Tổ Quốc Ăn Năn: một lừa đảo thế kỷ

Nguyễn Gia Thưởng

“…Để lật sang một trang sử mới trong việc xây dựng tổ chức, tạo nấc thang cho tiến trình dân chủ hóa đất nước, chúng tôi mời tác giả Tổ Quốc Ăn Năn hoàn trả cho ông Alain Peyrefitte những gì của ông Alain Peyrefitte…”

 

 

lemalfrancais_toquocannan

LTS: Những ai đã một lần đọc Tổ Quốc Ăn Năn, chắc hẳn phải tấm tắc khen tác giả là một nhà tư tưởng, một nhà lý luận, một kho tàng trí tuệ của Việt Nam.

Lòng ngưỡng mộ độc giả dành cho tác giả Tổ Quốc Ăn Năn đạt một đỉnh điểm cao khi tác giả tự hóa thân mình là người hiền hòa, lương thiện, là người có đạo đức và tự cho mình quyền báng bổ, chê bai người Việt là hung ác, sai trái, xảo trá, gian ngoa.

Đọc xong Le Mal Français của Alain Peyrefitte, độc giả sẽ thấy Tổ Quốc Ăn Năn chính là bản sao của quyển Le Mal Français. Một bản sao như một cặp song sinh: anh là người Pháp, em là người Việt!

Đây là một bằng chứng tố cáo một vi phạm đạo đức, vi phạm luân lý và lương tâm của người cầm bút. Tác giả Tổ Quốc ăn Năn đã mượn toàn bộ ý tưởng của quyển Le Mal Français của Alain Peyrefitte và đem xào nấu vào trong tiếng Việt. Ông đã đánh cắp hầu hết ý tưởng và câu văn trong cuốn sách này. Và ngay cả cách bố cục và lối hành văn cũng được tác giả nhập tâm một cách kỹ lưỡng và sao chép không hề ngần ngại, không hề ngượng ngùng. Nói tóm lại, ông đã phạm tội đạo văn!

Chúng tôi xin mời quý độc giả đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu xem tác giả Tổ Quốc Ăn Năn đã đạo văn như thế nào!

*****

Hiện tượng cầm nhầm trên thế giới

– Vào tháng 2 năm 2011, người ta khám phá trong luận án của ông Karl-Theodor zu Guttenberg, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Đức, có những đoạn văn của những tác giả khác mà không công bố xuất xứ. Ông đã phải từ chức vào ngày 1 tháng 3 năm 2011 vì mắc tội đạo văn.

– Ngày 10 tháng 8 năm 2012, ký giả Fareed Zakaria của tờ TimeCNN đã bị treo giò một tuần lễ vì đã vi phạm tội đạo văn, cầm nhầm một bài của ký giả Jill Lepore của tờ New Yorker.

– Vào ngày 14 tháng 2 năm 2013, bà Annette Schavan đã phải từ chức Bộ Trưởng Giáo Dục của Đức, sau khi Viện Đại Học Dusseldorf tuyên bố thu hồi bằng tiến sĩ đã trao cho bà cách đó 33 năm. Viện tuyên bố rằng bà đã gian lận “có hệ thống và cố tình” khi viết luận án của mình. Học vị “tiến sĩ” rất được kính nể tại Đức. Danh vị này đi cùng với tên tuổi mỗi khi nêu tên của họ.

– Ngày 6 tháng 10 năm 2014, ông Alain Delchambre, chủ tịch Hội Đồng Quản trị Đại Học ULB của Bỉ đã phải từ chức vì diễn văn khai mạc của ông là một bài sao chép diễn văn của tổng thống Jacques Chirac năm 2003. Mặc dù ông không phải là người chấp bút, nhưng ông đã nhận trách nhiệm về vụ này.

Theo định nghĩa của từ điển Merriam Webster, đạo văn (plagiarize) có nghĩa là:

1. ăn cắp và biến những ý kiến hoặc câu chữ của người khác thành của mình;

2. sử dụng sản phẩm của người khác mà không ghi rõ xuất xứ;

3. ăn cắp văn chương, chữ nghĩa;

4. trình bày một ý kiến hoặc sản phẩm phát xuất từ một nguồn đã có sẵn như là một ý kiến hoặc sản phẩm mới và nguyên thủy.

Tổ Quốc Ăn Năn: một lừa đảo thế kỷ

Hiện tượng cầm nhầm chữ nghĩa, qua những thí dụ nêu ở đầu bài viết, xem ra khá phổ biến. Và Việt Nam cũng không là một ngoại lệ mà lại có phần rất thịnh hành. Duy có một hiện tượng đáng chú ý hơn hết là việc cầm nhầm của một người tự xưng là, trí thức có văn phong chính luận xuất sắc. Đó là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng của tác giả Tổ Quốc Ăn Năn.

Chúng tôi không phủ nhận tài viết, nói rõ hơn là tài hành văn của ông, nhưng chúng tôi không thể im lặng để vô tình trở thành những kẻ đồng lõa trong việc che giấu và bao che cho một việc làm hết sức tồi tệ. Đó là việc đạo văn của tác giả Tổ Quốc Ăn Năn. Việc đạo văn đã và đang bị cả thế giới lên án, chính vì đây là một hành vi ăn cắp trí tuệ của người khác, chiếm làm sở hữu của mình.

Chúng tôi nhận thấy có bổn phận vạch trần mưu mô đánh cắp của một người mà mọi người vẫn nghĩ là đạo đức, lương thiện và khiêm nhường.

Vì đương sự đã thành công trong việc đánh cắp ý tưởng của ông Alain Peyrefitte nên trong quá trình sinh hoạt trong tổ chức, đương sự luôn dùng thủ thuật này để cướp công của người khác.

Đọc tiểu sử của Alain Peyrefitte, chúng ta thấy không phải là một sự tình cờ mà tác giả Tổ Quốc Ăn Năn chọn quyển Le Mal Français của Alain Peyrefitte để cóp nhặt ý tưởng, vì đây là một kho tàng trí tuệ, được người Pháp mến mộ.

Tưởng cũng nên nhắc lại ông Alain Peyrefitte là một nhà văn uyên bác đã từng xuất bản rất nhiều sách. Ông đã giữ chức Bộ Trưởng Thông Tin, Bộ Trưởng Giáo Dục dưới thời Tổng thống Charles De Gaulle năm 1967; Bộ Trưởng Văn Hóa và Môi trường thời Tổng thống Georges Pompidou năm 1974; Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp thời Tổng thống Valérie Giscard d’Estaing năm 1977. Cũng vào năm 1977, ông được đề cử vào Viện Hàn Lâm Pháp, một thể chế học thuật tối cao bảo vệ ngôn ngữ Pháp.

Trong ấn bản lần thứ hai, in năm 2004, trong phần Lời tựa cho lần in thứ hai, tác giả Tổ Quốc Ăn Năn (trang XVI) đã viết như sau:

“Một số bài viết phiền trách Tổ Quốc Ăn Năn đã thiếu phần thư mục giúp độc giả kiểm chứng những dữ kiện được dùng cho lý luận. Sự phiền trách này chính đáng và tác giả xin ghi nhận dù không thể thỏa mãn. Thực ra thì những tài liệu quan trọng nhất đã được liệt kê ngay trong đoạn mà chúng được đề cập tới. Tổ Quốc Ăn Năn là một quyển sách ý kiến chứ không là một cuốn sách biên khảo, và không ít những cuốn sách ý kiến đã được viết một cách tương tự, kể cả một số tác phẩm lớn. Dĩ nhiên nếu liệt kê được đầy đủ tài liệu thì cũng là điều tốt, nhưng công việc này đòi hỏi một thời gian mà tác giả rất tiếc là không có. Vả lại công việc này cũng sẽ chỉ có một giá trị rất tương đối bởi tác giả chủ yếu viết những gì mà mình biết và nghĩ chứ không viết dựa trên tài liệu tham khảo. Tác giả cũng chỉ sử dụng phần lớn những dữ kiện rất căn bản mà hầu hết mọi người quan tâm đến vấn đề đang được thảo luận đều đã biết” (Hết  trích).

Chúng tôi đi tìm sự thật và kiểm chứng xem có đúng là “tác giả chủ yếu viết những gì mà mình biết và nghĩ chứ không dựa trên tài liệu tham khảo như lời tác giả tuyên bố không.

Và gần đây chúng tôi đã khám phá ra sự thật:

– Tác giả Tổ Quốc Ăn Năn đã mượn toàn bộ ý tưởng của quyển sách “Le Mal Français” của Alain Peyrefitte;

– Tác giả Tổ Quốc Ăn Năn đã đánh cắp hầu hết ý tưởng và câu văn trong cuốn sách này;

– Ngay cả cách bố cục và lối hành văn cũng được tác giả nhập tâm một cách kỹ lưỡng và sao chép không hề ngần ngại, không hề ngượng ngùng;

– Tác giả Tổ Quốc Ăn Năn những tưởng rằng sau nhiều năm không ai tìm ra nguồn gốc những câu chữ ông đánh cắp từ đây để biên soạn sách của ông nên ông dõng dạc tuyên bố rằng ông viết không dựa trên tài liệu tham khảo.

Dưới đây, chúng tôi sẽ chứng minh không những tác giả Tổ Quốc Ăn Năn dựa vào tài liệu mà ông còn nhận vơ ý tưởng và câu văn của ông Peyrefitte một cách sống sượng.

Chúng tôi sẽ lần lượt liệt kê những đoạn văn ông “mượn đỡ” từ quyển Le Mal Français do nhà xuất bản Plon in vào năm 1976 và đem đối chiếu với những đoạn ông viết trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, xuất bản lần thứ hai vào năm 2004.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ ghi lại một số câu tiêu biểu để mọi người có thể thấy mức độ đánh cắp của tác giả trong suốt 525 trang. Quý vị độc giả nào muốn kiểm chứng và tìm hiểu cặn kẽ hơn có thể tìm mua quyển Le Mal Français, ISBN 2-2259-00204-8, bán trên Amazon và Ebay.

Dưới đây là những bằng chứng đạo văn của tác giả Tổ Quốc Ăn Năn từ quyển sách Le Mal Francais của Alain Peyrefitte:

lemalfrancais_page12

1.Le Mal Français: page 12 – Que la France fût continuellement malchanceuse, j’en acquis très tôt la conviction. L’histoire qu’on nous enseignait m’en fournissait les tristes preuves.

Dịch: Tôi đã sớm xác định được rằng nước Pháp thường xuyên gặp sự không may. Môn sử mà chúng ta học đã cho tôi hàng loạt bằng chứng buồn lòng.

Tổ Quốc Ăn Năn:  trang 211 – (Dừng chân nghĩ lại) – Nhân nói về cuộc nam tiến, cũng cần nhận định rằng lịch sử nước ta có cái gì đó thực u uất. Trong suốt quá trình mở nước và dựng nước của ta hình như các biến cố trọng đại lúc nào cũng khởi đầu từ những sự không may.

—–

lemalfrancais_page14

2.  Le Mal Français: page 14 -“la France enjuivée, revenu au temp de Dreyfus”. “Les Français ne s’aiment pas”, me disais-je.

Dịch: Nước Pháp Do Thái hoá, lui về thời Dreyfus. Tôi tự nhủ: «Người Pháp không yêu thương nhau».

Tổ Quốc Ăn Năn:  trang 71 – “Ông kể lại rằng khi ông còn trẻ vừa tới Pháp du học, một giáo sư người Pháp có kinh nghiệm nhiều về Việt Nam đã nói về người Việt Nam rằng: “Ils ne s’aiment pas” (người dịch= n.d: Họ không yêu thương nhau).

—–

lemalfrancais_page48

3. Le Mal Français: page 48 – Un peuple dégoûté de l’histoire. “Les Français se considèrent comme un peuple en décadence, sinon comme un peuple fini… Ils sont malades de ce que j’appellerais le dégoût de l’histoire”. Le sursaut pouvait-il venir de ce peuple résigné?

Dịch: Một dân tộc chán ghét lịch sử. «Người Pháp tự coi mình là một dân tộc suy thoái nếu không gọi thẳng ra là một quốc gia đã hết thời… Theo tôi, họ mắc phải căn bệnh ghê tởm lịch sử». Một dân tộc đã buông xuôi như vậy liệu có thể nào bừng tỉnh đượckhông?

Tổ Quốc Ăn Năn:  trang 117 và 118 – Chính vì thế mà chúng ta luôn luôn thụ động để cho thực tế xô đẩy chứ không chủ động việc tổ chức tương lai của mình. Quan tâm về lịch sử, nghĩa là ý niệm quốc gia, đã tới chậm như vậy lại không được coi trọng. Sử bị bỏ rơi trong hơn hai thế kỷ… Cuối cùng chúng ta không biết rõ lịch sử của chúng ta, mà còn bị tiêm nhiễm những nhận định rất lệch lạc.

—–

lemalfrancais_page104

4.Le Mal Français: page 104 – Louis XIV n’avait d’autre grand dessein que faire ployer le genou aux princes et aux nations:  il dévastait les Flandres, la Hollande, le Palatinat, les pays Rhénans, le val d’Aoste; il bombardait Gênes et Bruxelles; il forçait les autres États à reconnaître le préséance des ambassadeurs de France; il humiliait le pape Alexandre VII; il rompait les traités, il ne donnait sa parole que pour la reprendre.

Dịch: Vua Louis XIV không có tham vọng nào khác hơn là bắt các ông hoàng và các quốc gia quì gối. Ông ta tàn phá xứ Flandres (n.d.: một phần của Hà Lan), Hà Lan, đất vương công Palatinat (n.d.: một phần của Đức), xứ Rhénans (n.d.: một phần của Đức), xứ Val d’Aoste (n.d.: một phần của Ý), dội pháo thành Gênes et Bruxelles, buộc các nước khác phải nhượng bộ Đại sứ Pháp, ông ta hạ nhục Đức Giáo Hoàng Alexandre VII, phá hủy các hiệp ước, hứa hẹn chỉ để rồi nuốt lời (tráo trở, lật lọng).

Tổ Quốc Ăn Năn: trang 157 và 167 – Nguyễn Huệ là một con người hung bạo đánh tất cả mọi người: đó là một sự thực… Nguyễn Huệ dùng bạo lực và sự tráo trở trong mọi trường hợp đối với bất cứ ai có khả năng trở thành một đối thủ… Nguyễn Huệ tiêu biểu cho những giá trị mà chúng ta cần đánh đổ: võ biền, độc đoán, hung bạo, lật lọng trái ngược với những giá trị ta cần phát huy. (Chú thích: Tác giả đã hoán chuyển nhân vật Louis XIV thành vua Quang Trung).

—–

lemalfrancais_page136

5. Le Mal Français:  page 136 – “Dieu a créé la terre mais les Hollandais ont créé les Pays Bas”. Vieux dicton hollandais

Dịch:Thượng đế đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hòa Lan đã làm ra đất nước Hòa Lan” – tục ngữ cổ Hòa Lan.

Tổ Quốc Ăn Năn: trang 31 – Người Hòa Lan thường tự hào: “Thượng đế đã tạo ra thế giới, nhưng chính chúng tôi đã làm ra đất nước này”.

—–

lemalfrancais_page138

6.Le Mal Français:  page 138 – Elle possède certaines des plus puissantes sociétés mondiales: la Royal Dutch Shell, Unilever. L’empire industriel et commercial de Philips qui donne du travail à plus de 250.000 personnes en divers pays.

Dịch: Nước này (n.d: Hòa Lan) sở hữu nhiều công ty hùng mạnh trên trường quốc tế như Royal Dutch Shell, Unilever. Đế chế công nghiệp và thương mại Philips tạo công ăn việc làm cho 250.000 người tại nhiều quốc gia.

Tổ Quốc Ăn Năn: trang 31 – Các công ty lớn của Hòa Lan như Philips, Royal Dutch, Unilever có chi nhánh trên khắp các lục địa và tại tất cả các quốc gia phát triển.

—–

7. Le Mal Français:  page 138 – Une nation de boutiquiers – “C’est une nation de boutiquiers” disait avec dédain Napoléon.

Dịch: Một quốc gia chủ tiệmNapoléon đã từng nhận xét với thái độ miệt thị (n.d: về nước Anh): «Đó là một quốc gia của mấy người chủ tiệm».

Tổ Quốc Ăn Năn: trang 398 và 399 – Anh: một dân tộc bán tiệm. Napoléon I có lần nhận định một cách không mấy nể nang người Anh là một “dân tộc bán tiệm” (un peuple de boutiquiers).

—–

lemalfrancais_page139

8.Le Mal Français: page 139 – Le miracle suisse – La Suisse n’est pas mieux dotée par la nature que les Pays-Bas. Elle est un peu plus grande, mais si montagneuse que la moitié de son territoire ne permet ni culture ni même élevage. Pas de sources d’énergie, si ce n’est hydraulique. Pas, ou presque, de minerais.

Dịch: Phép màu Thụy Sĩ – Thiên nhiên không ưu đãi Thụy Sĩ hơn so với Hoà Lan. Rộng lớn hơn một chút, nhưng nhiều núi non mà quá nửa diện tích không thể trồng trọt hay thậm chí chăn nuôi. Không có nguồn năng lượng nào, ngoại trừ thủy điện. Hầu như không có khoáng sản.

Tổ Quốc Ăn Năn: trang 405 – Như Thụy Sỹ, quốc gia nhỏ bé và bị quên lãng trong nhiều thế kỷ, không có bờ biển, không tài nguyên thiên nhiên, lại thêm núi non trùng điệp, vậy mà đã trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới.

—–

lemalfrancais_page320

9. Le Mal Français: page 320 – Il n’y a sans doute pas de pays au monde où les diplômes soient mieux respectés et leur validité aussi persistante.

Dịch: Có lẽ không có nước nào trên thế giới mà người ta lại tôn thờ bằng cấp như vậy và bằng cấp lại có giá trị bền bỉ đến thế.

Tổ Quốc Ăn Năn:  trang 52 và 53 – Hình như đối với người Việt bằng cấp là quan trọng nhất, và một con người trước hết được đánh giá qua những bằng cấp mà mình có. Bằng quí như thế nên tôi đã từng thấy những người “chơi bằng”. Họcó đủ loại bằng cấp… Bằng cấp đối với người Việt vì vậy có một tầm quan trọng rất đặc biệt.

—–

lemalfrancais_page414

10. Le Mal Français: page 414 – Ignorance de la géographie et de l’histoire. Que “le Français ignore la géographie” était passé en proverbe chez les étrangers.

Dịch: Dốt nát về địa lý và lịch sử – Bảo rằng «người Pháp dốt đặc về địa lý» đã thành câu tục ngữ cửa miệng của người nước ngoài.

Tổ Quốc Ăn Năn: trang 118 – Quan tâm về lịch sử, nghĩa là ý niệm quốc gia, đã tới chậm như vậy lại không được coi trọng. Sử bị bỏ rơi trong hơn hai thế kỷ… Cuối cùng chúng ta không biết rõ lịch sử của mình, mà còn bị tiêm nhiễm những nhận định rất lệch lạc.

—–

11.Le Mal Français: page 414 – Ignorance de la géographie et de l’histoire. Nous répugnons à admettre des progrès évidents. Nous vivons sur des stéréotypes anciens, sans nous demander s’ils ne sont pas devenus désuets. Par exemple: “Les Français ne lisent pas.” On cite une vieille statistique, toujours la même, d’avant le livre de poche.

Dịch: Ngu dốt về địa lý và lịch sử. Chúng ta không chịu thừa nhận sự tiến bộ hiển nhiên. Chúng ta sống theo những khuôn mẫu cũ mà không tự hỏi xem nó đã lỗi thời hay chưa. Ví dụ như « Người Pháp không chịu đọc »: Họ cứ nhai đi nhai lại mãi những con số thống kê cũ rích, từ cái thuở sách bỏ túi còn chưa ra đời.

Tổ Quốc Ăn Năn:  trang 107 và trang 109 – Phải nhìn nhận một sự thực đau lòng: chúng ta là một dân tộc không biết đọc, không biết viết và không biết nói. Người Việt không biết truyền thông, không biết đọc, không biết viết, v.v…

—–

lemalfrancais_page461

12.Le Mal Français: page 461 – Le propos de ce livre n’était pas d’établir un programme ou un “manifeste” mais de réfléchir et de faire réfléchir pour contribuer peut être, en suscitant un débat d’idées à nourrir les programmes et manifestes que d’autres, ensuite viendront élaborer.

Dịch: Mục đích của cuốn sách này không phải là để thiết lập một chương trình hay một “tuyên ngôn” mà là để ngẫm nghĩ, và khiến độc giả cùng ngẫm nghĩ, hy vọng tạo dịp trao đổi ý kiến, hầu đóng góp nuôi dưỡng những chương trình hay tuyên ngôn của những ai tiếp tục phát triển sau này.

Tổ Quốc Ăn Năn: trang XI – Cuốn sách này là một cuốn sách để thảo luận ý kiến, mục đích chỉ là đề xướng ra mà không kết thúc các cuộc thảo luận.

 —–

Trên đây là những đoạn chúng tôi trích lại khi đọc sách của ông Alain Peyrefitte và đem so sánh với những gì đã ghi trong Tổ Quốc Ăn Năn.

Đọc hết quyển sách của ông Alain Peyrefitte, độc giả sẽ nhận thấy rằng tác giả Tổ Quốc Ăn Năn:

– không những ăn cắp ý tưởng của Alain Peyrefitte;

– mà còn ăn cắp luôn cả cách bố cục các chương đoạn;

– cũng như ăn cắp luôn cả lối hành văn.

Tác giả Tổ Quốc Ăn Năn quả là một «thiên tài»  trong nghệ thuật lấy ý kiến của người khác làm khám phá của mình (mượn lời của ông trích trang 395, khi ông nói về Marx). Ông đã vi phạm cả bốn lỗi đạo văn mà chúng tôi đã nêu trên đây, trong phần định nghĩa từ ngữ đạo văn (plagiarize) của từ điển Merriam Webster.

Trong tương lai khi có điều kiện, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa thêm những bằng chứng đạo văn của tác giả Tổ Quốc Ăn Năn trong một mục khác.

Nhà chính trị đại tài hay chỉ là kẻ đạo văn hèn mọn?

Tổ Quốc Ăn Năn đã có thể trở thành một cuốn sách tham khảo đúng đắn cho độc giả tiếng Việt, nếu như tác giả ghi rõ nguồn xuất xứ những tài liệu ông đã dùng để dẫn chứng, nhất là ghi chú rõ ràng từng ý tưởng, từng câu văn đã trích trong đoạn nào, trang nào trong Le Mal Français!

Vì không có cơ hội và điều kiện tiếp cận được với ngoại ngữ Pháp nên có một số người đã ca tụng tác giả Tổ Quốc Ăn Năn hết lời. Họ nghĩ rằng tác giả là một người uyên bác, thông thái. Và từ đó họ xem cuốn sách này là một công trình khoa học lớn.

Thật sự, độc giả đã bị đánh lừa! Nhờ vào khả năng viết, ông đã khéo che giấu việc ông đã vay mượn quá nhiều ý tưởng của tác giả quyển Le Mal Français, Alain Peyrefitte, đến độ có thể xem đây là một bản sao chép. Chỉ vì muốn quơ hết vào mình công trình sáng tác của người khác nên ông đã lờ đi không ghi xuất xứ những sách tham khảo, viện cớ là không có thời giờ. Ông khinh thường độc giả không biết tiếng Pháp và đã thừa thắng xông lên ngạo mạn ghi trên giấy trắng mực đen rằng chủ yếu viết những gì mà mình biết và nghĩ chứ không viết dựa trên tài liệu tham khảo.

Chúng tôi xin ông đừng để cho những hậu duệ sau này phải mất công tìm kiếm, lật giở từng trang để xem ông đã ăn trộm bao nhiêu câu, bao nhiêu đoạn trong suốt 525 trang sách của ông Alain Peyrefitte. Xin ông đừng để nó trở thành một vết nhơ gây tiếng xấu cho giới trí thức Việt Nam mà chính ông đã từng chửi mắng và lên án họ là nô lệ ngoại bang, thiếu óc sáng tạo. Đúng như ông nói, đây là một sự dối trá khổng lồ!

Để tiếp tục che giấu việc đạo văn, tác giả Tổ Quốc Ăn Năn đã ngụy biện rằng “những người hoạt động chính trị, nếu không có thì giờ như trường hợp của tôi, không có bổn phận phải ghi dữ kiện lấy từ sách nào, chương nào, trang nào…” . (TQAN – trang 151). Tác giả Tổ Quốc Ăn Năn, trong suốt 617 trang, chỉ nhắc đến tên ông Alain Peyrefitte lướt qua như một thí dụ, đúng một lần ở trang 21 (Trích TQAN: Có những nhà nghiên cứu xã hội lớn, như Max Weber và Alain Peyrefitte không tin như vậy và giải thích bằng lý do văn hoá) và lấp liếm khi kể tên ông Alain Peyrefitte cùng với ông Max Weber mà không hề đề cập đến việc vay mượn văn của Le Mal Français. Mục đích chỉ để đề phòng, nếu sau này có ai đề cập đến việc đạo văn thì ông có thể ngụy biện là có nói đến tên tác giả này.

Ngoài ra ông có biệt tài mượn tên những người nổi tiếng để tạo trọng lượng cho sách của mình. Trong trang 575 và 576 cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, ông có nhắc đến cuốn sách “Vietnam, qu’as-tu fait de tes fils?” và nói rằng đã gặp và thảo luận với tác giả. Thay vì ghi là Pierre Darcourt, ông ghi là Pierre d’Harcourt. Điều này chứng tỏ ông không hề đọc quyển sách này và không tôn trọng ông Pierre Darcourt. Điều tối thiểu khi nhắc đến một tác phẩm thì phải ghi chính xác tên của tác giả. Ông đã không làm điều này. Độc giả có quyền đặt nghi vấn là ông có thực sự gặp tác giả này hay không, vì ông đã ghi sai tên của ông Pierre Darcourt không những một lần mà đến năm lần.

Trong những năm qua, chúng tôi và nhiều người đã lầm tưởng ông là một con đại bàng, nhưng ông đã lộ nguyên hình một con tu hú lén lút đi mượn tổ của Alain Peyrefitte. Đành rằng ông học thuộc bài vở của Trần Dân Tiên, nhưng xem ra trò này đã vượt xa trình độ của thầy xưa!

Để bước sang một năm mới trong tinh thần lương thiện và lành mạnh, lật sang một trang sử mới trong việc xây dựng tổ chức, tạo nấc thang cho tiến trình dân chủ hóa đất nước, chúng tôi mời tác giả Tổ Quốc Ăn Năn hoàn trả cho ông Alain Peyrefitte những gì của ông Alain Peyrefitte.

Nguyễn Gia Thưởng
Đầu năm Đinh Dậu (2017)

Nguồn: Thông Luận

[Lãnh Vực]

Tìm Kiếm