SÓNG GIÓ ĐỜI SINH VIÊN (1970-1975)
* Bút Ký của NC_Lê Hoàng Thanh
Lời người viết: 40 năm sau khi Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, người Việt lần lượt liều chết bỏ nước ra đi tìm Tự Do. Từ đó cũng nảy sinh ra sự phân biệt không tránh khỏi giữa những thuyền nhân tỵ nạn và những sinh viên du học nói chung, sau khi đặt chân đến đệ tam quốc gia, đặc biệt tại Đức nói riêng. Tôi xin mạo muội ghi lại ra đây vài kinh nghiệm mà chính bản thân người viết, một sinh viên du học thời Việt Nam Cộng Hòa, trải qua để quí đồng hương biết và từ đó có thể có cái nhìn trung thực hơn như đã từng. Ngoài ra tôi chủ yếu chỉ đề cập khoảng thời gian đến ngày 30.4.1975; vài chi tiết liên quan sau đó có chăng chỉ để dẫn chứng hay giải thích ngắn cho trọn ý
Và vì đây chỉ là bài tạp ghi, có tính cách tự thuật nên chắc chắn không tránh khỏi trùng hợp hay đụng chạm từ một cái nhìn, dù không muốn nhưng đôi khi vì sự chủ quan thiếu thận trọng của người viết đối với độc giả nếu có, xin trân trọng kính mong quí vị rộng lòng thông cảm cho.
Chân thành cám ơn. (NC_LHT)
– Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang chìm đắm trong vòng khói lửa, khi mà cộng sản miền Bắc luôn nuôi tham vọng thôn tính miền Nam Việt Nam (VN), tôi hầu như vẫn còn hồn nhiên với tuổi thơ, chưa thấu hiểu rõ những khổ đau của những bà mẹ khóc con hay của những người vợ ôm con quỳ bên quan tài chồng mà tôi hằng chứng kiến nơi khu vực tôi ở khi còn chưa ra nước ngoài. Tôi vẫn vô tình, vẫn vui đùa với bạn bè, vẫn ngày ngày cắp sách đến trường và mãi cho đến khi đậu xong bằng Trung Học thì tôi mới thật sự khôn thêm ra để biết đâu là “nguyên nhân“ đưa đến cái thảm cảnh “huynh đệ tương tàn“, người cùng một giòng máu “Con Rồng cháu Tiên“ bắn giết nhau!
Phải công tâm mà nói, một bên, Nam Việt Nam cố gắng tự vệ để sống còn, còn bên kia từ phương Bắc, Cộng Sản VN “muốn thắng bằng mọi cách để ngự trị“ . Nhìn bạn bè khi có đứa vì hoàn cảnh phải sớm rới trường học nhập ngủ vì thiếu may mắn trên con đường học vấn, tôi đã cố gắng đèn sách trong một bối cảnh khá phức tạp nhưng bình đẳng đối với bạn bè nam nữ cùng tuổi thời bấy giờ.
Vì ý thức được rằng nếu không học, thi rớt là phải rời ghế nhà trường lên đường nhập ngũ nên dù vẫn vui chơi với bạn bè cùng trang lứa nhưng tôi không xao lãng chuyện học hành cho nên cá nhân tôi may mắn hơn những đứa bạn thiếu may mắn, đúng như tục ngữ ta vẫn có câu:
“Có công mài sắt, có ngày thành kim“
Hay “Trời không phụ kẻ có lòng“!
Tôi qua được Tú Tài I, đậu Tú Tài II không khó khăn và nhẹ nhỏm người sau khi xong bậc trung học. Rời quê lên tỉnh Sài Gòn, định học Đại Học ở đó thì tôi có thêm cái may mắn khác nữa là được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cho phép đi ra nước ngoài học, thật tình cờ vì riêng tôi chưa hề nghĩ đến chuyện này bao giờ. Cuối cùng, tôi đã khăn gói một mình đi du học Đức, nói nôm na như đồng hương tỵ nạn sau này gán cho danh từ “thành phần trốn lính“. Tôi không muốn tranh cãi với họ nhưng tôi nghĩ có lẽ cũng đúng phần nào.
Cuối thập niên 60 tôi đặt chân lên xứ Đức, một quốc gia mà tôi chỉ mù mờ biết qua trong những giờ sử địa là có diện tích lớn cở VN mình, cũng có khoảng hơn 80 triệu, người dân thì nhìn chắc cũng không khác gì người Mỹ hay như ông Tây, bà đầm mà chúng ta thường thấy trong những phim ngoại quốc chiếu tại VN và nằm đâu đó tại Âu Châu. Từ đó, tôi bắt đầu thật sự đụng chạm với xã hội mới, mới từ ngôn ngữ, màu da, nếp sống v.v…. và khủng khiếp nhất là phải cố gắng làm quen với cái lạnh chết người tại Đức.
Mười tám tuổi đầu đã xa gia đình, biết con mình một thân bơ vơ nơi đất khách nên Ba má tôi thường áy náy với cái mặc cảm là “đem con bỏ chợ “. Tôi viết thư về nhà an ủi gia đình, chị em nói không phải chỉ riêng tôi đâu, biết bao sinh viên cũng cùng cảnh ngộ, đừng lo gì hết, “trời sinh voi sinh cỏ“ mà!
Mà cũng đúng thật. Mỗi sinh viên (SV) du học lúc đó được giới thiệu đến ở trọ trong một gia đình người Đức. Tôi may mắn được ở trong một gia đình gần trường nên hàng ngày đi bộ đến trường học cũng tiện, trong khi những bạn ở xa có xe buýt đưa đón. Trưa, chiều sau khi học xong tiếng Đức thì tất cả chúng tôi được xe buýt đưa đến một nhà hàng cách trường cũng năm, bảy cây số để dùng cơm, được bao thầu bởi một nhà hàng Đức. Những ngày đầu tiên còn bỡ ngỡ vì không quen với thức ăn do đầu bếp là người bản xứ nấu nên tôi hầu như chỉ ăn cho có lệ. Ngày nào cũng thịt, đủ loại: heo, bò, gà vịt, khoai chiên, khoai luộc, salat v.v… dù thay đổi luôn nhưng ăn hoài cũng chán nên có lúc tôi bỗng nhớ đến những bữa cơm đạm bạc với cá kho, rau muống, mắm cà …lúc còn ở quê nhà, nhất là thèm nước mắm ớt nhưng biết tìm đâu ra những hương vị quê hương nói trên ở vùng ngoại ô như nơi tôi đang cư ngụ?.
Chúng tôi đa số vì đi du học tự túc nên phải lo học, ngấu nghiến tiếng Đức như có thể vì sợ thi rớt không được lên lớp học tiếp khoá cao hơn tốn tiền cha mẹ nên nào có biết hưởng thụ là gì đâu! Tiếng Đức vốn khó. Khi đến đây chẳng biết một chữ nào hết, kể cả “có hay không“ nên những ngày đầu rất ư vất vả, mất nhiều thời giờ vì phải tra tự điển, từ tiếng Đức sang Pháp hay Anh ngữ, lý do là tôi không có quyển tự điển Đức-Việt để sử dụng lúc đó. Nhờ phương pháp dạy rất hay của nhà trường và của thầy, cô giáo Đức nên sau một tuần lể thôi tôi nói riêng đã có thể nói chuyện sơ sơ, thăm hỏi với ông bà chủ nhà trong những lúc gặp gỡ. Điều tôi học được đầu tiên từ người Đức là sự ngăn nắp và đúng giờ của họ, không kiểu giờ cao su như mình đâu.
Sau 2 tuần học tiếng Đức, mỗi ngày 8 tiếng là tôi (chúng tôi) đã có một vốn liếng tiếng Đức khá tạm đủ để giao thiệp, nói chuyện thông thường với bạn bè ngoại quốc cùng trường hay với ông bà chủ nhà vào những dịp cuối tuần. Thỉnh thoảng tôi thấy mình nhớ đến quê nhà, nhớ ngày nào xách xe gắn máy chạy rong dạo phố, thăm bạn bè. Nhớ ngày nào sáng, chiều lấy xe chạy ra biển tắm với những đứa bạn cùng xóm mỗi cuối tuần thì giờ đây nằm một mình trong căn phòng nhỏ, cô đơn, nhớ nhà nên tôi nghĩ ngợi lung tung, không biết gia đình, chị em và bạn bè giờ đang làm gì ở quê hương nằm bên kia bờ đại dương??? Có lẽ mấy người bạn khác cũng mang tâm trạng như tôi nên sau đó chúng tôi hay thường hẹn gặp nhau thả bộ đi xem hay thăm viếng những khu vực gần, chung quanh nơi chúng tôi ở để bớt nhớ nhà, tìm hiểu thêm đời sống dân Đức.
Nói chung, nhờ ở mỗi đứa một nơi nên chúng tôi tiến rất nhanh trong việc học tiếng Đức. Tôi bớt rụt rè vì “đủ khả năng“ hỏi đường hỏi sá, nói chuyện sau 4 tuần học tiếng Đức. Ngoài ra, nhờ học xong chữ nào là cố gắng thực hành ngay nên ít quên và vì thế tiếng Đức của tôi nói riêng ngày thêm phong phú.
Nói đến chuyện này làm tôi nhớ chuyện là “mấy người mít ngố“ chúng tôi ngố thật. Mấy cô con nít choi choi Đức học trường trung học cở 15, 16 tuổi trong vùng thấy người Á Châu là lạ tìm cách làm quen. Mấy anh mít ngố nhà ta trong đó có tôi sợ, tránh né. Nhưng rồi “đời người cũng quen“, chúng tôi không còn rụt rè nữa, làm quen với vài “cô đầm con“ và trau dồi tiếng Đức với mấy cô, nhờ mấy cô đầm con này cắt nghĩa thêm cho những chữ, câu nào học chưa hiểu trọn nghĩa hay sửa dùm cho giọng đọc, lối phát âm, giọng nói. Nhờ đó mà tiếng Đức tôi lại càng khá hơn.
Sau 2 tháng học liên tục, cuối khoá chúng tôi phải trải qua kỳ thi, nếu đậu sẽ được lên lớp cao hơn. Kỳ thi gồm hai phần: thi viết và vấn đáp. Tôi nhẹ người khi có kết quả là mình cũng đủ điểm qua cầu. Sau đó tôi được lên học khóa tiếng Đức kế tiếp. Có đứa vì hoàn cảnh, sau khi học xong khoá I Đức ngữ vội khăn gói rời trường sinh ngữ, xuôi ngược lo cho tương lai. Nhưng phần đông thì học hai khoá, mỗi khoá kéo dài 2 tháng, thi xong khoá II là rũ nhau rời trường, lên thành phố tìm nơi ăn chốn ở, ghi danh vào Đại học và xin chỗ học, tìm chỗ thực tập, lo ôn lại bài vở, nhất là tiếng Đức chuẩn bị thi vào Đại Học v.v…
Từ đó, chúng tôi chia tay, mỗi đứa một nơi, thân ai nấy lo. Đâu có được cái diễm phúc ở gần gia đình, có cha mẹ, có chị em an ủi khi đau buồn như nhiều đồng hương may mắn đã vượt bao hiểm nguy đến Đức định cư nói riêng. Chúng tôi cũng đâu có cái may mắn được Đức (điển hình là Die Otto Benecke Stiftung e.V. (OBS) tài trợ cho các bạn trẻ muốn theo học Đại Học Đức) trả tiền cho học một năm Đức ngữ thoải mái như bao đồng hương tỵ nạn khác sau nầy, chỉ mừng cho họ thôi. Và chính vì thế nên họ có khả năng tiếng Đức khá hơn và ít gặp khó khăn hơn chúng tôi ngày xưa trước 1975 khi vào Đại Học cũng là chuyện dễ hiểu.
Ngoài ra, thành thật mà nói, nếu ngày xưa một ai trong chúng tôi nhỡ có mệnh hệ gì có lẽ chẳng có ai biết đến vì thời đó không đông sinh viên VN, lại ở rải rác mỗi người một nơi. Đó, số phận của những “người trốn quân dịch“ như chúng tôi là thế ! Chưa kể đến chuyện đâu có bao nhiêu nữ sinh viên VN đi du học Đức, nhiều bạn muốn kiếm “bồ Việt Nam“ đành phải lặn lội đi sang các nước láng giềng như Bỉ, Thụy Sĩ hoặc Pháp và nếu may lắm thì cũng tìm ra được “người yêu lý tưởng“, đâu có cái diễm phúc như các bạn tỵ nạn sau này, muốn làm quen cô nào thấy vừa mắt thì đâu cần đón xe lửa chạy hàng trăm cây số, đôi khi xui tận mạng tốn công, tốn của mà chẳng tìm ra được người bạn gái để an ủi nhau trong những tháng ngày bơ vơ giữa chợ đời này!
Nhân tiện tôi cũng xin ghi lại dưới đây vài điều để đọc giả biết thêm đời sống của “thành phần trốn quân dịch“ trước đây tại Đức.
Cầm thông hành do chính phủ Việt Nam Cộng Hoà thời đó cấp, hàng năm tôi (chúng tôi) đến kỳ phải gia hạn, không những ở Toà Đại sứ Việt Nam tại Bonn mà còn ra sở ngoại kiều nơi địa phương mình cư trú. Khó khăn như thế nào có lẽ quí vị cũng đã biết rồi. Điều đáng nói là sinh viên du học chúng tôi không được phép đi làm, tôi nói riêng phải ca “bài ca con cá sống vì nước“, năn nỉ, giải thích nhiều lần nên sở ngoại kiều “thông cảm và thương tình” mới đóng con dấu vào thông hành cho phép đi làm 12 giờ mỗi tuần. Ngoài ra lúc đó còn có ngân hàng bày đặt phân biệt, chia ra trương mục: một loại trương mục dành cho người bản xứ và một loại khác dành cho người ngoại quốc. Dĩ nhiên tôi phải đứng sắp hàng chờ ở nơi đã ấn định để mở một trương mục gởi, nhận tiền, mặc dù tôi thú thật đói rách mồng tơi chưa có đủ tiền để sống thì làm gì có tiền mà gởi ở trương mục!
Nhờ biết tiếng Đức không tệ lắm nên mỗi lần ra sở ngoại kiều làm giấy tờ xin gia hạn thông hành, tôi có dịp được chứng kiến nhiều cảnh không hay của nhân viên sở ngoại kiếu đối với người ngoại quốc. Mấy ông công chức sở ngoại kiều có lúc lên giọng xài xể mấy người Thổ, Nam Tư hết cỡ nói, lắm khi còn nặng lời nhưng tôi thấy họ có hiểu gì đâu nên chỉ vâng vâng, dạ dạ miễn sao được việc, được gia hạn thông hành để tiếp tục ở lại Đức làm thợ khách là họ rối rít cám ơn ra về. Tôi và các bạn sinh viên khác tốt số hơn. Nhìn vào thông hành thấy nơi chỗ nghề nghiệp ghi chữ sinh viên (Student) nên họ nhỏ nhẹ hơn tí vì biết tôi hiểu hầu hết những gì họ muốn nói. Tuy vậy cũng trầy vi tróc vẩy, phải chứng minh cho họ thấy mình học không bị ở lại lớp, phải chứng minh là có đủ tiền trong trương mục, phải nộp giấy chứng nhận của nhà băng là gia đình chuyển tiền đều nuôi ăn học. Đây là những khúc chiếc chúng tôi gặp phải trước và ngay sau 30.4.75. Mỗi lần làm giấy tờ là mất hết cả ngày, về sau thì đỡ hơn vì sở ngoại kiều phân loại: người ngoại quốc theo diện thợ khách và ngoại quốc thuộc diện “ngon hơn tí“, diện sinh viên đến Đức du học!
Tôi may mắn xin được chỗ học ở một Đại Học của một thành phố lớn đông dân cư và có nhiều hãng xưởng kỹ nghệ. Ban ngày thì tôi lo chạy ngược xui tìm xin chỗ làm thực tập, đêm về thì ăn uống qua loa xong lo học thêm Đức ngữ chuẩn bị thi vào Đại Học. Sau khi tiếng Đức khá hơn và mọi việc liên quan đến chuyện học tương đối ổn định, tôi bắt đầu tự lập và từ đó viết thư về nói gia đình đừng gởi tiền sang cho tôi nữa. Thú thật, bạn bè cũng có vài đứa vất vã như tôi. Phần tôi, làm hết việc này xong xoay qua làm việc khác, kiếm tiền để học mà. Có khoảng thời gian tôi đã phải đứng ngã tư đường phố giữa trời đông tuyết lạnh phát những tờ giấy quảng cáo cho người Đức đi qua lại kiếm chưa được 4DM/giờ thời đó. Lắm khi phải nhận làm ba chuyện lặt vặt vào buổi sáng sớm trước khi vào học, thường được bắt đầu lúc 8 giờ. Thậm chí cuối tuần tôi cũng phải kéo cày, miễn sao kiếm ra tiền để tự nuôi sống mình qua ngày“ … để học!
Dù bận rộn vì học, mưu sinh nhưng chúng tôi bên Đức này cũng thường theo dõi, thảo luận về tình hình chiến cuộc ở quê nhà. Về mùa hè đỏ lửa, về nguyên nhân và hậu quả hiệp định Paris v.v… và cũng từ đó tôi nhìn thấy trong giới sinh viên tại Đức có thể chia ra làm vài thành phần: thành phần con ông cháu cha nhưng oái ăm thay lại có đầu óc thiên tả, thành phần lè phè, ba phải hưởng thụ, thành phần chỉ biết lo học phi chính trị và thành phần sinh viên có lập trường chống cộng rõ ràng. Ở Tây Đức lúc đó có gần ngàn rưỡi sinh viên VNCH, quá ít so với số sinh viên ngày nay CS cho đi ngoại quốc du học (ghi chú thêm: không hiểu tại sao (?) số người từng chỉ trích SVVNCH trước đây ít ai dám đề cập đến thành phần SV này, có thể nói đa số mới thật sự là con ông cháu cha!), dù hoàn cảnh kinh tế bây giờ khác rất xa so với thời trước 75 ở VN.
Thời đó, hầu như nơi nào cũng chia ra hai nhóm, từ Berlin, Koeln, Aachen, Stuttgart, Muenchen, Karlsruhe. Phe SVVN thân cộng và phe quốc gia, thậm chí có nơi hai anh em ruột hai chính kiến chống nhau ra mặt! Nhưng phải nói phe VN thân cộng mạnh nhất là ở Stuttgart, Aachen, Karlsruhe và Berlin. Cũng nên nói thêm là ngoài cái hội đoàn kết quy tụ những sinh viên VN thiên tả có tổ chức, đựợc hướng dẫn và chỉ đạo nên họ hoạt động có quy cũ và nhất thống hơn; trong khi tuy phe quốc gia cũng lập ra Liên Đoàn Sinh Viên VN Tự Do (LĐSVVNTD) nhưng vì thiếu phương tiện, không có người đủ khả năng hướng dẫn và lại “vì phong trào phản chiến lớn mạnh“ lúc bấy giờ nên LĐSVVNTD coi như ở “dưới tay“ nhóm đoàn kết.
Tôi còn nhớ có lần chính phủ VNCH phái Bộ Trưởng Chiêu Hồi Nguyễn văn An sang Đức để gặp gỡ nói chuyện với sinh viên, do anh em trong LĐSVVNTD tổ chức mà tôi ủng hộ và tham dự, mặc dầu không phải thành viên chính thức của LĐSVVNTD, tôi thấy sinh viên quốc gia mình quá thờ ơ không tham dự nhiều. Thành phần ăn chơi và lè phè thì khỏi phải nói đến làm chi, trong khi đó thì nhóm quá khích thân cộng vận động người của họ từ nhiều nơi về, nơi nào có ông An tới nói chuyện là nơi đó có họ, vẫn từng đó khuôn mặt và hình như đã học tập trước, họ tìm cách phá rối buổi nói chuyện, đặt ra từng đó câu hỏi chất vấn ông An và dĩ nhiên sự ra đi của ông An không đem lại kết quả bao nhiêu như chính quyền VNCH lúc đó mong đợi.
Ngoài ra, phong trào phản chiến trên toàn thế giới thời đó trở thành cái “Mode“ ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là ở những Đại Học Đức, sinh viên thiên tả tổ chức biểu tình thường xuyên, ra tuyên cáo, phát truyền đơn chống Mỹ và chống đồng minh ủng hộ chính phủ VNCH tham chiến ở Việt Nam. Nhưng cá nhân tôi cho tới nay cũng vẫn chưa hiểu rõ (vì các sinh viên một thời thiên cộng này, một số vẫn còn hoạt động cho csVN, đa số còn lại hoặc theo cha mẹ, bà con di dân sang Mỹ, Úc, Canada… sinh sống hoặc sống “biệt lập” đâu đó, im lặng chẳng lên tiếng) lý do nào thật sự đã thúc đẩy họ – những sinh viên thời VNCH – quay lưng lại chống chính phủ ?.
Cũng nói thêm, các sinh viên thời VNCH gồm đủ thành phần: Nam, Trung, Bắc (di cư 1954 mà về sau được gọi là “Bắc Kỳ chín nút”). Một số sinh viên thiên tả là con cái của những người tham chính có địa vị hay sĩ quan cao cấp của QLVNCH và có kẻ từng là nhân chứng sống vụ thảm sát Tết Mậu Thân 1968 tại nhiều tỉnh lỵ của Miền Nam VN, ngay cả ở Sài Gòn và đặc biệt tàn khốc nhất là vụ tàn sát dã man của Vc và tay sai ở Huế. Họ đã từng nhìn thấy thảm trạng người dân Miền Nam trốn chạy VC xuyên qua cuộc di tản “Mùa Hè Đỏ Lửa” Quảng Trị 1972 vậy mà nhiều người, trong đó có khá nhiều trí thức thời VNCH mà chúng ta nghe biết vẫn chạy theo cộng sản, làm tay sai hay giao liên cho VC/cs sau đó để cuối cùng miền Nam VN bị cộng sản cưỡng chiếm. Chưa hết, sau ngày 30.04.1975 lần nữa lại chạy bán mạng hầu tìm đất sống, để rồi ….bây chừ có người vẫn còn bám chạy theo cs, làm lợi cho VC.
Tôi nghĩ ai cũng có nhận thức, nhất là giới sinh viên du học với trình độ cao hơn Tú Tài II thế nào cũng nhìn thấy những thảm cảnh ở trên, ít ra cũng qua Tivi hoặc báo chí nhưng cho đến giờ họ vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục là: “Tại sao họ thiên cộng, hoạt động cho VC chống lại chính phủ đã cho họ đi du học ??”.
Thật sự họ muốn gì?. Bảo rằng vì yêu nước ư?. Chưa đúng hẳn bởi lẽ có bao nhiêu người “yêu nước” trong đám họ về nước phục vụ thật sự cho quê hương?. Còn bảo rằng tranh đấu cho quyền lợi người dân VN vì họ bị đàn áp, vì tham nhũng, vì thiếu Tự Do Dân Chủ thì cũng chẳng thuyết phục được ai!. Người viết vốn cũng là sinh viên du học của VNCH đề nghị những sinh viên một thời thân cộng, hoạt động cho MTQGGPMN gì gì đó hãy thật lòng với chính mình đi bởi lẽ rõ ràng VN hiện nay tham nhũng cỡ nào?. VN bây giờ Tự Do là vậy ư (theo Internet/Youtube) khi người dân không được hội họp, biểu tình, Tự Do Tôn giáo, báo chí cũng chẳng có!. Khác với xưa hăng hái xuống đường chống lại chính phủ từng nuôi dưỡng và cho họ đi du học thì bây giờ đa số sinh viên thân cộng thời đó hoàn toàn im lặng, một sự im lặng khó hiểu!
Tinh thần “yêu nước, la lối, chỉ trích chế độ không sợ hãi thời trai trẻ” của quý vị đâu rồi ???.
Và ngoài ra dân Đức nói riêng, do phong trào phản chiến 68 chủ xướng, trong đó có cả cựu Bộ trưởng ngoại giao Đức J. Fischer và những đồng chí của ông cùng nhiều nhân vật tên tuổi khác từ nhiều đảng phái, nhiều nhà văn có tiếng hăng hái xuống đường kêu gọi chống Mỹ, chống chiến tranh, đòi hỏi Mỹ rút khỏi Việt Nam nên cuối cùng vì không chịu nỗi áp lực chính trị từ bên ngoài, khắp năm châu. Đồng minh, đặc biệt Hoa Kỳ đành phải bỏ Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản.
Sài gòn bị đổi tên sau 30-4-75! Tôi không thuộc vào thành phần thiên cộng này nhưng là người chứng kiến và đã nhìn thấy rõ nhiều sinh viên VN thiên tả, những kẻ ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản đã cùng với những người Đức thân cộng xuống đường hô hào chấm dứt chiến tranh, chống lại chính quyền Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng họ quá ngây thơ chưa nhận thức ra điều điều căn bản là miền Nam Việt Nam chỉ tự vệ, trong khi miền Bắc tìm đủ mọi cách xâm chiếm miền Nam. Tôi nghĩ rằng nếu Nam và Bắc Việt Nam cũng sống như Đức hay Đại Hàn, cũng chia đôi nhưng nhà ai nấy ở và mỗi nước có quyền tự trị riêng thì đâu có chuyện gì xảy ra, đâu có chuyện đổ máu hay Mỹ, đồng minh đến VN!
Rồi việc gì đến phải đến, Nam Việt Nam thua trận, mất chủ quyền. Tôi mất nước, ở lại Đức từ đó, và dù luôn thầm nhớ đến quê hương của mình nhưng 40 năm qua, cho đến nay vẫn chấp nhận cuộc sống tha hương mặc dầu có thể nói cũng đủ điền kiện để du lịch VN, nếu muốn. Điều mà tôi vẫn chưa hiểu được là tại sao 40 năm rồi mà có người vẫn còn nghĩ, còn nói là VN mất nước là do thiểu số những sinh viên VN thiên tả nằm trong nhóm đoàn kết? Tôi chưa đủ tư cách để buộc tội ai hết, nhưng nói như vậy, vô tình chúng ta đã “thổi phồng nhóm SV thiên tả“ này! Theo ý tôi, kết án họ là thành phần ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản, cùng với MTQGGPMNVN, với một số học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ CS nằm vùng v.v… và một số trí thức “thiên tả nặng ký khác tại VN“ mà hầu hết chúng ta ai cũng nghe biết đã góp phần không nhiều thì ít vào sự sụp đổ của Miền Nam VN thì có lẽ đúng hơn. Thành phần sinh viên quốc gia và ngay cả thành phần thân cộng ở hải ngoại nói chung, đâu ai có lính, có súng đạn gì trong tay! Chúng tôi cũng chẳng nắm vận mệnh đất nước!
Tôi không bào chữa cho họ vì tôi chẳng trọng gì đám “SV trí thức thiên tả yêu nước bằng mồm“ này nhưng phần đông số sinh viên VN thiên tả đã bị CS và tay sai lợi dụng, bị xách động xuống đường để chống lại chính quyền đã cho họ xuất dương du học, trừ một số ít có lẽ vì tham vọng nên họ cực đoan, đi theo và hoạt động cho CS như một số sinh viên ở VN, sau 75 chúng mới để lộ mặt nạ ra mà ai ở VN đều biết. Và như chúng ta đã rõ qua Internet, một nữ đảng viên cs, hầu như cả cuộc đời bà ta tôn thờ, phục vụ cho lý tưởng CS thế mà sau 75 khi vào Sài Gòn, khi nhìn thấy được sự thật phũ phàng cũng đã phải buộc miệng nói: “nếu biết Miền Nam phồn thịnh như thế này đúng ra chúng ta phải giải phóng miền Bắc mới đúng! (sic)“. Nữ đảng viên cộng sản này đã khóc ngay tại Sài Gòn trong ngày 30.4.75 khi chính mắt bà ta thấy “nền văn minh đã thua chế độ man rợ“ (CSVN vẫn hay tuyên truyền như thế cho chế độ XHCN miền Bắc và ám chỉ VNCH là man rợ!). Nhưng khi người nữ cán bộ cs biết, nhìn thấy được sự thật thì quá trễ, khi biết mình bị CS tuyên truyền, lợi dụng và bị mịt mắt từ hàng chục năm qua thì cũng đã muộn rồi“. (Cho tôi được mở ngoặc ở đây: Liên quan đến tình hình chính trị Đức cá nhân tôi so sánh cộng sản Đông Đức cũ và Cộng Hoà Liên Bang Tây Đức (BRD) nên cũng hiểu khá rõ sự khác biệt giữa “bản chất và hiện tượng”. Cho tới nay chưa hề biết nữ đảng viên cs đó là ai, ngoài dữ kiện ở trên mà người viết dẫn chứng để thấy rằng cộng sản mỵ dân qua sự tuyên truyền như thế nào mà thôi, không đi sâu vào chi tiết chẳng cần thiết!).
Điều mà tôi cũng muốn nói thêm là đám sinh viên VN thiên tả này, thành phần ít ra có trình độ tối thiểu để nhận xét vì chính họ đâu có bị bịt mắt tại xứ Đức khi mà tin tức liên quan đến VN hay ngay cả DDR (cộng sản Đông Đức cũ) thường xuyên phổ biến không thiếu qua báo chí, với đầy đủ hình ảnh trên truyền hình Đức?.
Tôi nghĩ họ nhìn thấy tất cả nhưng họ không muốn biết sự thật, một sự phũ phàng. Có thể vì sợ nói ra thiên hạ cười rằng họ “trí thức! mà thiếu suy nghĩ chăng, nên họ vẫn bán đứng lương tâm tiếp tục làm tay sai cho CSVN, trừ một số ít trong thời gian qua đã đứng lên chống lại bạo quyền CSVN khi biết lòng “yêu nước“ của mình bị CS lợi dụng. Vì tế nhị nên chúng tôi (khác với những người chỉ nghe kể lại!) không nói rõ tên tuổi ra thôi chứ chúng tôi đâu lạ gì đám sinh viên thân cộng ở Đức, họ tuy ngoài miệng nói là “yêu nước“, tranh đấu hầu giành độc lập (?), chủ quyền cho VN; từng hô hào chống Mỹ, đả đảo Mỹ, chửi Mỹ, gọi Mỹ là đế quốc nhưng tất cả chỉ là “mỹ từ“ vì bằng chứng là sau tháng Tư đen 1975, khi biết gia đình họ trốn CS chạy qua Mỹ thì họ “vẫn tỉnh bơ“ xách gói sang Mỹ sống, lập nghiệp trên đất nước mà chính họ (hầu hết đều tốt nghiệp Bachelor hay Master) đã có lần xem là kẻ thù! Nhân tiện cũng nói thêm là đa số (hơn 90%) những sinh viên thời VNCH du học Đức đều học ra trường mặc dù việc học hành thi cử ở Đại Học Đức khá phức tạp và tương đối “khó thở”, chưa kể đến chuyện Đức ngữ là trở ngại khác rất lớn cho sinh viên Việt và ngoại quốc nói chung, khi mà vốn liếng tiếng Đức rất kém so với sinh viên bản xứ. Trừ một số ít vì hoàn cảnh tài chánh khó khăn sau 1974 nên bị thất bại.
Trở lại chuyện sinh viên thiên tả tại Đức trước 1975. Tôi không hiểu con người thật của họ như thế nào qua dẫn chứng ở trên?. Chưa hết, trong khi tôi và số sinh viên khác lo âu chưa biết số phận mình ở Đức nay mai ra sao, chẳng biết thân nhân và bạn bè ở quê nhà từng tham chính sẽ như thế nào thì ngay vào ngày 30.4.75 những sinh viên VN thân cộng xách cờ Cộng Sản xuống đường cùng ăn mừng chiến thắng với “anh em, đồng chí của họ ở VN“, để rồi sau đó trừ một vài người tôi nghe biết, thay vì về VN sau khi học xong để thật sự góp bàn tay xây dựng xứ sở thì họ tìm đường di dân sang nước khác sống hoặc “cũng tìm cách ở lại Đức“ giống như tôi và số sinh viên trước đó không theo họ, có một quan điểm chính trị khác họ và “không thuộc thành phần “ái quốc” như họ (họ đã nghĩ như thế khi chỉ trích sinh viên không cùng quan điểm!)“.
Thậm chí có kẻ “yêu nước cực đoan“ (hiện đang còn ở Đức) đến độ sau tháng Tư đen 75 đã hăm dọa thành phần đối lập nói là phải lo nộp đơn xin lấy thông hành nhà nước không thôi gia đình thân nhân ở VN sẽ bị gặp khó khăn v.v… Tôi chửi thầm trong bụng còn lâu, tụi bay cũng chỉ là sinh viên thôi mà bây giờ trở mặt, bày đặt khoác lên mình “cái áo của kẻ chiến thắng“ giống như vài sinh viên CS nằm vùng ở VN để đe dọa “những đứa bạn du học cùng thời với họ“ ngay tại xứ tự do này, nên từ đó tôi chọn cho tôi một hướng đi khác!
Đấy, đầu óc của vài kẻ khoa bảng thiên tả là như thế đó, cũng cuồng tín không khác gì quan thầy, đàn anh của chúng. Một điểm trùng hợp khá ngẫu nhiên theo sự nhận xét của tôi là giống như ở VN sau 30.4.1975, không phải những sinh viên thiên tả ồn ào nhất trong quá khứ là những người nắm những chức vụ quan trọng trong hội hay chi bộ đoàn kết nơi chúng tôi ở sau khi NVN mất mà là những tên sinh viên tả từ trước đến giờ hầu như lầm lầm, lì lì ít nói. Những tên gộc này (một đang ở Mỹ và một gần đây đã di dân sang Úc) từ trong bóng tối nhảy ra nắm những chức vụ rất kêu như tỉnh bộ trưởng bang X,Y hay chi bộ trưởng chi bộ được chúng lấy tên những anh hùng “liệt sĩ VC đã chết” đặt cho, y chang như vụ đổi các tên đường ở Sài Gòn hay tại Việt Nam nói chung. Không hiểu VC chọn “thành phần lãnh đạo sinh viên thiên tả tại Đức” theo tiêu chuẩn nào làm cho số sinh viên quốc gia ngạc nhiên không ít.
Ngày nào họ từng xuống đường la lối ôm sồm, chống chính quyền VNCH đã cho họ đi du học, hô hào đòi Tự do Dân chủ, đòi Tự do Báo chí, Tôn Giáo, chống tham nhũng v.v… nhưng bây giờ, mặc dù đa số thành phần “ái quốc” thiên tả hiện cũng đang có mặt tại Đức, Mỹ, Bỉ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại …“, nhất là số sinh viên thân cộng tại Đức (trong đó có những sinh viên mà cha mẹ họ là đảng viên các đảng phái quốc gia, kẻ thù không đội trời chung với CSVN), vẫn hoàn toàn im lặng, họ câm miệng cho dù VN ngày nay, kể từ khi CS thống trị còn tệ hơn gấp nhiều lần so với trước 75, từ nạn tham nhũng cho đến Tự Do Tôn Giáo, báo chí, đi lại, biểu tình hội hộp…Nói chung hoàn toàn kém xa so với thời VNCH và đáng nói hơn, họ mù quáng hay “lý tưởng” đến độ không muốn biết chính thân nhân họ, cha mẹ anh em họ có người đã bỏ mạng trên đường đi tìm Tự Do ngay sau tháng Tư đen 1975, họ lờ đi chuyện mà anh em, cha của họ, giới Quân Cán Chính của hai nền Cộng Hoà mà cộng sản gọi là “ngụy quân ngụy quyền của chế độ cũ” phải đi học tập “cải tạo” hay gia đình họ phải bỏ tất cả để đi vùng kinh tế mới, ân huệ dành cho những người đã một thời đối đầu với cộng sản miền Bắc. Họ đã quên rằng chính thành phần “Quân Cán Chính” là những người ít ra đã hy sinh xương máu bảo vệ Miền Nam VN để họ mới có dịp yên ổn học hành và cuối cùng được chính phủ VNCH cho ra hải ngoại du học.
Theo tôi, cho dù bây giờ NẾU họ có lên tiếng tranh đấu cho Nhân Quyền, đòi hỏi Tự Do hay gì gì đi chăng nữa, thì tôi nghĩ, CSVN cũng chẳng làm được gì họ ở trên một quốc gia quá Tự Do như Đức này nói riêng. Thế nhưng cho đến nay họ vẫn im lặng, một sự im lặng khó hiểu, trừ khi họ sợ mất quyền lợi nào đó, sợ chống nhà nước biết được chắc không còn cơ hội về VN du lịch nữa?. Tôi chưa tìm được câu trả lời chính xác.
Trở lại chuyện đời sống sinh viên ở Đức. Sau tháng Tư đen 75, hoàn cảnh của người sinh viên VNCH du học càng thê thảm hơn. Đời sống hoàn toàn bị đảo lộn. Thành phần thuộc diện con nhà giàu hay nói đúng hơn thành phần lè phè hưởng thụ mà tôi có đề cập sơ đến ở trên mới gặp nhiều khó khăn, lý do đa số họ ỷ lại và sống nhờ vào đồng tiền cha mẹ gởi sang. Chính tôi đã thấy vài sinh viên thật sự khủng hoảng vì “sự ngưng viện trợ từ cha mẹ“ xảy ra quá đột ngột. Chỉ có những sinh viên vốn đã quen kéo cày, từng tay lấm chân bùn (mà trước đây bị giới lè phè chê cười là nhà nghèo nên mới đi làm nhiều!) biết cách xoay trở nên tương đối hoà đồng dễ dàng hơn với cuộc sống mới, tự làm lụng kiếm tiền để học tiếp cho đến khi ra trường, trong đó có tôi, bởi vì hầu hết chẳng có ai có học bổng hay trợ cấp Bafoeg (tiền trợ cấp cho SV thuộc diện nhà nghèo, không đủ khả năng nuôi con ăn học!) của Đức gì đâu như giới anh em trẻ đến Đức tỵ nạn sau này. So với “thành phần trốn lính thời VNCH“ như chúng tôi ngày xưa thì phải nói đây là sự may mắn của những bạn trẻ VN đến sau. Điều kiện sống, nhất là về phương diện tài chánh và tinh thần khá đầy đủ, chỉ còn chuyện lo cho tương lai, học hành mà thôi. Mừng dùm cho các bạn!
Nói đến chuyện sinh viên VNCH du học Đức, về kinh nhiệm hội nhập vào xã hội Đức thì còn nhiều lắm nhưng như đã nói từ đầu, trong khuôn khổ bài tạp ghi này tôi chỉ giới hạn và đề cập đến vài chuyện có thật xảy ra trong khoảng thời gian từ 1970 – 75 nên người viết xin đừng lại nơi đây không thôi bài sẽ còn dài hơn nữa.
Năm nay 2015, 40 năm sau ngày 30-04-1975 tôi (với bút hiệu) ngồi ghi lại vài kinh nghiệm của riêng tôi (một sinh viên được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cho phép sang Đức du học) và dĩ nhiên cũng là của những bạn cùng cảnh ngộ, không văn vẻ. Hy vọng quý độc giả qua bài tạp ghi này có thể hiểu thêm phần nào đời sống của sinh viên du học thời VNCH mà đồng hương vốn đã tặng cho mỹ từ “những kẻ thuộc thành phần con ông cháu cha trốn lính“. Điều này có thể đúng mà cũng có thể sai, tôi xin được miễn bàn, vì tôi không nằm trong thành phần con ông cháu cha.
Cá nhân tôi chỉ nói ra như thế này cùng quí vị, thay cho lời kết:
Khi được đi du học Đức, tôi chỉ mang có một tham vọng duy nhất là cố gắng học cái hay của nước Đức với niềm hy vọng là sau khi thành tài sẽ trở về lại quê hương Việt Nam mến yêu đem những điều học hỏi được phục vụ đất nước, được dịp sống gần cha mẹ, chị em, thân bằng quyến thuộc và bạn bè của tôi sau bao năm xa xứ, để cho tôi có dịp thở hít lại không khí quê hương, nơi mà tôi được sinh ra và lớn lên.
Nhưng rất tiếc là hiện tại tôi (một cựu sinh viên VNCH đã xin tỵ nạn chính trị, đã nuốt lệ chấp nhận xứ người làm quê hương (tạm dung) thứ hai của mình và có thể nói tương đối có đầy đủ điều kiện đi đó đi đây nhưng kể từ khi rời VN sau lần chót về thăm nhà trước khi Sài Gòn mất cho đến nay vẫn chưa một lần về VN du lịch hay để thăm thân bằng quyến thuộc mặc dù tâm trạng lúc nào cũng chất chồng biết bao là ưu tư, nhớ thương!) vẫn sống lưu vong, hơn ba thập niên làm thợ khách trên xứ người, nơi mà tôi đã tự lập sau khi có tạm đủ vốn liếng Đức ngữ và (may mắn) cũng vượt qua bậc cao học ngành kỹ thuật và cuối cùng kể từ khi tốt nghiệp kiếm cơm sống qua ngày với những gì mà giảng sư người Đức đã chỉ dạy cho khi còn ngồi ở Đại Học.
Dù mang tâm trạng của một “kẻ mất nước, xa quê hương“ và cho dầu giờ đây vẫn còn đang sống tha phương khi mái tóc thì đã chấm bạc sau 40 năm biệt xứ kể từ tháng Tư 1975 nhưng trong tôi lúc nào cũng vẫn nuôi niềm hy vọng là một ngày nào đó không xa đất nước VN sẽ được dân chủ hoàn toàn, người dân thật sự được hưởng trọn vẹn các quyền làm người như ở các quốc gia tự do Âu Mỹ hầu từ đó có thể biến ước mơ nho nhỏ, đơn sơ của tôi thành sự thật và mình (nếu may mắn còn sống) sẽ trở về quê hương VN mến yêu để tha hồ bay nhảy, bơi lội như tục ngữ ta, hiểu theo nghĩa đơn thuần rất bình dân, vẫn có câu:
“Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn»
* © NC_Lê Hoàng Thanh (Đức Quốc, Hạ tuần tháng 03.2015)