THẾ SỰ XOAY VẦN (Bài 9)
Lê Việt Thường
……..
Đề Tài : THÁI ĐỘ VỌNG NGOẠI CỰC ĐOAN (5)
Như đã được lặp lại nhiều lần trong loạt Bài Viết có cùng chung đề tài“Thái Độ Vọng Ngoại Cực Đoan”, thì một trong những khuyết tật nổi bật của Nguyễn Văn Lục là tính CƯƠNG ẨU của đương sự như đã từng xảy ra nhiều lần mà Bằng Cớ đã được chúng tôi lần lượt trưng ra trong các bài viết trước đây.
Điều lạ lùng ở đây là NVL thường tự xưng “Ta đây” là “nhà viết Sử” mà lại có những lời Phát biểu tỏ vẻ rất là ẨU TẢ đối với các Bằng chứng liên quan đến Thực tế cũng như Lịch sử, làm lộ ra tình tình Rất CẨU THẢ của đương sự, do đó hoàn toàn BẤT XỨNG với danh hiệu “nhà viết Sử” mà NVL thường “tự phong” cho mình! Như chẳng hạn đối với câu phát biểu sau đây của NVL liên quan đến tác phẩm “Triết lý Cái Đình” của Cố Triết gia Kim Định.
NVL viết: “Thật vậy, không thể chỉ thấy một vài cái Đình ở ngoài Bắc đã có thể từ đó dựng nên một cơ sở triết lý văn hóa trong khi toàn bộ từ phía Nam Trung bộ trở đi không ai thấy dấu vết một cái Đình nào cả! (LVT viết chữ nghiêng và nhấn mạnh) (1)
Có thật như NVL vừa phát biểu, là toàn bộ từ phía Nam Trung bộ trở đi không ai thấy dấu vết một cái Đình nào cả ? Chúng ta thử kiểm tra lời Phát biểu nêu trên của NVL căn cứ vào các Tài liệu trên Thực tế cũng như trong Lịch sử .
Wikipedia tiếng Việt có dành một bài viết với tựa đề “Đình làng Nam bộ” như sau:” Đình làng hay đình thần, là nơi thờ thần Thành hoàng, vị thần chủ tể trên cõi thiêng của thôn làng. “Nhìn chung ở Nam Bộ (Việt Nam), sau khi mỗi làng xã được hình thành và tương đối ổn định, thì tùy theo cuộc đất, tiền bạc & công sức đóng góp của cư dân, mà tiến hành xây dựng một ngôi đình. Từ đó, ngôi đình tồn tại, phát triển, biến đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau của cộng đồng ấy.”(2)
Như vậy, trái với câu tuyên bố có vẻ ẤU TẢ của NVL rằng” toàn bộ từ phía Nam Trung bộ trở đi không ai thấy dấu vết một cái Đình nào cả!” , thì theo Wikipedia, một cách thông thường mỗi khi một làng xã ở Nam bộ được hình thành và có vẻ ổn định, thì người dân làng tiến hành xây dựng một ngôi đình.
Lẽ dĩ nhiên vì nhiều lý do khác nhau , liên quan đến Kiểu thức chẳng hạn, thì Đình làng ở Nam bộ có nhiều điểm không giống Đinh làng ở miền Bắc VN. Theo Wikipedia ” Không như ngôi đình làng ngoài Bắc là một kiến trúc gỗ đồ sộ, gồm 5-7 gian; ngôi đình Nam Bộ thường là một quần thể kiến trúc gỗ, gồm nhiều ngôi nhà sát liền nhau theo kiểu sắp đọi, và thường được xây dựng ở vị trí cao ráo, tiện việc đi lại, ít bị chi phối bởi thuật phong thủy.
Ngày nay, đình thần Nam Bộ có lối kiến trúc khá đa dạng, bởi sau khi bị hư hại bởi thời gian & chiến tranh; kiểu thức truyền thống chẳng còn lại bao nhiêu. Tuy đã ít nhiều thay đổi, nhưng một ngôi đình ở Nam Bộ, lần lượt từ ngoài vào trong đại để như sau…..”(3)
Các điểm khác biệt vừa đề cập ở trên về Đình làng của hai miền Nam Bắc VN là chuyện bình thường do nhiều yếu tố Địa lý, Lịch sử, Môi trường, Phong tục, An ninh….khác nhau giữa hai miền Nam Bắc. Dẫu sao, đó cũng Không là điều quan trọng bậc nhất. Mà điểm thực sự Chính yếu ở đây và cũng là Mẫu số Chung đối với người Nông Dân VN dẫu họ sống ở miền Nam hay miền Bắc VN, nằm ở chỗ là điều đầu tiên mà họ nghĩ tới trong cuộc sống Mới sau khi định cư, trước tất cả mọi sự việc khác, là việc ngay tức khắc họ tiến hành xây dựng một ngôi đình.
Lý do có lẽ như nhà nghiên cứu Alfred Meynard nhận xét: “Người Đông Phương đã đem cái vô hình xuống cuộc đời của họ. Họ sống với thế giới huyền bí… Trái lại người Âu Tây sống bên lề cái vô hình, phủ nhận nó nữa vì không biết đến có nó hay là họ bị xô đẩy vào nó mà không nhìn ra. Ở bên Việt Nam tục lệ tín ngưỡng đã pha trộn và hợp hóa thần bí tâm linh của Phật giáo với chủ nghĩa ma thuật của đạo giáo vào tín ngưỡng nguyên thuỷ, một phần hoạt động và tư tưởng đã dành cho phương diện vô hình của thiên nhiên. Đời sống hàng ngày của họ đã kết cấu bằng những đề tài huyền bí làm đề tài chính thức. Suốt ba tháng đầu năm của dân Việt Nam cũng có rất nhiều nghi lễ trong ấy người ta thông cảm với thần linh hay kéo thần linh xuống một lúc gần với người, cùng với người san sẻ nỗi lo âu hay hy vọng” (Revue Indochinoise. Mai 1928) (4).
Theo Cố Triết gia Kim Định, “Cần nhận xét rằng đây không phải là tình trạng bất phân sơ khai kéo dài, nhưng nó là hậu quả của một nền minh triết đã được vun tưới tài bồi. Gọi là Minh Triết vì đã được kết tinh vào kinh điển của dân Lạc Việt gọi là Lạc Thư mà căn để của nó là linh thiêng (cũng gọi là Hoàng Cực) được gói tròn giữa các việc ăn làm (biểu thị bằng bát trù) gọi là Hồng Phạm cửu trù. Hồng phạm là hình thái bác học còn khi biểu diễn cho toàn dân thì Hồng Phạm cửu trù trở thành câu chuyện bánh chưng bánh dầy rất quen thuộc. Đây là một câu chuyện triết lý rất cao độ, cao độ vì nhập thể vào một vật rất thường như cơm bánh. Cơm bánh là những cái ta tiếp cận mỗi ngày vài ba lần nên rất thường thế mà đã nói lên được rất nhiều ý nghĩa cao siêu”.(LVT viết chữ nghiêng và nhấn mạnh) (5)
Đó cũng là lý do mà từ “Đình” biểu thị đời sống Tâm Linh của người Nông dân Việt phải đi đôi với từ “Đám” chỉ chuyện “Cơm bánh” để làm nên thành ngữ “Đình Đám” nhằm diễn tả tính chất“Nhất nguyên Lưỡng cực” hay Triết lý Hai Chiều kích của nền MINH TRIẾT VIỆT mà Cố Triết gia Kim Định thường “Ví von” bằng thuật ngữ “Hãy Tìm Cái PHI THƯỜNG (đời sống Tâm Linh) trong cái THƯỜNG THƯỜNG (chuyện “Cơm bánh”). Mà câu chuyện “Bánh Chưng Bánh Dầy” cũng như “Triết lý Cái Đình” có thể thâu tóm được TINH HOA của nền VĂN HÓA VIỆT.
Xin phép được trở lại với tiểu mục “Đình làng Nam bộ”. Về tài liệu Lịch Sử, Gia Định thành thông chí (嘉定城通志) hay Gia Định thông chí (嘉定通志) là một quyển địa chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) viết về miền đất Gia Định bằng chữ Hán cổ và chữ Nôm, là một sử liệu quan trọng về Nam bộ Việt Nam thời nhà Nguyễn.(6)
Sử liệu quan trọng nêu trên có đề cập đến Lễ Kỳ yên có nghĩa là lễ cầu an, là lễ tế thần Thành hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình thần ở Nam Bộ, Việt Nam. Đình làng ở Nam bộ mỗi năm có 2 lệ cúng: Thượng Điền (bắt đầu mùa vụ mới) và Hạ Điền (khi thu hoạch xong), Kỳ Yên có thể gộp chung với Thượng Điền hoặc Hạ Điền, cũng có thể một lễ riêng biệt tùy theo từng địa phương.(7)
Đây là lễ chính trong năm. Lệ phổ biến là 3 năm cúng lớn một lần, gọi là Đại lễ Kỳ yên (Tam niên đáo lệ Kỳ yên). Sách Gia Định thành thông chí chép lễ này như sau:
“Mỗi làng (ở Nam Bộ) có dựng một ngôi đình, ngày cúng tế phải chọn cho được ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, họ ở lại suốt đêm ấy, gọi là túc yết. Sáng ngày mai học trò lễ mặc áo, mão, gióng trống khua chiêng làm lễ chánh tế, ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong lui về. Ngày giờ cúng tế tùy theo tục từng làng không đều nhau, hoặc lấy tháng giêng cầu phúc gọi là Tế xuân; hoặc lấy tháng 8, 9 báo ơn thần là Tế thu, hoặc lấy trong 3 tháng mùa đông là tế tròn năm thành công. Tế chưng, tế lạp chạp là đáp tạ ơn thần. Việc tế đều có chủ ý chung gọi là Kỳ yên. Ngoài tế phẩm ra có mổ trâu, bò, và ca hát hay không ấy là tùy lệ từng làng, việc ngồi có thứ tự đều nhượng cho vị hương quan ngồi trên, hoặc làng nào có học thức thì làm theo lễ Hương ẩm tửu, cùng giảng quốc luật và hương ước, ấy gọi là làng có tục tốt. Cũng trong ngày ấy xét sổ sách làng coi trong một năm ấy thâu nạp thuế khóa, tiêu dịch, lúa tiền thiếu thế nào, ruộng nương được mất thế nào trình bày tính toán công khai; rồi cử người chức sự làm việc làng và cũng bàn giao chức vụ trong ngày ấy.”(8)
Tóm lại, theo Wikipedia tiếng Việt, điều đầu tiên mà người Lưu dân Việt nghĩ tới trong cuộc sống Mới sau khi định cư tại Nam bộ, trước tất cả mọi sự việc khác, là việc ngay tức khắc họ tiến hành xây dựng một ngôi đình.
Còn sử liệu quan trọng về Nam bộ Việt Nam thời nhà Nguyễn, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì khẳng định Mỗi làng (ở Nam Bộ) có dựng một ngôi đình.
Trong khi đó, “ nhà viết Sử” tự phong tự biên tự diễn Nguyễn Văn Lục của chúng ta thì lại quả quyết toàn bộ từ phía Nam Trung bộ trở đi không ai thấy dấu vết một cái Đình nào cả!
Giả thiết đã được đưa ra ở trên nhằm giải thích câu tuyên bố có vẻ ẤU TẢ của NVL là tình tình Rất CẨU THẢ của đương sự. Ngoài ra, có lẽ còn có một nguyên nhân Tâm Lý nữa kiểu “suy bụng ta ra bụng người” của NVL có thể giải thích thêm câu phát biểu ở trên: thật vậy, mỗi khi phải đọc những bài viết của NVL thì cảm tưởng nổi bật nhất toát ra từ Bài viết khiến chúng tôi liên hệ ngay đương sự với những người theo “Duy vật chủ nghĩa”. Nên nhớ rằng không phải chỉ người CS mới theo “chủ nghĩa Duy Vật”, vì rất nhiều người không phải CS trong thế giới ngày nay có khuynh hướng” Duy vật chủ nghĩa” kiểu NVL, mặc dầu ngoài miệng, họ có thể tuyên bố theo “đạo này” hay “đạo khác”!
Đó là lý do chính yếu khiến NVL không hiểu nổi Nội dung, Thực chất của Văn hóa Việt Nam cũng như Tâm lý của con người Việt nói chung, nhất lả Tâm lý của người Nông dân VN. Thật vậy, nếu giả thiết NVL nằm trong tình cảnh của người Lưu dân Nam bộ vừa đề cập ở trên, thì có lẽ “cái Đình” là điều CHÓT nhất mà NVL nghĩ đến, trong khi đó là điều“Ưu tiên” số MỘT của người Nông dân Nam bộ !
Tóm lại, vì Tâm lý “suy bụng ta ra bụng người” nói trên của NVL cộng thêm tính tình CẨU THẢ của đương sự làm nảy sinh Thành kiến cũng như khiến NVL hiểu sai Văn Hóa và Con người VN, nhất là người Nông dân Việt, mà hệ quả là NVL đã thốt ra một câu phát biều Rất Quái Đản toàn bộ từ phía Nam Trung bộ trở đi không ai thấy dấu vết một cái Đình nào cả! Hoàn toàn đi NGƯỢC LẠI với Thực Tế và Lịch Sử như vừa được chứng minh ở phần trên !
Thật vậy, trái với câu phát biểu “không giống ai” của NVL, vừa nêu trên, các Tài liệu mà các nhà Nghiên cứu tìm thấy trên Thực tế cũng như trong Lịch sử VN cho thấy rằng toàn bộ từ phía Nam Trung bộ trở đi người ta tìm thấy rất nhiều dấu vết về cái Đình Làng đến nỗi sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức khẳng định Mỗi làng (ở Nam Bộ) có dựng một ngôi đình.
Lý do Tâm lý khá dễ hiểu giải thích hiện tượng nêu trên là tại Văn hóa cũng như Con người VIỆT từ rất lâu đời đã theo “Tâm linh Sử quan”của DÂN TỘC chứ KHÔNG phải theo “Duy vật Sử quan” có nguồn gốc NGOẠI LAI như Nguyễn Văn Lục cũng như người csVN.
Vì vậy cũng trái với vế thứ nhất của câu phát biểu của NVL rằng không thể chỉ thấy một vài cái Đình ở ngoài Bắc …..thì một Tác giả khác đã tả tình trạng “Đình Làng”ở Bắc bộ như sau: đình làng được xây dựng trên khắp mọi miền quê ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ (9) :câu văn này có nghĩa là trên Thực tế cũng như trong Lịch sử của Dân tộc VIỆT, tại miền Bắc VN hiện hữu Rất,Rất Nhiều cái Đình chứ KHÔNG phải Một Vài Cái như NVL cố ý xuyên tạc !
Tác giả viết tiếp: “Đình làng thường được xây dựng trên một thế đất cao đẹp, trước mặt có dòng nước chảy hoặc hồ nước, xung quanh cây cối xanh tươi, vút lên là cây đa ngả nghiêng cùng với đất trời, biểu thị cho sức sống trường tồn của làng quê đất Việt. Một số đình làng thường được làm quay về hướng nam hướng được coi là đại cát, vượng khí, dân làng mới được bình yên, tránh được mọi rủi ro, hoạn nạn.
Ở từng làng quê, đình làng là ngôi nhà to, có kiến trúc đẹp đẽ và hoành tráng nhất, vượt lên giữa cảnh quan xóm, làng trồng lúa nước và một vành đai tre xanh ngút ngàn. Xuân thu nhị kì trong năm, đình làng hồi sống lại cái không khí lễ hội, để ai nấy tạm quên đi những mâu thuẫn trong cuộc sống thế tục, cùng nhau sống với không khí phấn khích, vừa náo nhiệt, vừa lâng lâng gợi cảm, như một điểm tập kết tinh thần làng mạc muôn thủa, xây đắp nên tâm hồn con người một tình yêu quê hương, đất nước. con người thiết tha. Đình làng vừa như điểm tập kết, vừa như điểm toả chiếu tâm thức và tình cảm con người, là trung tâm tín ngưỡng thờ Thành hoàng, trung tâm của bộ máy chính quyền quân chủ làng, xã, trung tâm cộng cảm, trung tâm giao duyên của tình yêu đôi lứa”(10)
Còn về Ý nghĩa Triết lý của cái Đình, Cố Triết gia Kim Định có viết: “ Cái đình có thể coi là đỉnh chót vót của nền văn minh Viêm Việt. Nền văn minh này đặt nền tảng trên gia đình, nhiều gia đình họp thành khu, xóm, ấp và đợt cuối cùng là làng. Nhà của làng là đình, và đến đấy là biên cương để gặp nền văn minh du mục Bắc phương được biểu thị từ trên mà xuống tức từ triều đình xuống đến tỉnh, phủ và đơn vị cuối cùng là huyện hay quận. Còn Tổng thì có thể coi như một tổ chức lưng chừng giữa hai bờ cõi văn minh và thường chỉ đóng một vai trò mờ lạt. Người đại diện thực cho dân là lý trưởng. Lý trưởng thu thuế và tuyển lính cho triều đình, cũng như hiện thực các chương trình của làng xã, nên lý trưởng mới thực là người nối hai văn minh du mục của Hán tộc và nông nghiệp của Việt Nho. Cũng như rất có thể chữ đình là nhà đại biểu cho Viêm Việt, còn triều là của Hoa tộc, hai văn minh hòa trộn thành ra triều đình.
Ta hãy trở lại văn minh Việt Nho để tìm hiểu những nét đặc trưng của nó. Đó là một nền văn minh dân chủ theo nghĩa trung thực nhất nghĩa là dân có cả tiếng lẫn miếng. Người xưa quen nói “miếng ở làng sang ở nước” cho nên chữ miếng ở đây nói lên cái gì có thực, ăn được, đó là thể chế bình sản. Cho nên làng trước hết là một đơn vị kinh tế trong đó kỳ mục bàn việc làm sao cho ai cũng là điền chủ, ít ra theo hiến pháp, còn thực thì có nhiều thời đại không đạt tới. Dầu sao có thể nói đặc tính thứ nhất của làng là bình sản.
Làng còn là đơn vị chính trị tổ chức theo lối dân chủ đặc biệt là trọng hiền mà biểu hiệu cụ thể là kinh nghiệm. Kinh nghiệm đi với tuổi tác, chữ Nho kêu là xỉ, nên gọi là trọng xỉ. Khác với trọng hoạn tức là trọng quan tước do ảnh hưởng Hán tộc, nên cũng nhiều làng trọng hoạn thay vì trọng xỉ, tuỳ theo hương ước mỗi làng. Trong thực tế thường là tham bám cả hai xuýt xoát như sau.
Mỗi làng có một hội đồng kỳ mục gồm hai ban: một thuộc kỳ hào, hai là ban chức dịch. Ban kỳ hào gồm các bô lão (trọng xỉ) và một số thân hào cùng những người đã đỗ đạt, đã làm quan… (trọng hoạn). Ban kỳ hào này tương đương với quốc hội lập pháp đặt bên cạnh hành pháp, tức ban chức dịch mà người đứng đầu là lý trưởng. Nói là hành pháp vì quả thực làng là một thứ nước, và ta có thể nói nước Việt Nam xưa là một nước liên bang mà mỗi bang có sự độc lập của nó, được nói lên qua câu “lệnh vua thua lệ làng”. Vua thua vì làng là một tiểu bang, mà lệnh vua chỉ đạt tới độ liên bang chứ không được đi vào nội bộ của tiểu bang, đây là đặc tính thứ hai: dân chủ.
Đặc tính thứ ba thuộc văn hóa và đây mới là điểm có thể nói là hợp thời hơn hết. Bởi vì cái đình là tiêu biểu cho nền văn hóa của Lạc Việt cách cụ thể và sống động nhất, tức nền văn hóa xây trên thái hòa, là hòa đất hòa trời, nói cụ thể thì hòa đời với đạo, hòa siêu nhiên với thiên nhiên”(11)
Tóm lại, nếu về mặt Kiểu thức theo Tác giả vừa đề cập ở trên, thì Đình làng Bắc bộ “thường được xây dựng trên một thế đất cao đẹp, trước mặt có dòng nước chảy hoặc hồ nước…..” , còn về khía cạnh Văn hóa, theo Cố Triết gia Kim Định, thì “cái đình là tiêu biểu cho nền văn hóa của Lạc Việt cách cụ thể và sống động nhất, mà hệ quả là ở khắp mọi miền quê đấtViệt, ở Bắc cũng như Nam bộ, tùy theo hoàn cảnh của nơi chốn liên hệ, mỗi cái Đình làng tiêu biểu cho Tấm lòng thành cùng với Nỗ lực của người Nông dân Việt luôn luôn hướng về “Quê Cha Đất Tổ” mà Biểu tượng Nguyên sơ nhưng Thâm sâu nhất là ĐỘNG ĐÌNH HỒ đã từ lâu trở thành “Quê hương Tinh thần” hay Sơ Nguyên Tượng của toàn thể Dân Tộc VIỆT !
Ngoài ra, ở phần trên, khi đề cập đến khuynh hướng Tín ngưỡng của Nguyễn Văn Lục, chúng tôi có viết: “Nên nhớ rằng không phải chỉ người CS mới theo “chủ nghĩa Duy Vật”, vì rất nhiều người không phải CS trong thế giới ngày nay có khuynh hướng “Duy vật chủ nghĩa” kiểu NVL, mặc dầu ngoài miệng, họ có thể tuyên bố theo “đạo này” hay “đạo khác”!” Và
“Lý do Tâm lý rất dễ hiểu giải thích hiện tượng nêu trên là tại Văn hóa cũng như Con người VIỆT từ rất lâu đời đã theo “Tâm linh Sử quan”của DÂN TỘC chứ KHÔNG phải theo “Duy vật Sử quan” có nguồn gốc NGOẠI LAI như Nguyễn Văn Lục cũng như người csVN”.
Do đó, chúng ta không nên lấy làm lạ khi thấy NVL thốt ra những lời sau đây:“ Chẳng hạn tu từ Hồn Nước là một phạm trù mà ngoại hàm của nó quá lớn bao trùm cả một nhân sinh quan, vũ trụ quan. Nại cái từ Hồn Nước chung chung mà thực tế không ai biết mặt mũi nó ra sao thì đó chỉ là lối suy luận áp đặt, một công cụ triệt hạ mọi ý kiến trao đổi.”(LVT viết chữ nghiêng và nhấn mạnh)(12)
Đối với Hồn Nước mà NVL đòi coi “mặt mũi nó ra sao” thì điều trên chứng tỏ đương sự “mất gốc”,”bật rễ” tới mức nào ?! Thật vậy, Hồn Dân tộc thuộc cõi Tâm Linh rất Tế vi Uyên áo chỉ những người thật Thành Tâm mới có thể “Thể Nghiệm” được mà thôi. Chứ những kẻ theo “Duy vật chủ nghĩa” như Nguyễn Văn Lục hay csVN thì làm sao mà có thể xem “mặt mũi nó ra sao” được!
Ngoài ra, vì NVL có nại đến Plato nhằm xuyên tạc Chủ thuyết An Vi & Việt Nho mà chính đương sự thú nhận đại khái rằng tuy có cố gắng đọc nhưng chả hiểu được bao nhiêu như Tôi thường nghe những lời tán tụng chung quanh các tác phẩm của giáo sư do các môn sinh của ông nói lại mà thực sự phần lớn tôi không nắm bắt được hết (LVT viết chữ nghiêng và nhấn mạnh)(13)
, do đó luôn tiện chúng tôi xin trích một đoạn văn trong tác phẩm “Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc” qua đó Cố Triết gia Kim Định cho rằng Cộng sản là cháu đích tôn của Plato. Ngài viết:
“Chính cái vũ trụ quan minh bạch đó đã dẫn Tây Âu vào hướng duy lý duy niệm mà nổi bật hơn hết là lý giới của Plato rồi tới các phạm trù vật thể của Aristotle truyền bá qua bao đời cho tới Hegel rồi Karl Marx. Cộng sản là cháu đích tôn của Plato. Thiên đàng cộng sản tính lập ở trần gian chính là lý giới của Plato: cái gì cũng được xếp đặt đâu ra đấy như một cái máy hết sức hữu lý, đầy vẻ khoa học, nên đã quyến rũ được bao nhiêu người. Nhưng đến bây giờ thì người ta đã nhận ra tai họa của nó rồi, của những câu nói mới đọc ai cũng tưởng là vô thưởng vô phạt, có biết được đâu rằng đó là những câu nói dẫn tới tai họa vong thân được diễn ra việc làm là con người giồn hết tâm lực vào lý giới mà bỏ bê trần giới. Lý giới của Plato biến thể ra các loại lý tưởng trừu tượng như tự do, nhân loại kiểu Mác xít”(14)
Ngoài ra, Thực dân hay Cộng sản, Hữu thần hay Vô thần, cũng đều là “Con Cháu” của Plato cả! .Ngài viết:
“Đứng về mặt chính trị thì người Việt cộng đuổi Pháp, hay trúng hơn là lợi dụng sự đánh đuổi Pháp của toàn dân Việt Nam, nhưng xét về ý hệ thì là kế nghiệp nên nhiều lần đã bắt tay với Pháp, cũng như Pháp đã bắt tay với Việt Minh để tiêu diệt các đảng phái quốc gia. Việc đó ai cũng biết nhưng có một điều không được lưu ý vì nó thuộc phạm vi triết lý: Trên bình diện ý hệ thì người Pháp chủ trương Hữu, người cộng sản chủ trương Vô. Thế mà Hữu với Vô tuy là đối cực như sáng với tối, nhưng lại đứng trên cùng một bình diện.” (15)Hoặc
“ Ông P.Mus đã ghi nhận sự bỡ ngỡ của nhiều người Pháp khi mới tới Việt Nam về điểm then chốt này là họ nhận thấy mình gần với cộng sản, và trong chiến tuyến vũ trụ cùng một phe, cùng chung một ngôn ngữ, tức là ý hệ nhị nguyên, chỉ khác có ngữ âm: Việt cộng dùng ngữ âm Mác xít, người Pháp dùng ngữ âm Descartes. Xem qua thì đối chọi như có với không, nhưng tựu kỳ trung lại thuộc cùng một dòng máu, có họ thâm sâu (parenté profonde)”(16)
Do đó, chúng ta cũng đừng lấy làm lạ rằng NVL có ‘khuynh hướng Duy vật” giống như csVN nên đối với Hồn Nước mới đòi xem “mặt mũi nó ra sao”!
Nguyễn Văn Lục viết tiếp: “Người nào đã kinh qua cửa trường học Platon thì đơn giản nhận ra đây là lối suy luận triết học của trường phái ngụy biện. Họ chú trọng đến phần tu từ học, phần luận thuyết có khả năng áp đảo người đối lập mà không quan tâm mấy đến nội dung bàn cãi.”
Đúng là Xuyên tạc! Nội dung phát biểu của NVL ở trên có thể là điều mà Socrates đã cáo buộc những người theo trường phái ngụy biện vào thời kỳ đó. Nhưng đến lược Socrates lại bị Nietzsche trách cứ và gán cho “tước hiệu” một biện sĩ tiên phong, một biện sĩ đầu sỏ bao gồm mọi khuynh hướng nguỵ thuyết về sau vì những lý do sau đây:
“Nietzsche cho rằng hồn sâu xa của Hy Lạp chịu ảnh hưởng của Đông Phương huyền bí nên cũng có một dòng huyền niệm đi liền với một dòng tư duy sáng sủa. Huyền niệm tượng trưng bằng thần Dionysos quan thầy của sự sinh, sự tử và phục sinh, của sự say mê và tiềm lực. Còn thần Apollon có tên là sáng láng, thần của yến hào quang, của hình thức với những đường cong rõ rệt. Hai thần đó luôn luôn giằng co cấu kết lấy nhau (tương tự như kiểu âm dương tương thôi của Kinh Dịch). Sự phối hiệp đó được tượng trưng bằng Bi kịch (tragédie) diễn tả những sức sống vươn lên trên đường chinh phục bất chấp đau khổ. Prométhée ăn cắp lửa trời bị trói ngửa trên đỉnh núi Caucase cho kền kền đến moi gan là tiêu biểu Dionysos, một thần bị đau thương bị tùng xẻo, nhưng nhờ có Nhạc cứu thoát và trả lại sự sống cho Prométhée. Đó là hồn Truyền Thống của Hy Lạp.”
Cái hồn ấy theo Nietzsche “đã bị một tân quỷ tên là Socrate bóp chết bằng tuyên dương lý trí: lấy ý thức sáng sủa minh nhiên mà xua đuổi năng lực ẩn tàng, do đó cũng xua đuổi luôn cả bi kịch tức cả thơ cả nhạc, và toàn bộ nghệ thuật. Thời đó giới trí thức Hy Lạp coi Socrate như một người phản dân tộc, phản Truyền Thống. Ý kiến đó đã kết tinh lại trong vở kịch “Dans les Nuées” của Aristophane. Strepsiade sai con là Phidéppide đến học phương pháp biện luận với Socrate để về cãi kiện cho khỏi trả nợ. Phidéppide đến học với Socrate và đã trở nên biện sĩ tài danh, không những đuổi được chủ nợ, mà tống cổ luôn được cả ông bố ra khỏi nhà nữa. Bấy giờ Strepsiade mới mở mắt ra tìm đến đốt nhà Socrate… Trong vở tuồng đó Aristophane giới thiệu Socrate như một biện sĩ tiên phong, một biện sĩ đầu sỏ bao gồm mọi khuynh hướng nguỵ thuyết về sau, cố ý chống đối Truyền Thống để đi nhận những thần tượng bấp bênh (biểu hiện bằng phù vân nuées) và xúi thanh niên đi vào con đường cá nhân buông thả”(17)
Ngoài ra, những Triết gia Thời Mới như Schopenhauer, Nietzsche, Jaspers, Heidegger….. cáo buộc Triết học Cổ điển bắt đầu với Socrates, đã đặt đối tượng bên ngoài đời sống, nên nay phải làm lại tự nền móng.
Nietzsche viết:” Đó quả là một tình trạng bạc nhược phân hóa xuất hiện dưới những hình thức văn chương sao chép và bác học để thu quén về từng đống những ý niệm tản mát mà không có đủ can đảm để yêu thích một triết học nào cách sốt sắng. “Une littérature d’épigones et d’érudition qui amasse en foule les notions disparates sans avoir le courage d’une préférence active” (Nietzsche, Andler, t.III, p.222). Điều đó chứng tỏ triết học đã sa đọa quá lắm, “là một triết học suy nhược khi không hướng dẫn và đôn đốc cho đời sống “une philosophie est vraie ou fausse suivant qu’elle est exaltation du progrès ou de la décadence de la vie” (Nietzsche, Durant 458).
Trạng huống đó các nhà triết học có nhận thức được chăng? Hay chỉ có những nhà tư tưởng lớn? Kể ra thì có lắm và sự nhận thức ngày càng lan rộng, cứ xem các cuộc hội nghị về Triết thì đủ biết. Thường hội nào cũng dành ra một quyển sách cho vấn đề khủng hoảng thuộc môn mình, như hội nghị quốc tế họp ở Bỉ năm 1953, đã dành quyển đầu cho vấn đề. Hội nghị thứ 16 bên Ý 1955 dành tất cả cho vấn đề khủng hoảng siêu hình.
Xem thế đủ biết rất nhiều người đã nhận thức, và cũng đã làm hết sức để thoát khỏi trạng huống bi đát. Nhưng tình trạng triết cổ điển gặp hai nỗi khó khăn này: một là sự ngự trị của triết học duy niệm đã quá lâu đời, nên nó đã trở thành một cái mà giáo sư Gusdorf gọi là “Lễ nghi trung cổ” phải theo, đi trật ra thì bị truất chức nghiệp (traité de métap, p.21) cho nên dẫu biết nhiều khi “triết học chỉ là một cái trò chơi của lý trí đặt bên ngoài cuộc sống cụ thể”, mà vẫn bó buộc phải theo.
Những người dám ra khỏi khuôn khổ, lăn vào đời sống như một Kierkegaard hay Nietzsche, Schopenhauer thường bị nghi ngờ. Tình trạng ngày nay rất lạ đời, một triết gia muốn làm ích cho đời thì cần phải khước từ triết học chính thức, càng thoát ly nhiều càng có thể trở nên ơn ích hơn, vì sự thoát ly đòi phải ý thức được thực tế.
Nhưng thoát được là chuyện khó. Trên kia tôi nhắc đến “lễ phép trung cổ” nhưng tại sao lại cần giữ như thế và đây là lẽ chính: chỉ vì chưa tìm ra được lối thoát, chưa ai đề ra một nền triết như mọi người đang khát mong trông chờ một triết lý không những có suy tư mà còn cảm nghĩ và sống được.
Bởi không tìm ra lối thoát, không kiến tạo nổi một nền triết lý đủ uy tín khả dĩ thay được cho các hệ thống trước, nên “lễ nhạc trung cổ” trở nên cần, và như vậy tất nhiên dẫn đến chỗ triết học thành triết sử, nghĩa là không có môn luyện triết lý, mà chỉ dạy cho biết ý kiến các triết học gia (information et pas de formation hl.doxographie cinématographique như lời Heidegger).(18)
…..
Để Kết luận, theo Nietzsche vừa đề cập ở trên cũng như những Triết gia lớn khác ở thời Cận đại như Jaspers, Heidegger…., Văn hóa Tây Phương nói chung và Triết Tây Phương nói riêng gặp phải vấn đề, tức vì những Sai lầm của các Tổ Sư : Socrates, Plato, Aristotle mà Triết Cổ Điển Tây Phương đã trở thành DUY LÝ khiến bị chặt đứt với Truyền Thống Tâm Linh, tức nguồn MINH TRIẾT Uyên Nguyên của Nhân Loại.
Đây chính là “Khúc Rẽ” tối quan trọng khiến sau đó, hai nền Văn Hóa cũng như Triết Học Đông – Tây đi theo hai con đường hoàn toàn khác nhau. Bên Viễn Đông, khác với những gì xảy ra bên Tây Phương, Truyền thống Tâm Linh vẫn tiếp tục,do đó sau cũng như trước Khổng Tử, Nho Giáo vẫn là một ĐẠO SỐNG. Và Nho Giáo thực sự Chính Truyền, tuy trở thành Triết Lý cả “Triết Học” nữa vì nhu cầu Phổ biến và Tổng hợp, nhưng nhờ không đánh mất mối liên hệ thâm sâu với MINH TRIẾT Uyên Nguyên, nên vẫn giữ được Khả Năng HƯỚNG DẪN Đời Sống trên nhiều ngàn năm.
Trái lại, bên Tây Phương, sau “Khúc Rẽ” trên, Triết học đã tách rời khỏi Minh Triết, để trở thành DUY LÝ, dưới hình thức một Tri Thức luận, một lãnh vực Chuyên môn, nên không có ảnh hưởng gì nhiều trên Đời sống: lý do là SỐNG có tính cách Toàn Diện chứ không chỉ giới hạn nơi Lý Trí (Duy Lý), vì Sống đòi hỏi không chỉ có Suy Tư mà còn biết Cảm Xúc cũng như cả Hành Động tiến tới Hiện Thực nữa.
Tóm lại, do tính cách Duy Lý của Triết Cổ điển Tây Phương mà hệ quả là nó quá đề cao Luận lý học Hình thức (Logique Formelle) đồng thời xao lãng Nội dung Minh Triết. Do đó, Học Triết KHÔNG có nghĩa là học tập Đạo Sống như bên Đông Phương, MÀ chỉ còn là học Lý Luận mà thôi !
Với Chủ thuyết An Vi & Việt Nho, Cố Triết gia Kim Định tiếp tục truyền thống ĐẠO HỌC Đông Phương nên tuy phát triển Chủ thuyết cho hợp với cảm quan của thời đại về khía cạnh hình thức, nhưng mặt khác Ngài vẫn nhấn mạnh đến nội dung Minh Triết hơn là Hình thức trình bày.
Có điều như Nguyễn Văn Lục thú nhận,tuy đương sự có cố gắng đọc nhưng chả hiểu được bao nhiêu, do đó sinh ra “mặc cảm” đồng thời có cảm tưởng Sai lạc rằng đối phương cố tình áp đảo mình về mặt luận thuyết cũng như không quan tâm đến nội dung bàn cãi, trong khi trên thực tế trong Bộ sách của Cố Triết gia có tràn đầy nội dung Minh Triết! Do đó, tha hồ mà bàn cãi nếu đương sự thực sự mong muốn và có khả năng.
Trở ngại nếu có, có lẽ ở tại Nguyễn Văn Lục đọc mà không hiểu mà thôi !
Lê Việt Thường
CHÚ THÍCH
(01) http://dcvonline.net/2016/03/07/nhung-van-de-lich-su-hay-su-quan-cua-nguoi-viet-su-3
/(02) https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%ACnh_l%C3%A0ng_Nam_B%E1%BB%99
(03) Idem
(04) http://vietnamvanhien.net/trietlycaidinh.pdf
(05) Idem
(06) https://vi.wikipedia.org/wiki/Gia_%C4%90%E1%BB%8Bnh_th%C3%A0nh_th%C3%B4ng_ch%C3%AD
(07) https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%85_K%E1%BB%B3_y%C3%AAn
(08) https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%ACnh_l%C3%A0ng_Nam_B%E1%BB%99
(09) http://bienphongvietnam.vn/lich-su-van-hoa/tin-nguong-ton-giao/330-tntg05.html
(10) Idem http://vietnamvanhien.net/trietlycaidinh.pdf
(11) http://dcvonline.net/2016/03/07/nhung-van-de-lich-su-hay-su-quan-cua-nguoi-viet-su-3/
(12) Idem
(13) Kim Định, “Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc”, THẾ ĐỨNG CỦA TRIẾT VIỆT http://vietnamvanhien.net/photuongdepnhatcuaviettoc.pdf
(14) Kim Định, “Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên”, IV KHI NGƯỜI C.S. GIẢI PHÓNG, Cố Năng Ái http://vietnamvanhien.net/HonNuocVoiLeGiaTien.pdf
(15) Idem
(16) Kim Định, “Triết Lý Giáo Dục” III.TRUYỀN THỐNG 2 Nietzsche: người nhận ra chỗ đứt dây Truyền Thống http://vietnamvanhien.net/trietlygiaoduc.pdf
(17)Kim Định, “Triết Lý Giáo Dục” II KHỦNG HOẢNG TINH THẦN 3 Bấm Mạch Triết Lý http://vietnamvanhien.net/trietlygiaoduc.pdf