Lê Việt Thường

IMG.625   

LUẬN BÀN MINH TRIẾT & MINH TRIẾT VIỆT 

                                                                       (Bài Hai)

MINH TRIẾT PHƯƠNG ĐÔNG & TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY

IMG.495Tóm lại, có một sự KHÁC BIỆT lớn lao liên quan đến vai trò của MINH TRIẾT ở bên Đông Phương, nhất là Viễn Đông và đặc biệt đối với Việt Tộc, với những gì xảy ra với Minh Triết ở bên trời Tây ! Thật vậy, Minh Triết được Việt Tộc dành cho một địa vị có thể nói là “Vương Giả” với sự kế tục không đứt đoạn từ nội dung chứa đầy những “hạt”, “mầm” Nhân Chủ, Thái Hòa, Tâm Linh….. qua ca dao, tục ngữ, huyền thoại, truyền kỳ, thể chế, thói tục…..tạm gọi là những “quặng Minh Triết” tiềm tàng trong lối sống của Tổ Tiên Bách Việt thời xa xưa, được Khổng Tử công thức hóa thành VƯƠNG NHO dưới hình thức những lời huấn đức Minh Triết được trình bày, “tuy vắn tắt kiểu châm ngôn nhưng có hiệu lực muôn đời”, đến Mạnh Tử, Tuân Tử…..ở thời Chiến Quốc, và Chu Hy, Vương Dương Minh…..ở thời nhà Tống thì Nho Giáo xuất hiện dưới hình thức TRIẾT LÝ tức xử dụng lý luận biện chứng để tìm hiểu và phổ biến Minh Triết; bước qua thời mới vì tiếp cận với Văn Hóa Tây Phương nên Nho Giáo cần một chiều kích mới do đó trở thành TRIẾT HỌC, tức dùng nhiều lý luận biện chứng và nhất là hệ thống hơn với An ViViệt Nho của Cố Triết gia Kim Định. Điểm đặc sắc ở đây, như đã nói ở phần trên, là Nho Giáo tuy vì nhu cầu Phổ Biến và Tổng Hợp, đã trở thành TRIẾT LÝ rồi TRIẾT HỌC, nhưng không bao giờ đánh mất mối liên hệ thâm sâu với MINH TRIẾT, do đó trước hay sau vẫn luôn luôn là một ĐẠO SỐNG.

Đáng tiếc là điều đó không xảy ra ở bên trời Tây! Như phần trình bày ở trên cho thấy, sau Socrates, Triết Học đã tách rời khỏi Minh Triết, để trở thành DUY LÝ, dưới hình thức một Tri Thức luận, một lãnh vực Chuyên Môn, nên không có ảnh hưởng gì nhiều trên Đời Sống. Và vì thiếu Minh Triết nên người Tây Phương phải tạm “xài đỡ” Lương Tri Công Cảm (common sense, bon sens). mà có người tưởng lầm là “minh triết”: điều này giải thích lý do tại sao bên Tây Phương, minh triết thường bị tiếng oan cũng như mang “số phận” hẩm hiu như một “người bà con nghèo” mà người ta thường gán cho nó ở đây!

Hoàng Ngọc Hiến trong cuốn sách “Luận bàn Minh Triết và Minh triết VIỆT”, trích dẫn François Jullien, có viết như sau: “Sự phát triển lịch sử làm nổi bật ưu thế lớn của triết học: triết học có lịch sử, nhiều lịch sử, nhưng chưa bao giờ có lịch sử minh triết (chỉ có lịch sử tư tưởng của một bậc minh triết). Với sự phát triển của triết học phương Tây hiện đại, dưới con mắt của nhiều triết gia phương Tây hiện đại, minh triết trở thành cái gì đó dưới-triết học…..”(1)

François Jullien, trong một bài tham luận gần đây, có viết một cách chi tiết hơn về vấn đề nêu trên : “Minh triết có một nhược điểm là không có lịch sử còn Triết học thì có lịch sử, nhiều lịch sử. Một bậc Hiền giả, một người Minh triết có thể có lịch sử nhưng sự phát triển của Minh triết không có lịch sử. Một khi Minh triết không có lịch sử thì nó đứng tại chỗ, nó trì trệ, do đó, nó chỉ đưa ra những kiến giải tầm thường và nó nói những ý kiến mà lương tri thông thường của con người cảm nhận được, nó chỉ dừng lại ở đấy. Như vậy, Minh triết đã không được kiến tạo một cách lịch sử cho nên người ta đặt vấn đề tìm hiểu vị trí, vị thế chính thức của nó”.(2)

Hai đoạn văn trên của Hoàng Ngọc Hiến và François Jullien cho thấy:

1) Như chúng tôi đã lập luận ở trên, Tây Phương thường “đồng hóa” Minh Triết với lương tri công cảm (common sense, bon sens) như câu văn sau đây của François Jullien xác nhận: “Một khi Minh triết không có lịch sử thì nó đứng tại chỗ, nó trì trệ, do đó, nó chỉ đưa ra những kiến giải tầm thường và nó nói những ý kiến mà lương tri thông thường của con người cảm nhận được, nó chỉ dừng lại ở đấy”

2) Qua câu văn “Minh triết có một nhược điểm là không có lịch sử còn Triết học thì có lịch sử, nhiều lịch sử”, François Jullien có lẽ muôn nói ở đây rằng đó là tình trạng chung cho mọi nơi. Nhưng theo thiển ý, nếu nói đó là “nhược điểm” của Minh triết thì có lẽ chỉ Đúng bên Tây Phương mà thôi vì lý do sau đây:

Thảm kịch của Văn Hóa Tây Phương, như đã đề cập ở trên, là sau Socrates, Triết Học “đoạn tuyệt” với Minh Triết nên sự kiện “Minh triết…..không có lịch sử” mới trở thành “nhược điểm”, còn đối với Việt Nho thì không sao cả ! Lý do là với Việt Nho:

-Thứ nhất, TRIẾT đã đạt được trình độ “Nhật Nguyệt Phối Hợp” mà tượng “Nhật” (=Mặt Trời không thay đồi hình dáng) có thể dùng để chỉ các Nguyên Lý vượt thời-không của MINH TRIẾT (đó là lý do tại sao “Minh Triết…..không có lịch sử” vì là những giá trị vượt thời không nên Minh Triết không thay đổi theo không gian và nhất là theo thời gian , tức là “không có lịch sử”), còn tượng “Nguyệt” (=Mặt Trăng thay đổi hình dáng tròn-khuyết) thì để chỉ các Giá Trị thay đổi với thời-không của TRIẾT HỌC (nên “Triết Học có lịch sử, nhiều lịch sử” như có nhiều loại Triết Học vậy !)

– Thứ hai, với Việt Tộc, Triết Học tiếp nối Minh Triết, và mỗi bên làm đúng vai trò của mình cũng như hai bên bổ túc cho nhau để hướng đạo đời sống do đó KHÔNG CÓ VẤN ĐỀ.

Trong khi đó, bên Tây Phương, vì sau Socrates, Triết Học “đoạn tuyệt” với Minh Triết nên MỚI CÓ VẤN ĐỀ mà hệ quả là:

-Thứ nhất, “Minh Triết” bên trời Tây bị “xuống cấp” chỉ còn ngang hàng với Lương Tri Công Cảm

-Thứ hai, Triết Học đánh mất vai trò “dẫn đạo” đời sống để chỉ còn là một Tri Thức Luận, một lãnh vực Chuyên Môn mà thôi !

Ngoài ra, vì Minh Triết không có lịch sử mà Triết Học lại có lịch sử nên François Jullien cho rằng, Triết Học có ưu thế hơn Minh Triết. Tuy nhiên, cũng theo ông ta, bên Tây Phương, Triết Học cũng không tránh được tình trạng Suy Thoái như đoạn văn sau đây cho thấy:

“Nhìn lại Triết học thì thấy rằng Triết học hệ thống cũng không phát triển. Đấy cũng là một điều mà người ta chú ý khi nói đến tính lịch sử của cái này hay cái kia. Tức là Triết học hệ thống không còn nữa. Trong sự suy thoái của nó, người ta đặt vấn đề là có cái gì bị nó dồn nén từ trước đây và bây giờ nổi dậy không? ”(3)

François Jullien viết tiếp: “Trong tình trạng Triết học suy thoái như vậy, hiện nay ở phương Tây có một xu hướng phát triển rất mạnh, đó là sự quan tâm đến vấn đề phát triển cá nhân. Có nhiều phép, nhiều thiết chế, nhiều tổ chức lo cho “sự phát triển cá nhân” (développement personnel). Ngay cả Thiền ở phương Tây cũng là một cách người ta dùng để phát triển cá nhân. Nhưng Thiền ở phương Tây không giống như Thiền ở Việt Nam, nó là cái khủng hoảng. Thiền ở phương Tây được Triết học hóa để thoả mãn nhu cầu phát triển cá nhân. Trên cơ sở đó, sinh ra một cái gọi là các phép để thoả mãn nhu cầu phát triển cá nhân. Như vậy, ở châu Âu hiện nay có hai khuynh hướng, một khuynh hướng quan tâm lo lắng đến sự phát triển cá nhân, một khuynh hướng là cái Minh triết đang ở tình trạng lưng chừng như vậy, nó trung dung, và do đó nó dễ đi vào chỗ tầm thường. ”(4)

Và đó có lẽ là Thế Kẹt của Văn Hóa và Triết Học Tây Phương mà chúng ta vừa chứng kiến ở trên, bắt nguồn từ căn bệnh Nhị Nguyên có tính cách trầm kha “chọn một bỏ một” của nó khiến cho đến thế kỷ 21 này rồi mà vẫn còn để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Thật vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao lại để hai khuynh hướng mà François Jullien vừa đề cập ở trên :

– “một khuynh hướng quan tâm lo lắng đến sự phát triển cá nhân”,

-“một khuynh hướng là cái Minh triết đang ở tình trạng lưng chừng như vậy, nó trung dung, và do đó nó dễ đi vào chỗ tầm thường. ”

phát triển một cách riêng rẽ với nhau, mà không thống nhất lại được ?

Tại sao lại phải chọn lựa giữa Triết Học (học) và “sự phát triển cá nhân” (tập) mà không dàn hòa hai đầu mối học tập như Nho Giáo đã làm 25 thế kỷ trước đây qua câu triết ngôn thời danh của Khổng Tử “Học nhi thời tập chi bất diệc lạc hồ (= cái học mà có tập luyện đi kèm thì không gì vui hơn) là cái giúp đạt được MINH TRIẾT.

Đó có lẽ là lý do khiến François Jullien cho rằng sự quay trở lại Minh Triết và “sự phát triển cá nhân” của người Tây Phương hiện tại là “không chính đáng”. Ông viết:

“Có một lý do không chính đáng dẫn đến việc quay trở lại Minh triết ở phương Tây hiện nay, đấy là tình trạng mất lý tưởng, con người bỏ rơi lý tưởng, xa rời lý tưởng. Người ta không tin vào sự cứu rỗi, không tin vào lý tưởng chính trị có thể cứu vãn, ngay cả lý tưởng trong khoa học người ta cũng không quan tâm….. Lý do không chính đáng thứ hai là trong tình hình mất lý tưởng như vậy, cá nhân thu lợi cho bản thân mình, quan tâm đến những vấn đề của mình, chỉ lo cho mình”.(5)

Đoạn văn trên cho thấy tuy là một nhà nghiên cứu về Nho Giáo, nhưng có lẽ ở đây François Jullien đã quên đi mất lời Giáo Huấn của Khổng Tử bảo rằng “trước tiên phải lo cho mình được tốt lành cái đã, thì sau đó mới mong lo cho người, tức phục vụ các lý tưởng vị tha một cách tốt đẹp và hữu hiệu được”. Tức phải “Tu Thân” trước rồi sau mới “Tề Gia”, “Trị Quốc” và “Bình Thiên Hạ” !!! Vậy nên, theo thiển ý, sự phát triển cá nhân tự thân không có gì là “không chính đáng” cả ! Hơn nữa, nếu sự phát triển cá nhân còn được “móc nối” với Minh Triết như chủ trương của Việt Nho, thì đó chính là Đạo TU THÂN của Nho Giáo làm nền tảng cho các bước kế tiếp như “Tề Gia”, “Trị Quốc” và “Bình Thiên Hạ”.

Mặt khác, như đã nói ở trên, vì Minh Triết không có lịch sử mà Triết Học lại có lịch sử nên François Jullien cho rằng, (và Hoàng Ngọc Hiến lập lại ý tưởng này trong cuốn sách của mình) Triết Học có ưu thế hơn Minh Triết. Tuy nhiên, có lẽ cần xét lại ở đây thực chất của cái gọi là “lịch sử Triết Học” bên Tây Phương.

Cố Triết Gia Kim Định có lần so sánh hai nền Triết Học Tây Phương và Ấn Độ. Về Ấn Độ, Ngài có bàn về tinh hoa của Triết Ấn là Vedanta mà theo Ngài là hình thức ôn hòa nhằm thống nhất cả Tế Tự (Aryen) lẫn Triết Lý (Dravidien). Ngài viết : “Và đó là nền tảng của Ấn Độ Giáo, một nền triết lý đầy mâu thuẫn trong triết lý cũng như ngoài xã hội, khiến cho học giả rất ngạc nhiên ở những giai đoạn đầu khi chưa khám phá nền văn hóa Dravidien (có gốc Nông Nghiệp). Và khi khám phá ra Dravidien rồi thì thấy không thể nói là bên nào tiêu diệt bên nào nữa mà cả hai làm nên một cuộc giao thoa văn hóa, và nhờ đó tôn giáo Veda (Aryen) đã có thể đóng góp vào việc tạo ra được một nền triết lý tương đối thống nhất và kiến thiết nên những đỉnh Siêu Hình vừa cao vừa được nhiều người tận tâm suy phục, đến độ không có những cuộc sụp đổ như bên triết học Tây Phương trong đó các đợt sau xây trên đống vụn của các đợt kiến trúc trước.

Tại sao cũng là tinh thần Aryen (Du Mục) mà bên Âu luôn luôn đổ vỡ còn phần trồng sang đất Ấn Độ lại vươn lên được những đỉnh cao Siêu hình thì rõ ràng là nhờ văn hóa Dravidien (gốc Nông Nghiệp)”.(6)

Tóm lại, không phải chỉ vì lý do duy nhất là “có lịch sử” mà đương nhiên cho đó là điều tốt như François Jullien có vẻ ngầm cho độc giả hiểu như vậy ở phần trên (và Hoàng Ngọc Hiến cũng có vẻ đồng ý với François Jullien ở điểm này), khi mà lịch sử như “lịch sử Triết Học” bên Tây Phương chỉ luôn luôn là đổ vỡ: các đợt sau (Duy Tâm hay Duy Vật) xây trên đống vụn của các đợt kiến trúc trước (Duy Vật hay Duy Tâm) vì các đợt trước đã bị các đợt sau giật sập mất rồi ! Mà hệ quả là cho đến tận ngày nay, Tây Phương vẫn chưa kiến tạo nổi một nền “Nhân Bản Tâm Linh” hay một nền Triết Lý có NHÂN CHỦ tính như Việt Nho.

Trong khi đó, Lịch Sử Triết Học bên Viễn Đông được xây trên mô hình “Vòng Tròn Xoáy Ốc, đợt sau không phá sập đợt trước như bên Tây Phương, mà trái lại dựa trên các thành quả đã đạt được bằng cách chắc lọc chất liệu nhằm giữ lại phần tinh hoa của đợt trước, đồng thời mở rộng địa bàn để đón nhận các giá trị, yếu tố mới nhằm bao hàm tất cả trong một hệ thống cao hơn, rộng lớn hơn.Sở dĩ được như vậy là vì cả VIỆT lẫn NHO đều thuộc dòng máu Nông Nghiệp, nhờ thế mà nó có thể đi theo lối thâu hóa thay vì triệt tiêu ( assimilier au lieu de détruire) như bên Tây Phương với óc Du Mục.

Trong đường hướng nêu trên, Khổng Tử không tiên thiên bác bỏ các tập tục lối sống và suy nghĩ của người xưa, mà trái lại, tìm cách công thức hóa nội dung của lối sống đó, mà lề lối được Ngài áp dụng, bao hàm những tác động như san định đúc kết các tư tưởng trước kia của Tiên Hiền Bách Việt còn tản mát và tiềm ẩn trong Huyền Thoại, Thi Ca, Nghệ Thuật…vvv…vào một đôi câu ngắn gọn, vắn tắt có tính cách bia ký (lapidarian) kiểu châm ngôn cho dễ truyền tụng từ nơi này sang nơi khác hoặc từ đời này sang đời khác mà không sợ lạc nghĩa…..

Do đó, khác hẳn Tây Phương với Socrates, Plato, Aristotle đã triệt tiêu Thần Thoại để đi sang Triết Học DUY LÝ, thì Vương Nho đã bắt đầu bằng Minh Triết với Khổng Tử sau đó đi vào Triết Lý rồi Triết Học với các Nho Gia danh tiếng về sau, nhưng nhờ xử dụng phương pháp thâu hóa thay vì triệt tiêu như bên trời Tây nên Thi Ca và Huyền Thoại vẫn còn chân đứng trong Triết. Chẳng hạn:

-Trống Quân của Việt Tộc gồm hai bè Nữ-Nam trở thành “Âm-Dương tương thôi” với Nho

-Câu nói “gặp Vụ Tiên trên núi Ngũ Lĩnh” của Việt trở thành “Ngũ Hoàng Cực” với Nho

-“Bánh dầy Tròn – bánh chưng Vuông” của Việt trở thành “Thiên Viên Địa Phương” với Nho

…vvv…(7)

Sở dĩ chúng tôi phải “dài dòng” một chút ở phần trên khi bàn về Tương Quan giữa MINH TRIẾTTRIẾT HỌC liên quan đến khía cạnh Minh Triết không có lịch sử trong khi Triết Học có lịch sử là vì đây là một vân đề tối quan trọngdễ gây ngộ nhận. Ngoài ra, có lẽ vì không nắm vững vấn đề nên Hoàng Ngọc Hiến có vẻ đồng ý một cách máy móc với quan điểm của François Jullien, trong khi các lập luận của ông này về vấn đề nêu trên tỏ ra không đứng vững !

Bây giờ chúng ta có thể xét tiếp nội dung cuốn sách “Luận bàn Minh Triết và Minh triết VIỆT” của Hoàng Ngọc Hiến. Có vẻ “phấn khởi” về cái mà đương sự gọi là “một trào lưu phục hưng minh triết ngày càng rộng lớn”, HNH  viết:

Từ những năm cuối thế kỷ XX, ở phương Tây, đặc biệt ở Mỹ, có một trào lưu phục hưng minh triết ngày càng rộng lớn, nhằm trả lại cho minh triết địa vị và vai trò xứng đáng của nó trong đời sống tinh thần của nhân loại. Có học giả đánh giá đây là một trào lưu Khai sáng thứ hai. Chỉ cần mở trang web “Wisdom Page” (Trang Minh triết) là có danh sách hàng trăm tiểu luận và công trình về minh triết được giới thiệu nghiêm túc, có hệ thống , phân tích cặn kẽ. Đặc biệt, từ 2005 đến 2006, số bài mục về minh triết trên mạng tăng 600%, tổng số trang web có từ wisdom (minh triết) lên đến 17 triệu trang.(8) Tôi đặc biệt chú ý đến mấy sự kiện sau đây:
………………………………………………………………………………………………….

– Một công trình đồ sộ có nhan đề Wisdom Bible (Kinh thánh Minh triết) đã được biên soạn, thu thập những viên ngọc “minh triết” của những nền văn minh của nhân loại: Trung Quốc (Đạo đức kinh, Đại học, Trung dung…), Ân Độ (Kinh Upanishad, Đạo Hinđu, Kinh Phật), Trung Đông (Đạo Do Thái, Đạo Hồi, Kinh Coran), Hy-La (Platon, Epicure, Epictète) [chủ nghĩa khắc kỷ], Boece [cổ La mã]…). Điều đáng chú ý là có những văn bản của những triết gia đích thực cũng được đưa vào bộ Kinh thánh Minh triết này (có nghĩa là sự phân biệt minh triết và triết học có tính chất tương đối).

– Đã xuất hiện những trường Đại học Minh triết (Wisdom University). Riêng bang Cali có vài ba trường hợp như vậy. Tiêu biểu nhất là Đại học Minh triết có trụ sở ở San Francisco. Trường này được thành lập năm 1996, chỉ đào tạo trên đại học (Ma.A và Ph.D)…..”(9)
…………………………………………………………………………………………………
Aristote có phân biệt “minh triết lý thuyết” và “minh triết thực tiễn”.Minh triết thực tiễn thể hiện ở chỗ biết “suy tính những gì là tốt, là thiết thực…cho mình để có được một cuộc sống tốt, nói chung” (ở đây cần hiểu “cuộc sống tốt”một cách toàn diện: cả về vật chất lẫn tinh thần, không chỉ có tư duy, ứng xử tốt mà ăn, ở , mặc cũng “tốt”, không những tốt trong việc công mà tốt trong cuộc sống riêng, với gia đình, bạn bè và …với cả bản thân mình). “Cuộc sống tốt” được hiểu một cách toàn diện như vậy, thì cái đầu “minh triết” của Aristote quả là vĩ đại ! Chỉ có “minh triết lý thuyết” thì người minh triết dễ biến thành một kẻ hão huyền, gàn dở, ba hoa, nhảm nhí.(10)

Qua đoạn văn vừa trích dẫn ở trên từ cuốn sách của Hoàng Ngọc Hiến, khía cạnh Tích Cực ở đây là có vè càng ngày càng có nhiều người chú ý tới lãnh vực Minh Triết mà HNH đã ghi nhận như ở “trang web “Wisdom Page…..có danh sách hàng trăm tiểu luận và công trình về minh triết được giới thiệu”, hoặc “từ 2005 đến 2006, số bài mục về minh triết trên mạng tăng 600%, tổng số trang web có từ wisdom (minh triết) lên đến 17 triệu trang”…..

Tuy nhiên, khía cạnh Tích Cực nêu trên cũng có thể kèm theo các khía cạnh Tiêu Cực sau đây:

Thiết tưởng sự kiện có nhiều người chú ý đến Minh Triết chỉ thực sư Tốt khi họ được hướng dẫn để hiểu Minh Triết một cách đúng đắn KHÁC với cách hiểu của 25 thế kỷ Triết Học Tây Phương vừa qua :

_ đã hạ Minh Triết xuống ngang hàng với Lương Tri Công Cảm (common sense, bon sens) mà chúng tôi đã dẫn chứng với nhiều thí dụ ở phần trên

_ hoặc đòi hỏi Minh Triết phải có những đặc tính thực ra là của Triết Học như ta có thể thấy trong đoạn văn trên đây của Hoàng Ngọc Hiến.

a) Ở trên, sau khi đề cập đến “danh sách hàng trăm tiểu luận và công trình về minh triết ” thì HNH nhấn mạnh đến khía cạnh “được giới thiệu nghiêm túc, có hệ thống , phân tích cặn kẽ”mà theo thiển ý đó là các đặc tính cần thiết cho lãnh vực Triết Học hơn là cho Minh Triết. Bằng chứng là ở thời xa xưa của Nhân Loại bên Đông Phương cũng như Tây Phương ( trước Socrates), tuy về mặt Hình Thức, người ta không biết lý luận một cách “nghiêm túc, có hệ thống , phân tích cặn kẽ” như Triết Học sau này , nhưng ở thời xa xưa đó người ta lại Sống đúng với tinh thần Minh Triết hơn xa con người hôm nay!

Lý do chính yếu là tại MINH TRIẾT Đích Thực NHẤN MẠNH (mà không loại trừ khía cạnh đối lập) Sống trên Biết (bao gồm Lý Luận), Phẩm trên Lượng, Nội Dung trên Hình Thức…..

Hình như François Jullien cũng ở trong trường hợp Ngộ Nhận tương tự về Minh Triết như HNH ở trên, khi ông ta tuyên bố: “Nhiệm vụ xây dựng Minh triết hiện nay là phải tạo ra những khái niệm cho mình, dùng những khái niệm đó để suy nghĩ những vấn đề mà Triết học bỏ rơi hay Triết học chưa nắm bắt được“. Vì theo thiển ý, Khái Niệm hóa là công việc của Triết Học, chứ không phải của Minh Triết!

b) Ngoài ra, HNH nhấn mạnh đến cái mà đương sự gọi là “Điều đáng chú ý là có những văn bản của những triết gia đích thực cũng được đưa vào bộ Kinh thánh Minh triết này (có nghĩa là sự phân biệt minh triết và triết học có tính chất tương đối)” mà lại “quên” viết thêm rằng “Đó quả là điều đáng tiếcnếu thực sự HNH nắm vững đề tài !

Có lẽ cối lõi của vấn đề và đối tượng của công việc “Luận Bàn Minh Triết và Minh Triết VIỆT” mà HNH có tham vọng thực hiện đáng lẽ phải nằm ở đây, tức là phải biết xử dụng phương pháp MINH BIỆN nhằm “đánh tan” tính chất Ngụy Biện của câu tuyên bố của chính đương sự ở trên , thì trái lại và đó là điều đáng tiếc ở đây mà nguyên nhân có lẽ là vì không nắm vững vấn đề do đó không ý thức được tính chất nghiêm trọngtai hại nằm chính trong nội dung của câu văn nêu trên nên tác giả tức HNH đề cập đến nó một cách rất bình thản làm như không có vấn đề gì ở đây cả !

Triết gia Heidegger thì trái lại, lại thấy tất cả vấn đề là nằm ở đây và tóm gọn 25 thế kỷ của Triết Học Tây Âu vào trong hai chữ Hiểu Lầm (misdeutung) và Dùng Lầm (misbrauch). Hiểu lầm HỮU THỂ ra Vật Thể, dùng lầm Tehné ra technique, Logos ra logique, Phusis ra physique…..Khi áp dụng nội dung nêu trên vào vấn đề đang được bàn ở đây thì cùng với Heidegger, chúng ta có thể phát biểu như sau: “ Hiểu Lầm MINH TRIẾT ra Triết Học Dùng Lầm MINH TRIẾT ra Lương Tri Công Cảm vậy!

Mà hệ quả là đến lượt chúng ta cần phải NHẤN MẠNH đến sự việc nhằm cho mọi người hiểu rõ rằng sự Hiều Lầm, Dùng Lầm nêu trên đã gây ra do “bộ ba” Socrates-Plato-Aristotle (với những hậu quả trầm trọng đã được trình bày ở trên) và đồng thời cũng nhằm giúp chính chúng ta hành động một cách đúng đắn và hữu hiệu hầu dần dần phục hoạt lại được các .Giá Trị Đích Thực của MINH TRIẾT mà Tây Phương đã lảng quên trên 25 thế kỷ !

Trong khi đó, HNH lại hành động Ngược Chiều với điều trên bằng cách tỏ ra “đồng tình” với việc người ta đem văn bản của những người như Plato, Aristotle…..( đã phạm phải sai lầm trầm trọng khi chủ trương đoạn tuyệt với Minh Triết)…vào bộ “Kinh thánh Minh triết” (Wisdom Bible), mà hệ quả tai hại có thể có bắt nguồn từ việc làm trên là tạo thêm cơ hội và điều kiện để tiếp tục tình trạng Hiểu Lầm, Dùng Lầm của 25 thế kỷ Triết Học Tây Phương vừa qua!

Một thí dụ khác về sự Lẫn Lộn của Aristotle giữa MINH TRIẾT với một bên là Triết Học( mà ông gọi là “minh triết lý thuyết”) và bên kia là Lương Tri Công Cảm ( mà ông gọi là “minh triết thưc hành”) được thấy ở phần cuối của đoạn văn nêu trên. Lý do như chúng tôi đã đề cập ở trên, là tại MINH TRIẾT Đích Thực NHẤN MẠNH Sống trên Biết, Phẩm trên Lượng, Nội Dung trên Hình Thức (nhưng đồng thời KHÔNG loại trừ khía cạnh đối lập như Aristotle đã làm ở trên, khi Aristotle PHÂN BIỆT Triết Học mà ông gọi là “minh triết lý thuyết” với Lương Tri Công Cảm mà ông gọi là “minh triết thực hành ) để “chọn một bỏ một”, mà không tìm cách Thống Nhất chúng lại trong đồng văn của một nền MINH TRIẾT Đích Thực mà nội dung được cụ thể hóa bằng chính đời sống của một Nhà Minh Triết.

Tóm lại, HNH tỏ ra “phấn khởi”khi thấy hiện nay có nhiều người chú ý tới lãnh vực Minh Triết, mà không thấy thêm khía cạnh Tiêu Cực của vấn đề khi mà cả hai Hoàng Ngọc Hiến và François Jullien đều có những Ngộ Nhận về Minh Triết như:

tưởng lầm“minh triết” những điều thực sự ra là ở đợt lương tri công cảm (common sense, bon sense) hoặc

đòi hỏi Minh Triết phải có những đặc tính thực ra là của Triết Học như tính nghiêm túc, có hệ thống , phân tích cặn kẽ (HNH) hoặc nhu cầu Khái Niệm hóa (F.Jullien)

Ngoài ra, HNH thấy không có vấn đề gì cả khi người ta đem các văn bản của Plato, Aristotle…vào “Kinh thánh Minh triết” (Wisdom Bible) trong khi Plato, Aristotle và cả Thầy của họ là Socrates chính là nguyên nhân của vấn đề khi quyết định cắt đứt Triết Học ra khỏi Minh Triết !!!

Lê Việt Thường

CHÚ THÍCH
(1) Hoàng Ngọc Hiến, “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT”, NXB Tri Thức, Hà Nội, VN, 2011, tr. 23
(2) François Jullien, “Bàn Về Minh Triêt”
http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm
(3) Idem
(4) Idem
(5) Idem
(6) Kim Định, “Nhân Chủ”, TNQG, HK, tr.115-116
(7) Kim Định, “Sứ Điệp Trống Đồng”, An Việt San Jose, HK 1999, tr.265
(8) Hoàng Ngọc Hiến, Idem, tr.23-24
(9) Idem, tr,24-25
(10)Idem, tr.33

Trở Vể

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm