…..

Carl Gustav JUNG

 THĂM DÒ TIỀM THỨC

 Essai d’exploration de l’inconscient

 Dịch Giả: Vũ Đình Lưu

 CHƯƠNG 7

LINH HỒN LOÀI NGƯỜI

________

…..

Cái mà tôi gọi là “cái tâm con người văn minh” (la conscience de l’homme civilisé) không ngừng lìa xa những bản năng chính yếu. Nhưng những bản năng ấy không phải vì thế mà biến mất. Bản năng chỉ mất liên lạc với ý thức cho nên nó phải tự xác định sự hiện hữu của nó một cách gián tiếp. Nó có thể bộc lộ qua những triệu chứng sinh lý, trong trường hợp suy nhược thần kinh, hay có thể bộc lộ qua những điệu bộ gắt gỏng không thể cắt nghĩa được, những lúc bất thần quên mất điều muốn nói, vật muốn tìm, những câu nói lỡ lời. Người ta vẫn thích cho rằng mình làm chủ được linh hồn của mình. Nhưng nếu còn không tự chủ được sự nóng giận và sự xúc động hay không biết rằng yếu tố phi ý thức vẫn có nhiều cách để xen vào dự định của họ, thì hẳn là họ chưa làm chủ được mình. Chính những siêu tượng vẫn sống độc lập trong ta đã sinh ra những yếu tố phi ý thức ấy. Con người ngày nay muốn giấu giếm sự chia sẻ bản năng với tâm thức bằng cách ngăn cách hai thành phần đó. Những khía cạnh của cuộc sống bên ngoài xếp riêng ra một ngăn, những khía cạnh của tính tình họ xếp riêng ngăn khác, không bao giờ để cho hai phần đó được đối chứng với nhau.

Để nêu ra một thí dụ về cái “tâm lý ngăn cách” ấy tôi xin kể chuyện sau đây: một người nghiện rượu dự vào một phong trào tôn giáo. Y được các tín đồ lôi cuốn nên quên được thói uống rượu. Người ta cho rằng y đã được Chúa làm phép chữa khỏi thói nghiện ngập và giới thiệu y với công chúng như một bằng chứng của ân xưng Thượng đế, của sự hiệu lực của tổ chức tôn giáo. Nhưng sau vài tuần lễ công khai thú nhận như thế, sự mới lạ ấy không còn gì hấp dẫn nữa, y lại nghĩ rằng uống lại một vài ly rượu mạnh cũng không có hại gì. Thế là y trở lại uống rượu. Nhưng lần này thì tổ chức “làm việc thiện” kết luận người này là một trường hợp “bệnh” và không thuận tiện để trời can thiệp. Rồi họ đưa anh chàng vào bệnh viện để thầy thuốc làm được việc hơn thầy lang trên Thiên đình.

Đó là một cạnh khía của tâm hồn con người “trí thức” ngày nay đáng để ta suy ngẫm vì nó biểu lộ sự gián đoạn và sự xáo trộn tâm lý đến độ đáng lo ngại.

Nếu chúng ta tạm coi nhân loại là một người, chúng ta sẽ thấy loài người như một người bị lôi cuốn bởi những mãnh lực ở ngoài tầm ý thức của họ. Loài người cũng vậy, loài người thích xếp một số vấn đề của họ vào những ngăn kéo riêng biệt. Đó chính là lý do làm ta phải hết sức thận trọng với những việc ta đang làm, bởi vì ngày nay nhân loại đang bị đe dọa bởi những sự nguy hiểm chính họ tạo ra mà càng ngày họ càng không kiểm soát được.

Có thể nói rằng thế giới của chúng ta bị ngăn cách như tâm thần một người suy nhược thần kinh, bức màn sắt tượng trưng cho đường ranh. Người Tây phương biết rõ cái “ý chí cương cường” ghê gớm của các nước theo xã hội chủ nghĩa nên buộc lòng phải dùng những phương pháp tự vệ rất kỳ dị. Nhưng đồng thời họ cũng tự khoe cái đức của mình, cái thiện ý của mình. Cái họ không nhìn thấy là những tật xấu của họ trên trường bang quốc tế, được họ đem giấu dưới cái mặt nạ nền nếp thanh nhã; phe cộng sản không nề hà gì ném trả vào mặt họ những cái xấu xa ấy. Tây phương vẫn tha thứ một cách kín đáo và hơi e thẹn cho sự dối trá nên trường ngoại giao, sự lừa đảo cố ý, sự đe dọa có che đậy, ngày nay phe cộng sản công nhiên đem những món ấy đối xử với họ thật hậu hĩ, tạo ra cho ta những cái “nút” suy nhược thần kinh. Đó là bộ mặt nhăn nhó của “cái bóng” xấu xa của mình mà người Tây phương trông thấy đang cau có ở bên kia bức màn sắt.

Tình trạng ấy giải thích được cảm tưởng bất lực đang hành hạ biết bao người trong xã hội Tây phương. Họ bắt đầu hiểu rằng những khó khăn của họ nguyên do bởi những vấn đề nội tâm mà ra; đối phó lại bằng cách sản xuất nhiều vũ khí nguyên tử hay thi đua kinh tế không có mấy hiệu lực, bởi vì đó là những phương tiện giống như con dao hai lưỡi. Ngày nay, trong chúng ta có nhiều người hiểu rằng liều thuốc tinh thần sẽ có hiệu quả hơn vì nó có thể tạo ra tình trạng bất khả xâm phạm về tâm thần để tránh khỏi sự nhiễm độc mỗi ngày một trầm trọng thêm.

Tất cả những gì người ta đã làm đến ngày nay có rất ít kết quả, tình trạng sẽ như thế mãi mãi nếu ta không làm hơn để cố gắng hiểu rằng kẻ khác đã phản chiếu cạnh khía tối tăm sa đọa của bản chất ta. Nếu chúng ta có thể thấy rõ cạnh khía sa đọa tối tăm ấy chúng ta sẽ khỏi nhiễm độc tinh thần. Trong tình trạng ngày nay, chúng ta mở cửa cho sự nhiễm độc bởi vì thực ra chúng ta cũng làm y như họ. Nhưng chúng ta còn thêm bất lợi vì không muốn thấy, không muốn hiểu ý nghĩa bất chính của việc làm dưới bề ngoài lương thiện.

Thế giới cộng sản có một thần tượng vĩ đại (chúng ta gọi là ảo tưởng, với hy vọng tiêu hủy được nó bằng khả năng suy xét cao minh của ta). Thần tượng đó là giấc mộng về một thời đại Hoàng kim (hay Thiên đàng), thần thánh hóa bởi niềm hy vọng muôn thuở; ai nấy đều dư dật, một lãnh tụ cao minh và công bằng ngự trị trên một bầy con nít. Siêu tượng mãnh liệt ấy ám ảnh thế giới cộng sản dưới hình thức ngây ngô nhất, nhưng nó không thể tiêu tan được nếu chúng ta còn đem lập trường cao minh của chúng ta ra chống đối họ. Chúng ta cũng vậy, cái ngây ngô của chúng ta thuận lợi cho họ, bởi vì văn minh Tây phương cũng bị chi phối bởi hình thức khác của thần thoại ấy. Chúng ta cũng có những thành kiến, những hy vọng, những đợi chờ như thế mà ta không ngờ. Chúng ta cũng tin tưởng Quốc gia Thiên hựu, hòa bình thế giới, sự bình đẳng cho mọi người, những quyền lợi vĩnh cửu, sự công bằng, chân lý và Thiên đàng ở Trần gian.

Sự thật đáng buồn là đời sống thực tế của người đời là một tập hợp những mâu thuẫn: ngày và đêm, sinh và tử, sướng và khổ, thiện và ác.

Chúng ta cũng không biết chắc có khi nào một yếu tố thắng được yếu tố tương nghịch với nó, thiện thắng ác, vui sướng thắng buồn khổ: Cuộc đời là một bãi chiến trường. Ngày xưa đã thế, ngày nay cũng vẫn thế. Nếu không như thế thì cuộc đời ngưng lại.

Chính vì sự xung đột trong nội tâm con người mà những người Công giáo trước hết ước mong chóng diệt thế, người Phật giáo muốn diệt dục, diệt hết mọi tưởng vọng thế phàm. Những câu trả lời chính yếu như vậy chỉ là một cách tự vẫn nếu không kèm theo những tư tưởng và hành động đạo đức, nếu không kèm theo tinh thần riêng biệt tượng trưng cho thực chất của hai tôn giáo ấy để cải biến phần nào thái độ hoàn toàn từ khước cuộc sống.

Tôi xin nhấn mạnh điểm này vì ở thời đại chúng ta, hàng triệu người không tin tưởng một tôn giáo nào cả. Họ cũng không hiểu tôn giáo của họ. Nếu mọi việc đều trôi chảy không cần tôn giáo, họ không thấy ảnh hưởng gì nhưng gặp sự đau khổ bấy giờ mới sinh tai biến. Người ta bắt đầu tìm một lối thoát, suy ngẫm về ý nghĩa cuộc đời, về những kinh nghiệm đau thương đã từng trải qua.

Theo kinh nghiệm của tôi, tôi thấy khách hàng của một y sĩ phân tâm học thường thường là người Do Thái và người Tân giáo nhiều hơn người Công giáo. Sự kiện đó rất ý nghĩa. Dĩ nhiên phải như vậy vì Giáo hội Công giáo vẫn còn chú trọng đến cura animarum, (chăm sóc linh hồn). Nhưng ở thời đại khoa học này có khi người ta còn hỏi ông thầy những câu ngày trước thuộc thẩm quyền của các nhà thần học. Người ta có cảm tưởng rằng cuộc đời sẽ khác hẳn nếu họ có thể tin tưởng thực sự là cuộc đời có một ý nghĩa tin tưởng Thượng đế và đời sống vĩnh viễn cho kiếp sau. Quái tượng hãi hùng về cái chết gần kề thường gợi ra những tư tưởng như thế. Từ thuở ban sơ người ta đã biết luận về một Đấng Tối cao (một hay nhiều) và một thế giới bên kia. Chỉ có ngày nay người ta mới tưởng rằng mình có thể tự miễn những ý tưởng ấy.

Người ta cho rằng những ý tưởng ấy không đúng chỉ vì chúng ta không thể tìm thấy ngai vàng Thượng đế bằng một cái vô tuyến viễn kính hay biết chắc rằng cha mẹ thân yêu của mình còn sống ở thế giới bên kia. Tôi thì tôi cho rằng những ý tưởng đó không đủ xác thực, bởi vì nó thuộc về những tin tưởng của loài người từ thời tiền sử và tái hiện trong tâm tưởng ta chỉ nhân một kích động nhỏ.

Con người ngày nay có thể xác định là mình không cần những sự kiện đó và viện lẽ rằng không có bằng chứng khoa học. Vào lúc khác họ lại phàn nàn rằng mình mất tin tưởng: Thượng đế ở trên khả năng hiểu biết của con người, không có gì minh chứng sự sống bất diệt ở thế giới bên kia; đã là sự kiện bất khả tri giác, bất khả tri luận thì việc gì mà bận tâm tìm bằng chứng? Dù rằng với lý trí ta không nhận thấy đồ ăn của ta cần muối làm đồ ăn. Mặc dù người ta cãi rằng dùng muối chỉ là thói quen ăn thấy ngon miệng hay chỉ là một sự tin tưởng hão huyền, nhưng muối vẫn giúp cho chúng ta được khỏe mạnh. Tại sao chúng ta lại cấm đoán những tin tưởng nâng đỡ chúng ta trong những lúc tâm thần khủng hoảng và đem lại ý nghĩa cho đời sống? Và ta căn cứ vào đâu mà bảo rằng những tin tưởng ấy không đúng? Chắc có nhiều người tán thưởng tôi nếu tôi không nghĩ đến lời tuyên bố không chút ngần ngại rằng những ý tưởng ấy chỉ là những ảo tưởng. Điều mà họ không nghĩ đến là lời tuyên bố như thế cũng không thể chứng minh được như lời tuyên bố trái ngược hẳn. Chúng ta hoàn toàn tự do để lựa chọn quan điểm của mình: dù sao thì sự quyết định của ta cũng võ đoán.

Tuy nhiên, có một lý do chỉ căn cứ vào kinh nghiệm nhưng rất quan trọng khiến cho chúng ta chấp nhận những ý tưởng không thể chứng minh được. Đó là phương diện hữu ích của những ý tưởng ấy, con người cần có những ý niệm đại quát và những tin tưởng để thấy cuộc đời có ý nghĩa và để tìm chỗ đứng trong vũ trụ. Họ có thể chịu đựng cuộc thử thách kinh khủng nếu họ nghĩ rằng việc làm của họ có ý nghĩa. Nhưng họ ngã lòng nếu đã đau khổ lại còn nghe theo lời nói của một thằng xuẩn ngốc.

Vai trò của biểu tượng tôn giáo là đem lại ý nghĩa cho kiếp sống. Người Da đỏ Pueblos tưởng mình là con Mặt trời, sự tin tưởng ấy đem lại cho đời sống họ một chiều hướng (và một mục đích) vượt lên trên cuộc sống hữu hạn rất xa. Cá nhân họ tìm được chỗ nảy nở và họ có thể đạt tới mức độ sung mãn đời sống của con người văn minh chúng ta, những con người mà đời sống không có ý nghĩa tâm linh, biết rằng mình không bằng con số không (và sẽ còn như thế).

Chính vì con người cảm thấy đời sống của mình có ý nghĩa rộng hơn sự sinh hoạt hằng ngày cho nên họ có thể vượt lên trên cuộc sinh hoạt, biến mình thành cái máy kiếm tiền và tiêu tiền. Nếu cảm giác ấy khiến họ khiếm khuyết, họ sẽ thấy mình khổ sở, đọa lạc. Nếu Thánh Paul tin chắc mình chỉ là anh thợ dệt rong không có gì hơn, hẳn là ông không thể có địa vị như thế. Đời sống chân thực của ông, đời sống có ý nghĩa của ông đặt trên sự tin tưởng mình là thông sứ của Đấng Tối Cao. Người ta có thể cho ông là tự cao tự đại, nhưng điều ấy có giá trị gì trước Lịch sử và sự phê phán của thế hệ sau. Thần tượng ngự trị trên đời ông đã làm cho ông có cái gì hơn một người thợ dệt nhiều.

Tuy nhiên một thần tượng xây dựng trên những biểu tượng như thế không phải do tâm thức người ta tạo ra. Nó xảy ra cũng như một biến cố. Không phải con người Jesus tạo ra huyền tượng người-trời. Huyền tượng ấy có từ trước khi ngài sinh ra hàng mấy thế kỷ. Chính ngài đã bị huyền tượng ấy chiếm cứ, như Thánh Marc từng nói với chúng ta, nó đưa ngài lên trên cuộc sống co hẹp của một người thợ dệt ở Nazareth.

Huyền tượng có nguồn gốc xa xôi, từ thuở có những người thái cổ biết kể chuyện, họ kể lại giấc mơ của họ và trí tưởng tượng của họ có mãnh lực gây xúc động sâu xa cho người nghe. Những người kể chuyện ấy không khác nào những người sau này người ta gọi là thi sĩ hay triết gia. Người kể chuyện thời thái cổ không tìm hiểu nguồn gốc truyện tưởng tượng của mình. Mãi về sau này người ta mới bắt đầu tự hỏi truyện kể đã bắt nguồn từ đâu. Nhưng trong cái xứ mà bây giờ chúng ta gọi là Cổ Hy Lạp, đã có những khối óc khá thông minh để cho rằng những truyện thiên thần chỉ là một cách phóng đại đời sống thực sự của vua chúa và lãnh tụ đã chết chôn dưới đất và truyền lại theo một tục lệ còn cổ sơ. Ở thời ấy người ta đã hiểu rằng huyền tượng xa sự thực quá, không thể hiểu theo ý nghĩa bề ngoài. Họ bèn có ý diễn lại thành hình thức khả dĩ hơn để cho mọi người đều hiểu được. Đến một thời kỳ gần đây chúng ta lại thấy người ta làm như vậy đối với những biểu tượng của giấc mơ. Bấy giờ khoa tâm lý học đang còn ở thời kỳ phôi thai, nhưng người ta đã nhận thấy giấc mơ có tầm quan trọng. Nhưng cũng như người Hy Lạp đã tin rằng huyền tượng của họ chỉ là sự bóp méo lịch sử (quan trọng một cách “bình thường”, hợp lý), một vài người đi tiên phong về tâm lý học đã kết luận rằng ý nghĩa của giấc mơ không phải ý nghĩa bền ngoài nó cho ta thấy. Hình ảnh và biểu tượng trong giấc mơ chỉ được coi là những hình thức kỳ dị của tâm tình dồn nén hiện ra trong tâm thức. Vậy là người ta nhất định cho rằng giấc mơ có ý nghĩa khác hẳn nội dung bề ngoài của nó.

Tôi đã nói ở trên rằng tôi phải gạt bỏ ý kiến ấy và tôi trở lại nghiên cứu cả hình thức lẫn nội dung của giấc mơ. Tại sao giấc mơ lại phải có ý nghĩa gì khác các nội dung của nó? Trong thiên nhiên có cái gì lại không phải là chính nó chăng? Giấc mơ là một hiện tượng bình thường và tự nhiên. Sách Talmud (1) còn nói rằng: “Giấc mơ chính là sự giải thích của nó.” Sở dĩ có sự lẫn lộn vì nội dung của giấc mơ chỉ là những biểu tượng, như vậy có rất nhiều nghĩa. Nhưng biểu tượng chỉ dẫn cho ta những ngõ ngách khác hẳn những ngõ ngách của tâm thức vẫn thường dùng, nó bảo ta phải chú trọng vào những gì thuộc về tiềm thức của ta hay ta không ý thức được hẳn.

Đối với người có óc khoa học, những hiện tượng như ý nghĩa biểu tượng làm vướng víu vì họ không thể trình bày chúng sao cho thỏa mãm lý trí và lý luận của ta được. Nhưng chúng không phải là vấn đề duy nhất của nhà tâm lý học. Sự khó khăn đã bắt đầu có từ những hiện tượng xúc động mà nhà tâm lý học không thể cố gắng cách nào để định nghĩa dứt khoát. Trong cả hai trường hợp trên đây thì nguồn gốc sự khó khăn đều là sự tham gia của tiềm thức.

Tôi biết rõ quan điểm của người có óc khoa học nên tôi hiểu rằng thật là khổ tâm khi phải khảo sát những điều mình không nắm chắc được hay không ý niệm được hẳn hoi. Trong trường hợp này, người ta bực mình vì sự việc rành rành ra đó mà không thể trình bày cho ra vẻ “trí thức”. Muốn trình bày, phải hiểu rõ đời sống con người, vì đời sống tạo ra những xúc động và những biểu tượng.

Nhà tâm lý học cổ điển được tự do để từ chối không kể đến hiện tượng xúc động hay ý niệm về tiềm thức. Tuy thế nhưng vẫn có những điều mà thầy thuốc trị bệnh bắt buộc mình phải chú ý đến. Bởi vì những xung đột tâm tính và sự can thiệp của tiềm thức là những sự kiện họ luôn luôn phải kể đến trong sự tìm tòi khoa học. Khi chữa cho một người bệnh, họ gặp những hiện tượng phi lý như thế, nó không chịu để cho người ta phân tích, nó không để ý đến khả năng của người ta có thể trình bày cho có nghĩa lý hay không. Như vậy ta không lạ gì rằng những người không có chút kinh nghiệm trị bệnh nào khó lòng mà hiểu được chút gì khi tâm lý học liên hệ trực tiếp đến những việc phiền toái của cuộc sống thực sự. Tập bắn bia không có gì đáng ví với cuộc pháo kích nơi chiến trường; thầy thuốc phải đối phó với những tai họa của cuộc chiến tranh thực sự. Ông phải đối phó với những sự thực tâm thần dù rằng ông không thể nhập chúng vào một định nghĩa khoa học. Bởi vậy cho nên không có giáo trình nào có thể dạy cho ta tâm lý học. Người ta chỉ có thể dạy nó cho ta bằng kinh nghiệm cụ thể. Chúng ta có thể hiểu rõ điều đó khi suy xét một vài biểu tượng rất quen thuộc.

Thí dụ biểu tượng thập tự của Ky Tô giáo có rất nhiều ý nghĩa, nhiều khía cạnh gợi lên nhiều cảm xúc; nhưng một thập tự ở sau một tên người chỉ có nghĩa là người ấy đã chết. Cái dương vật là một biểu tượng phổ biến trong tôn giáo Ấn Độ, nhưng một đứa trẻ vẽ nó lên tường, thì đó chỉ là nó chú ý đến bộ phận sinh dục của nó. Những ám ảnh lúc tuổi thơ và lúc thiếu thời thường vẫn còn ám ảnh mãi người ta khi lớn tuổi, vì vậy nhiều giấc mơ đương nhiên ám chỉ tình dục. Nếu không hiểu như thế thì thật là phi lý. Nhưng khi một người thợ điện nói đến cắm phích điện (tượng trưng cho bộ phận sinh dục đực) vào lỗ cung cấp điện (tượng trưng cho bộ sinh dục cái) ta không thể điên rồ mà bảo rằng người ấy hành động dưới sự ám ảnh lúc thiếu thời. Anh ta chỉ dùng những danh từ nghề nghiệp một cách lý thú, ý vị mà thôi. Khi một người Ấn Độ có tri thức nói đến Lingam(dương vật tượng trưng cho thần Siva trong thần thoại Ấn Độ) chúng ta hiểu rằng họ gợi đến những điều mà chúng ta không bao giờ thấy ăn nhập gì với cái dương vật. Cái Lingam hẳn là không phải một ngụ ý bỉ ổi, cũng như chữ thập không phải chỉ là dấu hiệu chỉ một người đã chết. Tùy theo trình độ hiểu biết của người nằm mơ mà hình ảnh như thế có ý nghĩa khác nhau.

Sự giải thích các giấc mơ và các biểu trưng đòi hỏi phải có trí tuệ. Ta không thể biến đổi sự giải thích ấy thành hệ thống máy móc để sau đó có thể nhồi nhét vào đầu những cá nhân thiếu trí tưởng tượng. Sự giải thích ấy vừa đòi hỏi một sự hiểu biết tăng dần về cá tính của người nằm mơ, và, để giải thích cá tính ấy, vừa cần tăng cường một ý thức về cá tính riêng của chính người giải thích. Không một thầy thuốc từng trải nào lại nghi ngờ rằng có những quy tắc dựa vào kinh nghiệm có thể tỏ ra đắc dụng, và đồng thời phải áp dụng chúng với sự thận trọng và trí tuệ. Ta có thể tuân theo tất cả các quy tắc đúng theo lý thuyết, tuy nhiên ta có thể bị sa lầy vào những sự phi lý kinh hoàng nhất, đơn giản vì đã bỏ qua một chi tiết tưởng là vô nghĩa trong khi một trí tuệ nhay bén hơn sẽ nắm bắt được tầm quan trọng của nó. Thường thì ngay đến một con người rất thông minh cũng có thể bị lầm lạc trầm trọng bởi sự thiếu trực giác hoặc tính nhạy cảm.

Mỗi khi tìm cách hiểu những biểu trưng thì lúc nào ta cũng phải làm việc không chỉ với bản thân biểu trưng, mà còn với toàn thể con người đã sản sinh ra những biểu trưng ấy. Điều đó bao hàm rằng ta khám phá thế giới văn hóa của người ấy, và khi làm như thế, ta lấp thật đầy những lỗ hổng trong sự giáo dục của chính ta. Tôi đã tạo ra một quy tắc là: xem mỗi trường hợp như một vấn đề không có tiền lệ mà tôi hoàn toàn không biết gì về nó cả. Thói quen có thể tiện lợi và hữu dụng chừng nào ta còn dừng lại ở bề mặt của sự vật, nhưng ngay khi ta đụng tới những vấn đề quan trọng thì chính cuộc sống lại dẫn trò, còn những tiền giả định bóng bẩy mang tính lý thuyết thì chỉ là những ngôn từ vô hiệu.

Trí tưởng tượng và trực cảm là cần thiết cho khả năng lĩnh hội của chúng ta. Mặc dù theo ý kiến thông thường, chúng chủ yếu quý giá đối với thi sĩ và nghệ sĩ (còn trong những công việc dựa trên lý tính thì không nên quá tin vào chúng), nhưng những phẩm chất ấy, trong thực tế, cũng rất cần thiết cho những cấp độ cao siêu của khoa học. Ở đó, chúng giữ vai trò ngày càng quan trọng bổ sung cho vai trò của trí tuệ “thuộc lý tính” và của việc ứng dụng trí tuệ vào một vấn đề đặc thù. Ngay cả môn vật lý, khoa học chính xác nhất trong những khoa học ứng dụng, cũng phụ thuộc vào một điểm bất ngờ của trực giác vốn được cái vô thức khởi động (mặc dù sau đó, có thể việc khôi phục tiến trình logic cũng dẫn đến cùng một kết quả giống như trực giác).

Trực giác gần như là cốt yếu trong việc cắt nghĩa những biểu trưng và, nhờ nó ta thường có thể đạt tới chỗ hiểu ngay lập tức về người nằm mơ. Nhưng nếu thần cảm tốt lành ấy có thể có sức thuyết phục một cách chủ quan, thì nó cũng có thể là nguy hiểm. Nó dễ có nguy cơ dẫn tới một cảm giác yên tâm đầy ảo tưởng. Chẳng hạn, nó có thể xui khiến nhà phân tích và người nằm mơ kéo dài tiến trình dễ chịu và dễ dàng của những mối liên hệ giữa họ cho đến khi nhấn chìm cả người này lẫn người kia vào một cơn mơ tập thể. Cơ sở chắc chắn của một hiểu biết trí tuệ thực sự và một sự lĩnh hội đích thực về tinh thần sẽ mất đi nếu ta bằng lòng với sự thỏa mãn mơ hồ rằng ta đã hiểu “thần cảm”. Ta chỉ có thể giải thích và nhận biết một khi ta đã quy những trực giác thành một sự hiểu biết chính xác về những sự kiện và về những mối liên hệ logic của chúng.

Một nhà nghiên cứu lương thiện công nhận rằng một sự quy giản như vậy không phải lúc nào cũng làm được, nhưng sẽ là không lương thiện nếu không luôn luôn bảo vệ sự cần thiết lý trí. Ngay cả một nhà bác học thì cũng là một con người. Vậy nên tất nhiên là, như bao nhiêu người khác, ông ta không ưa cái mà ông ta không thể giải thích được. Sẽ là một ảo tưởng chung khi tin rằng điều chúng ta nhận biết được hôm nay nói lên tất cả những gì ta ắt có thể nhận biết được vào một lúc nào đó. Chẳng có gì dễ bị tổn thương hơn một lý thuyết khoa học, bởi vì nó chỉ là một nỗ lực nhất thời nhằm giải thích những sự kiện, chứ không phải là một chân lý vĩnh cửu tự thân.

________

(1) Chép kinh điển của người Do Thái

Hết: Linh Hồn Loài Người Xem Tiếp: Vai Trò Của Biểu Tượng

….

.

Tìm Kiếm