Đông Lan
Phương pháp Xả : Sawa- Sana
Đời sống thực tế lắm lúc làm rối loạn hoặc bận rộn đầu óc, trí não, ta khó có thể tập trung để đọc sách, suy tư, huyền niệm để Qui Tâm. Thế giới biến động của vật thể đã đè nặng lên tâm hồn người cầu học. Đó là lý do các đạo sĩ thời xưa nay lên non cao hay vào rừng sâu núi thẳm để trầm ngâm lẽ đạo nhiệm mầu. Hoặc cũng ít nhất tạm xa rời thế tục, tịnh khẩu, tịnh cốc để tạo môi trường cho những chất thanh nhẹ có duyên lành. Ngày nay ta khó mà có cơ hội ấy giữa cảnh sống nơi đô thị, đời sống suốt ngày bận rộn âu lo chuyện áo cơm, danh lợi, vật chất. Đó là lý do triết lý trở thành một xa xí phẩm cho tâm hồn mọi người, trong khi đáng lẽ nó phải là thực phẩm tinh thần bồi dưỡng nội tâm, giúp con người suy tư chân thực, để con người có thể Qui Tâm và sống sung mãn mọi chiều kích của con người.
Triết Lý An Vi giới thiệu một phương pháp đầu tiên để tập trung tư tưởng trên lộ trình Qui Tâm. Đó là Phép Xả hay là Phép nghỉ toàn diện làm thư dãn thân thể, rất có ích cho việc suy tư chân thực.
Thông thường ta gọi là nghỉ khi không phải làm việc đầu óc hay chân tay, khi ngồi không, đứng không, hay nằm không. Thực ra, các sự nghỉ ngơi đó chỉ là khoảng ¼ trong con người của ta được nghỉ. Vì trong lúc ấy, trí mường tượng của ta vẫn chạy lung tung, nhân đó cân não cũng tăng lên một nửa, thần kinh cũng vẫn phải lao tác. Muốn nghỉ toàn diện phải dùng tư thế (sawa) Xả (sana) như sau:
Nằm ngửa trên giường hoặc phản hay ghế không nệm, đầu để sát giường, nếu có gối thì chỉ kê cao một chút ít, không có gối tốt hơn. Đầu quay hướng Bắc hay Đông để theo chiều từ trường của trái đất thì càng tốt. Vì nằm ngược từ trường cũng là tổn một ít sinh lực. Mắt khẽ nhắm lại, tay chân duỗi ra, úp hai bàn tay xuống giường, thả mọi gân cốt cho chạy ra hết như không còn thể tuân theo mệnh lệnh của lòng muốn nữa.
Sau đó xua mọi ý nghĩ ra khỏi ý thức, hễ một ý nào vừa ló ra liền xua đi ngay. Trong khi đó có thể để trí tập trung nơi gốc mũi, chỗ giữa hai chân mày gặp nhau. Còn thân thể thì cứ thả cho giãn hẳn xuống, làm sao cho có cảm giác mình mẩy chân tay như dính sát xuống giường. Muốn chóng đạt cảm giác đó, nên đem trí đi qua từng phần cơ thể, hết tay rồi chân. Trước hết đưa trí vào tay trái, tưởng tượng từng đoạn một, từ vai trở ra từ từ cho đến ngón tay. Hết tay trái sang tay phải, rồi hai chân, đến lưng, cổ và nhất là mặt. Thường gân mặt hay co vậy cần làm cho dãn ra. Khi đã thành công thì cảm thấy như tê liệt, dính hẳn xuống giường đến nỗi muốn chỗi dậy lập tức không được. Có người vài tuần đã tập được phép nghỉ này, có người phải hàng tháng mới quen, lâu mau tùy người. Sau khi đã đưa trí đi vòng quanh thân xác thì lại trở về vị trí cũ ở gốc mũi, chỗ hai chân mày giao nhau. Chính việc để trí vào điểm này (nhà Phật gọi là Huệ Nhãn) mà ta có một sức an nghỉ lạ thường, tưởng như là linh thiêng, kỳ thực ra đó chỉ là giúp ta lập được thế quân bình, thải bỏ những tạp niệm.
Phép Xả này giúp ta lấy lại sức mau. Cả một này làm việc mỏi mệt mà xả theo lối này khoảng 15 phút lấy lại được sức như thường. Người mất ngủ một đêm cũng chỉ xả một khắc là đỡ mệt. Trước khi đi ngủ mà xả thì dễ ngủ hơn, giấc ngủ không mộng mị, hay rất ít. Đêm ngủ 4 tiếng khỏe bằng 7 tiếng. Phép Xả ảnh hưởng nhiều đến việc ổn định tâm trí, vì khi gân mạch giãn ra thì tình tự buồn giận tức bực hạ hẳn xuống, nên giúp rất nhiều cho việc gỡ mình ra khỏi những cái hiển nhiên theo lưu tục, là điều tối quan trọng cho những ai muốn suy tư chân chính.
Phép Xả này là tinh hoa của phép Yoga, và chỉ khi dùng nó như phép xả mà thôi, thì không e ngại biến chứng của huyền niệm xuất thế. Ban đầu cần hiện thực một cách rất tỉ mỉ như trên. Một khi đã quen thì sau đó có thể thi hành bất cứ trong tư thái và trường hợp nào. Chẳng hạn như khi gặp những hoàn cảnh bất khả kháng vượt quá xa tầm chịu đựng hay trù liệu của lý trí, chẳng hạn như cảnh tan cửa nát nhà, mất mát, đổ vỡ, cũng có thể thi hành được. Lúc đó phép xả này mang lại cho ta sự bình tĩnh và sự mát dịu tâm hồn, do đó giúp ta tìm được lối thoát tương đối hay nhất.
( Viết theo sách “ TÂM TƯ”)
Đông Lan