Lê Việt Thường

IMG.625LUẬN BÀN MINH TRIẾT & MINH TRIẾT VIỆT

                                                                                         (Bài Mười Lăm)

LỐI NGỤY BIỆN LẪN LỘN CÁI “GIẢ” VỚI CÁI “THẬT”CỦA ĐÁM VĂN NÔ CSVN (Phần Ba)

IMG.495Tiếp tục bàn về Nho Giáo trong đề mục “Tìm Hiểu Minh Triết Tam Giáo Trong Văn Hóa VN” của cuốn sách “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT”, Hoàng Ngọc Hiến viết như sau:

Bản thể là một khái niệm cơ bản của triết học phương Tây. Minh triết phương Đông không phải không biết đến bản thể nhưng mối quan tâm chủ yếu của minh triết là quá trình. Trung dung là tâm pháp để điều tiết các quá trình. Mỗi quá trình trong sự tự tại của nó có sự tự điều tiết. Trung dung là sự gia công vào sự tự điều tiết này và phải dựa vào nó. Ý kiến của Mạnh Tử phê phán thái độ chấp trung, thái độ chấp nhất hết sức quan trọng để hiểu tinh thần của trung dung.

Mạnh Tử nói rằng: “Dương Tử giữ lấy chủ nghĩa vị ngã, tức là chủ nghĩa của kẻ chỉ chuyên lo cho mình mà thôi. Dẫu nhổ một mảy lông trên mình mà lợi ích cho cả thiên hạ ông cũng chẳng chịu làm.

Mặc Tử thi hành chủ nghĩa kiêm ái, thương tất cả mọi người như mình. Dẫu mòn nát tấm thân từ đỉnh đầu cho chí gót chân, mà có lợi ích cho cả thiên hạ, ông ấy cũng vui lòng hy sinh

Tử Mạc bảo thủ chủ nghĩa chấp trung, cốt giữ cho vừa vặn phần mình và phần người. Chủ nghĩa chấp trung gần với đạo lý. Nhưng nếu chấp trung mà chẳng biết quyền biến, chẳng biết tuỳ nghi mà hành động cho hợp thời, như vậy cũng như chấp nhất, tức là khư khư câu nệ một bề vậy thôi. Ta sở dĩ chán ghét kẻ chấp nhất, là vì kẻ ấy cố giữ ý kiến làm hại đạo lý. Kẻ cử động theo một bề thì bỏ hỏng cả trăm bề[H.N.H. tô đậm] (Mạnh tử. VII, A. 26).

Như vậy chấp trung là đứng ở giữa hai thái cực đối nghịch (vị ngã cực đoan và kiêm ái tột độ). Hiểu như vậy, chủ nghĩa chấp trung gần với quan niệm của Aristote về đạo đức: đức hạnh là trung độ đúng mực (juste milieu) ở giữa hai tính trái ngược, giữa sự bất cập và sự thái quá…..Tuy nhiên nếu như chấp trung chỉ thiên về giữ trung độ cho đúng mực, loại trừ bất kỳ sự thái quá nào thì như vậy là trái với tinh thần của trung dung. Bởi vì trung dung không có nghĩa là nửa vời, lưng chừng, không nóng không lạnh… Thông thường trung dung là mức độ trong sự nghiêm khắc nhưng cũng có khi trung dung cho phép một sự nghiêm khắc tột độ, nghiêm khắc đến mức tàn nhẫn…..Theo đúng tinh thần của Khổng, Mạnh trung dung là đứng giữa (chứ không phải là khư khư  bám lấy một trung điểm) và tự dành cho mình quyền tính đến và lựa chọn trong cả trăm khả năng, kể cả quyền đi tới cùng phía thái cực này hoặc phía thái cực kia. Lựa chọn khả năng nào là tuỳ theo thời và thế…..trung dung không bao giờ cố định ở một điểm nào, nó là một sự biến thiên liên tục…..

Trung dung của Khổng Tử có ý nghĩa phổ quát hơn trung dung của Aristote. Trung dung của triết gia Hy Lạp cổ đại dừng lại ở sự chấp trung và giới hạn trong lĩnh vực đạo đức. Trung dung của nhà hiền triết Trung Hoa cổ đại cao hơn chấp trung và được vận dụng trong nhiều lĩnh vực…..” (1)

Như đã nói ở trong các bài viết trước, trái với những  điều mà HNH viết về đảng CSVN  mà chúng tôi đã chứng minh là gồm toàn các điều GIẢ TRÁ, các điều mà đương sự viết về  Nho Giáo lại  là CÓ THẬT và có thề tìm thấy trong các tài liệu, sách vở. nghiên cứu về Nho Giáo. Tuy nhiên, HNH chỉ sao chép lại những gì đã có trong các sách vở hiện hữu mà thôi, chứ KHÔNG có những khám phá mới mẻ liên quan đến các vấn đề được bàn tới.

 

Sau Nho Giáo đến  lượt Lão Giáo được Hoàng Ngọc Hiến đề cập đến trong tiểu mục “Từ tư tưởng “vô vi” của Lão tử đến tư tưởng “Vô vi cư điện các…” của Pháp Thuận

HNH viết: “Trong Đạo đức kinh vô vi đối lập với hữu vi dễ bị hiểu lầm như là sự đối lập giữa không (làm) và có (làm), thực ra đây là sự đối lập giữa hai cách làm. Hữu vi là làm theo cách can thiệp chủ quan (cậy quyền lực một cách vũ đoán, thô bạo), không coi trọng sự phát triển tự thân, tự nội lực của bản thân sự vật, và vô vi là làm theo cách không can thiệp chủ quan, trước sau tôn trọng và nương vào sự tự phát triển của nội giới, nội lực của sự vật….. và câu danh ngôn “vô vi nhi vô bất vi” có thể hiểu là: không làm (theo cách chủ quan, cậy quyền vũ đoán…) thì chẳng có việc gì là không làm…..

Trong việc trị dân cũng vậy, Lão tử đặc biệt quan tâm đến nội giới, nội lực ở bản thân người dân. Lời của thánh nhân (minh triết) [xem th. 57]: “ngã vô vi nhi dân tự hóa… ngã vô sự nhi dân tự phú…” (…ta không làm [theo cách can thiệp chủ quan, cậy quyền vũ đoán], vậy thế mà dân tự cải hóa…, ta không làm [theo cách đa sự, sinh sự] vậy thế mà dân tự phú túc…). Như vậy “vô vi” không có nghĩa là “không làm”. “Nếu vô vi là không làm gì cả thì Lão tử đã không viết Đạo đức kinh ra làm gì!” (Nguyễn Duy Cần).Vô vi là một cách làm biết nương theo cái “tự nhiên” của sự vật, tức là sự phát triển của nội lực sự vật.….

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của chúng ta minh triết “vô vi” sớm được nêu lên. Vua Lê Đại Hành (941-1005) thường mời Thiền sư Pháp Thuận (916-991) vào triều bàn việc chánh trị và ngoại giao và xem sư như là Quốc Sư. Một lần vua Đại Hành hỏi về vận nước, sư Pháp Thuận bèn dâng một bài kệ:

Vận nước như mây quấn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh.

(trích dẫn từ WikiPhậtgiáo)

Đại ý 2 câu cuối của bài kệ được giảng là: “Nhà Vua ung dung vô vi ngự nơi đền các, mọi chốn đều tắt binh đao”…..

HNH viết tiếp: “Phương Tây có tư tưởng “vô vi” không? Những tư tưởng lớn không thể không có tính phổ quát. Ở phương Tây chắc chắn có những đầu óc nghĩ ra tư tưởng “vô vi”, duy có một điều do truyền thống văn hóa khác nên hình thức diễn đạt khác, vị trí và tầm quan trọng cũng có thể khác vì bị lu mờ bởi những tư tưởng đặc thù khác của phương Tây. Thomas Jefferson (1743-1826), người khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ là một trong những người có công đầu khai quốc Hợp chủng quốc Mỹ. Ông luôn đảm nhiệm những chức vụ quan trọng: thống đốc tiểu bang, đại sứ ở Pháp, quốc vụ khanh, phó tổng thống, 2 nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ… Trong một bức thư viết ngày 12/6/1815 (năm tham chính cuối cùng của ông), T. Jefferson đã tổng kết kinh nghiệm hơn bốn chục năm cầm quyền và hoạt động chính trị của ông như sau: “Tôi hy vọng rằng minh triết của chúng ta sẽ lớn lên cùng với quyền lực của chúng ta và dạy cho chúng ta rằng chúng ta càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực của chúng ta càng lớn”. Đầu t. k. XIX, ở phương Tây thanh thế của triết học nổi trội vượt bậc, minh triết bị lu mờ, thế nhưng điều thứ nhất, điều duy nhất mà Jefferson đòi hỏi ở nhà cầm quyền, ở chính trị gia, đó là minh triết, ở họ minh triết phải tương xứng với quyền lực: “Tôi hy vọng rằng minh triết của chúng ta sẽ lớn lên cùng với quyền lực của chúng ta”. Và tư tưởng “càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực của chúng ta càng lớn” mà minh triết dạy cho ông rất gần với minh triết “vô vi” của Lão tử.” (2)

Hoàng Ngọc Hiến tỏ vẻ ngạc nhiên về câu tuyên bố của Thomas Jefferson “Tôi hy vọng rằng minh triết của chúng ta sẽ lớn lên cùng với quyền lực của chúng ta và dạy cho chúng ta rằng chúng ta càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực của chúng ta càng lớn” mà  theo HNH,  nội dung của câu trên của Thomas Jefferson rất gần với minh triết “vô vi” của Lão tử.

HNH ngạc nhiên là phải vì hình như đó KHÔNG  phải là nội dung và cách thức phát biểu thông thường của một nhà Tư Tưởng hay Chính Trị gia gốc Tây Phương.

Và  hình như  lý do mà HNH đưa ra ở đây để giải thích sự giống nhau giữa tư tưởng của Thomas Jefferson   và chủ trương “Vô Vi” của Lão Tử là vì  “các  tư tưởng lớn thường gặp nhau” chăng ?!

Tuy nhiên, nếu HNH nghiên cứu Lịch Sử kỹ hơn một chút  thì sẽ thấy rằng Nho Giáo cách riêng và Đạo Học ở Viễn Đông cách chung  đã du nhập vào Âu Châu qua trung gian của các Giáo Sĩ Dòng Tên từ các thế kỷ 16.17 thì đến thế kỷ 18 đã khá phổ biến tại đây.

Riêng Hoa Kỳ với hai vị “Khai Quốc Công Thần “ là Benjamin Franklin và Thomas Jefferson, vào khoảng thời gian  này cũng đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của Viễn Đông về mặt Tư Tưởng  nhưng qua trung gian của Pháp, nhất là Voltaire.

Trái với HNH, chúng tôi không lấy làm ngạc nhiên về câu tuyên bố có dáng vẻ  Vô Vi” của Thomas Jefferson được HNH trích dẫn, vì những lý do vừa đề cập ở trên.

 

Trong  chương  Tìm Hiểu Minh Triết Tam Giáo Trong Văn Hóa VN”, nếu phần HNH viết về Nho Giáo có chút ít chi tiết để có thế được xem như một thành phần của một thiên khảo luận ngắn, thì trái lại, trong phần còn lại của chương nói trên, HNH bàn một cách Rất Sơ Sài về các vấn đề còn lại liên quan đến Lão Giáo và Phật Giáo.

Tuy nhiên, về Lão Giáo, HNH ít nhất cũng đã đề cập (dẫu Sơ Sài như vừa nói trên) đến chủ trương Vô Vicốt lõi của Tư Tưởng Lão Trang. Riêng phần liên quan đến Phật Giáo lại còn  không được như vậy, vì sự trình bày của HNH trong phần này tỏ ra vừa Sơ Sài vừa Không phản ảnh được Tinh Hoa của Phật Giáo

Về Phật Giáo, trong tiểu mục  Minh triết 14 điều Phật dạy không bao giờ cũ và tinh thần đổi mới truyền thống trong Phật giáo. HNH viết như sau:

“Thời gian gần đây, ở nhiều chùa, cả trong những tư thất thấy trên những bản in giấy và những bức trướng thêu nêu lên Mười bốn điều Phật dạy cũng có thể gọi là Mười bốn điều minh triết của Phật):

1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
2. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
3. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị
5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
8. Đáng khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi vấp ngã
9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ, trí tuệ
11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
13. Khuyết điểm lớn nhất của đời người là kém hiểu biết
14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.

Điều tôi hết sức kinh ngạc và cũng rất mừng là vào Mạng, tôi thấy có hàng trăm blog dẫn “14 điều Phật dạy”, có khi dẫn hết sức trang trọng, đóng khung và có ảnh Phật ngồi Tòa Sen, có những blog của những cá nhân tự giới thiệu mình không phải là tín hữu Phật giáo….

Những vấn đề được nêu lên trong 14 điều Phật dạy là những tính xấu phổ biến trong nhân loại: tự đại, dối trá, ghen tị, bất hiếu…, những tình thế con người hay gặp phải: tuyệt vọng, vấp ngã…, những khuyết điểm, nhược điểm thường có ở con người: tự ti, kém hiểu biết…, những giá trị ở đâu cũng đáng giá: sức khỏe, trí tuệ… Sức thuyết phục của 14 điều Phật dạy trước hết là ở tính phổ quát, dường như ở bên trên mọi sự phân biệt chủng tộc, dân tộc, văn minh, tín ngưỡng, hệ tư tưởng… 14 điều Phật dạy không hề nhắc đến “nát bàn”, “vô ngã”, “bể khổ”, “giải thoát”… Phải chăng mang mầu sắc giáo lý sức thuyết phục của những lời dạy có thể bị hạn chế? Chẳng hạn đối với những người theo đạo Thiên chúa, đạo Hồi… Phải chăng đây cũng là một đặc trưng của minh triết và những điều minh triết? Cũng cần chú ý đến hình thức diễn đạt những lời dạy (những câu minh triết thường đòi hỏi hình thức diễn đạt đặc sắc). Hình thức diễn đạt hầu hết những điều dạy này của Phật gây hiệu quả bất ngờ. Dối trá thường được xem xét ở bình diện đạo đức, ở lời dạy thứ 3 nó bị phán xét ở bình diện nhận thức: “Ngu dốt lớn nhất của đời người ” (rất có thể “ngu dốt” là từ nôm na để gọi chữ “vô minh” của nhà Phật, ý thức về việc này của người biên tập tiếng Việt 14 điều Phật dạy rất đáng kính trọng). Ở lời dạy thứ 12, khoan dung còn lớn hơn một đức hạnh, nó là “lễ vật lớn nhất của đời người”. Nói đến tài sản, ai cũng nghĩ đến vốn liếng tiền tài, vàng bạc, nhà cửa…, với lời dạy thứ 10, “sức khỏe, trí tuệ” mới là “tài sản lớn nhất của đời người”, không mấy ai nghĩ đến điều này, đọc lời dạy thứ 10, ta “ngộ” ngay ra được, không hiểu sao điều hết sức đơn giản này mà ta không hề nhận ra. (đây cũng là đặc điểm chung của những điều minh triết). Nói đến “bố thí” ta nghĩ đến sự giúp đỡ, sự “an ủi” người “được bố thí”, Phật lại nghĩ “ bố thí” trước hết là niềm “an ủi”, niềm “an ủi lớn nhất của đời người” cho chính người “làm bố thí”. (lại một sự đảo lộn trong nhận thức, thêm một ví dụ nữa về “tính sáng” của minh triết). Người tự ti hay bị coi thường, Phật lại thấy họ là người “đáng thương” (lời dạy thứ 7). Ai cũng biết “bất hiếu” là tội lỗi, theo lời dạy thứ 6, nó là “tội lỗi lớn nhất của đời người”. Trong cả 14 lời dạy, những sự đánh giá đều ở “cấp cao nhất”. Đây là một hình thức gây sự bất ngờ đồng thời tạo ra sự thống nhất của 14 lời dạy của Phật. Bất ngờ nhất là lời dạy thứ nhất. Ai cũng biết cái “tôi” của mình là “đáng ghét”, nhưng thật bất ngờ, nó là “kẻ thù lớn nhất của đời người”. Nói đến “kẻ thù”, người ta nghĩ đến những kẻ thù “hai chân, bốn chân” ở bên ngoài mình, Phật chỉ ra nó là “tự ngã” ở bên trong mình. Cả Phật và “kẻ thù lớn nhất của đời người” đều ở bên trong con người!” (3)

Sở dĩ, ở phần trên, chúng tôi cho rằng sự trình bày của HNH vừa rồi qua “14 điều Phật dạy”,  Không phản ảnh được Tinh Hoa của Phật Giáo là bởi vì theo thiển ý , nó chỉ nói lên nội dung Luân Lý Đạo Đức thông thường của Nhân Loại nói chung, chứ không riêng gì Phật Giáo, theo cách  mà chúng tôi thường gọi là  Lương Tri Công Cảm (common sense, bon sens) chứ KHÔNG phải thực sự là Minh Triết như HNH có vẻ muốn phóng đại ra! Ở đây, tác giả (hay các tác giả) của  “14 điều Phật dạy” áp dụng một vài thủ thuật Tiếp Thị (marketing) như dùng   lối thậm xưng trong khi diễn đạt, như xử dụng từ ngữ trên các bình diện khác nhau theo cách thức ít thấy trước đây nhằm tạo hiểu quả bất ngờ như HNH phân tích ở trên. Mà kết quả nhắm tới có lẽ là để gây sự chú ý nơi độc giả cho mục tiêu Truyền Bá Đạo Phật.

Lý do khiến Hoàng Ngọc Hiến chú ý tới khía cạnh truyền bá này đối với trường hợp “14 điều Phật dạy” nêu trên, phải chăng là tại vì HNH cũng đang làm một công việc tương tự: đó là tìm cách “Đánh Bóng nhân vật Hồ Chí Minh” cùng với  Đảng CSVN, do đó HNH “bụng bảo dạ”  mình phải  cần học hỏi thêm kinh nghiệm của ngưởi khác trong các lãnh vực kế cận chăng ?

Tuy nhiên, thiết tưởng có một sự KHÁC BIỆT nền tảng giữa những người đang làm công việc Truyến Bá “14 điều Phật dạy” và HNH. Tuy cách làm của những người trên , theo thiển ý không phản ảnh cốt lõi hay tinh hoa của Đạo Phật, nhưng mặt khác, nếu xét trên đại cương, thì lối truyền bá của họ cũng không hoàn toàn đi ngược lại với Giáo Lý của Đức Phật.

Trường hợp Hoàng Ngọc Hiến thì KHÁC. Căn cứ trên những tài liệu Lịch Sử qua sách vở và các phương tiện truyền thông  mà số lượng có thể nói là “cao hơn núi” mà mỗi chúng ta có thể đọc được ngày nay, cũng như qua những thí dụ mà chúng tôi đã có dịp trình bày nhằm PHÊ BÌNH cuốn sách “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT” của HNH trong suốt 14 bài viết vừa qua, chúng ta đã biết quá rõ về những TỘI ÁC Tày Trời mà Hồ Chí Minh và đảng CSVN thực hiện đối với nhân dân VN. Nay một “Cán Bộ Văn Hóa” cao cấp của CSVN là Hoàng Ngọc Hiến lại muốn  “Lội Ngược Dòng” và đồng thời  phạm phải một TRỌNG TỘI đối với Quốc Dân Đồng Bào, qua cách  đương sự XUYÊN TẠC Sự Thật và Lịch Sử một cách trắng trợn, “đổi ĐEN thành TRẮNG” “biến GIẢ thành THẬT’,  nâng  Hồ Chí Minh  từ địa vị một tên “Tội Đồ Dân Tộc” lên vai trò của một “nhà minh triết” ???!!!

…..

Đang đề cập đến đặc tính  “Không Bao Giờ Cũ” của “14 điều Phật dạy”, HNH tìm cách chuyển tiếp sang một đề tài khác được HNH đặt tên  là tính chất ĐỔI MỚI của Tư Tưởng Trần Nhân Tông. HNH viết như sau:

“Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có một điểm son về tinh thần đổi mới truyền thống: tư tưởng Trần Nhân Tông (1258-1308). Vua – Phật Trần Nhân Tông là vị anh hùng dân tộc đã hai lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, đồng thời có những công trạng cũng hết sức to lớn về mặt mở nước, dựng nước, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, ông đã chủ trương “sử dụng tiếng Việt như một ngôn ngữ chính thức cùng với chữ Hán”, ông cũng là người sáng lập ra thiền phái Trúc lâm Yên tử, một dòng thiền thuần túy Việt Nam “làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam mấy trăm năm tiếp theo”, đồng thời ông là tác giả của bài phú nổi tiếng mà tư tưởng “cư trần lạc đạo” vẫn được xem là một yếu chỉ của thiền phái Trúc Lâm… 

Trần Nhân Tông đặt rất cao yêu cầu đổi mới trong nhận thức. Trong một bài giảng ở chùa Vĩnh Nghiêm, trước ba câu hỏi của thiền sinh: 

– Thế nào là Phật?

– Thế nào là Pháp? – Thế nào là Tăng? cả ba lần ông chỉ có một câu trả lời: “Hiểu theo lối trước là chẳng phải”.

Phật, pháp, tăng là “tam bảo”, là Nguyên lý của những nguyên lý trong giáo lý đạo Phật. Trần Nhân Tông kiên quyết phủ định cách hiểu theo lối trước chính Nguyên lý ấy. Bất cứ sự đổi mới nhận thức nào cũng phải bắt đầu bằng sự nghi ngờ, phủ định cách hiểu cũ. Trần Nhân Tông là một tấm gương của sự đổi mới tư tưởng và nhận thức. Chắc ông biết quá rõ những vụ án văn tự và sự cố chấp riết róng của người đời trong cách hiểu các thứ kinh bổn: chỉ cần “rời” Kinh một chữ đủ bị lên án biến kinh Phật thành “ma thuyết”. “Phật”, “Pháp”, “Tăng” là “danh” của những khái niệm. Danh có khi chỉ là “vỏ”, cách hiểu những khái niệm mới là “ruột”. Trần Nhân Tông giữ lại những cái “danh”, những cái “vỏ”, về hình thức xem như vẫn giữ lại những “khái niệm”. Ông không đưa ra những khái niệm mới thay cho những khái niệm cũ, ông không đập vỡ, vứt bỏ những cái “vỏ”, mà chú trọng sự thay đổi “ruột” bằng cách đưa ra những cách hiểu “mới”, “tùy duyên”. Phải chăng đây là một kinh nghiệm minh triết của sự đổi mới?

“Đổi mới” đặt ra vấn đề cách đối xử với những truyền thống…..” (4)

Đoạn văn trên  của HNH là cách thức trình bày thông thường có thể được tìm thấy trong đa số  các sách vở viết về Tư Tưởng Trần Nhân Tông, chứ thực ra KHÔNG có gì gọi được là “độc đáo mới mẻ” cả là điều mà (xin được lập lại một lần nữa) chúng ta KHÔNG trông chờ từ một tác giả như Hoàng Ngọc Hiến !

 

Việc bàn về “Tìm Hiểu Minh Triết Tam Giáo Trong Văn Hóa VN” lẽ dĩ nhiên khiến chúng ta liên tưởng đến chủ trương “Tam Giáo Đồng Nguyên” của Khổng-Lão-Phật. HNH cũng không quên điều đó khi viết:

Tam giáo đồng nguyên” là một truyền thống bền vững hàng ngàn năm trong lịch sử văn hóa nước ta. “… truyền thống tư tưởng dân tộc – Nguyễn Huệ Chi viết – vốn lấy sự dung hợp các hệ tư tưởng, sự chung sống hoà bình giữa các trường phái Nho, Phật, Đạo làm phương thức sinh tồn” ([2]). Có thể nói đến nguyên tắc “đồng nguyên” như một nét căn cốt của bản lĩnh văn hóa dân tộc. Từ cuối thế kỷ 11 trong bài làm của Đỗ Đô (?) đậu Minh kinh khoa năm Sửu (1097) (năm sau lại đậu Khoa Tam giáo) có câu:

Phật, Nho, Lão thị tam gia nhất trù,

Quân, sư, phụ nại ngũ luân chi yếu

(tạm dịch: Đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão trong ba nhà mà một bếp. Vua, Thày, Cha là cốt yếu của ngũ luân ([3])

Đến thế kỷ XIII, nguyên tắc này được khẳng định trong Khóa hư lục của Trần Thái Tông (1218 – 1277).

… Vị minh nhân vọng phân tam giáo,

liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm …

Dịch nghĩa:

… Người chưa hiểu chia bừa thành tam giáo,

Giác ngộ rồi cùng thấu một chữ tâm…”

HNH viết tiếp:

…..Khổng Tử, Jesus, Tôn Dật Tiên – Hồ Chủ Tịch nói, – chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” ([5]).”

“Trong suy nghĩ của “người học trò nhỏ”, tư tưởng của những vĩ nhân đại diện cho những hệ tôn giáo, triết học rất khác nhau thuộc những thời đại lịch sử và những nền văn hóa hoàn toàn khác nhau được quy “đồng nguyên” ở cái “tâm” với nhân quần xã hội.và “tâm” chính là đầu nguồn của những giá trị minh triết. Tư tưởng “đồng nguyên văn hóa” ở Hồ Chủ Tịch – nếu như có một tư tưởng như vậy – được đặt ở chữ “tâm” và vượt ra ngoài văn cảnh dân tộc”. (5)

 

Trước khi bàn về “Tam Giáo Đồng Nguyên”, chúng tôi xin được phép đặt câu hỏi sau đây cùng với Quý Độc Gỉả  là trong  cuộc đời của mình, Quý Vị có bao giờ tiếp cận với  một cái gì   Kệch Cỡm, Đạo Đức Giả, Phản Sự Thật như đoạn văn trên đây của Hoàng Ngọc Hiến.

Một kẻ như Hồ Chí Minh suốt một đời đi làm tôi mọi cho phong trào CS Quốc Tế nhằm thực hiện giấc mộng ngông cuồng của bọn chúng là đem xiềng xích nô lệ tròng lên đầu trên cổ toàn Thế Giới, với  âm mưu đen tối nêu trên được mở đầu bằng việc đem lại Chiến Tranh, Khổ Đau, Nghèo Đói  cho toàn thế Dân Tộc VN,  đồng thời   làm tan nát hàng triệu, chục triệu gia đình VN, nay HCM lại “lên mặt”  LẠM BÀN về việc  mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội.???!!!

Một kẻ như HCM suốt một đời chỉ chăm chú vào một việc là GÂY CHIA RẼ, HẬN THÙ giữa Đồng Chí với Đồng Chí CS với nhau, giữa đảng CSVN và các đoàn thể Quốc Gia, giữa các Tầng Lớp khác nhau trong xã hội VN….. nay lại “lên mặt”  LẠM BÀN về việc chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết…???!!!

Một kẻ như HCM suốt một đời chỉ muốn CỠI ĐẦU CỠI CỔ Thiên Hạ, nay lại chỉ muốn cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy ???!!!

Trên đây là phần “đóng góp” của Hồ Chí Minh. Về phần minh, Hoàng Ngọc Hiến  cũng không quên  “Phụ Họa”  vào bằng cách  ví von và khai triển thêm chủ đề  “người học trò nhỏ”   nhằm biến “lãnh tụ vô vàn  kính yêu ” HCM của mình thành nơi “hội tụ   tư tưởng của những vĩ nhân đại diện cho những hệ tôn giáo, triết học rất khác nhau thuộc những thời đại lịch sử và những nền văn hóa hoàn toàn khác nhau được quy “đồng nguyên” ở cái “tâm” với nhân quần xã hội…..là đầu nguồn của những giá trị minh triết…..ở Hồ Chủ Tịch ???!!!

 

Quý Vị nào biết trên  cõi đời này, có một VĂN NÔ nào khác làm xong nhiệm vụ của mình một cách “Hoàn Hảo”, “Hữu Hiệu” như  Hoàng Ngọc Hiến đã làm ở đây  đối với Hồ  Chí Minh hay không  ???

 

ĐÚNG LÀ THẦY SAO TRÒ VẬY! LÃNH TỤ NÀO THUỘC HẠ NẤY!!!

 

Xin được trở lại với “Tam Giáo Đồng Nguyên”  mà chủ trương được dựa trên “Đức TƯƠNG DUNG (Tolerance) là  một nét đặc sắc của Tam giáo và ta có thể gọi Viễn Đông là quê hương của đức Tương Dung cũng như vườn ươm các cố gắng tổng hợp tôn giáo.

Có lẽ xưa kia nước Nga là một địa điểm thuận tiện nhất để quan sát nét đặc sắc của Đông Phương. Vì mạn Đông của Nga chịu ảnh hưởng của Phật và một ít Nho, Lão. Các Nga hoàng nhận thức được điểm đó nên thường khuyến khích các giáo phái ở mạn Tây tản cư qua rặng núi Caucase và Oural để tránh sự bách hại của nhóm chính thống thường gây ra bên miền tây (Herbert 136, Introd. À l’Asie).

Một khi bước chân vào miền đông, họ sẽ thở hút bầu khí tương dung cởi mở, “bên cha cũng kính, bên mẹ cũng vái”. Cùng trong một gia đình có khi bà theo Lão, mẹ theo Phật, cha theo Khổng và vẫn niềm nở đón nhận những ngày cúng vái siêu độ.

Hơn thế nữa một người theo hai ba tôn giáo là chuyện thường…..

Giáo sư Herbert nhận xét rất đúng bên Viễn Đông một ông quan có thể theo Khổng lúc làm việc ở công đường, theo Lão lúc nhàn tản ngao du sơn thuỷ, rồi theo Phật trong lục tọa thiền. Ta có thể nói chung rằng trong những thời kỳ văn hóa lên cao, thì hiện tượng tam giáo hòa hợp cũng trở nên khăng khít và một học giả theo cả ba đạo là chuyện rất thường, như bên Trung Hoa đời Tống hay bên Việt Nam đời Lý, Trần.

Nhờ óc tương dung đó mà khu vực ảnh hưởng của tam giáo mở ra rất rộng lớn. Từ Tibet đến Tích lan, từ sông Gange đến Nhật Bản cũng như số người hấp thụ rất đông, vượt xa các nhóm tôn giáo khác và hiện nay Nho Thích được kể là hai đạo lớn trong số 5 tôn giáo của nhân loại (xem Les cinq grandes religions du monde của Glassenapp. Payot). Cho nên trong dĩ vãng tam giáo Đông Phương là một sự kiện văn hóa mênh mông đồ sộ, có một thành tích thống nhất nhân loại rất đáng kính nể và cứ sự có lẽ đó là một thực hiện đầu tiên của lý tưởng chung sống êm đềm. Ai nấy vẫn giữ được sắc thái riêng của mình và gần đây cả ba vẫn còn gây ảnh hưởng vào nền văn hóa mới.” (6)

Trong thực tế, lẽ dĩ nhiên  tam giáo không phải luôn luôn tạo nên được bầu khí tương dung tốt đẹp như vừa kể trên, mà trái lại cũng  có những thời kỳ xảy ra những vụ xích mích, bách hại, đả kích nhau nhưthế kỷ XII vào cuối đời nhà Lý tại VN khi cả ba phái Khổng Lão Phật đều trải qua một giai đoạn Suy Vi.

Tuy nhiên, trên đây là những thời kỳ và những trường hợp ngoại lệ trong một Bức Tranh toàn diện mà đức Tương Dung là nét Nổi Bật nhất

Đó quả là một Thành Tích đáng nể khi đem so sánh với Lịch Sử Tây Phương chẳng hạn, nơi đây hiện hữu  trên vài chục thế kỷ, hình thức xung đột đẩm máu giữa hai phe Hữu Thần và Vô Thần, các cuộc Thánh Chiến với Thập Tự Quân kéo dài từ thế kỷ này qua thế kỷ khác giữa Thiên Chúa giáo và Hồi Giáo, các cuộc Thánh Chiến giữa các Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành  trong lòng Thiên Chúa Giáo bắt đầu từ  khoảng thế kỷ 15 tại các nước Tây Phương, riêng với  Bắc Ái Nhĩ Lan (Northern Ireland) kéo dài cho đến tận cuối thế kỷ 20,  trên nguyên tắc chấm dứt vào năm 1998, nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục “lai rai” .

Thật vậy, tại VN sau thời kỳ Suy Vi nói trên , “năm Ất dậu 1225, nhà Trần thay ngôi nhà Lý, vẫn duy trì đường lối Giáo Dục hiếu sinh, hiếu hòa, bao dung, tha thứ và chính sách Quốc Phòng ‘ngụ binh ư nông dân’ của đầu đời nhà Lý.

Ðể ổn định dân tâm, dẹp bỏ tỵ hiềm giữa tam giáo Khổng-Lão-Phật  xảy ra vào cuối  thời nhà Lý ảnh hưởng đến phong hoá và tinh thần đoàn kết dân tộc, Vua Trần Thái Tông nhận thức rằng tam giáo KLP đồng nguyên về một trọng tâm, nhưng dị biệt về phương pháp luận và nghi thức thực hành. Vào dịp này, nhà Vua ban chiếu giáo hoá môn đồ của tam giáo KLP rằng :

“Sách Nho thuyết việc thi hành đức Nhân sao cho khắp. Kinh sách của Ðạo gia khuyên yêu mọi vật và tôn trọng sự sống. Phật dạy không giết hại chúng sinh. Chưa sáng tỏ chân lý, người ta lầm tưởng ba giáo lý Khổng, Lão, Phật khác nhau. Khi đã hiểu đến nơi đến chốn rồi, thấy chỉ là cùng đi tới một trọng tâm mà thôi”.

Nguyên văn : “Nho điển thi nhân bố đức. Ðạo kinh ái vật hiếu sinh. Phật duy giới sát thị trì. Vị minh nhân, vọng phân tam giáo. Liễu đắc, đề đồng ngộ nhất tâm”.

( Nguyễn đăng Thục, Trần thái Tông, Khuyến phát Bồ đề tâm văn)

Vua Trần thái Tông còn khuyên Tam Giáo tôn trọng luật pháp và tín ngưỡng của dân tộc Ðại Việt. Ðồng thời cho phép tam giáo  Khổng-Lão-Phật  tự do , đồng lưu phát triển giáo lý trong hoà bình”.(7)

 

Tuy nhiên, muốn nắm vững Căn Nguyên, Nền Tảng của chủ trương “Tam Giáo Đồng Nguyên”, chúng ta cần phải vượt qua giai đoạn Lý- Trần để trở về với Cội Nguồn Văn Hóa Dân Tộc  từ giai đoạn Đông Sơn (quãng 1000 năm) lên đến Phùng Nguyên (quãng 3000 năm), Bắc Sơn (quãng 5000 năm), Hòa Bình (quãng 10000 năm) và còn xa hơn thế nữa trở vê trước.

Ngoài ra, Biểu Tượng chói chang nhất, bản Tóm Lược đầy đủ nhất nội dung Triết Lý của nền Văn Hóa VIỆT là TRỐNG ĐỒNG.

Mà khi nhìn toàn thể TRỐNG ĐỒNG “theo lối Cơ Cấu ta thấy đó là lối THÁI HÒA tức có hai yếu tố quan trọng một là Hài Hòa: tất cả người vật đều Hòa với nhau được biểu thị bằng ca vũ, cũng như cùng tiến bước theo lối tả nhậm. Yếu tố thứ hai nằm trong chữ Thái (thái hòa) tức không phải một sự hài hòa hạn cục phần mớ, nhưng là mối hòa hợp bao la như vũ trụ gồm cả trời, đất, người. Thật không thể đạt sự hòa hợp lớn lao hơn được nữa, như vậy có nghĩa là nền đạo lý tiềm ẩn bên trong đã đi đến chỗ cùng lý tận tính: vì những yếu tố tối quan trọng làm nên đạo trời, đạo người đều hòa hợp. Nói khác có đủ Thiên sinh đại biểu do mặt trời ở trung tâm, Địa dưỡng đại biểu do chim muông đất nước ở vòng ngoài, Nhân hòa là những con người đang ca múa ở vòng giữa”. (8)Trên đây là cái nhìn cai quát theo lối Cơ Cấu.

…..

Đó là lý do sâu xa giải thích tại sao chỉ ở Viễn Đông, nhất là Việt Nam, mới xảy ra “hiện tượng”  TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN. Là vì Văn Hóa tại đây, như vừa đề cập ở trên,  nhờ được đặt trên chữ HÒA cũng như nhờ đã đạt được tầng Cao Nhất của chữ HÒA là THÁI HÒA, do đó  mới có khả năng làm nảy sinh ra Đức TƯƠNG DUNG (Tolerance), vừa là nét Đặc Sắc của Tam Giáo Khổng- Lão –Phật vừa là Nền Tảng của “Tam Giáo Đồng Nguyên”  là “hiện tượng” đặc biệt Nổi Bật  vào những thời kỳ văn hóa lên cao như đời Tống bên Tàu hay đời Lý Trần bên VN.

Lê Việt Thường

CHÚ THÍCH

(1)       Hoàng Ngọc Hiến, “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT”, NXB Tri Thức, Hà Nội, VN, 2011, tr. 71-73

(2)       Idem, tr.74-77

(3)       Idem, tr. 77-80

(4)       Idem, tr. 81-83

(5)       Idem, tr. 87-89

(6)       Kim Định, http://vietnamvanhien.net/trietlygiaoduc.pdf, V)Tam Giáo 5) Đức Tương Dung

(7)       Nguyễn Hợp Minh,  https://minhtrietviet.net/tin-nguong-viet-nam/

(8)       Kim Định, http://vietnamvanhien.net/sudieptrongdong.pdf , 3) Cảnh Thái Hòa Trên Trống Đồng

 Trở Về

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

 

 

 

 

 

Tìm Kiếm