Lê Việt Thường

IMG.625

     

LUẬN BÀN MINH TRIẾT & MINH TRIẾT VIỆT

                                                                        (Bài Ba)

LÝ NHẤT QUÁN TRONG TRIẾT ĐÔNG

IMG.495Ngoài ra, tính cách tản mát, rời rạc, chắp vá, lộn xộn….trong lề lối trình bày, cách thức lý luận cũng như nội dung bài viết….. có vẻ tương phản với mục tiêu và tham vọng của tác giả  nhắm vào việc “luận bàn” về một đề tài lớn lao là “Minh Triết và Minh Triết VIỆT”. Trước khi đi sâu với nhiều chi tiết hơn vào nội dung phần đầu của cuốn sách nêu trên của tác giả Hoàng Ngọc Hiến , chúng ta thử đặt câu hỏi là một độc giả tạm gọi là “có trình độ” mong chờ điều gì từ một tác phẩm với một chủ đề lớn lao như vậy ? Nên nhớ, MINH TRIẾT nếu hiểu đúng nghĩa là Đỉnh Cao Nhất trong lãnh vực Tư Tưởng.

Mặt khác, theo Cố Triết Gia Kim Định, Triết học đạt thân (tức móc nối được với MINH TRIẾT) phải tìm ra hay “nhận thức lại được cái mối liên hệ căn cơ giữa con người với người, với trời với đất với sự vật đa tạp, tức có khả năng giác ngộ được mối quan thiết giữa mình với tha nhân tha vật . Sự ý thức được đúng mức mối quán thông nọ sẽ chiếu giãi vào muôn vật một luồng sáng mới mẻ, đưa triết lý lên một bình diện khác hẳn với bình diện khoa học thực nghiệm, nhờ đó nó có sức quán thông thiên địa mà ta có thể gọi là liễu hội: vì liễu hội chính là thống nhất tất cả lại một mối (comprendre c’est unifier)”(1) Sức quán thông thiên địa vừa đề cập ở trên còn được gọi là  Lý Nhất Quán.

Trước khi thử áp dụng tiêu chuẩn Nhất Quán vào việc phân tách nội dung cuốn sách của tác giả, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu thêm một chút về vấn đề này.

Vì những lý do vừa nêu ở trên do đó, theo Cố Triết Gia Kim Định, “sự QUÁN NHẤT trở thành vấn đề nền móng của triết lý và bất kỳ đời nào cũng cần thiết… Đã thế, vấn đề được đặt ra ở thời đại này cách cấp thiết hơn nhiều bởi những lý do của thời đại. Là vì trong mấy thế kỷ sau này con người đã tiến được những bước khổng lồ trong việc khám phá tìm hiểu: số kiến thức thâu lượm được về mọi phương diện do đấy ùn ùn tăng gia. Đáng lẽ ra sự tiến bước đó phải làm cho con người được thoải mái an vui, nhưng trái lại con người lại đang cảm thấy lâm vào tình trạng xao xuyến cuồng loạn như chú phù thủy hô được phong, hoán được vũ, nhưng lại đang sợ chìm ngụp dưới làn nước mà anh ta mới gọi lên.

Có người ví nhân loại hiện đại với một vật bị chặt đầu: un être décapité nghĩa là không còn biết y cứ trên nguyên lý nào nữa để mà sống, nên bị quay cuồng trong cơn gió lốc và cảm thấy cách thấm thía sự cần thiết của vấn đề Nhất Quán”. (2) Bàn về Nhất Quán, Lão Tử có những lời như sau:

Trời được nhất mà trong
Đất được nhất mà yên
Thần được nhất mà linh
Muôn vật được nhất mà sống,…

“Thế mà hiện nay tất cả đã đánh mất cái Nhất, cho nên vạn vật như đau thương kêu cứu xin người giúp làm cho chúng tìm lại được cái Nhất như Schopenhauer cảm nghĩ: “Venez, aidez nous, achevez nous – rapprochez ce qui va ensemble: nous aspirons douloureusement à trouver notre unité”.

Những tri thức, những mảnh vụn đẹp đẽ không thiếu, nhưng chúng còn nằm bừa bãi ngổn ngang và đang chờ một bàn tay thông minh thâu lại một mối: có thống nhất mới có sống động có sinh lực. “Vạn vật đắc nhất dĩ sinh”: có được nhất mới có sinh, vạn vật mới khỏi hủy diệt. Tìm ra mối quán thông mới có Nhất Quán. Đó là vấn đề đặt ra cách cấp thiết cho triết học hiện đại.” (3)

Để tìm hiểu thế nào là Nhất Quán, thiết tưởng nhà Hiền Triết có thể hướng đạo chúng ta hơn hết có lẽ là Khổng Tử với câu phát biểu thời danh : “Ngô đạo dĩ nhất quán chi”.

1. Dĩ nhất

Lấy cái Nhất để mà xâu lại, nhưng phải là cái Nhất nào? Chẳng hạn, Plato gọi cái Nhất đó là “Chí THIỆN” (bien suprême), nhưng như vậy thì cái Nhất của Plato không bao gồm được hai lãnh vực CHÂNMỸ nên không phải là cái NHẤT Đích Thực. Còn cái Nhất của Hegel có tên là “Tuyệt Đồi Thể” mà Hegel đồng nhất với “Tinh Thần”, như vậy cái Nhất của Hegel không bao gồm được Vật Chất. Còn với Descartes, cái Nhất là “tôi tư duy như vậy thì không bao gồm được các cái “tôi” khác như “tôi ăn”, “tôi ngủ”, “tôi chơi đùa”…vvv…

 Vậy nên, khác với Plato, Hegel, Descartes, Khổng Tử không xác định cái Nhất đó là gì, tên gì  mà lý do sâu xa “là vì đã nói ra thì tức là hạn cục lại mất rồi, mà một khi đã hạn cục thì hết còn vô biên nên cũng hết luôn khả năng xâu tóm vạn vật vốn là vô cùng tận. Vậy nên muốn giữ cho cái Nhất khả năng xâu tóm vô cùng, thì không thể nói tên cái Nhất đó ra được; và chúng ta chỉ cần xem những triết thuyết đã nói tên mối Nhất Quán liền thấy chúng chỉ xâu được có một khía cạnh, còn bỏ ra ngoài một mảng: thí dụ được tình thì mất lý, được tâm mất vật v.v… vì vậy mà không xây được nền nhân bản toàn diện nhưng chỉ là thứ triết học một khúc mà thiếu quán thông toàn diện.

Bởi vậy cần phải xét tới bản chất cái Nhất, hay ít ra những điều kiện của cái Nhất, phải như thế nào mới gọi là Nhất Quán. Để trở thành Nhất Quán thì cái Nhất không được là cái Nhất số lượng (l’unité de chiffre) thường đi đầu các con số: sau nhất thì có nhị, tam, tứ… nhưng phải là cái nhất bản tính (l’unité de l’essence) tức là cái nhất không thể có nhị tam theo sau nhưng phải là cái độc nhất vô nh, tiếng tây kêu là unique (chứ không un) là cái nhất tối thượng không thể vượt qua được. Cái Nhất như thế, triết lý Ấn Độ gọi là Vô Nhị, Lão kêu là Thái Nhất, tương đương với Thái Cực trong Nho Giáo, là một cái Nhất không thể có thứ hai được” (4).

“Nhiều nền triết học vì chưa phân biệt nổi hai thứ Nhất này, nên dùng cái Nhất Lý Niệm nào đó mà xâu, rồi kêu đại là “Nhất Quán”  kỳ thực chỉ là thứ mạch lạc thuộc luận lý hình thức (d’ordre logique formel),  Bởi vì người ta có thể luận lý rất đúng và có mạch lạc mà không có nhất quán, vì Nhất Quán phải xâu được Sự Thực, còn luận lý chỉ cần đúng với mẹo luật của khoa danh lý.”(5)

“Vì cái “Nhất” của họ là cái Nhất mà Mạnh Tử bảo là “chấp nhất xả bách”: câu chấp vào những thứ nhất đó thì bỏ từng trăm cái khác không xỏ vào được, nên người xưa khuyên “bất dĩ phù nhất, dĩ hại nhất, vị chi nhất” đừng vì trung với cái nhất nhỏ mà hại đến cái nhất to, thế gọi là Nhất. Nói vậy nghĩa là có hai chữ nhất một thứ thuộc nhị nguyên có tính chất lý niệm (conceptuel) nên sẽ đưa tới việc giản lược đối lập (réduire au néant) thí dụ đem vật diệt tâm hoặc đem tâm diệt vật. Ngược lại cái Nhất trung thực phải thâu tóm được tất cả để gây nên mối Thái Hòa, như vậy phải là Nhất Nguyên Lưỡng Cực mà Trương Tái gọi Lưỡng Nhất. “Lưỡng cố hóa, nhất cố thần.” Có lưỡng mới biến hóa có nhất mới thần diệu. Thiếu Lưỡng Cực thì làm sao xâu được sự vật vốn có hai cực (âm dương) mà có xâu được hai cực, thì mới có “âm dương tương thôi, nhi sinh biến hóa” nếu không biến hóa là không có sinh động hoạt lực, và chỉ còn là cái gì tĩnh chỉ (inerte)” (6), là Chết!

Thái Cực đồ của Kinh Dịch có hai đầu: một đầu là Thái Cực và đầu kia là Bát Quái tượng trưng cho Vạn Vật. “Từ vạn vật phải vươn tới Thái Cực mới có Nhất Quán, vì chỉ có Thái Cực mới ôm nổi lưỡng nghi, mới là Lưỡng Nhất: lưỡng nghi là âm dương bao gồm vạn vật, còn Thái Cực bao gồm tất cả, một mình một ô, không chịu với cái Nhất thứ hai nào cả, vì đây là cái Nhất uyên nguyên có tính cách vô cùng”(7).

Mà hệ luận là  đạt Thái Nhất cũng chính là đạt được sự Tự Do. Có tự do là khi nào không còn bị hạn chế nữa. Và đạt được Thái Nhất cũng còn có nghĩa là không còn mâu thuẫn nữa. Do đó, Triết thuyết nào càng xa sự đàn áp con người, càng giải phóng con người để đưa đến Tự Do thì càng là triết lý giá trị. Cũng như triết lý nào bỏ bớt được mâu thuẫn thì càng là triết lý đạt thân, tức  đang trên đường hướng tới NHẤT QUÁN để cuối cùng đạt được MINH TRIẾT.

“Tuy nhiên chớ lầm lẫn Mâu Thuẫn với sự Đối Đãi nội tại (antimonies internes) như âm với dương thì đó chỉ là Lưỡng Cực, là cái gây nên căng thẳng và làm gia tăng nguồn sinh lực cho triết lý chứ không phải là thứ mâu thuẫn phá hoại.”(8)

Tóm lại Nhất Quán cũng là Tự Do cũng là Hòa Hiệp (chân thật chứ không phải giả mạo): những triết lý nào còn gây ra sự đàn áp chuyên chế chưa kể là đạt Nhất Quán và do đó chưa phải là triết lý chính tông có khả năng móc nối được với MINH TRIẾT. Sự đàn áp đó xuất hiện ngay tự trong con người thí dụ triết học Lý Niệm bên Tây Phương  đàn áp tình tứ, không biết đến tiềm thức, vô thức; triết lý duy vật đàn áp duy linh v.v… và cứ theo đó các triết học Lý Niệm lớn bên Tây Âu kể cả những tay cự phách như Socrates, Plato, Aristotle, Kant, Hegelđều chưa vượt nguyên lý Mâu Thuẫn để đạt tới miền Thái Nhất. Mà dấu hiệu của một nền triết lý đạt được  Thái Nhất tức móc nối được với MINH TRIẾT  là khả năng gây nên cho người học một tâm trạng an nhiên, thư thái, hòa điệu.

Đó là đại khái ít điều cần biết về phần chữ Nhất. Bây giờ chúng ta bàn đến phần sau là

2) Quán Chi

Hai chữ này bao hàm một chân lý quan trọng nhưng hầu hết lại không mấy khi lọt mắt xanh của các triết gia bên trời Tây. “Cái chân lý đó là: sự quan trọng không nằm trong những dữ kiện được xâu lại cho bằng trong cách xâu lại, trong cái hình dáng và cơ cấu của việc xâu. Nói cụ thể bằng thí dụ kiến trúc thì vật liệu xây cất là dữ kiện không quan trọng cho cái nét đặc trưng của ngôi nhà. Đấy là một chân lý rõ rệt đến độ nhàm, thế nhưng khi vào thực tế ít được lưu tâm, do đó mà trong triết Tây người ta thường dồn hết chú trọng vào sự độc đáo cá nhân, ý tưởng kỳ lạ nhiều khi cả đến những danh từ mới mẻ đặt ra một cách không mấy cần thiết cũng được quan tâm. Còn điều quan trọng nhất là cái nguyên lý thâm sâu, cái định hướng của toàn thể thì ít được lưu ý. Thế mà những thuật ngữ kỳ bí, những tư tưởng cố làm ra độc đáo kia hầu hết chỉ là nhằm đặt nổi bật cái tôi tư riêng hơn là phụng sự chân lý phổ biến.”(9)

Chỉ gần đây thôi, bên Tây Phương mới có một trào lưu  tiến gần đến chủ trương lâu đời của Triết Đông mà một thí dụ liên hệ tới đề tài đang bàn , đó là thuyết Hình Thái hay Toàn Thể (gestalt theory).

Hình thái là gì, thưa là khoa tâm lý chống lại những lối nhìn vụn mảnh của các khoa tâm lý đi trước như: associationnisme, béhaviorisme y cứ trên những khu vực cục bộ như phản đáp có điều kiện là những cái lệ thuộc vào một sự cần thiết, một thích thú nào đó, một sự gợi cảm thường không vượt xa hơn gân, bắp thịt (sensori-motrice). Do đó không nhìn ra cái Toàn Thể. Vì thế khoa tâm lý Hình Thái có ý cung hiến cái đó: cái Toàn Trường (le champ total ou l’ensemble cohérent). Coi Toàn Trường như phạm trù giải nghĩa then chốt: nghĩa là mỗi sự vật không lấy ý nghĩa ở nơi minh mà thôi, nhưng nhất là trong mối liên hệ với toàn khối, với toàn cảnh; còn những tâm lý trước có tính cách duy giác (sensualiste) thường chỉ thấy được có những mảnh vụn vặt, không thể nhìn ra ý nghĩa của Toàn Thể. Vậy mà chỉ có cái hình dung của Toàn Thể mới đem lại cho các bộ phận, cho các phần mớ một ý nghĩa: con kiến đi bách bộ trên mặt người đẹp chỉ có thể phàn nàn vì cái hang sâu (miệng) cái đồi cao (mũi) chứ làm sao có thể rung cảm được như cậu con trai đang ngắm toàn diện bộ mặt của mỹ nhân (10)” …“Đó là đại để thuyết của khoa tâm lý hình thái (gestalt), chủ trương này xét về đại cương và trong ý hướng căn bản có chi khác thuyết Nhất Quán trong triết Đông đã từ ngàn xưa được đề cao. Tuân Tử nói: “Nhất vu đạo tắc chính kê vật”, “cần phải quy chiếu vào cái Đạo tức cái toàn thể thì mới biết trúng và tường tận sự vật (Giải tế, Đại cương 610).”(11)

Do đó,” Khổng Tử nói “dĩ nhất quán chi” mà không bảo “dĩ đa quán chi”. Kinh Dịch nói: “quân tử chi đạo trinh phù nhất”: Đạo của quân tử phải trinh bền với Thái Nhất. Thái Nhất đó cũng có khi cưỡng gọi là nhất thể, chính nó mới tỏa chiếu ra vạn vật một ý nghĩa thâm sâu mà nếu chỉ căn cứ vào từng phần từng vật bác tạp, thì không sao có được. Vì thế người đã thấm nhuần triết Đông đến khi đọc trở lại các tác giả triết Tây lúc gấp sách ít khi tránh được cái cảm giác bâng quơ vụn mảnh…” (12)

Vì thế muốn biết một nền triết có giá trị hay chăng, thì xét những tư tưởng riêng rẽ chưa đủ, cái đó chỉ là tài liệu, là dữ kiện, là trang trí. Cái giá trị chân thực không nằm ở đó, nhưng ở cái hồn, cái luồng tư tưởng hướng dẫn chỉ đạt được khi ta đặt trên vạn vật một cái nhìn Toàn Thể mà người xưa gọi là ĐẠO. Muốn đạt được cái Hồn , cái Thần của luồng tư tưởng đó, ta phải Sống với nó, mà Sống là một tiến trình có tinh cách Toàn Diện không chỉ có Suy Tư mà còn biết Cảm Xúc và hướng tới Hiện Thực.

Đó là lý do MINH TRIẾT nhấn mạnh Sống trên Biết (cái  Biết kiểu ‘tri thức luận’ của triết Tây) và đó chính là chủ trương của các nhà Hiền Triết Đông Phương thời xưa. Và ngày nay nếu có người nào muốn  noi gương các Ngài thì cũng phải  lo sống cái Minh Triết của mình trước khi nghĩ đến chuyện truyền bá , và khi phải viết lách (là phương tiện truyền bá phổ biến nhất ngày nay) thì sẽ  viết với tất cả Tâm Hồn của mình chứ không phải chỉ riêng với cơ năng Lý Trí . Vì mục tiêu mà tác giả nhắm tới là chuyển động Tâm Hồn của người đọc chứ không chỉ chuyển đạt một mớ thông tin “lạnh lẽo”.

Chúng tôi xin đơn cử một thí dụ về lối viết nêu trên với  đoạn văn sau đây của Cố Triết Gia Kim Định về Minh Triết:

“Nói về hình thức thì MINH TRIẾT chỉ sự khôn sáng của các Thánh Hiền đã được kết tinh vào những câu triết ngôn thuộc Truyền Thống tinh thần. Các Ngài là những vị siêu quần bạt chúng đã tới cái biết Trí Tri Thể Nghiệm nên những lời Huấn Đức của các Ngài tuy vắn tắt kiểu châm ngôn nhưng có hiệu lực muôn đời như: Pythagore, Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca v.v… Các Ngài lo sống cái minh triết hơn là nghĩ đến viết ra sách vở. Phương pháp các ngài là thể nghiệm, trực giác, không dùng đến lý luận, phân tích hoặc dùng rất ít như trường hợp Khổng” (13).

Và sau đây là lối viết của tác giả Hoàng Ngọc Hiến với cùng những dữ kiện với Cố Triết Gia được HNH trích dẫn từ chính tác phẩm của Ngài:

“ – những lời huấn đức minh triết được trình bày ‘tuy vắn tắt kiểu châm ngôn nhưng có hiệu lực muôn đời như Pyhagore, Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca…vvv…(H.N.H. tô đậm) (xem tr.2)

– những nhà hiền triết ”lo sống cái minh triết hơn là nghĩ đến viết ra sách vở (H.N.H. tô đậm)” (xem tr.2)…..

– phương pháp của tư duy minh triết là thể nghiệm, trực giác, không dùng đến lý luận phân tích (H.N.H. tô đậm) lý chứng, luận bàn (xem tr. 3), đương nhiên là không xây hệ thống…..”(14)

Thí dụ trên đây cho thấy khác hẳn với văn phong của Cố Triết Gia, người ta có cảm tưởng Hoàng Ngọc Hiến đang viết về Minh Triết như về bất cứ một lãnh vực chuyên môn thông thường  nào đó chứ đương sự không có vẻ dành cho Minh Triết  một chút đặc biệt nào khác cả !!!  Viết về Minh Triết như vậy thì đừng lấy lạ khi Minh Triết bị mang tiếng oan là cái gì đó nguội lạnh và đôi khi  lẩn thẩn!

Tóm lại, một nền văn hóa chỉ toàn sản ra được có những thông tin, tri thức “lạnh lẽo” và cao nhất là ý hệ là một nền văn hóa chưa đạt Nhất Quán nên thiếu Hồn, thiếu nơi an trú…..cái thiếu cho con người thời đại không phải là ý thức hệ, cũng không phải là những tư tưởng mới lạ, càng không phải là những sự kiện đã có sẵn man vàn, hoặc những truyện vui đã tràn ngập nhưng là thiếu một mối quán thông đủ khả năng tiêm sinh lực và gây ra một niềm tin tưởng và hướng dẫn vào một đích điểm nào đó. .

Cho nên điều quan trọng bậc nhất chưa phải là biết cho nhiều, biết cách xác thiết, có mạch lạc, có hệ thống, nhưng trên hết là NHẤT QUÁN

***

Bây giờ xin được trở lại nội dung cuốn sách “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT” của Hoàng Ngọc Hiến. Một số các dữ kiện sau đây, chúng tôi đã trình bày một cách tổng quát ở hai bài viết trước cùng một đề tài. Nhưng lần này, chúng tôi xin được  trình bày lại trong một viễn tượng mới nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của Lý Nhất Quán.

Như đã nói ở trên Nhất Quán phải xâu được Sự Thực, do đó Lý Nhất Quán đúng nghĩa áp dụng cho cuộc đời toàn diện. Có một tiêu chuẩn hơi tương tự nhưng hẹp hơn Lý Nhất Quán nhiều được giới Học Giả ngày nay xử dụng trong lãnh vực Nghiên Cứu, viết lách đó là tính Kiên Định, Phù Hợp (Consistency). Mà định nghĩa đơn giản nhất của tính Kiên Định (Consistency)  có thể áp dụng cho một lý thuyết, nội dung của một bài viết hay một cuốn sách, là đặc tính không chứa một mâu thuẫn nào.

Vậy nên, chúng ta thử áp dụng tiêu chuẩn nêu trên vào nội dung cuốn sách của Hoàng Ngọc Hiến. Quý độc giả chắc còn nhớ HNH bắt đầu tiểu luận của mình về Minh Triết & Minh Triết VIỆT bằng hai tác giả Kim Định và Ngô Thì Sĩ.

Về  “ Minh Triết” vì HNH trích dẫn nguyên văn định nghĩa của Cố Triết Gia mở đầu bằng câu “Nói về hình thức thì MINH TRIẾT chỉ sự khôn sáng của các Thánh Hiền đã được kết tinh vào những câu triết ngôn thuộc Truyền Thống tinh thần…..”, do đó,  ta có thể giả thiết ở đây rằng HNH đồng ý với câu định nghĩa trên cùa Cố Triết Gia nhấn mạnh ở điểm “MINH TRIẾT chỉ sự khôn sáng của các Thánh Hiền” như Phật, Lão, Khổng.

Nhưng khi đề cập đến tác giả Ngô Thì Sĩ với câu “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hóa lòng người”, thì HNH có vẻ thay đổi lập trường nên cho rằng “minh triết là “đạo lý đời thường” (HNH tô đậm) còn  “đạo lý thánh hiền” KHÔNG còn  được HNH  xem là Minh Triết nữa có lẽ vì ở đây đương sự theo ý kiến của Ngô Thì Sĩ cho rằng “đạo lý thánh hiền” là “để quở trách thói đời” trong khi “đạo lý đời thườngmới “cảm hóa lòng người” ?!

Chúng tôi không nghĩ như vậy. Theo thiển ý, mục tiêu chính yếu của các vị Thánh Hiền như Phật, Lão, Khổng là dùng TRÍ TUỆ qua các lời giáo huấn cũng như bằng chính cuộc đời của các Ngài để giúp nâng cao trình độ Tâm Thức của các môn sinh tiến về Chân Thiện Mỹ bằng  một đời sống Minh Triết, chứ mục đích không phải là “để quở trách thói đời” . Còn chính hành vi “quở trách thói đời” có lẽ thích hợp hơn với các ông “Thánh” trong các tôn giáo với một nền luân lý đạo đức khắt khe.

Còn nói “minh triết là đạo lý đời thường” như HNH thì chỉ lập lại các Sai Lầm của Triết Học Tây Phương (mà chúng tôi đã trình bày một cách chi tiết trong hai bài viết trước đây) khi Triết TÂY “hạ” Minh Triết xuống ngang hàng với Lương Tri Công Cảm (common sense, bon sens).

Ở đây có lẽ vì không nắm vững đề tài “Minh Triết & Minh Triết VIỆT”  nên HNH tỏ ra có lập trường rất “chao đảo” , thay đổi quan điểm một cách tùy tiện, tùy theo tác giả mà đương sự đề cập đến , do đó  ngay tiêu chuẩn Kiên Định, Phù Hợp (Consistency) HNH cũng không đáp ứng nổi, huống gì là Lý Nhất Quán !!!

Sự thiếu tính Kiên Định của HNH Hiến trong lề lối lý luận, cách thức trình bày vấn đề còn được thấy trong một thí dụ khác . Khi trình bày song song hai tác giả Kim Định và Ngô Thì Sĩ trong các lãnh vực Minh Triết, Triết Lý, Triết Học, hầu chắc là HNH đã biết đến đoạn văn của Cố Triết Gia nhằm định nghĩa Triết Lý như sau:

“Là những sách vở do môn đệ các vị trên để lại như: Tuân Tử, Mạnh Tử, Chu Hy, Sankara, Vương Dương Minh… Những đề tài họ suy tư cũng là những vấn đề của thầy, nghĩa là, xoay quanh cứu cánh thân phận con người; phương pháp dùng lý luận biện chứng để tìm hiểu và phổ biến minh triết, nhờ thế mà quảng đại quần chúng hiểu rõ được chỗ sâu xa của minh triết, chẳng hạn đọc Tuân Tử hay Mạnh Tử ta thấy mạch lạc rõ ràng dễ hiểu hơn Khổng Tử nhiều lắm”.(15)

Thế mà trong khi đang làm công việc nêu trên, nhằm đối lập với Minh Triết, HNH lại định nghĩa Triết Lý như sau”Triết lý thì khác, nó thiên về thuần lý và có xu hướng thoát ra khỏi” tính cục bộ” , “tính cụ thể” của kinh nghiệm”. (16)

Nhưng câu định nghĩa của HNH về Triết Lý ở đây trái ngược với  câu định nghĩa của Cố Triết Gia về Triết Lý ở phần trên. Lý do là thay vì “Triết Lý”, đáng lẽ HNH phải dùng từ ngữ “Triết Học” áp dụng cho Triết Học Tây Phương ở đây thì mới đúng. Viết kiểu này thì chỉ làm cho độc giả “rối trí”  đưa tới lẫn lộn do  sự bất nhất của tác giả mà thôi!

HNH có tham vọng hướng dẫn độc giả nhằm  giúp độc giả làm quen , đồng thời phân biệt được Minh Triết khác với Triết Lý, với Triết Học, Triết Lý khác với Triết Học như thế nào. Nhưng như đã nói ở phần mở đầu, tính cách tản mác, rời rạc, chắp vá. lộn xộn….trong lề lối trình bày, cách thức lý luận cũng như nội dung bài viết, nhất là sự thiếu tính Kiên Định (Consistency), và lẽ dĩ nhiên thiếu luôn tính Nhất Quán bàng bạc trong suốt cuốn tiểu luận của tác giả , không giúp độc giả được gì nhiều trong mục tiêu dự liệu, tức làm quen với Minh Triết, Triết Lý và Triết Học!

Chúng tôi xin đơn cử thêm một thí dụ về vấn đề Kiến Định (nghĩa hẹp) Nhất Quán (nghĩa rộng). qua câu định nghĩa về Minh Triết của chính Hoàng Ngọc Hiến: “Minh Triết là tính sáng khôn, thiên về diễn ngôn thoáng gọn, chủ yếu được sống và sống ở bình diện đạo lý đời thường, tuy vậy không xa lạ với đạo lý thánh hiền, thiên về cảm hóa lòng người hơn là quở trách thói đời.” (17) Và HNH có vẻ “đắc chí” với câu định nghĩa của mình về Minh Triết.

Nhưng nếu đọc kỹ một chút thì ta sẽ phát giác ra rằng cố gắng của HNH nhằm cho ta cảm tưởng đó là một “khám phá” của chính đương sự, thì thực sự chỉ là sự “chắp nối” hai câu định nghĩa của hai tác giả Kim Định và Ngô Thì Sĩ về Minh Triết mà thôi!. Cũng chả sao! nếu thực sự HNH thành công trong nỗ lực này. Chúng tôi xin được phân tách nội dung của câu định nghĩa của HNH về Minh Triết như sau:

Câu định nghĩa của HNH có 2 phần:

phần đầu : “Minh Triết là tính sáng khôn, thiên về diễn ngôn thoáng gọn, chủ yếu được sống…”. ở phần này, HNH lập lại mấy ý tưởng chính trong định nghĩa của Cố Triết Gia, chỉ thay đổi vai từ ngữ mà thôi. Chẳng hạn:

* Cố Triết Gia dùng nhóm chữ “sự khôn sáng” thì HNH đổi thành “tính sáng khôn

* Nhóm chữ “thiên về diễn ngôn thoáng gọn” của HNH cũng chỉ lập lại ý tưởng  “vắn tắt kiểu châm ngôn” của Cố Triết Gia

*  Còn “chủ yếu được sống” của HNH thì có khác gì “lo sống cái minh triết của Cố Triết Gia

phần hai: Còn phần hai “và sống ở bình diện đạo lý đời thường, tuy vậy không xa lạ với đạo lý thánh hiền, thiên về cảm hóa lòng người hơn là quở trách thói đời”thì rõ ràng là lập lại ý tưởng của Ngô Thì Sĩ.

Tuy nhiên, điểm cối lõi của vấn đề không nằm ở phần trình bày ở trên, mà nằm trong các câu hỏi được đặt ra sau đây: “Khi làm công việc nêu trên, HNH có nắm được Lý Nhất Quán của vấn đề hay không ?” Hay nói một cách khác “Khi ‘chắp nối’ hai câu định nghĩa của hai tác giả khác nhau, HNH có giữ được tính Kiên Định (Consistency) trong công việc thực hiện hay không ?”.

Nghĩa là HNH có thành công trong nỗ lực nêu trên bằng một Tổng Hợp mới có khả năng vượt lên và thống nhất nội dung của hai câu định nghĩa của hai tác giả khác nhau  hay không ?

Hay cuối cùng,  kết quả của cố gắng nêu trên chỉ là một Tổng Cộng “luộm thuộm” của hai thực thể khác nhau là hai câu định nghĩa của Kim Định và Ngô Thì Sĩ  mà lối bình giải chủ quan và gượng ép của đương sự không những không giàn hòa được nội dung của chúng trong một câu định nghĩa mới mẻ về Minh Triết được mong muốn, trái lại khiến nội dung của chúng trở thành đối nghịch với nhau đến độ phủ nhận tất cả giá trị của chính cuốn sách  của tác giả.

Thật vậy,  như đã phân tích ở phần trên, với Kim Định, tác giả đồng ý là Minh Triết là “đạo lý thánh hiền”, nhưng với Ngô Thì Sĩ thì tác giả  lại “trở mặt”: Minh Triết KHÔNG  còn là “đạo lý thánh hiền” nữa mà là “đạo lý đời thường”. Mà hệ luận là câu định nghĩa của  HNH, kết quả của sự chấp vá hai thực thể đối  chọi nhau như vừa trình bày ở  trên, có thể nói  là đỉnh caođiển hình của tính Thiếu Kiên ĐịnhThiếu Nhất Quán  của nội dung  cuốn sách “Luận Bàn Minh Triết và Minh Triết VIỆT” của tác giả Hoàng ngọc Hiến !!!

***

Sau đây là một thí dụ khác không liên quan trực tiếp tới nội dung cuốn sách  của HNH, nhưng sở dĩ chúng tôi đề cập đến là để làm sáng tỏ hơn ý nghĩa của tính Kiên Định và tính Nhất Quán

Có một Vị thường xuyên đóng góp trên các Diễn Đàn và Web và thỉnh thoảng đưa ra những  lời phê bình và nhận xét về Văn Hóa Việt và Nho Giáo, qua đó chúng tôi có nhận xét là Vị này có vẻ không nắm vững  Tinh Hoa của Nho Giáo cũng như của Văn Hóa Việt. Lý do có lẽ là tại  Vị này sinh trưởng trong một môi trường mà vì những lý do Văn Hóa và Tôn Giáo, đa số thành viên,  ngoài  việc đôi khi biểu lộ  một vài hình thức bên ngoài nhằm  chứng tỏ với người khác rằng  ta đây cũng là người Việt, thì thực sự ở tận đáy lòng, họ không thiết tha gì lắm đến Văn Hóa Việt; do đó họ không tìm cách cập nhật hóa vốn kiến thức của  mình trong lãnh vực liên hệ . Mà hệ luận là những nhận xét của họ cũng như của Vị mà chúng tôi vừa đề cập ở trên,  về Nho Giáo và Văn Hóa Việt thường chỉ phản ảnh những Thành Kiến, Ngộ Nhận lâu đời bắt nguồn  từ thời Thực Dân, Thuộc Địa !

Bằng chứng là trong một bài viết mới đây “Về Chưởng”, Vị này có đưa ra nhận xét như sau: “ Câu truyện làm nổi bật lên rõ rệt trong cuộc sống hai loại người thuộc hai phạm trù đạo đức chánh /tà phân biệt. Một loại trong lòng chứa đầy dục vọng tham sân si nhưng được bọc kín trong cái vỏ đạo đức giả hiệu luôn tự cho mình là chánh lại hay làm điều gian ác để đạt mục đích. Ngược lại, kẻ bị loại đạo đức giả kia coi là tà lại luôn tuân giữ tốt đạo làm người. Vậy thì chánh ở đâu? Tà ở đâu?….. Như vậy xem ra chánh và tà cũng là chuyện phức tạp, chứ không phải đơn giản. Cái đầu mối phức tạp ở chỗ cái tâm bất chánh của con người muốn kẻ một lằn ranh cố định giữa các khái niệm đạo đức này. Thật vậy, chánh, tà là hai phạm trù đối nghịch phân biệt dứt khoát trong quan niệm đạo đức của nhiều dân tộc Á Châu, nhất là Trung Hoa và Việt Nam.”(chúng tôi viết chữ nghiêng) (18). Có thật như vậy hay không ?

Thật ra, tình trạng nêu trên  hiện diện trong bất cứ nền Văn Hóa, Xã Hội nào xưa cũng như nay.chứ không dành riêng cho các dân tộc Á Châu như Vị này nhận xét, lại còn nhấn mạnh đến  hai nước Trung Hoa và Việt Nam qua nhóm chữ “nhất là Trung Hoa và Việt Nam”!!!

Nguyên nhân của vần đề nêu trên có lẽ là như thế này và chúng tôi mạn phép trình bày hơi dong dài một chút để giúp độc giả dễ nắm đề tài hơn. Nên nhớ theo thuyết Tiến Hóa của khoa học hiện đại, con người xuất hiện không phải  “khơi khơi” giữa Trời Đất “trên không chằng, dưới không rễ” hay do một “phép lạ nào đó”, mà qua một quá trình Tiến Hóa lâu đời từ thạch đá, kim khí, thực vật, động vật, rồi đến con người qua nhiều tỷ năm. Tổ tiên sớm nhất của loài người là “người vượn” (hominid) xuất hiện vào khoảng 3 triệu năm, rồi tiến  hóa dần dần tới dạng con người hiện đại vào khoảng 200.000 năm cách ngày nay. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa các Đạo Giáo Đông Phương và phái Duy Vật bên Tây Phương là song song với quá trình Tiến Hóa vừa trình bày ở trên mà phái Duy Vật chấp nhận, Đạo Giáo Đông Phương quan niệm là còn  một tiến trình Tiến Hóa trên bình diện Tâm Linh nữa, tuy nhiên  Văn Hóa Đông Phương hiểu nội dung “Tâm Linh” KHÁC với phe  Hữu Thần bên Tây Phương  : theo quan niệm trên, trong Vũ Trụ  đâu đâu cũng có Đạo cả. Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa các giai tầng Tiến Hóa nằm ở trên bình diện Nhận Thức (hoặc Ý Thức). Mà trên nguyên tắc, với con vật chẳng hạn, ánh sáng Tâm Linh nằm chìm sâu trong phần tiềm thức, vô thức của nó, còn đối với con người với mức Tiến Hóa bình thường, thì nhờ vào vai trò của Ý Thức, con người đã phần nào cảm nghiệm được thực tại Tâm Linh trong tầng sâu của nội tâm  mình.

Bây giờ chúng ta có thể trở lại vấn đề được đặt ra do đoạn văn “Về Chưởng” nêu trên. Tại sao lại có quan niệm Chánh Tà và đâu là vai trò của Luân Lý Đạo Đức  trong vấn đề vừa nêu ?

Về phương diện trình độ Tiến Hóa trong lãnh vực Tâm Linh, không chỉ có sự khác biệt giữa con người và con vật, mà còn giữa con người với nhau nữa. Theo các Đạo Giáo Đông Phương, do các cơ duyên khác nhau, con người sinh ra  với các trình độ Tâm Thức khác nhau. Tuy nhiên, dựa trên  nỗ lực Học Hỏi cũng như Tu Tập, mỗi cá nhân có khả năng  tiến triển trên con đường Tâm Linh của mình để đạt được những trình độ Tâm Thức cao hơn lúc ban đầu, nhờ vậy hành giả có thể trở nên càng ngày càng độc lập hơn đối với các nền luân lý đạo đức của xã hội hay tôn giáo. Mà khi đạt được tới trình độ MINH TRIẾT thì hành giả có thể phát biểu như Khổng Tử: “Vô Khả Vô Bất Khả”  tạm dịch là “không có gì gọi là được, không có gì gọi là không được cả, được hay không là tùy sự phán đoán của hành giả vào thời điểm và không điểm mà sự việc xảy ra  ”, do đó nhà Hiền Triết “đạt Đạo” rồi thì không còn cần căn cứ trên nền luân lý đạo đức tương đối của xã hội hay tôn giáo nữa , vì chỉ cần làm theo lòng mình thì tức khắc “trúng Đạo”.Đó cũng là ý nghĩa của câu  “Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” (L.N. II.4)  nghĩa là đối với một người Tu Học theo Đạo Nho thì lý tưởng là khi tới tuổi 70, hành giả có thể  nói hay làm theo lòng mình từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ  mà   không  vượt ra khỏi khuôn khổ của Đạo Lý hay lẽ thường.

Nhưng đó  là trường hợp họa hiếm, còn thông thường thì  Luân Lý Đạo Đức vẫn tỏ ra cần thiết trong xã hội loài người nhằm giúp những con người với trình độ Tiến Hóa trung bình sống có chút quy củ khuôn phép về mặt Đạo Đức cũng như giúp xã hội tồn tại được nhờ chút kỷ luật có được dựa trên Luân Lý Đạo Đức cũng như Luật Pháp. Vì ở giai đoạn Tiến Hóa hiện tại, trình độ Tâm Thức của đa số con người tương đối còn thấp, nên để giúp họ trong cuộc sống riêng cũng như chung, tôn giáo cũng như xã hội cần cung cấp cho họ ít nhất ở điểm khởi đầu, một loại luân ý đạo đức với “hai phạm trù đạo đức chánh/tà phân biệt”. Vì nếu không có loại luân lý đạo đức này thì đa số không biết phải “xử trí” như thế nào trong cuộc sống. Tuy nhiên, giữa hai  “thái cực” nêu trên ,một bên nhà Minh Triết “Vô Khả Vô Bất Khảchỉ cần làm theo lòng mình thì tức khắc “trúng Đạo” và bên kia đa số cần loại luân ý đạo đức với “hai phạm trù đạo đức chánh/tà phân biệt, có nhiều cấp bậc trung gian, mà đối với các thành phần sau này, thì sự Học Hỏi và Tu Tập  trở nên tối cần thiết nhằm giúp họ Tiến Bộ trên con đường Tâm Linh.

Như đã nói ở trên,tình trạng này hiện diện trong bất cứ nền Văn Hóa, Xã Hội nào xưa cũng như nay. Nhưng có lẽ Vị này một mặt đọc quá nhiều chuyện Chưởng của Kim Dung, mặt khác, có lẽ vì những thành kiến lâu đời mà Vị này có về Văn hóa Việt do môi trường sinh sống của mình  , do đó có cảm tưởng rằng đó là nét đặc trưng riêng của Á Châu, Trung Hoa và Việt Nam ?!

Thật là điều lạ lùng khi  Vị này thường cho người khác cảm tưởng là không hay biết gì đến tình trạng tương tự (còn có mòi trầm trọng hơn nhiều khi so với Á Châu) liên quan đến loại luân ý đạo đức với “hai phạm trù đạo đức chánh/tà phân biệt” hiện hữu  trên vài chục thế kỷ bên trời Tây dưới hình thức xung đột đẩm máu giữa hai phe Hữu Thần và Vô Thần, các cuộc Thánh Chiến với Thập Tự Quân kéo dài từ thế kỷ này qua thế kỷ khác giữa Thiên Chúa giáo và Hồi Giáo, các cuộc Thánh Chiến giữa các Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành  trong lòng Thiên Chúa Giáo bắt đầu từ  khoảng thế kỷ 15 tại các nước Tây Phương, riêng với  Bắc Ái Nhĩ Lan (Northern Ireland) kéo dài cho đến tận cuối thế kỷ 20,  trên nguyên tắc chấm dứt vào năm 1998, nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục “lai rai” .(18)

Mặt khác, Vị này còn giúp phổ biến trên các diễn đàn các tài liệu của  phe  Cực Hữu của đảng Cộng Hòa tuyên truyền rằng các dữ kiện liên quan  đến Hồi Giáo và các Thập Tự  Chiến bị “xuyên tạc”, rằng các trường học tại Hoa Kỳ không được cung cấp những dữ kiện “đúng đắn” về các vấn đề nêu trên…vvv… Trong khi đó, những tài liệu và dữ kiện  về Hồi Giáo, về các cuộc Thánh Chiến tại Tây Phương…. của các nhà nghiên cứu học giả đứng  đắn, của các Sử Gia hàng đầu như Will Durant, A. Toynbee….. có thiếu gì trong các Thư Viện tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới ! Tại không muốn biết đến mà thôi !!!

Còn vụ “giấy khai sanh của Obama “ nữa, Vị này cáo buộc Obama rằng Tờ giấy Obama trưng ra năm 2008 chỉ là tờ Chứng Nhận Khai Sanh (Certification of Birth) chứ không phải bản sao giấy khai sanh (Long form Birth Certificate Copy.) nhưng T.T. Obama đã cung cấp bản sao giấy khai sanh của mình vào tháng 04/2011 rồi. (19) Vậy mà trong một Email đề ngày 06/03/2012,tức gần một năm sau,  Vị này và những người “đồng chí hướng” vẫn đặt vấn đề này trên Diễn Đàn khiến cho một Vị khác cũng theo dõi Diễn Đàn phải bực mình thốt lên: “Tôi nhận thấy hiện nay chẳng còn trang báo nào có uy tín tầm cỡ còn đăng những bài liên quan đến giấy khai sinh của TT Obama nữa, kể cả những trang báo như CNN, ABC, NBC, CBS, MSN, Wall Street Journal, Washington Post… Chẳng lẽ một vấn đề lớn và hệ trọng tới toàn thể quốc gia mà không được tờ báo nào bàn tới?” (21)

Ngoài ra, khi đề cập đền đối phương thì Vị này xử dụng các ngôn từ  một cách không được lịch sự, lễ độ  lắm như : “Obama là người xấu” hoặc “Kinh tế là cái tủ đứng chặn cứng họng Obama đối với dân chúng Mỹ. Kẻ lẻo mép này hết thế để bào chữa, nhưng lại ngụy biện đổ tội lên đầu người tiền nhiệm là TT Bush con.” Hoặc “Lý luận như Obama thì thật là gian manh và láu cá”.(22) Chúng ta biết là trong vấn đề  Tranh Luận, người ta thường khuyên những người chưa có nhiều kinh nghiệm  trong lãnh vực này là  hãy “play the ball not the man” tức trong khi tranh luận, hãy “tấn công” vào các lập luận, dữ kiện….. nhưng  tránh phê bình tính tình của đối phương, thì Vị này có vẻ hành động trái ngược lại với các nguyên tắc căn bản của khoa Tranh Luận, bằng cách  “play the man not the ball” !

Còn nhiều điều nữa, nhưng đến đây cũng tạm đủ cho đề tài hôm nay

Tóm lại, qua những dữ kiện vừa nêu trên, phải chăng Vị này tỏ ra Thiếu tính  Kiên Định (Consistency) hay Thiếu Nhất Quán do Thiếu Vô Tư trong phán đoán được biểu lộ qua sự kiện là chính Vị này mặc dầu chê trách người khác nhất là các “Đồng Hương” của mình về một lỗi lầm, nhưng cuối cùng cũng phạm phải lỗi lầm tương tự: đó là tuân theo loại luân ý đạo đức với “hai phạm trù đạo đức chánh/tà phân biệt : Thiên Chúa Giáo là Chính, Hồi Giáo là , phe Hữu là Chính, phe Tả là Tà, Cộng Hòa là Chính, Dân Chủ là , Romney là Chính, Obama là ….vvv…

Đó là loại Tâm Lý mà Thánh Kinh có nói đến qua thuật ngữ   “Thấy cọng rơm trong mắt người, mà lại không thấy cái xà  nhà trong mắt mình” !!!

Lê Việt Thường

CHÚ THÍCH

(1) Kim Định, “Cơ Cấu Việt Nho” Phần Bốn Phụ Trương: XXII :Vấn Đề Nhất Quán  http://vietnamvanhien.net/cocauvietnho.pdf

(2) Idem

(3) Idem

(4) Idem

(5) Idem

(6) Idem

(7) Idem

(8) Idem

(9) Idem

(10)                    Idem

(11)                    Idem

(12)                    Idem

(13)                    Kim Định “Những Dị Biệt Giữa Hai Nền Triết Lý Đông Tây” I Sứ Mệnh Của Triết Lý Đông Phương 2. Nét Đặc Trưng Của Triết Đông Triết Tây

(14)                    Hoàng Ngọc Hiến, “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT”, NXB Tri Thức, Hà Nội, VN, 2011, tr.19-20

(15)                    Kim Định “Những Dị Biệt Giữa Hai Nền Triết Lý Đông Tây” Idem

(16)                    Hoàng Ngọc Hiến, “Luận Bàn Minh Triết & Minh Triết VIỆT”, NXB Tri Thức, Hà Nội, VN, 2011, tr.18

(17)                    Idem, tr.18

(18)                    Duyên Lãng Hà Tiến Nhất, “Ngày Tết Nói Chuyện Chưởng”http://www.chinhkhiviet2013.com/232329450

(19)                    “The Troubles” http://en.wikipedia.org/wiki/The_Troubles

(20)                    http://en.wikipedia.org/wiki/Barack_Obama_citizenship_conspiracy_theories

(21)                    Kính gửi quí ông “Birthers” /Will Biden be the interim president before the end of the year ???

Diễn Đàn “Nước Việtqtran email đề ngày 6/3/2012

(22)                    Duyên Lãng Hà Tiến Nhất “Cuộc Chiến Chống Lại Các Giá Trị Của Nước Mỹ” http://trangvhntnguoncoi.wordpress.com/2012/10/03/obama-va-cuoc-chien-chong-lai-nhung-gia-tri-cua-nuoc-my/

 Trở Về

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

 

 

 

Tìm Kiếm