Thương Nhớ Mười Hai (8)
Tháng Bảy
ngày rằm xá tội vong nhân
Thì mình cứ nhận ngay là cái trò ấy gợi cảm không chịu được. Sáng tháng bảy, ai chẳng nhớ đến đại lễ Vu lan bồn, xá tội vong nhân! mà cứ nói đến xá tội vong nhân, chắc chắn trong mười người Bắc Việt di cư phải có tám chín người nhớ đến bài thơ Chiêu hồn:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may, lạnh buốt xương khô.
Não người thay, buổi chiều thu
Hoa lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng…
Tôi còn nhớ lúc bắt đầu vào đây, tìm cả tháng không ra bài văn ấy. Về sau, vào một ngày tháng bảy nhớ đến Nguyễn Tuân xát xà bông vào người nổi bọt lên, gõ chậu Thau, niệm bài văn đó, tôi thèm được nghe một cô đầu nào ở Phú Nhuận, Đại Đồng niệm đúng theo lối Bắc cho nghe, nhưng chưa có dịp nào thì may làm sao người phục trách mục Tao Đàn cho nghe bài ấy qua giọng một danh ca xứ Bắc.
Thử tưởng tượng: chín mười giờ đêm, cả nhà đi ngủ rồi, mình lò mò trở dậy, ngổi vặn máy nghe một mình bài thơ thảm thiết ấy với một giọng quỷ khốc thần sầu thì đã rợn tóc chưa? Thật tình, tôi không ngạc nhiên chút nào khi thấy có những cô hàng xóm người Nam thấy tôi nghe bài đó, sáng hôm sau, hỏi tại sao tôi lại có thể nghe một cách thích như thế và các cô lại không ngại nói trắng ra là các cô nghe “tởn” lạ lùng vì nó “ma quái” quá! Muốn chê gì, mặc, tôi cứ nghe như thưởng.
Tôi có cái bệnh là không ưa đài phát thanh, xuân thu nhị kỳ mới mở máy nghe một chút; nhưng năm nào vào ngày mười bốn hay rằm tháng bảy, tôi cũng nhớ vặn nghe bài chiêu hồn ma quái ấy và bất cứ năm nàm, với bất cứ ca sĩ nào, tôi cũng thấy nguyên vẹn cái thích thú buổi ban đầu. Tuy nhiên, mỗi khi nghe xong, bao giờ tôi cũng tiếc một chút là tháng bảy ở đây… nắng quá, oi quá, hấp hơi quá. Mà tôi thì quan niệm rằng bài Chiêu hồn của Nguyễn Du chỉ có thể hay hoàn toàn khi người ta niệm vào ngày mưa sầu gió thảm liên miên ở Bắc.
Bắc Việt từ đầu tháng bảy, mưa thối đất: mưa lai rai, mưa dầm dề, mưa lê thê, và tự nhiên thấy mưa ai cũng não nề là vì không ai bảo ai mà đều biết đó là mưa ngâu. Và ai cũng nhớ lại câu hát mà ai cũng thuộc lòng từ thuở nhỏ:
Tục truyền tháng bảy mưa ngâu,
Con trời lấy đứa chăn trâu cũng phiền.
Một rằng duyên, hai rằng là nợ,
Sợi xích thằng ai gỡ cho ra…
Vụng về cũng thể cung nga,
Trăm khôn nghìn khéo, chẳng qua mục đồng…
Ở trong Nam, vài chục năm về trước, những ai chưa từng đặt chân lên đất Bắc không thể biết thế nào là mưa ngâu.
Vào lúc đó, một năm chia rõ rệt hai mùa: mùa mưa và mùa nắng, quanh năm không biết cái lạnh là gì. Về sau này, thời tiết thay đổi hẳn. Có người đùa bảo rằng người Bắc mang theo thời tiết vào đây, năm tháng đổi thay, từ tháng chín tháng mười, vào lúc nửa đêm về sáng trời hơi lạnh, phải đắp chăn đơn. Cuối chạp, có mưa, đôi khi từa tựa như mưa phùn để cho cây cối đâm chồi nẩy lộc. Từ tháng năm, bắt đầu mùa mưa. Sang tháng bảy có khi mưa sậm sụt. Mưa không lớn, nhưng ào ào một tí rồi thôi, rồi lại mưa, mưa dai dẳng, có khi kéo dài cả một buổi chiều đến hết đêm, nhưng mưa như thế không thể ví với mưa ngâu đất Bắc.
Ở đất Bắc, sang tháng bảy trời chưa lạnh, nhưng đứng ở trên cao mà nhìn ra sông nước, người ta thấy trời đất cỏ cây ướt sũng một thứ hơi đùng đục, khiến người ta linh cảm như sắp có một cái gì làm cho tá bứt rứt, làm cho ta tấm tức. Trời thấp tè tè. Thỉnh thỏang, lại có một làn gió ướt thỏang qua. Ai cũng đoán là sắp mưa. Quả nhiên mưa thực, nhưng cái mưa gì mà buồn không chịu được! Nó lai rai như muốn cứa vào thần kinh ta, nó tạnh một lát rồi lại mưa, mưa đều trên mái nhà, mưa đều trên bụi cây đồi cỏ, có lúc im phăng phắc nhưng có lúc lại trút xuống rào rào, rồi lại mưa đều đều, và cứ mưa như thế hết ngày ấy sang ngày khác hết đem nọ sang đêm kia, chán không để đâu cho hết, mà rầu rĩ trong lòng không biết bao nhiêu.
Chẳng còn ai muốn bước chân ra đường. Đứng ở sau bức châu liêm nhìn ra con đường lấy lội, người còn gái đẹp tưởng tượng như mình sống ở một thế giới cách biệt với đời và cảm thấy chưa bao giờ cô quạnh lạnh lùng như thế. Bao nhiêu ước mơ đã quên đi trong những ngày hè oi bức có tiếng đàn ông cười giòn tan, có những bóng dáng phong lưu in vào tròng con mắt, có những câu nói hữu tình đẩy đưa những con mắt hữu tình, tự nhiên, không biết từ đâu trở lại làm cho con tim trời cho đa tình đau như thể có một bàn tay nào bóp khẽ.
Nhìn mưa ngâu, người con gái đẹp cũng thấy mưa ở trong lòng mình vì cho rằng mình là một thứ Chức Nữ bị trời đầy phi cách biệt. Ngưu Lang và Chức Nữ còn có dịp gặp nhau đêm thất tịch để cùng than khóc với nhau, còn Ngưu Lang của nàng thì biết đến bao giờ mới gặp?
Ai không vui duyên hương lửa, ai ôm trong lòng vạn lý tình, ai tiễn người đi mãi mãi không về, ai nhìn khói sóng mà nghĩ đến người bạt ngàn mây nước, ai nhớ ai cùng xây mộng ước m nhưng vì trời chẳng chiều người mà phải gẩy khúc đàn cho kẻ khác nghe, vào những ngày mưa ngâu như thế, hỏi có đau không, hỏi có sầu không? Ai cũng như ai, không nói ra lời nhưng đều thấy lòng nặng trĩu một bầu trời thương cảm. Thương cho vợ chồng Ngâu một năm mới gặp mặt nhau một lần, thương cho mình, thương cho kiếp người sao lại dệt toàn bằng những sự nhỡ nhàng ngang trái! Giọt lệ của vợ chồng Ngâu, ai cũng cho là chính giọt lệ của mình. Ai cũng cho là mình còn khổ hơn cả vợ chồng Ngâu vì vợ chồng Ngâu còn có chim quạ bắc cầu ô thước, chớ đến mình thì có chim nào bắc cầu đâu? Câu chuyện truyền kỳ, tự nhiên, đượm một vẻ nên thơ kỳ lạ và rồi người ta thấy rằng mưa ngâu to ra một thi vị bao la man mác.
Những đêm như thế, người nằm nghe mưa thấy trong cõi buồn vơ vẩn một thú vị nhẹ nhàng của những người được đau khổ để cảm thông cái đau khổ của bao nhiêu người khác cũng đau khổ như mình, đương sống hay đã chết. Đêm mưa sườn sượt nghe thấy tiếng van xin của những người ăn mày ở đàng xa vọng tới, hay tiếng guốc kê sền sệt trên đường khuya, hoặc tiếng rao buồn muốn chết của những người đi bán hàng khuya chưa về với gia đình, mình tự nhiên thấy chán chường cho kiếp sống và tự hỏi có nhiều người khổ quá sức là khổ thế thì có thể gọi họ là người được không?
Nhưng nói cho cùng thì sống chết đều khổ cả. Ai bảo chết là xong chuyện? ờ thì cứ bảo là phản khoa học đi, bảo là dị đoan đi, nhưng thâm tâm tôi bao giờ cũng tin rằng chết không phải là hết, rất nhiều người chết mà vẫn khổ như thường.
Ấy là những người chết mà không siêu thoát, chết mà vẫn nuối tiếc cái gì, chết mà không nhắm mắt, vì còn ân hận. ấy là những người trước đây lăm le thay đổi non sông nhưng gặp phải vận cùng thế khuất; ấy là chỉ còn mảnh lá che thân; ấy là những kẻ lâu đài phượng các không còn ai bát nước nén nhang; ấy là những kẻ vào sông ra bề, đem thân chôn dấp vào lòng vào chiếu xác một manh; ấy là những đứa trẻ lỗi giờ sinh phải lìa mẹ cha từ tấm bé, không có ai bồng bế.
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc linh đinh quê người.
Hưng lửa đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên…
Những hồn mồ côi ấy siêu thoát làm sao cho được, đành là cứ phải vất vưởng ở ngang bờ dọc, bụi, lang thang ở quán nọ cầu này, nay hiện lên ở đầy chợ cuối sông, mai lại lập loè ở chân mây ngọn suối.
Khi sầm sầm mưa gào, gió thét,
Khí âm huyền mờ mịt trước sau;
Ngàn cây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường.
Những cô hồn vô định, côi cút ấy đành là chỉ còn biết trông vào những người có đôi chút từ tâm, ngày rằm mồng một thì bỏ cho bát cháo nắm xôi, hay đốt con thoi vàng manh áo để rồi
Nghe gà gáy kiếm đường lánh ẩn,
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra.
Tháng bảy mưa ngâu, thắp ngọn đèn con lên mà niệm một mình bài “Văn tế thập loại chúng sinh”, quái thật, sao mình cố giữ cho lòng bình tĩnh mà như có sóng gió nổi lên ở trong tim?
Nửa đêm về sáng, trời bắt đầu lành lạnh. Gớm ghiếc cho cái mưa quái quỷ gì cứ kéo lê thê ra mãi không có một lúc nào ngớt hột. Ngoài kia, trời tối mù mù.
Có ai thức vào những lúc này có cảm thấy gì không, chớ tôi thú thực có nhiều lần đã ớn lạnh nơi xương sống vì tưởng như trông thấy những cô hồn rách rưới tang thương kéo từng đoàn đi lờ lững trong không khí âm u sương khói.
Bao nhiêu truyện “Liêu trai chí dị”, “Truyền kỳ mạn lục” đọc từ ngày đi học lần lượt xâm chiếm đầu óc tôi lộn xộn, lờ mờ, nhưng có lúc hiện ra rõ rệt như những tia sáng yêu ma loé ra trong một thế giới hỗn mang có những hồ ly hoá trang thành đàn bà xoã tóc, những bộ xưng trắng chui từ trong lòng núi ra đi lọc cọc, chạm vào nhau kêu cóc ca cóc cách, và những người không đầu từ những mảnh giẻ ở dưới đất bay ra thành hàng vạn đốm lửa rồi tụ lại thành ra không biết bao nhiêu ngọn tháp bay lơ lửng trên lưng chừng trời.
Tất cả những cái đó là người hay ma? Là u hồn không được siêu thoát hay chỉ là ảo tưởng do người không phản khoa học tưởng tượng ra vì bị ám ảnh, vì hỏng óc?
Thôi, chẳng tội gì mà nghĩ ngợi vẩn vơ về vấn đề có ma hay là không có ma, chết là hết hay linh hồn còn tồn tại, những cô hồn không được cúng kiến đi lang thang trong cõi hư vô là thật hay chỉ là chuyện đặt để không đây để lấy làm điều răn người sống! Chỉ biết rằng mắt mình trông thấy thật như thế thì cứ nói toẹt ra, chẳng sợ ai cười là hủ hoá, là “rừng”, là “chậm tiến”.
Thế nhưng mà tại sao những cô hồn rách rưới tang thường kéo từng đoàn đi lơ lửng trong không khí sùi sụt mưa dầm, lạnh toát hơi may, cứ diễu đi diễn lại mãi không thôi thế này? Họ đi đâu mà kéo đi bất tận thế này? Họ có bao giờ nghỉ ngơi không, hay là cứ phải đi như thế mãi, như thế mãi? Mà họ là ai vậy mà trông vừa gớm ghê, vừa ai oán,nửa như thực mà nửa như hư thế này?
Quả là đến lúc viết tời đây tôi cũng không hiểu tại sao lại nhớ đến một chương trong thiên phóng sự “Về Bắc Việt” của Madeleine Riffaud “ viết dưới bom”: ở, Mỹ bắt đầu oanh tạc Bắc Việt hồi 1966 chính là vào cữ mưa rằm tháng bảy, vong nhân xá tội đây! “Chúng tôi đọc thấy rằng, từ một vài tháng nay, các phi vụ ở Bắc tăng gấp ba, số bom ném cao lên vòn vọt, còn nhiều gấp tư số bom ném trung bình hàng tháng ở Cao Ly. Người Việt Nam có bị tiêu diệt không? Mà họ làm thế nào chịu đựng được?”
Chẳng cần phải nghĩ vẩn vơ, ai mà lại không biết số người chết hẳn phải nhiều. Đem cộng con số này với bao nhiêu người Việt Nam đã chết vì bom của “đồng minh” đến “giải phóng” chúng ta khỏi ách của “phát xít” Nhật, bao nhiêu người chết đói năm 1945, bao nhiêu người chết vì bệnh tật, súng đạn của Pháp đến “cứu” ta ra khỏi “nanh vuốt” của Cộng sản, rồi lại bao nhiêu người chết vì “chống Cộng”, bao nhiêu người chết vì bom Mỹ, súng Mỹ ở ngay tại miền Nam, bao nhiêu người bị đột kích, pháo kích, truy kích, xung kích, oanh kích công kích, xạ kích, phục kích… ờ, nhiều quá sức là nhiều, thế thì những oan hồn cứ kéo nhau đi hằng hà sa số, trường kỳ bất tạn cũng không có gì lại hết.
Nhưng mà họ đi đâu? Họ cứ đi mãi thế à? Nghe nói cả bên đạo, bên đời đều chủ trương là có một cõi ghê gớm lắm, tục gọi là địa ngục, rộng bằng cả thế giới chúng ta đang ở, xét xử rất phân minh, ai làm tội ác thì bị cưa đầu, cắt lưỡi, leo cầu vồng, cho chó ngao moi ruột, còn người nào làm việc thiện thì được lên thiên đường.
Thiên đường và địa ngục, hắc bạch rất phân minh, thế thì tại sao lại có những cô hồn không lên thiên đường mà cũng không ở địa ngục, cứ đi phất phưởng lang thang như thế? Có phải là Nam Tào, Bắc Đẩu đã quên ghi họ vào sổ tử chăng? Hay là vì họ không có tiền chạy chọt nên còn phải ở ngoài chờ đợi? Hay là vì không phải ở “đàng ta” nên chưa được gọi vào xét xử, cứ phải cơm nắm, muối vừng đứng chầu rìa?
Nhưng dù sao đi nữa thì mình cũng cứ chịu vị đài đức nào đã ghi ra sự tích lễ Vu lan, mỗi năm lại lấy ngày rằm tháng Bảy làm ngày xá tội vong nhân… ở nơi âm phủ.
Bây giờ ngồi nghĩ lại thì mới thấy tội nghiệp cho vợ mình: cứ mỗi năm đến lễ ấy – còn kêu là lễ Trung Nguyên hay là tết Vu lan – thì lại kể lại cho chồng nghe sự tích lễ ấy theo đúng sách “Mục Liên cứu mẫu kinh diễn âm”, theo đó thì Mục Liên không phải là tên thật mà là cái hiệu. Tên thật Mục Liên là La Bộc.
“Theo đúng sách, La Bộc là con ông Phổ Tướng và bà Thanh Đề. Vì gia đình túng thiếu, La Bộc phi đi buôn bán ở tỉnh Kiên Liên. ít lâu sau, giàu có, La Bộc cho người đem tiền về biếumẹ. Bà mẹ ăn xài hết nhẵn rồi lại còn giết con chó làm nhân bánh biếu sư. Đến lúc La Bộc về thì bà mẹ lái chối và nói rằng bao nhiêu tiền con gửi về cho đã đem cúng cả vào đền chùa miếu vũ rồi.
“Chẳng bao lâu, bà mẹ chết. Chịu tang mẹ ba năm, La Bộc đi qua nước Ki Đô là nơi Phật ở, xin pháp ở lại tu luyện theo hầu. Phật thương tình, ứng thuận, sai thầy Kha Na cắt tóc ông và đặt tên là Đại Mục Khiên Liên và cho vào tu ở chùa Lã Bí trong rừng Quít Sơn. Cái tên Mục Liên phát sinh từ đó. Muốn đến rừng Quít Sơn, phải qua chùa Thiên Giai là nơi có những âm hồn ở lẩn quất nghe kinh. Mục Liên chỉ nhận thấy có cha là ôm mặt khóc, Phật hiện lên bảo cho biết là Thanh Đề vì khi sống điêu ngoa gian ác nên bị đày xuống ngục A Tỳ rồi.
“Mục Liên lặn lội tìm cho tới ngục A Tù gặp mẹ. Nơi đây bà mẹ chịu trăm ngàn thứ cực hình, không sao chịu nổi. Thấy con, bà mẹ khóc lóc nhờ con tìm cách cho bà ra khỏi ngục. Mục Liên dắt mẹ đi nhưng quỉ sứ giữ lại. Chàng lại cầu xin đức Phật. Ngài thương tình bảo Mục Liên: “Nhà người cứ an tâm, trở về Vương Xí, ta sẽ hoá phép cho mẹ người thành con chó ở bên cạnh nhà ngươi”.
“Quả nhiên về đến Vương Xí thì có một con chó quấn quít ở bên chân Mục Liên. Chàng hiểu ngay đó là mẹ mình, bèn hoá phép cho con chó thành người. Từ đó, Mục Liên ngày đêm đem hết lợi khuyên mẹ sám hối, rủ lòng theo chân lý đạo Phật. Bà mẹ nghe lời con, ăn chay niệm Phật, rồi một đêm rằm tháng bảy, hoá thành tiên bay lên trời. Mục Liên bay theo mẹ và cầu xin đức Phật xoá tội cho bảy đời họ hàng nhà mình.
“Dựa vào sự tích ấy, cứ đến ngày rằm tháng bảy, các đền chùa, miếu mạo đều làm chay chạy đàn, phá ngục cho các tội nhân. Tục gọi là tết Vu lan. Mọi nhà cũng đều làm lễ cúng bái rất thành kính vì tin rằng ngày đó là người ở dưới âm, vong nhân xá tội cho những người quá cố”.
ấy, câu chuyện đại khái chỉ có thế thôi. Nghe một, hai lần cũng vui tai, nhưng vớ chồng ăn ở với nhau chốc là hai mươi một, hai mươi năm trời mà cứ nhắc đi nhắc lại sự tích ấy vào dịp vong nhân xá tội, thét rồi cũng ngấy. Nhưng đến bây giờ, cũng vào tháng bảy ngày rằm, cũng ăn cái lễ xá tội vong nhân dưới một trời nắng cháy, mình có muốn gối đầu vào tay vợ, nghe chính vợ kể lại cho mình nghe sự tích Mục Liên Thanh. Để một lần nữa trong khi ở ngoài trời mưa sườn sượt, có gió may thổi vi vu thì cũng chẳng còn được nữa…, nuối tiếc đến mấy thì cũng chẳng còn được nữa…
Nhưng nuối tiếc không phải chỉ có thế mà thôi. Người ly hương còn nuối tiếc không biết bao nhiêu cái không khí chùa chiền ở Bắc vào dịp lễ Trung Nguyên, chiêng trống, chũm choẹ vang rân cả những vùng chung quanh, các sự lũ lượt ở xa về họp ở mấy ngôi chùa chính, đội mão có múi như múi khế, thêu xanh đỏ, trắng, vàng, cầm gậy chạy đàn, ra điệu phá cửa những nhà ngục ở dưới âm ty để giải thoát cho những u hồn tội lỗi rên xiết trước những hình phạt gớm ghê mà óc người không thể nào hình dung được trọn vẹn, như leo cầu vồng, rớt xuống sông mê, chó ngao moi ruột, quăng vào vạc dầu, cưa đầu, móc mắt, leo cột đồng nung đỏ, rút lưỡi hà răng…
Có trông thấy người vợ bé nhỏ thắp hết tuần nhang này đến tuần nhang kia, khấn hết bàn thờ này đến bàn thờ khác, xuýt xoa lễ bái hết gốc cây này đến ụ đất kia, mình mới thấy rõ ràng hơn hết cả bao giờ là vợ mình tin tưởng như điên, lễ trời lễ phật đã đành, nhưng nếu thấy rằng lễ yêu tinh quỷ sứ, cô hồn các đảng, bà cô ông mãnh mà các tà ma yêu quái đó đỡ ác đi thì cũng chẳng ngại gì mà không lễ.
Lễ như thế, chưa đủ: về nhà còn lễ nữa. Nhưng muốn lễ thế nào thì lễ, vào ngày tết Trung Nguyên nhà nào cũng phải nấu một nồi cháo trắng múc ra từng chén đặt ở trước nhà, và nhang đèn vàng mã, chè đường bỏng bộp bầy ra để cho các u hồn phảng phất ở chung quanh đó tìm lại mà phối hưởng. Lễ xong, các phẩm vậy ấy người nhà thường không ăn, mà để cho các người nghèo khó đến giành giựt để ăn hoặc cho vào bị đem về nhà.
Sống ở trong này, thì tôi không thấy các thành phố ăn tết Trung Nguyên như thế. Có thể bo rằng bà con miền Nam ăn tết to hơn: xí nghiệp, Công ty, tư sở, công sở nào cũng cứng rồi quay ra uống lave, nhậu với thịt quay bánh hỏi, không cứ vào đúng ngày rằm tháng bảy mà có thể vào bất cứ ngày nào từ rằm đến ba mươi, vui lắm, nhộn nhịp lắm, nhưng không có mấy nhà nấu cháo bầy ra đường và bầy chè lam, bỏng bộp để tiếp đón những oan hồn đi qua, như ở Bắc.
Tôi còn nhớ lúc nhỏ, vào những đêm cúng cháo chúng sinh như thế xong rồi, lên giường nằm ngủ, tôi thích tưởng tượng ra những cảnh cô hồn ở các nơi kéo nhau về ăn cháo, tranh giành bỏng bộp, chè lam và giành giựt nhau những cái áo cắt bằng giấy tàu xanh đỏ, những thoi vàng bẻ bằng nan nứa ngoài bọc giấy vàng hay những tờ giấy tiền làm bằng những tờ thiếc tráng tượng trưng cho bạc và những tờ thiếc quét “hoè” tượng trưng cho vàng.
Nhớ lại như thế tức là nhớ lại cả một thời bé dại, nhà chưa có gì, tôi còn đi học “Dương Tiết” ở nhà cụ Tú Tăng đầu Hàng Gai. Học xong, về nhà, bắc chõng ra giữa sân nhìn lên trời xem mây bay rồi ngủ lúc nào không biết. Đến khi thức dậy thì mẹ tôi đã đếm xong những thiếc buộc lại từng bó ngàn tờ một. Nồi lá hoè cũng vừa nấu xong, thấy tôi lấy một cái chổi cọ dúng vào nồi lá hoè, phết lên tờ thiếc thành một mày vàng sẫm. Tôi phụ trách gấp đôi những tờ thiếc lai, phơi lên những cái “vè” nhỏ làm bằng tre, mắt ướt để ra ngoài. Khi nào hoè khô, một người em tôi lấy xuống, xếp đếm từng trăm một, buộc lại thành bó một ngàn, thỉnh thỏang để một miếng giấy để đánh dấu từng trăm một.
Những tờ thiếc trắng và vàng đó bán vào cái cữ rằm tháng bảy chạy không thể nào tả được. Về sau này, nhà tôi không “bồi thiếc” nữa, mà cũng không quét hoè nữa, nhưng đến rằm tháng bảy thì vẫn cúng cô hồn; tuy nhiên, cúng với tháng năm lì lợm, tôi không còn mấy khi nghĩ đến các cô hồn ở các nơi về cướ cháo lá đa như hồi tôi còn nhỏ; nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn yên trí rằng nếu ngày rằm tháng bảy mà không lễ các cô hồn thì là một cái tội không thể tha thức được đối với những người đã khuất, nhất là những u hồn lang thang khe suối gốc cây, vất vưởng nơi cầu sương điếm cỏ.
Ấy là bởi vì mặc dầu đã bị tiêm nhiễm văn minh Hy Lạp, Latinh, mặc dầu khoa học thét vào tai tôi rằng tin tưởng như thế là hủ bại, tôi vẫn không thể nào tẩy não được mà vẫn cứ “ngoan cố” tin rằng ngoài cái thế giới chúng taq đang sống hiện nay, còn một thế giới u huyền khác mà loài người chưa cứu xét được đến nơi đến chốn nhưng bởi vì “muốn cho xong chuyện” nên kết luận toạc ngay là “dị đoan”.
Thôi thì muốn bo tôi là chậm tiến, là dị đoa, là hủ hoá thế nào tôi cũng cứ chịu đi, nhưng những điều mà tôi thấy, những điều mà tôi biết không cho phép tôi nói khác những điều tôi vừa nói.
Thế là nghĩa làm sao?
Tôi không hiểu ra sao hết, nhưng có những sự việc mà tôi chứng kiến, mà người sống các chuyện ấy hãy còn sống sờ sờ để làm nhân chứng cho tôi, lắm lúc đã làm cho tôi nghi ngờ khoa học. Có cô hồn không? Cô hồn có oan ức không? Cúng kiến có giúp ích gì cho họ hay không? Câu chuyện nhỏ dưới đây chắc chắn sẽ cho bạn đọc phải suy nghĩ nhiều, còn tin là có thật hay cho tôi bịa đặt, hoàn toàn tuỳ ở nơi các bạn.
Hồi 1947, một người bạn tôi tên là Q. (Hiện nay làm ở Sở Thanh niên) ở ngoài kháng chiến hồi cư về Hà Nội. Thành phố lúc ấy tan nát, có đường không còn lấy một căn nhà. Vì thế Hội đồng An dân, phụ trách sự ăn ở cho những người có nhà bị tàn phá, buộc lòng phải lấy tạm nhà của những người chưa trở về để cho những người hổi cư ở tạm. Q. được Hội đồng An dân dành cho ngôi nhà số 47 đường Lê Lợi.
Đây là một căn nhà hai tầng, khác rộng, đàng trước có vườn. Chung quanh có một hai ngôi nhà khác đã có người về trước.
Vốn là một thanh niên mạnh khoẻ, lì lợm, có võ mà lại bắn súng vào hạng khá, Q. một mình đến ở đó (vì lúc ấy gia đình anh chưa về). ở được độ một tuần,hàng xóm có người sang chi trò chuyện, đến lúc ra về hỏi Q. “ở bên này, ông thức khuya nhỉ, mà sao bè bạn đến cứ rầm rập, chúng tôi không tài nào ngủ được”. Q. ngạc nhiên hết sức vì từ lúc hồi cư, không có người nào đến thăm anh lúc đêm hôm. Chính anh cũng nghe thấy tiếng chân người rầm rập cả đêm, nhưng anh lại cứ tưởng đó là tiếng người đi lại ở nhà bên cạnh.
Từ lúc nghe câu chuyện, anh bắt đầu để ý thì ngay tối hôm ấy mới nhận thấy rằng tiếng đi sầm sập ấy ở chính dưới nhà anh – anh ngủ một mình trên gác. Lắng tai nghe kỹ thì dường như có hàng trăm người vừa đi giầy, vừa đi guốc, vừa đi chân không, từ ngoài vườn đẩy cửa vào trong nhà, giương to mắt ra nhìn thì không thấy gì. Tứ bề yên lặng. Nhưng Q. không phải là tay “vừa”: thấy thế, anh tức, nhất định phải “ăn thua đủ” với bon ma quỷ đó. Anh rình.
Hình như biết “thóp” như vậy, bọn đó bắt đầu làm dữ: rung chuyển giường của anh, ném đá vào đèn, chạy sầm sầm lên gác rồi hàng trăm ngàn cái đầu đâm sầm vào tường tạo nên một tiếng vang dữ dội trong đêm tối. Q. đương nằm chồm trở dậy thì thấy có hàng trăm cái bóng cao lớn, đen trùi trũi, có cái mặc áo ngắn, có cái cởi trần, râu ria tua tủa mà đầu thì trọc chạy sầm sầm đến trước mặt anh rồi… biến mất…
Bao nhiêu tiếng tục tằn rác rưởi nhất, Q. giở ra dùng hết, nhưng vừa nằm xuống được một lát thì lũ quỷ sứ ở đâu lại dẫn đến, nện gót xuống sàn gác kêu thình thịch và có vẻ như muốn sấn cả lại để lôi anh dậy. Vớ lấy cây súng giấu ở đầu giường, Q. bắn lia bắn lịa, vừa bắn vừa chửi. Đến lúc nhìn lại thì tường vách và đồ đạc đều có vết đạn nhưng tuyệt nhiên không thất có dấu máu nào. Cứ như thế chừng một tuần. Thét rồi, Q. không biết làm thế nào khác, đành phải chong đèn nằm ngủ, nhưng cứ chợp mắt một chút – mà có khi mắt còn mở hẳn hoi chưa ngủ – thì lũ quỷ sứ kia lại sầm sập chạy từ dưới nhà lên làm dữ. Cho đến một ngày kia, gia đình Q. ở hậu phương về, ông thân anh Q. thấy căn nhà con ở dữ quá, nhất định bắt anh phải dọn đi nơi khác.
“Cứ ở mãi thế này, trước sau gì cũng chết, làm sao mà sống nổi. Bởi vì ai lại còn không biết tự vệ ở Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Hòm đến ngày chót rút cả về khu Lê Lợi này, quân Pháp một mặt công kích, một mặt ném bom, nhà cửa tan nát, trăm người không thoát một; oan hồn của họ không tiêu tan được cứ lưởng vưởng ở đây khuấy phá, không những ban đêm mà có khi cả ban ngày nữa. Có người thuật lại rằng có những ngày mưa dầm sùi sụt những cái bóng ma ấy kéo nhau thành hàng một, đi lơ lửng trên trời, sàn sàn các ngọn cây và lại cũng có hôm họ lại hiện ra trong các chợ vầy vọc và các hàng miếng chín và chỉ từ sáng đến trưa bao nhiêu thịt thà, nem chả tự nhiên thiu thối hết, chỉ có mà đổ đi. Thôi, anh ạ, tôi xin anh là hết; anh bướng với ai chớ bướng với các “ông ấy” chỉ có mà dại thôi”.
Anh Q. đành phải nghe lời ông cụ, nhưng vẫn tức bực không chịu được. Vào đêm trước khi định dọn nhà đi nơi khác, anh ngồi chửi om lên, chửi văng mạng, chửi tuốt, nhưng không chỉ đích xác ai. Vào gần sáng, lũ người đen trùi trũi, trọc đầu lại đến, nhưng lần này có vẻ hoà nhã hơn. Một người – áng chừng là đại diện cho cả bọn – đứng ở đầu giường lúc anh đang chập chờn sắp ngủ, bảo: “Chúng tôi phá anh như thế cũng đủ rồi. Thôi, bây giờ chúng ta nói chuyện thành thực với nhau, anh có bằng lòng không? Chúng tôi quả thực không muốn làm cho anh bực tức hay tác hại đến sinh mạng của anh. Bây giờ, chúng tôi muốn kết thúc, không đùa dai nữa. Anh lo công việc của anh, còn chúng tôi thì có công việc của chúng tôi. Chúng ta giã biệt. Nhưng trước khi chia tay, xin nói thật với anh, chúng tôi đói rét lắm, anh cố xoay cho chúng tôi một ít quần áo, thuốc đánh răng và kiếm cái gì để anh em “mổ” cho đỡ lòng một tí”.
Thức dậy khi mờ sáng Q. nằm suy nghĩ, chửi thề một hồi lâu rồi ra phố mua bánh mì chả lụa về bầy đầy một mâm, đặt trên một cái ghế giữa sân. Vì lúc ấy những người hàng mã chưa về, anh lục tủ lấy hết quần áo cũ, dây lưng, sơ mi, cavát, thuốc đánh răng thật, chồng lên một đống trên cái chiếu trải dưới đất rồi châm nến, đốt nhang, lẩm nhẩm khấn các oan hồn phá phách anh từ nửa tháng nay “nếu có linh thiêng thì về thụ hưởng”. Đoạn, anh đổ một chai dầu lửa vào tất cả, bật một que diêm đốt hết, trong lòng bán tín bán nghi, không biết làm như thế thì có ích lợi gì không, mà những oan hồn kia làm sao hưởng được những đồ vật cháy ra than đó.
Nhưng Q. ngạc nhiên không thể tả được, mà còn ngạc nhiên mãi đến tận bây giờ, vì kể từ đêm hôm đó trở đi, anh không thấy những cái bóng trọc đầu, đen trùi trũi đẩy cửa vào nhà anh, chạy thình thịch trên thang gác để rung chuyển giường anh, ném đá vào đèn, và đâm đầu vào tường vách để bắn tung ra như quá bóng, như trước nữa.
Đêm buồn không ngủ mà chong một ngọn đèn con lên, nhớ lại những chuyện “liêu trai” như thế, mình dù sống ở miền Nam người đông như kiến cũng thấy ớn lạnh nơi xương sống và muốn bắt chước người xưa bán cả áo cừu đi để mua rượu uống cho đỡ sợ và luôn thể tiêu cái sầu thiên vạn cổ.
Nước khe cơm vắt gian nan,
Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời
Buổi chiến trận mạng người như rác,
Phận đã đành, đạn lạc tên rơi.
Lập loè ngọn lửa ma trơi,
Tiếng oan văng vẳng, tối trời càng thương.
Công danh, phú quý, sắc đẹp, ngai vàng, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, bao nhiêu trí tuệ, mưu cơ, rút cục lại cũng chỉ còn là những oan hồn đi vất vưởng đó đây, chờ lúc lặn mặt trời thì kéo ra để ăn xin một nắm cơm, bát cháo, la cà các đền chùa miếu mạo nghe kinh và suy nghĩ về chữ “giai không vạn cảnh”.
Thôi rồi, lại nói chuyện “chiến bại” rồi. Thế thì còn đâu là tinh thần đấu tranh, tiến bộ? Nhưng giả thử ở đời ai cũng suy nghĩ một cách chiến bại như thế, chưa biết chừng thù hận sẽ ít đi, chiến tranh giảm bớt và do đó số oan hồn cơ khổ sẽ giảm rất nhiều cũng nên! Nhưng nói vậy mà chơi thôi chớ thế giới làm sao mà “thoái hoá” như thế được? Còn giống người thì còn ganh đua, còn ganh đua thì còn mâu thuẫn mà còn mâu thuẫn thì còn đâm chém giết chóc nhau, lẽ đó khó mà tránh được.
Còn nhớ ngày xưa có một anh chàng tên là Candide, trong một cuộc lãng du cuối cùng, nhìn thấy ở giữa đại dương có một hòn đảo trên có người ở đông đúc như kiến cỏ. Candide quay lại hỏi ông cố vấn theo sau:
– Người ta làm việc mà tấp nập như vậy?
Vị cố vấn trả lời:
– Thưa, họ chém giết nhau. Đất nước chia làm hai bọn: một bọn mang tiếng là bảo thủ, một bọn tự nhận là tân tiến. Bọn tân tiến lật bọn bảo thủ, hai bên giết nhau hơn cả người khác giống.
Đi một lát nữa, đến một eo đất kia thấy người ta làm việc quên cả ngày đêm, Candide vỗ tay khen:
– Học chăm chỉ quá. Chắc là họ kiến thiết quốc gia.
Vị cố vấn chậm rãi nói:
– Họ đang xây cất nhà tù đấy, là vì có mỗi khi có cách mạng thì có một số người chống cách mạng. Phe thắng sẽ bắt hết những người của phe bại, hoặc giết chết, hoặc cho vào nhà giam. Thế rồi, không còn chỗ để mà giam người nữa, họ phải hối hả xây thêm nhà giam mới để nhốt những đồng bào của họ.
Candide hơi buồn nhưng chỉ một lát sau, chàng vui lại vì thấy ở trên một đảo khác có đèn giăng lá kết và từ trên chiếc tàu chạy giữa biển khi chàng nghe thấy tiếng đàn hát từ đàng xa vọng lại.
Candide vỗ tay, bảo viên cố vấn:
– Thôi, chắc chắn ở đây là thiên đường rồi. Nếu không, sao lại có nhã nhạc và sinh ca như thế?
Viên cố vấn lắc đầu:
– Bẩm, cũng lại không đúng nữa. Đây chính là địa ngục: những người đàn hát múa may đó có phải vui sướng gì đâu; họ phải theo lịnh chủ, múa hát đàn ca như thế để che lấp tiếng khóc than của muôn dân đói khổ rên xiết dưới gông cùm nô lệ. Có thế, chủ họ mới có lý do để tỏ cho thế giới biết là dân chúng không đồ thán mà trái lại, lại vui vẻ tôn thờ cả tớ lẫn thầy…
Lần này, Candide không còn bám được vào cái gì để mà tin tưởng và yêu đời nữa. Chàng ngửa mặt lên trời mà than: “Đời đến thế này thì ra còn biết phân biệt ai là người, ai là quỷ. Chẳng thà toàn là quỷ cả lại còn dễ sống hơn! “Nói như thế là nói phẫn. Có nước nào chịu đựng chiến tranh và chét chóc nhiều đến như nước Việt Nam không? Oan hồn, ma quỷ hằng hà sa số, nhưng chính mắt người thì có mấy ai thấy chúng đâu, hay chỉ thấy toàn người – mà những người đẹp như tiên, thơm như mít, mỗi ngày nghĩ ra được thêm thú vui kỳ quái để tiêu khiển trong tiếngnhạc “sốt gơn” huyền ảo.
“Anh ơi, đừng bỏ em ở nghĩa trang một mình…”
Không. Có ai bỏ em đâu. Trăng chiếu lên nấm mộ em, hãy đứng dậy đi, chúng ta cùng hát một bản “sun”. Thế giới sẽ chụp lại hình ta và đó là một cách tuyên truyền hùng hồn nhất để tỏ cho c trần hoàn này biết là ở Việt Nam, cả người sống lẫn người chết đều sung sướng.