…..
Sài Gòn Xưa In Ít
Bình-nguyên Lộc
Để minh họa cho một mục kia, nhiều báo đã dùng một bức tranh vẽ cảnh trước chợ Bến Thành. Thật ra thì tranh đó chỉ vẽ lại một bức ảnh xưa, và nếu tôi nhớ kỹ thì đó là ảnh chụp năm 1925. Sáu mươi hai năm đã qua rồi. Di ảnh còn đó, nhưng cái Saigon của năm 1925 thì đã bị xóa mất rồi. Biết rõ cái Saigon 1925 đó, phải là một người may mắn sống lâu lên lão làng. Số người lên được lão làng không phải là ít nhưng đa số còn bị kẹt lại ở nước nhà. Thiểu số đã may mắn đi ra nước ngoài được thì không có viết lách.
Kẻ viết bài nầy thấy mình có bổn phận kể chuyện đời xưa vì được hai cái may là lên lão làng và có viết lách, tức là nhân chứng bằng lòng cung khai những gì mình biết.
Chuyện đời xưa mà ít xưa như thế, có đáng kể hay chăng, và hiện có ai buồn nghe hay chăng? Chắc cũng có một số người muốn nghe chớ sao lại không, nhứt là bức tranh mà báo cứ đăng đi đăng lại mãi, đã gợi tò mò rất nhiêu người, vì hai loại xe có vẻ kỳ khôi, đã có mặt trong tranh. Loại xe thứ nhứt, do người kéo, không lạ bao nhiêu. Đó là “Xe Kéo”, mà những cụ gốc người Bắc, di cư vào Nam năm 1954, đã thấy rồi ở Hà nội trước 1945. Nhưng các bạn trẻ gốc Hà nội, gốc Saigon thì chẳng hề thấy thứ xe đó. Loại xe thứ nhì, thì chắc chẳng thấy bao giờ. Đó là loại xe ngựa mà thùng xe vuông vức giống loại thùng của ô tô kiểu Limousine năm 1930.
Saigon đã đặt ca dao cho loai xe ấy, và nó rất “nổi danh tài sắc một thời” chớ không phải lơ mơ đâu.
Hôm nay, nhận được mấy tờ báo, nhìn lại bức ảnh xưa 62 năm, tôi liền lấy giấy ra để viết lại câu chuyện đời xưa 62 năm đó, nó cũng là một thứ “Vang Bóng Một Thời” phần nào.
Cụ Vương Hồng Sển có viết và cho xuất bản quyển “Saigon Năm Xưa”. Cái năm xưa của cụ Vương là khá xưa, cụ tả cái Saigon thời tiền Giá Long lận kia. Nhưng những cái Saigon về sau, không thấy được ai viết ra. Nay xin viết về Sạigon năm 1925, tuy không xưa đáng kể, nhưng cũng là một thứ chuyện đời xưa ít người biết,vì so với năm nay 1987, thì chuyện cũng đã cũ 62 năm rồi, các cụ mới lục tuần đâu có biết được.
Pháp đặt nền hành chánh của họ tại Saigon vào năm 1861. Đến năm 1925 thì 56 năm đã qua. Trong già nửa thế kỷ, họ đã làm được cái gì, và đã xóa bỏ cái gì của Saigon trước 1861 ?
A. VỊ TRÍ
Vào năm 1925 thì về mặt Nam Bắc, Sài Gòn chỉ lên gần tới cầu Trương Minh Giảng rồi thôi, nhưng con đường Trương Minh Giảng cũng chưa được đắp dài như ngày nay, bởi đường Nguyễn Thông chưa có, vùng đó không có người ở thì đường Trương Minh Giảng bò tới đó để làm gì ? Về mặt Bắc thì như thế. Ở mặt Nam, khu Khánh Hội đã có rồi, nhưng chỉ nhỏ bằng bàn tay. Ở sát bờ sông Bến Nghé, các kho hàng đã có đủ, trước mặt các kho hàng là một con đường đưa thẳng xuống Phú Xuân, Nhà Bè. Bên kia con đường là các kho hàng, còn bên nầy là những dãy nhà không làm thương mại đâu. Đó là nhà ở. Độ chừng năm bảy quán rượu Tây với năm ba chục cô chiêu đãi viên nhà quê và bự phấn, họ sống về nghề chiêu đãi các lính thủy ngoại quốc, chiêu đãi rượu, chính thức là như vậy, nhưng cũng chiêu đãi về mặt khác nữa.
Phía dưới các kho hàng là một làng tên là làng An Thọ. Nơi đó người Pháp mở vài quán rượu sang trọng, không tiếp lính thủy mà tiếp các người Tây giàu có ở thành phố. Chiều chiều họ xuống đó để giải khát và hóng gió mát bờ sông. Cái quán rượu danh tiếng hơn hết là quán Mimi Pinson, tên của một cô gái, nhân vật chánh trong một tiểu thuyết Pháp, tiểu thuyết Mimi Pinson.
An Thọ, Pháp gọi là Le An Tho, viết tắt là l’Antho, và bị Pháp đọc thành Lăn-Tô. Chiều chiều người mình cũng đạp xe đạp đi hóng mát ở Lăn-Tô, nhưng không có uống rượu vì thuở đó dân ta chưa nghiện rượu Tây.
Sau dãy nhà chiêu đãi lính thủy là chợ Khánh Hội, cũng đã có rồi, nhưng không thịnh như về sau, bởi dân cư vùng đó còn quá ít. Thế rồi hết. Phía trong của khu đó, tức phía Tây, chỉ có nhà lá của dân nghèo mà thôi, với lại một xưởng kỹ nghệ của Tây là xưởng C.A.R.I.C chuyên đóng tàu máy loại bỏ túi, còn hoạt động cho đến ngày nay, nhưng nay thì nó nằm trong tay nhà nước Cộng Sản, chớ không là của tư nhơn Pháp như xưa.
Cầu Tân Thuận đưa xuống Phú Xuân, Nhà Bè chưa có vì cái lẽ giản dị là con kinh từ Chợ Lớn chảy ra đó, con kinh chảy song song với Rạch Ông Lãnh, chưa được đào. Kinh đó, Pháp đào sau 1925, và đặt tên là Canal de Dédoublement, được dịch ra là Kinh Đôi, tức đi đôi với Rạch Ông Lãnh. Thế nghĩa là từ Saigon xuống Nhà Bè, đi thẳng chẳng có qua sông, qua suối gì hết mà phải cần chiếc cầu Tân Thuận. Cầu nầy chỉ được xây sau khi đào xong Kinh Đôi, không nhớ từ năm nào (Kinh Đôi được đào để chuyển hàng ngoại quốc bằng thuyền nhỏ vào các kho ở Chợ Lớn, chuyển từ tàu buôn quốc tế. Con Rạch Ông Lãnh hóa thành quá cạn hẹp khi nền kinh tế miền Nam phồn thịnh lên, hàng hoá vào quá nhiều).
Con đường chạy từ Saigon xuống Phú Xuân, Nhà Bè, thì tại đầu đường, phía Saigon, là một chiếc cầu sắt, bắt ngang rạch Ông Lãnh. Cầu nầy mang tên là cầu Quây, vì mỗi ngày phải quây nó một lần để thương thuyền vùng Đồng Nai vào được tới Chợ Lớn. Đó là cây cầu đầu tiên của thành phố Saigon, các nhóm chuyên viên xây cầu còn vụng về, quên mất đám thương thuyền nầy, nên xây cầu thấp, hóa ra thương thuyền Đồng Nai xuống, phải đậu lại lối trước quán Ngân Đình ngày nay. Cầu gồm hai phần, mỗi phần nằm ở một bờ rạch. Đúng mười hai giờ trưa thì cả hai phần đầu cầu được máy điện xoay cho nó xếp vào một bờ rạch. Vậy là cửa rạch được mở lớn ra. (Những chiếc cầu sau đó, như Công Mống, Cầu Ông Lãnh, đều được xây thật cao). Khi ông Diệm lên nắm chánh quyền thì cầu đó quá cũ, phải xây lại, nhưng các kỹ sư ta lại càng quên nhiều hơn kỹ sư Pháp, là họ xây cầu bê-tông, không còn quay được nữa, hóa ra hàng hóa vùng Đồng Nai, phải được đưa tới Saigon bằng xe cam nhông, tiền chuyên chở nặng, tạo ra tăng giá hàng.
Thuở đó dân Saigon còn sáng tác ca-dao, tức còn giống như người xưa phần nào. Và chiếc cầu quây nầy cũng đã gợi hứng cho các nhà thơ nặc danh đó:
Chừng nào cầu quây nọ thôi quây.
Thì qua với bậu mới dứt dây cương thường.
Đó là một lời thề, ngây thơ một cách cảm động, cứ tưởng chiếc cầu quây bằng sắt ấy sẽ thọ muôn năm nên mới chỉ nó mà thề thốt. Chẳng dè nó chỉ thọ được tới thời ông Diệm mà thôi.
(Ca dao sáng tác cho Saigon cũng khá bộn, nhưng chưa thấy ai ghi chép hết. Trong bài nầy, tôi sẽ có dịp chép lại một mớ, gọi là bảo tồn di tích của Saigon xưa in ít).
Bên kia rạch Ông Lãnh là đồng không mông quạnh, chỉ thỉnh thoảng vài nhà ngói mọc lên đây đó, còn thì là đất trống hoặc nhà lá. Nhưng mà Bến Vân Đồn thì đã được đắp rồi, chạy song song với Bến Chương Dương ở bên nầy (Tôi tự hỏi tại sao nhân viên của chế độ Ngô Đình Diệm lại đặt tên những con dường bờ sông (Quai) là Bến. Bến, chỉ dài tối đa vài trăm thước thôi chớ, đằng nầy hai bến đó lại dài tới mười cây số. Xưa dân Saigon chỉ gọi nó là “đường bờ sông” thôi. Nếu “đường bờ sông” quá dài, nghe không hay, thì tưởng nên tìm hoặc sáng tác một danh từ khác cho ổn hơn).
Vùng vắng mà đắp đường bờ sông Vân Đồn, vì vùng ấy tuy vắng, nhưng đang bước vào tình trạng phát triển. Tuy hãng thuốc lá Bastos chưa có, cư xá Vĩnh Hội chưa có, hãng chế tạo vật dụng bằng cao su chưa có, nhưng bên trong, Chợ Xóm Chiếu đã đông bình dân làm nghề dệt chiếu cói, nhà thờ Xóm Chiếu đã được xây cất rồi.
Bây giờ, xin trở lại mặt Bắc, mà khi nãy chỉ được nói đến sơ thôi.
Đường Trương Minh Giảng chỉ mới bò lên khỏi nhà thờ Ba Chuông ngày nay vài trăm thước rồi biến thành ngõ cụt. Nhà thờ Ba Chuông chưa có, và vùng đó cũng là vùng hoang địa, như qua khỏi cái nơi mà nay là nhà thờ Ba Chuông thì người Anh thiết lập nghĩa trang của họ, nên đô thành phải cố đưa đường tới đó để phục vụ cái nghĩa trang đó mà thôi. Con đường nầy mãi đến năm 1941 mới được bắt đầu nối dài ra cho đến con rạch, và chiếc cầu Trương Minh Giảng mới bắt đầu được xây, mà dân chúng gọi là cầu Mới. Sang sông rồi thì xóm nhà nơi đó được gọi là Xóm Cầu Mới, y hệt như tên của Xóm Cầu Mới ở Bắc Việt mà nhà văn Nhất Lình đã nói đến trong một tiểu thuyết kia.
Khi cầu xây cất xong, tôi lên đó để hóng mát, và thấy nơi đó là một làng rất quê mùa, dĩ nhiên là đâu có chợ Trương Minh Giảng. Nước máy cũng chưa được cho qua bên ấy bằng ống nước đặt dưới dạ cầu.
Nhưng ở phía tay trái của đường Trương Minh Giảng thì đường Lê Văn Duyệt đã lên tới khỏi con rạch rồi . Con rạch nầy chỉ là phần bên trong của rạch Cầu Bông, đổ ra sông Saigon, thuở đó, sạch sẽ và nên thơ lắm, vì không có dân ở hai bên bờ rạch xả rác xuống đó.
Đường Lê Văn Duyệt được tiếp dài đến một vùng cũng hoang vu không kém, là để phục vụ cho sở vô tuyến điện, dân gọi vùng đó là vùng “Dây Thép Gió”. Tin vô tuyến đánh từ Saigon, phải nhờ những tháp sắt cao, dựng lên ở đó. Con đường nói trên, lên tới cái nơi mà ngày nay là ngã ba Ông Tạ thì hết. Địa danh ngã ba Ông Tạ đã có rồi. Năm 1964, có người nói ông Tạ còn sống, tôi không tin. Năm 1925, tên của ổng đã vang danh, thì hẳn thuở đó ông đã khá cao niên rồi, thì cớ sao 39 năm sau là năm 1964, ông lại còn đủ sức để mà làm thầy thuốc và làm nhà sư ? Có lẽ đệ tử của ông đã thừa kế tên ông chăng ?
Con phố Ông Tạ đưa sang Trương Minh Giảng, tới trước cái nơi mà nay là Nhà Thờ Ba Chuông, chỉ là một con đường mòn nhỏ bằng bàn tay, hai bên đường, người ta trồng cải, tưới bằng nước giếng lấy lên bằng máy cần vọt; ông Diệm lên rồi thì nó mới biến ra thành một con phố với cái tên là Ôn-Như-Hầu. Khám Chí Hòa, chợ Hòa Hưng gì đều cũng chưa có.
Nhưng phía tay phải của đầu đường Trương Minh Giảng thì lại rất phồn thịnh. Con đường dàì nhứt là con đường Paul Blanchy (giờ là Hai Bà Trưng) đưa lên tới Phú Nhuận. Phú Nhuận xưa là làng, thuở đó được xem là ngoại ô Saigon, và là nơi tập trung của đồng bào gốc miền Bắc, họ lập ra ở đó vài đền Thánh còn hoạt động cho tới năm 1975. Chợ Phú Nhuận mang tên là Chợ Xã Tài, và con đường Paul Blanchy chỉ chạy tới lên tới trước bịnh viện Cơ Đốc Phục Lâm An Tức-Nhựt rồi thì thôi. Bên tay phải của con đường quan trọng đó, nơi mà sau 1954 một cư xá lớn mọc lên với nhà cửa của Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Duy, Hoàng Anh Tuấn, bên đó hoàn toàn hoang vu cho tới thành phố Gia Định mới đông đúc trở lại.
Từ Sài Gòn, lên Phú Nhuận, phải qua một cây cầu, cũng bắt ngang qua rạch Cầu Bông. Cầu ấy xưa mang tên Cầu Kiệu.
Dưới đây là hình ảnh của vùng Tây và vùng Đông của Sài Gòn 1925.
Ranh giới cực cùng về hướng tây là đường Lê văn Duyệt, với cái tên Tây là Verdun, bị Việt hóa thành ra Quẹt-Đoong. Phía trái của Quẹt Đoong là hoang địa. Xóm Bàn Cờ là rừng nhỏ và thưa, sào huyệt của trộm cướp, anh chị, điếm đàng. Trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký là một cái nghĩa địa lớn của người Tàu của ba bang Phúc-Kiến, Triều-Châu và Hải-Nam, nghĩa địa nầy mãi cho đến hai năm sau, năm 1927 mới bị giải tỏa để bắt đầu xây cất trường Trương Vĩnh Ký, và công việc xây cất kéo dài cho đến niên học khóa 1928-1929 vẫn chưa xong hẳn.
Tôi còn nhớ chúng tôi đã bị ăn cướp đánh. Hôm đó chúng tôi, bọn nội trú, ra khỏi trường hồi năm giờ sáng để về quê ăn tết (được nghỉ đến một tháng) thì bị ăn cướp bao vây. Cả trên hai trăm lưu trú học sinh, mỗi cậu một va ly, một bị, đều bị ăn cướp lấy sạch trơn. Chúng chỉ có dao, và chỉ đông lối 15 tên thôi, nhưng chúng tôi phải đầu hàng, vì không biết cách chống lại với 15 con dao ấy, sự chống trả, thật ra thì chẳng khó khăn gì đối với người biết chiến đấu. Chúng tôi đành trở vào trường để khóc với Proviseur người Pháp. Nhưng hay quá, ông ta chỉ dùng một cú điện thoại là 10 phút sau, hằng trăm cảnh sát viên tới nơi, để vây chặt một vùng rộng lớn, vùng Ô Ma và Bàn Cờ, và bắt được trọn ổ cướp, không có anh học sình nào mất món gì hết, vì cướp chưa kịp chia chiến lợi phẩm. Chỉ kể sơ câu chuyện đó là quí vị biết vùng ấy hoang vu tới mức nào.
Bọn nội trú mà không bị phạt kỹ luật, thì chúa nhựt được phép ra chơi tới tám giờ đêm mới phải trở vào trường. Nhưng đêm chúa nhựt nào, chúng tôi đi xe điện vào tới nhà ga Nancy, là đứng đó đợi nhau, đông vài ba mươi cậu mới dám đi bộ vô trường vì sợ ma. Nancy là con phố nhỏ đưa từ bờ rạch Ông Lãnh lên tới trước cửa trường, chớ không phải là một đại lộ (Cộng Hòa) như ngày nay. Xe điện nối liền Saigon Chợ Lớn, tới nhà ga Nancy, chỉ ngừng lại 1 phút thôi, cho hành khách lưa thưa ở đó lên xuống. Chỉ có tối chúa nhựt mới đông khách, là bọn tôi.
Nhà cửa của Saigon, chỉ đi đến cái nơi mà về sau là rạp Nguyễn Văn Hảo thì thôi. Hai bên đại lộ Trần Hưng Đạo (tên Pháp thuở đó là đại lộ Galliéni) là đất trống không. Ở trong xa, xa lắm, có nhà lá của dân nghèo, thắp đèn dầu leo lét. Tuy nhiên, nhà thờ Chợ Quán đã được xây cất ra từ lâu, và trường trung học Pháp-Hoa cũng đã xây cất xong, trường nầy là ranh giới mặt Nam của trường Trương Vĩnh Ký. Con phố lớn ngăn cách hai trường vào ngày nay, là sân đá bóng của chúng tôi.
Từ trường, anh học sinh nào mà mộ đạo, đi chùa Tam Tông Miếu, phải băng rừng, vì con đường Cao Thắng đưa tới đó là một con đường mòn đất, đi xe đạp trên đó cũng rất khó khăn lắm.
Cái chuyện đi xe điện vào trường, là nói hơi sớm, chuyện của học khóa 1928-1929, chớ vào năm 1925, thì xe điện cũng chưa có, mà là xe lửa, nó xịt khói đầy trời, và xe nầy chỉ chạy tới trường Xủi Bắn Cái (Đồng Khánh nay) rồi thôi, khác với xe điện của mấy năm sau, chạy gần tới chợ Bình Tây.
Về mặt Đông Bắc thì thành phố chỉ đi tới bên nầy đầu cầu Bông là hết thành phố. Từ bên kia cầu Bông là đồng lầy mãi cho tới thành phố Gia Định.
Bên nầy đầu cầu Bông là ngoại ô Đa-Kao, do địa danh Đất Hộ bị người Pháp Pháp-hóa như thế đó. Đó là ngoại ô bảnh nhứt của Sài Gòn thuở ấy. Bao nhiêu công chức trung và cao cấp của ta đều mua hoặc thuê nhà ở đó với con phố chánh là phố Albert ler về sau là Đinh Tiên Hoàng, nơi đó có đến hai rạp chiếu bóng, trong khi ngoài khu Bến Thành mới, chỉ có một rạp độc nhất mà thôi. Photo Dakao là tiệm chụp ảnh nổi danh nhứt Saigon, đắt khách hơn hiệu Morise của người Nhựt ở phố Bonard nữa (Bonard là tên Pháp của đại lộ Lê Lợi).
Chính vào năm 1925 đó mà bộ phim Tarzan đầu tiên ra đời, mà dân ta rất mê. Phim nầy là phim bộ, chiếu trọn một tuần lễ mới hết, và rạp Casino cho chiếu liên tiếp bốn tuần cũng chưa quá thưa khách. Sang tuần lễ thứ năm thì họ chiếu theo một lối rất đặc biệt gọi là chiếu Résumé, chiếu liên tiếp 4 tiếng đồng hồ cho hết bộ, bỏ thời sự bỏ tất cả, nếu không bỏ nhiều, phải chiếu 10 tiếng mới hết. Lâu lắm về sau, rạp Asam mới cháy, nên chỉ còn một thôi. Rạp Casino ngày nay là rạp hạng bét, nhưng thuở đó là rạp hạng nhì Sài Gòn chỉ thua Asam thôi.
Mì Đakao, đường Vassoigne, cũng là mì ngon nhứt Sài Gòn, bánh ích mặn, nhưn tôm thịt Đakao cũng là bánh ích nổi danh nhứt.
Tuy là bảnh, nhưng thật ra cũng còn quê. Con phố bờ rạch cầu Bông, bên trong còn dấu vết bóng xưa với một cái đình núp dưới bóng một cây đa, đình Tân An, mà cho đến nay vẫn còn. Trước mặt đình Tân An, và đưa lưng xuống rạch Cầu Bông là một làng chài lưới, dân chúng gọi là Vạng Chài (Có người viết là Vạn, chớ thật ra nó là Vạng, có nghĩa là làng của dân chài). Thuở ấy rạch Cầu Bông còn sạch lắm, nên dân câu kéo đông đúc họp thành làng. Họ cung cấp cá trắng, tức cá sông và tôm tươi cho toàn thành phố.
Nhà liên kế xây cất bằng gỗ cũng còn khá nhiều, mặc dầu nhà gạch đã thay thế nhà gỗ nhiều lắm rồi. Đường bờ rạch nói trên, còn đến hơn mười ngôi nhà xưa gỗ quí, ba gian hai chái, y như ở làng.
Vào trong xa, chợ Tân Định cũng đã có rồi, chợ gạch, nhưng rất cũ chỉ mới xây cất lại, hình như là vào năm 1930 thôi. Chợ Đất Hộ, được dân chúng gọi tắt là chợ Hộ.
Ở mặt Đông ấy, trừ chợ Hộ là chợ bảnh, chợ Xã Tài (Phú Nhuận) và chợ Tân Định, tuy không phải là quá nghèo, nhưng không đáng nói tới bằng chợ Thị Nghè.
Thị Nghè chưa được xem là ngoại ô của Sài Gòn. Hành chính ở đó là làng, làng Thạnh Mỹ An. Nhưng làng đó trù mật không thể tả, vì tất cả thợ thuyền của sở Ba Son (thủy quân công xưởng) đều ngụ ở làng đó, vì đó là nơi gần nhứt sở làm của họ. Vào năm đó mà thợ thuyền đã đông gần hai ngàn rồi, và với vợ con của họ, họ trở nên một lực lượng tiêu thụ lớn lao cho cái làng trù mật đó. Tính bổ đồng mỗi thầy thợ có bốn con thì hai ngàn thầy và thợ họp thành một dân số là 8 ngàn người để cọng thêm với dân làng ở đó. Nhưng đâu có phải chỉ có sở Ba Son, mà sở Hải Đăng (đó là tên bình dân ta, chớ tên Pháp là sở Hydraulique-Agricole Et De Navigation) cũng nằm trong đó (nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã giúp việc cho sở nầy, nhưng đó là người nhân viên Việt Nam độc nhứt, không có nhà cửa ở Thị Nghè)
B. ĐƯỜNG SÁ, XE CỘ, VỆ SINH
Chưa có con phố nào được trán nhựa hết. Tất cả đều trải đá xanh, nhưng thường được xe hủ lô cán đi cán lại nhiều lần nên đá bằng phẳng, không gồ ghề như mặt đường đá ở tỉnh. Chắc khỏi nói ai cũng biết là bụi mịt trời. Nhưng người Pháp họ làm việc cũng khá vệ sinh, mỗi ngày cho một đoàn nhiều xe đi tưới đường phố, một ngày hai chuyến, buổi sáng vào lối tám giờ, buổi xế vào lối ba giờ, nên bụi ít đi. Tuy nhiên, những con phố nhỏ không quan trọng, thì vì không đủ xe, nên chẳng bao giờ được tưới nước trong sáu tháng không có mưa.
Trừ những con phố lớn, về sau được kéo dài ra, thì đại để các con phố ngày nay, thuở ấy đã có rồi (trừ vài con phố khu Bàn Cờ, Vườn Chuối, mà thuở ấy còn hoang vu). Đường sá rất thưa người qua lại. Nếu tôi nhớ không lầm thì thống kê thuở đó cho biết dân số là hai chục ngàn người (không kể Chợ Lớn vào). Hai vạn thì quá ít sánh với 3 triệu vào năm 1965. Nhờ vậy mà hình như không bao giờ xảy ra tai nạn xe cộ có chết người. Vả lại ô-tô chỉ có mấy mươi chiếc thôi, loại mà nay, nếu ta thấy, ta sẽ cho là loại tiền sử. Và cũng nhờ vậy mà điện và nước luôn luôn thừa thải. Điện và nước được thiết lập, trù liệu cho một dân số năm chục ngàn là tối đa. Đến năm 1965, vì chiến tranh ở nông thôn, dân tăng vọt bất ngờ nên mới có nạn thiếu điện thiếu nước.
Vậy là tình trạng vệ sinh thuở đó rất tốt, mười lần tốt hơn vào năm 1965. Nhưng vẫn cứ chưa được hoàn hảo vì cầu xí máy chưa có, trừ ở những biệt thự lớn. Hố xí chỉ dược dẹp bỏ vào năm 1946 mà thôi, tức mãi đến hăm sáu năm sau 1920 (và 40 năm trước năm 1986). Hố xí quá ghê tởm, nhứt là hố xí ở Hà nội, mà tình trạng còn kéo dài cho đến ngày bài nầy được viết ra. Ở Saigon xưa, thì dãy nhà nào cũng bị bắt buộc phải chừa ngõ hẻm sau nhà. Cửa hầm xí trổ ra các hẻm đó và nhân viên sở vệ sinh đã thay thùng xí mỗi đêm, vào ngõ, ra ngõ, không làm phiền chủ nhà. Ở Hà nội, không có luật bắt buộc đó, nên lắm nhà, nhân viên vệ sinh vào nhà từ cửa trước, đi ngang buồng ngủ chủ nhà, và nhứt là trở ra cũng do lối ấy với thùng xí hôi thúi đến điên đầu. Những dơ bẩn thường rơi rớt trên nền gạch của các buồng quan trọng trong nhà.
Nói chung, Saigon xưa được hưởng ba điều kiện vệ sinh: nước thừa thải, đường phố được tưới nước mỗi hôm hai lần, và hố xí được xây cách nào mà nhân viên vệ sinh khi làm việc không phải vào và ra nhà của người cư ngụ.
Chẳng có tư nhơn nào sắm ô-tô hết, kể cả người Pháp giàu có. Ô-Tô là xe của một số ít công sở, dốt lái xe, chắc lái cũng chẳng giết chết ai được. Tuy nhiên, muốn làm tài xế, vẫn phải thi lấy bằng. Và cuộc thi rất là buồn cười.
Trước công sở của hương chức hội tề làng Thạnh Mỹ An (Thị Nghè) có một cái bồn binh loại bồn binh trước chợ Bến Thành, nhưng bốn lần nhỏ hơn. Đó là sân thi. Người tài xế cử tử cứ lái xe chạy quanh đó đủ ba vòng là được phát bằng cấp tức thì. Rất là dễ ăn, nhưng người mình lại chẳng ai buồn học lái hết, vì lấy bằng để rồi thất nghiệp chết cha. Những người thi lấy bằng là bồi bếp của các ông chủ các nha sở có ô-tô và tài của họ có thể còn kém hơn tài của các anh đánh xe ngựa nữa.
Ô-tô có hai loại: loại thứ nhứt có mui vải, xếp lại được, và thường xếp lại, chỉ có mưa to mới được giương lên; loại thứ nhì là loại Limousine, mui vuông-khối, y như là một cổ hòm (cái săng) và rất cao. Chưa có loại mui kiếng thấp và tròn như về sau. Loại mui kiếng thấp và tròn, xuất hiện vào năm 1929, được người Việt gốc miền Bắc gọi là “ô tô hòm”, mặc dầu chính loại Limousine mới là giống cái hòm.
Tư nhơn giàu sang đi bằng gì ? Cũng bằng phương tiện của nhà nghèo, sẽ nói đến lát nữa đây. Nhưng giới giàu sang nầy, đi dạo chiều bằng một loại xe ngựa đặc biệt, mà Pháp gọi là Calèche, do hai ngựa kéo, ta gọi là xe Ma-Ní song mã. Xe đó từ Pháp đưa sang, nhưng do người Phi-Luật-Tân đánh xe, nên ta mới gọi là xe Ma-Ní (do Manille, tên kinh đô Phi Luật Tân). Người đánh xe, Pháp gọi là saïs, ta gọi là xê-ích. Đó là tiếng Hòa Lan chớ không phải tiếng Pháp.
Nhưng loại xe nầy, không chở khách trong ngày, chỉ chở từ bốn giờ chiều đến chín giờ đêm thôi, giá rất cao. Tản Đà Nguyện Khắc Hiếu có làm thơ tả cái thú đi chơi xe Calèche ở Saigon.
Xe chỉ chở đi vòng inspection, chớ không chịu đi gần. Vòng inspection là bắt đầu từ đại lộ Bonard (Lê Lợi) vào thảo cầm viên, sang Thị Nghè rồi mượn đường Hàng Sanh để vào Bà Chiểu (thành phố Gia Định) ra trở về Bonard, qua Cầu Bông. (Xin nói rõ là Hàng Sanh chớ không là Hàng Xanh, như các ông ký giả Hà Nội di cư vào Saigon năm 1954 đã viết. Cây Sanh cùng loại với cây Si có tánh cách trang trí đẹp. Đường Hàng Sanh nối liền thành phố Gia Định tới Thị Nghè). Đó là nơi hóng mát của nam thanh nữ tú Sài Gòn thuở ấy.
Xe bình dân có hai loại: loại thứ nhứt là xe kéo mà Hànội và Huế đều có, nên không cần tả. Loại thứ nhì, chỉ có Saigon là có thôi. Xe đó được gọi là xe Kiếng, biến âm của xe Kính. Mui xe giống hệt như mui xe Limousine, nhưng cột mui là cột gỗ chớ không phải cột sắt, cũng do hai ngựa kéo, nhưng có bốn bánh. Loại mui nầy không phải là bắt chước mui xe Limousine, mà đã có trước khi Limousine được nhập cảnh rất lâu. Xe do người Tàu đóng, người mình không biết đóng xe nầy.
Muốn thấy rõ loại xe nầy, xin cứ xem bức tranh thường được đăng ở các nhựt báo, tranh nầy vẽ theo một bức ảnh chụp mặt trước của chợ Bến Thành vào thời đó.
Xe có hai băng, chở được bốn người. Những người ngồi băng trước phải đưa lưng ra phía trước xe, đối mặt với người ngồi băng sau. Giữa hai băng lại có ghế ngựa cho trẻ con ngồi. Gia đình đông con rất khoái loại xe nầy vì vừa lớn vừa nhỏ, tám chín ngươi có thể chen chút nhau trong đó. Trời mưa, không bị ướt như xe kéo có mui bằng vải. Mui xe nầy bằng kính thì rất kín. Giá cũng rẻ, từ Sài Gòn vào Chợ Lớn, họ chỉ lấy ba hào thôi (có thể chở thêm vài va ly đồ đạc ở thùng sau).
Xe nầy quá thông dụng nên cũng có ca dao:
……………….. Bước lên xe kiếng đi viếng mả chồng.
……………….Cỏ non chưa mọc, trong lòng thọ thai.
Ngoài hai loại xe bình dân trên, còn ba đường xe lửa:
Đường thứ nhứt đưa từ đầu Cầu Bông tới đến Cầu Kiệu, chỉ lấy l xu thôi, khách muốn lên từ đâu, xuống từ đâu, tùy thích. Xe nầy bị bỏ năm 1926.
Đường thứ nhì đưa từ đầu đại lộ Hàm Nghi đến đại lộ Đồng Khánh, có nhiều nhà ga dọc đường và giá tiền khác nhau tùy lộ trình dài ngắn. Xe nầy được biến thành xe điện từ năm 1926.
Đường thứ ba đưa từ chợ Cầu Ông Lãnh đến Chợ Lớn cũ, phía dưới sông. Bị biến thành xe điện, chạy tuốt lên tới tỉnh lỵ tỉnh Bình Dương, còn ở Chợ Lớn thì chạy xa vào tới Xóm Củi. Cũng cứ vào năm 1926. Được gọi là xe điện bờ sông, chạy qua nhà đèn Chợ Quán và nhà thương Chợ Quán.
Loại xe thứ tư, không rõ tại sao được dân Saigon gọi là xe cá, mặc dầu xe ấy không chở cá bao giờ cả, vì cái lẽ dễ hiểu là thùng xe chỉ là mặt bằng, hai bên không có vách thùng, xe nầy người Pháp gọi là cam nhông 2 ngựa (camion deux chevaux) vì nó chở mạnh như xe camion, mà chỉ do hai ngựa kéo thôi, được thông dụng cho đến năm 1965, dùng để dọn nhà cho dân Sài Gòn, chở tủ, giường, bàn ghế.
Loại xe thứ năm là xe bò, do hai bò kéo, nhưng đó là bò Bô, bò nhập cảng từ nước ngoài. Thùng xe lớn gần bằng thùng xe camion, và chở nặng được một tấn rưỡi. Xe nầy do người Tàu chế ra, mà chỉ có họ là dùng mà thôi, chở hàng qua lại từ chợ cầu Ông Lãnh vào Chợ Lớn.
Năm 1942, đồng minh vây khổn Đông Dương, gạo Nam ra Bắc không được, tôi có sắm một chiếc xe nầy để buôn gạo ra Bắc, nhưng đi từng chặng, chở tới Phan Thiết, rồi người Phan Thiết nhận hàng, chở đi xa hơn, tới Phú Yên, còn xe tôi thì trở về. Mỗi đoàn xe đông hằng trăm chiếc và mỗi xe chỉ dám chở l tấn gạo thôi, chở nhiều hơn không đủ sức đi 200 cây số lộ trình Saigon-Phan Thiết (xin xem truyện ngắn “Tôi đã chết rồi”, tả rõ vụ đi buôn nầy).
Loại xe thứ sáu, tuy là xe công cộng, nhưng lại rất sang. Đó là xe bus, đẹp và sạch. Chỉ có năm ba chiếc thôi, và chỉ chạy trên một lộ trình độc nhứt: đại lộ Nguyễn Tri Phương Chợ Lớn, tới cuối đại lộ Hàm Nghi ở Sài Gòn. Giá vé là hai hào, năm đó đủ cho một thầy ký ăn sung sướng trong một hôm, vì mì chỉ có 3 xu một tô, sữa đặc Hòa Lan hiệu con chim chỉ có 5 xu một hộp.
Khách dùng xe bus toàn là thương gia Tàu, với vài thương gia Việt, cùng vài công tư chức lớn người mình, thí dụ những ông kế toán viên của Đông Pháp Ngân Hàng, có nhà gần nhà thờ Chợ Quán.
Rất là kỳ dị, hiện tượng loại xe bình dân cá kèo đó, vượt lên hàng xe sang trọng ở Sài Gòn vào năm 1920-1930.
Calèche và xe bus thuộc giai cấp quí tộc Bà-La-Môn, xe kéo thuộc giai cấp cùng đinh Paria.
Nhưng loại xe thứ bảy, không cần nói ra. Đó là xe đạp, vì xe đạp không phải là xe chuyên chở công cộng. Mặc dầu vậy, cũng xin trình ra vài chi tiết ngộ nghĩnh. Pháp đã đưa bán sang miền Nam một loại xe đạp hiệu Con Én (Hirondelle) mà phần lớn các bộ phận của chiếc xe được làm bằng gỗ chớ không phải bằng kim khí. Đó là xe của các thầy ký già, lương khá cao. Các thầy ký trẻ ít mua, vì giá xe đó mắc tiền.
Tôi cũng tránh không nói đến loại xe gọi là xe Thổ Mộ, vì xe nầy ở tỉnh, nhứt là tỉnh Thủ Dầu-Một, chỉ chở hàng xuống Saigon rồi đi ngay chớ không có ở lại. Thổ Mộ là lối phát âm lười biếng tên tỉnh Thủ-Dầu-Một, vì xe nầy được chế tạo đầu tiên trong tỉnh Thủ-Dầu-Một, nó khảc hẳn xe ngựa của tỉnh Biên Hòa và khác xa xe ngựa Vũng Tàu.
C. SÀI GÒN BAN ĐÊM
Thuở ấy chưa có luật lao động, nên các cửa hàng mở cửa đến một giờ đêm, riêng ở Cầu Muối thì buôn bán suốt đêm. Sài Gòn đêm rất vui mặc dầu chưa có vũ trường và phòng trà. Ban đêm buôn bán mạnh hơn ban ngày, vì ban ngày dân bận đi làm. Họ chỉ mua sắm ban đêm mà thôi. Đó là chuyện Sài Gòn, chớ ở Chợ Lớn thì lại càng vui hơn.
Nhưng nhà hát thì quá tệ. Chỉ có một nhà hát độc nhứt ở đường Lê Thánh Tôn (lúc đó gọi là rue d’ Espagne) gần dãy bán trái cây, sau chợ Bến Thành. Mà lại là rạp chiếu bóng nữa, mang tên là rạp Moderne. Cải lương muốn trình diễn, phải thương lượng trước với họ, rất phiền phức. Thế nên khán giả đêm nào cũng nghẹt rạp, phải thuê ghế thêm mới đủ chỗ ngồi.
Năm 1925, chị Bảy Phùng Há đã 18 tuổi và đã lừng danh. Chị thường trình diễn ở rạp ấy. Tính ra thì năm nay chị Bảy đã 82 tuổi mà còn đẹp, nên người ngoài chẳng ai biết tuổi thật của chị đâu.
Xóm Ba Chợ là một xóm náo nhiệt nhứt Saigon, vì ba cái chợ được xây cất ở đó, chợ nầy cách chợ kia lối một trăm thước. Đó là chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối và Chợ Cháy (bị cháy về sau, nhưng được xây lại, nhưng thiên hạ cứ che chòi để bán). Hàng hóa các tỉnh về đó ban đêm, mà hàng nhập cảng của Sài Gòn, cũng đi tỉnh từ đó, thường cũng cứ ban đêm. Nội đám phu khuân vác, đã đông đến hai ba trăm rồi, chưa kể khách buôn bán và khách ăn chơi, tất cả có trên một ngàn người “đứng đường” vào ban đêm, trong một diện tích rất là nhỏ.
Dãy nhà lầu ở bến Chương Dương, tiu đìu từ năm 1950, thuở đó là kho hàng của người Tàu, cho vùng đó một vẻ phồn thịnh không thể tả.
Tại khu Ba Chợ có một nhà hát kỳ lạ ở nhiều điểm. Đó là rạp hát Cầu Muối, đến nay vẫn còn. Nhà hát nầy chỉ dành riêng cho Hát Bội. Chiếu bóng và Cải Lương thuê cao giá bao nhiêu, nhà hát cũng chẳng nhận.
Mỗi đêm họ diễn hai xuất,với hai tuồng tích khác nhau, từ bảy giờ tối cho đến năm giờ sáng mới thôi. Khách đi buôn, hà tiện tiền thuê khách sạn, cứ lấy vé vào đó để ngủ rồi sáng ra ăn lót dạ về tỉnh ngay, nên tuồng hay tuồng dở gì, đêm nào rạp cũng chật như nêm.
Nhưng hai đặc điểm trên không đáng kể bằng cái đặc thù sau đây. Nhà hát đó, có xây nhà hầm (ca ve). Ở Pháp, nhà nào cũng xây nhà hầm để chứa rượu. Nhưng sang xứ ta thì họ bỏ nhà hầm đi, trừ hai nơi ; một là nhà hầm của thư viện quốc gia cũ, dùng chứa sách quí, hai là nhà hầm của cái cao ốc xây sát tòa đô chính vào năm 1936.
Nhưng nhà hát Cầu Muối, là công trình kiến trúc của ta rặt ròng, mà lại có xây nhà hầm, y như ở bên Pháp. Xưa thì đào kép hát bội ở trong cái hầm đó, nó được chia ra thành nhiều ô, nhưng từ sau 1950, ngành hát bội tiu dìu, thì người thường cũng thuê được các ô của hầm đó, mãi cho đến nay.
D. GÁI ĐẸP SAIGON.
Thuở ấy hễ cô nào ăn mặc lòe loẹt nhiều màu thì trẻ con cứ cho là đẹp. Mà có lẽ người lớn cũng thế, thế cho nên mới có bài ca điệu “Hành-Vân-Lưu-Thủy” sau đây:
Cô đội cái khăn bông hường
Xúc động (cái) lòng tôi thương.
Nay cố nhớ ra, để tả lại đây. Chưa hề có cô gái Việt nào phi dê cả, nhưng gái Tàu thì bắt đầu đã dám phi-dê rồi. Gái mặc toàn lụa Cachemire (ta phát âm là Cách-Xơ-Mia) là loại lụa thật mỏng, mà dân Cachemire dám khoe (hơi lố một tí) với ngoại quốc là có thể nhét trọn một chiếc áo vào cái đê (cái đê, tiếng pháp là Dé là cái đầu ngón tay bằng sắt, bao để kim may khỏi đâm vào đầu ngón tay của thợ may). Màu được ưa chuộng nhứt là màu hường lợt (hồng nhạt), nhưng cũng có đủ thứ màu cho lụa đó. Quần lãnh trắng hay lãnh đen, hoặc Satin ngoại quốc. Luôn luôn che dù khi đi ra ngoài, không phải là che nắng đâu, mà dù là món trang sức, cũng lòe loẹt nhiều màu.
Các cô đeo nữ trang nhiều quá lố. Mỗi cổ tay đeo tới bốn chiếc vòng bằng vàng nguyên chất, chạm trổ rắc rối. Cổ cũng đeo vòng, gọi là cây kiềng cổ, lại đeo thêm ba sợi dây chuyền, cả ba đều có gắn mề đay, tất cả đều bằng vàng. Vàng lại nhuộm thêm màu đặc biệt, nhìn vào các cô, thấy các cô đỏ ối vì màu nhuộm dó.
………………..Thông ngôn, ký lục,bạc chục không màng
……………….Lấy chồng thợ bạc, đeo vàng đỏ tay.
Tuy các cô ca hát như thế, chứ thật ra các cô thích lấy chồng thông ngôn, ký lục hơn, vì các thầy thông, thầy ký cũng đủ sức sắm nữ trang vàng cho các cô.
Nhưng đặc biệt là đôi guốc của các cô, nó đã làm cho các đấng trượng phu kêu trời. Guốc không có quai. Một chiếc ngù tròn được trồng thật chặt vào đầu guốc. Ngón chân cái và ngón chân kế đó của các cô kẹp lấy cái ngù tròn đó. Gái giàu ở tỉnh dùng ngù đồng, còn gái giàu ở Sài Gòn nhứt định dùng ngù bằng ngà voi. Trượng phu kêu trời vì ngà voi rất mắc tiền.
Các cô tắm và gội bằng sa bông hiệu “Cô Ba”, đó là sà bông thơm chế tạo tại Marseille, và chế tạo riêng cho phụ nữ Miền Nam, không có bán ở các xứ khác. Nước hoa, và hương sà bông sực nức, ngày nay ta sẽ cho đó là quê mùa, nhưng vào năm 1925 thì là bảnh số dách.
Chị em buôn hương bán phấn, cũng ăn mặc như con gái nhà giàu, nên có ca dao sau đây, nó hơi tục tĩu, nhưng tôi xin phép cứ chép ra, vì đây là tài liệu, không bắt buộc phải giấu:
………………..Chiều chiều, cô Bảy, cô Ba,
………………..Cô nào lịch sự: tim la, hột xoài.
Con gái không giàu và đàn bà thì mặc the mua từ đất Bắc, the màu cánh dán, dệt (chớ không phải in) cành tre, lá tre, hoặc chữ Thọ. Con gái nghèo thì chỉ mặc bà ba thôi, nhưng nhứt định phải may bằng vải ú đen, chớ vải đen thường, chỉ có nông thôn là dùng thôi. (Mãi cho đến năm 1934 thì các cô mới dám phi dê)
E. BA NĂM SAU 1925
Năm 1928, tôi sống hẳn ở Saigon, làm dân Saigon cho đến năm 1985 mà tôi phải ly hương. Có gì thay đổi, ba năm ấy (1925-1928) ?
Đại siêu thị Charner, đã mở cửa từ năm 1925, đã phồn thịnh tới tuyệt đỉnh vào năm 1928 đó. Người Việt Nam đã lên đường tranh thương ráo riết với người Tàu. Những gian hàng nhỏ bằng bàn tay trong chợ Bến Thành, một số đã vào tay người mình và được đồng bào ủng hộ hết mình. Gian hàng Nguyễn thị Kỉnh, bán bazar, trông ngay ra nhà thuốc tây sau nầy mang hiệu Tô-Ngọc-Dung, bán không hở tay, các chú chệt phải lắc đầu thở dài. Xe kiếng bắt đầu tàn lụn, không rõ vì sao, bởi loại xe ấy rất là tiện lợi. Xe Calèche chỉ còn leo heo ba bốn chiếc, nhưng ô-tô thì nhiều hơn một cách rõ rệt, có cả ô-tô cho thuê đậu sẵn ở nhiều con phố. Thường dân đã bắt đầu nếm mùi ô-tô kể cả dân không giàu.
Nhiều con phố đã được trải nhựa, bắt đầu là đại lộ Norodom, trước dinh Độc Lập ngày nay. Đã có vũ trường rồi, các ông nội ơi; nhưng rất ế khách vì số người biết nhót còn quá ít. Buồn cười lắm là ban nhạc ở vũ trường toàn là người Phi-Luật-Tân, họ bị Âu Châu cai trị mấy trăm năm trước ta, nên họ thạo nhạc Tây trước ta.
Các ông nhạc công Phi-Luật-Tân, hễ đến gần nửa đêm thì họ thay phiên nhau để nghỉ hầu ăn cơm khuya. Và họ ăn chỉ một món ăn độc nhứt thôi là trứng vịt luộc chấm muối tiêu. Trứng vịt của họ, trứng nào cũng nhuộm màu cả, xanh, đỏ, vàng, tím đủ cả các màu sắc. Tay kèn nghỉ ăn cơm, ăn xong thì tay tây-ban-cầm lại nghỉ để ăn cơm, thật là kỳ dị.
Chiếu bóng nói, năm sau đã ra đời và được dân Saigon hoan nghinh đặc biệt. Nó khá giống cải lương, vì diễn viên nam nữ cứ ca mãi. Kép nam nổi danh nhứt là Maurice Chevalier và Albert Préjan, còn đào thì tôi quên tên hình như là cô Mac Doral. Nhưng chỉ đen trắng thôi, chứ chưa có màu. Cái phim đầu tiên mà tôi xem là phim Un soir de rafle (Một đêm bố ráp) trong đó Albert Préjan ca hay đáo để.
Bên cạnh những cái mới đó, những cái cũ cũng cứ còn. Hai bên đại lộ Galliéni (Trần Hưng Đạo) đất đai cứ còn hoang vu. Quanh trường Trương Vĩnh Ký mà tôi đã theo học, cũng vẫn cứ là hoang địa. Phía dưới sông Ông Lãnh, gần chợ Hòa Bình ngày nay, sáu bảy lò gốm Tàu rất cổ cũng còn y nguyên. Nói cổ vì vách thành đá ong của lò (lò gốm phải xây dốc lên như là triền núi, dốc ấy bên trong là đất, bên ngoài là đá ong) đã được nhiều lớp rêu xanh phủ lên.
Rạp chiếu bóng đã nhiều. Đường Catinat (Tự Do) đã có hai rạp, thuở đó rạp loại ấy là rạp sang trọng. Đó là rạp Eden và rạp Majestic. Nhà hát Nguyễn Văn Hảo cũng được xây cất, còn rạp Moderne, sau chợ Bến Thành, vì quá xưa nên bị bỏ luôn.
Xe điện thay cho xe lửa, làm cho thành phố sạch sẽ ra, và vì xe điện có toa hạng nhứt rất sạch, nên xe bus sang trọng bị tụt xuống thành xe cá kèo, với giá rẻ.
Vì năm đó nạn kinh tế khủng hoảng đã tràn lan khắp thế giới và Đông Dương bị vạ lây, nên sự phồn thịnh bị ngưng, bằng không, chắc đã phải có nhiều thay đổi hơn thế nữa.
Một chi tiết đã bị tôi quên. Thuở ấy người mình ít đi đứng, nên chi bến xe đi tỉnh và đi miền Trung chỉ đậu hai bên chợ Bến Thành là vừa đủ chỗ, như thế mãi cho đến cuối năm 1946, mà chiến tranh đẩy nông dân lên Sài Gòn, thì bến xe mới rục rịch chọn bãi mới.
Đường Chasseloup Laubat (sau là Hồng Thập Tự) chạy tới góc trường Petrus Ký là hết tên, nhưng đường thì còn, nhưng mang tên khác. Năm 1928 đó, tôi đi bộ từ đầu đường Chasseloup ở đó, tới đại lộ Verdun (Lê Vãn Duyệt) tôi chỉ gặp ma, nghĩa là chẳng có ma nào đi trên đó hết, xe cộ cũng không. Bên tay trái của tôi là hầm hố mà chú Hỏa mua với giá 5 hào một thước. Chú lấp đầy hầm hố đó, tốn mấy trăm ngàn bạc, rồi xây biệt thự không lầu trên đất ấy để cho các giáo sư người Pháp của trường thuê để ở. Giáo sư cử nhân nguời Pháp mà chưa sắm nổi ô-tô, phải dùng toàn xe đạp, nên họ cần thuê nhà gần trường. Bên tay phải là đại sa mạc, nơi mà về sau “xưởng đẻ” Từ Dũ được xây cất, trông giống như cánh đồng ma ở nhà quê.
Trước trường Pétrus Ký là thành lính Ô-Ma, căn cứ của trung đoàn bộ binh thứ 11 của Pháp (onzième régiment d’infanterie coloniale). Lính Tây, lính ta trong đó cũng buồn ngủ muốn chết và họ đợi chúa nhựt để rủ học trò đá bóng với họ.
Bên trái của trường là “đồng tập trận”, một cánh đồng mà thật sự, với những ngôi mộ khổng lồ xây bằng Ô Dước kiên cố hơn bê-tông ngày nay nữa. Mỗi ngày trung đoàn nói trên tập lính và tập kèn ở đó, họ chia thành nhiều tốp, những lính mới tập ọt-dơ, lính cũ tập bò tập trườn, lính giỏi tập đánh thật sự.
Nhưng chúa nhựt, lính được nghỉ và đồng tập trận trở thành giang sơn của bọn nội trú Petrus Ký bị phạt kỷ luật. Các anh không bị phạt được tự do đi chơi ở thành phố. Các anh bị phạt bị đi chơi chỉ huy, tức đi bộ dưới sự điều khiển của giám thị. Nhưng cả học trò lẫn giám thị đều ngại mỏi chân, nên toa rập với nhau vào đồng tập trận để làm đủ thứ việc mà nhà trường không có cho làm, là đánh nhau, đá bóng và nhứt là ăn. Bọn bán hàng rong họ biết tẩy học sinh, nên chúa nhựt thì hàng rong họp chợ ở đó, toàn bán quà ngọt và quà mặn, tha hồ mà ăn, cho tới giờ cơm tối, trở vào trường thì phải bỏ cơm nhà trường.
Đã bảo, Bàn Cờ và Vườn Chuối còn là hoang địa thì đâu có đường Richaud (Phan Đình Phùng). Con đường Tây Đông chạy qua thành phố, chỉ có 4 thôi. Dưới bờ sông là đường nay mang tên là Bến Chương Dương (Quai De Belgique), kế đó là Galliéni (Trần Hưng Đạo), rồi tới Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự). Đường thứ tư là Legrand De La Liraye (Phan Thanh Giản ). Nhưng đường Legrand De La Liraye từ Verdun (Lê Văn Duyệt) vào Chợ Lớn, không ai dám đi bộ bên đó cả vì sợ ăn cướp, chỉ có học trò là sử dụng nó thôi. Ăn cướp cũng có đánh học trò, như đã kể khi nãy, nhưng chỉ đánh bọn có xách va ly. Bọn đi tay không thì cướp biết trong bóp phơi chẳng có tiền đáng kể, nên chúng tha cho.
Để kết thúc, xin dành cho đồng bào miền bắc ở Phú Nhuận. Thuở đó các ông nhà giàu miền Bắc chưa chịu đầu tư ở Sài Gòn, vì họ chưa biết rõ tình hình kinh tế trong Nam. Chỉ có ba hạng người là tập trung ở Phú Nhuận thôi: công tư chức nhỏ, tiểu thương, và phu phen thợ thuyền. Thợ cẩn ốc xa cừ người Bắc rất được miền Nam trọng dụng. Các thứ thợ khác thì Nam cũng giỏi bằng Bắc, nên thợ Bắc không khá lắm.
Tiểu thương chỉ buôn bán có mấy mặt hàng thôi: guốc Bắc rất được Sài Gòn ưa thích, quạt giấy Bắc cũng tốt hơn quạt giấy Nam, nhưng chè hạt thì người Nam không thích, hoá ra đồng bào miền Bắc chỉ bán chè hạt với nhau thôi. Thuốc Lào cũng chỉ bán với nhau, vì dân Nam lười, mà hút thuốc Lào phiền phức hơn là hút thuốc lá đã vấn sẵn của Pháp. Chỉ lười thôi, chớ Nam cũng rất thích thuốc Lào.
Ấy thế mà cái cộng đồng chưa giàu đó lại lập lên được một nghĩa trang đồ sộ là “Bắc Việt Nghĩa Trang” gần phi trường Tân Sơn Nhứt thì đã biết sức cường sinh của người Việt miền Bắc là lớn đến đâu.
Nghĩa trang miền Trung và miền Nam thua xa Bắc Việt Nghĩa Trang về mặt tốt đẹp và sạch sẽ, mặc dù dân Nam rất giàu (nghĩa trang Nam nằm gần nhà thờ Ba Chuông và mang tên là Nghĩa Trang 21 Tỉnh).
Sau năm 1962 (?) đồng bào miền Bắc lại mở thêm nghĩa trang thứ hai ở làng An Nhơn, cũng đồ sộ không kém nghĩa trang thứ nhứt. Nhưng bấy giờ không còn đáng khen nữa,vì nhà gịàu miền Bắc đã vào Nam từ 1954 rồi, thừa sức lập to hơn, nhưng lại không to hơn, thế là đáng chê đó chớ.
Kẻ viết bài nầy rất mong được xem bài Sài Gòn từ 1880 đến 1925 của vị nào đó. Nhưng chắc không còn nhơn chứng của thời ấy được đâu. Những vị sinh năm 1880 thì nay đã ngoài trăm tuổi rồi, tay đã run, trí đã mờ, mắt đã lu rồi. Đành là không thể biết gì cho đích xác về giai đoạn 45 năm đó.
Bình Nguyên Lộc
(Nguồn: Binhnguyenloc.com)
Di cảo- Phù Sa số 19- 09.04.1992