…..
Thua chim hậu điểu
Bình-nguyên Lộc
…..
Ông Nông rời phố của ông, đi ra đại lộ rồi thì chẳng còn biết làm gì nữa hết. Nhưng rồi ông bỗng biết phải làm gì. Một chiếc xe bớt chạy gần tới trạm, chỗ ông tình cờ đứng lại. Ông đợi xe ngừng rồi thót lên đó. Bây giờ thì lại bí nữa. Ta đi đâu đây nè ? Ừ tại sao ta lại không ra Sắc-tô ? Sắc-tô là lối nói lười biếng của dân ở Cao-ty Sacramento, thủ phủ của bang Cali.
Ông Nông yêu cái thành phố đó lắm. Từ ngày sang đây ông không có xe, lại đang thời kỳ dưỡng bịnh, nên ông chưa đi chơi xa được. Mặc dầu vậy, ông cũng đã có dịp thấy vài thành phố to của bang. Những nơi ấy đã làm cho ông chán ghê lắm. Cái gì mà cứ nhà lầu cao tầng, rồi lại nhà lầu cao tầng, chẳng hề thấy được một cây xanh. Nhưng Sacranlento thì tuyệt diệu, ở đó có lắm con phố giống hệt ba con phố ở Sài Gòn là Hồng Thập Tự, Gia Long, Lê Thánh Tôn, với nhưng tàn cây giao nhành lại với nhau trên đầu khách đi bộ. Cây đó không phải là cây me của ba con phố Sài Gòn nói trên, cây gì ông chẳng biết tên, nhưng lá cũng nhỏ như lá me, lá nhiều quá, che hết ánh mặt trời, và đường phố mát rượi. Thú vị nhứt là cái công viên nằm ngay sau Captitol, to và đẹp hơn Tao Đàn của Sài Gòn nhiều. Tất cả những thứ ấy đều cho ông thoáng thấy hình bóng mơ hồ của cái Sài Gòn xa tít mù khơi ở bên kia Thái Bình Dương.
Mất nửa tiếng đồng hồ xe bớt, từ ngoại ô Phe Óc của ông để đến đây. Ông Nông rời xe công cộng rồi thả bộ trên phố L. Ông hơi bất mãn vì cái tên của con phố nầy. Nước Hoa Kỳ đâu có thiếu danh nhân. Nhưng không rõ vì sao mà ở các thành phố lớn, tên phố cũng cứ là A, B, C, D, hoặc 1, 2, 3, 4. Phải chi họ đặt tên cho phố nầy là Edgar Poe, thì có phải là nên thơ hơn chăng ? Thành phố nên thơ, còn tên phố thì lại hơi mùi khoa học và toán học.
Ông Nông nghĩ đến thơ, rồi sanh hứng, vừa đi vừa nhại đùa thơ của Nguyễn Năng Tiến, ông ngâm lầm thầm:
Chiều về trên đất lạ
Nghe toàn tiếng Ang Lê,
Họ nói gì bậy bạ
Sao khó hiểu thấy mẹ.
Không được ổn lắm, vì đây là một buổi sáng thứ bảy trong tuần, chớ không phải là chiều. Nhưng tác giả đã viết là Chiều, ông chẳng biết sửa đổi sao cho nó hợp với thời gian, thôi thì đành cứ cho là chiều vậy. Ông tiến đến một bãi xe bớt rất kỳ lạ. Bãi nầy là một ngôi nhà lớn minh mông, chớ không phải là bãi lộ thiên như bao nhiêu bãi xe bớt khác. Lần đầu đến đây, ông cứ ngỡ đó là một kho xe. Mãi về sau ông mới hay rằng đó là bãi đậu. Mấy mươi chiếc xe khổng lồ đều mở máy một lượt, nhưng hành khách thì chỉ có vài mươi người; nếu họ lên một chiếc xe độc nhứt, thì chiếc xe ấy chỉ đầy có phân nửa thôi. Nhưng kỳ lạ quá. Mỗi người lên một chiếc khác nhau. Họ đi đến nhiều nơi chăng ? Không. Xe nào cũng có treo thêm bảng vào với chữ RENO to tướng. Reno ở tận tiểu bang Nevada lận kia mà.
Khách Mỹ đen đông hơn Mỹ trắng, và kỳ lạ thay, trong đám đó có một phụ nữ da vàng, đi riêng một mình và tới nơi hơi trễ, chưa kịp lên xe. Nhưng người ấy, dáng hấp tấp, bỗng dừng bước đột ngột, nhìn ông, rồi kêu lên:
– Anh Nông.
– A, a à… thì ra cô Tâm.
– Ừ, còn nhớ há ?
– Bất ngờ quá, nên thoạt tiên quên đi.
– Thôi, em không đi nữa, nói chuyện với anh cái đã.
– Bậy nào, thì cứ đi đi chớ, sẽ gặp lại nhau kia mà.
– Xe nầy, ba hôm nữa mới trở về đây, không đi thì là mất đi trong tuần nầy. Nhưng mặc kệ.
– Đi chuyện không quan trọng hả ?
– Chuyện chết sống ấy chớ, nhưng không sao.
Xe đã từng chiếc lùi ra phố. Nhưng vẫn còn nhảy lên kịp lúc. Nhưng người quen ấy đã quyết định không đi
– Anh ở đâu ?
– Ở ngoại ô Phe óc.
– Té ra cũng gần đây. Qua đây từ bao lâu rồi ?
– Ba tháng, còn cô ?
– Gần sáu năm.
– Ừ, tôi lú lẫn rồi. Năm đó, cô đi rồi thì tôi hay tin ngay. Nhưng không thấy thư về.
– Có còn ai nữa đâu ở bên ấy để mà gửi thư. Bạn hữu thì chưa chắc họ ở lại, như anh chẳng hạn.
– Nhưng tôi ở lại.
– Cán bộ nằm vùng hả ?
– Tôi là cố bạn nằm vạ. Đừng có chụp mũ, chẳng ai sợ ai đâu.
– Nói chơi mà.
– Tôi cũng chỉ đùa thôi. Ta có nhiều chuyện để nói với nhau. Cô đi bộ lại khu á Đông tị nạn nổi hay chăng nè ? Tôi rất thèm một cốc cà phê phin mà chỉ ở đó mới có thôi. Cà phê Huê Kỳ dở khẹt.
– Nổi chớ, chính nhà em ở đó.
– Thế ta đi vậy, nhưng nếu có mỏi chơn lắm, tôi gọi tắc xi.
– Không nên, ta gọi họ, 15 phút sau họ mới đến nơi nầy, thì ta đã rụt giò rồi. Ý, mà đã có xe kìa.
Cô Tâm đưa tay ra, một chiếc Toyota sơn đỏ rà thắng rồi đậu lại. Hai người mau bước tới nơi xe đỗ, và ông Nông thấy người lái xe là một thanh niên khá bảnh trai. Cô Tâm yêu cầu:
– Cậu đưa chúng tôi lại khu D. nhé!
– Rất sẵn lòng. Bữa nay chị không đi sao ?
– Có khách là ông nầy.
– Xỉn chào. Thanh niên nói.
– Chào, ông Nông đáp lễ.
Năm phút sau, chiếc xe đã trút khách xuống chạy mất. Lúc vào hiệu, cô Tâm hỏi:
– Anh đã ăn sáng chưa ?
– Rồi.
– Vậy ta uống cà phê phin. Ở đây có bánh khọt.
– Vậy à ? Nhưng tiếc là đã khá no. Lần sau, tôi sẽ ăn sáng ở đây. Nhưng họ đào đâu cho ra khuôn bánh khọt ?
– Ai biết đâu.
Đôi bạn rình những giọt thuốc Bắc đen thui rơi xuống đáy ly, dưới ấy đã có sẵn sữa đặc.
– Hiệu ông Thọ, cô Tâm cười nói, y như ở Chợ Lớn. Mỹ họ cho ta uống sữa tươi dở khẹt mà sữa bột Cơ-rim-me cũng dở khẹt.
– Ừ, nên tôi thèm cà phê Việt Nam lắm. Thế nào cô ? Cũng cứ nghề cũ hả.
Cái nghề cũ của cô Tâm là nghề làm chủ hụi. Đây là nuột chủ hụi hạng gộc ở Sài Gòn, một tay cầm đến mười mấy cái hụi, các tay em đóng cho cô nầy mỗi tháng, ít lắm là một ngàn bạc, và mỗi tháng cô thâu về trên hai trăm ngàn bạc, và cô hưởng tiền đầu, mạt lắm cũng mười mấy ngàn. Ông Nông quen với cô ta vì ông cũng là một tay em, nhưng ông hốt hụi chịu lời cắt cổ còn cô nầy làm chủ thì khỏe ru, ngồi không ăn tiền.
– Nghề cũ làm không được nữa, ở đây, đa số là người Lào, người mình hiếm lắm.
– Đã lập gia đình lại chưa ?
– Chưa bao giờ !
– Tại sao ?
– Tại thiếu đàn ông !
– Cô có nói đùa hay không ? Ở xứ nầy thì trong các cộng đồng người mình, có nạn âm suy dương thịnh ấy chớ.
– Quả thật là họ thịnh, nhưng họ lại không nuôi nổi vợ con.
– Họ không nuôi nổi một bà chủ hụi, chớ vẫn nuôi nổi nội trợ chớ.
– Ngay từ thuở ở bên nhà, em đã không đủ can đảm làm nội trợ, như anh đã biết.
– Vậy là cứ cô đơn ?
– Cô đơn lắm.
Ông Nông nhìn lại người bạn cà phê. Cô ta dễ thường đã trên bốn mươi lăm tuổi rồi nhưng trông rất khả ái, và chưa đến nỗi béo lắm. Vậy mà cứ phải chịu cô đơn. Hồi đó cô ta đẹp lắm, có chồng cũng bảnh, chồng cô ta qua đời rồi thì cô ta phải chịu cô đơn từ năm ba mươi, cũng chỉ vì không có người hùng nào dám gánh con người chỉ thích ngồi không nầy. Ông hỏi:
– Nhưng sinh kế ra sao ?
– Em ăn Oeo phe, nhưng không con, nên mỗi tháng chỉ được trên hai trăm bạc thôi.
– Rồi làm thế nào cho đủ ?
– Vì thế mới đi Reno.
– Trên ấy là mỏ vàng hay sao ?
– Mỏ đô la đó. Anh còn nhà quê, chưa biết Reno là gì sao ?
– Chưa.
– Là một sòng bạc rất lớn đang cạnh tranh với Las Vegas một cách ráo riết.
– Nhưng chỉ có hai trăm trong túi thì kiếm tiền sao đuợc ?
– Ấy vậy mà được.
– Bằng cách nào ?
– Đi lên đó, họ bao tiền xe.
– Mấy chiếc xe bớt khi nãy đó hả ?
– Ừ. Họ bao tiền xe, bao khách sạn và cơm nước hai ngày hai đêm, lại còn tặng ta bốn mươi đô la để uống nước mà không bắt buộc phải đánh bạc.
– Ai bao ?
– Sòng bạc Reno chớ ai.
– Họ có diên hay không ?
– Họ khôn bán trời đi anh ơi. Trong hai mươi đứa đi, thế nào cũng có hai đứa nhiều tiền và đâm đầu vào sòng bạc cho họ lắc túi. Chỉ lắc hai đứa đủ nuôi 50 đứa như tụi nầy.
– Nhưng sao xe nhiều mà khách lại quá ít ?
– Từ đây sang tới Reno, có biết bao nhiêu là thành phố. Mà đừng nói chi là thành phố, đi một lát là tới ngoại ô Cordova. Xe đậu ở đó thì dân cờ bạc ở khắp các ngoại ô, như ngoại ô Phe Óc của anh, cũng đổ xô về Cordova để lên xe, rồi thì tới ngoại ô Sunrise, ngoại ô Folsom, rồi thì tới thành phố Placeville và thành phố Lắc Ta Hô. Ở Lắc Ta Hô cũng có một sòng bạc loại bỏ túi. Lắm chuyến không đủ chỗ ngồi, khách phải ở lại. Họ tổ chức mỗi tuần một lần. Mỗi tháng em đi bốn chuyến, đỡ được tám ngày cơm nhà, và lãnh thưởng được một trăm sáu chục đô. Em ở trọ với một gia đình người Lào, họ lấy rất rẻ, nên cũng tạm đủ ăn. Kiếm được trên bốn trăm là tạm đủ sống rồi.
– Nhưng ngày kia Oeo phe bị cúp thì sao ?
– Trời sanh voi thì sanh cỏ, hơi nào mà lo.
Cà phê sữa, sữa rất nhiều, sao lại đắng thế. Đó là cái đắng nơi lòng ông Nông. Ông chẳng còn biết nên cười hay nên khóc trước tiết lộ nầy. Và ông lại nhìn lại người đàn bà mà dung nhan còn khá tươi kia. Mặc dầu cô ta bê bối như thế, nhưng không hiểu sao, ông lại muốn yêu cô ta. Được hay không ? Dư sức mà. Cô ta chẳng than đang cô đơn là gì ?
– Còn anh, em chưa hỏi gì về anh hết ?
Ông Nông nói dóc vì ông có hai ý:
– Cũng tạm được, đủ nuôi một bà không xài to lắm.
– Đã gặp mắt xanh nào chưa ?
– Mới gặp từ nãy đến giờ.
– Nữa, xạo hoài. À nè anh, em đã thi đậu rồi.
– Đậu kỹ sư hay bác sĩ ?
– Em sắp được nhập Mỹ tịch.
Hồn của ông Nông thình lình như thoát khỏi xác của ông:
– Vậy là hội nhập ?
– Hội nhập là gì ?
– Ừ, là… ơ hơ… .
Ông Nông đã mất hồn. Loài chim hậu điểu, như con tu hú chẳng hạn, chúng nó tạm di cư để trốn cái gì đó. Nhưng rồi chúng cũng trở về quê tổ. Cô Tâm thì đi luôn đây. Cô chọn nơi nầy làm mộ phần của cô về sau. Nếu ngày kia mà cô ta về nước, chắc là với tư cách cố vấn Hoa Kỳ, chớ không với tư cách công dân Việt Nam đâu.
Ông vừa muốn yêu thì mối tình của ông thình lình yểu tử. Trời ơi, cà phê sao đắng thế ? Giờ nó đắng gấp bốn khi nãy mà ông được biết cái sinh kế quá kỳ khôi của bà chủ hụi Sài Gòn. Con người mà ông muốn yêu, cũng cứ còn đó với duyên dáng về chiều của cô ta. Ánh chiều hấp hối, bừng sáng lên để rồi ngày kia sẽ tắt. Nhưng còn lâu nó mới tắt. Nhưng có một thứ đã tắt rồi, từ nãy đến giờ. Cái đó là tấm lòng của một người Việt Nam nó đào ngũ khỏi con người rất ưa nhìn này.
Ông thở dài rồi hỏi:
– Cô sang đây với tư cách gì ?
– Thuyền dân tị nạn.
– Có bao giờ cô mơ ước trở lại nơi chôn nhao cắt rún hay không ?
– Không.
– Có mơ ước nào khác chăng ?
– Em mơ ước lấy chồng.
– Nhưng các đức ông lại cứ mơ ước về thì sao ?
– Thì… thế nào cũng có người đàn ông giống như em vậy chớ.
– Có, có hơi nhiều, và chúc cô sớm trở thành bà đầm, vì đã thi đậu rồi.
Cái phin cà phê rất tốt, nhưng vẫn cứ còn cặn. Ông Nông ngửa mặt lên trời, lật ngược cốc cà phê cho cặn tuột xuống hết vào miệng ông. Ông cố uống cho thật đắng những giọt cuối cùng. Đắng ở miệng, giúp quên đắng ở lòng. Rồi ông hỏi:
– Chắc cô giỏi tiếng Anh lắm ?
– Em đã học ba năm ròng rã.
– Tôi thì còn đặc cán mai. Chuông báo tử cho ai, nói tiếng Anh làm sao ?
– À… ơ… hơ… cái đó khó quá, em học chưa tới.
– Cô nên tìm hiểu về vụ đó nhé. Thôi Sayonara.
– Sao lại Sayonara. Từ sáu năm nay… Anh báo hại em bỏ một chuyến đi Reno.
– Được. Đây là năm mươi đô, cô trả tiền cà phê, cái còn lại sẽ thay cho tiền thưởng của sòng bạc.
– Nhưng mà…
– Cà phê đắng lắm cô ơi !
Bình Nguyên Lộc
(Nguồn: Binhnguyenloc.com)