Lê Việt Thường
LUẬN BÀN MINH TRIẾT & MINH TRIẾT VIỆT
(Bài Mười Một)
TÁC HẠI CỦA VĂN HÓA TÂY PHƯƠNG QUA TƯ BẢN & CỘNG SẢN (Phần Một)
Không cần kể đến lý thuyết Mác-Xít, nhất là khi được áp dụng trong các chế độ Cộng Sản trước đây tại Liên Xô và các nước Đông Âu, và nay vẫn còn tiếp tục tại Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba, mà từ lâu đã trở thành “đồ phế thải, cặn bã”, nằm ở đáy tầng của nền Văn Hóa Tây Phương, (vì như chúng tôi đã có dịp trình bày và lập luận trong các bài viết trước đây, bất cứ điều gì của Nhân Loại nói chung có chút giá trị nào đó,mà nếu không may “sa” vào các “tay phù thủy Mác-Xít” thì trở thành Điều GIAN DỐI, TRÁ NGỤY ngay lập tức !!!), nhưng ngay tại các nước gọi là tiền tiến ngày nay, do bầu khí Văn Hóa Duy Vật MỘT CHIỀU, hình như không có điều gì thực sự còn được xem là Thiêng Liêng nữa ! (không kể đến khía cạnh “linh thiêng siêu nhiên” đặc thù của các Tôn Giáo).
Xưa kia bên Viễn Đông, các nhà Nho chân chính xem VƯƠNG ĐẠO (tương đương với DÂN CHỦ ngày nay) như một Đạo Sống được các Vị này theo đuổi suốt đời như một Lý Tưởng để Tu Thân cũng như để Phục Vụ Nhân Quần. Trong khi đó, đa số những người “làm Chính Trị” ngày nay xem sinh hoạt này CHỈ như một cái “nghề” (nghề toàn thời hay nghề “tay trái” tùy trường hợp ), do đó, các ý tưởng “Dân Chủ”, “”Nhân Quyền” chẳng hạn thay vì được “trân trọng” như một Lý Tưởng, một Đạo Sống mà một người thực sự ý thức phải biết đem cả thân tâm, cuộc đời hi hiến cho Lý Tưởng này, thì trong bầu khí Văn Hóa Duy Vật, Duy Lợi ngày nay, mà ngôn ngữ nặng về mặt Tuyên Truyền, Tiếp Thị (marketing) như kiểu “thuận mua vừa bán”, các ý niệm “Dân Chủ”, “Nhân Quyền”….bị “tầm thường hóa”, “trần tục hóa” để trở thành những món hàng, thời trang, mà giới Chính Trị cần “mua sắm” để “khoe mẻ” với thiên hạ, đó có lẽ là nguyên nhân đã đưa đến hiện tượng mà nhà bình luận Chính Trị nổi tiếng Fareed Zakaria mô tả qua câu phát biểu “ Dân Chủ (theo nghĩa có bầu cử ) đang nở rộ nhưng Tự Do Hiến Định (constitutional liberalism) thì KHÔNG!”
Do đó, chẳng lạ gì , như Zakaria nhận xét vào năm 1997 rằng “Cách đây 7 năm chỉ có 22% các quốc gia đang dân chủ hoá có thể được xếp vào loại này, và chỉ hai năm sau đó, chỉ số này đã tăng lên tới 35%.” Tuy nhiên, điều đáng phàn nàn ở đây theo Zakaria, là sự kiện các nước mới “dân chủ hóa” này, tuy mang tiếng “Dân Chủ”(theo nghĩa “có bầu cử”) nhưng thực sự KHÔNG có Tự Do, nên được Zakaria đặt tên là các nền “Dân Chủ Phi Tự Do” (Iliberal Democracy).
Một thí dụ khác liên quan đến việc so sánh sự kiện đa số giới Chính Trị gia ngày nay trên thế giới xem việc áp dụng thế chế Dân Chủ vào nước họ như mua sắm một món hàng thời trang: cũng theo Zakaria: “Tại châu Phi, quá trình dân chủ hoá diễn ra với tốc độ nhanh đặc biệt. Chỉ trong 6 tháng của năm 1990, rất nhiều các quốc gia dùng tiếng Pháp đã bãi bỏ lệnh cấm hoạt động đa đảng. Nhưng cho dù phần lớn các quốc gia cận Sahara (gồm 45 quốc gia), từ năm 1991, đã tổ chức bầu cử (riêng năm 1996 đã có 18 cuộc bầu cử), trên thực tế đã có sự thụt lùi về tình trạng Tự Do tại nhiều nước. Một trong những nhà quan sát cẩn trọng nhất về làn sóng dân chủ hoá tại châu Phi là Michael Chege đã rút ra một bài học là lục địa này “đã quá nhấn mạnh vào các cuộc bầu cử đa đảng…và một cách tương ứng đã sao nhãng những nguyên tắc cơ bản của cách lãnh đạo quốc gia theo lề lối Tự Do” (1)
Như chúng tôi đã lập luận trong bài viết tháng trước, về nền Dân Chủ của ngưới Tây Phương rằng từ khoảng 300 năm nay, nhờ các LỢI THẾ do Khoa Học và Thuộc Địa mang lại, người Tây Phương đã xây đắp được cho họ một số CƠ CHẾ Cần Thiết cho việc đặt Nền Móng cho một THỂ CHẾ Dân Chủ, mà hệ quả là đối với “trò chơi Dân Chủ”, người Tây Phương có cái tạm gọi là những “Luật Chơi” là những Cơ Chế Pháp Lý Chính Trị vừa đề cập ở trên nhưng điều đáng tiếc là ở một khía cạnh khác, vì lý do nền Triết Lý Chính Trị Tây Phương KHÔNG “móc nối” được với MINH TRIẾT Uyên Nguyên, do đó chưa đạt được Tinh Thấn DÂN CHỦ Chân Thực, mà hệ quả như đã đề cập trước đây là các tay Tư Bản có tầm vóc Quốc Tế như Rupert Murdoch chẳng hạn với thế lực Tiền Tài và phương tiện Truyền Thống trong tay, có khả năng QUA MẶT được các “Luật Chơi” nêu trên, bao gồm các Cơ Chế của các nền Pháp Lý Chính Trị của các quốc gia Địa Phương. Đó là lý do chính yếu khiến chúng tôi gọi nền Dân Chủ kiểu Tây Phương là nền DÂN CHỦ HÌNH THỨC.
