SỰ THẬT NẰM SAU BỘ NÃO THIÊN TÀI CỦA ALBERT EINSTEIN
Câu chuyện bắt đầu từ khi Einstein ra đời, mẹ ông tỏ ra khá chắc chắn rằng đầu ông có kích thước lớn hơn so với một đứa trẻ bình thường. Nhưng khi Einstein qua đời, khám nghiệm tử thi cho thấy não ông có kích thước không vượt trội hơn so với những người cùng tầm tuổi…
Trong những năm cuối cùng của cuộc đời, khi đã biết mình bệnh nặng và sắp phải xa rời cuộc sống, Einstein đã đưa ra mong muốn cuối cùng, rất rõ ràng: “Tôi muốn được hỏa táng để mọi người không đến và tôn thờ bộ xương của mình.” Einstein chết vào ngày 18/4/1955 tại tuổi 76, do vỡ khối phình động mạch chủ bụng. Toàn bộ thi thể của ông đã được hỏa táng và chôn cất ở một địa điểm đến giờ vẫn chưa được biết rõ. Toàn bộ, trừ bộ não thiên tài của ông.
Trong quá trình giải phẫu tử thi, thực hiện tại bệnh viện Princeton, nhà giải phẫu bệnh Thomas Harvey đã tách rời phần não của Einstein – bộ não đã đưa ra ý tưởng cách mạng E=mc2, thuyết Tương Đối và một con đường thẳng tắp dẫn đến việc tạo ra bom nguyên tử. Harvey giữ lấy phần não đó, và rồi ông chiếm hữu luôn nó.
Harvey có thể sẽ được tung hô như một người dũng cảm, hoặc chỉ là một tên trộm cắp không hơn không kém – điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. Trên thực tế, chính Einstein cũng đã từng tham gia vào những nghiên cứu để làm rõ sự khác biệt giữa bộ não của ông với những người khác, trong thời gian ông còn sống. Rất nhiều người bày tỏ mong muốn nghiên cứu phần chất xám của ông sau khi ông mất.
Tuy nhiên, theo một cách nào đó, Einstein đã đạt được ý nguyện của mình. Không ai có thể còn đến và tôn thờ bộ não của ông, bởi trừ Harvey, giờ đây không ai biết nó được cất giấu tại đâu. Sau khi đã tách rời bộ não, Harvey cũng bác bỏ luôn quyền chấp thuận của gia đình Einstein trong việc nghiên cứu bộ não ông. Harvey khẳng định, tất cả những gì ông tìm ra sẽ được công bố trên một tờ tạp chí có uy tín – và người ta mòn mỏi chờ đợi điều đó, từng ngày, từng ngày. Nhưng chẳng có nghiên cứu, cũng chẳng có bài báo nào được trình ra, và một lần nữa, Harvey biến mất cùng bộ não.
Marian Diamond và bộ não của Albert Einstein
Câu chuyện bắt đầu từ khi Einstein ra đời, mẹ ông tỏ ra khá chắc chắn rằng đầu ông có kích thước lớn hơn so với một đứa trẻ bình thường. Nhưng khi Einstein qua đời, khám nghiệm tử thi cho thấy não ông có kích thước không vượt trội hơn so với những người cùng tầm tuổi. Thomas Harvey đã cân nó như một bước trong quy trình giải phẫu tử thi, và bộ não này nặng khoảng 1.22 kg. Harvey đã chụp rất chi tiết bộ não này, và xẻ nó ra làm 240 mảnh để bảo quản trong celloidin, một công nghệ thường dùng trong bảo quản và nghiên cứu não bộ.
Harvey vẫn tiếp tục gửi những lát cắt của bộ não này đến các bác sĩ và các nhà khoa học đáng chú ý trên thế giới. Những người này được đích thân Harvey lựa chọn, và công trình nghiên cứu của họ sẽ được đăng tải trên những tạp chí có uy tín nhằm cho thế giới biết sự thực về bộ não thiên tài này.
Harvey và thế giới đã phải chờ đợi rất lâu. Bộ não của Einstein tỏ ra chẳng có gì khác biệt so với phần còn lại, cụ thể là ở kích thước và số lượng tế bào thần kinh. Harvey, dù vậy, vẫn kiên định với niềm tin của mình, cuối cùng, đến năm 1985, ông đã có được báo cáo đầu tiên. Tiến sĩ Marian Diamond, làm việc tại đại học California tại Berkeley, đã có những công trình nghiên cứu cho thấy sự khác biệt giữa não chuột và nhận thấy, chuột sống trong môi trường giàu chất dinh dưỡng có bộ não tinh vi hơn. Một cách cụ thể, bộ não của chuột có nhiều tế bào thần kinh đệm liên kết với neuron hơn – và đây chính là điều mà Diamond muốn nhìn thấy ở não của Einstein.
Tế bào thần kinh đệm đóng vai trò như một miếng đệm, bảo vệ và cung cấp chất dinh dưỡng cho các neuron vốn bận bịu với vai trò giải quyết và xử lý thông tin. Một cách đơn giản, có thể hiểu chúng như các quản gia phục vụ cho các neuron.
Khi các neuron liên lạc với nhau, chúng để lại các chất thải dưới dạng ion kali. Đống rác thải này, vốn đã không tìm được đường ra, giờ đây nằm chồng chất bên ngoài các neuron và ngăn cản sự hoạt động của chúng. Lúc này, các tế bào thần kinh đệm sẽ tìm đến và dọn sạch rác, từ đó cho phép neuron hoạt động một cách liên tục. Các tế bào thần kinh đệm cũng giúp dọn sạch tàn tích của những chất dẫn truyền thần kinh, cho phép chúng được tái hấp thụ và từ đó tạo nguyên liệu cho sự hoạt động liên tục của các neuron.
Khi Diamond nhận được những lát cắt não của Einstein, bà đã ngay lập tức so sánh chúng với nhóm 11 bộ não khác. Bà cho biết, Einstein có tỷ lệ tế bào thần kinh đệm/neuron cao hơn, và bà đặt giả thiết rằng, điều này xảy ra là do các neuron của Einstein hoạt động với tần suất cao hơn, do đó chúng cần đến nhiều tế bào thần kinh đệm hơn. Nói cách khác, Einstein cần đến những quản gia chuyên nghiệp, bởi ông đã tạo ra một đống bầy nhầy thực sự trong bộ não với những ý tưởng thiên tài của ông.
Không may mắn là nhiều nhà khoa học tỏ ra bất đồng với ý kiến này. Thứ nhất, tế bào thần kinh đệm vẫn tiếp tục phân chia trong suốt cuộc đời của một người. Einstein chết ở tuổi 76, trong khi nhóm 11 bộ não còn lại có độ tuổi trung bình là 64, vậy nên đây có thể là chuyện bình thường nếu Einstein có nhiều tế bào thần kinh đệm hơn chỉ đơn giản bởi ông…già hơn. Thêm vào đó, bộ não thuộc nhóm chứng của Diamond đến từ những bệnh viện quân đội. Dù bà khẳng định rằng, những người này chết vì những nguyên nhân ngoài thần kinh, nhưng không ai kiểm soát được các thông tin này, ví dụ như chỉ số IQ của những người trong nhóm chứng. Liệu Einstein có bị so sánh với những người thiếu năng trí tuệ?
Cũng có những nhà khoa học khác chỉ ra rằng, Diamond chỉ cung cấp tỷ lệ của một phương pháp đo lường, trong khi có đến 28 cách khác nhau để do tỷ lệ của những tế bào này. Diamond sau đó cũng thừa nhận rằng, những kết quả còn lại đã không chứng minh được quan điểm của bà, và giới khoa học đã dựa vào đây để bác bỏ luận điểm này.
Những khám phá của Sandra Witelson
Công trình của tiến sĩ Diamond đã phải chịu một sức ép khủng khiếp từ phía báo chí, để rồi bị chính họ tuyên án tử hình. Đến năm 1996, Britt Anderson, một nhà nghiên cứu tại đại học Alabama đã đưa ra một công trình nghiên cứu khác, với ít sự phản đối hơn. Anderson nhận ra rằng, vỏ não thùy trán của Einstein mỏng hơn so với người bình thường, tuy nhiên, lại tập trung đậm đặc nhiều neuron hơn. Anderson đã thuyết phục được Harvey với công trình nghiên cứu cho thấy, vùng vỏ não với độ tập trung neuron khác nhau có thể sẽ giải thích được sự khác biệt về não bộ giữa nam và nữ. Bộ não của nữ giới có độ tập trung neuron cao hơn, do đó, họ dễ dàng liên kết với nhau hơn so với nam giới.
Tác giả của luận điểm và công trình nghiên cứu trên, Tiến sĩ Sandra Witelson đã lập tức nhận được bản fax từ Harvey: “Cô có sẵn lòng cộng tác với tôi để nghiên cứu bộ não của Albert Einstein?”. Câu trả lời tất nhiên là có.
Tiến sĩ Sandra Witelson, rút kinh nghiệm từ bài học của Diamond, đã rất cẩn thận với nhóm chứng của mình. Bà chọn ra 35 bộ não khỏe mạnh, không có bệnh lý thần kinh tâm thần và chỉ số IQ trung bình là 115, cao hơn bình thường một chút. Trong nhiều thập kỷ, Witelson đã làm việc với nhiều bác sĩ và y tá nhằm mục đích có được càng nhiều bộ não để nghiên cứu càng tốt. Bà có tham vọng tiến hành một cuộc nghiên cứu lớn nhất trong lĩnh vực này – đó là quyết tâm cần có để tìm ra sự thực đằng sau bộ não của Einstein.
Harvey đến Canada cùng bộ não, và Witelson đã được cho phép chọn ra 1/5 trong số đó để nghiên cứu – nhiều hơn bất kỳ nhà khoa học nào đã từng được tiếp cận với nó trước đây. Bà chọn ra những lát cắt thuộc thùy đỉnh và thùy thái dương, đồng thời, bà cũng đề nghị được tiếp cận với những bức ảnh chụp của Harvey. Bà nhận ra rằng, rãnh Sylvian đã gần như biến mất. Đây là một rãnh phân chia giữa thùy đỉnh và thùy thái dương, và với sự vắng mặt của rãnh này, thùy đỉnh của Einstein lớn hơn người bình thường khoảng 15%.
Thùy đỉnh chịu trách nhiệm cho nhiều khả năng, trong đó có khả năng tính toán, hình dung không gian và vật thể 3 chiều. Điều này dường như hoàn toàn phù hợp với cái cách Einstein diễn giải quá trình tư duy của mình: “Từ ngữ dường như không quan trọng. Chúng làm hạn chế trí tưởng tượng.” Thực tế, ông đã tìm ra thuyết Tương Đối nhờ vào việc hình dung ra chuyến hành trình của ánh sáng trên một bức tranh, rồi từ đó, tìm ra cách thức để mô tả chúng.
Witelson đặt giả thiết rằng, việc thiếu hụt rãnh Sylvian có thể giúp các tế bào thần kinh tập trung gần nhau hơn, từ đó cho phép chúng liên lạc với nhau nhanh hơn bình thường. Điều này có thể cũng gây ảnh hưởng lên khả năng ngôn ngữ của Einstein. Hiểu biết của giới khoa học cho đến lúc này về bộ não vẫn là chưa đủ để phản bác lại công trình nghiên cứu của Witelson.
Những bằng chứng trực quan đều cho thấy, bộ não của Einstein tỏ ra không có gì nổi trội, thậm chí còn bị tổn thương chút ít – không gì có thể ngay lập tức chỉ ra sự khác biệt của một thiên tài.Chúng ta có thể sẽ vẫn mù mờ cho đến khi có cơ hội nghiên cứu một bộ não thiên tài khác – có lẽ, bộ não của Einstein không thể được so sánh với những bộ não thông thường.
Theo TRÍ THỨC TRẺ