay về vấn đề tư hữu. Nhưng vấn đề chỉ sáng bừng lên khi tôi đọc đến câu của Balzac được tác giả trích dẫn: “Người mà không có gì là kẻ không ra gì”. Câu của Balzac là minh triết. Mác đã viết những trang cứ liệu uyên bác, lập luận đanh thép để đi đến một kết luận quyết liệt: bãi bỏ tư hữu. Giá như Mác có thêm được minh triết của Balzac, thì chắc chắn ông đã suy nghĩ khác và học thuyết của ông không phải là chủ nghĩa Mác như chúng ta biết.” (17)
Nhận Xét : Balzac là một nhà văn tầm cỡ rất hiểu về tâm lý con người và bản chất của xã hội , cũng như có ảnh hưởng rất lớn trên Văn Đàn của Pháp và Thế Giới, thì việc Balzac có một nhận xét sâu sắc và xác đáng như trên thì không phải là chuyện lạ. Tuy nhiên, vì những lý do đã được trình bày ở phần trên và ở các bài viết trước, dẫu sâu sắc và xác đáng thì nhận xét trên của Balzac do tính cách “đơn lẻ” của nó, thì theo thiển ý vẫn ở bình diện “Lương Tri Công Cảm” chứ chưa có thể xếp vào đợt Minh Triết được !
Nhưng nhờ nhận xét sâu sắc và xác đáng đó mà chúng ta ý thức một cách rõ ràng hơn nữa tính cách “hoang tưởng “, “điên rồ” và hoàn toàn trái với bản tính tự nhiên của con người khi Karl Marx với lý thuyết Mác-Xít chủ trường bãi bỏ tư hữu, cũng như sự “thiếu sáng suốt”, “thiển cận”, “giáo điều”, “quá khích”, “mù quáng”, “độc đoán” ….của Hồ Chí Minh và tập đoàn các thế hệ lãnh tụ Miền Bắc, vì những quyền lợi ích kỷ, bè phái của đảng CSVN đã nhẫn tâm áp dụng cái “cặn bã” của văn hóa Tây Phương là thuyết Mác-Xít một cách “máy móc”, “ngu ngơ” vào xã hội Việt Nam!
Còn câu nói mà HNH trích dẫn từ người Mông Cổ “Con ai không biết, vợ ta đẻ ra là con ta” thì đương sự có vẻ khám phá rằng “nó chứa đựng một tinh thần nhân bản rất cao” nên HNH cũng cho đó là “minh triết” ?! (18)
Về đoạn văn sau đây: “Người Tày ở Ba Bể (Bắc Kạn) có tục lệ hễ trong nhà làm thịt gà thì bao giờ cũng cắt “hai đùi gà” dành phần cho trẻ con, nếu trong nhà không có trẻ con thì đem cho trẻ em hàng xóm. Đó là minh triết. Minh triết sống động cho tục lệ tốt đẹp này có khi thuyết phục hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi trẻ em.” (19)
Nhận Xét: Đó chỉ là một tập tục Tốt giữa nhiều tập tục Tốt khác trong lãnh vực Phong Tục học. Nhưng lý do nào khiến HNH có vẻ rất “hồ hỡi” với tập tục này của người Tày đến nỗi phải thốt lên “Đó là minh triết” ?! Muốn hiểu điều trên có lẽ phải đặt nó trong đồng văn của xã hội miền Bắc.
SỰ KHÁC BIỆT giữa “hai đùi gà” (chỉ thực chất) và “trăm bài diễn văn…..về bảo vệ quyền lợi trẻ em.” (chỉ tuyên truyền) qua hình ảnh “con chó Pavlov” tóm tắt BẢN CHẤT của chế độ theo Xã Hội Chủ Nghĩa của CSVN và có lẽ đó là lý do chính yếu khiến HNH (một cách ý thức hay vô ý thức) phải thốt lên “Đó là minh triết” !
Và phải chăng đó là “minh triết hai cái đùi gà “ của thời kỳ Đổi Mới và sau đó ?!
Ngoài ra, còn một câu phát biểu khác của Hoàng Ngọc Hiến khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn nữa khi đương sự định nghĩa Minh Triết là “sống tử tế” hay“sống hẳn hoi”. (20) Lý do là khi còn sinh sống ở Miền Nam VN trước năm 1975, trong đời sống thường nhật, hình như chúng tôi chưa bao giờ nghe ai dám khuyên bảo người khác là “hãy sống hẳn hoi hay sống tử tế” cả. Lý do có lẽ là vì vào thời kỳ đó, tại miền Nam VN, người ta sợ người đối thoại cảm thấy “bị xúc phạm” khi đưa lời khuyên đó ra chăng ?!
Thật vậy, loại từ ngữ như “tử tê”, “hẳn hoi” ở miền Nam VN trước 1975, hình như chỉ được xử dụng một cách giới hạn trong môi trường của các trại Cải Huấn chuyên trách về việc giáo dục những kẻ nguyên là những thành phần “bất hảo”, những “tay anh chị xóm cầu muối” muốn trở lại đời sống lương thiện.
Huống hồ có người lại định nghĩa Minh Triết là “sống tử tế” hay “sống hẳn hoi” thì đúng là một cú “choc” đối với chúng tôi !!! Điều trên chứng tỏ rằng do tính chất Phi Nhân Bản, Sắt Máu, Dối Trá của chủ nghĩa Cộng Sản,cũng như do chính sách “nhồi sọ” trong xã hội CS, nên một cách chung chung, trình độ Đạo Đức trong xã hội miền Bắc VN trước năm 1975 giống như trong mọi xã hội CS khác, có lẽ không được cao lắm. Vậy nên khi tình thế đổi thay , vì nhu cầu Tuyên Truyền hay vì lý do nào khác, người ta muốn quảng cáo cho một “mốt” mới như cái “mốt minh triết” chẳng hạn, thì người làm công việc này cũng chưa dám “đao to búa lớn” ngay.Và phải chăng đó là lý do giải thích việc HNH định nghĩa (hay hạ giá) “Minh Triết” là (thành) “sống tử tế” hay“sống hẳn hoi” ?!
Đó cũng là lý do khiến chúng tôi thử lên Internet để tìm hiểu “lai lịch” của hai từ ngữ này.
Về từ ngữ “hẳn hoi” theo tư điển “Việt-Việt” (Internet):
(Khẩu ngữ) có được đầy đủ các yêu cầu, theo đúng tiêu chuẩn như thường đòi hỏi
nói có chứng cớ hẳn hoi
lấy nhau có cưới xin hẳn hoi
Đồng nghĩa: hẳn hoi
thật sự, rõ ràng
chính mắt tôi trông thấy hẳn hoi (21)
Về từ ngữ “tử tế”, trong một bài viết ở mục “Chính Trị” với tựa đề “Tử Tế”, có đoạn văn sau đây: “Thuở tôi đang học tiểu học, có lần bố tôi bảo mấy anh chị em chúng tôi rằng: Các con ạ, gốc của “tử tế” là từ chữ Hán. Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời dân ta dùng nó quen trong cuộc sống….. Đối lập với tử tế là đểu giả, hèn mạt, dối trá, gian manh, xu nịnh, ích kỷ…” (22)
Ngoài ra, ‘Chuyện tử tế là một bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Trần Văn Thủy. Tác phẩm được sản xuất năm 1985 nhưng bị cấm cho tới năm 1987 mới được công chiếu rộng rãi.(23)
Có lẽ phải cộng lại tất cả các điều vừa đề cập ở trên với nhau thì mới có thể giải thích được thời trang hoặc hiện tượng hiện nay có thể gọi là “Tranh nhau làm… người tử tế” là tựa đề của một bài viết trên “Internet”. Tác giả viết:
“Có một sự thật là: chưa bao giờ số lượng những người tìm mọi cách chứng minh mình là người tử tế lại đông như bây giờ, trong khi số lượng những hành động tử tế lại ít hơn bao giờ hết.
…..Nhưng ngày nay, có một sự thật mà chúng ta đều phải thừa nhận: đó là có không ít những người lên tiếng về sự tử tế nhưng thực chất lại chỉ là làm sự “tử tế” cho cá nhân mình mà thôi. Nghĩa là những gì người đó thể hiện chỉ để cho thiên hạ biết đến họ, chứ không phải làm cho thiên hạ…..
Mấy năm gần đây, có không ít việc đau lòng xảy ra trong đời sống. Người sai thì đúng là sai rồi. Dù người sai ân hận cũng không quay ngược được thời gian nữa và chỉ còn cách sống nghiêm túc hơn, làm việc nghiêm túc hơn trong tương lai mà thôi. Nhưng qua những sự việc đau lòng của một hay một số cá nhân gây ra thì có một nỗi đau còn làm cho chúng ta đau hơn. Đó chính là nỗi đau về sự tranh nhau làm người tử tế của chúng ta….. người ta tranh giành nhau dạy dỗ người khác và mắng nhiếc người khác để chứng minh mình là người tử tế. Bây giờ ai cũng có quyền nói về sự tử tế nhưng mấy ai tranh giành làm những điều tử tế đâu…..
Sự tử tế của họ là sự tử tế của ngôn từ, chứ không phải sự tử tế của hành động. Và khi sự này, vụ nọ hết thời gian tính của nó thì sự tử tế của những người như vậy lại biến mất. Họ trở về đời sống thường nhật với những đố kị, ghen ghét, ích kỷ, vô cảm và chỉ thích nói về bản thân. Rồi đến một ngày nào đó, nhân một cơ hội nào đó, họ lại lên tiếng mắng nhiếc và dạy dỗ người khác một cách không tưởng tượng nổi. Cái sự “tử tế” như thế tôi gọi là “Mùa tử tế”.
Mỗi năm có một hoặc vài ba mùa tử tế. Mà cái mùa tử tế này thì lúc nào cũng bội thu. Bội thu mùa lúa, mùa ngô làm cho đời sống con người thêm no ấm, còn bội thu “mùa tử tế” thì chỉ làm cho xã hội thêm tồi tệ mà thôi” (24)
Tình trạng LỐ BỊCH mà tác giả vừa đề cập ở phần trên về Xã Hội CSVN ngày nay phải chăng là hậu quả của cái thường được gọi là “đạo đức cách mạng” của Hồ Chí Minh và tập đoàn Lãnh Tụ CSVN, mà trong thực chất chỉ là một loại ĐẠO ĐỨC GIẢ dựa trên Bạo Lực Sắt Máu và Tuyên Truyền Dối Trá ?!
Lê Việt Thường
CHÚ THÍCH
1) F. Jullien, http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm
2) Idem
3) Idem
4) Kim Định, “Định Hướng Văn Học”, Ra Khơi, SG, VN,1969 tr.38
(5) F.Jullien, Idem
(6) Idem
(7) Idem
(8) F. Jullien, “Minh Triết Phương Ðông & Triết Học Phương Tây “ NXB Ðà Nẵng,VN, 2003 , tr.42
(9) Hoàng Ngọc Hiến, “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT”, NXB Tri Thức, Hà Nội, VN, 2011, tr. 33
(10) Nguyễn Thuyên, “Việt Nam Điều Tàn- Bất Hạnh”, Chuông Sài Gòn, Úc, 2008, tr. 201
(11) Idem, tr. 243
(12) Tổng Hợp Internet, “Hữu Loan: Nhà Thơ Của Nhân Cách” https://minhtrietviet.net/huu-loan-nha-tho-cua-nhan-cach/
(13) Hoàng Ngọc Hiến, Idem, tr. 32
(14) Nguyễn Minh Cần, http://hoangvan.net/vnchf/VC/DCSVN6.html
(15) Hoàng Thanh Trúc, https://minhtrietviet.net/minh-triet-ho-chi-minh/
(16) Hoàng Ngọc Hiến, Idem, tr. 26
(17) Idem, tr.27
(18) Idem
(19) Idem
(20) Idem, tr. 33-34
(21) http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/H%E1%BA%B3n_hoi
(22) http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/58244/tu-te.html
(23)http://vi.wikipedia.org/wiki/Chuy%E1%BB%87n_t%E1%BB%AD_t%E1%BA%BF
(24) Nguyễn Quang Thiều, “Tranh Nhau Làm Người Tử Tế” http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-10-19-mua-tu-te