THẾ SỰ XOAY VẦN (Bài 7)

Lê Việt Thường

……..

Đề Tài THÁI ĐỘ VỌNG NGOẠI CỰC ĐOAN (3)

img-005Xin mạn phép Quý Độc Giả được trở lạị vấn đề đã được đề cập sơ qua trong bài viết thứ hai của chúng tôi cùng một Chủ đề “Thái Độ Vọng Ngoại  Cực Đoan”  về việc  NVL dám “cả gan”  đòi “Phân tâm ”  con người và cả Dân tộc Việt ! Nguyễn Văn Lục viết:

Thật ra gọi cái nhìn của người bị trị như trên là không sát nghĩa lắm. Người dân bị trị bị đặt vào tình thế chính trị bị đẩy tới cái thế chân tường, không lối thoát, hay không biết cách tìm lối thoát, trở thành bị lệ thuộc. Làm sao có điều kiện tối hảo để có cơ hội nhìn ngược lại được?

Cắt nghĩa và lý giải về tâm trạng người bị trị thì như thể một sức ép đè trên người và tạo ra nhiều dạng thức tâm lý mà cái chính là mặc cảm (bị trị).

Cho nên, chữ thích hợp nhất trong trường hợp này là chữ phản ứng. Phản ứng của người dân khi bị đô hộ. Phản ứng là một thái độ đáp ứng lại một hoàn cảnh mà ta không làm chủ được nên thường là một phản ứng tiêu cực.

Trong tâm lý học, người ta giải thích tình trạng một người bị ngất đi là giải pháp tốt nhất để không phải đối đầu trực diện hoặc là gián tiếp phủ nhận cái thực tế trước mặt.

Chẳng hạn, người đàn bà có chồng có thể ngất đi khi nhìn thấy cảnh người chồng và tình địch đang âu yếm nhau.

Người đàn bà ấy ngất đi như muốn phủ nhận một thực tế phũ phàng.

Nhưng trong những hoàn cảnh không phải là một đe dọa đưa đến cái chết thì có thể có nhiều chọn lựa khác. Người ta có thể né tránh đi; người ta đổ vấy cho hoàn cảnh; người ta dùng người khác thế chỗ để luôn luôn có lý do chinh đáng biện minh cho sự thất bại do sự ngu dốt của mình”.” (LVT viết chữ nghiên và nhấn mạnh) (1)

Nhận xét đầu tiên của chúng tôi về  đoạn văn nêu trên của NVL,  là đối với Lịch sử RẤT DÀI LÂU của Dân tộc VIỆT mà các Khám phá Khoa học  gần đây cho thấy chiều dài Lịch sử , như đã được trình bày trong bài viết đầu tiên của chúng tôi cùng một Chủ đề, lên tới ít nhất là 10,000 năm, thì sự kiện NVL giới hạn tầm nhìn của mình vào một giai đoạn Rất Ngắn Ngủi (80 năm Đô hộ của Thực dân Pháp) là một Thiếu sót Trầm trọng !

Đành rằng  NVL có thể bắt dầu  với  giai đoạn rất ngắn  này, nhưng vấn đề ở đây là đương sự phải biết vượt qua giai đoạn ngắn ngủi kể trên nhằm đưa cái nhìn của mình bao trùm suốt chiều dài Lịch Sử của cả Dân tộc Việt! Tuy nhiên, có lẽ công việc này vượt quá khả năng của NVL với mớ  Kiến thức Rất Giới hạn trong lãnh vực Tâm Lý học !

Đó cũng là lý do khiến NVL chỉ đề cập đến khía cạnh PHẢN ỨNG Tiêu Cực của người dân Bị trị  (Việt) đối với kẻ Thống trị (Thực dân Pháp), mà không có khả năng nắm bắt KHẢ THỂ Dài Lâu của Dân tộc VIỆT trong suốt chiều  dài Lịch sử bao gồm cả Quá khứ, Hiện tại  lẫn Tương lai !

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là tại NVL chỉ có một chút Kiến thức rất Sơ đẳng về cái gọi là “Phân Tâm học kiểu Freud”! Trong khi đó, muốn nắm bắt Nền tảng cũng như  Tinh hoa của bộ môn Phân Tâm học, điều kiện Tối thiểu là đương sự phải tỏ ra thuần thục cả phần Lý thuyết lẫn Áp dụng của cả ba Nhân vật Tiền phong của phong trào Phân Tâm học: Freud, Adler và nhất là Jung.

Trong lãnh vực Phân Tâm học, Freud chủ rương rằng các triệu chứng của MỌI trường hợp  khi xảy ra tình trạng “Nhiễu loạn Tâm thần” cùng với Tính tình, Tính khí  của bệnh nhân, bắt nguồn từ cách thức mà đương sự đối phó với cái được biết đến như “Mặc cảm Oedipus”. “Chòm sao”  Oedipus  theo Freud, ở trong tình trạng bị” đè nén” bao gồm thái độ về khía cạnh Tính dục, của đứa trẻ đối với vị phụ huynh khác phái, cùng với niềm ao ước của nó được  chiếm chỗ của vị phụ huynh đồng phái tính.(2)

Trong khi đó, lý thuyết của Adler về bệnh Tâm thần, tức ý nghĩa theo Adler về những triệu chứng của  tình trạng “Nhiễu loạn Tâm thần” , lại được đặt trên  nền tảng của Nguyên lý Quyền lực. Theo Adler, các triệu chứng liên hệ đến bệnh tình  là những phương tiện nhằm giúp bệnh nhân tranh thủ Quyền lực đối với những người cùng sống trong một môi trường như các thành viên của một gia đình chẳng hạn. Trên hết mọi thứ, bệnh nhân  tìm kiếm sự An toàn và Ưu thế cho chính bản thân mình. Mục tiêu là tìm cách đạt được một cảm giác về Quyền lực  nhằm đối trọng lại cảm xúc Bất xứng và Thất bại hiện diện trong nội tâm của đương sự  làm thành cái gọi là “Mặc cảm Tự ty”. Không quan trọng lắm sự kiện bệnh nhân có thật thấp kém hay không trong thực tế , nhưng vấn đề ở đây là đương sự  cảm thấy thấp kém . Đó là lý do giải thích các nỗ lực của bệnh nhân   nhằm đặt mình trong vị thế Cao cấp, An toàn. Trong  hoàn cảnh như vậy, thế giới được nhìn từ quan điểm chủ quan của bệnh nhân, đồng thời một tình trạng lo sợ không thế xác định được đối với những khó khăn đang chờ đợi trong tương lai , buộc đương sự phải tìm kiếm  những phương kế nhằm  khắc phục tình trạng Tâm lý tiêu cực hiện tại trong nội tâm mình  , hầu giúp cho cảm  giác An toàn cá nhân của bản thân  không bị quấy động.(3)

Tóm lại, chủ trương của Freud và Adler là hai lối nhìn trái ngược nhau về bệnh Tâm thần; vậy nên sự chọn lựa một trong hai lối nhìn nêu trên xác định đường hướng của công việc chữa trị. Áp dụng  lý thuyết của Freud có nghĩa là sửa lại  phản ứng mà bệnh nhân đã  có ở tuổi niên thiếu và về sau, đối với  những nhân vật có mối quan hệ đặc biệt với đương sự như người Cha, người Mẹ ở những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của mình.

Trong khi đó, theo quan điểm của Adler, bệnh Tâm thần  tự nó  có Chủ đích, Mục tiêu hướng về Tương lai. Việc Chữa trị theo Adler, nằm ở chỗ nhà Phân tâm chỉ cho bệnh nhân thấy rằng lối sống của đương sự bị kiểm soát bởi cảm giác Bất an  cũng như thái độ Thận trọng của chính mình trong đời sống thường nhật. Cuộc sống của bệnh nhân bị chi phối bởi niềm  ao ước tránh thất bại cho  chính  bản thân, đồng thời  quy trách nhiệm, đổ lỗi cho một ai khác. Tình trạng trên khiến bệnh nhân có một cuộc sống cũng như lối suy nghĩ bị hạn chế ở mọi mặt: nhằm tránh  thất bại, phải chăng đương sự chỉ cần  không bao giờ tham dự vào bất cứ một cuộc ganh đua nào cả ?! Adler nghĩ rằng nếu dự án đời sống được giải thich một cách thỏa đáng với bệnh nhân, bệnh tình sẽ biến mất. Do đó, Adler rất quan tâm đến phẩm chất của lời  giải thích về  bệnh trạng của nhà Phân tâm và tin rằng tất cả nằm trong lối giải thích nhờ đó bệnh nhân sẽ nắm được ý nghĩa  của nó mà hệ quả là  các triệu chứng sẽ không còn nữa và đương sự sẽ lành bệnh.(4)

Dự án của Carl Jung nhằm nghiên cứu sự Khác biệt giữa hai lý thuyết của Freud và Adler nằm trước tiên ở việc lấy riêng rẽ một trong hai lý thuyết và sau đó cho thấy lý thuyết liên hệ  khi áp dụng vào một trường hợp bệnh lý cụ thể  nhằm tìm hiểu và giải thích những triệu chứng của bệnh trạng , đã được thực hiện  như thế nào. Việc nghiên cứu nhằm  mục tiêu so sánh nêu trên được Jung theo đuổi với rất nhiều chi tiết, dữ kiện, đưa tới hai Kết luận sau đây:

-Hai lý thuyết của Freud và Jung “Xung khắc” nhau, và

– Có nhiều điều cần phải  bàn thêm về cả hai lý thuyết

Và  mỗi lý thuyết giải thích Tâm lý loại Bình thường cũng như Bất bình thường đối với trường hợp liên hệ.

Theo  Jung, có vẻ như cùng  một trường hợp “Nhiễu loạn Tâm thần” có thể được hiểu theo hai  chiều hướng trái ngược nhau, một theo lý thuyết của Freud, một theo lý thuyết của Adler. Nói cách khác, mỗi nhà nghiên cứu chỉ thấy một vài khía cạnh của bệnh nhân cùng với bệnh tình  nhưng lại   xác quyết  rằng lối hiểu đó, chỉ lối hiểu đó thôi mới đúng, rằng lối giải thích nào khác đều sai !

Jung nghĩ rằng lối lập luận đó có lẽ không đúng  vì mỗi lý thuyết nêu trên đều chứa đựng những quan sát, nhận xét có nền tảng  vững chắc nhằm giải thích một vài khía cạnh của căn bệnh Tâm thần. Và tuy xung khắc nhau, nhưng không có nghĩa là chúng loại trừ lẫn nhau.Vì Freud và Adler đều làm việc ở Vienna, vậy nên có thể giả thiết một cách an toàn rằng cả hai có cùng loại khách hàng đó là những  bệnh nhân Tâm thần. Mỗi nhà nghiên cứu có vẻ sẵn sàng tìm thấy yếu tố trong căn bệnh Tâm thần thích hợp với cá tính của mình ….họ thấy các sự việc dưới hai  góc cạnh khác nhau  mà hệ quả của tình trạng trên là cuối cùng dẫn đến những lối nhìn, những lý thuyết khác nhau từ nền tảng.

Theo Jung, sự Khác biệt giữa Freud và Adler không gì khác hơn là sự khác biệt giữa hai loại Tính khí,Tâm tính, một loại thiên về đối vật bên ngoài (hướng ngoại) , loại kia thiên về nội tâm (hướng nội).

Nói một cách giản dị, theo Jung,  Freud và Adler khác nhau về phương diện Tính tình: Freud hướng ngoại trong khi Adler hướng nội. Đối với người hướng ngoại, những sự kiện xảy ra bên ngoài trở thành tối quan trọng từ lúc sanh ra cho đến về sau.Theo Jung, đó là lý do khiến cho trong hệ thống Phân tâm kiểu Freud, tầm quan trọng đặc biệt được gán cho Thái độ Cư xử của  bậc Phụ huynh cùng với Phản ứng của đứa trẻ đối với  lối cư xử nêu trên. Cũng như vai trò quan trọng bậc nhất mà Freud gán cho việc thành hình các ý tưởng xoay quanh  “Mặc cảm Oedipus”,cùng vói  cách thức mà nó bị “đè nén” kéo theo  những hậu quả gì về sau. Các kết luận nêu trên có thể hiểu được với giả thiết rằng Freud là người hướng ngoại !

Adler ngược lại là người hướng nội. Đối với người hướng nội, phản ứng chủ quan đối với tình thế là nét đặc trưng. Khi các sự kiện xảy ra, thì Ý nghĩa của chúng lả mối bận tâm đầu tiên của người hướng nội. Chủ đề chính yếu trong  tác phẩm ‘Individual Psychology’ của Adler là như sau: mọi Tiến trình Tâm lý phải được hiểu như sự sửa soạn của cá nhân nhằm đạt tới mục tiêu Ưu việt hầu  thay thế cảm giác Thua kém hiện diện trong nội tâm của đương sự. Theo Adler, đứa trẻ bắt đầu cuộc đời của mình với cảm giác Thua kém, cùng với tình trạng Ngờ vực trong mối tương quan của đứa trẻ  đối với  cha mẹ của nó nói riêng và thế giới  con người nói chung. Ở tuổi ấu thơ, vào thời niên thiếu, ở tuổi dậy thì và khi đã thành nhân, đương sự  hoạch  định phương  kế nhằm khắc phục cảm giác Thua kém hầu đat được mục tiêu Ưu việt cho bản thân

Theo Jung, trong hệ thống Phân tâm kiểu Adler, chủ đề chính yếu là sự toàn vẹn của cá tính, quyền lực của cái” tôi” phải được duy trì bằng mọi giá. Nó phải chiến thắng hay cảm thấy như thế trong những điều kiện không thuận lợi của cuộc đời.

Jung nghĩ rằng nói chung  những người hướng nội cũng như hướng ngoại là những con người Bình thường, những thành viên lành mạnh của cộng đồng, chỉ vì sinh ra với Tính khí khác nhau nên có cái nhìn về cuộc đời khác nhau. Ngoài ra, theo Jung, các khuynh hướng loại này không có tinh cách cố định, tức có thể thay đổi hay ít nhất trở thành ít đậm nét hơn theo dòng thời gian. Lấy thí dụ trường hợp của Adler sinh ra với tính khí của một ngưới hướng nội mà bằng chứng là hệ thống Phân tâm của ông. Nhưng tính tình của Adler có vẻ thay đổi với thời gian vì mô hình cuộc sống của ông có vẻ hướng ngoại hơn là hướng nội.(5)

Về vấn đề Hướng Nội-Hướng Ngoại, Jung kết luận như sau:”Đó là một sai lầm không thể tha thứ được, nếu bỏ qua yếu tố “Chân lý” trong chủ trương cúa cả Freud lẫn Adler. Tuy nhiên, cũng là một sai lầm không thể tha thứ được, nếu xem một trong hai chủ trương của Freud hay của Adler như là  “Chân lý” duy nhất. Trên thực tế, có những trường hợp mà sự mô tả và giải thích nói chung  bởi một trong hai lý thuyết nêu trên có vẻ tốt hơn, đúng hơn khi so sánh với    lý thuyết kia và ngược lại…..Chắc chắn là không bao giờ tôi có ý nghĩ rời bỏ con đường của Freud nếu tôi không vấp phải những sự kiện bó buộc tôi phải đặt lại vấn đề,  phải thay đổi. Điều này cũng đúng và có thể áp dụng cho  mối quan hệ của tôi đối với chủ trương của Adler”.

Khi viết những dòng trên, Jung nhớ đến những hạn chế khi  Freud quá nhấn mạnh đến những lầm lạc về khía cạnh Tính dục của bệnh nhân ở thời kỳ  Niên thiếu, xem nó như yếu tố gây ra MỌI trường hợp “Nhiễu loạn Tâm thần”, và một cách tương tự khi Adler xem như “Chân lý Phổ quát” lý thuyết của ông khi Adler cho rằng bệnh Tâm thần là một hệ thống những phương kế nhằm giúp đương sự  lẫn tránh trách nhiệm trước những đòi hỏi của cuộc sống cũng như thu tóm quyền lực đối với những người cùng sống trong một môi trường.

Theo Jung, Freud giải thích bệnh  Tâm thần bằng những sự kiện trong quá khứ; còn Adler thì xem bệnh Tâm thần như một cuộc dàn xếp nhằm kiểm soát tương lai và chiếm đoạt Ưu thế. Jung có một quan niệm khác với Freud và Adler. Jung viết:

“Các triệu chứng của bệnh Tâm thần KHÔNG CHỈ  đơn giản lả hậu quả mà nguyên nhân nằm ở một quá khứ xa xôi ,dẫu đó là thái độ Ấu trĩ vê phương diện Tính dục, hay Quyền lực, mà còn là những Nỗ lực nhắm tới một Tổng hợp Mới về cuộc đời, dẫu gặp Thất bại nhưng vẫn là những Nỗ lực nên tự thân chúng chứa đựng một số Giá trị và Ý nghĩa có tinh cách Cốt lõi.

Kết luận chính yếu của Jung ở giai đoạn này là các triệu chứng của bệnh Tâm thần KHÔNG CHỈ là một “Gia tài” đến từ Quá khứ hay một Cố gắng nhằm kiểm soát những gì có thể xảy ra trong Tương lai, mà còn là một Nỗ lực gặp phải Thất bại trong việc đối phó với tình thế Hiện tại. Điều này trở thành Điểm  chính yếu cho việc chữa trị theo lý thuyết Phân Tâm học của Jung.

Phân tích các Giấc mơ là phương pháp chính yếu theo chủ trương của Jung. Và điều này đòi hỏi một  cuộc Chẩn đoán thận trọng, kéo dài, nhằm giúp nhớ lại những sự kiện xảy ra ở thời Niên thiếu như thái độ của bệnh nhân đối với mỗi Phụ huynh (Mẹ hoặc Cha), anh chị em và những người khác trong môi trường của tuổi Ấu thơ và thời Niên thiếu, những chuyện xẩy ra ở nhà, tại trường học, v…v…Nếu không kèm theo với loại “Lịch sử´kiểu này, thì không thể  nào hiểu được các Giấc mơ, cùng với hiện trạng  và các dự án  tương lai của bệnh nhân.

Mặc dầu tính cách quan trọng của loại  “Lịch sử” nêu trên , tuy nhiên nó không thể  giải thích lý do tại sao khủng hoảng Tâm thần CHỈ xảy ra bây giờ. Nếu nguyên nhân của bệnh Tâm thần  CHỈ nằm trong Quá khứ thì tại sao những dấu hiệu của căn bệnh không  hiện ra sớm hơn ? Trong giấc mơ, các sự kiện trong Quá khứ có thể xuất hiện, nhưng tại sao bây giờ mới xuất hiện? Điều này chỉ có nghĩa là Quá khứ và Hiện tại gặp nhau trong Giấc mơ. Một cách tương tự, các giấc mơ gọi là “Tiên tri” cũng đặt trọng tâm ở Hiện tại. Khủng hoảng Tâm thần xảy ra ở thời điểm hiện tại thì phải được giải quyết ở thời điểm Hiện tại, chứ không phải ở Quá khứ hay Tương lai. Jung thâm tín rằng các sự kiện đang xảy ra trong cuộc sống hiện tại của bệnh nhân có vai trò rất quan trọng đối với bệnh tình của đương sự .(6)

Phần phân tích nêu trên của phong trào Phân Tâm học cho thấy các nhà Sáng lập ra phong trào này như Freud, Adler vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi  truyền thống Văn hóa Tây phương qua khuynh hướng Cơ khí (Mechanical) đi đôi với trào lưu Duy nghiệm (Positivism) hạn chế Kiến thức vào những sự vật, sự kiện có thể quan sát được, cùng với đặc tính  Một chiều về phương diện Văn hóa vẫn ngự  trị mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20  ở Tây phương  là thời gian sinh tiền của Freud và Adler.

Đi đôi với đặc tính  Một chiều là tính cách Độc hữu trong lập trường của cả Freud lẫn Adler được kiện chứng qua chủ trương của cả hai nhà Phân tâm này, như khi Freud vì quá nhấn mạnh đến những lầm lạc về khía cạnh Tính dục của bệnh nhân ở thời kỳ  Niên thiếu, nên xem nó như yếu tố gây ra MỌI trường hợp “Nhiễu loạn Tâm thần”, hay quan niệm của  Adler xem như “Chân lý Phổ quát” lý thuyết của ông khi  Adler cho rằng bệnh Tâm thần là một hệ thống những phương kế nhằm giúp đương sự  lẫn tránh trách nhiệm trước những đòi hỏi của cuộc sống cũng như thu tóm quyền lực đối với những người cùng sống trong một môi trường.

Còn theo Jung, trong thực tế, có một số trường hợp bệnh lý cụ thể  có thể được mô tả, giải thích tốt hơn, đúng hơn bởi lý thuyết của Freud hơn lả của Adler và ngược lại. Do đó theo Jung, phải tránh cạm bẫy của thái độ Độc hữu, vì mỗi nhà nghiên cứu Freud hay Adler chỉ thấy một vài khía cạnh của bệnh nhân cùng với bệnh tình  nhưng lại   xác quyết  rằng lối hiểu đó, chỉ lối hiểu đó thôi mới đúng, rằng lối giải thích nào khác đều sai !

Chưa kể là có những trường hợp bệnh lý mà cả hai lý thuyết của cả Freud lẫn Adler đều không thích hợp. Mà bệnh nhân thường lả những người ở tuổi Trung niên trở lên. Lý do là khi bệnh nhân con trẻ, còn nhiều “Ảo tưởng ” về cuộc đời, mà mắc vào một trong hai loại Mặc cảm về “Tính dục” (Freud) hay “Quyền lực”(Adler) thì nhà Phân tâm kiểu Freud hay Adler còn có thể giúp được.  Còn trường hợp những  bệnh nhân không nằm trong hai trường hợp nêu trên, mà lại không còn nhiều “Ảo tưởng” về cuộc đời vì họ  thường đã ở  tuổi trung niên trở lên ( hiện tượng này thường được gọi là “Khủng hoảng tuổi Trung niên” (Mid-life crisis”), thì cần có cái gì Thâm sâu hơn nhằm cho cuộc đời của họ  một Ý Nghĩa ! Phân Tâm học thuộc trường phái của Jung rất chú trọng tới loại bệnh nhân này !

Trước Freud, Tâm Lý học của Tây Phương là một nền Tâm Lý học “mặt phẳng” vì chỉ có Một Chiều kích: chiều kích sáng sủa của Lý Trí, Ý Chí, Ý THỨC, thì Freud đã làm một cuộc “Cách Mạng” khi đem vào môn Tâm Lý học một chiều kích Mới Mẻ bằng việc khám phá ra phần VÔ THỨC (Unconscious) của con người.

Ngoài ra, Freud đã cho nổ một “Quả Bom” trong các xã hội “Thanh giáo” Cổ truyền của Tây Phương trước đây đầy Gian dối, Đạo đức giả như dưới triều đại của Nữ Hoàng Anh Victoria chẳng hạn, bằng một cuộc “cách mạng Tính Dục”.(7)

Giống như Freud, Jung thâm tín rằng Vô Thức có ảnh hưởng cực lớn trên đời sống con người. Tuy nhiên, Jung có một quan niệm về Vô Thức khác xa với Freud và trách  rằng ảnh hưởng của Freud trên Phân Tâm học hiện đại biến Vô Thức thành một “Đống rác Tâm thần” làm bằng những “Đồ  Phế thải” về phương diện Luân lý Đạo đức ! Tức những Bản năng mà theo Freud,  có nguồn gốc chính yếu là Tính dục, bị “Đè nén” vì trái với các Tiêu chuẩn Luân lý  Đạo đức của xã hội đương thời.Và cũng theo Freud, vì bị “Đè nén” nên chúng PHẢN ỨNG lại gây ra tình trạng “Nhiễu loạn Tâm thần”  Đó là lý do Jung cho rằng Freud (và những kẻ như Nguyễn Văn Lục với một mớ kiến thức rất sơ đẳng về Tâm lý học học đòi theo Phân tâm học kiểu Freud) thường nhấn mạnh đến PHẢN ỨNG Tiêu Cực của bệnh nhân (hay người “Bị trị” như NVL), mà KHÔNG  thấy điều gì  Tích Cực ở thế giới Tiềm thức, Vô thức cả!  Mà lý do chính yếu của tình trạng này là vì đương sự CHỈ dừng lại ở đợt “Tiềm thức Cá nhân” (Personal Unconscious), mà không đi xa hơn nữa.

Quan niệm của Jung về  VÔ THỨC Phong Phú hơn nhiều ! Vô Thức theo Jung chứa đựng MỌI Khía cạnh của Bản tính con người, “Sáng và Tối, Đẹp và Xấu, Tốt lành và Ác độc,Thâm sâu và Ngờ ngệch”. Khám phá quan trọng của Jung dẫn đến một đường hướng nghiên cứu Mới, một lối tiếp cận Mới trong lãnh vực Tâm Lý học là như sau: Cũng giống như trường hợp các nội dung Ý Thức có thể biến mất trong cõi Vô Thức, thì những nội dung Mới mẻ, chưa bao giờ xuất hiện ớ cõi Ý thức, có thể đến thẳng từ Vô thức !

Nói một cách khác, , Jung quan niệm rằng Vô Thức KHÔNG phải  là một “Thùng rác Tâm thần”, như Freud nghĩ, mà trái lại xuất hiện với dáng vẻ vô cùng Huyền bí và chứa đựng Mầm mống của Tương lai liên quan đến các Biến cố hay trong lãnh vực Tư tưởng, cũng như là  Gốc rễ đến từ Quá khứ. Vô Thức không những có khả năng tiến tới trước cũng như lùi về sau, mà còn có KHẢ THỂ vượt lên giới hạn chật hẹp của đời sống Cá nhân để tiến vào thế giới bao la của Vô thức Cộng thông (Collective Unconscious).(8)

Tóm lại, đối với Freud cũng như Adler, vì dừng lại ớ đợt Tiềm thức Cá nhân (Personal Unconscious) nên họ thường có thái độ rất TIÊU CỰC đối với Vô Thức nói chung . Do thái độ Tiêu Cực của họ, Freud cũng như Adler chỉ nói đến PHẢN ỨNG của bệnh nhân đồi với căn bệnh Tâm thần. Và công việc Chữa trị của nhà Phân tâm theo Freud cũng như Adler CHỈ là Sửa lại Phản Ứng của bệnh nhân trong lãnh vực Tính dục (Freud) hay Quyền lực (Adler) từ trạng thái Bất bình thường trở lại Bình thường ! Cả hai Freud và Adler như đã nói ở trên vì dừng lại ớ đợt Tiềm thức Cá nhân (Personal Unconscious), nên KHÔNG có một cái nhìn thật sự Tích Cực đối với Vô Thức nói chung ( như Jung chẳng hạn  xem Vô  Thức  như  yếu tố  Nền tảng  trong phương pháp Chữa trị). Mà hệ quả là nhà Phân tâm kiểu Freud hay Adler  CHỈ có khả năng Chữa trị đối với một số bệnh nhân giới hạn theo lý thuyết của Freud (Tính dục) hay theo lý thuyết cua Adler (Quyền lực) mà thôi !

Nhưng cả hai lý thuyết của cả Freud lẫn Adler đều tỏ ra Bất lực đối với  hiện tượng thường được gọi là “Khủng hoảng tuổi Trung niên” (Mid-life crisis”), vì ở đây các đương sự cần có cái gì Thâm sâu hơn nhằm cho cuộc đời của họ  một Ý Nghĩa ! Phân Tâm học thuộc trường phái của Jung rất chú trọng tới loại bệnh nhân này !

Như vừa trình bày ở trên, “chúng ta biết Sigmund Freud là người khám phá ra Tiềm thức  Cá nhân (personal unconscious) gồm những mảnh ý thức bị dồn nén xuống khỏi bình diện ý thức…nhưng Carl Jung lại còn đi sâu hơn một độ nữa là khám phá ra đợt Vô thức Cộng thông (collective unconscious). Phương pháp thăm dò của Jung ở đợt này là các thần thoại, huyền thoại của mọi sắc dân, càng biết nhiều càng hay để tìm ra những yếu tố phổ biến đâu đâu cũng có, như vũ trụ như những yếu tố thời gian, núi, sông, biển, sao, trăng….. với những chiều kích bao la vĩ đại, những Biểu Tượng chung trong nhân loại cổ sơ mà dân nào cũng thấy thí dụ nước chỉ nguồn sống cũng như chỉ tiềm thức và  Jung gọi là Sơ Nguyên Tượng (Archetype), tức là những hình tượng đầu tiên và uyên nguyên nên có sức sống động thí dụ xuất hiện trong chiêm bao nhiều người:  văn minh hay cổ sơ đều có cả, nên kết luận là của chung Nhân Loại (9).

Ở cấp Vũ Trụ, những yếu tố thời gian, núi, sông, biển, sao, trăng….vừa đề cập ở trên có sức Sống động mãnh liệt qua trung gian của Chiêm bao chẳng hạn, trên toàn thể Nhân loại vì là những hình tượng đầu tiên và uyên nguyên nên gọi là Sơ Nguyên Tượng (Archetype), hiện hữu từ thuở Hồng Hoang.

Tương tự, ở cấp Lịch sử Loài người, các Sơ Nguyên tượng về người Cha hay người Mẹ là những hình tượng đầu tiên và uyên nguyên nên có một vai trò tối quan trọng trên Tâm Lý chung của toàn thể con người.

Do sự tối quan trọng của Vô thức Cộng thông nên Jung đặc biệt chú trọng  đến vai trò của Huyền thoại. Và “điểm then chốt ở đây là cần phải hiểu rõ và nắm vững THỰC CHẤT của “Nhân vât Huyền thoại” thường bị hiểu lầm, mà trên thực tế được “cụ thể hóa” bằng các Biểu tượng hay Sơ nguyên tượng. Chẳng hạn Sơ nguyên tượng Người Cha hoăc Người Mẹ là hai Sơ nguyên tượng Tối Cổ của Nhân loại Kết Tụ Kinh nghiệm cũng như Kết Tinh các Đức Tính của hàng triệu, hàng tỷ người Cha, người Mẹ trong thực tế của Lịch sử con người. Do đó, KHÔNG có người Cha, người Mẹ nào trong đời sống cụ thể có thể Đáp Ứng nổi trình độ Kinh Nghiệm cùng với các Đức Tính của hai Sơ nguyên tương Người Cha hoăc Người Mẹ được đề cập trong Huyền thoại không biết bao nhiêu lần bởi muôn ngàn thế hệ !

Tuy Giác quan ta không nhận ra, vì Biểu tượngSơ nguyên tượng KHÔNG nằm ở Thế giới Hiện Tượng hữu hình mà ở Thế giới Siêu Linh vô hình ẩn sâu trong Nội Ngã của mỗi con người, nhưng nếu Tu tập đúng đường thì hành giả có thể Thể nghiệm được các Biểu tượng, Sơ nguyên tượng liên hệ mà Năng lực có thể giúp đưong sự trở thành người Cha hoặc người Mẹ Tốt trong cuộc sống thực tế cũng như đồng thời  thực hiện được nhiều điều ơn ich khác nữa !

Thí dụ “đối với Dân tộc VIỆT, Sơ nguyên tượng Người Cha là Lạc Long Quân, và Sơ nguyên tượng Ngươi Mẹ là Âu Cơ.”(10)

Điềm Khác biệt chính yếu ở đây giữa Jung một bên   và bên kia  Freud và Adler là vì cả Freud lẫn Adler do sự kiện dừng lại ở đợt Tiềm thức Cá nhân (Personal Unconscious) nên người Cha và người Mẹ đối với cả hai nhà Phân Tâm nảy, lả những Cá nhân cụ thể mà thái độ và hành vi của họ cùng với Phản Ứng của đứa trẻ thường là Nguyên nhân gây ra tình trạng “Nhiễu loạn Tâm thần”, trong khi đó với Jung,  Người Cha và Người Mẹ là những Sơ Nguyên tượng nằm ở đợt Vô thức Cộng thông (Collective Unconscious) những Mẫu Mực có giá trị vượt thời không đối với những cá nhân cụ thể nào muốn học Nghệ thuật làm Cha hay làm Mẹ với các Sơ Nguyên tượng nói trên !

Đó là lý do giải thích PHẢN ỨNG Tiêu Cực  thường thấy trong thái độ những kẻ  chỉ có dịp tiếp cận Phân Tâm học qua lý thuyết của Freud hay Adler mà thôi. Trái lại, những người có dịp làm quen với Phân Tâm học nói chung  và một cách đặc biệt  qua chủ trương của Jung, thường có cái nhìn TÍCH CỰC hơn đối với KHẢ THỂ của Tiềm thức, Vô thức cùng với Vai Trò của Huyền thoại, Huyền sử.

Vậy nên, những người hiểu biết  vấn đề cho rằng hệ thống Tâm Lý học mà Jung giúp phát triển là một nền Phân Tâm học có các đặc tính Tâm LinhThần Khải đi ngược lại với nền Tâm lý học cổ truyền và chính thống của Tây Phương. Các lãnh vực nghiên cứu của Jung liên quan đến vấn đề nêu trên tỏ ra rất phong phú và rộng rãi, bao trùm truyền thống Tâm linh của nhiều dân tộc và sắc dân khác nhau. Jung cho rằng đời sống Tâm linh của bệnh nhân có tầm quan trọng bậc nhất trong phương pháp chữa trị bệnh tình. Còn việc chẩn đoán bệnh lý theo Jung chỉ có ích cho nhà Phân tâm.(11)

Để Kết luận,Carl  Jung là một trong những nhà Tư tương hàng đầu của Tây Phương Cận đại , cùng với Claude Lévi-Strauss, Marcel Granet ……mà các Khám phá mới mẻ về Phân Tâm học, Tâm Lý miền sâu, Cơ Cấu luận, Đân Tộc học với vai trò  của Huyền thoại, Truyền kỳ…..đã được Cố Triết gia Kim Định xử dụng trong việc nghiên cứu về Nguồn gốc Dân tộc VIỆT cùng với Tiềm năng và Khả thể của giống nòi Việt với cái nhìn bao trùm của  một Triết gia lên  suốt chiều dài Lịch sử  Việt gồm cả Quá khứ, Hiện tại lẫn Tương lai. Mà Công trình là một bộ sách đồ sộ khoảng 8000 trang gồm hai phần là ANVI mà chúng tôi sẽ đề cập vào một dịp khác và VIỆT NHO mà chúng tôi vừa nói sơ qua ở phần trên.

Sở dĩ chúng tôi đề cập đến bộ sách của Cố Triết gia Kim Định với hai Chủ đề An Vi và Việt Nho, là vì sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi thâm tín rằng muốn nắm vững Nguồn gốc Tinh hoa cùng với Nội dung của Văn hóa VIỆT, người làm công việc nghiên cứu phải đủ khả năng ,trình độ đọc và hiểu (hay bắt đầu hiểu) Nội dung các đề tài đã được đề cập trong bộ sách nói trên. Còn không thì chúng tôi chi sợ như đã xảy ra nhiều lần với Nguyễn văn Lục chẳng hạn, đó thường chỉ là nhừng điều Huyênh hoang , Khoác lác….của đương sự  như chẳng hạn trong bài viết hiện tại:

NVL huyênh hoang đòi “Phân tâm” cả Dân tộc Việt mà lại với một vốn kiến thức rất Sơ Đẳng  của đương sự về Tâm Lý học  như chúng tôi vừa trình bày  ở phần trên. Tệ hại hơn nữa đây không phải là lần đầu tiên mà NVL có một thái độ tương tự vì

-Trong bài viết đầu tiên có cùng chung một Chủ đề “Chủ Nghĩa Dân Tộc Cực Đoan”, chúng tôi có viết như sau:

Chính vì trình độ “I Tờ Rít” của NVL trong lãnh vực Cổ sử khiến NVL thốt lên những lời phát biểu có vẻ “Ngô nghê” như sau:

“Người Việt thường tự hào nói tới lịch sử dân tộc Việt với 4000 ngàn năm văn hiến! Điều đó có đúng không và lấy gì làm bằng chứng?…..” hoặc

“…..Vì thế, con số 4000 năm là một con số thổi phồng, không kiểm chứng được. Chính cái tham vọng muốn kéo dài sao cho đủ 4000 năm lịch sử đã tạo ra nhiều huyền thoại sử…..”

Sở dĩ NVL có những lời phát biểu như trên  là vì đương sự có vẻ “Mủ tịt” trong lãnh vực Cổ sử khiến  NVL hoàn toàn không hay biết tí gì về các Tin tức Cập nhật gần đây trong lãnh vực liên hệ như…..” (12)hoặc

–Trong bài viết thứ hai  có cùng một Chủ đề , chúng tôi có viết như sau:

Đến đây, chúng tôi chợt nhớ tới các Phát biểu có tính cách Khoác lác rất Điển hình NVL mả nội dung hoàn toàn đi NGƯỢC LẠI  với Tư cách Thực sự  của con người NVL  qua sự trình bày của các Nhân chứng  ở phần trên. NVL viết:

“Và cũng hy vọng những người viết sử Việt Nam có cái nhìn khiêm tốn và khách quan hơn về sử Việt – tránh lối viết khống, khoác lác, không tài liệu dẫn chứng…..”(LVT viết chữ nghiên và nhấn mạnh)  hoặc

“ Nhưng nếu họ bước sang lãnh vực lịch sử- như một khoa học nhân văn- thì việc căn bản là tôn trọng sự thật lịch sử mà không thể tùy tiện được”(LVT viết chữ nghiên và nhấn mạnh) (13)

Lấy hai Tiêu chuẫn ‘Viết Sử’ mà chính NVL đề ra ở trên nhằm xét xem bản thân NVL có tuân thủ hay không trước khi đương sự đòi răn đe người khác

Thứ nhất, NVL hãnh diện có trích dẫn tài liệu nhưng lại với loại Thủ thuật thật ‘Bá đạo’ như Tác giả Nguyễn Tường Thiết than phiền NVL “đã dùng tiểu xảo cắt xén để làm sai lạc ý nghĩa bản văn nguyên thủy của tôi”…..(LVT viết chữ nghiên và nhấn mạnh)

Thứ hai, NVL kêu gọi người khác tôn trọng sự thật lịch sử mà không thể tùy tiện được (LVT viết chữ nghiên và nhấn mạnh)nhưng các ví dụ  đưa ra ở trên cho thấy là bản thân NVL rất Tùy tiện với Sự thật Lịch sử

Chúng tôi cũng xin được kết thúc bài viết này  với đoạn văn sau đây trích từ bài viết trước:

“Trở lạị vấn đề đã đề cập ở trên về việc  NVL dám “cả gan”  đòi “Phân tâm ”  con người và cả Dân tộc Việt, chúng tôi sẽ cho NVL thấy trong bài viết kế tiếp, những điều kiện Tối thiểu Cần thiểt mà đương sự cần phải hội đủ hầu có thể “mon men” bắt đầu tiến trình tìm hiểu Chiều sâu của Dân tộc và Văn hóa  Việt, đồng thời “Cảnh cáo” NVL  rằng với một chút kiến thức  về cái gọi là “Phân tâm học Freud”, NVL còn thiểu nhiều thứ lắm, vậy đừng nuôi hy vọng hão huyền   rằng đương sự có đủ khả năng “phân tâm” Dân tộc Việt ! Nếu không thì NVL chỉ làm “trò cười cho thiên hạ” nhất lả đối với những người hiểu biết vấn đề”!(14)

Lê Việt Thường

CHÚ THÍCH

1)http://www.dcvonline.net/2016/04/24/thuc-dan-va-dan-thuoc-dia-nhin-vao-nhau-6b/

2)Bennett E.A., What Jung Really Said, Abacus, London UK 1983 tr. 33

3)Idem, tr.32

4) Idem, tr.33-34

5) Idem ,tr.34-35

6) Idem, tr.144-146

7) http://www.tinparis.net/vn_index.html Văn Hóa Cơ Cấu Tâm Thức Của Con Người Toàn Diện-Phụ Chú: Carl Jung-Nhà Hậu Hiện Đại

8) Ruth Berry, “Jung”, Hodder & Stoughton, UK, 2000 tr.30-31

9) Kim Định, “Loa Thành Đồ Thuyết” III Từ Phân Tâm Tới Uyên Tâm http://vietnamvanhien.net/loathanhdothuyet.pdf

10) https://minhtrietviet.net/the-su-xoay-van-bai-4/

11) Ruth Berry,Idem, tr.1-2

12)https://minhtrietviet.net/the-su-xoay-van-bai-5/

13)https://minhtrietviet.net/the-su-xoay-van-bai-6/

14) Idem

[Tác Giả][Lãnh Vực]

 

 

Tìm Kiếm