Thỏa thuận Paris – Bước tiến đến tương lai tươi sáng của nhân loại
Thành công của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21 được đánh dấu bằng Thỏa thuận Parí lịch sử (Ảnh ucc.ie)
Sự kiện lịch sử này được coi là là bước đột phá trong nỗ lực kéo dài hơn hai thập kỷ qua của Liên hợp quốc nhằm giảm lượng khí thải gây ô nhiễm khiến nhiệt độ Trái Đất tăng lên, mở ra hy vọng mới cho hơn 9 tỷ người dân trên hành tinh.
Nỗ lực không mệt mỏi trên bàn đàm phán
Hội nghị COP-21 lần này đã chứng kiến những nỗ lực không mệt mỏi của 195 quốc gia thành viên nhằm đạt được một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mang tính lịch sử. Đã nhiều lần các nhà đàm phán quốc tế gặp nhau tại các hội nghị COP hằng năm của Liên hợp quốc với hy vọng đạt được một thỏa thuận, nhưng đã phải ra về trong thất vọng. Trong đó, thất bại của hội nghị COP-15, tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch vào năm 2009, đã để lại vị đắng khó quên với các nhà đàm phán và phần nào làm nhụt chí những ai phấn đấu vì một môi trường sống bền vững.
Tại hội nghị COP-17 tại Durban (Nam Phi) năm 2011, các nhà lãnh đạo thế giới thêm một lần nữa lại bỏ lỡ cơ hội, không thể đạt được một thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto, trong khi những tác động của biến đối khí hậu đã chạm ngưỡng không thể đảo ngược.
Được bắt đầu sớm hơn một ngày và kết thúc muộn hơn một ngày so với lịch trình (từ ngày 30-11 đến ngày 12-12-2015), để đạt được Thỏa thuận lịch sử, 195 nước tham dự COP-21 đã vượt qua chặng đường đầy khó khăn, thách thức. Gần hai tuần đàm phán đầy căng thẳng với các phiên họp kín kéo dài suốt đêm, cùng những cuộc tranh luận trong hành lang hội nghị cũng nóng bỏng, gay cấn và quyết liệt như tại phiên họp toàn thể. Nhiều điểm đã đạt được nhất trí và ghi nhận trong các phiên bản dự thảo của thỏa thuận vẫn có thể bị xem xét lại và chỉnh sửa trong các phiên bản tiếp theo. Chính những diễn biến này đã khiến khả năng thành công của hội nghị luôn là một ẩn số cho đến phút chót của ngày đàm phán cuối cùng.
Các chủ đề gây bất đồng lớn tại COP-21 là mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất, sự đóng góp tài chính và chia sẻ những nỗ lực cắt giảm khí phát thải giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Khoảng 100 quốc gia đòi kiềm chế nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đặc biệt là các đảo quốc như Comoros, Seychelles, Mauritius, Madagascar đang bị nạn nước biển dâng cao đe dọa. Tuy nhiên, mục tiêu này bị một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Saudi Arabia, Venezuela và Bolivia phản đối quyết liệt.
Một trong những vấn đề gây chia rẽ khác là cách hiểu khái niệm “trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt” được ghi trong thỏa thuận. Theo các nước nghèo, các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Canada… là những nước phát thải mạnh nhất khí gây hiệu ứng nhà kính, phải gánh vác “trách nhiệm lịch sử”, do trong quá trình phát triển công nghiệp trước đây đã sử dụng lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, gây ra tình trạng ô nhiễm nặng dẫn đến hiện tượng Trái Đất nóng lên. Chính vì vậy, các nước này không những phải đi đầu trong việc hạn chế khí thải, mà còn phải tài trợ cho các nước nghèo phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đầu tư vốn, công nghệ để giúp các nước này ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo các nước Nam bán cầu, đây là “vấn đề có tính sống còn”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar cho rằng, một thỏa thuận bền vững không thể được xây dựng trên cơ sở “pha loãng trách nhiệm lịch sử”, “đặt những người gây ô nhiễm là các nước phương Bắc và các nạn nhân là các nước chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu là các nước phương Nam trên cùng một cấp độ trách nhiệm”. Ngoài ra, các nước đang phát triển cũng kiên quyết không để việc cắt giảm phát thải ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, vì theo họ như vậy sẽ là không công bằng với các nước đi sau. Trong khi đó, các nước phát triển muốn các nước mới nổi cũng phải tham gia đóng góp tài chính. Cụ thể là Trung Quốc, nước có lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 25% tổng lượng phát thải toàn cầu, hoặc các nước như Brazil, Ấn Độ phải đóng góp tài chính do đều là những nước gây ô nhiễm nhất. Bên cạnh đó, hình thức hỗ trợ tài chính, cách thức phân chia vốn cho dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và cắt giảm phát thải cũng là những vấn đề tranh cãi.
Những bế tắc không được tháo gỡ trong vấn đề tài chính đã khiến Tổng Thư ký Ban Ki-moon hơn một lần phải kêu gọi sự thỏa hiệp và sự tham gia của các bên trên tinh thần xây dựng để đạt được đồng thuận. Theo ông Ban Ki-moon, lợi ích của mỗi quốc gia sẽ được phục vụ tốt nhất khi đặt trong lợi ích chung, bởi biến đổi khí hậu không không phân biệt biên giới của quốc gia nào.
Thỏa thuận lịch sử
Cuối cùng, sau 13 ngày đàm phán, Thỏa thuận Paris lịch sử về biến đổi khí hậu đã được đại diện 195 nước tham dự COP-21 thông qua. Sau đó, Thỏa thuận này sẽ được gửi đến Liên hợp quốc và được để ngỏ 1 năm. Vào ngày 22-4-2016, ngày Mẹ của Trái Đất, Thỏa thuận sẽ được chính thức ký kết.
Thỏa thuận sẽ được thực hiện sau khi 55 nước, chiếm 55% lượng phát thải CO2 toàn cầu gửi văn kiện về việc thông qua cam kết.
Theo Thỏa thuận Paris, lãnh đạo các quốc gia đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp, và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C. Để đạt mục tiêu này, thỏa thuận nêu rõ, thế giới phải khẩn trương giảm nhiều nhất có thể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tiến độ cụ thể được đặt ra là tới giữa thế kỷ này (khoảng sau năm 2050), thế giới phải đạt cân bằng giữa lượng khí phát thải do hoạt động của con người với khả năng hấp thụ của Trái Đất (nhờ rừng và đại dương) cộng với công nghệ “thu gom khí thải”.
Thỏa thuận Paris cũng nhấn mạnh, các quốc gia phát triển phải đi đầu trong giảm khí phát thải. Cùng với đó, các quốc gia phát triển sẽ cung cấp tài chính giúp các nước đang phát triển sử dụng năng lượng tái tạo cũng như tăng cường khả năng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra. Trong đó, các nước phát triển cam kết sẽ chi tối thiểu 100 tỷ USD/năm cho nội dung này, kể từ năm 2020, sau đó sẽ tăng dần và hai năm sẽ báo cáo một lần về mức đóng góp của mình.
Năm 2018, hai năm trước khi Thỏa thuận Paris bắt đầu có hiệu lực, các nước cần đánh giá tổng quan về tác động của những gì họ đang triển khai đối với việc ngăn ngừa tình trạng tăng nhiệt độ toàn cầu, từ đó đánh giá lại các kế hoạch cắt giảm phát thải carbon của họ vào năm 2020. Sau khi Thỏa thuận đi vào thực tiễn, kể từ năm 2023, cứ 5 năm một lần, Liên hợp quốc sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả tổng hợp về các nỗ lực chống biến đối khí hậu của các nước. Việc đánh giá này sẽ giúp các nước có thêm thông tin để “cập nhật và tăng cường” các cam kết của họ.
Các chuyên gia cho rằng, Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu đạt được tại COP-21 lần này là một thỏa thuận đầy đủ, mạnh mẽ và cân bằng với nhiều mục tiêu tham vọng. Đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử, là thành quả chung của các nước. Văn kiện này cho thấy tất cả các nước đã thể hiện thiện chí, tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết quốc tế, biết hợp sức nhằm biến thách thức thành cơ hội, mang lại động lực quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giúp thế giới tránh được các hậu quả khó lường do Trái Đất nóng lên.
Cộng đồng quốc tế hoan nghênh
Cộng đồng quốc tế đã đồng loạt bày tỏ hoan nghênh Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố: “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu. Ngày hôm nay, chúng ta cuối cùng cũng có thể nói với con cháu chúng ta rằng, chúng ta đã chung tay cho việc để lại một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau”.
Với tư cách là nước chủ nhà đã có nhiều đóng góp quan trọng cho thành công của COP-21, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhấn mạnh: “Ngày 12-12-2015 là một ngày tuyệt vời đối với Trái Đất. Trong nhiều thế kỷ, đã có hàng loạt cuộc cách mạng ở Paris, song đây là cuộc cách mạng đẹp và yên bình nhất mà chúng ta có, cuộc cách mạng về biến đổi khí hậu”.
Từ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi thỏa thuận khí hậu đạt được tại COP-21 là “mạnh mẽ và mang tính lịch sử”, là “cơ hội tốt nhất” để bảo vệ Trái Đất trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ông Obama cũng nhấn mạnh đây là “một bước ngoặt đối với thế giới”, một cơ sở giúp thiết lập khuôn khổ bền vững để đối phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời cho thấy những cơ hội đầu tư, đổi mới và sử dụng năng lượng sạch ở quy mô chưa từng thấy.
Trong khi đó, phát biểu khi kết thúc hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ca ngợi đây là một chiến thẳng lớn dành cho người dân toàn thế giới, chứ không chỉ riêng quốc gia nào. Theo ông Kerry, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là một hiệp ước về chống biến đổi khí hậu toàn cầu có tham vọng mạnh mẽ nhất từng được đàm phán. Không giống các thỏa thuận khác, thỏa thuận Paris có khả năng thực hiện thành công bởi nó có sự tham gia của tất cả các nước.
Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng là hai nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất trong số sác nước đang phát triển, đều hoan nghênh thỏa thuận lịch sử tại Paris, cho rằng đây là bước tiến đến tương lai tươi sáng hơ…..
Thỏa thuận tại COP-21 cũng được nhiều nhà khoa học và các nhà hoạt động môi trường hoan nghênh, coi đây là một bước tiến chính trị lớn trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. Song một số ý kiến cũng cảnh báo về một lỗ hổng, đó là thiếu một lộ trình chi tiết cắt về giảm khí thải nhà kính.
Các nhà phân tích cho rằng, COP-21 đã thành công, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã nâng mối quan tâm và các cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu lên cấp độ mới, cao hơn, rõ ràng hơn. Nhưng, để bảo đảm những cam kết trở thành hiện thực, vẫn cần sự nỗ lực nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn của tất cả các nước./.
Tôn Nữ (tổng hợp)
(Nam Sơn chuyển bài)