THẮP ĐUỐC UYÊN TÂM ĐI TÌM HỒN ỐC
Thư Hương
…..
Theo Uyên Tâm thì Tiềm Thức là cõi mênh mông bao gồm rất nhiều chất liệu tâm thức của biết bao đời xưa chồng chất lại, nên có kinh nghiệm dài hơn cá nhân cũng như mãnh lực hơn sức cá nhân, nên thường tác động bên ngoài ý thức và ý muốn cá nhân, gọi được là Uy Linh (majestueux et puissant) có thể lẫn với cõi thần linh của tôn giáo. Bởi thế những Sơ Nguyên Tượng (archétypes) làm nên cơ cấu tâm thức để hướng dẫn tác động của bản năng: nó cùng một đợt với bản năng, khác chăng là bản năng thuộc bình diện sinh lý còn sơ nguyên tượng thuộc bình diện tâm thức: nó là một thứ ý tưởng trong cõi bản năng. Như thế chúng là những dạng thức, những ảnh hình hướng dẫn bản năng tác động. Bản năng bắt đầu tác động khi khởi lên trong tâm thức hình ảnh sơ nguyên tượng ám hợp cho tác động đó, rồi hình ảnh này lại trở nên động lực cho những động ứng khác của tác nhân.
Những sơ nguyên tượng hiện diện ngay từ buổi đầu tiên của đời sống và sẽ trì tồn mãi y như những bản năng, nên chính sơ nguyên tượng mới làm nên những Cơ Cấu của Tâm Thức, đó là phần Vô Thức nên cũng là nền tảng, vì vô thức có tính chất sinh động mạnh mẽ hơn hẳn ý thức. Vì thế đó là phần quan trọng cho sức khỏe cả thể xác lẫn tâm thần. Khi cơ cấu tiềm thức một người không ổn định thì sinh bệnh thống kinh có thể đến điên loạn, cần có y sĩ tâm phân giúp chữa trị. Nói về một dân tộc cũng như một cá nhân, một dân lâm nạn phân hóa thì là dấu cơ cấu sơ nguyên tượng của nó đã trật đường rầy. Cần phải làm một cuộc phân tích tỉ mỉ, để tìm ra đâu là những sơ nguyên tượng của dân tộc, đâu là chỗ trật đường rầy, để chỉ ra bài thuốc ứng hợp.
Những dân tộc giàu sức sống cũng là những dân có nền văn hóa ứng hợp với các sơ nguyên tượng của mình. Ngày xưa nhờ những hiền triết có khả năng thấu thị chỉ ra rồi mọi người tuân theo. Nhưng đến nay những lời giáo huấn đó không còn giàu sức kích động tâm trạng người mới nên hết xài. Cần một phương thế khác có lý giải và đó là khoa uyên tâm. Một trong những phương tiện của khoa này là nghiên cứu và đối chiếu thần thoại và biểu tượng của các dân, vì đã nhận ra đó là lối biểu thị những cơ cấu tâm thức cũng như những nguồn phát ra sinh lực thâm sâu của một dân, những sức mạnh của một linh hồn tập thể. Nhân đó mới nhận ra đường lối của một nền văn hóa, và những nét dị biệt của chúng phần nhiều lại là những nét đặc trưng vẽ lại con đường đặc thù mà mỗi dân phải đi. Sứ mạng con người là hiện thực được Nhân Tính. Và đó còn là cứu cánh của mọi con người bất kỳ ở đâu và bao giờ. Nhưng ở đâu và bao giờ lại khác nhau nên có những lối hiện thực khác nhau, và những dị biệt đó cũng quan trọng, như những khế ước mà mỗi dân đã ký kết với khu vực sinh sống đầu tiên của mình. Đổi khác là thất ước, nên cũng là sa đọa. Sa đọa tức là bệnh hoạn, làm cho bớt sống đi. Sống mạnh là khi không có bệnh hoạn, nên sinh lực không bị li tán, không bị ứ đọng vào một nơi nào, nhưng phát triển đồng đều để tiến lên.
Hiện nước nhà đang bị li tán mạnh đó là triệu chứng bệnh nặng, báo hiệu một cái gì trục trặc trong cơ cấu tâm thức của dân nước. Vì thế trong khóa giảng này chúng ta nhằm tìm ra cái Cơ Cấu Uyên Nguyên của nước nhà để xem nó đã lỗi khế ước ra sao đặng tìm đường chữa trị. Chúng ta sẽ dùng phương thế Huyền Sử nên phần lớn là áp dụng phương pháp của khoa Uyên Tâm. Khoa này kể được như mũi dùi bén nhọn nhất của Phân Tâm, nên có những nét giống như Việt Nho, chẳng hạn lấy sự sống làm tiêu chuẩn chân lý khác hẳn triết học cổ điển xưa. Với uyên tâm sống mạnh là khi thoát gỡ khỏi những mặc cảm trái khoáy. Dân sống mạnh là khi có một cơ cấu tâm linh quân bình mạnh mẽ, ám hợp cho hoàn cảnh riêng. Vậy theo uyên tâm muốn biết cơ cấu tâm linh của một dân cần tìm hiểu những Sơ Nguyên Tượng căn bản hơn hết của dân ấy.
Sơ nguyên tượng phải kể tới trước hết là hình ảnh người Mẹ. Đây là hình ảnh đã in dấu sâu đậm hơn hết trên tâm khảm mỗi con người, vì khi vừa ra đời tâm thức còn như miếng sáp mềm sẵn sàng nhận những hình ảnh đầu tiên. Và đó là hình ảnh người mẹ. Vì thế đây là hình ảnh phổ biến nhất không dân nào không có và đã trở thành những sơ nguyên tượng căn bản nhất những vạn vật chi mẫu, Grande Mère, Magna mater… hình ảnh cha cũng có nhưng không sâu đậm bằng vì đến sau, và thường mang theo chất uy nghi trang trọng của thần minh có phần xa xôi. Đối với huyền sử nước ta thì hình ảnh Mẹ là Âu Cơ. Còn Lạc Long Quân chỉ xuất hiện trong những lúc khẩn cấp.
Hình ảnh sâu đậm thứ hai là lúc lập gia đình, tự đứng ra gánh vác trách nhiệm, cũng là lúc đời sống con người trải qua một khúc rẽ với những hồi hộp, cảm xúc mạnh, nên hình ảnh “Ý Trung Nhân” đã in sâu đến độ trở thành phổ quát và đó là hình ảnh Vợ Chồng. Trong huyền sử nước ta là Đế Minh với Vụ Tiên là Ngưu Lang với Chức Nữ, là Sơn Tinh với Mỵ Nương và nhất là Mỵ Châu với Trọng Thủy…
Hình ảnh thứ ba là mối giao liên giữa cha mẹ, vợ chồng nó là dạng thức cho mọi mối nhân luân. Đối với nước ta đó là cái Bọc của mẹ Âu Cơ hay quả bầu trăm hột v.v… và được kiểu thức hóa thành Tỉnh Điền hay Lạc Thư… tất cả đều nói lên tính chất Công Thể của mối giao liên, khác với lối cá nhân ở nhiều nền văn hóa khác.
Trong các mối giao liên thì căn bổn nhất là Ý Thức với Tiềm Thức mà vì tiềm thức thì ẩn nên được biểu thị rất nhiều như hình con Rắn mà Ấn Độ kêu là naga, rồi nhất là Nước cũng là sơ nguyên tượng vừa chỉ tiềm thức vừa chỉ làn sóng sinh sinh luôn luôn chảy bất cùng. Tiên tri Jona bị nuốt vào bụng cá, cũng như An Dương Vương đi vào lòng biển đều là ý thức bị tiềm thức trấn át. Bên Tả cũng chỉ tiềm thức: Tây Âu cho là xấu (sinistre), Việt Nho cho là sáng láng = Chiêu… như thế cũng hợp số phận với Rồng cũng chỉ tiềm thức nhưng bên Tây cho là xấu bất hạnh (Ame 307) còn bên Việt Nho không những cho là lành mà còn dẫn đầu cuộc tiến hóa = khi ẩn lúc hiện, lúc khác bay lượn (nhớ lại ba thế rồng ở quẻ Kiền). Sự khác nhau dễ giảng nghĩa: bên Đông là Ý Thức giao thoa với Tiềm Thức (hợp ngoại nội chi đạo) bên Tây duy lý nên cản đường tiến của tiềm thức, và tiềm thức phải gây bệnh thống kinh báo thù, nên coi rồng là xấu. Tuy nhiên đây chỉ là truyện Huyền Sử nghĩa là phải vượt lên rất cao để xem toàn diện thì thế, chứ nếu đi vào chi tiết thì muôn vàn mẹo trừ. Vì thế cần dè dặt mỗi khi dùng đến.
Có thể kể ra nhiều hình ảnh khác, nhiều biểu tượng khác nhưng mấy hình ảnh trên có thể coi là then chốt trong việc nhận diện một nền văn hóa. Loa thành đồ thuyết cũng là một thử thách mới trong việc nhận diện nền văn hóa Việt Nam. Sở dĩ chúng tôi chọn câu truyện Loa thành làm lược đồ vì nó nói lên một biến cố quyết liệt trong dòng Sử Mệnh của Việt Nam. Đọc theo lối Huyền Sử thì cuộc phiêu lưu của cặp Mỵ-Thủy chính là khúc rẽ của tiến trình giao thoa của những cặp đôi nền tảng khác làm nền văn hóa Việt Nho như về tâm lý là tình-ý, về xã hội là vợ-chồng, về văn hóa là Việt nho-Hán nho… Đó là những cặp đôi làm nên khung văn hóa của nước Giao Chỉ. Nói theo Uyên Tâm thì chỉ Trời là tiềm thức cộng thông, còn chỉ Đất là ý thức cá nhân và lý tưởng là hai chỉ đó phải giao thoa trong mức độ thế nào để không bên nọ lấn át bên kia, nhưng nương nhau mà tiến. Được như thế thì gọi là Giao Chỉ hay là Quân Thiên sẽ giúp con người biết thích nghi với cả hai đầu trái ngược như thủy với hỏa, chung với riêng… Đạt được như thế thì con người sẽ phát triển đến cùng tột những khả thể riêng biệt của Nhân Tính mình, đồng thời chu toàn nhiệm vụ chung của dân con trong nước, cũng như của thiên hạ tức trở nên công dân thế giới. Ai cũng thấy ngay đó là lý tưởng cao nhất nhưng cũng khó nhất nên hầu hết đều nghiêng lệch không quá chung như người cộng sản, thì lại quá riêng như tư bản, không quá lý thì lại quá tình, ít khi đạt độ Giao Chỉ là mức độ Trung Hòa lý tưởng ở đợt Minh Triết. Ở đợt này con người cư xử theo cả hai đợt ý thức cũng như tiềm thức. Tiềm thức chiếm phần trội gọi bóng là ba trời đối với hai đất chỉ ý thức. Nói khác chính Tiềm Thức mới là chủ lò Minh Triết, nên gọi là Minh Triết bằng bản năng nó dẫn dắt đời sống con người cách êm thắm. Lâu lâu khi gặp những trường hợp khó khăn thì tiềm thức phát ra cho ý thức một nhật lệnh đặc biệt mà huyền thoại gọi là:
Hà xuất Đồ
Lạc xuất Thư…
Hà hay Lạc chỉ miền Tiềm Thức, còn Đồ hay Thư chính là sứ điệp nó gửi lên cho ý thức giúp cho ý thức mở rộng tầm hiểu biết. Sứ điệp trong lúc xây Loa thành là:
Thần Kim Quy, cũng gọi là Thanh giang sứ giả.
Ở đây thanh giang thay cho Hà cho Lạc. Kim Quy thay cho đồ hay thư, cả hai cùng mang một cơ cấu là tròn vuông hòa hợp mà cặp bánh giầy bánh chưng có thể coi là một việc cụ thể hóa sứ điệp ấy. Vậy Kim Quy cũng chỉ là một sứ điệp nhưng được gửi đến trong một hoàn cảnh nhất định, nên có dạng thức đặc trưng là mang sứ điệp ở ngón chân, vì là sứ giả của nước Giao Chỉ có nghĩa đen là 2 ngón chân giao nhau. Sau sứ điệp Kim Quy thì hai chỉ hết còn giao nữa, vì tự đấy theo về Hán nho một chiều. Huyền sử biểu thị bằng cặp Mỵ-Thủy nằm chết dưới đáy giếng, chữ Nho kêu là Tỉnh. Xin đừng hiểu tỉnh ở đây là thể chế tỉnh điền. Đó chỉ là một áp dụng đến sau và có hay chăng cũng không quan trọng. Quan trọng là chính ý nghĩa uyên nguyên của nó là tinh thần công thể của nền văn hóa nông nghiệp vốn mang đậm con dấu của nguyên lý Mẹ nên cũng gọi là cái bọc mẹ Âu. Nhưng cái bọc khó biểu thị không bằng chữ tỉnh, dễ vẽ dễ viết hơn nhiều, vì thế mà nó được dùng thay cho cái bọc và sự thay này xảy ra từ cõi sơ nguyên tượng, nên chữ tỉnh có tính cách sinh động, tức lặp lại nhiều lần ở những nơi then chốt chẳng hạn.
– Như ngôi sao tỉnh mở đầu chòm sao chu tước chỉ phận dã Lạc Việt.
– Như hai lần trong lĩnh nam: một ở truyện Việt tỉnh và một ở truyện Kim quy.
– Như một lần trong kinh Dịch quẻ tỉnh, mà đạo nó là “dưỡng nhi bất cùng”.
– Và như nhiều lần trong dân gian. Thí dụ trong Tây Du kí ông tiên như ý chiếm tỉnh không cho ai kín nước hay việc trồng cây quanh miệng giếng để cho rễ cây ngáng việc kín nước (trong Hoài Nam tử… Hình ảnh tỉnh xuất hiện nhiều lần như thế đủ tỏ rõ tính chất sống động linh hiệu của nó, tức nó có sứ mạng nói lên nét đặc trưng quý nhất của nền Minh Triết Việt Nho là Công Thể.
Thế nhưng tự ngày cặp đôi Mỵ-Thủy chết thì giếng bị bỏ hoang, tức nền Minh Triết Việt Nho không còn được chăm sóc tài bồi. Hậu quả là đưa dẫn nước nhà đến bao cảnh phân hóa như đã có nói trong Triết Lý Cái Đình và hiện còn lưu nọc độc đến tận ngày nay. Nói theo Uyên Tâm thì chúng ta đang bị bệnh thống kinh nó hệ tại sự tan rã Tâm Linh gây nên những xô xát nội tại làm hao hư hầu hết sinh lực của Tâm Thức. Còn về Nước thì đó là bệnh li lìa khỏi hồn nước, tiếng uyên tâm kêu là Schizophrénie tức là dissociation de l’âme. Nói đơn sơ là Đạo nước trở nên yếu liệt không còn đủ mạnh để quy tụ dân con lại trong cái bọc Âu Cơ như xưa nữa. Muốn quy tụ lại thì cần tu sửa giếng, Kinh Dịch kêu là Tu tỉnh. Đó là việc hết mọi người dân con phải làm. Quyển Loa Thành này muốn đóng góp một viên gạch vào việc chung đó. Đây cũng là một cuộc trở về nguồn nhưng không phải tìm cho biết ta có họ với ai nhưng là nhằm giúp chúng ta sống đời sống con người sung mãn hơn. Bởi vì con người chỉ sống sung mãn khi nhịp theo với Tiềm Thức Cộng Thông. Khi hai bờ ý thức với tiềm thức hòa nhịp thì đạt sức mạnh với đời sống sung mãn, và do đấy giàu sức sáng tạo… Vì sáng tạo phát xuất từ Tâm Linh (tiềm thức) chứ ý thức chỉ có xếp đặt lại mà thôi. Vì thế trong sách có nói đến sáng tạo… Đó là về cá nhân, còn công dân và nền quốc học thì đây cũng là một lối tìm lại căn bản thống nhất cho nước cùng non. Bởi chưng sau khi đã đẩy cái học của nước quá xa trên nẻo ý thức lý trí thì sự tìm trở lại với tiềm thức với bản năng quả là một việc làm ơn ích lắm vậy.
Hiện nay nước ta đã từ bỏ nền văn hóa cân đối của Tiên Tổ để theo cái học trục vật của Tây phương. Chương trình giáo dục vẫn đề cao phần chuyên viên mà thiếu Chủ Đạo, nên bao nhiêu những Sơ Nguyên Tượng như Rồng, Tiên, Hồng Bàng… đều trở thành một kỷ niệm mờ nhạt chết khô. Giếng vẫn bị bỏ hoang. Lạc Thư vẫn chỉ là những tờ giấy trắng không còn giúp chi vào việc móc nối lại với nền Minh Triết Uyên Nguyên nữa.
Ở nước Egypte cổ đại xưa khi một người bị con vật cắn thì thầy tư tế chỉ có đọc một đoạn kinh thánh kể lại truyện thần minh đã chữa bệnh cách linh thiêng chứ không cho thuốc chi cả. Vậy mà bệnh nhân có thể khỏi. Ấy là nhờ đưa ý thức tham dự vào bình diện của Tiềm Thức Cộng Thông biểu lộ bằng niềm tin mãnh liệt tức là đặt ý thức vào cái Toàn Thể để nó tràn sức khỏe sức sống ra mọi phần thân thể. Lúc ấy họ còn tin trọn vẹn vào kinh thánh nên dễ dàng trầm mình vào bầu khí u linh của tiềm thức nên mỗi lời, mỗi động ứng của nhà tư tế đều gây âm vang mạnh vào tâm hồn dễ dàng đem lại sức khỏe.
Nước Việt Nam cũng đang bị chứng mất hồn: do văn hóa ngoại lai ăn cắp. Hôm nay chúng ta cùng mở lại quyển Kinh Điển nước nhà đọc lên và giải nghĩa câu truyện Loa Thành cũng là mong dầm mình trở lại với nền Minh Triết Tâm Linh muôn thuở.
Nhưng con người không còn trong giai đoạn bái vật nữa để mà đặt niềm tin vào huyền thoại coi như một tín ngưỡng. Vậy chỉ còn trông vào triết học, nhưng vì duy lý nên triết học thiếu mố cầu bắc sang tiềm thức. Vì thế mà có sự ngăn cách đôi bờ.
May thay Việt Nho lại là nền Nhân Bản Tâm Linh nên đã có đường thông với Tiềm Thức, và hơn thế nữa để thâu hóa Tiềm Thức, nhờ đó mà biến thần thoại ra Nhân Thoại. Tức không coi những truyện trong huyền thoại là truyện bên ngoài con người đã xảy ra lâu rồi ở một nơi xa xôi nào đó, trái lại xem huyền thoại chính là những biểu lộ tâm thức của dân nước, nó nói lên con đường riêng biệt mà ta phải đi để chu toàn sứ mạng của dân con cũng như của nhân loại và tôi gọi đó là Huyền Sử. Huyền Sử là một phương pháp mà chính Tiền Nhân ta đã đặt nền tảng vào lúc thần thoại nhường bước cho Nhân Thoại. Bước đường ấy nay lại được Tây Âu tiếp nối với tâm trạng khoa học hơn, tức xác định bằng lý chứng nhiều hơn, đó là khoa Uyên Tâm với các khoa nhân văn mới. Vì thế chúng sẽ giúp ta rất nhiều trong việc tiếp nối con đường Huyền Sử của Tổ Tiên. Huyền Sử cũng là một thứ huyền thoại nhưng dùng nhiều mảnh vụn của lịch sử, vì là mụn mảnh nên muốn khám phá nội dung cần đến sự kiện nhiều hơn sách vở. Thí dụ tên Mỵ có phải do Mễ chăng, thì không nên chú trọng vào cách đọc cho bằng xét xem nó có diễn tả nội dung của nông nghiệp lúa mễ hay chăng, thí dụ phải tìm xem địa vị đàn bà trong văn hóa đó ra sao, và khi ta biết là cao rồi mà thấy chung quanh Hùng Vương chỉ xuất hiện nhiều lần Mỵ nương thì đã có thể coi đó như một loại lý chứng nói lên nội dung văn hóa của Mễ nàng. Như thế thì lối đi tìm di tích Cổ Loa của huyền sử không chỉ còn là vác cuốc đi đào bới nữa nhưng có thể bằng cách bay bổng để nhìn bao trùm cả một vùng mênh mông của nền văn hóa có Nỏ Thần, có áo lông chim, có giếng ngọc, có vòng xoáy ốc, tức là toàn thể miền đất Viễn Đông của Nho Giáo Nguyên Thủy, trong đó nước Tàu là lớn nhất. Chính sự lớn lao thống nhất đó đánh lừa người đọc yên trí rằng nước Tàu từ xa xưa đã như vậy, mà không ngờ rằng đó là trận tuyến giao thoa của hai nền văn hóa Nông Du lớn hơn hết và cũng đặc trưng hơn hết nên nó đã phản chiếu vào mọi địa hạt chính trị, kinh tế, nghệ thuật cả huyền thoại nữa, trong đó truyện Cổ Loa là một. Cho nên đi tìm vết tích Cổ Loa chính cũng là đi tìm khuôn mặt Việt Nho. Việt Nho là nền văn hóa phôi thai của những dân vào nước Tàu trước như Mêlanê, Tam Miêu, Bách Việt… tất cả đều kể được như đứng trên cùng một trận tuyến Nông Nghiệp lúa Mễ. Bên kia là Du Mục. Xin đừng lẫn với súc mục (pastoral) ở đâu cũng có, ngay trong phần đất Viêm Việt. Thứ súc mục này không khác lắm với nông nghiệp. Vậy du mục nói ở đây thường là đi với kị mã mà biên cương hoạt động của họ là tự núi Oural đến sông Amour và sự di chuyển của họ gây âm vang trên ba đế quốc lớn xưa là Tàu, Ấn và Iran (Style p.II). Nhân đó cũng liên hệ tới văn hóa Trung Đông và La Hy tức là trên toàn thể Nhân Loại, khiến ta có thể coi Nông Du là tiêu điểm sơ nguyên dùng để định tính một nền văn hóa: văn hóa khác nhau là do pha độ nông du khác nhau.
Du Mục là phụ hệ, đề cao tù trưởng, sức mạnh.
Nông Nghiệp thì mẫu tộc, có tính chất công thể, ưa nhu nhã…
Nói chung thì đâu đâu du mục cũng lấn át nông nghiệp. Riêng bên Viễn Đông tuy có xô xát nhưng rồi hòa nên cuối cùng cả hai bên mất ý thức như cặp Mỵ Thủy nằm chết dưới đáy giếng. Mỵ Châu hay Mễ nàng đại diện cho Nông Nghiệp lúa Mễ của Âu Lạc. Âu cũng gọi là Thái mà đế quốc lớn xưa là Ba Thục, nơi không bao giờ biết nạn đói nên đã là vùng phát khởi văn hóa sớm nhất, nền văn hóa Nông Nghiệp Viễn Đông cũng như là cửa ngõ của khối dân lớn lao là Bách Việt đi vào nước Tàu. Vì thế mỗi chi có mang theo một số ấn tích của nền văn hóa sơ khởi đó, nó mang tính chất nhu nhã ôn hòa như tiên nữ, như chim bay. Nước ta mang ấn tích trong danh hiệu Hồng Bàng (Lạc bộ chuy) với chòm sao mang tên Chu Tước. Mỵ Châu luôn luôn mang áo lông chim trên mình, tức là đại diện cho văn hóa buổi sơ nguyên nọ. Sau này sẽ tiến xuống vùng Hồ Quảng nơi có nhiều giao long thì nhận thêm hèm Rồng, hèm Mã (Long Mã phụ đồ) để cho thêm đầy đủ non nhân nước trí. Đấy là nền văn hóa đã phát triển ở giai đoạn thị tộc, bộ lạc, và còn đang cố vươn lên đợt bang rồi liên bang thì gặp văn hóa du mục từ phía Tây Bắc tràn xuống, xảy ra cuộc chống đối cũng như giao thoa: với những mảnh vụn lịch sử như Hoàng Đế chiến Si Vưu, như Đế Minh “tuần thú” phương Nam, như truyện Sơn Tinh Thủy Tinh giành Mỵ nương hay là như ở đây với cặp Mỵ Thủy. Mỵ Châu là non nhân, Trọng Thủy là nước trí, trí lấn át nhân, nhưng trí không nhân thì hết quân bình và thế là cả hai nằm chết trong đáy giếng.
Thành Cổ Loa còn hay bị phá không nói tới nữa: cuộc hôn phối hai nền văn hóa bị bỏ quên luôn, nên giếng là bản kết đúc hai nền văn minh đó cũng bị bỏ hoang.
Trong truyện Loa Thành văn minh Âu Lạc được biểu thị bằng số ba xuất hiện 4 lần trong truyện:
– Vương lập đàn cầu đảo 3 tháng.
– Ngày mồng 7 tháng 3 bỗng thấy một ông già theo phương Tây (số 7).
– Quy ở lại với Vương 3 năm.
– Rải lông ngỗng trên các ngã 3 đường.
Con số này liên hệ với Đông Phương, với chim và tiên nữ, nên cũng liên hệ với số 5 và 9 mà bản tóm là Lạc Thư, một thứ Tỉnh đã được quảng diễn đến cũng cực đưa đến Nhân Đạo, tức không còn đặt trọng tâm trên trời hay dưới đất nhưng trong người, được biểu hiệu bằng Thần Kim Quy. Nên khi hỏi đến bí quyết lâu dài thì Kim Quy nói:
“Quốc tộ tu đoàn, xã tắc an nguy” là vận của trời nhưng người biết tu đức thì có thể lâu dài được. Đó là:
“Đạo cao long hổ phục.
Đức trọng quỷ Thần kinh.”
Và câu truyện quỷ mị ở núi Thất diệu đã không làm hại nổi An Dương Vương khi Vương theo kế hoạch của Thần Kim Quy, tức theo đạo người “có trời mà cũng có ta”.
Thế nhưng sau này Mỵ châu đã phải chết để đền tội phản bội vì đã trót dại theo văn hóa Bắc phương tượng trưng bằng số 7 (thất diệu). Số 7 chỉ Bắc phương thì là biểu hiệu chung nhân loại nên Tây gọi Bắc là phương số 7 (septentrion: chỉ số 7 sao bắc hùng) ưa dùng võ lực, trong truyện chỉ thị bằng sừng con tê 7 tấc. Khi nói người nữ có 9 vía, đàn ông có 7 “nam thất nữ cửu” là vậy. Lý tưởng phải là nam nữ hòa hợp, hay là cương nhu thông hội. Nói bóng là xây Loa Thành. Loa là hình xóay ốc, là sự chung đúc của hai nét ngang (cương) dọc (nhu) cùng nhau vươn lên. Hình ảnh kết thằng, hay đan lát đã được dùng như biểu hiệu trang trí ở thời Tân Thạch, mà trong lịch sử nghệ thuật còn ghi được nhiều ở đồ gốm có in hình kết thằng (corded pattern. Archeo 111) hoặc lốt đan nong, ni, rổ, thúng tức có hai nét ngang dọc.
Đấy là những bước sửa soạn đưa đến hình Loa, hay những biểu tượng con chim 8 cánh một chân. Tất cả nói lên sự hòa hợp ngang dọc, 8 ngang hiện tượng 1 dọc Tâm Linh nơi hòa hợp tất cả lại một mối nên kêu là “quỳ nhất túc”. Đó cũng chính là hình ảnh của chữ Tỉnh, cũng là của Lạc Thư, sách của Lạc dân, cũng gọi là con Quy, hình ảnh của sự hòa hợp mà quê hương là miền sông Dương Tử, nơi phát xuất các tay thợ đúc (Danses 610): đúc kiếm, đúc đỉnh cũng như đúc trống. Hình ảnh của sự đúc này trong truyện là cái Nỏ. Nỏ khác cung ở chỗ có cái dọc, thành hình thập tự (Huard 118). Đó cũng là biểu hiệu của nhà chữ đinh có cột ở giữa và chữ tỉnh cũng có 2 nét ngang và 2 nét dọc. Kim Quy cũng thế: lưng tròn chân vuông…
Tóm lại là sự đúc kết được biểu thị rất đầy đủ từ ngang dọc qua tròn vuông, hai số 3, 7 cho tới hình xoáy ốc là cùng tột nói lên ý thức xoắn xuýt với tiềm thức Tâm Linh. Thế nhưng sự sa ngã của các tổ phụ (Adong Eva chẳng hạn) nói lên sự đứt quãng với tiềm thức bản năng gây nên tai họa biểu thị bằng bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, còn ở đây Mỵ Thủy bị chết.
Kim Quy lại trở về biển y như kiếm mất, đỉnh bị chìm vậy. Và thế là tự chiều hôm ấy giếng bị bỏ hoang, và tự ngày Loa thành thất thủ không được ai nói đến nữa. Có thể chăng được “kỷ niệm” bằng lối bới tóc uốn vòng lên kêu là Loa Kế của mấy bà hoặc cái nón uốn chéo lên giống hình một sò ốc đan bằng nan tre rất khéo của mấy bà Giao chỉ mà Mã Đoan Lâm khen ngợi là rất khôn ngoan dè dặt hơn hẳn đàn ông (Mã 358) hay lối búi tó kiểu búa của mấy ông (Mã 366). Những kiểu trang sức nọ nếu có phát xuất do một linh cảm nào đó chăng thì sau này cũng mất luôn ý thức.
Đại để đó là câu truyện thành Loa nói lên cuộc sa đọa tinh thần là bị đánh bật ra khỏi quê hương tinh thần sau khi đã bị đánh bật ra khỏi địa bàn Tổ (xem Vấn đề nguồn gốc chương VII). Hôm nay thắp đuốc đi tìm hồn Loa, thì chính là đi tìm lại nền tảng văn hóa của nước Văn Lang cố cựu vậy.
Kim Định
(Trích: Loa Thành Đồ Thuyết)