TỂT LÀ GÌ ?

HNVLGT2Muốn hiểu được tầm quan trọng của tết cần nhớ lại với Việt nho thì siêu hình là thời gian và tình cảm. Cả hai đều vô hình nhưng lại có thực, một đàng là chất liệu làm nên con người, một đàng thì tràn ngập toàn thể con người dưới tên bao quát là tình, tâm tình. Đó là hai then chốt của con người, con người cần phải “tuỳ thời”. “Tuỳ thời chi nghĩa đại hĩ tai”, vì tuỳ thời cũng chính là sống theo tình, tức là đạo. Đó là những việc không thể bỏ dù một giây. Nhưng có những lúc cần trọng thể hóa: đó là những thời điểm khởi đầu mùa, đầu năm, Nho gọi là tiết, ta đọc là Tết. Đó là ngành chữ thời.

Còn ngành tình thì ta thấy Nữ thần mộc săn sóc cho mối tình nảy nở qua thể chế gia đình: rồi nhiều gia đình làm nên làng xã. Hàng ngày sống tình gia đình, nhưng lâu vào những khởi điểm cũng cần sống theo chiều kích của mình. Sống đầy đủ nhất từ ăn uống, chơi đùa, ca hát, tế tự. Đấy là lý do thâm sâu của các cuộc hội hè đình đám kéo dài: đó là sự tác động của một nền siêu hình trung thực hơn hết, đáng được coi là khôn sáng thông giỏi hơn cả. Vua Hùng Vương chỉ truyền ngôi cho công tử Lang Liêu vì đã biết trình bày việc ăn uống ngày tết như hình trời đất, và dân chúng đã thấu hiểu triết lý đó nên kêu vua là Tiết Liệu: tiếng này vừa có nghĩa món ăn ngày tết, mà cũng hàm ý biết lo liệu đúng tiết điệu của đất, trời, người.

Như thế thì tết hay hội hè đình đám chính là những phút linh thiêng mà con người dùng để sống hòa điệu với nhịp vũ trụ của hóa công được quan niệm như trẻ thơ ca múa “hóa nhi đa hí lộng”, để cho đúng câu “thiên nhân tương dữ” trời người cùng tham dự. Vì thế tết cũng kêu là tiết. Và mỗi tết trở nên cơ hội cho con người sống đời sống của Đại Ngã Tâm Linh, sống hòa mình vào nhịp vũ trụ, để con người sống những giây phút an hành vượt hẳn ra ngoài vòng danh lợi của hai đợt cưỡng hành và lợi hành. Vì chỉ ở đợt an hành con người mới dễ sống thanh thản trong bầu không khí bao la của trời cùng đất.

Đấy là lý do sâu thẳm tại sao tết với những hội hè kèm theo được coi là thiết yếu cho con người để phát triển những khả thể vô biên của mình, là cái giúp con người khỏi thiên lệch sang trời hay đất, tức làm nô lệ cho những cái ngoài mình như tiền tài, quyền quý. Đất biểu thị những gì bé nhỏ chỉ bằng bốn phương, như những nhu cầu ăn uống, đó là lợi hành, hiện ra hình thể và có tính cách như thúc bách, nó trói buộc con người vào vật thể, nên nếu không có những lúc dành riêng để tâm hồn thoát lên thì rồi sẽ bị trói chặt mãi vào đất để cho hạ tầng kinh tế chỉ huy trọn vẹn; kết cục là con ngừơi bị biến thành những dụng cụ sản xuất, những máy tự động vô hồn, không còn nghĩ được tới thượng tầng, đành trở nên những con người què quặt- vì đành mất toàn vẹn tính của mình gồm không những hạ tầng như phải ăn, uống mà còn cả thượng tầng tâm linh, thượng tầng văn hóa.

Vì thế thượng tầng cũng phải tác hành, nhưng đi lối khác hạ tầng kinh tế vì nó là trời tròn đầy viên mãn có thiếu chi đâu mà phải lợi hành, nên có thể an hành tức là hành bằng tiết nhịp: làm không phải để được cái chi mà để phát triển chiều kích vô biên của con người. Triết lý chơi nằm ở chỗ đó, ở chỗ hành không phải để được cái chi cả. Đúng hơn là không nhằm những cái nhỏ bé có thể trở thành mục tiêu, nhưng nhằm thoả mãn chiều kích vô biên của con người, như để con người được tập dượt, vượt lên cõi bao la bên ngoài lợi lộc để phát triển sự toàn vẹn của mình.

Sự toàn vẹn bao gồm cả đức trời cả đức đất. Về phương diện đức đất con người phải lao động sản xuất, phải làm mà ăn. Tục ngữ quen nói “tay có làm thì hàm mới nhai”. Nhưng con người không chỉ có hàm mà còn nhiều cái khác, mà bao la hơn cả là Tâm, là Tình. Tình, tâm phải lớn bằng vũ trụ để trở nên vũ trụ chi tâm. Nói kiểu khác là đức của trời, và tới đây thì phải biết ăn chơi.

Chơi cũng gọi là ăn sao? Thưa rằng tại sao không. Nếu ăn là để nuôi dưỡng xác thân, thì chơi là để nuôi dưỡng cái chiều kích vô biên của con người nghĩa là đức tính không thể đo lường bằng ích dụng, thí dụ những mối tình cao thượng về yêu thương hòa bình quảng đại, những khát mong hướng về chân, thiện, mỹ toàn những đức tính vô hình, nên thường bị coi như vô ích nhưng khi nhìn con người toàn diện thì lại thấy cần biết mấy. Vì thế mà trên đời chưa có cái hữu ích nào đắt bằng những cái “vô ích”: một bức họa thời danh nhỏ có thể trả cả triệu dollars vẫn chưa mua được là vì thế, đúng ra vì nó vô giá. Vô giá vừa có nghĩa là “vô ích” vừa có nghĩa là có giá vô ngần. Đó là bằng chứng bất ngờ nói lên sự cao trọng của những cái vô ích. Vì hữu ích là hạn cục vào một mục tiêu; cây viết có ích để viết thì không có ích vào việc chỉ giờ. Đồng hồ có ích cho việc chỉ giờ thì vô ích cho việc xê dịch… nên mọi sự hữu ích là một hạn cục, không còn mở lối vào cõi vô biên cho nên chơi cần thiết để khỏi biến con người thành một dụng cụ có ích. Cần làm sao cho con người mãi mãi là một thực thể “vô ích” để có khả năng thông đạt với cõi vô biên đã vượt xa khỏi bình diện có ích với không có ích. Triết lý chơi nằm trong đó, nên chơi tuy vô ích mà lại rất phổ biến, ai cũng ham chơi, mà lý tưởng là phải chơi.

Tuy nhiên đặt ra được một triết lý chơi thì thật họa hiếm, nó đòi phải có hai điều: một là phải có triết lý chữ thời biết coi trọng tiết nhịp. Hai là cảnh phong nhiêu phồn thịnh. Trước hết hãy nói về chữ thời mà cụ thể là tiết nhịp. Chơi mà thực đúng tiết thì phải được tổ chức vào những ngày đầu tiết nhịp y như hát múa đều cần có nhịp nên ít ra phải theo được cung đầu và cuối của câu nhạc. Ở những cung giữa có sao nhãng hoặc bớt hay thêm một vài nốt nhạc cũng được, nhưng khi đến đầu nhịp thì mọi tay chơi phải hòa vào để đạt hòa âm. Vì thế mà thời xưa có niềm tin rằng ca vũ là phương tiện để thông giao với quỷ thần.

Đó chẳng qua là niềm tin của thời ma thuật, còn chính ra là để thông giao cùng tiết nhịp trời đất. Đó là ý nghĩa tết. Vì thế Việt nho là miền có lệ ăn tết dài nhất, thì cũng có thể coi là đạo đức nhất, tiến xa nhất trên thang tiến hóa. Đó là điểm một. Điểm hai cũng cần lưu ý đó là có nhiều tết nhất bởi chưng tết là lễ, tức là lúc để dành thời giờ cho việc thích nghi với tiết nhịp = hai chữ nghi lễ là do đấy. Do quan niệm lưỡng thê: một tác hành sản xuất cho thân xác, một an nghỉ cho tâm hồn. Lưỡng nghi là phải thích nghi cả với dưới lẫn với trên mới là triết theo nghĩa đầy đủ. Trong khi lao tác có thể lạc nhịp nên cần phải có tết để cho hợp tiết. Vì thế hai tết to nhất nhằm vào hai mùa Xuân Thu tức hai mùa của con người (trục phân hàng ngang). Còn hai tết thuộc trục chí là hàn thực và lễ lửa thì coi là tuỳ thuộc theo quan niệm nhân chủ đặt nặng trục ngang (xem triết lý cái đình). Thế là xong cái vụ tháng giêng ăn tết ở nhà. Còn tháng hai thì sao? Chữ hai chỉ đất chỉ tiền tài, nên đưa đạo chơi vào cho thấy đừng quá bám vào tiền tài là cái dễ chạy dễ thay chủ. Tuy nhiên vì cờ bạc dễ sa đọa nên xin đổi ra tập nhạc, hoặc học dịch chi đó!

Tháng ba hội hè

Tháng ba ai cũng hiểu là tháng thứ ba sau tháng một và hai mà kỳ thực còn hàm ý vài ba, tức là nền minh triết thâm sâu chỉ con người đại ngã tâm linh gồm ba trời hai đất. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” mà ngọn của tâm là tình. Mà tình mẹ là mối tình bao la nhất trong cõi người ta nên chỉ bằng nguyên lý mẹ, biểu thị bằng các Nghi Mẫu, câu tháng tám giỗ cha tháng ba giỗ mẹ nên được chở theo ý phổ biến này. Như vậy nói tháng ba hội hè là một cách buộc chơi vào với minh triết. Triết lý của chơi nhằm đáp ứng vào hai nhu yếu thâm sâu của con người; một là tiết nhịp như đã bàn trên.

Hai là thỏa thích mọi nhu yếu toàn vẹn là điều cần thiết cho sự triển nở của con người mà sự phát triển các mối tình cao thượng là quan trọng nhất như đã nói trên. Đây là ý nghĩa cao cả, còn hiểu thấp xuống thì là nắp mở an toàn để con người có dịp xổ bớt ga ra do những điểu không thể thoả mãn, cũng như những điều uất ức, trái tai gai mắt, mà không một ai trong đời tránh hết được. Nếu không có dịp cho xổ ra thì những điều đó sẽ lắng xuống tiềm thức, rồi lên men gây nên những bệnh thần kinh đều phát xuất do những mảnh đời sống không được sống, như những uất ức không nói ra, những yêu thương không được giải bày, những khát vọng không được đáp ứng…

Không may đó là điều xảy ra thường xuyên từ hạ tầng đến thượng tầng. Ở hạ tầng cần phải ăn mới sống, thế mà biết bao nhiêu người không đựơc no thỏa là vì thực phẩm cho đến nay nói chung vẫn chưa bao giờ dư dật, nên xảy ra chuyện mạnh lấn yếu; do đó nhiều người bị tước đoạt đến cả miếng ăn. Nhất là khi kẻ mạnh nắm được quyền hành thì thường đặt ra những pháp luật khe khắt để bảo vệ tài sản cũng như quyền hành, do đó sinh ra rất nhiều hạn chế trói buộc không những bên ngoài mà còn nắm lấy bao tử để chen cả vào đời sống tư riêng, kiểm soát cả ý, cả tình, cả chí. Thế là càng nhiều người bị tước đoạt hơn, khi đó nó không những gây nên các loại bệnh thần kinh gieo xao xuyến vào đời tư nhân, mà còn biến thể thành những bệnh khổ dâm, khốn dâm, ưa thích phá hoại gây đau thương cho tha nhân càng khốc thảm càng sướng vì đấy là những tên khốn dâm do bao đời bị đàn áp kết tinh lại, mà không được những cuộc hội hè đình đám xả bớt chất độc đi. Đấy là lý do sâu xa tại sao minh triết lập ra những cuộc lễ lạy hội hè: một trong những mục tiêu thấp nhất là tháo khoán tức cho phép vượt thể lệ thường nhật cả trong việc ăn uống cũng như dục tính. Cho nên bản chất lễ là sự quá cỡ thường với mục tiêu mở nắp an toàn cho các uất ức buồn chán có dịp tiêu tán để bớt đi sức nén. Còn hiểu cao hơn thì hội hè chính là để con người được tham dự vào thời tính cũng gọi là đại thời đại không, tức như vượt mọi ranh giới của luật lệ, giai cấp để ai cũng được ăn uống, nói năng, múa nhảy thỏa thích hầu cho những mối tình khát mong sung túc, dư dật, san sẻ bầu bạn có thêm nội dung cụ thể trung thực. Vì thế hội hè vẫn kéo theo đình đám.

Đình đám nói lên cảnh phong nhiên dư dật. Đó lẽ ra phải là cảnh sống của con người. Không may con người chưa sao tạo được cảnh phong nhiêu thừa thãi đó, thì ít ra lâu lâu phải có những dịp khác thường nới rộng sự ràng buộc hàng ngày để mọi người cũng được tự do hơn. Đó là ý nghĩa của lễ lạy, hội hè, đình đám nó đã xuất hiện trên khắp hoàn cầu ở những thời xa xưa như thí dụ lễ Saturnales được mừng vào cuối năm trong xã hội cổ La Mã. Trong những ngày ấy chủ đi giúp bàn, còn ngồi ăn lại là nô lệ. Hơn nữa một nô lệ còn được chọn làm “vua” trong tuần lễ có quyền sai khiến chủ. Bên Hy Lạp cũng có lễ Hellades, ở đảo Crete gọi là Kronos, Do Thái là Purim, Babylon là Sacees… Tất cả đều nhằm đáp ứng nhu yếu thâm sâu kia và thường được tổ chức vào cuối năm trong những ngày thừa không kể vào tháng nào, nên thuận lợi dùng làm những ngày “tháo khoán”. Đấy là ý nghĩa thâm sâu của lễ lạy, hội hè, đình đám. Tuy nhiên càng về sau thì các lễ càng bị rút nhỏ lại hoặc sa đọa như thí dụ trên: nô lệ được chọn làm vua xong hết tuần lễ thì bị giết.

Triết lý hội hè

Sở dĩ như vậy vì hội hè kéo theo một điều rất khó hiện thực đó là sự phong nhiêu hiểu cả về dưới lẫn trên.

Dưới là sự dư dật tràn trề của ăn cho mọi người. Trên là sự thỏa mãn cho mọi nhu yếu cả ý, tình, chí. Cả hai điều đó đều đòi phải có triết lý nhân sinh. Trước là để thiết lập và duy trì bình sản, để ai ai cũng có đủ tài sản.

Sau là nhìn nhận những thú vui, thỏa thích là điều tốt cho sự phát triển con người toàn diện, mà tình cảm cao thượng, vui sướng quảng đại, bao dung, hỉ xả… là những mạch sống lớn nhất.

Vậy hai điều đó đã không có trong những xã hội theo triết học cơ khí. Mặt ngoài là do sự tuyên dương quyền tư hữu đến độ tuyệt đối đã bóp chết cảnh phong nhiêu không bao giờ lan tỏa ra mọi người, cho nên xã hội dù giàu đến mấy thì tiền cũng chui vào một số rất nhỏ, hoặc vào tay chính quyền chuyên chế thì hầu hết dùng vào việc mở mang quyền lực võ trang chinh phục. Còn đâu nữa cho đại chúng có được cảnh sung túc để mà hội hè đình đám. Mặt trong là thái độ thanh giáo khắc nghị không chấp nhận những vui thỏa bị gọi là của “xác thân” nên cho là xấu xa. Với thứ triết lý đó làm sao mà hội hè còn lý do tồn tại cho được.

Đến đây ta mới hiểu tại sao miền đất Việt Nho đã duy trì được nhiều lễ hội hơn hết cũng như lâu dài hơn hết, là bởi đó là quê hương của bình sản, cũng như triết lý tâm tình được đề cao hết cỡ. Tình trời, tình đất, tình người đều được vun tưới bằng đủ loại nghệ thuật.

Nếu có bao giờ thế giới để ý đến rằng sau phần tư thế kỷ chiến tranh rắc đầy đau thương thế mà cái Tết dài nhất thế giới vào năm 1975 vẫn xuất hiện ở miền Nam Việt Nam! Chứ không có ở đâu hết.

Thế giới càng lạ hơn nữa sau khi biết Tàu, Nhật cũng đã chính thức bãi bỏ tết từ lâu, thế mà tới tận năm 1975 nghĩa là vài tháng trước khi sụp đổ Nam Việt Nam vẫn còn ăn tết to nếu không cả tháng giêng thì cũng phải đến vài ba tuần sửa soạn và một tuần ăn tết. Có điều lần này phải đổi cung cách:

Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng năm sang Mỹ,
Tháng ba luận bàn (bài này được kết vào tháng ba).

Nhiều người nói dân Việt Nam nặng tinh thần nhẹ vật chất. Đó là câu nói trúng, và nếu cần đưa chứng tích thì tết chính là một bằng chứng cụ thể nhất. Mỹ cũng phải chào thua cái tết của Việt Nam; nó uy linh đồ sộ lắm lắm. Vì thế tết còn là lý chứng hùng hồn cho tâm linh sử quan tức không phải chỉ có hạ tầng mới chỉ huy nổi thượng tầng. Vì nếu chỉ có thế thì Việt Nam đã phải bãi bỏ tết từ lâu lắm rồi. Bởi chưng là miền nghèo hay bị loạn lạc.

Thế tại sao ở đây lại còn giữ được tết lâu nhất, thì đó là dấu thượng tầng văn hóa chỉ huy hạ tầng. Và đã như vậy từ lâu lắm như thấy diễn tả trên mặt trống đồng. Trong ấy con người múa nhảy thanh thoát như chim. Muôn vật cũng hòa hợp trong bài ca vũ trụ. Nói vũ trụ vì gồm trời đại diện cho mặt trời, và đất biểu thị bằng những vòng vũ tả nhậm. Tất cả xuất hiện thanh thản an nhiên y như chim. Chim đủ loại: Lạc, Hạc, Vũ, Hồng, Địch. Cái chi cũng chim cả đến thuyền cũng cong lên như chim. Chày giã gạo cũng được trang bị lông chim để nói lên một cảnh tiêu dao siêu thoát khiến người xem vào cũng muốn bay bổng lên cùng. Sao mà an nhiên tự tại như cảnh địa đường vậy chứ! Có phải tại Việt Nam giàu nhất chăng? Đâu có, nghèo hơn Mỹ ít nhất 50 lần. Vậy mà tại sao Mỹ không có nổi được một cái tết dài. Tại sao bên các xã hội giàu mạnh hơn, tết lại teo đi theo độ giàu thịnh.

Đây là câu hỏi rất đáng cho chúng ta suy nghĩ bởi vì hậu quả sẽ là tìm ra bí quyết sống thanh thoát như chim; làm ít ca hát nhiều, bay nhảy suốt đời. Còn ngược lại sẽ sống như đoàn kiến lật quật cả ngày, khuân vác liên tục không có lấy một chút thì giờ ngửa mặt lên kiểu nông nghiệp của tổ tiên ta:

Người ta đi cấy lấy công,
Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời trông nước trông mây.

Không chỉ biết có lợi bằng lấy công mà còn an hành biểu thị bằng trông trời trông nước! Có vậy lòng mới mở ra man mác như vũ trụ. Có vậy mới đủ sức kiến tạo được một triết lý an hành với một nhịp làm rồi một nhịp chơi xen kẽ, và duy trì được như thế trải qua muôn thế hệ. Đâu là bí quyết của sự vụ? Đã biết điều kiện vật chất của tết nhất hội hè là sự dư dật thừa thãi. Tại sao Việt Nam không có thừa của mà còn giữ được tết nhất lâu dài như vậy? Câu thưa tiên thiên nằm trong thành ngữ “vài ba” mà ý nghĩa là đặt tinh thần trên vật chất. Nếu ta mở sách năm châu kim cổ thì chẳng thiếu những câu nói như thế (tinh thần hơn vật chất) chứ chẳng riêng gì Việt Nam, nhưng có một điều lạ là tuy lời nói đặt tinh thần trên vật chất, mà trong cơ chế thì rõ rệt là để hạ tầng cơ sở chỉ huy thượng tầng. Cho nên lại phải tìm tòi hơn nữa.

Lúc ấy chúng ta sẽ thấy một sự khác biệt biểu lộ bằng chữ trống: tâm hồn có trống rỗng thì chiều kích vô biên mới được nuôi dưỡng, và đó là phương thức đáp ứng một nhu yếu thâm sâu của con người đó là sự đói khát vô biên. Phải nói ngay đây chính là nền tảng làm cho con người cao cả hơn con vật. Con vật chỉ ăn những vật hữu hạn. Con người không thế, ngoài của ăn hữu hạn còn cần của ăn vô hạn, chứng tỏ nó có một chiều kích vô biên cần được nuôi dưỡng. Chính chiều kích đó làm cho con người khác thú vật, ở chỗ muốn vựơt xa khỏi hữu hình mà bao lâu chưa vượt đựơc thì con người vẫn chưa mãn nguyện, vì thế cứ phải tìm thêm hoài, tích luỹ thêm mãi và đó là lý do của sự đói vô biên nhưng đã đọa ra lòng tham vô đáy. Làm thế nào để thỏa mãn lòng tham vô đáy nọ. Thưa như đã nói chỉ có con đường duy nhất là trống rỗng, là vô thanh vô xú… Nhưng cho tới nay con người đều đi lối bít kín, đi lối chắc nịch, đi lối có, mà đã có thì đối tượng phải ở bên ngoài con người mất rồi và vì vậy không còn là vô biên, không thể làm no lòng khát vô biên của con người. Thế là đói bên trong, đói vô biên, mà lại tìm chất nuôi bên ngoài, chất nuôi hữu hạn, khác nhau chỗ đó. Chính vì vậy mà không bao giờ đạt được đức quả dục mà khẩu hiệu của nó là câu nói trong Đạo Đức kinh:

Tri túc tiện thị túc,
Tri nhàn tiện thị nhàn.
Biết đủ tức thì có đủ,
Biến nhàn tức thì có nhàn.

Có biết đủ thì mới bỏ thời giờ ra mà ăn tết, mà hội hè, mà hưởng nhàn. Có biết đủ thì những người giàu mới sẵn sàng bỏ tiền ra tổ chức đình đám cho mọi người cùng hưởng. Đó là về tư nhân.

Về phía chính quyền có tri túc thì mới có đủ can đảm hiện thực chế độ quân phân tài sản, để đáp ứng nhu yếu đầu tiên của mọi người là ăn. Tết nhất hội hè chỉ có chỗ đứng nơi nào con nguời có đủ ăn, dư ăn. Bí quyết của Việt Nam nằm chỗ đó. Tuy ít nhưng có theo chính sách chia đều. Tuy trong thực tế còn rất xa lý tưởng, nhưng dù vậy đã có được nền tảng cho sự dư dật đồng đều tức cũng là có nền cho hội hè đình đám. Vậy nên sự có hội hè đình đám chứng tỏ triết lý Việt nho đã đi đúng hướng tâm linh, nên làm no thỏa được “nhân đức vô nhai” rồi. Con đường ấy tóm vào “ba hồi trống” bao giờ cũng được đánh lên để khai mạc mỗi cuộc hội hè đình đám.

Tóm lại, muốn có hội hè đình đám thì phải có quân phân, muốn có quân phân thì phải có triết lý an vi. Con người không những có cưỡng hành, lợi hành, mà còn cần an hành. Mà muốn như vậy thì phải biết cách lấp được lòng tham vô đáy. Nhưng cho tới nay người ta không lấp được: tư bản hay cộng sản cũng thế. Cả hai đi theo nguyên lý đồng nhất nên dùng A lấp A. Tham của thì dùng của mà lấp. Nhưng của nó có hạn mà lòng tham vô đáy lấp sao nổi. Thế là từ đấy mọi người trong nước đều phải làm hùng hục để tích luỹ, không còn thì giờ để nghỉ ngơi, hay nếu có nghỉ thì chỉ là để lấy sức đặng lao động tốt nữa, chứ làm sao có được những chiều kích siêu việt của tết nhất hội hè. Làm sao có được như thế với cái triết lý lao động hiện đại nặc mùi xú khí của lao ngục, lao tù, lao đao, lao khổ, lao phổi, lao tim!

Với bi trạng lao tác kiểu đó thì đời con người với kiếp trâu ngựa có còn khác chi, thua hẳn loài chi, cả đời bay nhảy múa hát. Ngược lại, nhờ có triết lý an vi đã xuất hiện ra với muôn tiếng chim hát đón chào mà tiên tổ Việt tộc đã có thể sống an nhiên thanh thoát như được ghi lại trên mặt trống đồng Ngọc Lữ ca vũ ngút ngàn.

KIM ĐỊNH
( Sách:Hồn Nước với Lễ Gia Tiên )

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm