Thế nào là “nhạc thính phòng ” ? Sự lạm dụng của từ này

Trần Quang Hải 

img-020Hỏi: Tôi có đọc một bài trên báo Tiền Vệ trên mạng lưới ở Úc châu nói về một buổi “nhạc thính phòng” với một chương trình lớn lao (nhiều ca sĩ Việt từ Hoa Kỳ sang , một dàn âm thanh làm điếc tai, trong một hội trường chứa cả ngàn người ) . Rồi cách đây vài ngày, tôi có nhận được một tờ quảng cáo vế một buổi ” nhạc thính phòng” vào giữa tháng 10, 2004 cũng với ca sĩ bên Mỹ và dàn nhạc pop trong một rạp hát khá lớn. Một chương trình khác cũng loại “nhạc thính phòng” tương tự như chương trình vừa kể vào giữa tháng 11, 2004 tại Paris .
Như vậy, đối với người Việt “nhạc thính phòng” phải hiểu như thế nào ? Có giống như “nhạc thính phòng” của nhạc cổ điển Tây phương với một dàn nhạc đàn dây nhỏ (trio, quartette, quintette, petit ensemble) dành cho một số nhỏ người nghe trong một phòng nhỏ bé và nhứt là không có dàn âm thanh và máy vi âm ? Tại sao có hiện tượng lạm phát và lạm dụng danh từ này trong vài năm nay (từ năm 2001 trở đi) . Mong được sự giải thích của một người trong hội VietSciences . Xin đa tạ

Đáp: Nhạc thính phòng theo định nghĩa nhạc cổ điển Âu châu là một loại nhạc được nghe trong một phòng nhỏ, do một ban nhạc chỉ có vài cây đàn dây , hay nhiều nhất là khoảng 8 tới 10 cây đàn (ensemble instrumental / intstrumental ensemble)

Dĩ nhiên là vào thời xa xưa máy vi âm không có , và ngay cho tới bây giờ khi nghe loại nhạc thính phòng này cũng không có nơi nào trang bị dàn âm thanh và máy vi âm cả, dù là diễn nơi hội trường . Mà hội trường này phải là nơi dành riêng cho loại nhạc này để cho âm thanh phát ra từ những cây đàn dây (violon, alto, violoncelle / violin , alto, cello) được nghe rõ từng nốt nhạc . Tôi có dịp đi dự một số festivals de musique classique(đại hội liên hoan nhạc cổ điển) hay festivals de musique de chambre (đại hội liên hoan nhạc thính phòng), có khi buổi trình diễn nhạc ở ngoài trời. Khán giả ngồi trên ghế dài, hay ngồi xuống đất nhưng rất chăm chú nghe . Một con ruồi bay ngang cũng có thể nghe tiếng cánh ruồi bay . Sự giáo dục âm nhạc ở tây phương ở trong học đường , ở tại các nhạc viện từ nhiều đời qua đã tạo cho người Tây phương một thái độ nghe nhạc, một sự chăm chú khi nghe nhạc .

Tại xứ Việt Nam ở thế kỷ 19 và giữa thế kỷ 20, nhạc được gọi là “nhạc thính phòng” là Ca Trù miền Bắc, Ca Huế miền Trung và Đàn Tài Tử miền Nam . Cả ba loại nhạc này chỉ đàn hát cho một số bạn bè hay biết thưởng thức nhạc nghe mà thôi trong một căn phòng nhỏ .

Ca Trù miền Bắc là một loại nhạc đặc biệt miền Bắc, gồm có một người hát phái nữ vừa hát vừa gõ phách (gọi là đào nương, cô đầu, hay ả đào), một nhạc sĩ đàn nhạc cụ tên là đàn đáy (loại đàn dây, có 3 dây, một cần đàn rất dài , có 10 tới 11 phím cao), và một người cầm chầu gõ trống chầu để khai mạc bài hát, khen người hát, ngưòi đánh đàn hay có khi chê với những công thức gõ mặt trống , tang trống mang tên rất thi vị như Song châu, Phi nhạn, Xuyên tâm, vv… Người cầm trống chầu thường là nhà thơ biết đặt loại thơ đặc biệt của ca trù là mưỡu , hát nói , và phải biết cách gõ trống theo những công thức cố định . Người cầm chầu có quyền thưởng phạt ngưòi hát qua những công thức gõ trống . Nhưng cũng có khi người hát thấy người gõ trống không biết gõ thì người hát cũng có cách cám ơn người gõ bằng một công thức giai điệu để chấm dứt và rút lui
Khán giả ngày xưa đa số là những nhà thơ, hay những người biết thưởng thức thơ nhạc . Họ đến nghe người hát ca trù ngân nga, đổ hột ra sao trên những bài thơ được viết tại chỗ . Số người nghe rất giới hạn chừng mươi người trong một căn phòng rất nhỏ . Ngày xưa các nhà thơ nổi tiếng về đặt thơ cho Ca Trù là Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tú Xương ,vv…

Ca Huế ở miền Trung, xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 khi Chúa Nguyễn Phước Tân chọn Huế làm kinh đô ở vùng đất Thừa Thiên , gồm có một người hát ( thường là phái nữ), và một dàn nhạc gọi là ngũ tuyệt (đàn nguyệt, đàn tranh, đàn nhị, đàn tỳ bà, đàn tam), thuộc loại “Ti Trúc” (đàn có dây tơ, đôi khi thêm tiếng sáo và gõ phách). Loại hát này phải có nữ ca sĩ vừa hát vừa gõ sanh (hai miếng gỗ gõ vào nhau). Bài hát có hai loại: Khách (vui) và Nam (buồn) . Đây là loại nhạc ngồi nghe theo phong cách dân gian hay cung đình, được trình diễn cho một số ít bạn bè thân hữu không nhất thiết phải am tường âm nhạc như trong Ca Trù . Lúc xưa loại nhạc này đàn cho ông hoàng bà chúa, các quan lại nghe . Trong dân gian, thì những nhà giàu có thể mướn một đoàn Ca Huế tới biểu diễn tại tư thất .

Đàn Tài Tử miền Nam được thành hình vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 do các nhạc sĩ miền Trung đi vào trong Nam theo phong trào Cần Vương.
Trong Nam, cách đàn có tính cách phóng túng , bay bướm hơn cách đàn miền Trung . Bài bản thì cố định nhưng cách sắp chữ đờn thì rất phong phú , kiểu cách, đa dạng cho thấy một nghệ thuật linh động, sống động .
Những nhạc sĩ miền Trung vào Nam truyền nhạc Ca Huế như các ông Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tòng Bá (Tư Bá) day đàn tranh, kìm, tỳ bà, ông Phạm Đăng Đàn dạy đàn độc huyền ở Vĩnh Long . Đàn tài tử không có nghĩa là không chuyên nghiệp . Chữ “tài tử ” phải hiểu là người chơi đàn có tài (Dập dìu tài tử giai nhân trong Kiều), chỉ đàn khi thích khi có hứng chứ không có ai bỏ tiền ra mướn đàn . Đàn Tài Tử còn gọi là đàn xâ-long (do chữ Salon của Pháp) tức là ngồi trong phòng khách nơi có bộ ghế salon đàn và nghe đàn hát . Khi người hát (có thể là nam hay nữ) ngồi để hát thì gọi là ca tài tử . Còn khi đứng hát có ra bộ tịch thì gọi là ca ra bộ .

Dàn nhạc gồm có hai cây đàn chánh là đàn kìm và đàn tranh . Đôi khi có thêm đàn cò . Ngoài ra có thể thêm đàn tam, đàn xến, đàn tỳ bà (rất hiếm trong nhạc miền Nam), và sáo , tiêu . Đặc biệt là nhịp gõ bằng song lang chứ không phải cái sanh của miền Trung hay cái phách của miền Bắc . Các bài bản thì được chia làm 6 Bắc , 2 Nam, 4 Oán và 7 bài lớn . Thỉnh thoảng có đàn các bài theo điệu Quảng ( nhạc Tàu Quảng Đông), và nhứt là bài Dạ cổ hoài lang sau trở thành”Vọng cổ “

Rất tiếc là trong những năm gần đây, các loại ca trù, ca Huế, đàn Tài tử đều bị ảnh hưởng của dàn âm thanh và máy vi âm (microphone) để hát lớn hơn dù ngồi trong phòng nhỏ, với guitar điện, đàn tranh điện, đàn bầu điện, giọng hát vì vậy phải cần máy vi âm . Do đó tính chất nhạc “thính phòng” không còn nữa .

Trong nhạc hiện nay ở hải ngoại , người Việt Nam có khuynh hướng dùng danh từ nhạc thính phòng để chỉ định loại tân nhạc được hát trong một phòng nghe nhạc , ngồi ghế thành hàng để nghe nhạc chứ không phải là nghe nhạc trong khung cảnh nhà hàng có bàn có ghế , vừa ngồi nghe nhạc vừa uống nước . Phòng nhạc không lớn lắm , chỉ độ chừng vài trăm chỗ, chứ không phải ở một hội trường cả ngàn chỗ và không có khiêu vũ .
Do đó danh từ “nhạc thính phòng” bị dùng sai chỗ, và hiểu theo một nghĩa khác không dính líu gì tới định nghĩa ban đầu của chữ “nhạc thính phòng” của Âu châu .
Từ chỗ dùng danh từ “nhạc thính phòng” cho có vẻ sang trọng, có cấp bực cao, người ta bắt đầu lạm dụng danh từ này . Do đó nhiều nơi tổ chức trong một phòng diễn với dàn âm thanh dữ dội, chát chúa mà vẫn cứ gọi là “nhạc thính phòng” để thu hút khán giả .

Tôi chỉ tóm lược một vài ý chứ không đi sâu vào chi tiết . Hy vọng làm thỏa mãn người đặt câu hỏi .

Muốn biết thêm về nhạc thínhphòng trong nhạc cổ truyền, xin đọc thêm
tài liệu sau đây:
Trần Văn Khê , 2004: Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhà xuất bản Trẻ, TP HCM, 471 trang , giá 48.000 đồng (khoảng 3 Mỹ Kim)

Trần Quang Hải
Nhạc sĩ và dân tộc nhạc học gia
Paris, Pháp

[Lãnh Vực]

Tìm Kiếm