…..

Tìm Lại Dấu Xưa

                                                          An Phong Nguyễn Văn Diễn

 

…..Bạn thân yêu,

     Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, văn minh hiện đại làm cho chúng ta chóng mặt. Hầu như mọi vấn đề liên quan tới đời sống hàng ngày đều có khả năng chọc cho chúng ta lên máu, cao máu… và lo lắng, sốt ruột, dễ giận, dễ lẩy… gây đủ thứ chuyện phiền toái. Ðó là chưa kể những chuyện thời sự I-Raq, Do Thái, Palestine, I-Ran, Bắc Triều Tiên, Trung Hoa, Việt Nam… từng ngày từng giờ… nheo nhéo bên lỗ tai! Nội bạn chỉ đọc mấy câu trên đây mà thôi thì bạn cũng đã thấy đầu nhức rồi phải không?

     Bạn ạ, chi bằng ta để ra vài phút, cài số de “thời gian”, de lui một tí, lui tí nữa… cho tới cái khung trời nào đó mà ta thích, để “Tìm Lại Dấu Xưa”. Biết đâu ta sẽ thấy được, nghe được chút hương vị êm đềm, lãng mạn, thân thương của dĩ vãng, tạm quên đi những thực tại dồn dập, nhức đầu hôm nay.

     … Stop! Stop! Ðừng lui nữa! Stop!… Ðược rồi!

     Kéo thắng tay, tắt máy là vừa. Cảnh trí đang vừa tầm mắt, tầm tay! Thân ái mời bạn xuống xe. Họ đằng kia kìa! Ta tới gặp họ đi… người xưa đấy!

… “Action!” …

     Một bài thơ cổ diễm lệ ảnh hưởng từ chuyện Tiên Rồng:

     Trong hai nền văn học Trung Hoa và Việt Nam có truyền tụng một bài thơ cổ rất diễm lệ. Bài thơ trình bày tâm sự của một thiếu phụ Bách Việt thuộc nước Việt Thường cổ có chồng đi hành quân xa đã cho tôi một vài suy nghĩ “vui vui”. Nhân đây xin lạm bàn bài thơ ấy để quý độc giả thưởng thức cái thâm trầm của người xưa.

     Ðó là bài: “Cộng Ẩm Tương Giang Thủy

     Lệ thường, những tác phẩm thi ca cổ, nếu không đạt tới một giá trị tuyệt vời, đi vào lòng đại chúng, thì khó có thể tồn tại với thời gian. Thảng hoặc, dù vẫn còn tồn tại nhưng cũng chỉ được lưu hành trong giới thi nhân yêu chuộng thơ cổ mà thôi.

     Riêng bài thơ “Cộng Ẩm Tương Giang Thủy” thì khác. Tự nó kết liền với thơ văn Việt tộc một cách đậm đà, mật thiết hầu như ai cũng lõm bõm nhớ vài câu chữ Nho hoặc bài thơ dịch Việt ngữ .

     Bài thơ này xuất hiện từ thời Chu khoảng năm 700 tr. CN. Thời gian này các tộc họ Bách Việt cổ ở cực Bắc Văn Lang không còn tôn phục các vua Hùng Vương ở Phong Châu nữa. Họ ly khai nước Văn Lang, nối đuôi nhau lập thành nhiều nước Việt phương Nam (phia Nam sông Dương Tử ) như Việt Sở, Việt Thường, Dương Việt, Mân Việt, U Việt, Việt Quốc (Việt Câu Tiễn), Nam Việt, Quí Việt, Tây Âu, Ðông Âu, Thục … triều đình các nước Việt tân lập này được tổ chức theo truyền thống du mục Trung Hoa nghĩa là thực tiễn và cường lực thống trị xã hội. Họ đem quân đánh nhau liên tục (cùng thời với giai đoạn Chiến quốc nhà Ðông Chu bên Tàu) chỉ với mục đích chiếm đất dành dân và làm bá chủ thiên hạ. Dù vậy, truyền thống văn hóa Việt của các nước này vẫn còn đậm nét Việt tộc trong đời sống dân chúng.

     Trong số này nước Việt Sở thành hình sớm nhất và là một nước lớn, hùng mạnh; kế đó là nước Việt Quốc của vua Việt Câu Tiễn đã từng làm bá chủ chư hầu cả 100 năm rồi đến nước Việt Thường với Lịch Nông nghiệp trên khắc trên mai rùa… Khởi đầu, tất cả các nước nói trên nằm trong quốc gia Văn Lang (từ 2.704 tr.CN) đến thời nhà Chu (1109-221/tr.CN). Kể từ giai đoạn này các địa phương phía Bắc Văn Lang đã dần dần ly khai khỏi chính quyền Trung ương của các Hùng vương mà lập ra những nước mới như đã kể trên. Chúng tôi nghĩ rằng bài thơ này xuất hiện trong giai đoạn chiến tranh giữa các nước Việt (tân lập) nầy.

     Chàng là một chiến sĩ trẻ tuổi tên là Lý Sanh đang hành quân trong vùng Ngũ Lĩnh Sơn. Vợ chàng là một thiếu phụ hiền thục, xinh đẹp tên Lương Ý Nương. Nhà của vợ chồng nàng ở cuối sông Tương. Mọc dài theo hai bên bờ sông Tương là những khóm trúc vàng rất đẹp, thân trúc đan vào nhau san sát. Ðặc biệt giống trúc này có những mắt trúc rất ngộ nghĩnh, trông giống như mắt người!

     Một chiều Thu, bầu trời một màu xanh trong vắt, đây đó những cụm mây bàng bạc trôi lững lờ theo chiều gió. Lương Ý Nương dạo bước dọc theo bờ Tương Giang mà lòng nặng trĩu tình riêng. Nàng chọn một phiến đá dưới bóng trúc rồi vén áo ngồi lên. Dòng sông chảy lững lờ mang theo những lá trúc, từng chiếc, từng chiếc, rơi nhẹ trên mặt nước trông như những chiếc thuyền nan mong manh, bập bềnh trên biển cả. Lòng Lương Ý Nương buồn vời vợi nhớ thương người chồng xa vắng đã lâu. Chồng nàng đang hành quân ở thượng nguồn Tương Giang trong vùng núi Ngũ Lĩnh. Ðã mấy Thu trôi qua trong cô liêu, khắc khoải, nàng vẫn chưa được tin tức của chàng.

     Chợt nàng thấy thấp thoáng dưới làn nước trong veo có cái gì rất lạ… đúng rồi, nó như con mắt ai đang nhìn nàng! Lương Ý Nương giật mình quay đầu nhìn sâu vào dòng sông. Ô kìa!… Lấp lánh trong dòng nước gợn sóng, đôi mắt của Lý Sanh đang nhìn nàng đăm đăm, chập chờn theo sóng nước … như tha thiết, như trìu mến!… Nàng dụi mắt nhìn kỹ … không phải một đôi mắt … mà là hàng chục, hàng trăm con mắt lung linh bên cạnh những lóng trúc vàng khi ẩn khi hiện trong dòng nước xanh biếc!

     Rồi… nàng cũng nhận ra, đấy là những… “mắt trúc” phản chiếu trên mặt nước mà vì quá mẫn cảm, nàng đã liên tưởng đến đôi mắt người yêu.

     Cảm xúc dâng lên từ những con mắt thiết tha ấy, nàng giang rộng hai tay với ra dòng nước, vốc lấy một vụm nước mát rượi mang hình đôi mắt người yêu. Nàng trìu mến đưa lên miệng uống bằng cả tấm lòng nhớ thương tha thiết. Nàng mơ hồ rằng, ở đầu nguồn trên kia chàng cũng đang nhìn nàng, cùng uống chung với nàng dòng nước Tương Giang… và chàng cũng đang nhìn thấy những con mắt thương nhớ của nàng đang nhìn chàng…

     Hình như đạt được sự cảm thông tuyệt vời với người yêu, nàng trở về nhà trong niềm vui nhẹ nhàng, bình an như những ngày họ sống bên nhau…

     Trong bối cảnh đó êm đềm, thơ mộng đó, bài thơ “Cộng Ẩm Tương Giang Thủy” xuất hiện như một bản tình ca bất diệt:

     “Nhân đạo Tương Giang thâm,

     Vị để tương tư bạn!

     Giang thâm chung hữu để,

     Tương tư  vô biên ngạn!

     Quân tại Tương Giang đầu,

     Thiếp tại Tương Giang vĩ,

     Tương tư bất tương kiến,

     Cộng ẩm Tương Giang thủy.”

     Bản dịch sau đây không biết của ai :

     Tương Giang người bảo sâu,

     Chẳng bằng lòng thương nhớ!

     Sông sâu còn có đáy,

     Tương tư không bến bờ!

     Chàng ở đầu Tương Giang,

     Thiếp ở cuối Tương Giang,

     Nhớ nhau mà chẳng thấy,

     Cùng uống nước Tương Giang

     Bài thơ thực độc đáo và hay hơn nữa là nó nhắc nhở ta nhớ tới những sự tích lâm ly từ con sông nổi danh này. Tương Giang còn có tên là sông Tiêu Tương, do hai con sông Tiêu và sông Tương cùng bắt nguồn từ núi Ngũ Lĩnh và nhập lại thành một dòng chảy lên phía Bắc, qua Cánh Ðồng Tương rồi đổ vào hồ Ðộng Ðình.

     Tên Tương Giang và Cánh Ðồng Tương có lẽ xuất phát từ chuyện bà Âu Cơ thương nhớ Lạc Long Quân (mất tích) sau cuộc thảm bại của Liên minh Xích Quỷ tại Trác Lộc trước đại binh du mục Hoa tộc của Hiên Viên (2704 tr.CN). Bà dẫn cánh quân 50 bộ tộc (một cánh trong Liên Minh Xích Quỷ) chạy về miền nam ở vùng núi Ngũ Lĩnh. (Xin xem Chương II/4 .- Giả thiết lịch sử: Chiến tranh Trác Lộc 2704/tr. CN sách Ðường Ta Ði của cùng tác giả xb. năm 2003)

     Sách Lĩnh Nam Trích Quái của Trần Thế Pháp TK.13 kể như sau:… Chờ lâu không gặp chồng, bà Âu Cơ bèn lập đàn ở bên bờ sông, trên đồi Tương Dạ kêu gọi tha thiết:

   “Quân ở phương nào, làm cho mẹ con ta ngày đêm thương nhớ!”.

     Các “con” cũng khóc:

     “Bố ở phương nào mau về với chúng con!”.

     Thốt nhiên Long Quân về trên đàn, bàn với Âu Cơ nên chia các con ra giữ vững các nơi. Long Quân dặn Âu Cơ phong con trưởng Hồng Bàng Thị (con đầu của người mẹ họ Hồng Bàng) làm vua và đóng đô ở Phong Châu. Sau đó, công chúa Âu Cơ nhớ nhà, nhớ nước bèn đem các “con” đi lên biên cảnh. Vua Hoàng Ðế (sau chiến thắng tại Trác Lộc, Hiên Viên xưng vua và đổi tên là vua Hoàng Ðế) nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn ngự quan tái khiến “mẹ con” không về Bắc được.

     * Cánh Ðồng Tương, đồi Tương Dạ: Những danh xưng Cánh Ðồng Tương, đất Tương Dạ, sông Tiêu Tương,… ở phía nam Ðộng Ðình Hồ chắc chắn không do người Trung Hoa đặt ra sau này mà đã xuất hiện từ câu chuyện công chúa Âu Cơ và các con thương nhớ Lạc Long Quân và lập đàn kêu khóc. Ðể rồi từ đó trở thành những cụm từ: sông Tiêu Tương, Ðồi Tương dạ, kinh đô Cữu Linh. Sông Tiêu Tương cũng gọi là Tương Giang hay sông Tương rất nổi danh trong văn học Việt cũng như Trung Hoa sau này?

     Bên cạnh cái diễm lệ của bài thơ, chuyện chàng Lý Sanh và nàng Lương Ý Nương đã tạo nhiều cảm xúc sâu xa cho người đọc. Chẳng những thế, bài thơ cổ còn tiềm ẩn một tư tưởng triết học vô cùng lý thú, xin mời bạn đọc tiếp :

     “Sông Tương người bảo sâu…

     Sông sâu còn có đáy”

     Sông sâu mấy cũng phải có giới hạn của vật hữu thể thuộc về lý tính.

     “Chẳng bằng lòng thương nhớ…

     Tương tư không bến bờ”

     Nhưng lòng thiếp thương nhớ chàng thì quả thật không có gì để đo được (tinh thần, thuộc về tâm linh)!

     Bởi vì, không ai có thể đo được chiều sâu tâm linh! Ngay bốn câu đầu chúng ta đã thấy được tác giả bài thơ có chủ ý so sánh giữa vật chất hữu thể và tiềm thức tâm linh mà trong lòng không khỏi liên tưởng đến hai cực Âm và Dương trong Dịch lý.

     Chàng với thiếp, một người ở đầu sông, một người ở cuối sông, buồn thương đến độ nhớ nhau mà không thể gặp được nhau. Lý tính vốn là một sức mạnh thường áp đảo cảm tính tâm linh khiến cho giá trị Nhất nguyên Lưỡng cực (trong 1 thể luôn có 2 cực Âm Dương) mất hẳn trạng thái cân bằng, dẫn đến khổ đau trong đời sống. Cái khổ vì Âm thiếu Dương hay Dương thiếu Âm làm cho nàng phải sống thui thủi, không còn sinh thú và chàng cũng không tránh khỏiû xót xa, lo lắng cho người vợ đang cô quạnh ở nhà…

     Làm thế nào để Âm và Dương gặp nhau? Quả nhiên đây là một vấn nạn cần được hóa giải để cân bằng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Dòng nước Tương Giang với những mắt trúc phản chiếu từ dòng sông và cái giao cảm nẩy sinh từ tâm linh con người tạo thành một nhịp cầu nối lại Lưỡng cực. Ðiều mà tự thâm tâm người thiếu phụ phát sinh ý tưởng ngộ nghĩnh: những đôi mắt của chàng đang âu yếm nhìn nàng và nàng vốc nước uống với chàng, đã tạo thành niềm ủi an, lòng yêu đời trong cuộc sống cô liêu của người chinh phụ.

     Trên lãnh vực từ ngữ, tên chàng là Lý Sanh, mang ý nghĩa: Lẽ thường của cuộc sống, thuộc về Lý luận, biểu tượng là Rồng hay Ðất thuộc Dương tính, Lý tính . Tên nàng là Lương Ý Nương, mang ý nghĩa: Ý tưởng lương thiện, đạo đức, thuộc về Tâm linh, biểu tượng là Tiên hay Trời thuộc Âm tính, Tâm linh .

     Tại sao tên của chàng và nàng cùng nội dung bài thơ lại mang nét Âm Dương Tiên Rồng Việt tộc?

     Phải chăng tác giả bài thơ cổ là một hiền triết Bách Việt xưa đã đem tâm tư gởi gấm vào bài thơ tuyệt đẹp ấy? Tâm tư ấy rõ ràng mang tư tưởng Tiên Rồng song hiệp rất rõ nét. Ðó cũng là triết lý Nhất Nguyên Lưỡng cực của Việt tộc tiền sử!!

     Bởi đó, để làm sáng tỏ nguyên ý bài thơ cổ, có người đã chắp thêm cuối bài thơ :

     Tình đôi ta tuy hai mà một
     Ðời chúng mình tuy một mà hai

     hoặc

     Chàng với Thiếp tuy hai mà một!

     Thiếp với Chàng tuy một mà hai

     Chàng với thiếp tuy mỗi người ở một nơi, chàng đem cái sức mạnh thể xác để bảo vệ tổ quốc, nàng đem niềm tin yêu xây dựng hậu phương thì dẫu là hai nếp sống khác biệt nhưng vẫn là một đôi tình nhân tuyệt vời.

     Bởi vậy, nếu tình lý, nhu cương, tinh-thần vật-chất, âm dương luôn nằm trong một nguyên (Nhất nguyên lưỡng cực) thì con người, xã hội hài hòa, hạnh phúc biết bao!

An Phong Nguyễn Văn Diễn

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm