Thái Ðông A

PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY ĐÔNG PHƯƠNG VÀ NỀN HÒA BÌNH THẾ GIỚI

Loài người đã đi vào thiên niên kỷ mới với nhiều thành quả khoa học kỹ thuật vô cùng to lớn và cùng với nhiều vấn đề hệ trọng khó có cơ giải quyết. Trong những nan đề của loài người ngày hôm nay, có một vấn đề rất quan trọng nếu không giải quyết được thì con người có thể lâm vào một hoàn cảnh vô cùng bi đát của sự tự hủy hoàn toàn. Đó là vấn đề chiến tranh và hoà bình. Con người cần phải tìm ra phương cách để sống với nhau trong hoà thuận. Vì nếu có một cuộc chiến tranh thế giới xảy ra thì có nhiều lý do để chúng ta tin rằng cuộc chiến đó sẽ là cuộc chiến cuối cùng của loài người vì sau cuộc chiến nếu còn người nào sống sót thì cũng tàn tật và đau khổ, không còn sức lực và tâm địa để tàn sát nhau nữa.

Có người tin rằng nền văn minh vật chất của Tây phương sẽ phải bị hủy diệt như tất cả các nền văn minh khác như văn minh Ai Cập, văn minh La Mã, vì những lý do nội tại của những nền văn minh này. Đó là một vấn đề tất yếu.

 Nhưng cũng có người, trong đó có người viết, lại tin rằng nền văn minh đương đại khác với các nền văn minh Ai Cập và La Mã, vì có sự tiếp cận của nền văn minh này với nền văn minh Đông phương. Và phương pháp tư duy của Đông phương sẽ tiếp cứu và bổ túc cho văn hóa Tây phương để kiếm ra được sinh lộ cho nhân loại, đưa nhân loại tới một nền văn minh mới, một nền văn minh rực rỡ hơn cả về hai mặt vật chất và tinh thần, con người sẽ sống trong hạnh phúc và an lạc.

 Tại sao người viết có lòng tin vào sự thể văn hoá Đông phương có thể bổ túc cho văn hoá Tây phương để giúp loài người tiếp tục tiến bộ trong hoà bình và hạnh phúc? Có hai điểm cần nêu lên:

 1. Văn hoá Đông phương phải có một ưu điểm nào đó mới có thể tồn tại cả bốn, năm ngàn năm, có lúc thịnh, có lúc suy nhưng nền văn hoá đó vẫn tồn tại; ngay cả lúc văn minh Tây phương đã cực thịnh, đã lan tràn cả tới những nơi rừng sâu nước độc xa xôi mà vẫn phải cầu cứu sự tiếp sức của văn hoá Đông phương.

 Ưu điểm của nền văn hoá Đông phương là nó hàm chứa một bí quyết về hạnh phúc con người mà ai cũng cần tới và bí quyết của hoà bình nhân loại.

 2. Một điểm quan trọng khác là các khám phá khoa học mới nhất trong vật lý hạ nguyên tử (subatomic physics) hay vật lý lượng tử (quantum physics) đã xác nhận là tư tưởng Đông phương rất đúng với những gì mới nhất mà những ngành này vừa khám phá được. Nhiều khoa học gia đã có đồng quan điểm với Đông phương là sự vật (thực tại) luôn gồm có âm và dương, có phần nhìn thấy và phần không nhìn thấy và sự vật luôn có hai mặt. Đây là điểm quan trọng nhất mà Tây đã đồng ý với Đông và đây là khởi điểm quan trọng để Đông – Tây hiểu nhau và như vậy Tây phương sẽ có khả năng học hỏi ở Đông phương học và tiếp cận được với tư tưởng Đông phương.

ĐÔNG TÂY KHÁC NHAU VỀ TƯ DUY

Sau Thế Chiến 2, nhân loại đã chứng kiến những đổ vỡ và chết chóc quá khủng khiếp do chính nền văn minh vật chất Tây phương tạo ra. Các tư tưởng gia hàng đầu của Tây phương đã chính thức công nhận sự thất bại của tư tưởng Tây phương trong việc mưu cầu hoà bình và hạnh phúc cho nhân loại, đồng thời lên tiếng cầu cứu sự giúp đỡ của văn hoá Đông phương. Điều này được Hội nghị các Triết gia Tây phương tại Honolulu năm 1949 xác nhận và hội nghị cũng đã bầu Khổng Tử lên làm chủ tể của tư tưởng nhân loại.

Hơn nửa thế kỷ đã qua đi mà vẫn chưa có ai đại diện cho Khổng Tử lên tiếng. Sự im lặng này có thể có nhiều lý do. Lý do quan trọng nhất, theo người viết, là lý do phương pháp truyền đạt. Tứ Thư, Ngũ Kinh – đáng kể nhất là Kinh Dịch – không được giảng dạy  như ngày xưa, nhưng chắc chắn rất nhiều người thâm cứu về Khổng, Lão  ở Việt Nam, Đài Loan, Hương Cảng, Tân Gia Ba, Nhật Bản… Họ biết những điều hay cần được diễn tả và truyền đạt, nhưng khi bắt đầu diễn đạt bằng ngôn ngữ ngày nay để cho người Tây phương học hiểu thì công việc bắt đầu có vấn đề. Họ không thể truyền đạt tư tưởng Khổng, Lão bằng ngôn ngữ ngày nay vì tư tưởng Khổng, Lão được xây dựng bằng một luận lý khác với luận lý một chiều của Tây phương. Luận lý của Khổng, Lão là luận lý nhị phân, luận lý toàn diện, luận lý hai chiều. Chưa có phương pháp luận của loại luân lý nhị phân này. Đó cũng là lý do giải thích tại sao những bộ óc siêu việt của Tây phương như Hegel đã hiểu sai Kinh Dịch; trong khi âm dương hoà hợp, ông ta lại cho âm dương mâu thuẫn. Biện chứng pháp của Hegel đã bắt nguồn từ Dịch học, nhưng vì tác giả của biện chứng pháp lại hiểu sai âm dương và thái cực nên biện chứng pháp của Hegel chẳng còn giá trị gì. Tây phương chưa bao giờ hiểu thấu đáo tư tưởng Đông phương, nếu không muốn nói là đã hiểu sai như trường hợp Hegel. Chỉ có Gustave Jung là hiểu Dịch ít nhiều và đã áp dụng tứ tượng, bát quái vào việc nghiên cứu tâm lý học có kết quả.

 Có một điều nghịch lý là trong khi người Tây phương không hiểu được tư tưởng Đông phương thì người Đông phương lại học văn hoá Tây phương một cách rất mau lẹ, nhiều khi còn nhanh hơn cả người Tây phương, điển hình là nước Nhật đã vượt gần hết các nước Tây phương về khoa học kỹ thuật.

 Lý do là văn hoá Tây phương xây dựng trên nền triết học tĩnh, có phương pháp luận về luận lý đơn thuần hay luận lý một chiều (linear logics); phương pháp luận của luận lý này đã được khám phá ra từ thời Socrates. Khi muốn kiếm một định luật thiên nhiên thì dùng quy nạp pháp. Đó là phương pháp của khoa học. Khi muốn áp dụng định luật thiên nhiên cho công dụng hữu ích cho con người thì xài diễn dịch pháp. Khi tranh luận để kiếm ra sự chuẩn xác thì sử dụng diễn dịch pháp, đưa tiền đề mà ai cũng phải công nhận để nắm vững kết luận.

 Các nhà trí thức Tây phương, dù là khoa học gia của các khoa học thực nghiệm hay các chuyên viên của các khoa nhân văn, đều phải nắm vững hai phương pháp của luận lý là quy nạp pháp và diễn dịch pháp.

 Các nhà trí thức Tây học, dù là người Việt Nam, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Úc… đều phải nắm vững các phương pháp luận của tư duy Tây phương để có thể tiến xa trong các lãnh vực mà mình đang theo đuổi.

 Tây học do đó rất dễ học vì có phương pháp để lãnh hội. Trái lại Đông phương học, do xây dựng trên nền luận lý động – tức là luận lý nhị phân và phương pháp luận của nhị phân luận – từ cổ chí kim chưa có sách vở nào bàn tới, vì phương pháp để lãnh hội tư tưởng này chưa có; muốn hiểu được tư tưởng Đông phương bằng lý luận nhị phân thì trước tiên phải nắm vững phương pháp của luận lý này. Thế nên trí thức Tây học dù là Tây hay Ta, Mỹ hay Việt, đều không thể nào hiểu thấu đáo được tư tưởng Đông phương nếu không để công thâm cứu học thuật này. Chính vì vậy mà người Tây phương đã gọi Đông phương học là Huyền học (mystics), tức là học thuật Đông phương là huyền bí, có nghĩa rất khó hiểu hoặc còn có nghĩa là chẳng bao giờ có thể hiểu được.

NHỮNG THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI CỦA NỀN VĂN MINH TÂY PHƯƠNG HIỆN ĐẠI

Văn minh Tây phương đã thành công trên nhiều lãnh vực khoa học kỹ thuật. Nhờ những kỹ thuật Tây phương, con người đã thực hiện được những giấc mơ thần tiên, như giấc mơ đi mây về gió. Kỹ thuật hàng không cho phép con người đi Mỹ, đi Tây trong vòng một ngày hay hơn. Các kỹ thuật gia cũng đang dự trù những chuyến bay từ Melbourne đi New York chỉ mất một thời gian từ một tới hai tiếng đồng hồ.

 Kỹ nghệ tin học càng ngày càng phát triển, cho phép con người thông tin với nhau ở bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào trên thế giới. Một người ngồi trong nhà có thể biết mọi sự xảy ra trên thế giới.

 Kỹ nghệ sinh học (biotechnology) cho phép con người sản xuất ra con người có đủ tim óc như chúng ta, từ một tế bào lấy ở bất cứ chỗ nào trong cơ thể con người.

 Sự tiến bộ của khoa học được báo cáo hàng ngày hàng giờ. Các tiến bộ về khoa học kỹ thuật quả thật đã đem lại cho chúng ta nhiều tiện nghi vật chất mà con người ngày xưa không bao giờ dám mơ đến.

 Những tiến bộ đó là do kết quả của phương pháp tư duy gọi là phương pháp luận lý một chiều, luận lý đơn thuần; đó là một ngành triết học quan trọng của Tây  phương.

 Lấy thi dụ máy bay phản lực chẳng hạn. Máy bay phản lực đã làm cho chúng ta thực hiện được giấc mơ đi mây về gió. Do quy nạp pháp, Newton đã kiếm ra được luật thứ ba của sự chuyển động (3rd law of motion). Luật đó nói, “Đối với một lực tác động, luôn luôn có một lực phản động, tương đương và ngược chiều.” Các nhà phát minh động cơ phản lực (jet engine) đã sử dụng diễn dịch pháp để kiếm ra công dụng của luật thứ ba về chuyển động và chế ra máy bay phản lực.

 Văn minh Tây phương xây dựng trên một nền triết học tĩnh mà luận lý học là một bộ phận quan trọng nhất và đương nhiên phương pháp lý luận này đã là chìa khoá mở toang những cánh cửa dẫn vào các kho tàng vật chất.

 Nhưng vì con người đã lạm dụng những hiểu biết của mình về các bí mật của vũ trụ, đã đi quá đà, đã đụng tới luật quân bình của tạo hoá, tạo ra những tai họa khó lường. Cho nên, trong khi tuyên bố đại thắng trên mặt trận khoa học kỹ thuật, loài người cũng đồng thời công nhận sự thất bại của mình trên nhiều lãnh vực khác.

 Chưa bao giờ con người lại lo âu về bệnh tật như bây giờ. Những bệnh nan y – như bệnh liệt kháng (AIDS), ung thư, bệnh đau tim – càng ngày càng gia tăng. Chúng đe dọa con người thuộc mọi lứa tuổi, mọi dân tộc. Những bệnh này là bệnh của nền văn minh này, vì nền văn minh này cho phép và khuyến khích dân chúng tiêu thụ thả dàn (mass consumption), phí phạm tài nguyên thiên nhiên, gây nên sự ô nhiễm sông, nước, không khí, thực phẩm… Vì kỹ nghệ hoá học, tầng ozone tại Nam cực bị chọc thủng, khiến nguy cơ ung thư tại các vùng Nam bán cầu gia tăng. Nạn thán khí (CO2), phó sản của nền kỹ nghệ phục vụ chủ nghĩa tiêu thụ thả dàn, càng ngày càng trầm trọng, làm cho bầu khí quyển càng ngày càng nóng, do đó băng tuyết ở Nam cực và Bắc cực tan ra nhiều hơn làm cho mực nước biển tăng lên, nguy cơ lụt lội do đó càng ngày càng gia tăng và tới một độ nào đó, tạo sự bất quân bình và trái đất có thể đổi trục và nạn hồng thủy sẽ xảy ra, tiêu hủy hoàn toàn sự sống trên trái đất.

 Các nhà tương lai học cũng tiên đoán nhiên liệu là huyết mạch của nền văn minh này và tài nguyên thiên nhiên sẽ cạn kiệt trong vòng 30 tới 50 năm nữa.

 Và quan trọng nhất là loài người hầu như không tìm kiếm được một phương pháp chung sống với nhau trong hoà bình. Người ta ai cũng tư duy một chiều nên mới có đổ vỡ, xung đột. Vợ chồng xung đột, bè phái xung đột, tôn giáo xung đột và các nước xung đột với nhau chỉ vì tư duy một chiều, chỉ vì chưa biết tư duy nhị phân.

 Người Tây phương thuộc địa ngày xưa đem sự hiểu biết về kỹ thuật chinh phục, chiếm lãnh đất đai, tài nguyên của nước khác, gây biết bao hận thù, coi người khác giống như rơm rác, chì vì người Tây thuộc địa chỉ nghĩ một chiều. Thảm hoạ Việt Nam là một bằng chứng hùng hồn về những tư duy một chiều của người Pháp. Khi cả loài người đứng lên đòi quyền sống, quyền làm người thì những người Pháp lạc hậu chỉ suy nghĩ một chiều – suy nghĩ về quyền lợi của mình mà không nghĩ đến lòng căm thù vô biên giặc Pháp của người Việt Nam – đã sang xâm chiếm Việt Nam một lần nữa, gây nên một cuộc chiến tranh tàn khốc mà hậu quả đến ngày nay vẫn chưa hết. Rốt cuộc họ không đạt được mục đích nhưng để lại tai họa vô lường cho Việt Nam.

 Những người Việt Nam Tây học hầu như chưa bao giờ đả động đến người Pháp thuộc địa là nguyên nhân sâu xa gây nên một cuộc chiến diệt chủng tại Việt Nam, cũng như là nguyên nhân tạo nên sự lạc hậu của Việt Nam ngày nay. Trái lại có người u mê đến độ không những lo chạy tội cho đám Tây thuộc địa này mà còn đổ tội cho ông cha mình, cho văn hoá Nho giáo. Những người phản bác luận điệu này cũng chỉ suy nghĩ một chiều nên cuộc tranh luận chẳng đi tới đâu. Nếu chỉ sử dụng tư duy hai chiều thì sẽ thấy ngay luận điểm của người buộc tội nền văn hoá Việt Nam là sai. Chỉ cần hỏi người ấy một câu rằng, “Nhật Bản, Đài Loan có theo Nho giáo không? Tại sao Nho giáo tại Nhật Bản và Đài Loan không làm cho hai nước này lạc hậu mà chỉ làm nước Việt Nam lạc hậu thôi?” Người ấy sẽ nhận thấy điểm sai của chính mình và những người đồng quan điểm với người ấy cũng sẽ được giác ngộ.

PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY NHỊ PHÂN  

 NHỊ PHÂN LUẬN là phương tiện để giúp con người phân biệt phải trái. Vấn đề phải trái xưa nay vẫn là vấn đề triết học quan trọng nhất.

 Mục đích tư duy của các tư tưởng gia Đông phương là sự tĩnh lặng của tâm. Trong sự biến động vô lường của vũ trụ, muốn có sự tĩnh lặng đó cần phải nghiên cứu yếu tố tâm mình là chủ và yếu tố khách; chỉ có hai yếu tố chủ và khách là quan trọng mà thôi. Nói khác đi, các nhà tư tưởng Đông phương muốn đạt được trạng thái tâm bình thì phải nghiên cứu cách thức để có thể hoà thuận với yếu tố khách. Vậy nên Đạo Hoà là đạo lớn ở Đông phương.

 Để đạt mục đích đó, tư tưởng gia Đông phương phải có phương cách để quan sát sự vật và tâm mìnnh. Và phương pháp để mình hoà hay thuận với sự vật tức là phương pháp tư duy nhị phân. Phương pháp quan sát về sự vật của người Tây phương là quan sát dựa trên các giác quan, nhưng những gì do giác quan cung cấp chỉ là phiến diện, chỉ là ảnh chụp của một vật di động, chỉ là mặt tĩnh của sự vật mà thôi. Trong khi đó người Đông phương quan sát theo phương pháp quan sát toàn diện hay nhị phân. Những gì do giác quan cung cấp chỉ là một mặt của sự vật. Phải tìm ra mặt kia của sự vật thì mới thấy cái toàn diện của sự vật vì như một trong những luật của vật lý lượng tử thì sự vật hay thực tại gồm hai phần, phần tiềm lực và phần thực thể (reality is two fold, potentials and actualities). Khi nhìn thấy phần này, phải suy ra phần kia để nhìn rõ toàn diện chân tướng của sự vật. Nói khác đi, phải nhìn rõ đầu đuôi (chung thủy), trong ngoài (nội ngoại), xuôi ngược ngang dọc (tung hoành), trên dưới, phải trái, hay dở, ngắn dài v.v…

 Vậy phương pháp tư duy nhị phân gồm hai phần: phương pháp quan sát và nhận thức.

 – Phương pháp quan sát: Nhà tư tưởng Đông phương quan sát sự vật một cách toàn diện như khi nhìn thấy mặt tiềm ẩn thì suy ra mặt thể hiện hay thực thể; khi thấy mặt thể hiện (thực thể) thì suy ra mặt tiềm ẩn để nhìn thấy hai mặt của một vấn đề, của một sự vật.

 – Nhận thức: Từ mặt nọ, suy ra mặt kia của vấn đề khi nhận ra được toàn diện chân tướng của sự vật thì lúc đó nhận thức mới rõ. Để cho việc nhận thức được rõ thì phải dựa trên những dữ kiện thu thập được.

 Xin nhắc lại, đối tượng của tư duy một chiều là vật, còn đối tượng của tư duy nhị phân là tâm. Mục đích của luận lý một chiều là đi tìm một ẩn số x, trong khi đó mục đích của luận lý nhị phân là kiếm một điểm quân bình của tâm; hay diễn dịch bằng toán học thì đó là số zero, nơi đó chỉ có sự tĩnh lặng.

CÁC NHÀ HIỀN TRIẾT VIỆT NAM SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY NHỊ PHÂN

Như trên đã nói mục đích tư duy của tư tưởng gia Đông phương là tìm sự tĩnh lặng hay sự an bình của tâm. Khẩu hiệu của nhà Phật, được nhắc tới rất nhiều là “Tâm bình thì thế giới bình”, đã gói ghém được hết cái đạo của Đông phương.

 Các Nho gia chủ trương “chí trung hoà” và trong câu 4 và 5, chương 1 của Trung Dung, có lời giải thích “chí trung hoà” rằng:

 “Khi vui mừng, hờn giận, đau thương, khoái lạc chưa khởi phát thì gọi là trung. Khi chúng khởi phát và khởi phát đúng tiết điệu thì gọi là hoà. Trung là cội lớn của thiên hạ; hoà là đạo thiên hạ đạt tới được.”

 “Nếu trung hoà đạt tới cực điểm thì thiên hạ an bình và vạn vật nẩy nở tốt tươi.”

 Nhà Nho chủ trương Tâm Trung, nhà Phật chủ trương Tâm Bình. Tâm trung và tâm bình đều là tâm tĩnh lặng, tức là cùng chủ trương và mục đích là tâm tĩnh, nhưng nhà Nho khác nhà Phật là ngòai tĩnh ra còn chủ trương động nữa, nhưng là động đúng tiết điệu, động mà hoà. Còn các Đạo gia (Lão Trang) chủ trương, “Có Đạo thì khỏi cần Đức, có Đức thì khỏi cần lễ nghĩa.” Theo Hệ từ truyện thì “Nhất âm nhất dương chi vị đạo”. Theo Thiệu Khang Tiết, “Âm gặp dương thì hết”. Hết có nghĩa là quân bình, là tĩnh lặng. Vậy cả ba đạo Nho – Phật – Lão đều chủ trương giống nhau là sự tĩnh lặng của tâm. Chỉ có các Nho gia, ngoài việc tu thân, còn phải tề gia, trị quốc và bình thiên hạ, nhưng tất cả đều phải hành động trong hoà thuận, an vui.

 Đến đây, phải khâm phục các tư tưởng gia Đại Việt đã khai sáng được triết thuyết Tam Giáo Đồng Nguyên vì họ đã hiểu thấu cái cốt lõi của tam giáo Nho – Phật – Lão, tìm được cái căn nguyên giống nhau của ba triết thuyết đó để tổng hợp thành một triết thuyết độc đáo của Đại Việt. Đó là triết thuyết Đại Hoà. Để thực hiện được đại hòa trong thiên hạ thì phải sử dụng nhị phân luận hay phải biết tư duy nhị phân.

 Đời Trần là thời gian mà Tam Giáo Đồng Nguyên được thành hình và được phát biểu rõ nét nhất. Chắc chắn những trí thức thời đó đã biết sử dụng phương pháp nhị phân rất nhuần nhuyễn.

 Sau khi đánh thắng quân Mông Cổ, bắt được tù binh Mông Cổ gồm 20.000 người, vua Trần Nhân Tôn đã cung cấp lương thực cho các tù binh này, thả cho về quê quán. Có người hỏi tại sao, vua Trần Nhân Tôn trả lời rằng, “Họ cũng có vợ con gia đình. Họ sang đây vì bị bó buộc cưỡng ép mà thôi.” Như vậy là vua Trần Nhân Tôn đã suy được ra mặt kia của vấn đề tù binh. Tù binh trước đó là những người lính sang đánh Đại Việt, nhưng tâm họ không muốn đánh, họ chỉ bị bắt buộc mà thôi.

 Thêm nữa, khi đã đánh đuổi được quân Mông Cổ ra khỏi bờ cõi, các quan trình một danh sách những người theo giặc phản lại đất nước thì vua Trần Nhân Tôn đã không đọc, trái lại đốt đi hết và giải thích rằng họ có người nào mà không yêu nước, nhưng vì hoàn cảnh bó buộc mới cam tâm theo giặc mà thôi. Nay tha họ thì chỉ có lợi cho đất nước, vì họ phải ăn năn tội lỗi để rồi phục vụ đất nước đắc lực hơn. Vua đã nhìn được cả hai mặt của sự việc nên đã hành động đúng và nhân đạo. Các lối nhận xét và nhận thức của vua không phiếm diện, tức là toàn diện. Vua Trần Nhân Tôn là một đại hiền triết của Việt Nam.

NGƯỜI PHƯƠNG TÂY ĐANG TÌM KIẾM MỘT PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY MỚI

Phương pháp tư duy hai chiều vừa trình bày trên đây đã dựa vào lý thuyết âm dương của Dịch lý. Thực ra người Đông phương ngày xưa không cần một phương pháp tư duy như vậy vì, quan niệm âm dương đã ăn sâu vào đầu óc, người Đông phương không cần một phương pháp để giải quyết vấn đề của họ. Nhưng chúng ta thì khác vì chúng ta đã sống trong một nền văn hoá duy lý. Để chúng ta có thể về với văn hoá dân tộc thì chúng ta phải có một phương pháp, đó là phương pháp tư duy nhị phân hay tư duy hai chiều.

Người Tây phương cũng vậy: Họ đã sinh ra và lớn lên trong một bầu khí văn hoá duy lý; nếu họ muốn hấp thụ văn hoá Đông phương, muốn đi về Đông phương hầu kiếm ra được những chìa khoá để giải quyết các vấn đề của họ thì họ cũng phải đi kiếm một phương pháp tư duy mới dựa trên lý thuyết âm dương của Dịch lý.

Một trong những người làm công việc này có hiệu quả phải kể đến Fritjof Capra, người đã đem hết thời gian còn lại của mình để đi thuyết giảng về sự sai lầm của văn hoá duy lý phương Tây và đã khám phá ra được phương pháp tư duy mới: Đó là phương pháp tư duy thống hợp (systems thinking) nhờ hiểu biết văn hoá Đông phương, nhất là triết lý âm dương của Kinh Dịch. Và chính F. Capra cũng là một nhà tân vật lý (vật lý lượng tử và vật lý hạ nguyên tử) hàng đầu.

Có rất nhiều người hiểu biết về phương pháp tư duy thống hợp, những người đã có ảnh hưởng rất lớn đối với các khoa học gia và các nhà xã hội học phải kể đến Peter Singe, người đã viết quyển sách vô cùng quan trọng gọi là “The Fifth Discipline”. Trong quyển sách này, ông đã nói về tư duy thống hợp (systems thinking) và đưa ra những phương thức giải quyết vấn đề (problem solving tools) trong nhiều lãnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, môi trường, điều hành chính quyền địa phương v.v…

Nhưng một hiện tượng còn hấp dẫn và nóng hổi hơn nữa là Triết lý Phức hợp (Philosophy of Complexity) vừa mới được người ta nói tới và mới đây Chris Lucas đã trình bày rất chi tiết về triết lý này.

 Triết lý Phức hợp gồm ba phần chính:

1. Tư duy thống hợp (systems thinking)

2. Tư duy cơ cấu hữu cơ (organic thinking)

3. Tư duy liên kết (connectionist thinking).

 Thực ra triết lý phức hợp chỉ là một hình thức thô sơ của triết lý âm dương.

Trong thời hậu hiện đại, người ta ước mong thay thế loại văn hoá duy lý Tây phương bằng một loại tư duy mới, tức tư duy phức hợp. Theo Edward Morin, muốn làm một cuộc chuyển đổi tư tưởng như vậy thì cần một cuộc cách mạng chuẩn thức (paradigm). Cuộc cách mạng chuẩn thức này sẽ ảnh hưởng quyết định đến việc hình thành tư duy phức hợp cần thiết cho thời hậu hiện đại. Tư duy phức hợp sẽ có thể cải biến được hạt nhân tổ chức của xã hội, của văn hoá, văn minh đương đại.

 Thật vậy, so với những người có ý muốn cải thiện và bổ túc sự khiếm khuyết của luận lý một chiều của Tây phương, trong đó có Hegel, Bertrand Russel, thì những người phát minh ra phương pháp tư duy phức hợp, trong đó có F. Capra, đã thành công một phần nào và có công lớn với nền văn hoá Tây phương đương đại, nhưng rất tiếc triết lý phức hợp chỉ mới cố gắng để giải quyết các vấn đề thuộc về vật chất chứ chưa đụng tới vấn đề TÂM, chưa làm được công việc nối kết tâm với vật.

 Mục đích của phương pháp tư duy nhị phân hay tư duy hai chiều là đạt tâm an trong khi khi tư duy phức hợp vẫn chỉ cố gắng đi tìm những giải đáp cho những vấn đề thuộc về vật chất trong cõi hiện tượng.

 

KẾT LUẬN

Như đã trình bày ở trên, người Đông phương đã sử dụng nhị phân luận và đã dẫn dắt con người tìm chân lý, cuộc sống hòa bình và an lạc. Người Tây phương đã sử dụng luận lý đơn thuần một chiều để tìm ra của cải vật chất. Hai bên Đông và Tây nếu hiểu nhau, học hỏi nhau, để tất cả loài người đều nhuần nhuyễn hai loại tư duy này thì của cải vật chất sẽ được tạo ra phục vụ những con người biết sống hạnh phúc và an lạc trong một thế giới thái bình. Phương pháp nhị phân luận một khi được hiểu thấu đáo có khả năng giúp con người giải quyết những vấn đề nan giải của loài người, kể cả các vấn đề chiến tranh hoà bình, chính trị, xã hội, kinh tế v.v…

 

Thái Đông A

[Tác Giả] [ Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm