THƯ HƯƠNG

SỨ MỆNH TRIẾT LÝ ĐÔNG PHƯƠNG

1. Có Triết Lý Đông Phương Chăng ? 

Trước khi bàn đến sứ mệnh triết Đông, tưởng nên thanh toán vấn đề có triết Đông hay không? Vì nếu chưa chắc rằng có triết Đông thì bàn sao được đến sứ mệnh của nó.

Nhắc tới vấn đề này, chúng tôi không khỏi thấy ái ngại, vì đang lúc ở đại học các cường quốc Âu Mỹ hầu hết đã có giảng đàn triết Đông, nhiều nơi như Oxford, Honolulu, Harvard lập riêng ra một viện chuyên biệt về triết Đông. Hơn thế nữa từ năm 1949 tới nay có cả thảy ba lần hội nghị quốc tế để tìm một đường lối tổng hợp triết lý đông tây, thì  thường vai trò Triết Đông còn được các học giả Tây Âu đề cao hơn hẳn Triết Tây mà trên giải đất “Minh châu trời đông” của chúng ta còn phải đặt vấn đề có triết đông hay chăng? Như thế tránh sao khỏi hổ ngươi. Hơn thế nữa câu trả lời “La philosophie Orientale! Ca n’existe pas…” (nguyên văn) của một ông tai to mặt lớn nọ trong hội đồng giáo dục quốc gia năm trước vẫn còn ngân vang trong chương trình cả trung lẫn đại học, nơi đó triết Đông vẫn bị coi như một bà con nghèo: nghĩa là chỉ được dành một vài giờ sử rất bấp bênh và lạc lõng. Tình trạng tủi nhục đó hy vọng sẽ được chấm dứt ít lâu.

Nhắc tới việc triết Tây làm chủ nhân ông trong chương trình giáo dục nước nhà, chúng tôi không hề có ý than trách một ai, chỉ nhận xét một sự trạng tất nhiên gây ra do sự mất nước. Một khi chủ quyền chính trị, kinh tết đã lọt vào tay ngoại bang thì làm sao bảo đảm được quyền tự do tư tưởng. Phương chi sự trạng đó lại nằm trong một trào lưu lớn lao hơn, tức sự khuynh loát của ảnh hưởng Tây Âu trên các nền văn minh cổ truyền. Vì thế trước đây người ta cho rằng chỉ Tây Âu mới có triết học cũng như chỉ Tây Âu mới có khoa học, không ai nghĩ tới việc phủ nhận điều ấy, và đó chỉ là một ý kiến thông thường phổ cập khắp Tây cũng như Đông trong thế kỷ 19, nên sự kiện bên ta nhiều người còn quan niệm theo như thế cũng là một chuyện thông thường. Nhưng mãi cho tới nay còn có người bênh vực cho ý nghĩ đó thì quả nước ta còn ở trạng thái kém mở mang cả về tinh thần. Xem sang nước người ngay từ thế kỷ 19, Schopenhauer đã cực lực tuyên dương triết lý Ấn Độ. Về ảnh hưởng chung trong làng triết, ông đã như ngôi sao sáng soi trên trời triết Tây suốt bốn mươi năm, nên lời ông rất có hiệu lực.

Tuy nhiên về phương diện tranh đấu cho triết Đông chiếm được quyền công dân trong làng triết, giáo sư Zimmer có thuật lại sự kiện lúc ông còn làm sinh viên, thì trừ giáo sư Deussen, môn đệ của Schopenhauer, ngoài ra rất ít người nghĩ rằng Đông phương có triết lý. Và tiếng triết lý Ấn Độ được coi như một danh từ mâu thuẫn chẳng khác chi như nói thép bằng gỗ, hay thỏ có sừng… Tất cả các giáo sư và giới triết học thế kỷ 19 đều đồng thanh cho rằng tiếng triết học nảy nở bên Hy Lạp và chỉ ở Hy Lạp mới có triết lý, và ngày nay nó là di sản riêng của Âu Châu, không nơi nào khác có cả. Mặc dù những sử gia mà những người đứng đầu là Wilthem Dilhey, René Grousset v.v… đã tuyên dương sự cần thiết phải sát nhập tư tưởng Ấn Độ và Trung Hoa vào lịch sử tư tưởng nhân loại (Philosophie de l’Inde, Zimmer 30). Người ta vẫn theo thiên kiến trên (Đông phương không có triết học) vì nó được bảo trợ do những triết gia lớn như Hégel. Bởi thế triết Đông vẫn không được thừa nhận trong giới chính thức một cách dễ dàng. Nhưng ngày lại ngày những luồng tư tưởng đi sâu vào Đông phương trở nên đông thêm và người ta dần dần nhận ra thiên kiến trên kia là sai lầm. Nó chỉ là phát khởi do sự quan sát còn hời hợt sẽ không thể đứng vững nếu người ta chịu đi sâu vào thực tế. Bởi vậy dần dần có những người chủ trương Đông phương cũng có triết lý như Tây phương, nhiều người còn đi xa hơn cho rằng triết Đông còn cao hơn triết Tây.

Chẳng hạn Renouvier người Pháp có viết đại khái: ta phải quỳ gối thán phục trước sự cao cả của triết lý Đông phương. “Quand nous lisons avec attention les monuments poétiques et philosophies de l’Orient et surtout ceux de l’Inde qui commencent à se répandre en Europe, nous y découvrons maintes vérites si profondes et qui font un tel contraste avec la petitesse des résultats auxquels le génie européen s’est quelquefois arrêté que nous sommes contraints de plier le genou devant la philosophie Orientale et de voir dans ce berceau de la race humaine la terre natale de la plus haute philosophie (cité par Schwab dans Renaissances Orientales, p.104, Payot).

 Đó chỉ là một  ví dụ nhỏ đại diện cho một trào lưu đi ngược ý kiến chối sự hiện hữu của triết Đông mỗi ngày mỗi bành trướng mạnh mẽ. Và cho tới nay triết Đông đã trở thành một sự hiển nhiên ít ra là trong các nước tiên tiến Âu Mỹ. Ở đấy không ai dám nghĩ tới chuyện chối rằng Đông phương không có triết học nữa. Trái lại nhiều người lo lắng cho số phận triết Tây thì có (xem bài địa vị triết Ấn bên Âu).

Các sách triết sử mới xuất bản đều dành cho triết Đông một chỗ danh dự, như mấy quyển “Những triết gia lớn” của K.Jaspers đã để cho Khổng, Lão, Phật, Long Thọ, Mã Minh… những chương rất dài. Nhiều giáo sư người Á Châu đã được mời sang dạy triết Đông bên các đại học Tây phương. Nhiều vi đại diện cho nền triết học Đông phương một cách rât xuất sắc. Đây tôi xin đưa ra một vài ví dụ cụ thể về giáo sư người Á đầu tiên dạy triết Đông bên Anh, ông Radhakrisnan, phó tổng thống Ấn Độ. Nhân dịp kỷ niệm lục tuần của ông rất nhiều triết gia tên tuổi đã hợp tác viết một quyển nhan đề là: Radharkrisnan- comparative studies in philosophy presented in homour of his sixtieth Birthday. Trong lời đề tặng ta đọc thấy đại khái: Âu Tây đã đi tới chỗ nhận ra có nhiều giá trị tinh thần sâu xa ở bên Đông phương mà chưa được thám hiểm ra hết, nó sẽ đóng góp vào việc xây dựng hòa bình trong và ngoài, là cái cho tới nay còn thiếu sót. Sự trao đổi lớn lao đó nhờ rất nhiều vào tài trí và sự thông hiểu của giáo sư Radharkrisnan. The West has to realise that they are spiritual depths in the Orient which it has not yet plumbed and which will contribute to the inner and outer peace which it has hitherto lacked. This great change largely due to sir S.Radharkrisnan’s genius and understanding. (The Murhead library of philosophy, London 1932).

Nhiều người như Lâm Ngữ Đường giáo sư đại học Harvard danh vang cả hoàn cầu. Và ta có thể nói triết Đông đang tiến lên tuy chậm nhưng chắc. Tại sao gió lại đổi chiều như thế?

Sự dành lại độc lập của các nước Á Châu có lẽ đã gây một phần ảnh hưởng vào thái độ trên; nhưng nếu có thì chỉ mạnh ở đại chúng chứ đối với đại tư tưởng gia thường thường biết vượt lên trên những biến cố nhất thời về kinh tế, chính trị để xét tới những chân giá trị. Nếu lúc trước họ chưa thừa nhận triết Đông là tại sự bỡ ngỡ ở buổi gặp ban sơ. Và lúc ấy người ta chưa nhận ra rằng mới một tiếng triết học cũng đã biểu thị một sự thực rất phiền tạp, đến nỗi ngay giữa triết gia Âu Tây cũng chưa đồng ý nhau về câu định nghĩa triết học là gì như K.Jaspers nhận xét ngay đầu quyển triết học nhập môn của ông.

Nhận ra chỗ bất đồng ý kiến đó cũng là một sở đắc mới của giới triết học hiện đại mà những những người đầu tiên có công khám phá ra phải kể đến Oswald Spengler. Trong quyển Déclin de l’Occident ông đã nhấn mạnh rằng Âu Châu đã lầm coi triết học của mình là chính triết học, đến nỗi nó buộc các luồng tư tưởng nào khác muốn khoác danh hiệu triết phải được đúc trong cái khuôn tư tưởng Hy Lạp mà chưa nhận thức rằng đó chỉ là một loại triết học trong đại gia đình triết học muôn màu muôn. Une philosophie et non pas la philosophie. Đến nay tư tưởng loài người đã biến chuyển và đi đến chỗ truy nhận có nhiều nền văn hóa, nhiều nền văn minh nên cũng có nhiều nền triết học. Đã gọi là nhiều thì tất nhiên có những nét đặc thù phân biệt và bất tất phải theo phương pháp của Tây mới là Triết.

2. Nét Đặc Trưng Của Hai Nền Triết Đông-Triết Tây

Bởi vậy không nên khăng khăng từ khước sự hiện hữu của nhiều thứ triết học, trái lại việc quan hệ đầu tiên là tìm ra những nét đặc thù của mỗi nền triết riêng biệt để làm giàu cho nền triết lý chung của nhân loại, nhân đấy sự quy định sứ mạng triết lý cũng trở nên dễ dàng và đầy đủ hơn. Đó là mục phiêu chúng ta nhằm ở đây để cho dễ dàng việc khám phá, chúng ta nên cùng nhau ước định về nội dung một số danh từ sau đây: thế nào là minh triết? Thế nào là triết lý? Thế nào là triết học?

a)Minh Triết (Sagesse)

Nói về hình thức thì Minh Triết chỉ sự khôn sáng của các thánh hiền đã được kết tinh vào những câu triết ngôn thuộc Truyền Thống tinh thần. Các ngài là những vị siêu quần bạt chúng đã tới cái biết trí tri thể nghiệm nên những lời huấn đức của các ngài tuy vắn tắt  nhưng đó là những châm ngôn có hiệu lực muôn đời như: Pythagore, Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca …vvv… Các Ngài lo sống cái minh triết hơn là nghĩ đến viết ra sách vở. Phương pháp các ngài là thể nghiệm, trực giác, không dùng đến lý luận, phân tích hoặc dùng rất ít như trường hợp Khổng.

b) Triết lý

Là những sách do môn đệ các vị trên để lại như: Tuân Tử, Mạnh Tử, Chu Hy, Sankara, Vương Dương Minh… Những đề tài họ suy tư cũng là những vấn đề của thầy, nghĩa là, xoay quanh cứu cánh thân phận con người; phương pháp dùng lý luận biện chứng để tìm hiểu và phổ biến minh triết, nhờ thế mà quảng đại quần chúng hiểu rõ được chỗ sâu xa của minh triết, chẳng hạn đọc Tuân Tử hay Mạnh Tử ta thấy mạch lạc rõ ràng dễ hiểu hơn Khổng Tử nhiều lắm.

Như vậy triết lý giống với minh triết ở đối tượng. Cả hai lấy cứu cánh con người làm trọng tâm suy nghĩ, lấy sự thực hiện đến rốt ráo cái tính bản nhiên con người làm mục tiêu (tận kỳ tính) nhưng khác với minh triết về phương pháp. Minh triết nhìn trực thị, nói như thánh phán, vắng bóng một sự thiếu tin tưởng ở sức mình dù chỉ biểu thị bằng những lý chứng, luận bàn. Vì thế gọi là minh triết, là sáng suốt thấu triệt.

Trái lại triết lý thì như không vững tâm được như minh triết, nên phải đưa ra lý sự biện chứng, bàn giải, bởi vậy gọi là triết lý, tức là thấu triệt bằng lý luận chứ không bằng trực thị (minh). Xét về nội tại, nó thấp hơn minh triết, nhưng đối với quảng đại quần chúng thì nó có ích không kém minh triết vì giúp cho nhiều người hiểu được cái thâm thuý của minh triết. Minh triết giống như sân thượng đứng trên có thể phóng tầm mắt ra xa, triết lý ví như thang lên sân thượng, thang đâu có bằng sân thượng, nhưng nếu không có thang thì hầu hết con người không thừa hưởng được gió mát trên sân thượng. Tuy nhiên triết lý vẫn không bằng minh triết. Tuân Tử lý luận rành rọt, Mạnh Tử minh biện nhiều trang giống Platon. Trang Tử với lối văn trào lộng huy hoàng, không có họ có lẽ triết của Lão, của Khổng đã mai một, vì họ làm cho người ta hiểu được Khổng Lão (Zenker 234) nhưng bao giờ họ cũng chỉ được coi là môn đệ của Khổng, Lão tuy các vị này chỉ nói có những câu cụt ngủn. Minh triết và triết lý có thể coi là hương hỏa triết Đông, tuy nhiên không có nghĩa là Tây Âu không có minh triết hay triết lý, nhưng cứ trên chương trình chính thức qua các đời mà xét thì Tây Âu hướng về triết học. Triết học khác với triết lý ở ba đầu mối như sau:

1) Trước nhất về đối tượng không lấy con người mà lấy thiên nhiên sự vật làm trung tâm suy tư. Chẳng hạn bàn về bản thể sự vật, sự hữu chung, bởi vậy các triết gia sơ khởi của Hy Lạp cũng gọi là thiên nhiên học (naturalistes), con người chỉ được bàn đến cách phụ thuộc, hay đúng hơn bằng những phạm trù của sự vật.

2)Thứ đến phương pháp: theo lối khoa học phê phán và phân tách, cố tìm ra những ý niệm độc đáo và tích luỹ sự kiện để kết thành những hệ thống mạch lạc chặt chẽ cũng như hay bàn những vấn đề liên hệ đến khoa học.

3) Nhân đó về mục phiêu lấy tri thức làm cùng đích. Triết học được coi là việc tìm hiểu đối tượng khách quan, một phương pháp thăm dò ngoại vật, nhân đó mà triết học gia cũng thường kiêm nhiệm khoa học gia. Thí dụ điển hình là Aristote và Descartes. Vì thế nó không nhằm thực hiện vào bản thân như triết lý mà nhằm tìm biết sự vật khách quan. Nói về tầm hoạt động thì minh triết là công việc của những vị dẫn đạo nhân loại. Những người như Khổng, Phật không hề phải dùng đến lý luận. Có lẽ luồng điện từ bản thân của các Ngài quá mạnh khỏi dùng tới luận lý mà hiệu lực vượt xa.

Triết lý nhằm mục đích khiêm tốn hơn là cố duy trì và mở mang sự nghiệp do các vị hiền triết lưu lại, nhất là trong những thời đã chớm nở nghi kỵ; bớt sống đi và bắt đầu suy nghĩ nhiều. Mức suy nghĩ lý luận càng lên thì mức độ thực hiện càng xuống cho tới triết học thì tầm ảnh hưởng thường không ra khỏi phạm vi trường sở. Về cơ năng con người triết học thường mới đạt tới lý trí, chưa bao quát nổi tâm tình tiềm thức, phương chi nói gì đến cõi tâm linh, như ông Tomlin nhận xét về triết học. “Trong thế giới Tây Âu chúng ta, người ta thường phó thác cho các nhà huyền niệm hay thi sĩ sứ mệnh dẫn đường chỉ lối cho nhân sinh, chí như những nhà triết học, họ thường giới hạn chăm chú vào việc bàn cãi có hay chăng những ngoại vật chẳng hạn như cái bàn hay cái ghế. “Dans notre monde d’Occident on a souvent abandonné aux poètes et aux mystiques le soin de réveler le vrai sentier, tandis que les philosophes ont trop souvent borné leur attention à débattre s’il existe ou non des objets tels qu’une table ou une chaise.” (Tomlin, p.255)

Sau những phân biệt như trên ta có thể nói Đông Phương thiên về Minh Triết và Triết Lý, còn Tây Phương thiên về Triết Học. Chúng tôi gạch dưới chữ thiên về để chỉ rõ khuynh hướng chung mà không chối những ngoại lệ. Đã thấy quan niệm Tây Đông khác nhau nhiều cả về đối tượng, phương pháp và cùng đích, không còn lạ gì lúc trước Âu Tây từ chối nhìn nhận triết Đông, vì một khi đã coi triết Tây là chính. Triết viết hoa thì triết Đông không phải là triết, chỉ nên gọi là tư tưởng Đông phương hay là đạo học gì đó. Càng khó nhận ra chính vì nó cố gắng thực hiện không phải ngoài cõi nhân sinh mà ngay trong đời sống, trong lối cư xử, hành vi… Tây nói sống đã rồi mới biết triết lý “Primum vivere deinde philosophari” trái lại Đông sẽ nói: Vivere est philosophari; sống chính là đã triết lý! Tây ăn uống đâu đấy rồi mới ra ngồi không mà triết lý; Đông trái lại coi chính việc ăn đã là triết lý. Cho nên  đây là chỗ có thể áp dụng  cho Triết Đông câu nói về nghệ thuật “nghệ thuật thành công chính là giấu được nghệ thuật”, “l’Art c’est cacher l’art”; triết lý giỏi chính cũng là giấu được triết lý. Triết lý chính tông phải được giấu trong cử chỉ, thể hiện vào đời sống cả trong sự im lặng… chứ không phải triết lý kiểu nhà trường đặt chình ình bên cạnh đời sống nhưng trái lại phải là thực hiện, là đồng hóa triết lý với đời sống: mình với triết lý là một, xóa bỏ sự phân cách giữa mình với triết lý. Đó chính là điều được triết học hiện đại bắt đầu chú ý đến: hiện tượng luận nói phải bãi bỏ triết lý đi bằng cách thực hiện triết lý: “vous ne pouvez suprimer la philosophie qu’en la réalisant. Nous avons réalisé, c’est pourquoi nous avons supprimé la philosophie”. (Lyotard 126). Marx cũng đã nói đến lý tưởng phế bỏ triết lý bằng thực hiện triết lý. Xưa kia triết học đứng ngoài thời gian nay phải đi vào thời gian, phải gặp thế sự, hễ thế sự biến thành triết lý thì triết lý biến thành lý sự: thực hiện được triết lý tức là phế bỏ được triết lý. Triết Đông đã phần nào đi đến cái sống nên tất cả tâm lý, sinh lý, xã hội, lịch sử đều đáp ứng được những yêu sách của một triết lý cụ thể, hay triết lý nhân sinh. Triết lý bị bãi bỏ như một triết lý xa lìa đời sống mà chỉ còn là một triết lý vô hình vì đã hiện thân trong đời sống, trong thể chế, lịch sử, xã hội.

Cái điểm xóa bỏ triết lý, giấu triết vào đời sống là một loại triết lý cần được lưu ý. Nếu cứ lấy nguyên cớ luận lý là mực xét đoán cao hay thấp thì nhiều khi triết Đông không đáng gọi là triết vì đang khi Aristote, Platon chẳng hạn đưa ra những phân tích chi ly, những hệ thống có vẻ vững chắc như xe tăng, thì Khổng Tử dùng một vài chữ hay mấy câu nhát gừng nhiều khi không thiếu vẻ thô sơ. Nếu đứng ở cùng một quan điểm lý thuyết mà xét thì Khổng Tử không thể nào so sánh được dù chỉ với một quyển luận lý của Aristote. Ở phương diện này Chu Hy còn giá trị hơn Khổng nhiều. Nhưng nếu đứng vào quan điểm thiết thực thì ta thấy Khổng Tử hướng dẫn nổi cả một nhóm người lớn nhất trong nhân loại (đầu thế kỷ 17, nguyên một nước Tàu có 150 triệu dân đang khi Âu Châu mới có 50 triệu) và những hướng tiến ông chỉ trỏ ra cho tới nay nhân loại còn đang phải cố gắng thực hiện. Chẳng hạn hướng triết lý vào những vấn đề thực tế và về thân phận con người. Đặt tiêu chuẩn luân lý nơi nội tâm thay vì nơi thần thoại và nhất là tranh đấu cho con người một địa vị xứng với phẩm giá của nó… Ngày nay đang khi nhiều vấn đề triết lý nơi khác bị ruồng bỏ như những vấn đề giả tạo thì các vấn đề trong Nho trở nên khẩn thiết như chúng ta sẽ xem về sau.

Vì thế trong thực tế cần phải xét lại quan điểm trước khi so sánh. Nếu không cùng quan điểm mà cứ so đo phê phán tức là đi ngược lại với khoa học, là bám riết lấy một khía cạnh để quên hẳn khía cạnh khác, rồi đôi bên trao đổi nhau những câu phê phán khinh miệt thí dụ chỉ Tây hay chỉ Đông mới có triết…

Theo đó chúng ta nên bàn đến vấn đề danh từ triết, để xem có nên dùng chữ triết riêng cho triết học Tây Âu mà thôi chăng? Ai đã bước vào môn triết cũng biết rằng Philosophie do hiền triết Pythagore đặt ra kép bởi hai chữ gốc Hy Lạp: Philo là yêu mến và sophia là sự khôn ngoan, sự Minh Triết (sagesse). Philosophia như vậy là yêu mến Minh Triết, đó là  ý tưởng khiêm tốn không dám xưng mình đã có minh triết hay là hiền triết mà chỉ là yêu mến minh triết như cái gì mình đang cố đạt tới. Vậy minh triết là gì trong ý tưởng của Pythagore? Muốn trả lời đúng cần đặt Pythagore vào trong hoàn cảnh lịch sử của ông để xem ông hiểu thế nào.

Ta sẽ thấy ông cũng hiểu tiếng minh triết như các hiền triết Đông phương mà ông đã được học hỏi trong chuyến Đông du (ông đã đến Chaldée, Perse, Egypt… và có lẽ cả Ấn Độ) nên cũng quan niệm minh triết như một cấp bậc hiểu biết tối thượng về Thượng Đế, về con người và vạn vật, một sự hiểu biết thường là hậu quả của sự thánh thiện và nhân đức. Vì thế đạo lý của ông rất giống những huấn điều của thánh hiền Đông phương chẳng hạn về trai tâm, về thao thủ về sự im lặng …vvv… Chỉ cần đọc qua quyển “đời đạo lý” ta sẽ thấy như đọc hiền triết Đông phương. Trường của ông được tổ chức như một dòng tu nhiệm nhặt. Người mới gia nhập phải giữ im lặng liền 7 năm thí dụ… Đó là đại để ý nghĩa uyên nguyên của chữ triết lý. Về sau phái thiên nhiên học của Thalès lấn át thì tiếng Philosophie cũng biến sang nghĩa tìm hiểu thiên nhiên và trở thành một tri thức, một khoa học. Phản đối hướng tiến đó, Socrate đã muốn kéo triết lý trở lại với con người bằng khẩu hiệu “connais-toi toi-même” người ơi người, hãy tự biết mình mày, người ơi!. Tuy uy tín Socrate rất lớn, nhưng hai môn đệ ông là Platon và nhất là Aristote đã hướng triết học chúi hẳn sang phía Tri Thức và Sự Vật từ đấy tiếng Philosophie dần dần để trụt mất ý nghĩa nguyên thuỷ của nó và chỉ còn áp dụng cho một thứ tri thức phần nhiều lấy thiên nhiên làm đối tượng. Nhân đấy Đông Phương chính vì còn trung thành với ý nghĩa nguyên thuỷ, mới bị từ khước danh hiệu Triết, mà đáng lý ra theo gốc tiếng thì chính triết Đông mới đáng gọi là Triết Lý, chứ  như triết học Tây Phương chỉ là những bài triết có tính cách trường ốc hàn lâm xa lìa đời sống chưa bao giờ đủ thành thục để thấu nhập vào đời sống đại chúng, như triết lý Đông phương.

Nhưng nếu phân xử như vậy e lại rơi vào một thái quá như kiểu nói chỉ Tây mới có triết lý. Vì thế chúng tôi đề nghị dùng tiếng triết để chỉ cả hai nền suy tư Đông cũng như Tây; còn nếu muốn phân biệt thì nên dùng tiếng triết lý cho Đông, và triết học cho Tây. Vì lúc đó hai tiếng triết lý và triết học không còn nghĩa phổ thông như ta quen dùng coi như một, mà đã trở nên danh từ chuyên khoa với những dị biệt như đã trình bày ở trên về đối tượng và phương pháp. Nhưng đó chỉ là những danh từ ước định đề nghị ra để chỉ thị những thực tại khác nhau, có được chấp nhận cùng chăng không quan hệ cho bằng vấn đề trọng đại hơn là quy định sứ mạng triết lý, vì chính sứ mạng, chính mục phiêu của triết sẽ ảnh hưởng vào đường lối và đối tượng… Sứ mạng đó có phải là tri thức như Tây phương hiểu hay là hướng dẫn đời sống con người như Đông phương nhấn mạnh.

3. Sứ Mạng Triết Đông

Trả lời điểm này rất phiền tạp, vì câu thưa sẽ lại tuỳ thuộc khá nhiều vào quan niệm và tiêu chuẩn. Nếu theo tư tưởng cổ điển của Tây Âu thì quan niệm triết lý như một công việc tri thức về thiên nhiên là đúng, nghĩa là đúng với quan niệm Tây Âu; và ngược lại bảo rằng triết lý phải hướng dẫn đời sống thì cũng đúng, tức là đúng với quan niệm Đông phương. Vấn đề tế nhị là thế nên đây chúng ta tự hạn chế vào khía cạnh thời sự của luận đề tức là tìm hiểu hướng tiến được các triết gia lớn hiện đang theo đuổi.

Chúng ta có thể nói khuynh hướng hiện nay là từ bỏ lối độc chiếm tự tôn để đi tới một tổng hợp, hay đúng hơn đi tới một cuộc thống nhất hòa tấu: Unity Orchestrated như danh từ đại hội triết học quốc tế 1949 đã dùng (Moore p.1). Hội nghị này đã nhấn mạnh ý chí của các đoàn viên cố gắng đi đến một sự bổ túc làm giàu lẫn nhau. Một đàng Đông phương chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Tây phương về: 1) phương diện lý luận trình bày và chú ý đến phần lịch sử hơn, 2) đàng khác đưa vào một óc phê phán được thức tỉnh và không chấp thuận dễ dàng mọi huấn điều tiền nhân, 3) dùng sự mổ xẻ phân tích dưới nhiều khía cạnh để làm sáng tỏ vấn đề. Ảnh hưởng sâu xa đến nỗi ngày nay muốn bàn về triết Đông cách hợp thời phải là người đã đọc qua triết Tây: am hiểu phần nào phạm trù và lịch sử  Triết của nó.

Ngược lại một triết gia Tây phương ngày nay mà không biết gì triết Ấn Độ và Trung Hoa ít ra là về lập trường chung thì bị coi là thuộc thời tiền Colomb (trước khi tìm thấy thế giới mới), hay nữa tuy không biết cách chuyên biệt thì ít ra lập trường cũng không còn giữ vững được như thời cổ điển. Triết Tây đang bị chính các tư tưởng gia Tây phương đạp đổ trên khắp nẻo đường đến nỗi có người  cho triết học bị coi là một chứng bệnh (V.P 236). Pascal nghĩ rằng triết học không đáng cho ai phí vào đó dù chỉ một giờ đồng hồ…

Tóm lại, vào làng Triết tây, đâu đâu cũng là đổ vỡ. Cả một nền triết học mới vứt vào mặt những nguyên lý triết học cổ điển một tiếng Không tàn nhẫn. Có thể nói cố gắng của triết học Tây Âu hiện đại chỉ là một cuộc tưng bừng phá đổ nền triết cổ điển của họ. Đó là cảm tưởng chung sau khi đã đọc một số giáo sư lớn: một J.Wahl, một Gusdorf, các triết gia Nietzsche, Kierkegaard, K.Jaspers…vvv… Bachelard viết cả một quyển triết lý Không để minh chứng rằng phương pháp không cần theo Newton nữa, danh lý không cần theo Aristote, vật lý không cần theo Newton… Ông Weber viết trong quyển Tableau de la philosophie contemporaine: “có lẽ nhà lịch sử tương lai sẽ lấy hội nghị các nước Á Phi ở Bandoeng năm 1955 làm tờ từ chức sứ mệnh của triết học Tây phương “L’historien de l’avenir tiendra peut être la conférence afrasiatique Bandoeng de 1955 pour l’acte de démission de la philosophie européenne” (tr.20).

Ta có thể tóm tắt  rằng triết học Tây phương hiện đang phát động một phong trào di cư vĩ đại: di cư từ những nền móng cũ để đi  đến định cư trên những nguyên lý mới:

Nhận nguyên lý biến dịch thay vào ý niệm bản thể im lìm (xem bài triết lý Đông phương động)

Nhận nguyên lý cơ thể thay vào ý niệm cơ khí… Bớt chú trọng về phía triết học thiên nhiên để nhấn mạnh đến thân phận con người.

Nhận nguyên lý lưỡng hợp  (Principe polarisable) thay cho nhị nguyên cũ. Nhân đó nhận phần nào quan niệm tương đối trong chân lý thay vào quan niệm tuyệt đối, và vì vậy óc tương dung được đề cao, nếu chưa phải là nhận cả nguyên lý của nó.

Những nguyên lý này rồi đây chúng tôi sẽ đào sâu trong các cảo luận. Ở đây chỉ cần ghi nhận điều này: tất cả các nguyên lý trên đã được thừa nhận và dùng làm giềng mối cho triết Đông từ bao ngàn năm xưa liên tiếp cho tới ngày nay. Tuy nhiên chúng tôi không có ý nói những nguyên lý đó là của riêng Đông phương; trái lại chúng tôi ghi nhận thực tại lịch sử này: Tây phương có nhiều môn phái mâu thuẫn nhau như Truyền thống khác với cổ điển, Duy niệm khác với Hiện sinh, và chúng ta sẽ gặp nhiều may mắn đi đến thống nhất nền triết lý nhân loại nếu Tây phương tiến mạnh vào lối Truyền Thống và Hiện sinh, vì đó là những trào lưu đi gần Đông phương. Ta hãy nghe Nietzsche một trong những ông tổ của triết Hiện sinh bày tỏ sứ mệnh triết học  ra sao. Ông trưng lại lời của triết gia Alcuin: “Thiên sứ đích thực của triết gia là điều chỉnh những điều chênh lệch, kiện tráng những điều chính nghĩa, thăng hoa những điều thánh thiện (La véritable vocation royale pour une philosophie: Prava corrigere et recta corroborare et saneta sublimare. V.P.257).

Trang 259 ông thêm: quy định điều phải điều trái, nhận xét những sự kiện cách chung là một việc khác hẳn với truyền lệnh và đổi mới, đào tạo và xây đắp, cai trị và quy hướng ý muốn. Đó mới là cốt tuỷ của triết lý. Đưa vào cho sự vật một ý nghĩa ấy là giả sử nếu sự vật chưa có. Đấy là nhiệm vụ còn lại cần phải làm cho xong.

Cao lên một bậc nữa là đưa ra một mục đích và thích ứng các sự kiện theo đó để định hướng hành động, chứ không phải chỉ biến hình những ý niệm. Nếu có bao giờ ta tới được cùng đích văn hóa thì phải dùng những sức lực mỹ thuật phi thường để đập tan cái bản năng tri thức vô biên, để làm lại nền thống nhất. Phẩm giá tối cao của triết gia xuất hiện khi người tập trung bản năng tri thức tuyệt đối bắt nó quy phục vào nền thống nhất.

Tương lai triết lý là gì? Là phải trở nên tòa thượng thẩm cho một nền văn minh mỹ thuật, một thứ tổng công an chống lại  mọi sự thái quá.

Délimiter le “vrai” ou le faux, constater des faits en général, c’est tout autre chose que de prescrire et d’innover, de former, de construire, de dompter, de vouloir ce qui est l’essence de la philosophie. Infuser un sens aux choses à supposer qu’elles n’aient pas de sens, voilà la tâche qu’il reste à accomplir.

Un degré encore supérieur consiste à fixer un but et à y adapter les fait, à orienter l’action et non seulement à transformer des concepts.

Si nous devons jamais parvenir à une culture, il faudra des forces d’art inouies pour briser l’instinct de connaissance illimité, refaire l’Unité. La dignité suprême du philosophie apparait quand il concentre l’instinct de connaissance absolu, le soumet à l’Unité.

La philosophie de l’avenir? Il faut qu’il devienne l’instance suprême d’une civilisation artistique, une sorte de sureté générale contre tous les excès. (V.P. II, 257)

Đọc những lời trên đây ta thấy triết Hiện sinh đi rất sát lại triết Đông. Cũng như hội nghị triết lý Đông Tây đã công nhận rằng ngày nay Tây đã gần Đông hơn trước kia: but the West is nearer to the East than has just been seen (Moore p.204), gần vì thái độ cởi mở đón nhận trước kia ít có, và gần nữa vì triết học đã bắt đầu biết để khoa học lại cho khoa học hầu chuyên tâm nhiều vào những vấn đề thân phận và cứu cánh của con người, chăm lo đến đời sống. Đó là cùng hướng với triết Đông mà sứ mệnh được thâu gọn vào chữ Đạo học. Chữ đó thật là thâm thuý, tiếc thay hay bị coi thường; vì phần đông lẫn nó với mớ mệnh lệnh luân lý hình thức nên không định giá đúng mức được tiếng Đạo học, chứ nếu hiểu đến chỗ uyên nguyên thì danh từ Đạo học đã nói lên được sứ mệnh của triết lý; tức làm sáng tỏ và hướng đạo cho nhân sinh, nhận thức và giúp thực hiện được cái tính bản nhiên của con người: tận kỳ tính. “réaliser l’humanité en soi”.

Như thế, việc làm chính cốt hiện nay của triết Đông phương không phải là đi rập mẫu triết học duy niệm để sản ra một thứ triết học duy trí không ăn nhằm chi tới nhân tâm thế đạo, với cuộc sống hưng vong của quê nước, đời sống bấp bênh đầy gian khổ của đồng bào, mà chỉ là thứ trao dồi tri thức quá thoát đời của mấy người nhàn rỗi. Không! Sứ mệnh nó là phải làm sống lại những nguyên lý hết sức phong phú của Truyền Thống còn lưu lại trong triết lý Đông phương, phải nhờ những tiến bộ về biện chứng và khoa học để khám phá ra những khía cạnh mới lạ khả dĩ hướng đạo cho con người thời đại.

Tổng hợp những suy tư, những phân tích bất kể đến từ Đông hay Tây, Nam hay Bắc. Nhận thức lại cái tinh thần sâu sắc để khơi nguồn cho đời sống tâm linh vươn lên; thống nhất lại các giá trị mới hãy còn vất ngổn ngang bừa bãi; đem lại cho nhân sinh một luồng sinh khí dồi dào vừa được canh tân; thổi sinh khí vào nhân loại đang ngạt thở trong trăm ngõ hẻm chuyên môn phân cách và bịt bùng, được thở bầu khí bao la khoáng đạt tinh thần của con người toàn diện. Đó là sứ mệnh triết lý Đông phương. Nó phải cố gắng lắm mới đáp lại được lòng mong chờ của người thời đại đặt để vào nó.

Trong một phiên Hội Thảo về Triết Lý Đông-Tây, người ta đã công nhận rằng: Tây cần học nhiều với Đông về cách làm thỏa mãn những nhu yếu Tinh Thần; còn Đông phải học nhiều với Tây về những nhu yếu Vật Chất và Xã Hội và cách làm thỏa mãn  những nhu yếu đó. (= “It was agreed by all members of the Seminar that at the present time, the West has much to learn from the East concering  the spiritual needs of Man and rheir satisfaction, while the East has much to learn from the West concerning the material and social needs of Man and their satisfaction” (“East-West Philosophy”, Charles Moore, 1951. page 434)

4. Dự Đoán Tương Lai

Quả nhiên là “nhiệm trọng nhi đạo viễn”, gánh thì nặng mà đường thì xa, nhưng sự thành công chắc chắn sẽ chờ ở cuối đường. Sử gia Toynbee có dự đoán sự thành công đó sẽ đến trong giai đoạn hậu lai như sau:

“Cái gì là hiện tượng bật nổi hơn hết  ở thời đại chúng ta mà trong những thế kỷ sau này các sử gia sẽ tách rời ra, khi họ khảo cứu đầu bán thế kỷ 20 để cứu xét các hoạt động? Nó sẽ không phải là những biến cố về kinh tế, về chính trị, về cơ khí mà các nhật báo hiện đang kéo tít trên trang nhất, đó chỉ là những biến cố nhất thời phù phiếm, nó làm cho ta lãng quên những biến động chậm chạp hơn, ít thấy xuất hiện trên mặt, nhưng lại tác động mạnh và tác động vào các tầm sâu.

“Nhưng thật ra chính đó là những tác động bề sâu mà mai hậu sẽ hiện lên lớn lao, còn những biến chuyển bề mặt lại rút lui vào những tầm thước thực sự của chúng. Phải có sự lùi xa mới thấy được tầm kích đích xác của từng loại biến cố.

“Cho nên tôi thiết tưởng các nhà sử gia tương lai sẽ cho biến cố lớn hơn hết trong thế kỷ 20 là sự xung động của nền văn minh Tây phương trên các xã hội khác trong khắp thế giới. Họ sẽ nói: sự xung động đó mạnh mẽ và có tính cách thấu nhập đến nỗi nó làm đảo lộn cuộc sống mọi xã hội, khuấy trộn mọi tập quán, làm tan rã mọi công hội cổ truyền. Đó là điều họ sẽ nói tới vào những năm 2047, tức là 1000 năm sau (sách của tác giả xuất bản năm 1947) và họ sẽ nói gì năm 3047, tức là 2000 năm sau?

“Lúc ấy họ sẽ chú trọng đến những phản kích ghê sợ mà nền văn minh khác sẽ gây ra trong đời sống của người xâm chiếm (tức Âu Châu). Chừng ấy văn minh Âu Châu xét theo lúc ra khỏi thời Trung cổ sẽ biến thái đến nỗi không còn nhận ra được bộ mặt trước của họ dưới ảnh hưởng dồn dập của những nền văn minh khác: nào chính thống, nào Islam, nào Ấn Độ, nào Viễn Đông.

“Đến năm 4047 thì sự khác biệt Đông Tây không còn nữa, mà chỉ còn là một khối nhân loại duy nhất.

“Năm 5047 không còn chú trọng gì đến vấn đề kinh tế chính trị, kỹ thuật, mà chỉ còn có một vấn đề tinh thần : Tôn giáo” (lược dịch Civilisation à l’épreuve p.228-233).

Đây là những dự đoán của một sử gia nổi tiếng vào hạng nhất hiện nay, dựa vào lịch trình của các sự gặp gỡ trên 20 nền văn minh mà lịch sử đã ghi lại dấu vết. Những sự gặp gỡ đó tuy xảy ra dưới những hình thức khác nhau, nhưng cuối cùng cũng đã đi đến câu kết trở thành ngạn ngữ: “tư tưởng hướng dẫn thế giới” (les idées gouvernent le monde). Mà với Đông phương chính triết lý là tinh thần, là hồn sống cho tôn giáo, tôn giáo chỉ là biến thể của minh triết.

Năm 1848 là lúc người Anh còn nắm vững chủ quyền trên đất Ấn mà toàn quyền Hasting đã tiên đoán rằng: “không bao lâu nền đô hộ của Anh quốc trên đất Ấn Độ sẽ qua đi hết, nhưng triết lý Ấn Độ sẽ còn sống mãi mãi”. Hôm nay chúng ta cũng có thể nói rằng: một ngày kia người ta sẽ ít nhắc tới sự người Tây Âu lấn át người Á Châu trên các phương diện kinh tế, kỹ thuật. Những biến cố đó sẽ qua đi, nhưng triết lý Đông phương sẽ còn sống mãi, sẽ mở rộng thêm ảnh hưởng và hợp với triết Tây để làm nên một nền triết thống nhất có thể gọi là “Đa giáo đồng nguyên” của toàn thể nhân loại không phân biệt Đông Tây…

Hiện nay nếu còn phải gọi tên triết Đông và triết Tây thì đó cũng là một việc bất đắc dĩ ở bước khởi đầu, là bước cần thiết phải vượt qua càng sớm càng hay. Bởi trong phạm vi triết lý bao lâu chưa vượt được những tên địa dư là dấu còn bất toàn, là chưa đi đến chỗ cùng tột. Trong các phạm vi khác thuộc văn học, chính trị, kinh tế, mỹ thuật, có thể dung hòa những đặc thù thuộc địa phương chứ trong triết lý phải cố gắng đi tới chỗ phổ biến. Nói triết Đông, triết Tây cũng là một sự hàm hồ. Chính ra phải nói những cố gắng về triết lý đã được khởi công ở bên Đông hay bên Tây thì đúng hơn. Vì nếu đã là triết lý chính tông thì sẽ vượt qua mọi đặc thù địa phương để không còn là Đông hay Tây, Nam hay Bắc, như lời nói của Lục Tượng Sơn “Đông hải có thánh nhân, tâm ấy đồng, lý ấy đồng; Tây hải có thánh nhân, tâm ấy đồng, lý ấy đồng. Ngàn đời về trước có thánh nhân, ngàn đời về sau này có thánh nhân, tâm ấy cũng đồng, lý ấy cũng đồng”. Đó là cùng đích ta phải cố gắng vươn tới. Điều đó ngày nay xem ra có nhiều hy vọng thực hiện được, có lẽ trong một thời hạn còn mau hơn dự đoán của Toynbee. Vì cơ khí đã đảo lộn mọi nếp sống cũ không cứ gì Đông mà cả Tây. Có biết bao giá trị cổ truyền đã hết hiệu lực, nhiều khi chỉ còn là bản kẽm cũ mòn thường hay bóp ngạt đời sống tinh thần hơn là đem lại luồng sinh khí mong muốn; có còn người theo cũng chẳng qua là tạm đỡ, nhưng không phải không có lòng mong đợi những giá trị mới về nhân sinh.

Dựng lên những giá trị mới đấy là sứ mệnh triết lý; đem lại cho đời sống một ý nghĩa để đưa nhân loại thoát ra khỏi cơn khủng hoảng tinh thần hiện nay, đó là sứ mệnh triết lý. Hướng dẫn nhân loại trên đường đi về cứu cánh con người, đó là sứ mạng của một nền triết lý không phân biệt Đông hay Tây mà là triết nhân sinh, triết lý của con người muôn thưở.

KIM ĐỊNH
Tháng giêng 1960
( Trích trong « Những Dị Biệt Giữa Hai Nền Triết Lý Đông Tây‘)

[Tác Giả]

Tìm Kiếm