Tuy nhiên, người Tây Phương hiện nay ít nhất có cái mà đa số các nước khác trên thế giới chưa hội đủ điều kiện để có, mà nói một cách “nôm na”, là các “Luật Chơi” của “trò chơi Dân Chủ”! Do đó, nếu nền Dân Chủ kiểu Tây Phương tự thân đã mang sẵn tính HÌNH THỨC, thì tính chất Hình Thức lại gia tăng gấp bội đối với đa số các nước khác trên thế giới đến nỗi tại các nước này, các ý niệm “Dân Chủ”, “Nhân Quyền”….. như vừa trình bày ở trên có khi chỉ còn là những món hàng thời thượng để giới lãnh đạo chính trị bản xứ xử dụng hầu có cơ hội “làm dáng” với thiên hạ mà thôi, như trường hợp các nước Phi Châu vừa đề cập ở trên chẳng hạn !!!
Có lẽ vì con người ngày nay nói chung có tâm lý rất hời hợt , ngay cả các nhà quan sát Chính Trị trong địa hạt chuyên môn của mình , khiến họ dễ Lẫn Lộn cái GIẢ với cái THẬT và điều này có lẽ cũng là Nguyên Nhân gây ra tình trạng HIỂU LẦM nơi các nhà bình luận Chính Trị cách đây vài năm về cái gọi là “Mùa Xuân Á Rập”.
Riêng tại Ai Cập, sau cuộc bầu cử Quốc Hội được tổ chức vào cuối năm 2011 đầu năm 2012, trong khi các quốc gia Tây Phương đang “niềm nở tiếp đón” Ai Cập vào cái gọi là “Cộng Đồng các quốc gia Dân Chủ”, thì chính Ai Cập đang “lún dần” vào “vực sâu” Kinh Tế với sự thiếu hụt thực phẩm, xăng nhớt cùng với sự thiếu vắng an ninh đạt tới mức độ “kinh hoàng” ! Tình trạng Bạo Động gây ra do óc kỳ thị , bè phái như với sự ngược đãi các giáo phái Thiên Chúa giáo gốc “Coptic” chiếm khoảng 10% dân số Á Rập và theo sau là sự xung đột giữa hai cộng đồng Sunni và Shia. Tỷ lệ ám sát gia tăng gấp 3 . Tình hình tại Ai Cập trở nên “rối beng” nên các Tướng Lãnh thừa cơ hội trở lại nắm quyền hành.
Nhưng theo một vài nhà quan sát Chính Trị am hiểu tình hình, hiện tượng “Mùa Xuân Á Rập” là một sự đòi hỏi về TỰ DO hơn là DÂN CHỦ (theo nghĩa “có bầu cử”) và theo họ, sự phân biệt này có tính cách CỐT LÕI đối với vấn đề. Lấy thí dụ trường hợp của Mohamed Bouazizi mà hành động Tự Thiêu cách đây hơn 2 năm trong một cái “chợ” lộ thiên trên một đường phố tại Tunisia, gây ra một chuỗi giây chuyền các biến cố khác. Theo lời các người thân trong gia đình Bouazizi, Mohamed không quan tâm gì đến Chính Trị cả. Loại Tự Do mà Mohamed mong muốn là được quyền “mua đi bán lại”, được quyền gầy dựng cho bản thân mình một chút cơ sở để “kinh doanh” , mà không bị ép buộc phải hối lộ cho công an cảnh sát hay “nơm nớp” lo sợ “hàng hóa” của mình bị tịch thâu một cách “ẩu tả” bất cứ khi nào!
Tất cả các điều trên đã được xác minh bởi Hernando de Soto, một Kinh Tế gia gốc Peru đã tới Ai Cập để điều tra về Nguyên Nhân gây ra hiện tượng “Mùa Xuân Á Rập”. Nhóm nghiên cứu của de Soto nhận thấy hành động của Bouazizi đã là nguyên nhân đưa tới 60 trường họp Tự Thiêu tương tự, kể cả 5 trường hợp xảy ra tại Ai Cập, mà hầu hết các “ca” nêu trên không được giới Báo Chí quan tâm đến. Lối tường thuật điển hình của giới Báo Chí quốc tế trong các vụ này bắt chước lối giải thích liên quan đến các vụ lật đổ Chế Độ Cộng Sản tại Liên Xô và các nước Đông Âu vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, nghĩa là kèm với giả thiết là có phải có Thay Đổi Chế Độ !
Nếu đối với trường hợp trước đây, sự thay đổi chế độ tỏ ra tối cần thiết, có thể nói là cốt lõi nữa vì chủ nghĩa Cộng Sản từ lâu là nguyên nhân của không biết bao nhiêu tai ương, thống khổ cho Nhân Loại, về mặt Chính Trị còn là một THẢM HỎA chưa từng thấy đối với Lịch Sử con người, nhưng đối với các trường họp khác, thay đổi chế độ chưa chắc đã giải quyết vấn đề, nếu không đi kèm với những thay đổi cụ thể ở các bình diện khác, như các diễn tiến gần đây tại Ai Cập cho thấy.
Đề tìm hiểu về thực chất của hiện tượng “Mùa Xuân Á Rập” nhóm nghiên cứu của de Soto theo dõi dấu vết của những nạn nhân còn sống sót sau khi tìm cách Tự Sát cũng như thân nhân của các ngưới quá cố trong các vụ Tự Thiêu nêu trên. Lần nào cũng như lần nấy, một câu chuyện tương tự được kể đi kể lại: đó là sư phản kháng lại việc chính quyền cướp đoạt cái Tự Do căn bản về quyền sở hữu và tậu lập một chút cơ sở để làm “vốn liếng”.
Bouazizi tự vẫn sau khi cảnh sát tịch thu tất cả trái cây và một cái cân “điện tử” “mua lại” của mình. Đó là tất cả những gì mà Bouazizi sở hữu . Bouazizi buôn bán giỏi: do đó hy vọng sẽ dành dụm đủ tiền để sắm một chiếc xe hơi cũng như khuếch trương thương nghiệp của mình. Nếu căn cứ trên những dữ kiện vừa nêu trên , thì sự kiện mất một ít trái cây và một cái cân trị giá khoảng 100 đô la đưa tới việc Bouazizi quyết định tự vẫn , mới xem qua thì có vẻ “hơi lạ lùng” đối với một người bàng quan. Nhưng nếu chịu đào sâu thêm một chút, thì ta sẽ hiểu rõ hơn nguyên nhân của vấn đề : Bouazizi biết rằng từ nay kẻ thù của mình là giới cảnh sát, mà hệ quả của điều trên là Bouazizi sẽ không được tiếp tục buôn bán nữa. Các người thân của Bouazizi cho biết Bouazizi cảm thấy cuộc đời của mình đã chấm dứt từ đây, và nghĩ rằng cái chết của chính mình nếu thực sự hữu ích cho một mục tiêu tranh đấu nào đó có lẽ theo Bouazizi, thì là cho giới Nghèo khó có được cái Quyền “mua đi bán lại” !
Đối với đại đa số các quốc gia đang phát triển, loại quyền này thực sự không hiện hữu. Ở mặt lý thuyết, mọi người được luật pháp bảo vệ . Nhưng trên thực tế, tiến trình tậu dựng một cái môn bài phải trải qua nhiều chặng rất nhiêu khê phiền toái đầy tính cách quan liêu, “cửa quyền ” “đút lót”, hối lộ…..của các cơ quan nhà nước. Do đó, chỉ có một thiểu số rất nhỏ qua được các “cửa ải” nêu trên.. Theo nhà Kinh Tế de Soro, điều trên phần lớn là nguyên nhân của tình trạng nghèo đói trên thế giới. “Ra khỏi khuôn viên khách sạn “Nile Hilton”, ông nói “Quí Vị để lại đàng sau KHÔNG phải thế giới Internet, các máy bán kem, các thuốc trụ sinh”. Giới nghèo khó có thể tới gần tất cả các thứ kể trên, nếu thực sự họ mong muốn. “Mà là thế giới của các hợp đồng, văn kiện, khế ước liên quan đến quyền sở hữu tài sản mà các người liên hệ bị pháp luật bắt buộc phải tuân thủ, thi hành”. Xét cho cùng, các người buôn bán nêu trên thực sự không phạm luật, mà luật pháp “phạm” đến họ !!!
Lấy trường hợp Fadoua Laroui, một bà mẹ người Maroc, mà diễn trình tự sát được quay phim. Bà giải thích lý do tại sao bà tự thiêu trước khi tự châm lửa. “Tôi tự sát để phản kháng lại thái độ khinh miệt và kỳ thị của người ta đối với những người buôn bán nhỏ như tôi”. Đó cũng là thái độ của giới cảnh sát đối với Bouazizi. Chuyển kể tương tự được lập lại đối với các nạn nhân còn sống sót trong các vụ tự sát khác cũng như với thân nhân của các người đã chết. Anh của Bouazizi giải thích vấn đề với ông de Soto như sau: “Những người như Mohamed quan tâm với chuyện buôn bán. Họ không hiểu tí gì về Chính Trị.”
Trên nguyên tắc, pháp luật che chở mọi người. Nhưng dưới chính quyền của Hosni Mubarak chẳng hạn, để mở một tiệm bánh mì nhỏ, phải mất hơn 500 ngày với bộ máy quan liêu của Ai Cập. Mở một cơ sở thương mại ở Ai Cập có nghĩa là phải đối phó với 29 cơ quan khác nhau của chính quyền.Một tình trạng tương tự hiện hữu tại các nước khác trong vùng. : người dân Á Rập trung bình cần phải xuất trình khoảng 4 tá tài liệu văn kiện và chịu đựng khoảng 2 năm các thủ tục hành chánh rối rắm phiền toái để có thể sở hữu một miếng đất hoặc một cơ sở thương mại trước pháp luật. Nếu quý vị nào không có đủ thời giờ hay tiền bạc để thực hiện các điều trên, thì sẽ vĩnh viễn bị “chôn vùi” trong lòng thế giới chợ đen. Dẫu tài giỏi đến mức nào đi nữa trong lãnh vực kinh doanh, quý vị sẽ không bao giờ thoát khỏi kiếp nghèo khó! Người dân Á Rập rất phẫn nộ đối với tình trạng nêu trên, và đó là lý do khiến họ chọn giải pháp Tự Thiêu…..
Vào khoảng cuối tháng 6/2013, nhà Kinh Tế de Soto có dịp ra điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ về vấn đề nêu trên. Theo de Soto, các quốc gia Tây Phương đã hiểu sai ý nghĩa của hiện tượng “Mùa Xuân Á Rập” và đã bỏ lỡ một cơ hội to lớn. Bouazizi và 5 người Ai Cập tự sát đã nói giùm cho 380 triệu người Á Rập đang sống trong tình trạng thiếu vắng quyền sở hữu tài sản hoặc thiếu vắng sự che chở pháp lý một cách nào đó. Nếu các quốc gia Tây Phương thực sự muốn tranh đấu cho người dân Á Rập bằng cách đòi hỏi các nhà cầm quyền Á Rập phải nới rộng các quyền sở hữu tài sản trong nước họ để được ngoại viện, thì điều này có thể trở thành chiến lược chống nghèo đói hữu hiệu nhất từ trước đến nay, đồng thời người Tây Phương sẽ có thêm hàng triệu bạn hữu mới trong thế giới Á rập ”. (2)
Tóm lại. các điều vừa được trình bày ở trên là nội dung của buổi điều trần của nhà Kinh Tế gốc Peru trước Quốc Hội Hoa Kỳ gần đây. Đó là những đề nghị của ông de Soto đối với chính quyền và nhân dân HK. Còn việc Hoa Kỳ có muốn áp dụng các đề nghị trên của ông de Soto vào chính sách ngoại giao của nước này hay không là một chuyện khác. Nếu các người làm Chính Trị cách chung và giới chính trị gia HK cách riêng thực sự tin tưởng vào lý tưởng Dân Chủ, Nhân Quyền hầu biến chúng từ tình trạng các ý niệm trừu tượng trở thành những Tư Tưởng sống động hướng dẫn cuộc đời của họ, nói một cách vắn tắt là một ĐẠO SỐNG, thì các đề nghị của ông de Soto sẽ có nhiều cơ may trở thành hiện thực. Còn với loại tâm lý hiện nay của đại đa số chính khách mà các từ “dân chủ”, “ nhân quyền”….thông thường chỉ dừng lại ở “đầu môi chót lưỡi” của bọn họ , thì có nhiều cơ may tình trạng vẫn tiếp tục như cũ !!!
Những vấn đề oái ăm phức tạp mà các nước Á Rập đang phải đối phó không chỉ xuất phát từ tình trạng hiện tại hoặc từ lịch sử của những người Á Rập với nhau, mà còn là “phó sản” của chính sách Thực Dân, Thuộc Địa mà người Tây Phương đã áp dụng trước đây tại vùng này.
Thật vậy, mấu chốt của vấn đề liên quan đến chính sách Thuộc Địa mà qua đó người Tây Phương đã gây ra biết bao phiền nhiễu,rắc rối cho các nước Á Rập sau này và vẫn còn tiếp tục cho đến tận hôm nay, bắt nguồn phần lớn từ Hiệp Định Sykes-Picot được ký kết vào năm 1916, trong vòng bí mật giữa Anh và Pháp (với một vai trò nhỏ của Nga Hoàng) nhằm mục tiêu chia đất và vùng ảnh hưởng tại Trung Đông giữa hai cường quốc này, sau khi Đế Quốc Thổ sụp đổ.
Sykes và Picot là tên của hai nhà ngoại giao đại diện cho hai chính phủ Anh (Sykes) và Pháp (Picot). Vào thời kỳ này. Anh và Pháp tìm cách chia chát với nhau đất vùng phía Đông của Đế Quốc Thổ cũ.Vấn đề ở đây không phải chỉ đơn thuần là chia đất, mà còn là việc chia đất được thực thi một cách chủ quan và tùy tiện vì có vẻ họ chỉ nghĩa đến quyền lợi của nước họ mà thôi, bất chấp đến hậu quả lâu dài của công việc này, đặc biệt liên quan đến cách thức mà việc chia đất được thực thi, đối với tương lai của các cư dân vùng này.
Do đó, có người thắc mắc là tại sao biên giới của các nước Jordan, Iraq, Syria ngày nay lại làm bằng nhiều đường thẳng tắp như vậy ? Để hiểu rõ vấn đề hơn, sau đây là một thí dụ về lề lối mà việc chia đất đã được thực hiện:
“Khi Ngoại Trưởng Anh Lord Balfour hỏi Sykes về cách thức mà Sykes dự định sẽ áp dụng nhằm phân ranh giới giữa hai vùng ảnh hưởng của Anh và Pháp. Sykes bèn dùng ngón tay của mình vạch một đường dài trên tấm bản đồ được trải rộng trên bàn giữa hai người và nói : “ Tôi mong muốn gạch một đường từ chữ “e” trong từ “Acre” đến chư “k” cuối cùng trong từ “Kirkuk”.
Mà hệ quả của công việc tắc trách nêu trên đưa tới sự ra đời của những “quốc gia” được thành lập một cách giả tạo, hầu như đánh mất cá tính về cả hai phương diện Chủng Tộc và Tôn Giáo. Lấy trường hợp của Irak: sở dĩ Irak có “hình thù” như ngày nay là vì chính quyền Anh thời đó muốn “cặp” với nhau hai tỉnh có nhiều trữ lương dầu hỏa là Mosul và Basra, do đó phải thêm Baghdad vào phương trình này. Cùng với Jordan, Irak đã được đặt dưới sự cai quản của một vị Vua được “nhập cảng “ từ bên ngoài vào,
Tóm lại, Hòa Ước Sykes-Picot đưa đến việc thành lập những Chính Quyền KHÔNG dựa trên căn bản Dân Tộc. Người dân bị tách ra một cách tùy tiện với những người “đồng giáo” hay “đồng chủng” của mình . Lấy trường hợp Lebanon chằng hạn, vì tại nơi đây không có một nhóm nào thực sự chiếm đa số cả nên Lebanon đã phải chịu đựng một chuỗi chiến tranh giữa các nhóm khác nhau từ đó đến giờ. Còn đối với trường hợp Syria và Irak, các nhóm thiểu số tại hai nước này lại áp dụng chế độ Độc Tài trên các nhóm đa số : tại Syria, nhóm đa số dân Sunni bị đặt dưới quyền của nhóm thiểu số dân Shia (Assad), ngược lại với Iraq phe thiều số Sunni ( Saddam Hussein) trước đây nắm quyền trên phe đa số Shia.
Tự Do dưới chế độ Pháp Trị hầu như vắng bóng ngoài vòng cương tỏa của các Quốc Gia được thành hình dựa trên căn bản Dân Tộc (nation-state). Là vì Tự Do hiến định (constitutional liberty) đòi hỏi phải có sự hiện diện của một mức độ “yêu nước” nào đó, để mà mỗi người liên hệ chịu chấp nhận rằng các đồng bào của mình (đang nắm quyền hành ) có thể có những quyết định mà mình không đồng ý, cũng như chấp nhận kết quả của các cuộc bầu cử dẫu phe mình bị thua, hoặc chịu trả thuế trong mục tiêu cấp dưỡng những người xa lạ.
Nói một cách khác, thể chế Dân Chủ chỉ đạt được kết quả tốt nhất tại những nơi mà người Dân cảm thấy là họ có với nhau một mẫu số chung đủ để chấp nhận rằng quyền hành có thể nằm trong tay của nhóm mình hay nhóm khác.
Từ ngữ “Democracy” (=Dân Chủ) bắt nguồn từ “demokratia” gốc Hy Lạp mà theo nguyên nghĩa, có 2 vế “demos” có nghĩa là “người dân” và “kratos” có nghĩa là “sự cai trị, sức mạnh”. Nếu lấy vế “demos” ra khỏi “democracy”. thì chỉ còn lại vế “kratos” với nghĩa còn lại là “ quyền hành, quyền lực ” của một quốc gia thường xuất hiện dưới dáng vẻ bó buộc, thúc ép của nó , thì khó mà đòi hỏi người Dân sự Trung Thành về phương diện Dân Sự như đang xảy ra với các nước Á Rập, mà do lỗi lầm và tính vị kỷ của các chính quyền Thực Dân Anh và Pháp trước đây được thấy qua nội dung của Hiệp Định Sykes-Picot mà như đã đề cập ở trên , là nguyên nhân của sự hình thành tại Trung Đông, những Quốc Gia giả tạo KHÔNG dựa trên căn bản DÂN TỘC với các yếu tố thường thấy như Chủng Tộc, Tôn Giáo, Văn Hóa…vvv…
Khi vắng bóng các Quốc Gia dựa trên căn bản Dân Tộc (nation-state) như tại Trung Đông, các mối quan hệ thân thuộc về mặt Chủng Tộc, Tôn Giáo, Văn Hóa…..sẽ bành trướng xuyên qua biên giới của hai nước lân cận, và đó là lý do cuộc xung đột tại Syria có nguy cơ lan rộng để trở thành một cuộc chiến giữa hai sắc tộc Sunni và Shia trên toàn vùng Trung Đông. Khi bàn về nguy cơ nêu trên, vào đầu năm nay, Thủ Tướng Irak có lời phát biểu như sau:
“Nếu phe Đối Lập tại Syria thắng thế, sẽ có một cuộc Nội Chiến tại Lebanon, tình trạng Chia Rẽ, Phân Hóa tại Jordan và một cuộc Chiến Tranh giữa các phe nhóm tại Irak”. (3)
Theo Patrick Coburn, nhà báo kỳ cựu của hai tờ “Financial Time” và ”The Independent”, chuyên viên về vấn đề Trung Đông, thì về nguồn gốc của ảnh hưởng Tiêu Cực đối với vấn đề Trung Đông, ngoài nội dung của Hòa Ước Sykes-Picot, còn phải kể đến sự can thiệp của Hoa Kỳ dưới chính quyền của TT Bush năm 2003 vào vùng này qua việc lật đổ chế độ Saddam Hussein tại Irak.
Trong bầu khí đầy lạc quan sau khi Saddam bị lật đổ, Hoa Kỳ tuyên bố rằng Iran và Syria sẽ là đối tượng kế tiếp của mục tiêu thay đổi chế độ của HK.Nguyên nhân chính yếu nhằm giải thích thái độ ngạo mạn nêu trên là vì các nhà lãnh đạo HK vào thời điểm này, có lẽ vì tính Chủ quan, thực sự không nắm vững tình hình tại Trung Đông . Điều trên khiến hai chính quyền Iran và Syria cảm thấy rằng sự đe dọa của Hoa Kỳ có thực, ít nhất đủ “thực” để cả hai chính quyền đưa ra quyết định rằng nhằm ngăn chận HK thực hiện lời hăm dọa nêu trên, Syria và Iran tìm cách cản trở các nỗ lực của nước này trong chiến dịch ổn định tình hình tại Irak, bằng cách yểm trợ cho mọi kẻ thù của HK, bất chấp là Sunni hay Shia.
Tình trạng nêu trên có vẻ đang lập lại tại Syria hôm nay . Trong buổi đầu của cuộc nổi dậy tại Syria, các chính phủ HK, Do Thái, các Vương Quốc Á Rập gốc Sunni và NATO bày tỏ thái độ “hả hê” một cách không dấu diếm ai cả, về “đòn thù” mà họ nghĩ Iran và tổ chức Hezbollah tại Lebanon sẽ bị “lãnh đủ” trong một tương lai không xa, một khi Assad bị lật đổ. Thực ra các lãnh tụ Sunni xem cuộc nổi dậy tại Syria không phải sự chiến thắng của phe Dân Chủ cho bằng sư “mở màn” của một chiến dịch mới nhằm chống lại các quốc gia hoặc tổ chức gốc Shia như Iran, Hezbollah.
Giống như thời điểm 2003 tại Irak, Hezbollah và Iran cho rằng họ không còn giải pháp nào hơn là đánh trả.
Chính vì lo ngại tình trạng hỗn loạn sẽ lan rộng trong vùng Trung Đông mà với việc Hoa Kỳ bỏ ý định oanh kích Syria sau khi qua trung gian của Nga Sô, Syria chấp nhận tử bỏ các vũ khí hóa học của nước này. một loại “Hội Nghị Hòa Bình” sẽ được mở ra trong một tương lai gần. Tuy hiện nay, người ta cổ vũ (ít nhất trên mặt hình thức) cho một giải pháp Ngoại Giao, nhưng có vẻ không ai biết trước “hình thù “ của giải pháp đó sẽ như thế nào ! Khó mà tưởng tượng các bên có thể đạt được một Thỏa Hiệp thực sự, khi mà có quá nhiều thành phần tham dự với những quyền lợi trái ngược nhau như vậy.
Có 5 loại xung đột khác nhau đang “đan chéo” với nhau tại Syria hiện nay:
– một cuộc nổi dậy của dân chúng chống lại một chế độ Độc Tài, cũng còn là một cuộc chiến đấu của phe nhóm gốc Sunni chống lại giáo phái Alawite
– một cuộc đấu tranh với tỉ xích “vùng” giữa hai nhóm dân Sunni và Shia, cũng còn là một cuộc xung đột kéo dài hàng chục năm nay giữa một bên phe nhóm do Iran lãnh đạo và bên kia các kẻ thù của Iran, đặc biệt Hoa Kỳ và Saudi Arabia.
– Sau cùng, ở một cấp độ khác, sự hồi sinh của “Chiến Tranh Lạnh” giữa một bên là Nga Sô và Trung Cộng và bên kia là các quốc gia Tây Phương.
Cuộc Xung Đột còn chứa đựng nhiều mâu thuẫn có vẻ vô lý cũng như không lường trước được như một phe Đối Lập với mục tiêu Dân Chủ và Thế Tục (ít nhất ở bề mặt) trong quan niệm về chính quyền, lại được tài trợ bởi các Vương Triều chuyên chế của vùng Vịnh gốc Sunni theo Đạo Hồi chính thống.
Theo nhà báo Patrick Cockburn , khi đàn áp một cách dã man các người biểu tình cách đây hơn hai năm, Bashar al-Assad đã giúp biến các cuộc biểu tình phản đổi chính phủ của dân chúng Syria thành một cuộc nổi dậy vũ trang đã và đang “cày nát” Syria. Cũng theo Patrick Cockburn, Assad có lẽ đúng khi tiên đoán rằng giải pháp Ngoại Giao sẽ gặp thất bại, rằng các kẻ thù của Assad ở trong và ngoài Syria quá chia rẽ để có thể thỏa thuận với nhau về một giải pháp Hòa Bình. Assad cũng có vẻ có lý khi cho rằng có rất nhiều cơ may sẽ có sự can thiệp lớn hơn của các thế lực nước ngoài vào Syria. Cuối cùng tình trạng “sa lầy” tại đây sẽ trở nên sâu đậm và nguy hiểm hơn những gì đã xẩy ra trước đây với Irak !!! (4)
Đối với tình hình Trung Đông, đa số các nhà bình luận thường phần lớn đổ lỗi cho người Á Rập kiểu “quyền lợi xung khắc giữa các nhóm chính trị và tôn giáo quá nặng nề; một tình trạng đã bắt rễ từ hàng ngàn năm trước”(5) như chẳng hạn nhấn mạnh đến sự xung đột giữa hai nhóm dân Sunni và Shia. Chỉ một số ít các nhà quan sát thực sự nắm vững vấn đề như nhà báo kỳ cựu Patrick Coburn đã đề cập ở trên, mới biết đặt nổi vai trò của các chính sách Sai Lầm của các cường quốc Thực Dân Thuộc Địa trước đây như Anh và Pháp với Hiệp Định Sykes- Picot, hoặc sự can thiệp của chính phủ Cộng Hòa HK dưới sự lãnh đạo của TT Bush năm 2003 vào Irak với ảnh hưởng Tiêu Cực là làm đảo lộn cán cân quyền lực tại vùng Trung Đông.
Tóm lại, các cường quốc Tây Phương trước đây vì đầu óc Duy Lợi “con buôn” chỉ tìm cách chia chát với nhau như Anh và Pháp giữa hai Thế Chiến, đối với phần đất phía Đông của Đế Quốc Thổ cũ, hoặc gần đây hơn Hoa Kỳ với TT Bush, mà bất chấp đến Thực Tế địa phương, các yếu tố Lịch Sử, Chủng Tộc, Tôn Giáo, Văn Hóa….đã góp phần không nhỏ vào việc gây ra những Thảm Họa khôn lường đã và đang tiếp diễn tại vùng này.
Nếu THỰC DÂN là một trong những Nguyên Nhân đã để lại ảnh hưởng Tiêu Cực lâu dài tại Trung Đông, thì CỘNG SẢN cũng có loại ảnh hưởng Tương Tự tại Á Châu. Và có thể nói ngay rằng Cộng Sản, cũng như Thực Dân đều là “phó sản” của nền Văn Hóa TÂY PHƯƠNG, dẫu lý thuyết Mác-Xít có áp dụng bên trời ÂU hay trời Á thì cũng vậy !
Tuy nhiên, hình như ít người hiểu đúng mức tầm TÁC HẠI thực sự của chủ nghĩa Thực Dân hay Cộng Sản, do đó thường đặt nặng các yếu tố KHÁC liên quan đến tình hình Địa Phương. Về vấn đề nêu trên cũng như về các vấn đề thuộc các lãnh vực khác, phần đông vẫn giữ những THÀNH KIẾN có từ thời Thực Dân Thuộc Địa như chẳng hạn liên quan đến điều tin tương Sai Lầm rằng trên dọc dài lịch sử con người,Viễn Đông có ít Phát Minh về phương diện VĂN MINH. Đối với vấn đề này, chúng tôi xin nhường lời cho Lý Thuyết gia Khoa Học lừng danh Quốc Tế Joseph Needham trong bộ sách đồ sộ 7 cuốn “Science and Civilisation in China” của ông:
“Bất kỳ ai nếu chịu đọc tới hết quyển sách này, chắc sẽ bị sửng sốt trước số kỹ thuật rất nhiều và khác nhau mà Âu Châu mượn của Tàu, song thường họ không biết đến nơi phát nguyên trong 14 thế kỷ đầu” (6)
Ngoài ra, có lẽ trên cõi đời này, hình như không có điều gì có thể gọi là chắc chắn cả, nhất là với thời đại ngày nay, trong lãnh vực Kiến Thức, sự Thay Đổi đạt tới tốc độ có thể nói là “gây chóng mặt”, như có nhiều lãnh vực, mà chỉ trong vòng vài năm thôi, mọi sự đã đổi khác !
Do đó, chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên khi một người nghiên cứu về Nho Giáo, có lẽ căn cứ trên các khám phá Khoa Học mới nhất, đã đặt lại vấn đề Nguồn Gốc của Khổng Tử như sau :
“…..Khổng Tử cũng không phải là người gốc Hán – mặc dầu nước Trung Hoa sau này nhận ông thuộc Hán tộc! Ông là một học giả người nước Lỗ – nhiều khả năng là một nhánh của Việt tộc cổ – do đó mà am hiểu cả chữ Khoa Đẩu lẫn chữ Việt Nho đương thời”. (7)
Ngoài ra, nên nhớ Nho Giáo cùng với Khổng Tử đã ra với Quốc Tế khoảng 4 thế kỷ nay rồi, chứ không phải đứng ở “xó nhà” mà nói lý thuyết! Và đã gây Ảnh Hưởng cũng như đã nhận được sự Hâm Mộ của không biết bao nhiêu Học Giả, Triết Gia, Khoa Học gia, Chính Trị gia …..Quốc Tế như :
– Triết Gia kiêm Toán Học gia….. Leibnitz (Đức) với hệ nhị phân (binary system), mà nếu không có “đồ tròn đồ vuông” của Thiệu Khang Tiết thì có lẽ Leibnitz cũng không thể nào hoàn chỉnh được hệ nhị phân của mình, và chắc chắn cũng sẽ không có khoa Tin Học phát triển rực rỡ như ta thấy ngày hôm nay (8)
-Ngôi Sao của Văn Đàn Pháp Voltaire, người được xem là Đại Diện cho “Thế Kỷ Ánh Sáng” mà Tư Tưởng của thế kỷ 18 đã một phần chịu ảnh hưởng của Nho Giáo cũng như đã đặt nền móng cho nền Văn Minh Tây Phương sau này.
–Quesnay và nhóm “Physiocrates” chuyên về lãnh vực GIÁO DỤC, đã “nhập cảng” chế độ THI CỬ của Viễn Đông trực tiếp vào Pháp và gián tiếp vào Âu Châu và Hoa Kỳ và điều này được người Tây Phương thời đó hoan nghênh nhiệt liệt vì được xem như lá cờ TIỀN PHONG cho Bình Đẳng và Dân Chủ.
– Hai Chính Trị gia Anh: dân biểu Eustace (1731) và dân biểu Goldsmiths (1762) đả kích gắt gao chế độ Đẳng Cấp Quý Phái thế tập bên Anh, và nhờ những cuộc vận động ráo riết của hai Vị này mà cuối cùng Chính Phủ Anh Đã Chấp Nhận Phép Thi Cử Theo Lối Viễn Đông
– Hai Học Giả , Chính Trị gia và “Khai Quốc Công Thần” (Founding Fathers) lừng danh của Hoa Kỳ Franklin (1767) và Jefferson (1779) đã chịu ảnh hưởng của Nho Giáo, đặc biệt đối với việc cải tổ nền Giáo Dục Hoa Kỳ vào thời kỳ đó, nhất là về phương diện Thi Cử…vvv…(9)
Trên đây chỉ liệt kê sơ qua một cách tượng trưng một vài nhân vật Quốc Tế điển hình đã tỏ ra hâm hộ và chịu ảnh hưởng của Nho Giáo và Khổng Tử, trong số không biết bao nhiêu Nhân Vật trong đủ lãnh vực dọc dài Lịch Sử.
Ngoài ra, muốn hiểu rõ Ảnh Hưởng của Nho Giáo đối với Văn Minh Ngày Nay, xin chớ nhìn Trung Cộng, do ảnh hưởng TIÊU CỰC của chủ nghĩa CỘNG SẢN đối với nước này, mà hãy nhìn các “Con Rồng Á Châu” như Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn, Singapore, Hông Kông…..có mẫu số chung là nền Văn Hóa Nho Giáo
Tuy nhiên, đó mới chỉ ở khía cạnh VĂN MINH, còn liên quan đến lãnh vực VĂN HÓA, thì hãy nhìn vào môi trường của giới Học Giả, Triết Gia, Khoa Học Gia đủ mọi ngành cùng với các Diễn Đàn QUỐC TẾ thì mới hy vọng hiểu được một cách tương đối đầy đủ TẦM VÓC của Nho Giáo và Khổng Tử trên Thế Giới ngày nay trong các lãnh vực liên hệ , như chúng tôi đã từng nhắc lại nhiều lần về Hội Nghị Triết Học Thế Giới tại Honolulu (1949), nơi đây Khổng Tử đã được bầu làm “Nhạc Trưởng” cho cuộc “Hòa Tấu Văn Hóa Đông Tây” mai hậu, hoặc gần đây hơn, Hội Nghị Quốc Tế Đầu Tiên qui tụ hơn 75 nhà Nghiên Cứu được giải thưởng Nobel tại Paris (1988) mà đa số thuộc giới Khoa Học gia với lời Tuyên Bố kết thúc Hội Nghị như sau “Nếu Nhân Loại không sống theo nội dung Triết Lý của Khổng Tử thì chắc khó mà có thể sống còn được”!(10)
Đó là chưa kể đến các Hội Nghị Quốc Tế về Nho Giáo và về “Nho Giáo với Thế Giới Ngày Nay” qui tụ các nhà Nghiên Cứu và Học Giả khắp nơi đã được tổ chức nhiều lần tại Đài Loan và các nơi khác trên Thế Giới.
Còn về lời “cáo buộc” bắt nguồn từ thời Thực Dân Thuộc Địa rằng Nho Giáo “khuyến khích” chế độ “độc tài phong kiến” thì cáo buộc này tỏ ra đã quá LỖI THỜI rồi ! Nhận xét sơ khởi là “phong kiến” không nhất thiết đi đôi với “độc tài”, nhiều khi còn NGƯỢC NHAU nữa là khác !.
“Phong Kiến “ có nghĩa đầu tiên là “ chia cắt đất cho để lập nước”. Về nguồn gốc của chế độ Phong Kiến bên Viễn Đông, số là sau khi nhà Chu diệt nhà Ân, vì sợ người Ân còn nhớ chủ cũ mà có thể nổi loạn, Chu Công phân tán họ lại Lạc Ấp (tức Lạc Dương – Hà Nam ngày nay) để họ ra ở xa Kinh Đô Cao (tức Tây An-Thiểm Tây ngày nay).
Mặt khác, ông phong đất cho người thân thích và công thần, mỗi người làm chư hầu một nơi để khai hóa những dân tộc chưa thuần phục, chẳng hạn phong cho con ông là Bá Cầm ở Lỗ (Lỗ Công), phong Thái Công Vọng ở Tề để để phòng phía Đông, phong các vị Đại Thần khác : một ở Yên (phương Bắc), một ở Sở (phương Nam)” (11)
Còn Tây Phương ở thời Trung Cổ có chế độ “ féodalité” thường được dịch là “phong kiến”, nhưng sự thực thì “féodalité” bên Âu Châu khác “phong kiến” bên Viễn Đông
Tại phương Tây (châu Âu), đặc điểm cơ bản của chế độ “ féodalité” là kinh tế lãnh địa, giai cấp lãnh chúa và nông nô, hệ thống đẳng cấp dựa trên quan hệ lãnh chúa – chư hầu, tình trạng cát cứ kéo dài.
Bên Viễn Đông, kinh tế lãnh địa và quan hệ lãnh chúa – nông nô không phát triển, chế độ trung ương tập quyền ra đời sớm và tồn tại lâu dài. (12)
Do đó, KHÔNG có yếu tố nào vừa trình bày ở trên có vẻ liên hệ “phong kiến” với “độc tài” cả, nhất là như vừa để cập ở trên, bên Viễn Đông, kinh tế lãnh địa và quan hệ lãnh chúa – nông nô không phát triển như bên Âu Châu !
Tuy nhiên, sau khi chế độ Phong Kiến chấm dứt bên Viễn Đông với sự ra đời của chế độ Trung Ương Tập Quyền, thì yếu tố Độc Tài có thể bắt đầu xuất hiện, nhưng đó là Trách Nhiệm của phe PHÁP GIA, chứ không “ăn nhằm” gì đến Nho Giáo cả!
Trái lại, các Học Giả Quốc Tế danh tiếng ngày nay như GS Creel rất ngưỡng mộ Nho Giáo vì cho rằng bên cạnh một nền ĐẠO LÝ Tu Thân dựa trên Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, còn có một nền VƯƠNG ĐẠO để Phục Vụ Nhân Quần với các nguyên tắc “Cử Hiền, “Giáo Chi”, “Phú Chi”, “Lễ Trị” và “Chữ Tín” mà theo GS Creel rất giống với tinh thần Dân Chủ ngày nay, do đó đã có ảnh hưởng quyết định ở thế kỷ XVIII trên các người Cha Tinh Thần của nền Dân Chủ Tây Phương như Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Franklin, Jefferson…..
Ngoài ra,như đã nói ở trên, giới Đại Trí Thức Ưu Tú Nhất ngày nay tại Hội Nghị Triết Học Thế Giới tại Honolulu (1949), có mời Khổng Tử “chủ tọa” nền Triết Lý HÒA GIẢI tương lai của Nhân Loại, do đó khó mà “buộc tội” Nho Giáo khuyến khích “bành trướng xâm lược”được !
Còn câu chuyện “Thoại Khanh” là để đề cao lòng Hiếu Thảo đối với Mẹ chồng, câu chuyện “Giới Tử Thôi” là để đề cao lòng Trung Nghĩa đối với nhà Vua, mà quên cả thân mình. Còn thói quen đáng tiếc của một số ngưới Tàu ngày nay ăn thai nhi hoặc cả thịt người nữa có lẽ là “phó sản” của truyền thống của các bộ lạc Du Mục ở thời xa xưa có thói quen “ăn tươi nuốt sống”.
Còn về quan niệm” “trọng nam khinh nữ” thì đâu phải “độc quyền” của ngươi Tàu! Nên nhớ cho đến thế kỷ 18 bên Âu Châu và tại Hoa Kỳ , mãi tới năm 1890 nhiều tiểu bang mới sửa đổi và một số tiểu bang vần còn áp dụng học lý Femme Couverte của Thông Luật, theo đó NGƯỜI VỢ LÀ VẬT SỞ HỮU CỦA CHỒNG và không có quyền pháp lý đối với lợi tức do chính bà kiếm ra cũng như đối với con cái và tài sản của bà, trừ khi hai vợ chồng ký hôn khế trước đặt tài sản của họ dưới chế độ giám hộ(trust). Cao trào phụ nữ (Feminism) chỉ thực sự lên cao tại Hoa Kỳ vào thập niên 1960 và thu thành quả tích cực vào những năm 1990 !!! (13)
Ngoài ra, tình trạng “ trọng nam khinh nữ” vẫn tiếp tục trong các xã hội tiền tiến ngày nay như trường hợp mới đây với Nội Các của chính phủ Tự Do của Tony Abbot tại Úc gồm đến 19 người Đàn Ông và chỉ một người Phụ Nữ DUY NHẤT là Julie Bishop hoặc các trường hợp “Kỳ Thị Phụ Nữ” đủ loại có thể ít lộ liễu hơn xưa mà thôi!
Để Kết Luận, Định Chế mà không đi kèm với một cuộc “Cách Mạng Bản Thân” thì chỉ là vấn đề HÌNH THỨC !!! Đó là lý do Nho Giáo luôn luôn nhắc nhở hành giả là hãy lấy việc TU THÂN làm BỔN GỐC (dĩ tu thân vi bổn ) cho mọi điều khác.
Và như đã nói ở phần mở đầu bài viết, bất cứ điều gì của Nhân Loại nói chung có chút giá trị nào đó,mà nếu không may “sa” vào các “tay phù thủy Mác-Xít” thì trở thành Điều GIAN DỐI, TRÁ NGỤY ngay lập tức, thì không lạ gì Trung Cộng đang lợi dụng Đạo Lý của Nho Giáo cũng như Uy Tín của Khổng Tử đối với Thế Giới ngày nay cho những Âm Mưu Chính Trị Đen Tối của bọn họ.
TRUNG CỘNG MÀ LÀM NGƯỢC LẠI CÁC ĐIỀU KỂ TRÊN THÌ MỚI LÀ CHUYỆN LẠ !!!
Lê Việt Thường
CHÚ THÍCH
(1) http://fareedzakaria.com/1997/11/01/the-rise-of-illiberal-democracy/
(4) http://www.lrb.co.uk/v35/n11/patrick-cockburn/is-it-the-end-of-sykes-picot
(6) https://minhtrietviet.net/may-y-niem-van-hoa-dong-phuong-can-duoc-dieu-chinh/
(7) https://minhtrietviet.net/su-ton-tai-cua-nen-van-minh-khoa-dau/
(8) https://minhtrietviet.net/lemontee/wp-content/uploads/2013/02/LY-THAI-CUC1.pdf
(9) http://vietnamvanhien.net/nguyennho.html
(10) James Legge, “The Wisdom of Confucius”, Axiom Publish Inc.,Australia, 2002, tr.5
(11) Nguyễn Hiến Lê, “Khổng Tử”, nxb Văn Hóa, VN, 1998, tr.15-17
(12) http://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_ki%E1%BA%BFn
(13) Hoàng Xuân Hào, “Nhân Quyền Trong Luật Hồng Đức: Niềm Tự Hào Dân Tộc”, Thế kỷ 21, số 113, th. 9/1998, tr. 28-33
…..