TỔNG-THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
CÓ TIỀN RIÊNG HAY KHÔNG?
Đây là một cảu hỏi mà hẳn nhiều người, cũng như tôi, đã thử tìm câu trả lời.
Tính đến hôm nay thì ta đã thấy có một số tài-liệu đáng chú ý:
I. TỔNG-THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM TRAO LƯƠNG HẰNG THÁNG CHO TỈNH-TRƯỞNG NGUYỄN ĐỨC XÍCH:
Ngày 4-10-2009, Nguyễn Phúc Bảo Ân <hoabinhdanchutudovietnam@gmail.com> đăng lên một số diễn-đàn liên-mạng bài-viết “Trung Tá Nguyễn Đức Xích: Người Tù Bất Khuất” trong đó có câu:
“Tổng Thống [Ngô Đình Diệm] thường hay gọi anh Xích lên, trao cho số tiền lương tổng thống hàng tháng và nói: “Cơm nước có người lo, tôi không cần tiền tiêu, anh mang về xem dân nghèo thì cho họ”.
Ngày 25-4-2011, Trương Minh Hòa <danchuleak@yahoo.com> đăng lên một số diễn-đàn liên-mạng bài-viết cũng có nhan đề như trên, và cùng một câu như trên.
Ý-Kiến: Trong năm 1957, tôi từ Huế vào Sài-Gòn tu-nghiệp nhiều tháng trước khi đi du-học Hoa-Kỳ, được nghe bạn-bè kể chuyện là Tổng-Thống Ngô Đình Diệm có nhiều lần đến ăn cơm tại tư-dinh của Thiếu-Tá Nguyễn Đức Xích, Tỉnh-Trưởng Tỉnh Gia-Định, vì Ông Xích là người quen thân từ Huế và Bà Xích nấu dọn các món ăn Huế hợp khẩu-vị của Tống-Thống. Cho nên việc Tổng-Thống Diệm trao tiền lương của mình cho Thiếu-Tá Xích là việc có thể tin được.
Tuy nhiên, nói là trao cho Thiếu-Tá Xích “số tiền lương tổng thống hàng tháng (tháng nào cũng thế)” thì tôi không tin.
II. TỔNG-THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM CHO BÀ NGÔ ĐÌNH NHU TIỀN MUA NỮ-TRANG:
Ngày 2-10-2009, Andrew Le <andrewle.08@gmail.com> đăng lên một số diễn-đàn liên-mạng bài-viết “Madam Trần Lệ Xuân hay bà Ngô Đình Nhu” trong đó có đoạn:
“Vào tháng 3/2002, luật sư Trương Phú Thứ có sang Paris chơi và đã đến thăm gia đình bà quả phụ Ngô Đình Nhu. Khi về lại Mỹ, luật sư Trương Phú Thứ đã viết một bài khá dài… cho biết, bà Nhu ở một mình trong căn nhà của một tòa nhà mới xây gần tháp Eiffel (Paris). Bà Nhu là chủ sở hữu 2 căn nhà ở trên tầng lầu thứ 11 của tòa nhà cao tầng ở khu vực có địa thế rất đẹp và đắt tiền nhất thủ đô Paris. Bà Nhu kể chuyện trước kia phải đại diện chính phủ tiếp đón phu nhân các vị quốc khanh mà chẳng có đến một món trang sức nên thấy thiếu sót. Nhân có bà vợ một ông bộ trưởng muốn bán mấy món đồ trang sức làm bằng đá đỏ (rubi), bàNhu có trình và xin ông Diệm số tiền là 6 ngàn đồng bạc Việt Nam thời đó (tương đương 6 triệu bây giờ) để mua lại. Tổng thống nghe lời giãi bày cũng hợp lý nhưng yêu cầu người bán phải viết một tờ giất biên nhận với đầy đủ lai lịch của những món đồ trang sức này.”
Trước đó, vào ngày 23-9-2009, bài-viết tương-tự cũng được đăng lên một số diễn-đàn liên-mạng nhưng với nhan đề “Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân bây giờ ra sao?” và thuật lại lời của chính Bà Ngô Đình Nhu:
“Có một bà bộ trưởng muốn bán số đá rubi trang sức, tôi xin Tổng thống Diệm số tiền 6 ngàn đồng, để mua lại. Ông bằng lòng, nhưng buộc phải viết giấy biên nhận, ghi đầy đủ lai lịch từng món. Đó là lần duy nhất ông Diệm cho tôi tiền, và bây giờ cũng không còn nhớ chúng thất lạc ở mô!”
Ý-Kiến: Tôi không thắc-mắc tại sao Bà Nhu không xin Ông Nhu, mà chỉ thắc-mắc tại sao Ông Ngô Đình Diệm đã biết Bà Nhu cần tiền (Ông Nhu không có?) mà lại không trao số tiền lương tổng-thống cho Ông hay Bà Ngô Đình Nhu, (dù là thỉnh-thoảng, một phần) mà lại đem trao hàng tháng cho Thiếu-Tá Nguyễn Đức Xích.
Vả lại, đã trao số tiền lương tổng thống hàng tháng cho Ông Xích, mà vẫn còn có 6,000 đồng để cho Bà Nhu, tức là Tổng-Thống Ngô Đình Diệm vẫn có một ngân-khoản khác để dùng. (Đương-nhiên tổng-thống nào mà không có một ngân-khoản [phụ cấp] đặc-biệt dành riêng cho chức-vụ của mình, ngoài số tiền lương.)
III. TỔNG-THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM CHO BÁC-SĨ LÊ KHẮC QUYẾN MỘT CHIẾC XE DU LỊCH HIỆU MERCEDES:
Ngày 16-7-2011, Thong Dang đăng lên một số diễn-đàn liên-mạng bài-viết “Bộ Mặt Thật của Thích Trí Quang” trong đó có đoạn:
“Lê Khắc Quyến Là Ai.
Ngay từ khi ông Diệm chưa về nước chấp chánh, năm 1952, BS Lê Khắc Quyến đã được gia đình nhà họ Ngô mời làm y sĩ riêng cho thân mẫu của ông Diệm. Đến khi ông Diệm về nước, làm thủ tướng, rồi làm tổng thống, quyền uy lừng lẫy một thời, ở ngoài Trung, ông LK Quyến ra vào dinh Phủ Cam hàng ngày như ra vào nhà của ông. Ngoài những ưu đãi về vật chất và thế lực chánh trị, LK Quyến còn được ông Diệm tặng riêng cho một chiếc xe du lịch hiệu Mercedes, trị gía khoảng 200.000 đồng. Thời kỳ 1955-56, loại xe này được qui định là xa xỉ phẩm, cấm nhập cảng cho quần chúng xử dụng. Xe đó thuộc chế độ ưu tiên nhập cảng,chỉ dành riêng cho chánh phủ và một số dân biểu gia nô trong quốc hội đệ nhất Cộng Hòa. Tưởng cũng nên nhắc lại một chút dữ kiện để bạn đọc trẻ tuổi ở hải ngoại dễ hình dung trị gía của số tiền 200.000 đồng VN thời 1955-56. Lúc ấy, người công chức chỉ được lãnh mỗi tháng khoảng 1.800 đồng. Với số lương đó, người ta có thể nuôi được vợ và một đứa con!”
Tình-cờ tôi dò trên Internet
Nguồn: http://phuongvy.com/next/Truyen/HDDinh/DRQuyen.htm
thì thấy có một bài-viết của Quế Chi, nhan đề “Chuyện ngày xưa…nhớ nhớ…quên quên” trong đó có đoạn:
“Ôn Đốc [Lê Khắc] Quyến là người có xe hơi đầu tiên trong xóm Thượng Tứ nhờ chính tài ba của Ôn. Tôi còn nhớ rất… và hình như chiếc xe Mercedes màu đen sau này, tôi được nghe nói là qùa tặng của Cậu [Ngô Đình] Cẩn vì Ôn Đốc đã chăm sóc tốt sức khỏe cho Bà Mẹ của Cậu và cũng là mẹ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.”
Ý-Kiến: Bác-Sĩ Lê Khắc Quyến là Giám-Đốc Bệnh-Viện Trung-Ương Huế, Giáo-Sư và Khoa-Trưởng đầu-tiên tại Đại-Học Y-Khoa Huế, tức cũng là một viên-chức chính-phủ, nhưng không được chính-phủ cấp xe Mercedes vì trọng-trách đó, mà lại được Tổng-Thống Ngô Đình Diệm hoặc Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn tặng [quà tặng riêng] chiếc xe đó vì “làm y sĩ riêng cho thân mẫu của ông Diệm [và ông Cẩn]”. Nếu Ông Diệm dùng ngân-khoản [phụ-cấp] của mình để mua xe đó, thì phụ-cấp hàng tháng của Ông Diệm phải lớn rất nhiều; còn nếu dùng công-quỹ thì không thể gọi nó là quà tặng riêng. Nếu Ông Cẩn đài-thọ chiếc xe đó (vì Ông Cẩnđược anh+chị+em giao-phó việc chăm-sóc mẹ già), mà Ông Cẩn thì không lãnh lương chính-phủ, vậy ông ấy lấy tiền đâu ra mà trả cho chiếc xe Mercedes xa xỉ phẩm 200.000 đồng ấy?
IV. TỔNG-THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM CÓ MỘT SỐ TIỀN RIÊNG:
Theo cựu Thiếu-Tá (sau này là Đại-Tá) Nguyễn Hữu Duệ, Phó Tư-Lệnh Lữ-Đoàn Liên-Binh Phòng-Vệ Phủ Tổng-Thống, trong cuốn “Nhớ Lại Những Những Ngày Ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm”, thì:
“Sau ngày đảo chánh, gặp ông Võ Văn Hải là Chánh Văn Phòng và cũng là người lo giữ tiền bạc của cải cho Ông (Ngô Đình Diệm), tôi hỏi ông Hải:
– Thế Cụ [Diệm] định khi về hưu thì ở đâu?… Ai lo cho Cụ.
– Cụ có tâm sự với tôi là sẽ về Huế ở với bà Cụ Cố. Nếu Cụ Cố chết sẽ vào tu ở Dòng Chúa Cứu Thế. Vì vậy, lương và phụ cấp của Cụ đều gửi Cho Cha Toánlà Quản Lý của Nhà Dòng…
– Thế lương và phụ cấp tất cả gửi Cha Toán được bao nhiêu?
– Hai triệu tám trăm ngàn (hay ba triệu vì lâu quá tôi không nhớ), số tiền này sau đảo chánh Hội Đồng Cách Mạng cho Trung Tướng Trần Văn Minh đến gặp Cha Toán để lấy về vì Trung Tướng Minh là người Công Giáo và cũng quen Cha Toán.”
và:
“Ngay sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát, Tôn Thất Đính gọi một sĩ quan… đến lục soát căn phòng của Tổng Thống và Ông Ngô Đình Nhu ở Dinh Gia Long…
“Trong phòng ông Nhu thì có… Sang phòng ngủ thì chỉ có $400.000 bạc Việt Nam ở trên cái kệ… Và đó là tài sản của Quý Vị đó ở dinh Gia Long.”
[Theo Thong Dang viết về chiếc xe Mercedes cho Lê Khắc Quyến nói trên thì với “200.000 đồng VN… Lúc ấy, người công chức chỉ được lãnh mỗi tháng khoảng 1.800 đồng. Với số lương đó, người ta có thể nuôi được vợ và một đứa con!” Vậy thì chỉ có $400,000 đồng để tạm trên cái kệ (chia cho $1,800) mà đã tương-đương với tiền lương cho 222 công-chức có vợ và một con.”]
IV. TƯỚNG NGUYỄN-KHÁNH TỐ-CÁO VỚI MỸ RẰNG TƯỚNG DƯƠNG-VĂN-MINH CHIẾM-ĐOẠT MỘT TRIỆU ĐÔ-LA VÀ 40 KÝ-LÔ VÀNG TỊCH-THU CỦA NHÀ NGÔ:
Ngày 16-4-2000, tạp-chí nổi tiếng “Time” của Mỹ đã đăng một bài-viết của sử-gia Douglas Brinkley, nhan đề “Of Ladders and Letters” (Về các Cầu Thang và các Văn-Thư), trong đó có đoạn:
“Một trong những tài-liệu kích-thích người đọc, mặc dù nằm ngoài nhiệm-kỳ của Tổng-Thống Ford―được tìm thấy trong chồng hồ-sơ của Ông Graham A. Martin, đại-sứ cuối-cùng của Mỹ tại Nam Việt-Nam―là một bức thư gây sửng-sốt vào năm 1964 của đại-sứ tiền-nhiệm là Henry Cabot Lodge dưới thời Tổng-ThốngJohnson, gửi Ngoại-Trưởng Dean Rusk. Văn-thư này hẳn làm cho các nhà viết sử về thời chiến-tranh lạnh phải ngạc-nhiên, với nội-dung:
‘Thư này dành riêng cho Tổng-Thống, (Bộ-Trưởng Quốc-Phòng) Bob Mc Namara, and các vị nào mà quý vị xét là cần biết đến. Nó dứt-khoát không phải là một đề-tài đáng lẽ được chuyển theo hệ-thống điện-tín…
Tướng [Nguyễn] Khánh nói với tôi vào ngày 25-5 [1964] rằng lúc [Tổng-Thống Ngô Đình] Diệm bị bắn chết thì Diệm đang cầm trong tay một cái cặp đựng một triệu đô-la tiền mặt ‘loại tiền giấy có giá-trị cao nhất’. Khánh nói rằng Tướng [Dương Văn] Minh chiếm đoạt cái cặp ấy và không bao giờ trình nạp. Khánh nói thêm là Tướng Minh đồng-thời cũng chiếm-đoạt 40 thỏi vàng nặng 40 ki-lô…’
Tôi khuyên Tướng Khánh không nên tiết-lộ chuyện này ra ngoài vì nó làm lung-lay lòng tin của công-chúng đã đặt vào tất cả các tướng-lãnh. Khánh hy-vọng rằng Tướng Minh sẽ rút lui êm-thắm.’
Ngày nay thì [nội dung] bức thư ấy có vẻ khó hiểu, nhưng một hình-ảnh lịch-sử sẽ khơi nhắc trí nhớ của chúng ta: đó là thi-hài của Tổng-Thống Nam Việt-NamDiệm và bào-đệ Ngô Đình Nhu, người cầm đầu mật-vụ, nằm còng-queo trên vũng máu ở Sài-Gòn vào ngày 2-11-1963.
Trước đó, chế-độ thối-nát của Diệm ở Nam Việt-Nam đã được Hoa-Kỳ chống-đỡ xem như là một bức tường thành ngăn-chặn cộng-sản Miền Bắc. Nhưng “nền cộng-hòa” của Diệm đã trở thành một mối khó-khăn cho chính-quyền Kennedy. Công-luận Hoa-Kỳ đã chống lại chế-độ [Diệm] sau vụ các nhà-sư Phật-Giáo tự-thiêu để phản-đối các đường-lối chuyên-quyền. Khi có một nhóm quân-nhân Nam Việt-Nam tỏ ý rằng họ sắp thực-hiện một cuộc đảo-chánh lật Diệm, Đại-Sứ Lodge đã nói rằng Hoa-Kỳ sẽ không ngăn-trở họ.
Nhưng phải chăng đã có bao gồm các động-cơ thúc-đẩy bằng tiền-tài?
Có nhiều cách để phân-tích bức thư kỳ-lạ này. Có thể là Tướng Khánh― viên tướng quyền-thế nhất tại Sài-Gòn―bịa-đặt ra câu chuyện này để đổ lỗi [gán tội] cho Tướng Minh (người được dân-chúng gọi là ‘Minh Cồ’), là đối-thủ chính của Khánh trong cuộc chính-biến lật Diệm. Một khả-thể khác là Diệm đã đượcCIA cấp tiền để thoát-thân, và đang trên đường chạy trốn thì bị bắt và giết chết.”
Nguồn: http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,43139,00.html
Nhận-Xét: Có 2 vấn-đề: 1 triệu đô-la, và 40 lượng vàng.
A– Về một triệu đô-la:
1/ Phía Việt-Nam, có nhiều bài-viết không đề-cập đến “cái cặp”. Chỉ riêng:
a. Lê Văn Bảy, do <yenvlink@gmail.com> phổ-biến trên một số diễn-đàn liên-mạng, ngày 29 Ocboter 2009, trích-yếu “Ai Giết Anh Em Ông Diệm” thì viết là “Thiếu tướng Mai Hữu Xuân đã đứng ở cửa xe thiết giáp mở cửa chờ sẵn. Mai Hữu Xuân lấy chiếc cặp da của Tổng thống Diệm từ tay tùy viên Đỗ Thọ rồi quay về xe riêng.”
b. Tuan Phan <ddpghh@yahoo.com> trong bài-viết đăng trên một số diễn-đàn liên-mạng, ngày 27-10-2010, trích-yếu “Ai chính thức được lệnh đón và ai được lệnh đưa anh em ông Diệm về cõi chết ngày 2-11-1963?” thì viết là:
“Tôi (Trung-Úy [sau này là Chuẩn-Tướng] Phan Hòa Hiệp) quay trở vô nhà thờ thì kịp lúc anh em ông Diệm và hai vị sĩ quan tùy tùng đang đứng chờ trước cửa.Đại úy [Dương Hiếu] Nghĩa đi theo và giựt lấy cái cập da (cạc táp) trên tay của Đại úy Đỗ Thọ rồi giao lại cho Thiếu tướng Mai Hữu Xuân đang đứng ở một gốc cây bên ngòai nhà thờ; tôi thấy có cả Đại tá Nguyễn Văn Quan nữa.”
Ý-Kiến: Phía Việt-Nam không ai biết bên trong “cái cặp” ấy có những gì. Nếu có cái cặp, thì, theo Lê Văn Bảy, Tướng Mai Hữu Xuân, đứng ở cửa xe thiết-giáp, đã lấy chiếc cặp da ấy từ tay Đỗ Thọ; nhưng theo Tuấn Phan, thì nó đã bị Đại-Úy Dương Hiếu Nghĩa giựt trên tay của Đỗ Thọ rồi giao lại cho Tướng Mai Hữu Xuân đang đứng ở một gốc cây. Ngoài ra, lúc ấy có cả Đại-Tá Dương Ngọc Lắm, Đại-Tá Nguyễn Văn Quan, cùng các đại-úy, có mặt tại chỗ. Cho nên, TướngXuân hẳn đã không thể không mở ra xem, và nếu trong đó mà có 1 triệu đô-la (kể cả ít hơn), thì Tướng Xuân (và, nếu Tướng Xuân giao lại cho Tướng Dương Văn Minh, thì Tướng Minh) hẳn không thể nào giấu nhẹm đi được; và, nếu Tướng Minh giấu riêng, thì Tướng Xuân không phải là người dại-khờ (mà không tố-cáo, hoặc không đòi chia?). Nhưng vấn-đề đặt ra không phải là: ai đã bỏ túi 1 triệu đô-la ấy (vì có kẻ cho rằng các Tướng “gian tham”), mà vấn-đề cốt-lõi là: Tổng-Thống Ngô Đình Diệm (mà có kẻ cho là “thanh-liêm”) đã có, nếu quả là thật, trong cặp mang theo trên đường chạy trốn, một triệu đô-la tiền mặt―Làm sao mà cósố tiền kếch-xù ấy, nếu không là gian tham?
2/ Phía Mỹ (tác-giả Douglas Brinkley kể trên) cho biết là, theo cựu đại-sứ Henry Cabot Lodge, Tướng Nguyễn Khánh đã mách với Lodge rằng Tướng Dương Văn Minh chiếm-đoạt trên tay của TT Diệm cái cặp đựng 1 triệu đô-la (lời tường-thuật này khác với lời kể của 2 tác-giả nêu trên). Nhưng chính Douglas Brinkley, người phát-hiện ra lời Khánh báo-cáo với Lodge, cũng đã bày-tỏ ý-kiến là có thể Tướng Khánh bịa-đặt chuyện này để bôi nhọ Tướng Minh là đối-thủ chính của mình. Brinkley cũng đặt giả-thuyết là CIA cấp tiền cho TT Ngô Đình Diệm để Diệm ra đi, và đang trên đường chạy trốn thì bị bắt và bị giết.
Ý-Kiến: -a) Về phần Tổng-Thống Ngô Đình Diệm thì, từ sau buổi sáng 1-11-1963, tiếp khách Hoa-Kỳ (Đại-Sứ Cabot Lodge hướng-dẫn Đô-Đốc Harry D. Felt, Tư-Lệnh Thái-Bình-Dương, vào thăm Ông Diệm) xong, Diệm vẫn chưa biết gì về biến-cố sắp xảy ra, rồi bị vây trong Dinh Gia-Long, rồi chạy trốn về nhà Ông Mã Tuyên, rồi qua nhà thờ Cha Tam, làm sao mà nhận được tiền của CIA? -b) Về phần Tướng Nguyễn Khánh, làm sao mà Khánh biết được trong cái cặp của TT Ngô Đình Diệm có một triệu đô-la tiền mặt, mà là loại tiền có trị-giá cao nhất? -c) Vào thời-điểm Tướng Khánh báo-cáo với Đại-Sứ Lodge, Khánh nắm mọi quyền cao nhất trong nước VNCH, nắm cả sinh-mạng của Tướng Dương Văn Minh trong tay, liệu Khánh có chịu để yên cho Minh nuốt lọt một triệu đô-la ấy, nếu có, hay không?
Tóm lại, một triệu đô-la là chuyện chưa được xác-nhận là có hay không.
B– Về 40 Ky-Lô Vàng Ròng:
Trong cuốn sách “Đôi Dòng Ghi Nhớ” của cựu Đại-Tá Phạm Bá Hoa, một nhân-chứng lịch-sử có độ khả-tín khó ai phản-bác, chúng ta đọc thấy một đoạn sau đây:
“… Vào hạ tuần tháng 8.1984, [Trung tướng] (Trần Thiện) Khiêm hỏi tôi [Phạm Bá Hoa]:
– Chú còn giữ mấy kí vàng đó không?
– Dạ còn, thưa Đại tướng.
– Bao nhiêu vậy?
– Dạ 10 kí vàng thoi.
– Chú liên lạc xem cơ quan nào nhận thì giao cho người ta, giữ hoài mất công lắm.
– Vâng, ngày mai tôi liên lạc xem cơ quan nào nhận, thưa Đại tướng.
Câu chuyện 10 kí lô vàng như thế này: Sau chỉnh lý vài tuần thì Trung tướng Khiêm bảo tôi gặp Trung tướng Dương văn Minh nhận vàng đem về cất chờ lệnh. Tôi đến tư dinh Trung tướng Minh ở đường Hồng Thập Tự, ông giao cho tôi cái túi xách màu xanh, cũ mèm, bên ngoài có chữ Air Việtnam:
– Anh mở ra xem và đếm lại coi có đủ 10 kí không?
– Tôi đếm thấy 10 thoi, trên mỗi thoi có ghi là 1 kí lô.
– Thưa Trung tướng, dạ có 10 thoi nhưng không biết có phải là 10 kí hay không thì tôi không rõ.
– Anh cứ mang về trình Trung tướng Khiêm đi chớ có cân đo gì đâu mà sợ.
– Vâng, chào Trung tướng.
Khi Trung tướng Khiêm xem xong:
– Chú cất trong tủ sắt để khi có cơ quan nào nhận thì giao cho họ.
Số vàng này theo tôi biết là do Trung tướng Đỗ cao Trí tịch thu tại nhà của ông Ngô đình Cẩn ở Huế, đem về giao cho Trung tướng Minh, và bây giờ Trung tướng Minh giao lại Trung tướng Khiêm…
Tôi đến ngân hàng quốc gia, mới biết đây chính là nơi nhận số tài sản đã tịch thu của gia đình họ Ngô…
Thủ tục giấy tờ xong, tôi được hướng dẫn xuống tầng hầm của ngân hàng quốc gia… đến chỗ cân trọng lượng…
Cả 10 thoi bù qua sớt lại vừa đúng 10 kí lô. Xong, đến trước cái tủ sắt thật lớn… lại mở thêm cái cửa bên trong nữa, một cái thúng lớn chứa đầy vàng lá óng ánh. Ông Giám đốc nói:
– Đây là 42 kí lô vàng lá do Ủy Ban Tịch Thu Tài Sản Gia Đình Họ Ngô bàn giao tháng trước đó, thiếu tá.
Và 10 kí vàng thoi này được đổ chung vào thùng vàng lá luôn…” [là 52 ki-lô vàng ròng.]
Nguồn: Phạm Bá Hoa. Đôi Dòng Ghi Nhớ. Houston: Ngày Nay (Ấn bản lần 3: 1998), trang 2-104-07
Ý-Kiến: Về tài-sản của gia-đình họ Ngô, không thấy có việc soát-xét tịch-thu gì tại nhà của Tổng-Giám-Mục Ngô Đình Thục, Ông+Bà Trần Trung Dung, và các thân-quyến khác của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, mà đây chỉ là tài-sản (bằng vàng ròng) tịch-thu được tại chỗ ở của TT Diệm (và Cố-Vấn Ngô Đình Nhu), và tại nhà của Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn.
Vậy thì:
– 10 ký vàng do Tướng Đỗ Cao Trí tịch-thu tại nhà Ông Ngô Đình Cẩn tại Huế đã được giao cho Tướng Dương Văn Minh, rồi Tướng Minh giao cho Tướng Trần Thiện Khiêm, rồi Tướng Khiêm phái Đại-Tá Phạm Bá Hoa mang đến nạp vào Ngân-Hàng Quốc-Gia.
– 42 kí lô vàng lá do Ủy Ban Tịch Thu Tài Sản Gia Đình Họ Ngô là tịch-thu tại Sài-Gòn, tại chỗ ở (Dinh Gia-Long) của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, tức là Tổng-Thống Diệm có số tài-sản riêng bằng vàng ròng như thế đó.
LÊ XUÂN NHUẬN