TIẾNG CƯỜI

Trà Lũ

ING.078

Năm nay Canada vào đông rất sớm. Tháng trước mới cuối thu mà nhiều nơi ở miền tây và miền đông đã có tuyết. Thành phố Toronto thân yêu này có tuyết ngay cuối tháng Mười Một. Việc này ít khi xảy ra. Xưa nay dân Canada vẫn mơ có White Christmas nghĩa là chỉ ao ước trời bắt đầu có tuyết từ đêm Giáng Sinh. Ngày xưa ở quê nhà, tôi nghe tiếng White Christmas mà chẳng hiểu gì, sang đây tôi mới hiểu. Ở đây đi lễ Giáng Sinh lúc nửa đêm xong, khi tan lễ ra về mà trời tuyết trắng xóa thì dân Canada thích vô cùng, vì đó là điềm tốt cho một năm mới đang tới. White Christmas là một tin vui.

Khi tôi viết những dòng này thì lễ Christmas chưa tới. Mới có sứ giả tới thôi. Sứ giả đây là Ông già Santa Claus. Thành phố Toronto đã có cuộc rước ông rất trọng thể. Bao nhiêu là hội đoàn, bao nhiêu là ban nhạc, bao nhiêu là xe hoa. Và các em bé bắt đầu viết thư cho ông già để xin quà, và người lớn bắt đầu đi sắm tết, và các người đang yêu nhau bắt đầu tìm mua quà cho nhau. Cả một vùng trời yêu thương đang bao phủ lấy thành phố này.

Ngoài phố, chợ nào cũng đề bảng bán đại hạ giá. Việc này hoàn toàn khác chợ Việt Nam quê nhà. Bên mình, mỗi lần lễ tết đến là cái gì cũng lên giá. Ngay cả may áo, cắt tóc, tiền xe, cũng lên giá. Ở đây thì trái lại, mọi thứ xuống giá. Các nhà kinh tế cho biết, tuy là bán đại hạ giá, bán SALE, nhưng lại bán được nhiều, bán cạn kho, nên cuối cùng cộng lại, nhà buôn vẫn có lời. Nhà buôn có lời và nhà báo cũng lời to. Dịp này báo chí thu được bao nhiêu tiền quảng cáo.

Viết đến đây tôi chợt nhớ tới một bà Ý Đại Lợi làm chung sở với tôi khi xưa. Bà kể rằng khi bà mới sang Canada, tiếng Anh chưa giỏi nên mùa Giáng Sinh năm đó ra đường bà vô cùng ngạc nhiên vì thấy chỗ nào ở Canada cũng bán muối. Chữ muối viết rất to rất đẹp. Kỳ hết sức và lạ hết sức vậy đó. Nói đến đây rồi bà cười ngất. Chữ Sale trong tiếng Ý là muối, bà đâu có biết chữ Sale ở Canada vào dịp lễ có nghĩa là bán đại hạ giá.

Bà cụ B.95 trong làng tôi nêu thắc mắc là thư các em bé viết cho ông Già Santa Claus thì gửi về địa chỉ nào. Anh John trả lời ngay: Ở Canada ai cũng biết là ông già ở bắc cực, tức là mạn bắc nước Canada, nên thư các em bé viết chỉ cần đề địa chỉ ‘Bắc Cực’ là tới. Canada còn gần cả thiên đàng nữa. Nghe anh John nói như vậy thì cụ B.95 vô cùng ngạc nhiên. Ủa, vậy thiên đàng không ở trên trời mà ở dưới đất, ở miền Bắc cực sao? Anh John được dịp kể chuyện vui mùa Giáng Sinh. Anh kể rằng năm xưa có một ông da đen triệu phú đi du lịch. Ông đến Paris, Pháp quốc đầu tiên. Khi ông vào viếng nhà thờ Notre Dame thì ông thấy ở chân bàn thờ có một cái điện thoại ghi là để gọi lên thiên đàng. Giá mỗi lần gọi là một triệu đồng, vì là đường dây viễn liên, thiên đàng ở xa lắm. Sang tới Hoa Kỳ ông thấy nhà thờ chính tòa ở thủ đô D.C. cũng có điện thoại gọi lên thiên đàng và giá cũng là một triệu đồng vì là đường dây viễn liên, thiên đàng ở xa lắm. Khi sang tới Canada, nhà thờ chính tòa ở thủ đô Ottawa cũng có đường dây gọi lên thiên đàng, nhưng giá chỉ có 50 xu. Ông đem việc lạ lùng này hỏi một bà sơ đang lo việc nhà thờ, bà sơ trả lời: Từ Canada gọi thiên đàng rất gần, vì là đường dây ‘local’, đường dây địa phương. Sách có chép chuyện này. Kể đến đây xong thì anh John và cả làng cười ầm lên. Bà cụ biết là cái anh John này bữa nay muốn trêu cụ, muốn cụ cười cho vui cả ngày.

Cụ B.95 đáp ngay: Tết đến nơi rồi, và bác Từ Hoè từ miền Tây cũng sắp về làng ăn tết. Tôi sẽ đem việc này hỏi lại bác Từ Hoè. À, tôi chưa trình các cụ là bữa nay làng tôi họp để bàn về tết Con Ngựa sắp tới. Hai cô Huế Cao Xuân và Tôn Nữ nghe nói tới ông Từ Hoè thì mắt sáng hẳn lên. Hai cô gật gù với Cụ B.95: Đúng, cụ nên kiểm chứng với bác Từ Hoè về địa điểm nước thiên đàng và nơi ở của ông già Santa Claus.

Bữa nay làng tôi họp ở nhà Cụ Chánh tiên chỉ. Cụ đãi phở bò. Cụ bày một khay thịt vừa tái vừa chín, đủ cả nạm gầu vè sụn và hành ngò. Dân làng tự chọn lấy món mình thích, và nhiều ít tùy ý. Anh John vừa ăn phở vừa kể chuyện phở. Rằng tờ báo uy tín của Mỹ, tờ Wall Street Journal, ngày 18 tháng Mười vừa qua đã đăng một bài rất hay về phở, do ký giả Joe Ray viết. Ông ký giả này đã đi Việt Nam nhiều lần, cả Bắc cả Nam, rất thích món ăn Việt Nam và ông cho món Phở là tiêu biểu cái bếp Việt Nam. Ông ta quan sát tỉ mỉ cách người ta nấu phở, từ cách chẻ những cọng hành, cách đập miếng gừng sao cho dập để tiết ra những hương thơm và chất cay. Ông bảo hương vị phở Hà Nội giản dị và cổ điển, nước dùng trong và thanh, còn phở Saigon thì hương vị nồng nàn, đậm đà và nước không trong, có nhiều cải biến. Riêng ông thì ông thích phở Saigon hơn.
Ông ODP nói chen vào ngay: May mà ông ta không ăn phở ở hải ngoại, chẳng hạn ăn phở ở Toronto này. Ông mà đi ăn phở ở đây, thấy bà con cho tương đen tương đỏ, vắt chanh, xịt nước mắm, rồi quấy tô phở lộn tùng phèo lên thì ông sẽ hết hồn và vỡ mộng hoàn toàn. Nói đến đây rồi ông cười hà hà. Ông cũng đọc bài báo anh John vừa nói. Thấy ông nhà báo Joe Ray này hay đi Việt Nam và khen Việt Nam, nhất là khen phở Việt Nam, thì ông nghi rằng cái anh nhà báo này chắc có cô bồ ở Việt Nam. Mê bồ Việt Nam thì chắc sẽ mê luôn món phở mà cô bồ nấu hay dẫn đi ăn. Anh ta khen quá sức là thế.

Ông bồ chữ ODP này rất rành về các món ăn, ông có cái miệng của Cụ Thạch Lam và Cụ Nguyễn Tuân ngày xưa. Ông ODP không dùng muỗng, bao giờ ông cũng bưng tô phở lên húp. Ông bảo dùng muỗng thì hương phở sẽ bay đi hết. Bưng tô phở lên húp thì tất cả cái hương vị nồng nàn của phở bay thẳng vào miệng vào mũi. Người Nhật khi ăn xúp cũng húp như mình, họ bắt chước Việt Nam mình.

Khi cả làng đã ăn phở no nê và bắt đầu uống trà thì làng tôi bàn sang chuyện thời sự giúp nạn nhân bão lụt ở Phi Luật Tân. Gia đình cụ Chánh năm xưa đã ở Phi Luật Tân tại trại tỵ nạn Palawan. Cụ bảo dân Việt Nam mình mắc nợ Phi Luật Tân nhiều lắm. Không những chỉ thập niên 1980 tỵ nạn mà còn trước nữa. Chẳng hạn năm 1954 khi di cư vào miền Nam, phái đoàn y tế tới các trại di cư để chẩn bệnh và phát thuốc đa số là những phái đoàn Phi Luật Tân. Chẳng hạn thập niên 1960 họ tham chiến ở Việt Nam bên cạnh quân đội Hoa Kỳ…

Nghe đến đây thì ông ODP xin nói một chi tiết về đạo. Rằng cũng cuối thập niên 1960 này, Phi Luật Tân đã giới thiệu phong trào Cursillo cho giáo hội Công Giáo Việt Nam. Cursillo là một phong trào quốc tế cổ võ việc sống đạo, canh tân bản thân và môi trường. Khóa đầu tiên ở Saigon giữa thập niên 1960 có Cha Đoàn Cao Lý, Cha Phạm Văn Hội, Ông Nguyễn Duy Chỉ, GS Phan Huy Đức, GS Dương Minh Kính, GS Trần Trung Lương… Phong trào Cursillo này đã tỏa rộng khắp Miền Nam.

Bà Cụ B.95 không biết gì nhiều về nước Phi Luật Tân nên xin ông ODP soi sáng. Bồ chữ ODP liền nói ngay. Rằng nước Phi Luật Tân này ở phía đông nước Việt Nam mình. Đây là một tập hợp gồm hơn 7,000 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đồi núi, thiếu đất canh tác, nghèo về tài nguyên. Quần đảo này hằng năm hứng chịu bao nhiêu là thiên tai, bão tố, động đất, núi lửa. Trung bình mỗi năm chịu 20 trận bão lớn. Đất nghèo nhưng lòng dân không nghèo. Bản chất người dân Phi Luật Tân rất hiền hòa, giàu lòng bác ái thương người. Hồi đầu thập niên 1980, khi phong trào vượt biên lên cao, mấy nước Đông Nam Á có ý định cưỡng bách tỵ nạn Việt Nam hồi hương như Mã Lai, Indonesia, nhưng Hội đồng Giám Mục Phi Luật Tân đã tuyên bố nếu chính phủ Phi Luật Tân mà cưỡng bách thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam lên máy bay thì các giám mục sẽ ra nằm ở phi đạo không cho máy bay cất cánh.

Một hình ảnh bác ái gây xúc động. Nhờ lập trường này mà chính quyền Phi Luật Tân không hề cưỡng bách thuyền nhân Việt Nam về nước. Nhờ lập trường này mà gia đình cụ Chánh mới được ở lại trại rồi được sang Canada.

Cụ Chánh là người rất sốt sắng trong việc đóng góp cứu trợ. Ngay khi hay tin nhà thờ Cha Paolo kêu gọi giáo dân giúp Phi Luật Tân thì cụ Chánh đã góp tiền ngay. Rồi nhà thờ Việt Nam, chùa Việt Nam, cộng đồng Việt Nam vận động gây quỹ thì cụ Chánh cũng tiếp sức rất hăng hái. Làng tôi đã cộng tác với cụ rất chặt chẽ. Ai cũng giúp hết lòng vì đây là việc vừa trả ơn vừa bác ái.

Chính quyền Canada đã gửi đoàn quân thiện nguyện y tế sang tiếp cứu Phi Luật Tân khá sớm, và đã hô hào dân chúng Canada cứu trợ. Chính quyền hứa sẽ ‘match up’ tiền cứu trợ, nghĩa là nếu dân cho 100 thì chính quyền cũng cho thêm 100, nếu dân cho 1 triệu thì chính quyền cũng sẽ bỏ vào thêm 1 triệu. Phong trào cứu trợ đang lan rộng khắp nơi.

Hội Người Việt Toronto có một sáng kiến rất hay để gây quỹ giúp Phi Luật Tân là mở ra hai suất hát chiếu phim ‘Bolinao 52’ vào Chủ nhật đầu tháng 12. Các cụ đã xem phim này chưa? Hay lắm. Nếu chưa thì các cụ tìm cách xem ngay nha. Đây là phim nói về một con thuyền mong manh chở người Việt Nam chạy trốn chế độ CS. Con thuyền ra khơi tháng 5, 1988, chở 110 người. 37 ngày lênh đênh trên biển, gặp bao nhiêu sóng gió bão táp, hết lương thực, người trên thuyền chết quá nửa. Bao nhiêu tàu lớn đi qua nhưng không một tàu nào cứu vớt. Sau cùng họ đã tới được làng Bolinao của Phi Luật Tân. Dân làng đã cứu giúp họ. Cuốn phim ‘Bolinao 52’ mang tên ngôi làng Phi Luật Tân và số người sống sót. Người xem phim ai cũng khóc. Thương quá thuyền nhân Việt Nam. Cảm động quá lòng tốt của dân Phi Luật Tân.

Phim này đã được hai giải thưởng cao quý Emmy Awards. Hoa Kỳ rất hãnh diện về cuốn phim này. Đạo diễn tài ba là ông Nguyễn Hữu Đức. Chuyện phim là chuyện có thật. Ông Đức đã bỏ ra nhiều năm đi tìm tài liệu và nhân chứng. Ông đã sang tận làng Bolinao. Bà Tùng xuất hiện trong phim chính là nạn nhân sống sót trên con thuyền định mệnh 1988 này.

Cô Tôn Nữ hỏi bồ sách ODP về nguồn gốc tên nước Phi Luật Tân. Câu hỏi khó ha. Tôi cũng chả biết, dân làng đa số cũng chả biết. Ông ODP đáp tỉnh bơ: Phi Luật Tân là tên của Hoàng đế Philip nước Tây Ban Nha. Năm 1542, vua đem quân chinh phục quần đảo này và lấy tên mình đặt cho quần đảo thuộc địa. Năm 1898, Tây Ban Nha nhường Phi Luật Tân cho Hoa Kỳ. Mãi đến năm 1946 Phi Luật Tân mới là một quốc gia độc lập. Lãnh đạo một nước gồm 7.107 hòn đảo khó lắm chứ, thế mà nước này vẫn hòa bình, chỉ trừ mấy hòn đảo phía nam theo Hồi Giáo nên lâu nay nơi này có phong trào đòi ly khai.

Anh H.O. nói thêm: Các bác nói rất nhiều điều về nước Phi Luật Tân mà quên nói về 2 món ăn rất phổ thông của họ, đó là món rau đay và món hột vịt lộn. Người Phi Luật Tân cũng ăn hai món này y như người Việt Nam mình. Nếu từ món ăn này mà suy rộng ra thì dám dân Phi Luật Tân cũng có họ hàng với Việt Nam mình khi tổ phụ Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển. Tôi có đọc mấy bài báo nói rằng Cha Lạc Long Quân dẫn đàn con tỏa xuống miền nam, lan ra các hải đảo… Cụ Chánh nghe đến đây thì cười rồi bảo: Tôi biết anh là môn đệ của triết gia Kim Định. Sao anh không nói cho hết cái ý của sư tổ là Cha Lạc Long Quân đi xuống phía nam, một số đã đi xuống các đảo Phi Luật Tân, một số đã đóng bè đi sang tận Nam Mỹ và trở thành người Da Đỏ Nam Mỹ…

Làng tôi lại cười ầm lên với câu chuyện người Da Đỏ ở Canada, ở Hoa Kỳ và ở Nam Mỹ có dòng máu của con cái Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân.

Nói xong chuyện cứu trợ nạn nhân Phi Luật Tân, làng tôi bàn sang chuyện thời sự thế giới. Nổi cộm vẫn là chuyện mấy nước Trung Đông với Do Thái và Palestine.

Nghe nhắc tới Do Thái một cái là anh John góp chuyện ngay. Không ngờ cái máu ghét Do Thái của anh John này mạnh như vậy. Anh John kể rằng nhiều người Mỹ gốc Do Thái rất giỏi, rất giàu và rất uy quyền. Họ nắm hết hệ thống truyền thông thế giới và ngân hàng thế giới. Xưa nay kẻ có tiền là kẻ có quyền. Họ chỉ nghĩ tới nước Do Thái mà thôi. VNCH thua trận 1975 là vì nhóm này chỉ muốn Mỹ rút ra khỏi Việt Nam để dành hết lực lượng và tiền bạc cho Do Thái.

Anh John nói có sách mách có chứng. Theo anh thì Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson (1908-1973) là người đã làm VC chới với điêu đứng. Thời đó trên không thì pháo đài bay B.52 sấm sét, dưới đất thì lực lượng liên quân hành quân liên tục, ngoài khơi thì 4 hàng không mẫu hạm luôn luôn cho máy bay oanh tạc cất cánh. Do Thái thấy Hoa Kỳ đã quá chú trọng tới cuộc chiến Việt Nam mà bỏ quên Do Thái nên đã dùng thế giới truyền thông mà họ chỉ huy để lên án Johnson là tiêu tốn ngân sách và nhân mạng… Do Thái vừa tấn công bằng truyền thông, vừa mua chuộc phong trào phản chiến, nên cuối cùng Johnson bị bó tay. Sau này Kissinger gốc Do Thái đã xúi Nixon bỏ rơi VNCH để bắt tay với Trung Cộng… Anh John kết luận: Không có cái nhóm Do Thái gốc lớn này thì bàn cờ Việt Nam và thế giới đã khác.

Thấy cụ B.95 ngáp mấy cái liền, dân làng biết cụ đã ngấy chuyện thời sự khô khan, nên chúng tôi liền chuyển sang nói chuyện thời sự dễ hiểu và gần kề. Anh John chịu trách nhiệm việc này. Anh bèn kể chuyện phát giác bộ xương hóa thạch khổng lồ của con khủng long thời tiền sử. Rằng cuối tháng 11 vừa qua, ở thành phố Leduc thuộc tỉnh bang Alberta miền trung Canada, người ta đã tìm thấy một bộ xương hóa thạch dài 12 thước của một con khủng long sống cách đây 68 triệu năm. Tôi xin nhắc lại, 68 triệu năm nha. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là thế giới chúng ta ở bây giờ đã hiện diện hàng trăm triệu năm, và đất Canada này đã có mặt cũng hàng trăm triệu năm. Miền đất này có lẽ là miền đất tổ của khủng long trên trái đất. Tháng trước đây, cũng ở Alberta này, người ta cũng đã đào được một khúc đuôi hóa thạch cũng của một con khủng long. Anh John kể đến đây rồi nói: Đời sống của ta thọ lắm là 100 năm. Một trăm năm tuổi có nghĩa gì so với số tuổi trăm triệu năm của trái đất, phải không cơ.

Đấy là tin con vật hóa thạch, bây giờ là tin người đẹp Mylene Paquette ở Montreal miền Quebec. Người đẹp 35 tuổi này mới làm một cuộc vượt biển xuyên Đại Tây Dương. Nàng lái một chiếc canô dài hơn 7 mét đi từ bãi Halifax miền đông Canada. Nàng vượt Đại Tây Dương 5.000 cây số trong 4 tháng ròng rã. Nàng lên đênh trên đại dương, gặp bao nhiêu sóng to gió lớn, và cuối cùng nàng đã tới được bến cảng Lorient bên Pháp tháng 11 vừa qua. Nàng cho biết đã gặp nhiều trận bão và sóng biển có lúc cao tới 12 thước. Lúc đó nàng phải trốn vào phòng lái và phó mặc cho định mệnh. Lịch sử vượt đại dương này xưa nay chỉ có 13 cuộc thành công và chỉ có mình nàng là đã ra đi từ miền bắc Mỹ, tất cả còn lại là ra đi từ phía nam. Đi từ phía bắc mới khó khăn và nguy hiểm hơn là đi từ phía nam. Nàng là người Bắc Mỹ đầu tiên đã thành công trong cuộc vượt đại dương một mình. Phụ nữ Canada giỏi quá, các cụ đã thấy chưa?

Tin tiếp theo: Trung tuần tháng Mười Một vừa qua, thủ đô đã làm lễ tưởng niệm Các Chiến Sĩ Trận Vong. Các cụ có biết vào lúc nào không cơ. Tôi đọc tin mà giật mình kính phục. Thưa đó là ngày 11 tháng 11 vào lúc 11 giờ 11 phút. Buổi lễ diễn ra tại thủ đô, nơi có đài tưởng niệm các chiến sĩ National War Memorial. Thủ tướng và vị toàn quyền Canada với các cấp chính phủ, ngoại giao đoàn cùng tới dự và đặt vòng hoa. Lúc đó bọn đàn ông chúng tôi đang uống cà phê và đọc báo trong quán Starbuck. Tự nhiên thấy cả quán im lặng và mọi người đứng lên. Nhìn vào TV mới biết là lễ mặc niệm đang bắt đầu ở Ottawa. Cả quán im lặng và ai cũng đứng nghiêm chỉnh. Lễ chào quốc kỳ và mặc niệm xong mọi người mới ngồi xuống. Giây phút thật là cảm động. Dân trí Canada cao quá. Canada là xứ hòa bình, xưa nay chưa hề đem quân đi xâm chiếm và đánh nhau với nước nào, thế mà Thế Chiến I, Canada đã gửi quân sang giúp Âu Châu và 68.000 quân nhân đã bỏ mình để bảo vệ Âu Châu. Thế Chiến II, 48.000 quân nhân cũng bỏ mình bên Âu Châu. Trong cuộc chiến ở Triều Tiên 1950, 516 binh sĩ Canada đã bỏ mình. Trong cuộc chiến Afghanistan hiện nay, 158 quân nhân Canada cũng đã bỏ mình. Tôi thấy nhiều vị đại diện lên đặt vòng hoa mà nước mắt lưng tròng.

Và tin thời sự sau cùng là tin Thị trưởng Toronto Rob Ford bị rút quyền lực. Từ khi ông thị trưởng mập ù này lên nhậm chức, thành phố Toronto rối bung. Mấy tháng gần đây, ngày nào các cơ quan truyền thông cũng nhắc tới các bê bối của ông. Nào ông đã hút ma túy, nào ông đã uống rượu lái xe, nào ông đã thiên vị nhân viên. Cuối cùng thì hội đồng thành phố đã bỏ phiếu rút quyền của ông lại. Hiện nay Phó Thị trưởng Norm Kelly hầu như đang điều hành thành phố này. Chưa biết số phận ông Ford rồi sẽ ra sao.

Cụ Chánh chủ nhà nghe thấy anh John nói là hết chuyện thời sự thì mang một khay bánh rán ra đãi cả làng. Bánh rán này do Cụ già B.95 chính gốc Bắc kỳ làm nên có hương vị rất Bắc Kỳ. Vỏ bánh giòn tan và nhân bánh bùi ngậy. Dân làng vừa ăn bánh vừa uống trà, hai món này đi với nhau ngon hết sức. Cụ Chánh lên tiếng: Nãy giờ chúng ta nghe các thứ chuyện mà toàn là chuyện nghiêm trang, bây giờ xin sang phần chuyện cười. Xin bồ chữ ODP phụ trách phần này nha. Cả làng vỗ tay. Ông ODP vừa cuời vừa nhìn mọi người: Chúng ta đang ăn bánh cho nên tôi xin lấy đề tài ‘Bánh’. Tôi xin đố mọi người mấy câu về tên bánh. Tôi xin đố 2 câu thơ mở đầu để làng nghe làm quen:

– Bánh gì ăn ít mà nhiều?
– Bánh gì cả thúng vẫn kêu chưa vừa?

Cụ B.95 đáp ngay: Câu 1 ‘Bánh gì ăn ít mà nhiều’ là bánh Đa, ‘Bánh gì cả thúng vẫn kêu chưa vừa’ là bánh Ít.
Ông ODP gật gù tỏ vẻ bái phục. Ông xin đố tiếp:

– Bánh gì nhọn tựa răng cưa?
– Bánh gì nên nghĩa sớm trưa vợ chồng?

Cả làng suy nghĩ một lúc lâu mà không ai nghĩ ra đáp số. Ông ODP bèn cười hì hì:

– ‘Bánh gì nhọn tựa răng cưa’ là bánh Gai, ‘Bánh gì nên nghĩa sớm trưa vợ chồng’ là bánh Phu thê!

Cả làng nghe xong ai cũng à lên một tiếng rồi gật gù cho là có lý.

Ông ODP thấy làng còn thích thú nên ông bảo thay vì đố từng đồng bánh, ông xin đố một rổ bánh như sau:

– Bánh gì trắng tựa như bông?
– Bánh gì ăn diện nghênh ngông với đời?
– Bánh gì nhỏ, gọi mập đùng?
– Bánh gì sống tại những vùng rong rêu?
– Bánh gì tra tấn đủ điều?
– Bánh gì cất rượu ra chiều nồng thơm?
– Bánh gì ăn cỏ ăn rơm?
– Bánh gì mà lại bọc trong che ngoài?

Nghe 8 câu đố một lúc thì cả làng ai cũng lắc đầu, ai cũng kêu vừa dài vừa khó. Ông ODP bảo khó gì đâu. Dễ mà. Này nha:

– Bánh gì trắng tựa như bông là bánh Dày.
– Bánh gì ăn diện nghênh ngông với đời là bánh Chưng.
– Bánh gì nhỏ, gọi mập đùng là bánh Ú.
– Bánh gì sống tại những vùng rong rêu là bánh Bèo.
– Bánh gì tra tấn đủ điều là bánh Hỏi.
– Bánh gì cất rượu ra chiều nồng thơm là bánh Men.
– Bánh gì ăn cỏ ăn rơm là bánh Bò.
– Bánh gì mà lại bọc trong che ngoài là bánh Bao.

Anh John nghe xong các câu đố thì cười hì hì: Tôi không có gốc Việt Nam từ bé nên không được nghe tới hết các tên và không được ăn những đồng bánh này. Khi học tiếng Việt Nam thì tôi có một thắc mắc là trong tiếng Việt Nam, hễ gọi là bánh thì đều là thực phẩm để ăn, trừ có cái ‘bánh xe’ thì không hề là thực phẩm. Tại sao lại gọi là bánh, bánh xe ôtô, bánh xe đạp, bánh xe máy? Tôi nhớ hồi đó học đến chữ này tôi cứ tức cười mãi. Không ai giải thích được chữ bánh trong tiếng ‘bánh xe’. Anh John này rất thông thái, anh hỏi rồi tự trả lời: Tôi hỏi là hỏi chơi vậy chứ về mặt ngôn ngữ học thì ta phải chấp nhận nó là như vậy, không được hỏi tại sao. Tôi nhớ trong tiếng Việt Nam có nhiều tiếng suy ra thì cũng buồn cười lắm. Chẳng hạn động từ ĂN chỉ động tác nhai trong miệng rồi nuốt đi. Ngoài nghĩa ăn này ra, tiếng Việt Nam còn nói ăn trong nhiều trường hợp khác, như ăn mặc, ăn chơi, ăn học, ăn vạ, ăn nằm… Và tiếng ăn làm tôi cười nhiều nhất là lời đe dọa: ‘Tao cho mày ăn cái tát tai bây giờ; Tao cho mày ăn cái đá đít bây giờ…’ Sao lại ăn tát tai, ăn đá đít? Kỳ mà hay quá chứ.

Cứ thế, làng tôi vui cười mải mê tới tối mịt.

Tôi định viết nữa nhưng hết giấy mất rồi nên tôi xin phép dành mấy dòng cuối này để trình các cụ một tin ghê gớm: Nhờ tài năng về máy vi tính và lòng quý mến của anh John và Chị Ba Biên Hòa, nhân mùa lễ Giáng Sinh và Năm Mới đang tới, tôi sắp trình làng hai ấn phẩm mới: ‘Đất Quê Hương 2’ và ‘600 Chuyện Cười’. Đây là tác phẩm thứ 15 và 16 của bần bút. Đất Quê Hương 2 là một tập hợp các chuyện phiếm mà tôi ưng ý nhất trong mấy năm qua, và 600 Chuyện Cười là những chuyện tiếu lâm ngắn gọn mà tôi sưu tầm được từ đủ loại sách báo cũng từ mấy năm qua. 600 chuyện này khác với các chuyện trước đây. Nhìn lại kho chuyện cười mà tôi giật mình. Như vậy là tôi đã viết 4 cuốn chuyện cười trong 12 năm. Nhân việc in 2 sách mới, Anh Chị John cũng giúp tôi tái bản 3 cuốn chuyện cười đã xuất bản trước đây. Tôi cho tái bản vì lâu nay nhiều độc giả tìm hỏi mà kho sách của tôi đã hết từ lâu. Lần ra mắt sách này có tất cả 5 cuốn, quả là ghê gớm, quả là bạo gan, phải không cơ?

– 2 sách mới: Đất Quê Hương 2 + 600 Chuyện Cười
– 3 sách tái bản: 300 Chuyện Cười + 400 Chuyện Cười + 500 Chuyện Cười.

Anh John và Chị Ba Biên Hòa đã đặt tên 4 sách cười này là ‘Chuyện Cười Trà Lũ Toàn Tập’. Cộng 4 con số trên 4 bìa sách là 1.800 chuyện cười, nhưng thực ra số chuyện cười còn nhiều hơn thế, cuốn nào tôi cũng viết thêm ở cuối để bù cho những chuyện viết sai in sai. Tôi chỉ viết vào sách những chuyện nào mà tôi thích và đã làm tôi cười, chứ không phải vơ vào bất cứ chuyện nào để cho tròn con số.

Tiếng cười là biểu hiệu hạnh phúc. Tiếng cười là ngôn ngữ quốc tế, không bao giờ cần thông dịch. Tiếng cười không tốn tiền nhưng mua được rất nhiều sự. Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ, cha ông ta bảo thế. Laughter is the best medicine, nguyệt san quốc tế Reader’s Digest bảo thế.

Kính chúc các cụ Năm Mới đầy hạnh phúc và chan hòa tiếng cười.

Trà Lũ

(Người chuyển bài: Thu Vân)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm