SỰ SỐNG TRONG CĂN NHÀ CHỜ CHẾT

Nguyễn Tầm Thường s.j.

IMG.452Ai muốn làm thiện nguyện chỉ việc gặp sơ phụ trách, sơ viết mấy chữ chứng nhận vào miếng giấy. Không có văn phòng, không thủ tục rườm rà gì cả. Rồi, đi làm. Đã hỏi đường, nhưng tôi cũng hồi hộp, xe buýt trong thành phố lên đầy người. Chạy nửa tiếng mới tới chỗ tôi xuống, phải chú ý lắm theo dõi nơi ngã ba nào có cái chợ như thế, cây xăng như vậy mà định chỗ xuống xe. Đây là ngày thứ nhất tôi đi làm. Mọi người đều phải tự lo lấy phương tiện di chuyển.

…..Từ cuối xe, tôi thấy một cô người Nhật đứng phía trên, cầm chiếc túi ni lon thấy rõ bên trong mấy hộp thuốc. Trong xe không có người ngoại quốc nào. Tôi đoán chừng phải là một trong các cô thiện nguyện của nhà Mẹ Têrêsa. Quả thế, lúc cô xuống xe cũng là nơi tôi thấy ngã ba, có khu chợ như đã được dặn trước. Vội theo chân cô để khỏi phải tìm nhà. Cô rất vui khi biết tôi cũng là thiện nguyện viên đi làm. Cô không nói được tiếng Anh nhiều, chỉ lõm bõm, thế mà dám đi.

…..Trong những ngày tháng gần đây, tôi hay suy niệm về sự chết. Có khi bất chợt trong lúc đi đường, có khi trong giờ cầu nguyện, có khi kéo dài trong những dịp tĩnh tâm. Tư tưởng sống chết, ý niệm đời sau của thế giới bên kia cứ như chờn vờn. Tôi không bỏ qua được. Nó như một hố sâu nhìn thấy đáy. Tìm đâu câu trả lời? Không ai có kinh nghiệm sự chết. Không ai chết rồi hiện về nói cho biết sự chết. Người nào chết rồi cũng mất tích trong thế giới siêu hình. Giáo Hội dạy về sự chết nhưng không có kinh nghiệm sự chết. Tất cả là niềm tin vô hình thôi. Tôi xin Chúa cho tôi cảm nghiệm chứ không phải cứ dục lòng tin những điều không thể chứng minh. Tôi tìm đến nơi đây cũng là vậy.

…..Trong thành phố Calcutta có nhiều nhà của các sơ. Nhà cho người già bệnh, nhà cho các em bị tâm thần, nghễng ngãng, nhà cho trẻ mồ côi. Tôi chọn nơi “khủng khiếp” nhất. Nhà cho những người chờ chết. Tôi đã nghe nói về căn nhà này, ai không thân nhân sắp chết ngoài đường, các sơ đem về săn sóc cho chết bình an, chết xứng đáng phẩm giá con người. Tôi cứ tưởng tượng nơi ấy đầy bi thương thống khổ. Máu me, dơ dáy.

…..Qua chiếc cổng có bảng đề không chấp nhận khách tham quan, chụp hình, tôi vào trong nhà. Hai dẫy giường dài trước mặt tôi. Điều trái ý nghĩ của tôi là không máu me, không tiếng kêu la, không dơ dáy, không “khủng khiếp” như tôi nghĩ. Êm đềm, các bệnh nhân nằm im. Sạch chưa từng thấy. Sau này tôi được biết, chính phủ Ấn phải thừa nhận các nhà săn sóc người bệnh của Mẹ Têrêsa sạch hơn tất cả các bệnh viện ở Ấn. Lý do đơn giản là có biết bao thiện nguyện đến làm, họ làm việc với con tim, làm hết mình chứ không vì đồng lương nền nhà cửa gìn giữ rất sạch sẽ.

……– Đây là công việc anh sẽ làm.

…..Một người làm thiện nguyện ở đó lâu rồi phân công các việc cần làm. Anh gọi và phân công cho tôi. Chưa rõ tôi hỏi lại anh:

…..– Tôi sẽ làm gì?

…..– Anh lựa những chiếc quần áo, khăng giường “dơ” để riêng ra.

…..Tôi nghĩ bụng, cái nào mà không dơ. Hỏi lại:

…..– Tôi phải làm gì?

…..Bằng một ngôn ngữ hơi ngại, nhưng anh ta phải nói rõ:

…..– Những quần áo, khăn giường nào dính phân người!

…..Bấy giờ tôi hiểu. Ghê quá. Nhiều người nằm liệt giường, họ đi tiêu bừa bãi ra quần áo. Công việc của tôi là lựa riêng ra những thứ ấy. Tôi thấy lợm giọng vì chưa bao giờ làm công việc này. Họ là những người đủ thứ bệnh, biết đâu có cả HIV, Sida. Nghĩ tới đó tôi thấy hỏng rồi, sao mình lại chui đầu vào đây.

…..Trong đám thiện nguyện đang giặt quần áo, anh người Nhật là toát mồ hôi. Tôi thấy anh ta làm hùng hục. Anh ở đấy tám tháng rồi. Tôi hỏi thăm mấy người chung quanh nên biết vậy. Anh ta ít nói. Mới gặp nhau rất khó nói chuyện riêng tư, như vì sao anh tới đây làm công việc này? Cảm nghiệm anh ra sao trước những cái chết đơn côi không người thân? Những tâm tư ấy không biết được. Chỉ vui với nhau và làm việc thôi. Tất cả đều giặt bằng tay. Không máy móc. Đồ giặt to thì bỏ vào bể ximăng, lấy chân đạp như ta đạp nhồi đất sét làm gạch. Sau một ngày tay ngâm nước lâu, vắt quá nhiều vải thô cứng, da tay tôi mềm ra và đau.

…..Thánh Inhaxiô ngày xưa cùng với nhóm mới thành lập dòng của ngài đều đi bộ hành hương. Họ xin ăn dọc đường để cảm nghiệm sự cơ cực của con người. Họ chỉ tín thác vào Chúa. Có lần săn sóc chân máu mủ một bịnh nhân, ngài rất ngại lây bệnh. Để chiến thắng, ngài đút bàn tay dính máu sau khi săn sóc bệnh nhân của ngài vào miệng. Hôm nay không ai làm thế, nhưng thế nào là tin tưởng vào Chúa, thế nào là có khi nguỵ biện cho sự lười biếng của mình?

…..Trong nhà, bên này bức tường chúng tôi giặt đồ. Bên kia là giường bệnh. Anh thanh niên người Đức đang săn sóc một người đàn ông không thể đoán được tuổi. Có lẽ là ông già. Người đàn ông nằm lồi hai mắt. Người chỉ còn da bọc xương. Lồi lên hai hàm răng. Gò má như cánh gà xương xẩu. Tôi hình dung có thể ông bị nhiễm HIV, bệnh Aids chăng. Ông sắp chết. Đầu gối, cánh tay chỉ còn xương. Hai tròng mắt lồi cao như hai quả cau. Tôi biết chắc ông sẽ chết nay mai.

…..Các thiện nguyện chia nhau, một bên sắc sóc nữ, một bên nam. Lây đồ ăn rồi cho bệnh nhân ăn. Tắm cho họ. Cho họ uống thuốc. Lau nhà. Giờ nghỉ trưa ngồi uống trà lại cười giỡn. Tay thanh niên Canada lúc nào cũng thích hát. Lâu lắm tôi mới lại nghe những bài ca tiếng Pháp. Lõm bõm mấy câu: L’amour. L’amour. Tình yêu. Ôi! Tình Yêu. À thì ra anh ta đang hát một bài chuyện tình.

…..Cô bé người Nhật thấy tôi mới đến ngày đầu, tới gợi chuyện:

…..– Ông là người Việt Nam hả?

…..– Đúng vậy, tôi người Việt Nam.

…..– Ở đây cũng có một cô Việt Nam.

…..– Vậy à? Cô ta đâu?

…..Nghe vậy, tôi rất ngạc nhiên, không ngờ cũng có người trẻ Việt Nam lần mò đến đây. Sau này tôi gặp hai cô bé, Tuyết Anh và Lan. Cả hai cùng đạo, đang học trường thuốc, mới hai mươi hai tuổi. Tuyết Anh và Lan sống ở Na Uy.

…..Ý định ban đầu của tôi đến đây là để suy niệm về sự chết. Tôi muốn nhìn khi người ta chết sẽ ra sao. Tôi đang trăn trở về sự chết và mầu nhiệm thế giới bên kia. Chết là đề tài bận tâm trí tôi. Mục đích thứ hai là quan sát, như người đi tìm tài liệu viết bài. Mới sau một ngày, tôi thấy mình thay đổi. Tôi không thể là người quan sát được.

…..Làm việc với các bạn trẻ, bên những tâm hồn giàu quảng đại tươi vui. Tôi thấy họ tràn đầy sức sống. Nhìn anh thanh niên người Đức săn sóc ông già, tôi thấy mình phải viết về sự sống chứ không thể tập trung về sự chết. Sự sống quá đẹp. Hãy nói về những người đang sống, những người đang săn sóc sự sống. Tôi thấy những người nằm chết không là đề tài gợi sự đau khổ cho tôi viết, mà là sự sống của những trái tim quảng đại kia.

…..Điều thứ hai tôi thấy mình thay đổi là không thể chỉ đứng ngoài làm người quan sát. Tôi không thể xem họ chết rồi viết bài. Như vậy tôi sẽ lạc lỏng ở đây. Chỉ khi nào tôi hoà vào cuộc sống nơi này, với kẻ chết, với niềm vui của các thiện nguyện kia tôi mới thực sự hiểu điều tôi “quan sát”.

…..Ngày thứ nhất trong ngôi nhà cho người chờ chết đã làm thay đổi hai thái độ của tôi, một là nhìn vào sự sống thay vì sự chết, hai là tôi phải sống thật chứ không thể chỉ quan sát. Với hai thái độ trên, tôi lưu lại Calcuta một tuần.

…..Lạy chúa, sống chết là thân phận con người. Trong cái mỏng dòn của thân phận ấy, nhiều lần tâm trí con hoang mang khắc khoải. Con dùng trí tuệ con tìm biết về Chúa và con đã khắc khoải vô cùng. Chỉ khi nào con xin lòng thương xót Chúa con mới được an bình thôi. Trước cái chết, con không thể dùng trí tuệ phân tách được. Con đi về đâu trong cõi vô hình kia? Chắc chắn rồi con sẽ chết. Sự hiểu biết nào đỡ nâng con? Ai là người cho con can đảm, bình an, niềm vui? Chỉ có Chúa mà thôi. Con cần Chúa hôm nay để con hiểu mầu nhiệm chết là tập sống trọn vẹn. Xin giúp con sống và sống fully alive, sống từng biến cố buồn vui, khó khăn, sống trọn vẹn trong Chúa để thấy đời luôn luôn đẹp. Amen.

Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
( Nguồn www. Dunglac.org)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm