Nguyễn Hợp Minh

 

 TÍN NGƯỠNG VIỆT NAM

 Một Góc Nhìn Về Lịch Sử Minh Triết Việt Tộc

 

PHẦN THỨ NHẤT

 I) UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

 Khái Quát Lịch Sử Tín Ngưỡng Cổ Đại Việt Tộc

 

Nước Việt Nam ta trải qua gần 5.000 năm (2.879 Tr.TL-) là quốc gia có lịch sử sản sinh và chứa đựng, hứng chịu và bao dung, dưỡng dục và tha thứ, hiếu sinh và hiếu hoà, thâu thái và sáng tạo tất cả những nền tảng và tinh hoa, chia sẻ hầu hết những thăng trầm và tiến hoá của cả hai nền văn minh, văn hoá Ðông, Tây kim cổ để trưởng thành , trường tồn , tân tiến hoá và đang tiếp tục hoá giải những biến cố lịch sử liên tục từ cuối thế kỷ XVIII đến hiện đại để phát huy bản sắc văn hoá tâm linh nhân bản của dân tộc, thể hiện truyền thống tinh thần tự chủ bất khuất ngoại xâm của Việt tộc.

Mỗi dân tộc đều có đời sống tâm linh , huyền thoại và tín ngưỡng đặc thù.

Ấn độ có Bà la môn giáo, Thích Ca Mâu ni Phật, có huyền thoại Long Vương, Thiên thần, Diêm phù, Diêm phủ. Hoa tộc có Khổng thuyết thiên mệnh, thần tiên, Ngọc Hoàng, đã trở thành bá quyền, bành trướng từ đời nhà Hán. Nhật Bản có Thái dương thần nữ, Hiệp sĩ đạo. Các nước Âu Mỹ có Do Thái giáo, Thiên chúa giáo (thờ Jehovah là Cha, Jesus Christ là con và các Thiên thần). Ngoài ra còn thờ Thần Mặt Trời, Tin lành giáo, Vô thần giáo. Các dân tộc Phi châu, Trung Ðông có Hồi giáo… v…v…

Dân tộc Việt nam ta có tín ngưỡng thờ kính Quốc tổ Hùng Vương, thờ kính Cha Mẹ Ông Bà Tổ Tiên , thờ kính Nhân Thần và huyền thoại Tiên Rồng.

Tín ngưỡng Việt coi huyền thoại Tiên Rồng là căn bản của đời sống tâm linh, tâm thức, trí lực và trí tuệ của nền tảng tín ngưỡng và tinh thần dựng nước giữ nước, tự chủ bất khuất ngoại xâm của dân tộc Việt nam.

Huyền thoại Tiên Rồng còn là nhân tố quan trọng thuộc bản sắc văn hoá tâm linh nhân bản, đoàn kết dân tộc , tương thân, tương ái …vvv…trong lịch sử Minh Triết Việt.

Gần 3.000 năm tr.TL và 300 năm trước Khổng thuyết, Phật triết du nhập, Việt tộc đã có tín ngưỡng và giáo lý thờ kính Quốc Tổ, thờ kính Cha Mẹ, Ông Bà Tổ Tiên, thờ kính Nhân Thần và huyền thoại Tiên Rồng.

Tín ngưỡng và phong hoá Việt gần 5.000 năm qua thể hiện là dân tộc hiền lương, ôn hoà và tương đối hùng mạnh, có tinh thần truyền thống tự chủ, bất khuất ngoại xâm, được sự đồng cảm của các lân bang Ðông Nam Á và sự thiện cảm của các quốc gia Bắc Á và Ðông Á yêu chuộng hoà bình.

Những di tích tâm linh tín ngưỡng , những đồ án kiến trúc đại quy mô, trạm khắc hoa văn tinh kỳ xây cất Ðền, Ðình, Chùa Lăng, Miếu, nhà cửa trang nghiêm , hoành tráng với những thắng cảnh hội tụ núi sông hùng vĩ, nhiều loại kỳ hoa dị thảo hương sắc muôn màu được tạo dựng trên khắp mọi miền Bắc, Trung, Nam ; những cổ vật thần kỳ được sáng chế, kiến tạo từ hằng vài ngàn năm về trước hiện vẫn được dân chúng tự bảo tồn , lưu hành trong nhân dân toàn quốc; những công kỹ nghệ cổ truyền cực kỳ tinh xảo quốc dân vẫn tự túc duy trì , tiếp tục chế tạo, sản xuất lưu truyền ; những giáo lý và truyền thuyết hiếu hạnh, công đức kinh bang tế thế của các Nhân Thần Việt do quốc dân tôn kính lưu truyền từ hằng vài nghìn năm về trước vẫn do nhân dân tự chủ xưng danh, hằng năm cúng tế; những Hội hè đình đám , những y phục, lễ phục mầu sắc , hoa văn trang sức lộng lẫy của 54 sắc tộc (trung châu, Cao nguyên, duyên hải), vẫn do dân chúng tự động cúng tế hằng năm với những phong tục tập quán thuần lương, những dân Ca, Vũ Nhạc, Võ thuật, những nghi thức, lễ vật cúng tế, những trò chơi dân gian đặc thù của hàng chục ngàn Xã Thôn Buôn, Sóc trong 54 sắc tộc sáng tạo..vv..vv…biểu trưng sắc thái văn minh văn hoá Việt từ cổ đại lưu truyền, trường tồn đến hiện đại.

Còn rất nhiều di tích, di sản văn hoá, học thuật cổ truyền của dân tộc, ẩn tàng trong quốc dân và vẫn do quốc dân tự ý, tự chủ ứng dụng, vận dụng thích nghi , lưu truyền trong quốc dân để trường tồn, trước mọi thử thách đầy gian lao do biến cố lịch sử ngoại kháng, nội tranh.

Dân Việt từng khắc phục nhiều khó khăn, thâu thái , hòa đồng, Việt hoá nhiều học thuyết Ðông Tây, cảnh giác và vượt qua nhiều loại tín ngưỡng ngoại nhập giả dối , lừa phỉnh nhằm thao túng nội chính khuynh loát tinh thần tự chủ Việt tộc.

Căn cứ những chứng tích lịch sử vừa nêu trên vẫn trường tồn ở hiện đại, thì Tín ngưởng Việt tôc từ gần năm ngàn năm qua, tân tiến hoá, lưu truyền đến đầu thế kỷ XXI , đại thể hiện còn lại:

Ba giáo lý Công đồng, Bốn linh ứng Phủ, bốn đức hạnh Nhân Thần, hai Thiền Tông ứng dụng giữ nước ở thế kỷ XI và XIII : Thiền Thảo Ðường Ðại Việt và Thiền Trúc Lâm , Yên Tử sơn, hai tôn giáo bảo tồn tín ngưỡng dân tộc : võ trang tự vệ , bất khuất bạo quyền ở nửa đầu thế kỷ XX : Phật giáo Hòa Hảo bảo tồn tín ngưỡng tâm linh nhân bản dân tộc, võ trang chống Pháp. Cao Ðài Tam kỳ Phổ độ , hiệp thông tôn giáo Ðông Tây kim cổ và ứng dụng tư tưởng khoa học theo gương Nhật Bản, Á Ðông của người Á Ðông.

  A) Ba Giáo Lý Công Đồng (đại thể là : Trời, Ðất, Nước, Biển)

1) Trời : nhận thức về nhân sinh , chiêm nghiệm thời tiết 4 mùa tuần hoàn thay đổi. Các hiện tượng biến động trong thiên nhiên : mưa nắng, sấm chớp, nóng lạnh, giông gió, bão, lụt, các dáng trời, các sắc mây thay đổi, thảo mộc, vạn vật biến động, sinh hoá ..v..v.. ẩn tàng trong ca dao, thành ngữ, tục ngữ, phương ngữ, truyền khẩu trường tồn trong văn hoá tâm linh nhân bản Việt tộc.

Tục ngữ Việt nói : Không có trời ai ở với ai !

Vậy, Trời là gì ?

Tâm linh Việt tộc coi Trời là linh khí, linh tính, linh quang, sinh khí, là quyền lực vô hình khuyến thiện , là trọng tài của sự thịnh suy , mưa thuận gió hòa và cuộc sống vạn vật .

Quốc Tổ Hùng Vương, Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ đối với dân tộc và con cháu được toàn dân Việt ví như có tánh linh và công đức siêu việt chi phối thịnh suy của quốc dân và con cháu, giống nòi như Trời đối với vạn sinh vật.

Trong kho tàng Ca dao, tục ngữ Việt tộc không thấy có Thần quyền hóa Ông Trời. Nếu nhân cách hoá Trời cũng chỉ nhằm khuyến thiện, không có tính cách tôn giáo.

Về Vũ trụ quan , được tiêu biểu qua huyền thoại Rồng Tiên.

Trên không trung bao la vô cùng vô tận . người Việt gọi là Trời.

Dưới Trời rộng mông mênh bát ngát, người Việt gọi là Ðất.

Rồng là linh vật trên Không , là dương tính, dương khí, tiêu biểu sự siêu việt của tự nhiên, tượng trưng cho Trời.

Tiên là Núi, Sông, Rừng, cồn, bãi, đất, ruộng, khí hậu ấm lạnh , là âm tính, khí âm, tượng trưng cho Ðất.

Trời Ðất giao tiếp, hoà hợp sinh thành vạn vật.

Rồng (dương – Cha) Lạc Long Quân , Tiên (âm – Mẹ) Âu Cơ hoà hợp sanh ra con cháu nòi giống Việt, nguồn gốc của Tín ngưỡng Thờ kính Quốc Tổ Hùng Vương, Cha Mẹ, Ông Bà, Tổ Tiên, tôn kính Nhân Thần.

2) Ðất là núi, rừng, hải đảo, tài nguyên thiên nhiên, sản vật trên không, trên mặt đất, dưới lòng đất và sức lao tác là nguồn sống chính của dân tộc Việt , hoà hợp với Trời, thuận theo thời tiết , bốn mùa thay đổi, canh tác nông nghiệp, phát triển công kỹ nghệ , sinh trưởng , khuyếch trương, liên tục tân tiến hoá, trường tồn.

Dân Việt tri ân những Anh Hùng Dân Tộc dựng nước, mở mang bờ cõi, giữ nước, giúp dân chế biến , sáng tạo , tiện nghi ..v..v.. được nhân dân báo ân bằng sự tôn kính xưng danh là Nhân Thần, lập Ðền thờ trên quang cảnh đất oai linh hùng vi, hằng năm cúng tế .

3) Nước và Biển Ðông mênh mông, sông dài, lớn rộng . Dân Việt ở trung châu và duyên hải hoà đồng sinh sống với muôn loài thủy sản.

B) Bốn Linh Ứng Phủ là Ðền, Ðình, Miếu Từ với giáo lý 4 Đức Hạnh

Bốn Linh Ứng Phủ là :

1- Ðền là nơi thờ kính các bậc hiển linh ảnh hường đến toàn dân toàn quốc. Ví dụ: Ðền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, Ðền thờ Hai Bà Trưng, Ðền thờ Bà Triệu, Ðền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ..v..v..

2- Ðình là nơi thờ Thần Hoàng của dân chúng địa phương

3- Miếu là nơi tôn kính các cá nhân đặc biệt được dân chúng ngưỡng mộ. Ví dụ Văn Miếu thờ Khổng Tử.

4- Từ là nhà thờ (Từ đường) nơi thờ kính Ông Bà Tổ Tiên.

Từ đường cũng có hoành phi, câu đối, hương án, lư hương chân đèn Con cháu tự do kiến trúc, trang trí tùy duyên, tùy cảnh, tùy trí lực Một số lớn dân chúng Việt đồng hoá giáo lý Phật Thích Ca với phong hoá và gia tiên . Vì thế Từ đường, có nơi đặt thờ kính thêm hình tượng Phật…

Ngoài từ đường riêng của gia đình , dòng họ, dân chúng Làng, Xã Việt thường tự động hợp sức , cộng đồng xây dựng Ðình Chùa, Ðền, Miếu chung.

Dân tộc Việt còn chấp nhận và trợ giúp xây dựng cơ sở và cho tự do truyền bá giáo lý Phật, Khổng Lão. Ví dụ : Phật có Phật Tự như Thập phương Cổ Tự , Phước Ðiền Tự. Lão giáo có Ðạo Quán. (thờ Thái thượng Lão quân) Ví dụ : Trấn Vũ Ðạo quán, Bích Câu Ðạo quán thờ Tú Uyên và Hà Giáng Kiều. Phủ thờ các Vương mẫu…vvv…1. Thiền Thảo Ðường Ðại Việt thế kỷ XI

Bốn Ðức Hạnh là :

1 Thiên Vương, là đức hạnh dũng cảm , thanh cao của các bậc anh hùng dân tộc , giúp nước, cứu dân , không màng danh lợi, không tham quyền cố vị, công thành thân thoái do dân tộc tôn kính xưng danh là Thiên Vương, lập Ðền thờ, hằng năm dâng hương cúng tế . Ví dụ Ðức Phù Ðổng Thiên Vương.

2- Tiênđức hiếu hạnh và hành động của những bậc chân nhân hoá thân cứu nhân độ thế. Ví dụ Tản Viên dùng gậy thần sách ước cứu người. Chữ Ðồng Tử là đức hiếu hạnh của người con chí hiếu, chồng của Tiên Dung công chúa, con gái Vua Hùng Vương 18.

3- Thánhđức hiếu hạnh do dân chúng Việt tôn kính xưng danh những anh hùng dân tộc hiển linh diệt trừ tà ma, yêu quái, giúp dân, giúp nước. Ví dụ : Bố Cái Ðại Vương Phùng Hưng hiển linh giúp Nguyên soái Triệu quang Phục đánh bại giặc Trung quốc xâm lăng Trần Bá Tiên ở Ðầm Dạ Trạch. Hưng Ðạo vương Trần quốc Tuấn hiển thánh diệt trừ yêu quái Phạm Nhan nguyên là Ðại Tướng giặc Nguyên xâm lăng, tử trận ở Việt Nam biến thành yêu quái sát hại thai nhi và sản phụÐại Việt.

4- Thần là đức hiếu hạnh do dân chúng địa phương tôn kính xưng danh những người dân địa phương có công lập Làng, Xã, mở mang bờ cõi, làm vẻ vang danh tiếng Làng, Xã, Buôn , Sóc, được dân chúng địa phương tôn thờ là Thần hoàng .Ví dụ : các tướng lãnh của Hai Bà Trưng Bà Triệu đều được dân chúng sinh quán tôn thờ là Thần Hoàng của dân làng, hằng năm cúng tế.

C) Hai Thiền Tông (ứng dụng Phật Pháp) Phát Huy Tâm Linh Dân Tộc, Giữ Nước.

1. Thiền Thảo Ðường Ðại Việt thế kỷ XI

Theo truyền thuyết, các thương gia người Hy Lạp đem hình tượng đức Phật Thích Ca vào Ðô thị của Tiên Dung công chúa, cuối đời Vua Hùng Vương 18 trao đổi hàng hoá. Kế đó là thương gia , cư sĩ Phật người Ấn vào nước ta buôn bán, sinh cơ lập nghiệp , phổ biến sự tích và giáo pháp của Ðức Phật Thích Ca vào thế kỷ trước Tây lịch.

Ðến thế kỷ III TL. Khương tăng Hội người Việt được Ngô tôn Quyền cung thỉnh làm lễ quy y cho Hoàng Thái hậu nước Ngô Trung quốc.

Thế kỷ VI, Vua Tiền Lý Nam Ðế sùng kính giáo lý Phật Thích Ca. Thiền sư Ðà Ni Lưu Chi (Vanitaruci ) người Ấn được phép lập Chùa thờ Phật Thích Ca ở nước ta.

Từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII nhiều Thiền sư Việt trở thành Quốc sư nhà Ðinh, nhà Lý công Uẫn và Triều đại Minh Tông nhà Trần.

Thế kỷ XI, sau khi dẹp yên giặc biên thùy phía nam quấy phá dân vùng biên giới, Vua Lý Thánh Tông thâu thái những tinh hoa giáo lý Thiền ngoại nhập gồm Thiền Ðà Ni lưu chi (hội nhập Ðại Việt thế kỷ VI), Vô ngôn Thông (người Hoa Hạ) hội nhập Ðại Việt thế kỷ IX và Thiền Thiên Trúc (thế kỷ XI), đồng thời nhà Vua tham khảo Khổng thuyết , Lão giáo và bản sắc văn hoá dân tộc, lập ra Thiền tông Thảo Ðường Ðại Việt thế kỷ XI, thực hiện hai chủ trương căn bản :

a/ Giáo dục toàn dân Ðại Việt phát huy bản sắc tâm linh nhân bản dân tộc, hiếu sinh hiếu hòa, bao dung tha thứ, không giết hại kẻ thù sau chiến thắng. Tuy sống khác quốc thổ, nhưng dân chúng các quốc gia đều là chúng sinh bình đẳng, vô tội trong chiến tranh.

b/ Toàn dân phải cảnh giác cao độ ngoại cường (giặc nhà Tống Trung quốc) xâm lăng. Công dân 18 tuổi trở lên phải luân phiên Ði Phen , nghĩa là vừa canh tác nông nghiệp sản xuất hoa mầu, lương thực, vừa học tập binh thư , chiến pháp, thao luyện tác chiến. Ðó là chính sách Quốc phòng, ngụ binh ư nông dân (gửi lính trong nông dân).

Vua Tống rất sợ binh pháp ‘Ngụ binh ư nông dân’ của Vua Lý Thánh Tông. Lính là dân, dân là lính. Quân dân Ðại Việt sẵn sàng ứng chiến tự vệ trước mọi tình huống bị cường lân uy hiếp quân sự, gây hấn chiến tranh .

2)Thiền Trúc Lâm Yên Tử Sơn Ðại Việt thế kỷ XIII

Thế kỷ XII, cuối đời nhà Lý , cả ba phái Khổng Lão Phật đều trải qua một giai đoạn Suy Vi, vì vào thời này, không còn bao nhiêu bậc Chân Tu, Hiền Nhân, Quân Tử nữa, mà đa số là những thành phần phàm tục lợi dụng cửa Chùa hoặc cửa Quan để được yên thân hoặc để mưu cầu danh lợi.

Cùng thời điểm này, tam giáo Phật Khổng Lão ở Trung Quốc khuynh loát tàn sát lẫn nhau. Tướng lãnh cát cứ xưng vương. Trung Quốc đại loạn, bị Mông Cổ chinh phục

Năm Ất dậu 1225, nhà Trần thay ngôi nhà Lý, vẫn duy trì đường lối giáo dục hiếu sinh, hiếu hòa, bao dung, tha thứ và chính sách Quốc phòng ‘ngụ binh ư nông dân’ của đầu đời nhà Lý.

Ðể ổn định dân tâm, dẹp bỏ tỵ hiềm gay gắt giữa tam giáo PKL ảnh hưởng đến phong hoá và tinh thần đoàn kết dân tộc, Vua Trần thái Tông nhận thức tam giáo PKL đồng nguyên về một trọng tâm, nhưng dị biệt về phương pháp luận và nghi thức thực hành. Nhà Vua ban chiếu giáo hoá môn đồ của tam giáo PKL rằng :

“Sách Nho thuyết việc thi hành đức Nhân sao cho khắp. Kinh sách của Ðạo gia khuyên yêu mọi vật và tôn trọng sự sống. Phật dạy không giết hại chúng sinh. Chưa sáng tỏ chân lý, người ta lầm tưởng ba giáo lý Phật, Khổng, Lão khác nhau. Khi đã hiểu đến nơi đến chốn rồi, thấy chỉ là cùng đi tới một trọng tâm mà thôi”.

Nguyên văn : “Nho điển thi nhân bố đức. Ðạo kinh ái vật hiếu sinh. Phật duy giới sát thị trì. Vị minh nhân, vọng phân tam giáo. Liễu đắc, đề đồng ngộ nhất tâm”.

( Nguyễn đăng Thục, Trần thái Tông, Khuyến phát Bồ đề tâm văn)

Vua Trần thái Tông khuyên tam giáo tôn trọng luật pháp và tín ngưỡng của dân tộc Ðại Việt. Ðồng thời cho phép tam giáo Phật, Khổng, Lão tự do , đồng lưu phát triển giáo lý trong hoà bình.

Vua Trần thái Tông lại giáo hoá Vua quan dân chúng Ðại Việt rằng :

“Quang cảnh trăm năm chỉ là phút chốc. Thân ảo tứ đại há đặng dài lâu ? Càng ngày càng đám biển trần, mỗi sớm mỗi vương lưới nghiệp . Chẳng biết nhất tính của viên minh, lại ham vớ vẫn sáu căn , công danh trùm đời là giấc mộng to, giàu sang dễ khuất phục lòng người , đều khó tránh được hai chữ vô thường”.

Nguyên văn : “Bách niên quang cảnh toàn tại sát na, tứ đại ảo thân khởi năng trường cửu ? Mỗi nhật trường lao cốt cốt, chung triệu nghiệp võng mang mang. Bất tri nhất tính chi viên minh , đồ sinh lục căn chi tham dục. Công danh cái thế , vô phi đại mộng nhất trường. Phú qúy kinh nhân nam mãn vô thường nhị tự”.

(Trần thái Tông, Khóa hư lục Thế kỷ XIII)

Sau khi giết Vua Tống, thống trị Trung quốc, chinh phục một số quốc gia ở Ðông Âu và thống trị nước Nga, Mông Cổ xưng Quốc hiệu là Nguyên thế Tổ. Trung quốc uy hiếp Ðại Việt , đòi Ðại Việt thần phục và triều cống.

Ðại Việt dùng ngoại giao, khiêm tốn khước từ sau chiến thắng tự vệ lần thứ nhất năm 1257 ở Ðông Bộ đầu.

Trần thánh Tông kế vị Trần thái Tông, trong suốt 21 năm trị vì, phải đối phó đầy khó khăn với nhiều yêu sách gây hấn và thái độ ngang ngược, lộng ngôn , hăm dọa chiến tranh của các sứ thần Mông Nguyên Trung quốc.

Trần nhân Tông kế vị Trần thánh Tông.

Năm 1284, Mông Nguyên Trung quốc đem 50 vạn quân xâm lăng Ðại Việt lần thứ hai . Năm 1285 Mông Nguyên bại trận.

Năm 1288, Mông Nguyên đem đại quân xâm lăng lần thứ ba, cũng bị quân dân Ðại Việt tự vệ thắng lợi.

Thế kỷ XIII , giặc Mông Nguyên Trung quốc ba lần xâm lăng Ðại Việt ba lần thất bại

Tổng kết tình hình Ðại Việt trong bối cảnh đất nước cuối thế kỷ XII (cuối đời nhà Lý) có những dị biệt giáo lý PKL ngoại nhập lộng hành , gây phân hoá tư tưởng và tinh thần đoàn kết dân tộc. Ðồng thời rút kinh nghiệm chiến lược, chiến thuật và chiến pháp kết hợp chính sách ‘ngụ binh ư nông’ của Vua Lý thánh Tông thế kỷ XI và Hội nghị quân sự Bình Than, Hội nghị Diên Hồng , phân quyền lực tự vệ chống xâm lăng cho mỗi làng xã, trang trại , chủ động trở thành những phòng tuyến đặc nhiệm , tự túc binh lương, hoạch định kế sách chống giặc giữ nước.

Kết quả: Ðại Việt 3 lần chiến thắng giặc Mông Nguyên là quân giặc có lực lượng quân sự thiện chiến, tàn ác khủng khiếp và hùng mạnh nhất thế giới Ðông Tây đương thời.

Vua Trần nhân Tông ứng dụng Phật triết làm căn bản, phát huy tín ngưỡng thờ kính Ông Bà Tổ Tiên theo bản sắc văn hoá tâm linh nhân bản hiếu sinh, hiếu hòa , bao dung tha thứ với truyền thống tinh thần tự chủ bất khuất của dân tộc, thể hiện trong 10 bài Phú Cư trần lạc đạo.

Vua Trần nhân Tông nói rằng “bản chất văn hoá tâm linh nhân bản đặc thù của dân tộc Ðại Việt ta đã sẳn có đặc tính của Phật Thiền rồi” :

Nguyên văn :

“Gia trung hữu bảo hưu tầm mích ,

Ðối cảnh vô tâm mạc vấn thiền !

(Trần nhân Tông , ‘Cư trần lạc đạo phú’).

Nghĩa là :

‘Tâm thức của phần lớn dân Việt chúng ta thường (Ðối cảnh) vẫn thản nhiên (vô tâm) trước lục căn lục trần, là đỉnh cao của Phật Thiền’.

Vì thế, không tìm kiếm đâu xa . Phật trong tâm ta. (Gia trung hữu bảo hưu tầm mích). Nhà Vua khuyên dân chúng :

“Cư trần lạc đạo khả tùy duyên,

Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên”

(Trần nhân Tông, ‘Cư trần lạc đạo phú’).

Nghĩa là :

“Ở đời tùy duyên phận và hoàn cảnh mà vui sống, như đói thì ăn, mệt thì ngủ. Mình tự chuyển hóa cưộc sống và tâm linh của mình. Ðó là đường lối an vui, thanh nhàn trong đạo sống tâm linh dân tộc Việt. Ðó chính là mục tiêu vô sanh của Thiền tông trong đạo Phật”.

Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử Ðại Việt thế kỷ XIII trở thành tư tưởng tiền phong, chủ đạo giữ nước và tâm linh đặc thù kế thừa Tín ngưỡng thờ kính Quốc Tổ, Ông Bà, Cha Mẹ, Tổ Tiên , Nhân Thần Việt Tộc .

Giáo lý của Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử thấm sâu trong tư tưởng dân chúng bình dân Việt qua Ca dao, tục ngữ thế kỷ XIII rằng :

  •  Ngọn đèn muốn sáng phải khêu bởi mình
  • Trăm hay xoay vào lòng
  •  Tu đâu cho bằng tu nhà,

Thờ Cha kính Mẹ ấy là chân tu.3) Hai Giáo Phái Võ Trang Tự Vệ đầu thế kỷ XX

  • Thờ Cha là Phật Thích Ca,

Thờ Mẹ đích thực là Phật Bà Quan Âm.

  •  Chữ nhẫn là chữ tương vàng,
  • Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu ..v..v..

Từ thế kỷ XIII đến nay, giáo pháp Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử Ðại Việt vẫn được quốc dân Việt bảo tồn, ứng dụng trong cuộc sống , liên tục lưu truyền và trường tồn trong huyết thống Việt tộc.

3) Hai Giáo Phái Võ Trang Tự Vệ đầu thế kỷ XX

Cuối thế kỷ XIX, Việt nam bị thực dân Pháp xâm chiếm. Tín ngưỡng Thờ kính Ông Bà Tổ Tiên , Phật giáo, Khổng học, Lão giáo đều bị kềm chế, chịu nhiều cay đắng do chính quyền thực dân Pháp thống trrị.

Riêng Gia Tô giáo được chánh quyền thực dân Pháp tôn trọng, được tự do tạo dựng Thánh đường, Tu viện , mở trường học dạy giáo lý Gia tô khắp nơi trên toàn lãnh thổ Việt nam.

Từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Chính quyền thực dân Pháp thường xuyên bất ổn vì quốc dân Việt nam kiên trì đấu tranh khôi phục chủ quyền độc lập.

Năm 1862, nhân dân miền đất phương nam tự động khởi nghĩa chống thực dân Pháp liên tục đến 1954.

Từ sau 1884, nhân dân Bắc Bộ và Trung Bộ liên tực võ trang khởi nghĩa chống thực dân Pháp từ Phong trào Cần Vương, Hùng Lĩnh, Ba đình, Hoàng hoa Thám, Thái Nguyên . Nghệ Tỉnh, Ðông du, Duy tân Phục quốc, Việt nam Quốc dân Ðảng v.v….

Tại miền đất phương nam Việt nam , đầu thế kỷ XX, xuất hiện hai tín ngưỡng bảo tồn tín ngưỡng thờ kính Ông Bà Tổ Tiên, phát huy bản sắc văn hoá tâm linh nhân bản của dân tộc và võ trang tự vệ :

a) Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ

 Lịch Sử Thành Lập và Giáo Lý

Thập niên đầu thế kỷ XX, Albert Sarraut nhận chức Toàn quyền Pháp ở Ðông dương phát động phong trào chỉnh đốn chính quyền thực dân và thay đổi cơ chế thống trị

.Thực dân Pháp tích cực kêu gọi và triệt để thực hành khẩu hiệu Pháp Việt đề huề, hợp tác phát triển.

Albert Sarraut cho phép Ðông Kinh Nghĩa Thục hoạt động canh tân học thuật Việt Nam. Tạp chí Nam Phong được phép xử dụng chữ Hán Nôm và chính thống hoá chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La tinh để phát huy văn hoá Việt nam và ngôn ngữ, văn hoá, văn minh Pháp.

Năm 1925, đạo Cao đài được phép thành lập , truyền bá Ðạo với danh xưng Cao Ðài Tam kỳ Phổ độ .

Mục tiêu của Ðạo Cao Ðài là hiệp thông các tôn giáo Ðông Tây kim cổ với khẩu hiệu ‘Ðại đồng Nhân loại’ và ‘Vạn giáo đồng nhất lý’.

Sáng lập viên Ðạo Cao Ðài gồm các Ông Phạm công Tắc, Nguyễn văn Chiêu, Lê văn Trung và một số viên chức Việt có quốc tịch Pháp.

Giáo lý Ðạo Cao đài là Quy nguyên tam giáo (Phật, Khổng Lão) và Hiệp nhất ngũ chi (Thánh, Thần, Tiên, Phật, Chúa)

Trong Thánh thất Tây ninh thờ Ðức Chí tôn Cao Ðài tượng trưng bằng Thiên nhãn (mắt trời) phân thành 3 Ðài :

1/ Bát quái đài (triết thuyết về Linh hồn)

2/ Hiệp thiên đài (triết thuyết về chân thân)

3/ Cửu trùng đài ( triết thuyết về phần xác)

Ngôn ngữ về Vũ trụ quan và Nhân sinh quan trong giáo lý đạo Cao Đài , phần lớn dùng Kinh Dịch và triết thuyết âm dương với đạo Phật Thích ca Mâu Ni làm căn bản.

Thánh kinh đạo Cao đài được diễn trình trong hai cuốn : Thánh ngôn hiệp tuyển (XB năm 1964) và Ðại thừa chơn giáo do Toà thánh ấn hành.

Tài liệu, sách báo giải thích và truyền bá đạo Cao đài phần lớn bằng Pháp ngữ. Gobron Gabriel được coi là nhà truyền bá giáo lý Ðạo Cao đài, tác giả cuốn Histoire et philosophie du Caodaisme ED. Dervy, Paris XB. năm 1948 gọi Ðạo Cao Ðài là Le Bouđhisme Renové (Ðạo Phật cải tân).

Ðạo Cao Ðài không chống Pháp, cũng không ngưỡng mộ Thực dân Pháp . Thiểu số tín đồ Cao Ðài là trí thức tây học. Tổ chức và lý luận Ðạo theo khoa học kỹ thưật và thần quyền Âu châu, võ trang tự vệ.

Ða số tín đồ Cao Ðài có tư tưởng lập Hiến , Dân quyền, Á Ðông của người Á Ðông.

b) Phật Giáo Hoà Hảo

Lịch Sử Thành Lập và Giáo Lý

Ðầu thế kỷ XX, tuy thực dân Pháp phát động chỉnh đốn cơ chế cai trị và thay đổi chính sách ứng xử, đồng thời ban hành nhiều mưu lược mỵ dân để kêu gọi Việt Pháp đề huề. Nhưng thực dân Pháp thất bại, vì quốc dân Việt cảnh giác cao độ trước bản chất giả dối, lừa phỉnh , mỵ dân của chế độ thực dân chuyên dùng bạo lực cưỡng chế để thống trị.

Năm 1930 tại Bắc Việt, sinh viên, học sinh, nông dân, trí thức dân tộc, các văn nghệ sĩ , các công thương kỹ nghệ gia và binh sĩ Việt trong hàng ngũ thực dân ..v..v.. nói chung, toàn Quốc dân Việt Nam thành lập một Ðảng , tự chủ võ trang khởi nghĩa và tự lực chống thực dân Pháp giành độc lập dân tộc.

Ðảng lấy tên giản dị là Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Thủ lãnh lãnh đạo Ðảng do Quốc dân bầu một cựu sinh viên Trường Cao đẳng ở Hà nội tên là Nguyễn Thái Học .

Ngày toàn thể quốc dân Việt nam chủ động khởi nghĩa chống thực dân Pháp giành độc lập bị một người Việt tay sai Pháp tiết lộ nên không thành công. Thủ lãnh Nguyễn thái Học và các Ðồng chí bị giặc Pháp tàn sát. Hàng triệu Quốc dân Việt bị giặc Pháp tra tấn, sát hại, đầy Côn Ðảo.

Hàng triệu dân Việt gồm trí thức, văn nghệ sĩ , giáo sư, học sinh, sinh viên, nông dân bị giặc Pháp khủng bố liên tục nhiều năm , hòng trấn áp tinh thần yêu nước của quốc dân Việt Nam. Nhưng giặc Pháp không toại nguyện.

Cuộc khởi nghĩa của Quốc Dân Ðảng Việt Nam năm 1930 không thành công nhưng tinh thần quật khởi quyết thắng thực dân Pháp của Quốc dân Việt Nam năm 1930 trở hành nhân kiệt, dũng cảm, bất khuất làm vẻ vang trang lịch sử dân tộc Việt cận đại , khiến thực dân Pháp phải đầu hàng vào ngày 7 tháng 5 năm 1954 , cam kết rút hết quân viễn chinh về nước giữa năm 1956.

Ba năm sau 1930, tại miền đất phương nam Việt Nam, có một học sinh tiểu học 13 tuổi tên là Huỳnh Phú Sổ, cư ngụ ở vùng biên thùy Miên Việt, con một gia đình trung lưu ở xã Hoà Hảo , tỉnh Châu Đốc, bị một chứng bệnh kỳ lạ, thân hình ngày càng gầy còm ốm yếu, các danh y Âu Á, các phù thủy nổi danh đều chữa trị không dứt bệnh.

Một tu sĩ ở vùng Thất Sơn môn đệ của Phật thầy Tây An (Bửu Sơn Kỳ Hương sáng lập năm 1849) tình cờ gặp Huỳnh Phú Sổ, thấy tướng mạo và bệnh tình kỳ lạ bèn đem Phú Sổ về núi, dùng dược thảo của dãy bảy núi điều trị khỏi bệnh và truyền dạy Y thuật và Phật pháp.

Năm 1939, Huỳnh Phú Sổ 19 tuổi xuống núi chữa khỏi rất nhiều chứng bệnh nan y bằng dược thảo của địa phương cho dân chúng các tỉnh miền tây Nam Bộ. Dân chúng sáu tỉnh Nam Bộ ngưỡng mộ tôn xưng Huỳnh Phú Sổ là Ðức Thầy.

Ðức thầy Huỳnh Phú Sổ vừa chữa bệnh vừa thuyết giảng Phật pháp, vừa tiên tri nhiều vấn đề thời sự, khuyên dân chúng tôn kính và bảo tồn tín ngưỡng và phong hoá dân tộc, bỏ ác, làm lành, kêu gọi thanh niên và đồng bào thực hiện Tứ Ân :

1. Ân Quốc Tổ, Ông Bà, Cha Mẹ, Tổ Tiên (thờ kính, phụng dưỡng)

2. Ân Ðất Nước (không làm tay sai ngoại bang, phản quốc)

3. Ân Ðồng Bào , Nhân Loại (bảo vệ hoà bình thế giới)

4. Ân Tam Bảo ( Theo tinh thần Lục Tổ Huệ Năng và tùy duyên lạc đạo. Lục Tổ Huệ Năng là người dân quê miền Ngũ Lĩnh , đất phương nam thuộc nòi giống Bách Việt).

Từ năm 1939 đến 1945, Ðức thầy Huỳnh phú Sổ thu nạp được 3 triệu tín đồ ngưỡng mộ lời sấm giảng .

Ðịa phương Hoà Hảo được coi là thánh địa . Phật giáo Hòa Hảo phát triển gần 7 triệu tín đồ sống trong nước và một số ở hải ngoại sau 30 tháng 4 năm 1975

Những sấm giảng giáo hoá tín đô Phật Giáo Hòa Hảo

Giáo lý Phật giáo Hoà Hảo được thuyết giảng bằng tiếng Việt, ấn hành kinh sách bằng chữ Quốc ngữ Việt và đặc biệt theo phương pháp ngôn ngữ truyền khẩu, phổ thông giáo lý, lưu truyền trường tồn trong đại chúng Việt.

Ðức thầy Huỳnh Phú Sổ dùng thi văn để khuyên răn bảo tồn phong hóa dân tộc, dùng lời sấm tiên tri để bảo tồn tín ngưỡng Thờ Kính Ông Bà Tổ Tiên và bản sắc văn hoá tâm linh nhân bản cổ truyền; dùng ngôn ngữ bình dân để thuyết giảng giáo lý Phật pháp Thích Ca cho đại chúng dễ hiểu, dễ nhớ.

Những lời thuyết giảng của Ðức thầy Huỳnh phú Sổ cho hàng triệu tín đồ nghe và thực hành gồm có :

  •  846 câu Giác mê tâm kệ
  • 612 câu Sấm giảng
  • 476 câu kệ người khùng
  • 912 câu khuyên người đời tu niệm
  • 756 câu khuyến thiện

Và rất nhiều thi văn, xướng họa, rất nhiều buổi thuyết pháp thao thao bất tuyệt liên tục từ năm 1939 dưới chế độ Bảo hộ của thực dân Pháp đến ngày 16 tháng 4 năm 1947, nhằm ngày 25 tháng 2 năm Ðinh Hợi, toàn dân, toàn quốc kháng Pháp, Ðức thầy Huỳnh Phú Sổ khuyên đoàn kết dân tộc , chấm dứt nội tranh, bị tay sai ngoại bang ám hại, biệt tích , gây nghi án quan trọng trong lịch sử văn hoá tâm linh nhân bản dân tộc Việt nam cận đại.

Sau đây là trích dẫn đôi lời thuyết giảng của Ðức thầy Huỳnh Phú Sổ từ năm 1939 đến năm 1947

.

Sấm giảng bảo tồn Tín Ngưỡng, phong hoá tâm linh dân tộc

“Gốc thuở trước của Tông của Tổ,

Ðâu có bầy trò dối mị quốc dân !

Làm dân chớ nên phụ bạc giống nòi,

Người xưa tuy ít chữ, nôm na

Nhưng chơn chất, người ta ngay thẳng.

Những gái mới ra đường tha thướt,

Bỏ hết trơn nề nếp ông cha

Khác tính tình người cổ nước ta

Nên phải chịu đớn đau đủ cách.

Trai với gái ráng coi sử sách,

Ðấng anh hào với kẻ tiết trinh

Dọn bề trong mới gọi đẹp xinh,

Chớ mang lối bề ngoài chẳng tốt

.

Nhẫn phụ mẫu gọi trang hiền sĩ

Chữ xướng tùy chồng vợ nhịn nhau.

Nhịn xóm chòm, cô bác mới cao

Nhịn tất cả những người tuổi tác.

Tánh hiền lành yên tỉnh dài lâu,

Trong Bổn Ðạo cùng là Sư Vãi

Ráng bền lòng cho được hiền từ.

Vì đời nay chúng nó dùng tiền

Ít ai dụng chữ Nhân, chữ Nghĩa

Thuận với hoà hay ghét với rầy,

Cũng cái lưỡi làm thầy các việc.

Ðời văn vật khôn ma, khôn quỷ

Lo trang sức kim thời huê mỹ

Rồi phụ phàng phong hoá nước nhà

Trong tâm thì chứa chữ gian tà

Chớ chẳng chứa tấm lòng bác ái.

Tùy thiện tín hiểu Ta giả thiệt

Làm hay không chẳng dám ép nài

Nguyện mười phương chư Phật đáo lai,

Ðồng tiếp dẫn chúng sinh giải thoát.

Sấm giảng phát huy tinh thần tự chủ bất khuất của dân tộc

Thiệt chẳng hổ giống dòng Nam Việt,

Từng nêu cao khí tiết Lạc Hồng.

Nước Việt ta ở ven bờ Biển Ðông

Năm xưa thường anh dũng chống xâm lăng

Bạch đằng giang chiến thắng giặc ấy, ai bằng ?

Quân Việt đánh tan Mông Nguyên mạnh.

Nay giặc Pháp buông lòng kiêu hãnh

Chúng ỷ vào tàu chiến, phi cơ

Nơi xa trường gặp cảnh bất ngờ

Sức kháng chiến ngàn xưa nay sống dậy.

Chỉ quân Tây thề một quyết rằng,

Thà cam chết không làm dân bị trị.

Sấm giảng canh tân Phật pháp theo nếp sống dân Việt

Nhìn Phật giáo mà tìm cái lý,

Coi tại sao ta phải tu hành ?

Ðức Lục Tổ (Huệ Năng) nào ai dám sánh

Người dốt mà nói pháp quá rành

Lựa làm chi cao chữ học hành,

Biết tỏ ngộ ấy là gặp Ðạo

Theo Thần Tú tạo nhiều chuông mõ,

Từ xưa nay có mấy ai thành.

Phật từ bi độ tử, độ sanh

Là độ kẻ hiền lương nhân ái.

Các nhà Sư hãy ráng sửa mình,

Bởi chữ tu liền với chữ hành.

Hành bất chính người đời mới nói

Bị Tăng chúng quá ham Chùa ngói

Nên lời khuyên khắp chốn cùng làng

Phật nào ham tượng cốt phết vàng,

Mà Tăng tạo hao tiền bá tánh.

Trong lục tỉnh nhiều điều tà mị

Tu hành mà vị kỷ quá chừng.

Thì làm sao thoát khỏi trầm luân

Khuyên Bổn Ðạo ráng tìm nẻo chánh.

(Lược trích trong 846 câu Giác mê tâm kệ và Sấm giảng )

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, Học sinh, sinh viên trí thức dân tộc, văn nghệ sĩ, công thương kỹ nghệ gia và nông dân Saigòn, Gia định và vùng lân cận nội thành tự võ trang chống thực dân Pháp mưu toan xâm lăng Việt nam lần thứ hai.

Quân Pháp núp sau lưng quân đội Hoàng gia Anh giải giới hàng binh

Nhật ngang nhiên bắn giết dân Việt và chiếm đóng trái phép nhiều cơ sở Kinh tế, Tài chánh, Viễn thông , Giáo dục v.v… của Việt Nam.

Bị dân Nam Bộ võ trang đối kháng, thực dân Pháp thiệt hại nặng nề , bị vây hãm trong thành phố tối tăm, đói khát và bệnh tật. Saigòn, Gia định triền miên bị cắt điện, cắt nước, không có lương thực tươi, sống từ ngoại thành cung cấp.

Trước tinh thần chiến đấu dũng cảm bất khuất của nhân dân Nam Bộ. Thực dân Pháp tự thấy không thể dùng vũ lực uy hiếp dân tộc Việt nam.

Chúng thay đổi chiến thuật, dùng ngoại giao và sách lược chia để trị, gây nội tranh chính trị huyết nhục tương tàn trong nhân dân Việt để chúng dễ dàng xâm lăng Việt nam lần thứ hai.

Sách lược chia để trị và chiến thuật gây nội tranh chính trị trong quốc dân Việt nam của thực dân Pháp gồm hai Hiệp ước căn bản :

Ngày 6 tháng 3 năm 1946 thực dân Pháp dùng mưu lược chính trị, với lời hứa mơ hồ về ngoại giao , ký được tạm ước đình chiến ở Nam Bộ , và được tự do đóng quân viễn chinh ở nam vĩ tuyến 16 Việt nam .

Ngày 14 tháng 9 năm 1946, tại Fontainebleau, thực dân Pháp, trên thế mạnh tuyệt đối, cưỡng chế ký được Hiệp ước lưỡng tương quyền lợi, Pháp được đặt quân viễn chinh ở Hà nội, Hải phòng và một số tỉnh ở Bắc vĩ tuyến 16.

Nhân dân yêu nước miền đất phương nam Việt nam kết án sự ký kết hai Hiệp ước nói trên là hành động phản quốc, hại dân, mắc mưu thâm ác của thực dân Pháp, khiến nội tranh chính trị, hậu qủa sẽ xảy ra thảm cảnh cốt nhục tương tàn trong quốc dân Việt .

Ngày 21 tháng 9 năm 1946, Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ tuyên ngôn thành lập Ðảng Việt Nam Dân Chủ Xã hội

Trong Tuyên ngôn có đoạn nói rằng :

Việt Nam Dân Chủ Xã hội không chấp nhận giai cấp đấu tranh giữa dân tộc Việt nam, vì lẽ ở xã hội Việt nam hiện thời, trên 80 năm bị trị, chỉ có một giai cấp bị ‘Tư bản thực dân’ bóc lột.

Muốn tránh khỏi giai cấp đấu tranh về sau thì sự cấu tạo ‘xã hội Việt Nam mới ’ phải căn cứ nơi những yếu tố không cho sanh trưởng giai cấp bóc lột (mới ), chỉ trợ trưởng một giai cấp một, tức là giai cấp sinh sản. (Tài liệu của Ban Chỉ huy Liên tỉnh DXMT Nam Việt năm 1947)

Quân dân miền nam Việt Nam cùng Ðảng Việt Nam Dân Chủ Xã hội (VNDCXH) của Phật giáo Hoà Hảo tự võ trang kháng Pháp từ ngày 23 tháng 9 năm 1945 liên tục đến ngày 7 tháng 5 năm 1954 , quân viễn chinh Pháp đầu hàng ,cam kết rời khỏi Việt Nam giữa năm 1956.

Năm 1957 – 1958 , Ðảng và Quân đội Việt nam Dân chủ Xã Hội ở miền đất phương Nam bị giải thể .năm 1957 – 1958

Sau 30 tháng 4 năm 1975, tín đồ Phật giáo Hoà Hảo bị đàn áp nhất là vào ngày 25 tháng hai âm lịch hằng năm.

Nguyễn Hợp Minh

(Hết Phần Một)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm