…..

THỜI ĐẠI DÂN TỘC

Lương Kim Định

…..

.….Trước đây lối vài chục năm mà nói đến dân tộc thì dễ bị coi như người cổ lỗ, đi bàn những chuyện trái với đà tiến của loài người đang cần vượt qua mọi giới mốc của làng của nước để băng mình vào đại dương nhân loại, để cho tình yêu con người không còn bị ràng buộc trong những giới mốc nhỏ hẹp…vvv…

…..Trái lại ngày nay đã có rất nhiều học giả, triết gia nhận ra chính đó là một hướng tiến tai hại cần phá đổ và dồn sức vào việc bênh vực không những dân tộc mà còn cả những đoàn thể nhỏ làm nên quốc gia như làng xã, gia đình, vì đấy là những gốc rễ thực sự của dân tộc, mà thiếu nó con người dễ trở nên đoàn lũ(*) tức những con người thiếu phẩm tính rất dễ bị thác loạn tinh thần, và dễ dàng trở nên những con vật ngoan ngoãn để nhà nước chăn nuôi trong những chuồng trại khổng lồ. (**)

* Đoàn lũ: Bọn, bầy, tiếng gọi một tốp đông với giọng khi dể: Kéo đoàn lũ tới (Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức). Ở đây, tác giả muốn ám chỉ người dân sống vô vọng dưới sự cai trị khắc nghiệt, vô nhân của các chế độ đọc tài toàn trị như chế độ cộng sản.
** Nên đọc quyển sách thời danh “A human economy” của Witten Ropke, Indianapolis, 1971.

     Chính vì thế mà xưa nay những chủ thuyết mở đường cho chuyên chế thường coi khinh dân tộc, và tìm được cách dìm xuống nếu không phá đổ mọi liên hệ gia đình, làng xã, như ta thấy trong “tam vô” của cộng sản thì vô gia đình đứng đầu rồi tới vô quốc gia. Vì một khi con người bị nhổ ra khỏi vòng tay của quê hương dân tộc thì liền trở nên cá nhân trơ trọi từ trong tâm trí, không còn hiến thân tâm cho ai hay lý tưởng nào. Thế là đảng và nhà nước tha hồ tuyển chọn cán bộ.

     Đến nay nhiều triết gia, tâm lý gia mới nhận ra rằng một khi con người mất gốc dân tộc thì ví được với những người bị đắm tàu lạc lõng trên đảo hoang vua không nhà, không bến nước để tới. Tâm bệnh trên thế gới hiện đang gia tăng trầm trọng thì căn do sâu xa chính là vì mỗi ngày con người đang bật mạnh ra khỏi rễ dân tộc. Người ta nhận xét rằng những dân sống trên các đảo Thái Bình Dương chết dần mòn gần tuyệt chủng thì không hẳn vì bị tiêu diệt, mà chính vì họ bị tước đoạt những giá trị dân tộc, những cái làm nên phẩm giá, làm nên sinh thú cho cuộc sống đáng sống.

     Đã một dạo nhiều người cổ động cho thuyết cần vứt bỏ mọi liên lạc với dĩ vãng, nhưng nay khi nhìn bao quát sử trình của nhân loại người ta nhận ra một sự trái ngược với niềm tin tưởng trên tức là những dân, những thời đại đã đưa nhân loại tiến bước mạnh nhất, thì bao giờ cũng đi kèmvới những cái nhìn sâu sắc về dân tộc, cái nhìn càng sâu sắc thì cuộc cách mạng càng trung thực càng ơn ích. Lý do là vì những người làm nên cuộc cách mạng đó tỏ ra rất hùng tráng, không những nhìn xa về tương lai mà vẫn còn đủ sức nhìn rất sâu về dĩ vãng, để rút kinh nghiệm bảo đảm cho tương lai. Nhờ sự nhìn sâu về nguồn gốc văn hóa dân tộc họ tìm ra được cái lõi, cái nhân đã làm cho dân tộc hùng cường, chứ không dừng lại ở đợt phục cổ, nô lệ cho những ngành ngọn cũ kỹ, vì thế phải kết luận muốn xóa bỏ mọi dĩ vãng của dân tộc để quay ra vọng ngoại đi tìm lối tiến lên bên ngoài dân tộc là dấu sắp tàn. Sở dĩ cộng sản đã thắng ở bên Tàu hay Việt như nay là vì trong lúc giao thời ở đầu thế kỷ này đã thiếu một nền học về dân tộc một cách sâu sắc. Lúc ấy tuy cũng có những cố gắng thử thách nhưng chưa vượt qua đợt văn học về phong tục, tập quán, định chế. Còn thời gian thì thường dừng lại ở quãng Lý, Trần, nếu có nhắc đến thời Hùng Vương thì cũng sơ sài, không ai nhìn ra được giá trị vô biên trong những truyện tản mác: sách ước gậy thần, 18 đời Hùng Vương, nứơc chia 15 bộ mà chỉ loay hoay đi tính quãng thời gian, sưu tầm tên 15 bộ ở chỗ nào, nghiên cứu xem có dân nào hai ngón chân cái giao nhau, có người đàn bà nào đẻ nổi một trăm trứng v.v… mà không biết vượt lên cao hơn để thấy rằng đó là những ấn tích chỉ lối đưa đến kho tàng văn hóa dân tộc. Thế là ồ ra đi rước cái thuyết ngoại lai về, thiện chí là muốn giúp nhà giúp nước mà kết quả là làm hại dân hại nước đến cùng cực. Chỉ cần so sánh giá trị các nhà lãnh đạo chính cống được un đúc nên do tinh thần dân tộc với những nhà “lãnh đạo” ngày nay được nuôi dưỡng bằng văn hóa ngoại lai thì đủ thấy khác nhau cả một vực một trời.

     Đấy là một lỗi lầm chí tử mà thế hệ chúng ta phải trả giá. Bây giờ có than khóc cũng vô ích. Chỉ còn phải làm thế nào để trả giá một cách thông minh, tức từ bỏ con đường lưng chừng để đi đến cùng cực con đường dân tộc. Đó là một hướng đã được khởi lên từ chừng một trăm năm nay. Nó ở tại nhìn bao trùm con đường tiến của loài người, rồi dùng cái đích chung của nhân loại đó làm tiêu chuẩn chắt lọc các giá trị của dân tộc. Bộ “Triết lý An Vi cũng đi theo lối đó khi đề ra những chặng tiến của loài người là:

Bái vật *
Ý hệ*
Tâm linh (*)

(*) Đó là ba chặng rút ngắn mà chúng tôi đã trình bày trong quyển Nguyên Nho theo trực thị. Đến sau, khi càng nghiên cứu càng thấy những triết gia lớn hoặc tâm lý gia đề nghị những nấc thang tương tự trong các triết gia như August Comte, Grasset, Herder, Vico… tuy số chặng và danh từ có khác nhau, nhưng ý hướng chung thì như nhau, nhất là chặng cuối cùng đang cố gắng vươn tới. Nhưng về danh từ và thực chất thì bộ ba trong “Triết lý an vi” gọn gàng và đầy đủ hơn cả.

      Và do đấy mới nhận ra ra rằng với Việt nho thì con đường đi về dân tộc cũng chính là con đường đi về nhân tộc, tức đi đến chỗ cao quý nhất mà những phần tử ưu tú của loài người đều cố gắng hướng về. Dưới ánh sáng tâm linh chúng ta sẽ thích thú nhận ra rằng văn hóa của Việt Nam cổ đại là một kho tàng vô giá, quả là quê hương của văn hóa trung thực mà huyền sử kêu là Văn Lang. Chúng ta sẽ nhận ra rằng với Việt Nam thì con đường đi về dân tộc cũng chính là con đường dẫn về nhân tộc, tức là con đường đưa đến sự nảy nở bản tính con người về hết mọi phương diện, đến nỗi những bước tiến vượt bực hiện nay trong phương diện khoa học (vi thể, uyên tâm) lại trở nên những bản khải hoàn ca của triết lý Việt nho. Chính vì thế cuộc nghiên cứu về dân tộc nước nhà cũng lại là sự đóng góp vào cuộc cách mạng chân thực mà con người hiện đại đang mong ước.

     Đấy là mấy lời báo hiệu cần thiết và đầy hứng khởi cho chúng ta hiện là những con người đang mất hết, và đang lăn mạnh vào hố của đoàn lũ, của những con người vô phẩm tính vì bị trốc gốc, nên sẽ là những ứng cử viên tốt nhất cho tâm bệnh. Nếu thiếu một cuộc bừng tỉnh thì không bao lâu người Việt đang sống rải rác khắp nơi sẽ tản mác mất hút vào các địa phương cư ngụ, và trở nên một giống vô loài chẳng ra cái chi hết, vì thế cần một cuộc bừng tỉnh.

     Hãy làm lại cuộc đời.

     Hãy kiến tạo lại một nước Việt Nam mới.

     Một Việt Nam xứng danh là Văn hiến chi bang.

     Một Việt Nam đi đầu trên con đường tiến hóa.

     Cuộc khủng hoảng hiện đại của nhân loại chính là một cuộc khủng hoảng về văn hóa mà chưa tìm ra lối thoát. Chúng ta hãy trùng tu nước Văn Lang.

     Hãy thiết lập một sợi dây tinh thần văn hóa mạnh mẽ để ràng buộc đoàn người Việt.

     Hãy nhổ người Việt ra khỏi đoàn lũ.

     Hãy làm cho mọi người Việt ý thức về dân tộc mình, về nguồn gốc nước Văn Lang cao quý.

     Đừng để một tâm hồn Việt nào cô đơn vất vưởng bên ngoài dòng sông của văn hóa dân tộc. Nên nhớ cộng sản đã không truyền bá mạnh trên những dạ dày trống rỗng cho bằng những tâm trí cô đơn.

     Hãy đặt mọi người Việt vào đường hướng văn hóa dân tộc, để mọi người có một chủ đạo mà theo.

     Hãy kiến tạo ngay một lớp kẻ sĩ mới, kẻ sĩ đúng tinh thần dân tộc, thay vào lớp “lãnh đạo” đồ bỏ của lớp trí thức vừa qua. Hỡi những tâm hồn còn máu văn hiến Tiên Rồng hãy đoàn kết lại.

     Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa dân tộc, lôi cuốn về cùng một mối tất cả con dân Việt đang sống bơ vơ trên khắp hoàn vũ.

     Đó là một nghĩa vụ thiêng liêng mà lúc này hơn lúc nào hết, mọi người Việt cần phải nghĩ tới. Đành rằng hiện nay có thể nói hầu như không ai không mong ước điều đó, nhưng phần lớn mới là một ước mong vu vơ chưa kết tinh vào được một việc cụ thể nào. Cần phải đi mạnh hơn vào đường hành động. Tuy việc cứu dân tộc đất nước là việc quá lớn lao phiền tạo nhưng ta có thể quả quyết rằng: bước làm được ngay và hết mọi người đều làm được là quay về học hỏi về nguồn gốc dân tộc hoặc về văn hóa dân tộc. Đó là một trong những con đường gây dựng và củng cố tình tự dân tộc. Hãy cố trở nên văn hiến, những người hi hiến thân tâm cho việc phục quốc, cho việc kiến tạo một nước Việt Thường vẹn toàn không những chính trị mà luôn cả văn hóa bằng cách, trước hết làm cho lớn mạnh sợi dây linh thiêng ràng buộc mọi người Việt khắp nơi. Đó là điều có thể làm liền, và đó cũng là bước sửa soạn cần thiết cho các bước sau được thêm vững.

     Chính trong ý hướng đó chúng tôi đã cố đóng góp vào việc chung kia bằng cách thâu tóm mọi suy tư sưu tầm trong hơn 30 năm qua vào hai quyển: KINH HÙNG KHẢI TRIẾT SỨ ĐIỆP TRỐNG ĐỒNG

     Đó là hai sách bao gồm những kinh nghiệm sâu xa của nhiều ngàn năm thuộc Văn Lang Lạc Việt quy tụ chung quanh Trống Đồng, cũng như các truyện cổ tích của Bách Việt cùng với những thám quật mới nhất không những ở Việt mà cả bên Tàu và vùng Đông Nam Á Thái, Miên, Lào, Nam Dương. Hiện nay đây là những đề tài đang được chú trọng và bàn luận rất nhiều, tuy nhiên nói chung mới đi hết chặng đầu là sưu tầm, tả lại, tìm hiểu v.v… còn thiếu bước hai và ba.

     Bước hai là tìm ra mối liên hệ nằm ngầm nối kết những dữ kiện tản mác kia lại thành một hệ thống ràng buộc với nhau trong một số cơ cấu uyên nguyên. Có như vậy mới đi sâu hết chỗ có thể đi và việc học hỏi mới trở nên một nền triết lý, một khoa học tạo căn cứ cho những câu nói liên hệ, vì nguồn gốc là cái gì u uẩn xa xôi mất hút vào đêm thời gian dễ dàng trở nên những câu nói vu vơ cần được cơ cấu tạo cho những tiêu điểm vững vàng.

     Bước ba là từ những cơ cấu kia lại quảng diễn ra bằng ngôn ngữ thời đại, mà đường lối hữu hiệu hơn hết là “tỉ giáo đối chiếu”. Đối chiếu các văn hóa khác nhau trên cấp bậc cơ cấu sẽ giúp rất nhiều để thấy rõ hơn tại sao lại nói Việt Nam không những có triết, mà còn là một nền triết vững nhất và đang được nhân loại đi tìm mà chưa tìm ra.

     Đó là hai bước còn thiếu mà Kinh HùngSứ Điệp Trống Đồng cố gắng đi vào. Vì vậy đó là những sách mới hẳn cả về thể tài lẫn phương pháp, tóm lược theo một khía cạnh riêng biệt tất cả tinh hoa của dân tộc (Việt Lý cũng như Đạo Nho) mà mỗi người Việt đời mới cần phải biết đến. Đó là bó đuốc cần thiết cho đoàn người Việt đang tan tác cả trong thể xác lẫn tâm hồn.

Việt Nam Văn Hiến Muôn Năm!

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm