Thương Nhớ Mười Hai (10)
Tháng Chín
gạo mới chim ngói
Thì đã bảo cái gì đẹp thường là vẫn chóng tàn. Giai nhân, danh tướng đều không để cho người ta thấy bạc đầu thì dễ gì trăng lại cứ sáng mãi, tròn luôn để cho tao nhân mặc khách cứ uống rượu khà mà ngâm câu “nguyệt thi cố hương minh”.
Trăng giữa tháng tám đẹp trội lên, đẹp ảo huyền tức là trăng sắp kém tươi và bớt sáng đến nơi rồi. Biết quá cái diễn tiến của cuộc đời là thế, các nhà thơ đành chỉ còn biết nhìn trăng mà luyến tiếc, sống mà đã cảm thấy rõ rằng ngày đương có là ngày đã hết.
Bao nhiêu lời vàng nói lên cái cảnh đưa bạn ở trên sông nước bây giờ thành ra là những tiếng thơ tả nỗi lòng của người đa cảm chia tay với trăng thu để cho những ngày bàng bạc mầu thì có mưa bóng mây, có gió lạnh, có tiếng sếu kêu đìu hiu về thay thế.
Đầu bến sông Hoài bóng nguyệt soi,
Trời chìm đáy nước, nước trôi xuôi,
Sáu triều việc cũ,
Mây nổi chơi vơi,
Dưới trăng ấy
Ta với người
Biết nhau rồi đấy muôn trùng thẳm
Thuyền rẽ sông Hoài sóng bạc trôi.
Cái buồn của tháng tám nên thơ, qua khúc rẽ, cái buồn của tháng chín ủ ê, day dứt.
Nhìn lên trời, người ta trông thấy trăng liềm nhô ra khỏi mộng để cho ánh ngà vắt sữa xuống ngàn cây; nhưng bây giờ thì mỗi khi chiều lắng xuống, sưng đâu đây đã dâng lên và hơi lạnh bắt đầu vỗ cánh bay vào trong quán gầy, có người đàn bà vặn ngọn đèn nhỏ lên may áo rét cho chồng nơi gió cát.
Những lúc đó, vì có muốn bắt chước người ly phụ trong thơ Đường lậy trăng xin ở lại trăng cũng chẳng buồn nghe. Bây giờ, nghĩ mới ghê cho các cụ ngày xưa, biết lẽ tồn vong hn c ai ai, gặp những giây phút rầu rĩ như vậy, không nói không rằng, lặng lẽ trèo lên núi cao uống rượu “Trùng cửu đăng cao” để tiếc nuối mùa thu sắp hết.
Hay là để hưởng nốt những cái gì còn thể hưởng? Không biết. Nhưng các cụ ăn tết Trùng cửu ở trên cao như thế thì vợ chồng mình một ngày trùng cửu xa xưa nào đó cũng bắt chước, trèo lên trên lầu, nhìn ra sông nước xa xa ngâm khúc hát tạ từ:
Hôm nay có phải là thu,
Mấy năm xưa đã phiêu du trở về,
Cảm vì em bước chân đi
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.
Ai về xa mão cô thôn,
Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà.
Ngày anh mới bước chân ra,
Tuy rằng cách mặt lòng ta chưa sầu.
Nắng trôi, vàng chảy về đâu?
Hôm nay mới thật bắt đầu vào thu.
Ở cuối sông, sương đục bốc cao ngút lên đến trời. Người vợ, thấy gió lạnh, kéo cái khăn choàng che nửa mặt mà rằng:
– Nhưng nghĩ cho cùng thì “trùng cửu đăng cao” để tiếc nuối trăng thanh gió mát chưa chắc đã hoàn toàn đúng. Đâu phi chỉ có mùa thu là đẹp? Mà tết Trùng cửu ăn vào ngày mùng chín tháng chín mỗi năm hình như còn có một ý nghĩa khác hẳn thế, chớ không phải dành riêng cho các nhà văn nghệ sĩ ngồi mà luyến tiếc mùa thu đẹp và than khóc mùa thu chết.
Chứng cớ là theo sách sử để lại thì tục ăn tết Trùng cửu bắt đầu từ bên Tàu: cứ vào ngày mùng chín tháng chín, cả thiên hạ đều nô nức vui chơi như trong tết Thanh minh, kẻ lên núi cao, lội suối, người ra sông thả một con thuyền rong chơi, người đánh cờ dưới bóng tùng, kẻ thả diều trên bãi cỏ. Các công nương mỹ nữ, trong xiêm y lộng lẫy, đi trong sương mù, gió lạnh hái hoa đêm về cùng với các trái cây đặt lên bàn thờ, vì theo tục lệ truyền lại thì ăn trái cây tháng này tránh được tai nạn bất thường, còn hoa đem sắc lên lấy nước uống thì tránh được nhiều bệnh tật trong những ngày đông tháng giá.
Vậy là cả bàn dân thiên hạ vui chi trong ngày tết Trùng cửu, chớ không phải chỉ là ngày tết dành riêng cho các mặc khách tao nhân nói lên cái đẹp của mùa thu đang chết.
Có lẽ như thế đúng hơn, vì mùa thu đẹp, mà đẹp hơn nữa là những ngày tàn thu, nhưng ai bảo mùa đông lại không có những cái đẹp riêng của nó, cái buồn nên thơ riêng của nó?
Tháng chín là tháng cuối cùng của mùa thu, nhưng bây giờ ngồi nhớ lại những ngày tháng chín đã qua ở Bắc, tôi thấy rằng tháng chín không hẳn là thế, mà còn ấp ủ một cái gì đẹp hơn thế, đa tình hơn thế: ấy là lúc đôi mùa thu, đông gặp nhau, mở hội giao hoan trước khi đưa tiễn nhau trên bến sông trắng cỏ bạc đầu, có gió lạnh mới về chạy xào xạc trong lau lách.
Ới ơi những người lỡ hội chồng con, có phải đến tháng này, ở Bắc Việt, cái gió lạnh mới về ấy thấm vào da thịt, len lỏi tới sâu thẳm của tâm hồn, nó làm cho người buồn dằng dặc, tự nhiên cảm thấy thèm khát yêu đương hơn cả bao giờ hết phải không?
Nhìn ra thì thấy cái gì cũng vẫy chào, hẹn hò nhau, cái gì cũng tơ hồng quấn quít, cái gì cũng đủ lứa no đôi; hồng thì có cốm đẹp duyên, buổi thì có lòng ân ái, gió bấc có mưa phùn, cam vàng có quít xanh, ăn cái món rươi thế nào cũng phải có vỏ quít mới dậy mùi, thế thì tôi đố ai cầm lấy chén cơm mới đưa lên môi mà lại không nghĩ ngay đến chim ngói nhồi củ cải, thịt ba chỉ, hạt sen và miến?
Ghê cho các loài cây sao mà đến tháng này thấy hoa rét trở về cũng như cảm thấy thèm thuồng ôm ấp, để cho đỡ lạnh lùng. ấy là cây phật thủ. Ba mươi tám năm trước ở miền này, tôi chưa được thấy loại cây “tiến” ấy nhưng bây giờ lạc nước đi vào vườn của mấy ông bạn chịu chơi, một vài gốc phật thủ đã thấy hiện ra, nhưng hầu hết chỉ tốt lá đẹp hoa mà bói thế nào cũng không chịu ra lấy một hai quả để bầy cho thơm nhà.
Ở Bắc, cứ vào cữ tháng chín này, sao các cây phật thủ sai quả thế? Mà tại sao ở đây lại cứ đực ra? Hay là tại thổ ngơi? Hay là tại hơi bom đạn của Mỹ ném đã làm thui chột các quả đó ngay khi còn trứng nước?
Hoá ra nghĩ như thế là lầm. Có tìm được những người đã trồng phật thủ ở Bắc Việt vào đây mới biết là giống cây này tuy là mang cái tên rất đạo mạo trang nghiêm nhưng đến tháng tám bước sang đầu tháng chín là lúc bói quả thì lại không chịu được sự lẻ loi, cô quạnh. Muốn cho sang đến tháng chín phật thủ có trái thì từ tháng bảy, tháng tám nhà trồng tỉa đã phải ủ cho cây “một chất đàn bà” để cho ấm lòng.
“Nói bậy. Cây gì mà lại có cây khéo khéo đa tình đến thế?”.
“ấy thế mà thực đấy, mới phiền. Không có chất đàn bà, cây nhất định cứ ì ra nằm vạ”.
“Thế cái chất đàn bà ấy là chất gì?”
“Nói thì tục tĩu, nhưng thực, sợ gì mà không dám nói? Chất ấy có thể là một cái yếm, một cái quần, một cái khăn… Nhưng điều cần là khăn ấy, quần ấy, yếm ấy phải do người đàn bà đã dùng rồi, nghĩa là phải có hơi hướng của người đàn bà mới được. Đem ra bón ở gốc cây, cũng như hoàng lan bón phân ngựa, mai vàng bón gạch non, sứ Thái Lan bón khô dầu, rồi lấy nước giặt quần dơ của đàn bà ra tưới, ấy thế là phật thủ đỏ mày hạy hạt, sang đến tháng chín thì quả cứ lúc lỉu ở trên cây. Lại lấy cái quần, cái yếm cũ của đàn bà ra bọc lấy trái cho đến khi da nó bóng lên, các cái móng dài cuốn lại như móng tay Phật, anh hái đem về để lên trên mâm ngũ quả, đến đêm hương dậy, lên khắp cả nhà. So với thanh yên,và bưởi, hay hồng hạc, cam sành, trái phật thủ bổ ra ăn chơi một miếng, chửa chắc đã ngon bằng, nhưng từ xưa nó vẫn được tiếng là quý thành ra lúc ăn, ai cũng lấy làm trịnh trọng – nhiều khi cứ để đấy mà trông, thỉnh thoảng cầm lên mà nắn cho nó teo đi, để dành phòng khi đau bụng mang ra dùng chớ không dám ăn sợ phí. Những người ăn thuốc “sưa” rồi lại bầy ra cái trò kỳ cục không chỗ nói: tiêm thuốc phiện vào trong phật thủ rồi để đấy cho nhuyễn vào vỏ và thịt của trái cây. Này, cứ thỉnh thoảng tiêm một chút như thế rồi để đấy, hàng năm không thúi; khi nào cần, lấy ra dùng một miếng, sợ còn hay hơn là thuốc tiên, cụ ạ. Gớm cho cái giống Âu Tây họ không chảy máu mắt ra; lấy vỏ phật thủ chế ra cái rượu cointreau ngon đáo để, ngọt cừ lừ, ấy thế mà say đo đồng đo địa lúc nào không biết”.
Mứt phật thủ ăn cũng ngon gia dụng, nhưng riêng tôi lại ưa cái mứt kỳ đà hơn, vì cùi của kỳ đà dầy, còn thơm cũng tựa như phật thủ. Đó là một thứ bưởi lớn có khi hơn cả cái đầu một đứa trẻ lên năm, ngon không thể bằng bưởi Đoan Hùng, Phúc Trạch nhưng quý vì cái cùi của nó giòn, ăn vào sừn sựt mà thơm một cách độc đáo, nửa như mận Thất Khê mà nửa như hồng mòng.
à, hồng mòng! Phải rồi, cái hồng này ít lâu nay cũng thấy bầy bán ở niềm Nam nhưng có lẽ vô duyên là khẩu cái của tôi cho nên từ khi có loại trái cây này bầy bán các chợ đô thành, tôi chưa được thưởng thức một trái nào mềm xớt, ngọt lừ như hồng mòng ở Bắc ăn với cốm vào cuối tháng tám đầu tháng chín.
Cốm thì xanh biêng biếc mà hồng thì đỏ chói chang, hoạ sĩ lập thể nào đã dám dùng hai mầu đó kết hợp với nhau chưa? ấy thế mà ở Bắc, cứ đến tháng chín thì nhà trai lại đem đến sêu tết nhà gái hồng và cốm, hai thứ bầy sát với nhau. Nhìn những mâm hồng và cốm tốt đôi như trai gái tốt đôi, ai cũng cảm thấy lòng mình nở hoa và kính sợ tổ tiên ta hơn lên một chút vì sao các cụ lại có thể lựa chọn tài đến thế trong việc chi mầu sắc đồng thời lại đem cho nhân duyên của trai gái một ý nghĩa đậm đà đến thế.
Hồng, thực ra, có ba bốn loại: hồng hạc, bốn múi, trái dài, ít hột, ngon nhất là giống ở Việt Trì; hồng ngân tức là thứ hồng xanh, có trái ăn hơi chát, muốn kiếm thứ thực ngon phải là giống ở Sơn Tây. Nhưng trong lễ cưới hỏi, nhất định phải tìm cho được hồng mòng, chẳng những trông đã đẹp mắt, mà cốm và hồng ăn vào miệng lại nhuyễn với nhau, vừa thơm, vừa ngọt, vừa bùi, ấy ai đa cảm, mấy mà không nghĩ rằng thịt ướp lấy thịt, da ướp lấy da để hoà làm một cũng chỉ mê ly đến thế chớ không thể nào hơn được!
Ôi thôi, đến cái thú thưởng thức miếng ngon đất Bắc vào những ngày tàn thu, nghe gió bấc thổi vi vu bên cạnh người thương bé nhỏ thì biết kể đến bao giờ cho hết. Tháng chín thì quít mới đỏ tròn, ăn chưa xứng ý, nhưng cam thì có cả rừng bạt ngàn san đã ở trên những vùng mường mán, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ thích, mà muốn trả mấy hào cũng cứ được đi. Tuy nhiên, ăn như thế chỉ là ăn chi. Mùa này, bắt đầu có cam sành nổi tiếng ở Bố Hạ, vỏ vàng ăn ngọt như đường phèn; cam chanh ở Xã Đoài không những ngọt lại thơm, chẳng thế lại được liệt vào hàng cam tiến; còn cam Giàng sản xuất từ làng Giàng ở Thanh Hoá thì có ý mát và nhiều nước hơn.
Tôi nhớ lại có những buổi chiều vô liêu tháng chín, trời lạnh, gió tê tê buồn, không đi ra ngoài, ăn cơm xong, tráng miệng bằng cam rồi không biết làm gì ngồi châm một ngọn đèn dầu lên hút thuốc rồi lấy những cái vỏ cam bóp và ngọn lửa; nước ở trong vỏ tia ra làm bùng ngọn lửa đèn, tạo cho mình một sự thích thú và hồi hộp lạ.
Chẳng biết cái vỏ cam ấy để dành có làm được vị thuốc gì không, chứ cái vỏ quít thì quả là dùng vào được nhiều công việc quá. Ai ăn nhiều mà đầy dạ bụng, khó tiêu cứ lấy vỏ quít kinh niên sắc lên mà uống; nhưng ăn rươi mà dùng vỏ quít phơi khô không sướng bằng dùng vỏ quít tươi mới lột ra, thái như sợi chỉ.
Tài thế! Chẳng cần nhiều chỉ một dúm thôi, cho vào rươi tráng trứng, rươi mắm, rươi nấm với củ cải theo kiểu tam xà đại hội hay là rươi xào xâm xấp nước với củ niễng, rắc mấy cọng mùi lên trên, tự nhiên rươi dậy hẳn mùi. Thiếu vỏ quít, nhất định không phi là rươi nữa cũng như non thiếu nước, trăng thiếu hoa, gái thiếu trai, nhất định không có cách gì tạo nên được bài thơ ý nhị!
Thế nhưng mà quái, làm sao đến tháng chín, có nhiều cái thú ý nhị thần tiên thế nhỉ?
Đã cốm với hồng, đã vỏ quít với rươi, lại còn gạo mới chim ngói nữa. Có phải là ông trời đem tất cả những cái gì đẹp nhất, mê ly nhất lại cho người Bắc Việt để đền bù lại cái đời sống vất vả của những người ưa chuộng hoà bình nhưng liên tiếp cả ngàn năm phải vật lộn, phải đấu tranh để chống lại ngoại xâm lúc nào cũng manh tâm thôn tính cái dải đất nổi tiếng là bờ xôi, ruộng mật?
Mặc. Muốn mưu toan gì mặc, người đàn ông cứ quyết tâm giữ phần đất của mình đến kỳ cùng, còn người đàn bà thì cứ thờ chồng nuôi con, và giữ lấy dung nhan cho đẹp để cho người chồng được hởi dạ dưới ngọn đèn rủ chao xanh.
Thường thường, vào cữ có nắng hanh ban ngày, da người vợ hi nẻ và hồng lên đôi má. Mặc dầu ánh sáng đèn chiếu ra xanh lờn lợt, người chồng ngồi cạnh vợ cũng thấy đôi má vợ phn phớt hồng như hoa đào. Tấm áo nhung đen rưng rức làm nổi bật sắc da ở cổ tròn trịa lên; cặp một có vẻ thắm thêm một chút; ở ngoài gió bấc xào xạc làm rung động ngọn hoàng lan và người chồng nhìn vợ nghĩ đến làn da ấm áp thm thm mùi hoa chanh.
Trời tháng chín ở Bắc Kỳ lạ lắm. Có nhiều lúc trời đang nắng hanh vàng bỗng tím về một hướng rồi mưa rào rào một lúc rồi tạnh, rồi bất thần lại mưa.
Đó là mưa bóng mây, đó là mưa rươi.
Cái mưa này, tuy vậy không có gì độc hết. Thường thường, người ta chỉ se mình, khó ở một chút thôi. Nhưng trời khéo đa tình, cứ vào lúc màn đêm rủ xuống, gió bấc nổi lên thì máu phát ra từ con tim dường như chy mạnh hơn và cả vợ cả chồng đều thấy diễm tình bát ngát trên làn môi thương thương, trong đuôi mắt yêu yêu… Đến khuya, cả hai vợ chồng vẫn nằm mở mắt trong bóng tối để nghe tiếng gió lay động những cành hoàng lan. Người vợ lấy tay đập khẽ vào vai chồng nói khẽ, như sợ có ai nghe thấy:
“Này, mai nhớ đánh thức em dậy sớm, đừng có ngủ quên đấy nhé”.
“Dậy sớm làm quái gì. Thức khuya mệt, ngủ đi cho khoẻ”.
Nhưng người vợ không thể chiều ý người chồng vì mai là muồi bốn, phải đi chợ Mới Mơ mua chim ngói về cúng với gạo mới.
Gạo mới gặt về đúng lúc có chim ngói, hai thứ gắn liền với nhau, cũng như quít với rươi, hồng với cốm thiếu một thứ không còn ra nghĩa lý gì. Nhưng tại sao hai thứ đó lại ăn khớp với nhau như thế? Suốt một năm, người ta không thấy bóng một con chim ngói, thế mà không hiểu tại sao cứ có gạo mới thì cái giống chim ấy ở đâu lại dẫn diệu về để làm tăng cái thơm, cái dẻo của gạo mới tạo thành một khối thuần nhất, lạ kỳ, thứ này làm tăng hương vị của thứ kia lên, khiến cho người sành ăn chỉ còn biết tặc lưỡi, gật đầu vì không còn chữ để mà ca ngợi nữa.
Chẳng biết xem ở sách nào, người vợ kéo cái chăn đơn lên đến cổ y như con chim nhỏ thò đầu ở tổ ngó ra ngoài, kể cho chồng nghe lai lịch của con chim ngói:
– Đúng rồi. Cái giống chim này quanh năm không có, tuy chỉ xuất hiện vào khong đầu tháng chín mà thôi. ấy là vì nó không phải là một giống chim của nước ta, mà là của những vùng biên giới Trung Hoa thấy gió rét, bay về phưng Nam để tìm một nơi ấm áp hơn trú ngụ, nhưng vừa tới đây thì người ta bẫy từng đàn. Bẫy bằng vó như bẫy chim sẻ vậy.
Tài tình đáo để người Việt. Các đồ vật ứng dụng chẳng cần máy móc móc không gì, chẳng cần phưng trình thức, đại số thức, hoá học thức con tườu gì, ấy thế mà đem ra dùng thì bén nhậy và hữu hiệu lạ lùng.
Cái vó bẫy chim ngói, có gì cầu kỳ đâu: chỉ có một cái lưới, hình tròn, giữa có một cái trụ để dụng một lửa lưới lên, còn nửa kea thì để nằm trong ruộng, trên rắc lúa làm mồi. Chim ngói, bay từng đàn mà râm cả một góc trời, sà xuống để ăn thóc. Người bẫy chim, do một sợi dây buộc vào cái vành lưới làm bằng tre cật, giật một cái, phần nửa lưới úp xuống, và cả mẻ chim vào bên trong. Muốn cách gì cũng không thể chệch được vì người bẫy chim đã cẩn thận buộc vào vành lưới đó nhiều hòn gạch nặng, một khi đã úp xuống thì chim khó lòng thoát được ra. Có khi có tới vài chục con bị mắc lưới theo kiểu đó cùng một lúc.
Bây giờ, ngồi ở đây nhiều khi trông mưa nhớ nhà, tôi ưa nhớ đến những ngày có bóng rươi ở Bắc, cha mẹ anh em quây quần dưới một ngọn đèn dầu, chúng tôi tranh nhau vặt lông chim ngói rồi thả xuống đất giậm chân đạp tay để cho nó trốn lủi vào những gầm giường, xó tủ.
Chính ra con chim ngói trông cũng không đẹp mấy: từa tựa như bồ câu, chim gáy, nhưng nhỏ hơn và tròn mình hơn. Lông chin ngói mầu nâu, điểm những chấm đen đen, mà đuôi thường cụt. Vặt lông rồi, nó để lộ ra một làn da xam xám, thỉnh thoảng có vết máu rớm ra vì người nhổ lông bất cẩn. Có lẽ vì nó sợ, và có lẽ vì đau, chim chíu đầu xuống đi bập bà bập bỗng, trông như một đứa trẻ lột trần vừa bị đòn đau, tìm chỗ trốn.
Tội nghiệp cho kiếp chim, ai thấy mà không ái ngại, nhưng triết lý là một chuyện mà thực tế lại là chuyện khác: chỉ một lát nữa thôi, mổ ruột bỏ lòng đi rồi nhồi hạt sen, ý dĩ, miến, thịt ba chỉ, mộc nhĩ, nấm hưng cho vào nồi hầm lên, anh sẽ thấy rằng các nhà đạo đức tu hành khuyến cáo các đệ tử ăn chay trường, cấm sát sinh, thật quả là dại, dại quá, dại không thể để đâu cho hết. Đáo để là cái giống chim này, sao mà thịt nó thơm, mà lại mềm đến cả cái xương, bồ câu, chim cu sao có thể đem ra mà ví được? Chết, đem nó làm món gì cũng ngon chết người đi: Xáo với măng, lá lốt như kiểu sáo vịt đã hay, thái ra từng miếng nhỏ hấp với rau cải nõn lại càng ngon tệ, nhưng ngon vượt bực là đồ một chõ xôi “nếp cái mới” rồi úp mọt hai con chim ngói lên trên để cho mỡ nó nhuyễn vào xôi lấy ra ăn thập nóng, nhất định là c thế giới này không có một món ăn nào sánh nổi!
ấy chính là chim ngói ngon và quý một cách rùng rợn như thế cho đến mùa mà ăn ngay thì đắc tội với trời: không được!
Vì thế tất cả những gia đình có lễ giáo mỗi khi đến mùa chim ngói đều phải sửa lễ cúng trời đất, tổ tiên cùng với gạo mới vì cuối tháng tám đã gặt lúa mới, sang tháng chín gạo mới đã bắt đầu đem bán ở khắp nhà quê kẻ chợ.
Ở đây, ngon nhất thì có Rẻ Cánh, Nanh Chồn, Nàng Hưng… thổi một nồi c m lên thơm ngát cả nhà; kể ra cũng đã là “cao cấp”, nhưng mà đến cái gạo Tám Thơm ở Bắc thì phải nói là thm “điếc mũi”, ghế nồi cơm lên, không những cả nhà thấy ngào ngạt hương thơm mà cả mấy nhà hàng xóm cũng bắt thèm rỏ dãi! Gạo Tám nổi tiếng nhất là ở Bắc Ninh, nhưng Bắc Ninh lại có một làng riêng sản xuất một thứ Tám Thơm “thượng thặng”: làng Cói. Gạo Tám Cói thổi lên ăn với chim ngói hầm đem cúng thiên địa quỷ thần và tiến vua quả thực là đúng khổ, y như thưởng trống cô đầu đến đoạn “dịp phách phách” mà đánh “bóc bóc” hai tiếng ăn nhịp với nhau chan chát, chịu sao cho nổi!
Nhưng người đẹp như Tây Thi đau bụng nhăn mặt lại mà vẫn cứ đẹp như thường thì gạp Tám Thơm cứ gì phải ăn với những món thực quý, thật là mới ngon? Này, thổi một nồi cơm gạo Tám Cói cho thật vừa lửa, ghế cho thật vừa tay rồi xới ra một chén đưa lên, nhìn cái hạt cơm trong muốt, trắng tinh, ong óng như con ong, có khói bốc lên thơm ngào thơm ngạt, có khi anh chỉ rưới lên một tí nước mắm Ô Long hay một hai thìa nước thịt rim ăn cũng đã thấy ngon quá thể rồi; nhưng nếu người nội trợ Bằng thấy thịt thăn ngon mà rẻ, lại mua về làm mấy lạng ruốc bông để đấy, lấy ra ăn với cơm Tám vừa chín tới thì… nhất định tối hôm ấy phải yêu thương người vợ hơn một chút.
Người chồng mới nói rằng:
“Cơm hôm nay thổi khéo quá. Giá em thổi cơm thi nhất định anh phải chấm em giải nhất”.
ấy đó, người đàn ông thường có những cái bực mình lặt vặt như thế đấy: tưởng nói như thế thì lòng tự ái của vợ mình căng lên, không ngờ chính anh nịnh vợ lại đâm ra “hố” vì nịnh không đúng chỗ.
“Anh nói em lại nhớ. Phải rồi, vào cái cữ này đây, ở Bắc Ninh ngày trước, có cái tục thổi c m thi nhưng không phi ở Thuận Thành mà ở Thị Cầu. Con trai bốn giáp Đông, Bắc, Giữa, Già, từ mười tám đến hai mươi được cử đi rước thần – anh có nhớ tháng tám tháng chín là hội cha mà tháng hai tháng ba là hội mẹ không – và đến hôm rã đám thì được phép dự cuộc thổi cơm thi.
“Nhưng thổi cơm thi có tiếng là làng Tích Sơn, huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên. Khác hẳn làng Thị Cầu làng Tích Sơn lại có tục thổi cơm thi vào ngày hội mở ngày mồng ba tháng kiến dần. Trai làng từ mười tám đến bốn mươi phải thổi mỗi người một nồi cơm mang đến trình các cụ ở đình. Sau khi ban giám khảo xét nét rất nghiêm minh, nồi nào thổi khéo nhất thì để thờ, các nồi khác để các cụ thưởng thức rồi còn bao nhiêu để mời khác thập phương nếm thử.
“Nhưng ở Thị Cầu, cũng như ở Tích Sơn, cơm thổi dự thi mà được trúng cách không tơi lên như thứ cơm gạo mới em thổi cúng tháng ngày hôm nay đâu anh ạ.
“Lúc em còn nhỏ, em đã đi xem nhiều cuộc thổi cơm thi rồi nên em cũng biết ít nhiều. Cơm dự thi mà được coi là khéo phải hội hai điều kiện; một là cơm phải mịn như cơm nắm, đổ ở nồi ra có thể lấy dao cắt thành miếng một mà cầm không có chát hay có vỏ bao lấy nắm cơm; hai là cái nồi đất thổi cơm không được bén lửa, nấu cơm rồi mà cái trôn nồi vẫn mới nguyên.
“Ăn một miếng cơm như thế, nó cứ lừ đi trong cuống họng, vừa thơm vừa mát mùi nhựa gạo. Nhưng chỉ ăn chơi bời một hai bữa là cùng, chớ ăn hàng ngày thì phải thổi cho ráo nước, cơm cứ tơi lên, không khô, không nát thì mới gọi là thổi khéo”.
Khéo chống chế, anh chồng nói:
“À, ra cơm thổi thi nói như thế hay sao? Nào ai biết. Chỉ biết đọc truyện “Phạm Công Cúc Hoa” thấy nói đến thổi cơm thi khác thổi cơm thường. Nhưng mà cơm thi hay cơm thường thì em vẫn cứ là nhất, anh tự lập lấy một ban giám khảo, và chấm như thế đấy”.
Người vợ cười và đêm ấy cũng thấy yêu thương người chồng mặn mà hơn đêm trước nhiều.
Gió bấc thổi về gần sáng lạnh hơn, buồn hơn. Cả hai người lúc ấy cùng cơm thấy sống đủ đôi ấm quá, mà cái tháng chín ở Bắc quá là tháng lý tưởng của bùi ân ngọt ái. Nhưng càng bùi, càng ngọt bao nhiêu thì cũng lại càng thương biết mấy mươi những người chinh phục trăng tủi, hoa sầu không biết than cùng ai thở cùng ai không biết chồng đi trận còn sống hay đã chết, đành là gửi hồn mộng đến Ngư Dương để gặp bạn chiếu chăn ngày cũ:
Bên thành rặng liễu thướt tha,
Dâu xanh um tốt to ra đầy đồng.
Vẩn vơ mang giỏ về không,
Ngư Dương còn nhớ giấc nồng đêm qua.
Bây giờ, nằm ở niềm Nam, nhớ về phương Bắc, người chồng không ngờ đâu mình lại cũng là người đi hái dâu chỉ thực sống khi còn trong mộng, mà mộng tỉnh rồi thì lại tiếc mộng mấy mươi!
Hôm xưa đương lúc nửa đêm,
Gặp nhau trên gối đã tìm trong mơ.
Nỗi lòng vừa kể hết;
Mặt đẹp tựa hoa xưa,
Tha thướt đôi mày liễu,
Nửa mừng nửa ngẩn ngơ,
Muốn gần nhau vẫn đứng trơ,
Đau lòng nghĩ tiếc giấc mơ vừa tàn.
Tiếc không biết bao nhiêu những đêm lạnh nằm chung một chăn đơn với vợ ăn hạt dẻ, nói đôi ba câu chuyện buồn vui thế sự; tiếc những buổi chiều mưa rươi hai đứa dắt nhau đi trên những con đường vắng ẩm ướt có hoa sấu rụng thơm lên trong không khí một mùi hương dìu dịu, man mát lại chua chát; tiếc những ngày tản cư cùng đứng trên con đê sông Máng với con trai nhìn về phía có đèn sáng ở đô thành ngâm bài thơ đi đầy.
Nằm ở đây bây giờ, người chồng bỗng nhiên thấy tủi thân vì cảm thấy chìa khoá để mở cái tháp vàng đã mất rồi, ngày vui không hy vọng còn trở lại, cũng như người tỳ bà nữ bến Tầm Dương không còn hy vọng được thấy những ngày ở Hà Mô có không biết bao nhiêu chàng trẻ đem the thắm để mua lất tiếng đàn huyền diệu.
Thì ra cái thân mình ở đây cũng chẳng hơn gì người tỳ bà nữ lúc về già, lấy người lái buôn chè, một đêm ngồi thuyền gảy mấy thiên ai oán cho Bạch Cư Dị nghe lúc tiễn bạn ở sông Bồn, vào khi ông bị biếm ra làm chức Tư mã ở quận Cửu Giang hẻo lánh:
Từ xa kinh khuyết bấy lâu,
Tầm Dương đất chính gối sầu hôm mai,
Chốn cùng tịch lấy ai vui thích,
Tai chẳng nghe đờn địch cả năm;
Sông Bồn gần chốn cát lầm,
Lau già trúc võ nảy mầm quanh hiên,
Tiếng chi đó nghe liền sớm tối,
Cuốc kêu sầu vượn nói nỉ non,
Hoa xuân nở, nguyệt thu tròn
Lần lần tay chuốc chén son riêng ngừng,
Há chẳng có ca rừng địch nội,
Giọng líu lô buồn nỗi khó nghe
Tiếng tỳ bỗng lắng canh khuya,
Dường như tiên nhạc gần kề bên tai…
Nghe thấy tiếng đàn của người tỳ bà nữ, khắp tiệc hoa đều tuôn nước lệ rơi, nhưng đến lúc chiếu cuốn rượu tàn, trở lại chỉ còn chiếc thuyền trăng giãi nước trôi, người tỳ bà nữ nằm một mình, nghĩ một mình lại chỉ còn biết vui với cảnh, với người trong mộng, ấy vậy mà ngay ở trong mộng cũng buồn, tỉnh dậy mà vẫn còn thấy nước mắt đầm đìa mặt gối.
Người chồng bây giờ ở đây cũng ôm đàn đi gảy thuê cho thiên hạ giải sầu, nhưng đêm khuya về nằm một mình ở căn nhà gầy, y không khóc như người tỳ bà nữ, nhưng nâng chén rượu lên uống một mình, ngâm khẽ mấy câu thơ cũ:
Hơi may heo hắt từ tây,
Giang Nam phong vị độ rầy ra sao?
Năn nỉ với hai sao bến Hán,
Dải trường giang giới hạn đông tây,
Hai sao soi biết nạn này,
Xin cho thất tịch cùng ngày đoàn viên.
Vầng trăng trước về miền vân thuỷ
Soi những người thiên lý tưng tư,
Đi qua vườn cũ lơ thơ,
Thử xem án cũ cầm như thế nào?
Trông đàn én bay cao phấp phới,
Xịch then song gọi với trước mành.
Tiện đây nhờ gởi chút tình,
Chờ xuân nhắn gởi chim xanh còn chày!
Tình nam bắc thây ngày qua tháng,
Sầu biệt ly vơi sáng đầy chiều,
Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Cậy ai về nẻo Thước Kiều hỏi tin…
Đến nửa đêm, thức dậy, cái giường tre ở ngoài vườn có sương mù bốc lên như khói. Ngửng đầu nhìn thấy có những cánh hoa trắng nhỏ rụng lả tả trên chiếu lạnh. Người chồng cúi đầu nghĩ lại giấc mộng vừa qua, thấy mình về phương Bắc cùng vợ đi trên con đường xưa cũ, con đường hò hẹn khi mới quen nhau, hai đứa cùng lấy một tấm lá che đầu để tránh mưa rơi mà chân thì giẫm lên những cánh hoa sấu rụng cũng nhỏ, cũng trắng như những cánh hoa rụng đêm nay trên chiếc giường trống trải.
Nhưng hoa này đâu phải là hoa sấu rụng thơm lên trong đêm xanh một mùi hương dìu dịu, man mát, chua chua! Mà đó chỉ là hoa cây trứng cá lúc rụng cũng duyên dáng vô vàn, nhưng chẳng có hương thơm gì hết!