Lê Việt Thường

IMG.625LUẬN BÀN MINH TRIẾT & MINH TRIẾT VIỆT

                                                                                          (Bài Mười Bốn)

LỐI NGỤY BIỆN LẪN LỘN CÁI “GIẢ” VỚI CÁI “THẬT”CỦA ĐÁM VĂN NÔ CSVN (Phần Hai)

IMG.495Trang bị với Ánh Sáng của MINH TRIẾT VIỆT, chúng ta đã đi một vòng khắp “năm châu bốn bể” nhằm xem những gì còn lại của Ý Thức Hệ CS, cũng như chứng kiến ảnh hưởng áp đảo của giới Tư Bản trên Thế Giới ngày nay. sau đó trở về VN nhìn những Màn Kịch cuối mùa của những tay Dân Chủ, Phản Tỉnh CUỘI, có lẽ đã đến lúc, chúng ta trở lại với chính nội dung của cuốn sách “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT” của Hoàng Ngọc Hiến, lần này với đề tài  “Tìm hiểu minh triết tam giáo trong văn hóa Việt Nam”.

Về đề tài nêu trên và liên quan đến Nho Giáo, Hoàng Ngọc Hiến viết trong cuốn sách của mình  như sau:

1) Về ‘phản thân luận’ đạo đức Khổng Mạnh

“Đạo đức của cá nhân bao gồm hai loại quan hệ  (hoặc trách nhiệm) đạo đức: quan hệ đạo đức của cá nhân với người khác, với những cộng đồng có liên quan đến mình và quan hệ đạo đức của cá nhân với bản thân mình. Đạo đức cách mạng coi trọng sự giáo dục loại quan hệ đạo đức thứ nhất và trong những năm đầu cách mạng chúng ta đã chứng kiến sự khơi dậy và phát triển như vũ bão những cao trào tinh thần yêu nước, phục vụ nhân dân và nhân loại…..Tuy nhiên, trong một thời gian dài chúng ta coi nhẹ loại quan hệ (hoặc trách nhiệm) đạo đức của cá nhân với bản thân mình…..”(H.N.H. tô đậm).(1)

Ở đây, HNH có vẻ biện minh cho sự kiện nhà cầm quyền CSVN coi nhẹ đời sống cá nhân riêng tư với những nhu cầu chính đáng về mặt nội tâm hay tâm linh, là vì theo đương sự, ở giai đoạn đầu, nhà cầm quyền CSVN mãi lo về loại trách nhiệm thứ nhất tức quan hệ đạo đức của cá nhân với người khác.

Hoàng Ngọc Hiến  làm như việc coi nhẹ đời sống nội tâm của cá nhân không phải là Chủ Trương của chế độ Cộng Sản nói chung và CSVN nói riêng mà là vì những khó khăn  của tình thế ở giai đoạn đầu của cuộc Tranh Đấu!? Nhưng thực ra  ở đây, HNH có vẻ ngụy biện một cách không được khéo léo lắm ! Là vì:

–          Về mặt Lý Thuyết, với câu định nghĩa của Karl Marx về  bản chất con người  :“Bản gốc con người là kinh tế, hoặc là xã hội tính”,(2) thì rõ ràng Marx chối bỏ con người cá nhân với nhu cầu tâm linh của nó, và chỉ nhấn mạnh đến con người Xã Hội mà thôi!

–          Khía cạnh này được áp dụng một cách triệt để trong xã hội CS mà hệ quả là nếu cá nhân nào lỡ để lộ ra bên ngoài một chút cảm xúc tình cảm riêng tư của mình thì sẽ bị phê phán ngay là có đầu óc ‘tiểu tư sản’, bệnh ‘hủ hóa’…vvv… Rất có thể  trong trường hợp này đương sự  sẽ  phải được ‘giáo dục’ trở lại cho đúng tiêu chuẩn của  ‘đạo đức cách mạng’ chăng?!

–          Ngoài ra, liên quan đến các yếu tố  khác của lý thuyết Mác-Xít mà ai cũng biết như các phương tiện sản xuất phải được tập trung vào tay nhà nước, tư hữu phải được hủy bỏ, và trong giai đoạn “xã hội trung gian Marx cho phép nhà nước xử dụng các phương tiện phi dân chủ như độc tài chuyên chính vô sản, (25) thì rõ ràng các chủ trương nêu trên của chủ nghĩa Mác-Xít đều đi NGƯỢC LẠI với sự Phát Triển Tự Do Cá Nhân

Do đó, câu phát biểu của HNH: “Tuy nhiên, trong một thời gian dài chúng ta coi nhẹ loại quan hệ (hoặc trách nhiệm) đạo đức của cá nhân với bản thân mình…..”(H.N.H. tô đậm)  thì KHÔNG phải là do những khó khăn  của tình thế ở giai đoạn đầu của cuộc Tranh Đấu! như  HNH NGỤY BIỆN mà thực ra phát xuất từ chính Lý Thuyết, Ý Thức Hệ Mác-Xít lẫn Thực Tiễn của chế độ CS cách  chung  và chế độ CSVN cách riêng

Ngoài ra, đoạn văn sau đây của HNH  “trong những năm đầu cách mạng chúng ta đã chứng kiến sự khơi dậy và phát triển như vũ bão những cao trào tinh thần yêu nước, phục vụ nhân dân và nhân loại” (chúng tôi viết chữ  nghiêng), cho chúng ta thấy khuyết tật hay căn bệnh trầm kha của con người CS nói chung, mà lý do chính yếu có lẽ là vì chính họ suốt đời đã  bị nhà cầm quyền CS cho ăn “bánh vẽ”, do đó họ tưởng ai cũng “ngây thơ” cả tin vào những chiêu  bài rỗng tuếch, những câu tuyên truyền  dối trá như câu văn của HNH vừa được  trích dẫn ở trên!

Thật vậy, Hoàng Ngọc Hiến  làm như nhờ CS xuất hiện mà dân chúng VN mới có lòng yêu nước. Đương sự quên hay giả vờ không biết rằng: “Trong thời gian thực dân Pháp đô hộ nước ta, kể từ 1858 đến 1945, vua chúa, quan lại, sĩ phu, trí thức tân học, binh sĩ cho đến người bình dân Việt Nam đã kế tiếp nhau đấu tranh không ngừng chống ngoại xâm bằng đường lối võ trang hay chính trị Cách mạng để giành lại độc lập cho Tổ Quốc, tự do hạnh phúc cho toàn dân.

Từ Trương Công  Ðịnh, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Phan Tôn, Phan Liêm đến Phan Ðình Phùng, Tôn Thất Thuyết, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Ðinh Công Tráng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Ngọc Quyến, Ðào Nguyên Phổ, Trịnh Văn Cấn, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Ký Con, Cô Giang v.v… không làm sao kể xiết, người này chết, kẻ khác xông lên, phong trào này bị dập tắt, mặt trận, đảng phái khác mở ra liên tục quyết chiến với kẻ thù không thẹn với tiền nhân anh hùng, liệt nữ từ Bắc thuộc đến thời đại lịch triều, để lại gương sáng cho hậu thế soi theo….”(3)

Sự thật như ai cũng biết là CSVN lợi dụng lòng yêu nươc sẵn có của người dân VN để thỏa mãn tham vọng về quyền lực và  quyền lợi bè phái của tập đoàn lãnh đạo CSVN (chứ KHÔNG phải phục vụ nhân dân như chiêu bài rỗng tuếch của HNH) và tự nguyện làm tay sai cho phong trào Đệ Tam Quốc Tế vì mục đích Danh Lợi ích kỷ  (chứ KHÔNG phải phục vụ nhân loại là một câu tuyên truyền dối trá khác).

Qua thí dụ vừa được trình bày ở trên, chúng ta nhận thấy rằng tất cả điều gì liên quan đến đảng CSVN và cái gọi là “đạo đức cách mạng” thì chỉ  là “chiêu bài”, là “tuyên truyền dối trá” tức chỉ toàn là thứ  GIẢ cả ! Nhưng song song với các điều Giả Trá nêu trên, HNH đi tìm thêm ở bên ngoài đảng,  cái mà hiện tại đảng CSVN cần mà không có, trong  trường hợp này là nội dung Minh Triết chứa đựng trong Nho Giáo, do đó mới có tiểu mục: 1) Về ‘phản thân luận’ đạo đức Khổng Mạnh  trong cuốn sách của HNH.

Liên quan đến đề mục “quan hệ đạo đức của cá nhân với bản thân mình” HNH viết tiếp: “Trong sách Mạnh Tử (và Luận Ngữ, Trung Dung…) có một vốn từ phong phú chỉ những thao tác trong quan  hệ mình với mình: tự phản (tự xét mình), phản thân (xét lấy mình), phản cầu chư thân (xét trở lại cái nguyên do nơi mình), tự tỉnh(tự xét mình mà tỉnh ngộ ), nội tỉnh (tự xét từ bên trong bản thân), tỉnh ngô thân (xét bản thân mình), bổn chư thân (lấy mình làm gốc)…..

Trong quan niệm của Mạnh Tử, tự xét mình (tự phản, phản thân) là thao tác cơ bản trong quan hệ mình với mình trong đời sống đạo đức, có thể nói đến tự phản luận hoặc phản thân luận như là một nét quan trọng trong đạo đức học Mạnh Tử. Sở dĩ việc “tự xét bản thân mình” được coi trọng vì Mạnh Tử quan niệm “bản thân” là “gốc” của những cái gốc: “Gốc của thiên hạ là đất nước, gốc của  đất nước là gia đình, gốc của gia đình là bản thân” (xem Mạnh Tử, ch. VII,5) (4)

Trái với những  điều mà HNH viết về đảng CSVN và cái gọi là “đạo đức cách mạng” mà chúng tôi đã chứng minh ở phần trên là gồm toàn các điều GIẢ TRÁ, các điều mà đương sự viết về Mạnh Tử  và Nho Giáo lại  là CÓ THẬT và có thề tìm thấy trong các tài liệu, sách vở. nghiên cứu về Mạnh Tử và Nho Giáo. Đến đây chắc Quý Độc Giả cũng đã đoán ra rằng THỦ THUẬT  mà Hoàng Ngọc Hiến đã áp dụng trong cuốn sách “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT” của mình là một hình thức NGỤY BIỆN cố ý LẪN LỘN cái GIẢ (đảng CSVN) và cái THẬT (Minh Triết NHO ) hầu  xử dụng Minh Triết của Tiền Nhân (cho một mục tiêu không chính đáng) nằm trong âm mưu    “đánh lận con đen”  của HNH nhằm  BIỆN MINH cho những điều Giả Trá, Sai Trái, Bất Nhân, Bất Nghĩa của đảng CSVN.

Nguyên do dẫn đến âm mưu đen tối vừa được trình bày ở trên  có lẽ là vì lo ngại rằng vận số của đảng CSVN  chắc cũng sắp ‘tới hạn’ nên nhà cầm quyền CSVN mới ‘chỉ thị’ cho nhà ‘cán bộ văn hóa’ nổi tiếng  Hoàng Ngọc Hiến cấp tốc nghiên cứu đề tài Minh Triết & Minh Triết VIỆT hầu mong cứu chữa chế độ bằng cách tung ra một “Thời Trang” MỚI. Thật vậy, hết thời còn là “ nhà văn hóa”, “nhà đạo đức”, “nhà tư tưởng” bây giờ “Bác Hồ” kính yêu của đảng CSVN dưới bàn tay của “nhà phù thủy” Hoàng Ngọc Hiến đã trở thành “Nhà Minh Triết không biết từ bao giờ ?!

HNH  viết tiếp: “Trách nhiệm đạo đức này thể hiện ở những đức tính (trong tiếng Việt bắt đầu bằng chữ “tự”): tự trọng, tự tin, tự ái….. Hồ Chủ tịch hết sức coi trọng sự tự ý thức của cá nhân về đạo đức – Hồ chủ tịch đặc biệt coi trọng lòng “tự ái” ở con người (theo nghĩa chân chính của từ này thì nó đồng nghĩa với tự trọng).”…không làm điều gì có hại cho danh dự của mình.- Hồ Chủ tịch viết – thế là chân chính và tự ái, mà ai cũng phải tự ái”. Lòng tự ái, lòng tự trọng – trong quan niệm của Hồ Chủ tịch- là một bề chiều (dimension) quan trọng của nhân cách đạo đức. “Ai cũng có lòng tự trọng, tự tín – Hồ Chủ tịch viết – không có lòng tự trọng, tự tín là người vô dụng”. Hồ Chủ tịch viết tiếp: “Người lãnh đạo cần phải tôn trọng lòng tự trọng, tự tín của các đồng chí mình”. Không phải ngẫu nhiên mà người thanh niên cách mạng ưu tú họ Lý được Bác đặt cho tên là Lý Tự Trọng”. (5)

Sở dĩ Hoàng Ngọc Hiến phát biểu như trên, chẳng hạn qua câu văn: “Lòng tự ái, lòng tự trọng – trong quan niệm của Hồ Chủ tịch- là một bề chiều (dimension) quan trọng của nhân cách đạo đức”, có lẽ một phần là do nhu cầu “thần tượng hóa”  “nhân vật” Hồ Chí Minh  của đảng CSVN qua “huyền thoạiđược đảng CSVN dựng lên lúc đầu về việc  Bác sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, nguồn gốc nông dân…” do đó, đòi hỏi phải  đánh bóng khía cạnh “nhà Nho” và “tư cách đạo đức“ của HCM chăng ?!

Ngày nay, với vô số tài liệu mà mỗi người trong chúng ta có thể đọc được về cuộc đời Hồ Chí Minh,  Quý Đôc Giả có thể tin Hoàng Ngọc Hiến hay không về câu tuyên bố của đương sự rằng Hồ Chí Minh là một người “tự trọng”  không làm điều gì có hại cho danh dự của mình ?!

Về khía cạnh nêu trên, chúng ta thử xét sau đây qua các tài liệu lịch sử, thái độ và một vài hành vi của HCM.  Chẳng hạn, HCM thường muốn cho người khác thấy mình qua hình ảnh nổi bật của “một lãnh tụ bình dân, giản dị...bằng cánh giàn cảnh thật với  tâm lý tinh vi cao độ đến nổi chẳng hạn một Phạm Khắc Hòe nhớ mãi mấy trái cam Bố Hạ mà “Bác” đã cho để mang về chia cho gia đình !

Để chứng tỏ với mọi người rằng mình là người chỉ nghĩ đến việc CHUNG, HCM thường kêu gọi đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết  đối với các “đồng chí” của họ Hồ trong đảng CSVN cũng như đối với các đoàn thể VN khác.

Kết quả của chính sách  đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết  của HCM như chúng ta đều biết

         đối với các “đồng chí” của họ Hồ, là nhờ được các “đàn em” của HCM chỉ điểm, thực dân Pháp đã thanh toán  trước tiên cho quyền lợi của bọn họ cũng như  giùm cho HCM,nhóm lãnh đạo CS ở trong Nam, trong đó có các nhân vật đã từng du học Liên Xô như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập…..(6)

         còn đối với các đoàn thể VN khác, thì cụ Phan Bội Châu chẳng hạn đã bị HCM “bán đứng” cho Pháp và các lãnh tụ QG khác như Huỳnh Phú Sổ, Trương Tử Anh….cũng như  không biết bao nhiêu người QG yêu nước đã bị CSVN thủ tiêu.

Chưa kể đến những vụ LƯỜNG GẠT bỉ ổi của HCM đối với Phụ Nữ mà kết quả là cảnh “thân tàn ma dại” đối với các nạn nhân thường kết thúc bằng cái Chết.

“Ngoài ra, HCM rất ngại không muốn ai nhắc đến tiểu sử. thân thế của mình, vì sợ phải để lộ những vết nhơ xấu xa nhất trên đời như lừa thầy phản bạn, tham lợi, háo danh, gian ác….

Nhằm che dấu bộ mặt thật, HCM đã ngụy tạo rất nhiều huyền thoại về cuộc đời của mình, như tự tay viết những mẩu chuyện tự đề cao cá nhân mình, ký bút hiệu ma, làm như thể một cây bút khách quan nào đó viết về cuộc đời đấu tranh cách mạng của HCM.

Điển hình nhất là tập sách dày 143 trang, nhan đề “ Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch do chính tay Hồ Chí Minh viết năm  1948, nhưng lại giả mạo bút hiệu Trần Dân Tiên. Dĩ nhiên là tập sách này đã dựng đứng nhiều sự việc chỉ có trong tưởng tượng  với chủ đích duy nhất  là vẽ vời , ca ngợi hết mình các hoạt động “vĩ đại”  của một con người “vĩ đại” để đám cán bộ làm công tác văn nô, thi nô, sử nô…..dựa theo đó mà sơn son, thếp vàng. Tập sách đó được guồng máy thông tin văn hóa Cộng sản lấy làm tài liệu gốc  về tiểu sử của Hồ, hầu các nhà biên khảo trong cũng như ngoài nước nhiếp sao y khuôn rập”.(7)

Tóm lại, các hành động BÁ ĐẠO điển hình nêu trên của Lãnh Tụ CSVN  phản ảnh tính cách MA ĐẦU-GIAN MANH-QUỶ QUYẾT (đạt đến trình độ Khủng Khiếp không bút nào tả xiết) của HCM, thế mà các tay “cán bộ văn hóa” CSVN như Hoàng Ngọc Hiến lại ra sức đề cao cái gọi là tư cách đạo dức , tính tự trọng của “Bác Hồ” với câu trích dẫn rất “sống sượng” phát xuất từ chính miệng HCM  không làm điều gì có hại cho danh dự của mình !

Quả đúng là “một màn” ĐẠO ĐỨC GIẢ, một “Trò Hề” đáng kinh tởm !!!

 

Hoàng Ngọc Hiến viết tiếp Về ‘phản thân luận’ đạo đức Khổng Mạnh. Như đã nói ở trên, trái với những  điều mà HNH viết về đảng CSVN mà chúng tôi đã chứng minh  là gồm toàn các điều GIẢ TRÁ, các điều mà đương sự viết về Mạnh Tử  và Nho Giáo lại  là CÓ THẬT và có thề tìm thấy trong các tài liệu, sách vở. nghiên cứu về Mạnh Tử và Nho Giáo.

HNH  viết: “Cùng bản chất với tinh thần tự xét mình là sự coi trọng việc tự trách mình hơn là trách người…..Đạo đức Khổng Mạnh đề cao lòng tự tín ở con người…..”Người quân tử trông cậy ở mình, kẻ tiểu nhân trông cậy ở người”. (Luận ngữ)

Nói đến chữ tín là nói đến sự tin cậy của người khác đối với mình”tín tắc nhân nhậm yên” (có chữ tín thật thì người ta tin cậy mình). Mạnh Tử còn định nghĩa chữ tín trong quan hệ mình với mình.”Người làm thiện do theo lương tâm và bổn tính, không miễn cưỡng và không giá trả, gọi là tín” (Mạnh Tử)

Đạo đức Khổng, Mạnh hết sức coi trọng nội lực ở bản thân con người, tính tích cực, tính chủ động của chủ thể đạo đức.

Trong đời sống đạo đức, nội lực trước hết là sức mạnh tinh thần bên trong, sự giác ngộ bên trong.

Cảm thấy trong lòng mình “có điều ngay thẳng”, đó là cơ sở của nét đại dũng. Sách Mạnh Tử có dẫn lời của Khổng Tử: “Nếu tự xét lấy mình, thấy mình có điều ngay thẳng dẫu với hàng ngàn, hàng muôn người, mình cũng vẫn đi qua một cách an nhiên đó”. “Thấy mình có điều ngay thẳng”, đó là “cái lý cốt yếu”, là nội lực của lòng đại dũng. Có dũng khí không biết sợ, nhưng không có một lý cốt yếu làm nội lực thì đó mới chỉ là “tiểu dũng”, chưa phải là “đại dũng.

Đạo đức Khổng Mạnh có đòi hỏi cao về sự tự giác, sự chân thành, sự chủ động trong hành vi đạo đức  “Làm nhân đức là do nơi mình, chớ há do nơi ai sao” (Luận ngữ)…..

Tinh thần coi trọng sự tự xét mình và sự tự giác trong hành vi đạo đức cùng một bản chất với tình thần coi trọng sự xem xét độc lập, sự phán xét độc lập và sự quyết định độc lập của chính mình trong hành động….”.(8)

“Đòi hỏi phải có những lý cốt yếu làm nội lực cho những đức tính, coi trọng sự tự xét mình và sự tự giác, đề cao vai trò của sự xem xét và phán xét riêng trong quyết định hành động, cả mấy phương diện này gộp lại chứng tỏ Mạnh Tử tiếp cận khái niệm nhân cách và minh triết của ông đã đề ra những chuẩn mực có tính nhân loại phổ biến cho nhân cách con người. Thời nào cũng vậy, nội lực mạnh mẽ trong đời sống tinh thần và hoạt động xã hội, tinh thần tự xét mình và tự giác cao, bản lĩnh độc lập và tinh thần cầu thị trong sự xem xét và phán xét riêng, coi trọng dư luận của quần chúng nhưng không bị ràng buộc bởi bất cứ dư luận nào…..những đức tính này thường là được thiên hạ quý trọng, ở đâu cũng vậy thôi, là người hẳn hoi không thể thiếu những đức tính nói trên.

Xây dựng một lý thuyết hiện đại về nhân cách không thể bỏ qua những nghĩ ngợi và đòi hỏi của Mạnh Tử về nhân cách con người.”.(9)

Phần sau của tiểu đề Về ‘phản thân luận’ đạo đức Khổng Mạnh không có gì đáng “phàn nàn” vì Hoàng Ngọc Hiến chỉ trình bày về  Mạnh Tử, tuy sống cách đây hơn 2000 năm, nhưng vì Tư Tưởng của Mạnh Tử  có tính cách Vượt Không – Thòi Gian nên vẫn tỏ ra luôn luôn Mới, do đó có thể đóng góp một cách Tích Cực vào việc xây đắp một lý thuyết về Nhân Cách cho con người hôm nay.

Tiếp theo, Hoàng Ngọc Hiến viết về một tiểu đề khác là Về “tứ vô”(vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã) của Khổng Tử

HNH  viết: “Luận ngữ, chương IX, tiết 4 có câu: “Tử tứ tuyệt: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”…..Tôi thiên về cách hiểu, phân tích, diễn nghĩa của François Jullien…..

Vô ý không có nghĩa là không có ý kiến  mà có nghĩa là: không có ý kiến nào được dành đặc quyền, được tuyệt đối hóa khiến cho ta không nhìn thấy những điều hợp lý, khả thủ của những ý kiến khác, kể cả những ý kiến đối lập.

Vô tất có nghĩa là không định trước những điều thế tất, ắt phải như thế này, ắt phải như thế kia, không áp đặt những mệnh lệnh tất phải thế này, tất phải thế kia.

Vô cố có nghĩa là không cố chấp một quan điểm nào, một lập trường nào.

Vô ngã là muốn nói không có một cái ngã đặc biệt. Khổng Tử không phủ định cái “tôi”, chỉ phủ định cái “tôi” đặc biệt.

Có liên quan mật thiết giữa bốn cái vô”…..

“ Vô ý, với ý nghĩa là không tuyệt đối hóa một tư tưởng nào, quan tâm đúng mức mọi tư tưởng (cũng như mọi phương diện, mọi khả năng của thực tại) là một tư tưởng cơ bản trong minh triết của Khổng Tử. Quan tâm đúng mức mọi tư tưởng giống như mở ra mọi cánh cửa, thấy được mọi ngả đường. Còn như tuyệt đối hóa một tư tưởng thì giống như có một cánh cửa  được mở toang ra nhưng những cánh cửa khác thì bị khép lại, có thể nhìn xa hơn, thấy rộng hơn theo một ngả đường, nhưng trả giá cho lợi thế này có khi là sự mù trước những ngả đường khác. Vô ý không có nghĩa là không có ý kiến, không có tư tưởng ; quan điểm vô ý  ngăn ngừa sự độc quyền hóa một tư tưởng. Câu nói của Khổng Tử: “Quân tử chu nhi bất tỷ, tiểu nhân tỷ nhi bất chu” (Luận ngữ, II, 14) được François Jullien hiểu như sau: “Người quân tử bao quát tổng thể, không thiên vị một phía nào, kể tiểu nhân thì ngược lại”…..

Như vậy, cách nhìn minh triết là cách nhìn bao quát, thấy được và quan tâm mọi mặt, mọi khả năng của thực tại, không vì thiên lệch một phía mà ngoảnh lưng với những phía khác. Nhưng vô ý  không có nghĩa là không dấn thân, không đứng về phía nào (trong hành động). Người minh triết quyết định dấn thân, đứng về phía nào, chọn khả năng nào là do đòi hỏi của tình thế, chứ không xuất phát từ những giáo điều có sẵn định trước phải gạt bỏ khả năng này, phải ủng hộ phía này, phải chống lại phía kia…..Để làm sáng tỏ tư tưởng này, tác giả dẫn câu nói của Khổng Tử: “Quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã, vô mạc dã, nghĩa chi dữ tỷ” (Luận ngữ, IV, 10) mà Đoàn Trung Còn dịch là : “Bực quân tử làm việc cho đời, không có việc gì là người cố ý làm, không có việc gì người cố ý bỏ, hễ hạp nghĩa thì làm”)…..

Như vậy, người minh triết không phải là không có chủ kiến, duy có một điều đây  không phải là chủ kiến có sẵn, được định trước cho mọi khả năng, mọi tình thế, mà đây là chủ kiến được đề ra  từ những đòi hỏi của tình thế (cụ thể)”(10)

Trên đây , là phần Bình Giải của Hoàng Ngọc Hiến về Lối Hiểu của François Jullien về câu: “Tử tứ tuyệt: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã” của Khổng Tử trong Luận Ngữ.

Vậy mà ở một chỗ khác, vào một dịp khác,  François Jullien lại viết:

Trong quan hệ với chính trị, Minh triết ở Trung Hoa cổ không có một lập trường xác định…Lập trường là thế nào? Tức là mình phải có quan điểm của mình”(11)

Rõ ràng.trong câu phát biểu sau về nội dung của nền Minh Triết của Viễn Đông hay Minh Triết NHO,  François Jullien tỏ ra MÂU THUẪN hay Không Nhất Quán với lối hiểu của phần đầu mà ta có thể  tóm tăt như sau:

 “Bậc Minh Triết KHÔNGĐỊNH KIẾN tức ý kiến có sẵn,  đối với mọi vấn đề, lãnh vực kể cả Chính Trị,  chứ không có nghĩa là không có lập trường hay quan điểm  , nhưng lập trường hay quan điểm  của bậc Minh Triết NHO  được Xác Định theo các điều kiện hay đòi hỏi  của TÌNH THẾ”

François Jullien tuy là Giáo Sư Triết tại ĐH Sorbonne, nhưng có nhiều câu phát biểu tỏ ra  Thiếu Tính Kiên Định (Consistency) hay Nhất Quán như thí dụ trên cho thấy.

 

Tiểu đề kế tiếp mà HNH bàn đến là chủ trương “Vô Khả, Vô Bất Khả” của Khổng Tử. HNH viết: Khổng Tử có phân biệt ba loại Thánh Nhân. Họ đều bỏ công danh phú quý, đi ở ẩn…..Loại thứ nhất như Bá Di, Thúc Tề “Chẳng khuất chí mình, chẳng nhục thân mình…..Loại thứ hai như Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên, kém hơn, “phải khuất chí mình, phải nhục thân mình”, tuy vậy, lời nói của họ”hợp luân lý”, việc làm của họ “hợp lòng mong nghĩ của dân”. Loại thứ ba như Ngu Trọng, Di Dật  ở ẩn nơi xa vắng và ăn nói rất tự do, phóng túng”, nhưng “giữ mình đúng lẽ thanh khiết và biết bỏ phế  đúng l quyền biến”…..”Còn ta thì khác, ở chỗ chẳng có gì là được hoặc không được [Ngã tắc dị ư thị vô khả, vô bất khả] (HNH tô đậm]…..

Khổng Tử không thuộc về loại thứ nhất, chẳng thuộc về loại thứ hai, càng không phải là loại thứ ba. Tử có thể là loại người này cũng như có thể là loại người kia , đó là tùy theo tình thế.(12)

 

Tiểu đề kế tiếp là “Đức Thời Trung”. HNH viết: “Như nhận định của Mạnh Tử “ông Bá Di là bậc Thánh có đức thanh khiết, ông Y Doãn là bậc Thánh có đức trọng nhiệm, ông Huệ xứ Liễu là bậc Thánh có đức ôn hòa. Đức Khổng Tử có Đức Thời Trung”…..là cái Đức tùy theo thời và thế mà thanh khiết như Bá Di hoặc trọng nhiệm như Y Doãn hoặc ôn hòa như Liễu Hạ Huệ.(13)

Như đã nói ở trên, trái với những  điều mà HNH viết về đảng CSVN  mà chúng tôi đã chứng minh ở phần trên là gồm toàn các điều GIẢ TRÁ, các điều mà đương sự viết về Tam Giáo: Nho Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo lại  là CÓ THẬT và có thề tìm thấy trong các tài liệu, sách vở. nghiên cứu về Tam Giáo.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc ở đây là Hoàng Ngọc Hiến chỉ giới hạn ở khía cạnh GIÁO KHOA mà thôi, nên chỉ sao chép lại những gì đã có trong sách vở hiện hữu, chứ không có những đột phá, những khám phá mới mẻ hoặc những lối nhìn mới về các dữ kiện cũ Mà hệ quả của lối tiếp cận nêu trên là những nét thực sự ĐẶC TRƯNG  của Đạo Học chẳng hạn không được tìm thấy và đặt nổi.

Một cách đặt nổi các nét Đặc Trưng của Đạo Học Đông Phương, đòi hỏi phải xét xem chẳng hạn sự KHÁC BIỆT giữa Đạo Học và khoa Luân Lý hình thức, với các Tôn Giáo Tây Phương, với Khoa Học, Triết Lý, Triết Học.vvv..

Người ta hay lầm Đạo Học với khoa luân lý hình thức vì thường chúng cũng mang tên đạo đức học. Kỳ thực khi xem từ đầu chí cuối không gặp được yếu tố chi đáng gọi là Đạo cả.

 Cũng có người lầm Đạo học với Tôn giáo bởi vì hai đàng có điểm giống nhau ở chỗ cả hai bên có bầu trời siêu việt, một bên là siêu nhiên, một bên là tâm linh. Nhưng cũng còn rất nhiều sự dị biệt từ căn để. Chẳng hạn, trước hết Tôn giáo là một tín ngưỡng, một lòng sùng mộ, đang khi Đạo học là một tri thức cùng loại khoa học, hơn nữa còn là bà chúa khoa học ở chỗ không những tìm biết nhưng tìm biết cách thấu triệt bằng trực giác. Khoa học mới là một tri thức, một savoir, đang khi Đạo học phải là một sagesse, một Minh triết, nghĩa là cái biết đến căn cơ cũng gọi là Đạo học.

Triết lý chưa phải là TRIẾT khi hiểu triết cùng với nghĩa Minh Triết. Trong trường hợp đó TRIẾT phải viết hoa, nói lên cái biết cùng cực. Còn triết lý tuy cũng là cái biết triệt để nhưng mới là cái để của lý học là một tài năng rốt ráo của các cơ năng khả giác, hữu hình, có đi xa hết cỡ cũng mới vượt giác quan có cơ thể, chưa hẳn là hình nhi thượng, nên triết học chưa phải là TRIẾT, cũng như ý thức chưa phải là Thức: ý thức mới là một phần nhỏ của cái Thức toàn diện bao hàm tiềm thức, vô thức, siêu thức, thần thức v.v… Triết học chỉ ở trong vòng ý thức, trong vòng lý trí của con người hiện tượng. TRIẾT mới bao gồm cả lý trí lẫn tiềm thức siêu thức nơi cõi Tâm linh của con người toàn diện Đại ngã. Hiểu như thế thì TRIẾT với ĐẠO là một”

Trên đây là một  thí dụ về loại Kiến Thức mà ta không thể tìm thấy trong cuốn sách của Hoàng Ngọc Hiến, vì loại kiến thức nêu trên đòi hỏi một chút tinh thần Sáng Tạo mà HNH không có !

Lê Việt Thường

CHÚ THÍCH

(1)   Hoàng Ngọc Hiến, “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT”, NXB Tri Thức, Hà Nội, VN, 2011, tr. 56

(2)   Kim Đinh, “Dịch Kinh Linh Thể” http://vietnamvanhien.net/dichkinhlinhthe.pdf

(3)   Nguyễn Thuyên, “Việt Nam Điêu Tàn-Bất Hạnh”, Chuông Sài Gòn, Úc, 2008, tr.126

(4)   Hoàng Ngọc Hiến, Idem, tr.58-59

(5) Idem, tr.56-57

(6) Trần Gia Phụng, “Huyền Thoại Hồ Chí Minh”, Ngũ Hành Sơn, Toronto, Canada, tr.24-25

(7) Nguyễn Thuyên, “Bộ Mặt Thật Của Hồ Chí Minh”, Nhân Quyền, Úc, 2000, tr.329-330

(8) Hoàng Ngọc Hiến, Idem, tr.59-60

(9) Idem, tr.62-63

(10) Idem, tr.64-68

(11) F. Jullien, http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm

(12) Hoàng Ngọc Hiến, Idem, tr.68-69

(13) Idem, tr.70

(14) http://vietnamvanhien.net/trietlygiaoduc.pdf

 Trở Về

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

 

 

Tìm Kiếm